caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

vendredi 12 avril 2013

DÒNG TÓC BÊN ĐỜI truyện Đỗ Bình

                      truyện

DÒNG TÓC BÊN ĐỜI

Đỗ Bình


 Làn khói thuốc từ chiếc ống pipe lan tỏa trên khuôn mặt hằn  những nếp thời gian. Sợi khói biến ảo trong khoảng không tạo thành nhiều hình trừu tượng rồi loãng bay, có sợi len vào mái tóc ngả màu sương của nhà văn Thanh Lê, người nghệ sĩ có tâm hồn đa cảm. Ông hành nghề cầm ống nghe để nuôi nghiệp văn, ông mê văn chương, viết tiểu thuyết diễm tình, văn phong của ông thật bay bướm lả lướt, các nhân vật trong truyện được dàn dựng đầy kịch tính, sướt mướt, thế nhưng ở ngoài đời ông lại lận đận về đường tình ái nên vẫn độc thân ! Hồi còn trẻ ông rất đào hoa, là một y sĩ giỏi, một người lính gan dạ từng xông pha nơi chiến trường. Thuở đó ông rất tự tin, hơi chủ quan ỷ nhà giàu lại thành đạt thêm tính ham vui nên không thích lập gia đình sớm. Đến khi Miền Nam mất ông đâm ra thất vọng, chẳng còn thiết gì nữa đành nhắm mắt buông xuôi theo vận nước đẩy đưa, do đó ông cùng chung số phận với bao chiến hữu khác xách gói vào nhà tù ! Một hôm ông nói với mấy người bạn tù:

« -Bọn lưu manh chính trị đã thành công trong việc khai thác lòng thành của những kẻ say mê 'tà thuyết' để dẫm lên xương máu của người dân vô tội ! Bạo lực dù có mạnh đến đâu thì cũng  chỉ chiếm được đất chứ nào chinh phục được lòng người ? Ở một đất nước mà những người giỏi đều bị bắt nhốt tù hết thì làm sao đất nước đó phát triển ?!»
   Ở tù được một thời gian không lâu, vì nhu cầu thiếu chuyên viên kỹ thuật, nhà nước Cộng Sản buộc lòng phải thả một số ít chuyên viên kỹ thuật về sớm. Đốc tờ Thanh Lê thuộc diện nầy, nhưng tính ông rất thẳng lại phải nghe những điều trái tai giảng dạy từ cán bộ quản giáo nên ông thường hay lên tiếng « sửa sai» chỉnh lại những lời của quản giáo, điều đó đã khiến ông bị ghép tội chống đối, châm biếm chế độ, bởi thế ông bị nướng gần chục cuốn lịch và đã trải qua nhiều trại tù từ nam ra bắc. Khi đươc thả, ông vượt biên mà không chờ đi theo diện H.O sang Mỹ. Ông thích đi Pháp vì ngày trước ông đã học y khoa bên nầy, hơn nữa trong lòng ông vẫn còn mối hận đối với một số ít chính khách Mỹ, vì quyền lợi riêng tư đã phản bội quân đội Việt Nam Cộng Hòa, những người bạn từng sát cánh với người Mỹ chiến đấu vì lý tưởng tự do. Ông nghĩ : «Trên giải đất quê hương Việt Nam người Mỹ đã đổ quá nhiều xương máu. Họ đến mang theo niềm tin khơi mở cho sự tự do, như một tia sáng lóe lên trong đêm tối… rồi tắt ngấm ! Bỏ lạisau lưng một vực thẳn, một bầu trời đêm đen !…., Họ ra đi nhưng nơi đó vẫn còn những vết hằn sâu kín, những nỗi niềm ủ dột khiến những dòng nước mắt chảy mãi chưa khô ! ».
    Thuở mới học xong, về nước, ông có yêu đắm đuối một người con gái và cùng nàng thề non hẹn bể, nhưng bố mẹ của nàng ham giàu muốn gả nàng cho một thương gia khá tuổi, trí thức gốc Chợ Lớn. Nàng đau khổ muốn cự tuyệt cuộc hôn nhân nầy nên chạy đến tìm chàng mong cùng chàng thoát ly gia đình tìm phương trời xa ẩn náu để hưởng hạnh phúc. Nàng còn trong ngưỡng cửa gia đình, chưa có kinh nghiệm đời  nên cứ tưởng con tim muốn là được ! Nàng nghĩ đơn giản quá ! Đất nước đang lúc mịt mờ khói lửa chiến tranh nàng muốn ẩn náu nơi đâu để sống riêng hạnh phúc? Nhất là danh dự và thế lực bên gia đình người chồng tương lai nào để yên ? Vả lại gia đình chàng cũng đâu cho phép cậu con quí cướp vợ của kẻ khác? Cuộc tình đẹp nhưng bỗng tan vỡ một phần cũng lỗi tại chàng  cứ dùng dằng chưa muốn lập gia đình vì còn thích bay nhảy,  không muốn bị ràng buộc trách nhiệm nên chẳng chịu ngỏ lời xin cầu hôn trước ! Chàng viện dẫn là sắp trưng tập vào lính, đợi ra trường có chỗ ổn định mới nghĩ tới việc lập gia đình.  
     Biến cố Tết Mậu Thân là động cơ thúc đẩy chàng xin ra làm y sĩ cho một đơn vị tác chiến, mặc dầu đã có lệnh bổ nhiệm chàng về phục vụ tại một Quân Y viện thành phố. Chàng muốn đem chút sở học săn sóc và cứu chữa những thương binh ngoài mặt trận, họ là những người cùng lứa tuổi với chàng đang hiên ngang bước vào cõi chết, xem nhẹ bản thân mình để giữ an lành cho bao kẻ khác, trong số đó có xương máu của rất nhiều bạn bè thời thơ ấu cùng phố, cùng lớp với chàng đã hy sinh để chàng được an nhiên du học Pháp. Chàng không thể vì chút tình riêng mà thiếu trách nhiệm của người trai thời chiến, do đó chàng đã thành khẩn xin nàng thông cảm mà chờ đợi…Nàng đã hứa nhưng do áp lực của gia đình quá mạnh, bố mẹ nàng đã nhận quá nhiều ân huệ của phía họ, vì chữ hiếu nàng đã bóp nát trái tim mình mà đành phụ tình chàng!

       Ngày nàng lên xe hoa, chàng hoàn toàn không hay biết; chính thời điểm đó chàng đang hành quân ở Khe Sanh. Ở đây nỗi chết vờn quanh, mặt trận đang khốc liệt, đơn vị chàng ngày đêm chịu hàng ngàn trái pháo đủ loại trên ngọn đồi không cao quá 1000 mét. Đạn pháo rát quá khiến trực thăng tải thương không xuống được bãi đáp, xác những người lính gói trong poncho bày la liệt, mùi tử khí nồng nặc ! Rừng đêm sương xuống càng giá lạnh, gió núi thổi rì rào nghe não nề. Thỉnh thoảng những trái pháo rớt gần xé màn đêm, chớp sáng loáng trên những chiếc poncho chập chờn như những oan hồn ẩn hiện. Nhiều lúc tiếng mảnh pháo rớt cạnh sườn núi nghe rợn người, tuy có mỏi mệt nhưng chàng không nao núng dù chàng đã không ngủ mấy ngày liền vì phải lo cho những thương binh. Sáng nay, tiếng súng tạm ngưng vì đêm qua địch đã bị đẩy lùi. Chàng thầm nghĩ: «Thế là mình còn sống thêm một ngày sau những tuần lễ mưa pháo đạn hãi hùng…mình có thể lấy phép thường niên về Sài Gòn đưa em dạo phố». Chàng bước ra ngoài hầm trú ẩn, hít một hơi thật mạnh, bỗng chàng dừng lại ở phía giao thông hào… những xác binh sĩ vừa chết trận đêm qua chưa kịp gói đang co quắp. Chàng thở dài than thầm: «Chẳng biết đến bao giờ cuộc chiến nầy mới chấm dứt ?… Ở đây nỗi chết rình rập vờn quanh. Chiến trường quả là mồ chôn các chiến sĩ ! Ôi, chiến thắng nào mà không có máu và nước mắt !».
Chàng nhớ lại những ngày ở Pháp sắp về nước: "Hồi đó phong trào phản chiến khắp nơi đang âm ỉ sắp bùng lên. Những người hô hào đòi phản chiến họ chẳng biết gì về chiến tranh, họ chạy theo mode làm ra người trí thức đòi quyền sống cho nhân sinh. Họ là những người đã bị chủ nghĩa Cộng Sản làm mê hoặc qua nhãn hiệu “hòa bình,” nhưng thật ra họ sợ chiến tranh tước đoạt đi những quyền lợi của bản thân, họ không muốn hy sinh dù nhân danh bất cứ thứ gì,. Nếu tất cả người Mỹ, người Pháp đều phản chiến như họ thì ngày nay nước Mỹ vẫn chưa có độc lập và nước Pháp vẫn trong vòng kềm tỏa của Đức Quốc Xã ?".
Tiến về phía hàng rào nơi anh em lính đang chuyển những xác của đồng đội mà lòng chàng trào dâng tê tái, và thầm nghĩ: «Phải chăng chiến tranh là sự chém giết lẫn nhau của những người không quen biết để cho những người đã từng quen biết nhau đang ngồi chiếc ghế lãnh đạo ở Sài Gòn, Hà Nội hưởng lợi ? Trước hiểm họa của Cộng Sản thì dù cho có phải mất mát, hy sinh hơn. Cuộc chiến một mất một còn với Cộng Sản trong lúc này là cần thiết và chính đáng, chàng bằng lòng làm kẻ hy sinh cho lý tưởng tự do, chứ không phải vì những người ấy !».

      Những chiếc trực thăng tải thương xuống tấp nập, trong đó có những thực phẩm, quân trang, đạn dược và thư tín. Người lính mang đến cho chàng một xấp báo chí và mấy lá thư. Chàng vui sướng khi nhận được thư nhà và mở ra. Nhìn những hàng chữ trên thiệp hồng, chàng thấy choáng váng và buột miện than:
«Trời ơi, nàng đã đi lấy chồng !»
Chàng đau khổ, hồn thờ thẫn ! Ý định nghỉ phép về Sài Gòn vụt mất !…Từ đó chàng trở nên ít nói, ít cười và buông thả đời mình theo số mệnh. Mỗi lần về phép Sài Gòn chàng thường mượn men rượu, khói thuốc và đàn bà để quên tình ! Trong men say, chàng nói với bạn bè:

-«Đàn bà thì người nào thề thốt cũng hay cả…nhưng chẳng ai chung tình? Họ chỉ biết… tiền thôi !».
 Chàng cười ngặt nghẽo rồi gục trên vai người bạn, thiếp đi.
      Rồi biến cố tháng tư năm 1975 ụp xuống Miền Nam và đã cướp của chàng tất cả, trong đó có cuộc tình sầu !
Sau khi tù ra, chàng vượt biên đến Pháp tị nạn. Nhờ bạn bè cũ, chàng biết tin nàng đã cùng gia đình di tản sang Hồng Kông trước năm 75 và đang định cư ở Canada. Nàng vẫn sống với gia đình, chồng nàng tuổi đã cao nhưng vẫn trông coi một hiệu buôn lớn, còn hai đứa con nàng đã thành tài. Mãi đến mấy năm sau nàng mới biết tin chàng ở Pháp, nàng đáp máy bay qua thăm chàng. Chiều Paris nắng không đủ ấm da thỉnh thoảng có cơn gió se lạnh ! Con đường hẹn hò trở nên thơ mộng hơn ngày thường, lá thu rơi đầy lối đi như lát vàng làm ấm mối tình xưa. Gạp nhau mắt nàng đẫm lệ, nàng ngây ngất như đang sống lại thuở tìnhvới năm xưa. Nàng thỏ thẻ:
-« Xin anh tha lỗi cho em…,suốt mấy chục năm nay em sống như kẻ mất hồn !…Em sống chỉ vì con. Tâm hồn em đã gởi theo anh từ dạo đó…Chồng em biết nhưng không hề can dự đến chuyện riêng tư của em…và em vẫn giữ  trọn đạo làm vợ, làm mẹ cho đến ngày nay !»
Chàng nhìn nàng trìu mến nói:
-« Anh nào dám trách em !...Chuyện ngày đó chúng mình dang dở, nếu có trách…là trách anh…Tại anh lúc đó chưa có ý thức sâu xa về hạnh phúc! »
Mắt đẫm lệ, nàng hỏi:
          -« Chắc bây giờ anh hiểu thế nào là hạnh phúc?!»
Chàng ngước lên bầu trời, nhìn những áng mây bay ở cuối chân trời, ánh mắt chàng xa vời nói:
-« Bây giờ không những anh hiểu... mà còn thấm em ạ ! Em xem đám mây trắng lờ lững cuối trời,  nó đẹp quá em nhỉ ? Hạnh phúc thì cũng chỉ là áng mây, thứ điểm trang cho bầu trời, nó muôn sắc, bồng bềnh sương khói thật...rồi một thoáng cũng tan biến !»
Nàng rầu mặt buồn bã hỏi:
          -«Mấy chục năm gặp lại, anh có vẻ bi quan quá ?!»
Chàng nhún vai trả lời:
-« Chẳng phải bi quan đâu em !  Đây chỉ là kinh nghiệm sống mà anh đã trải qua…chiến tranh, tù đày và biệt xứ đã dạy anh hiểu thế nào là chân giá trị của sự hạnh phúc ! Có bao giờ em nghĩ hạnh phúc chỉ là niềm mơ ước ? Anh đã từng ôm những ước mơ lớn nhưng chỉ là giấc mơ hư !Và có những ước mơ nhỏ nhoi dù đó là ước mơ ăn được củ khoai nóng những lúc đói khát trong tù ?»
Nàng nhìn chàng thương xót, nàng nghĩ :
«Có lẽ những năm tù đày khốn khổ đã cướp mất tính hồn nhiên yêu đời của chàng?!».

Mắt nàng tha thiết nói :
-« Em muốn giúp anh một số vốn để anh dời phòng mạch về trung tâm ngưới Á Châu? »
Chàng chua chát cười :
-« Xin cảm ơn lòng tốt của em.Tình yêu là thứ cao qúy nhất mà anh chẳng giữ được, tiền bạc cho lắm xuôi tay cũng thành sương khói?! Vả lại anh chỉ là thày thuốc của các bệnh nhân, chứ đâu là bác sĩ chỉ đặc biệt dành riêng cho người nào, dù là Á Châu hay Âu Mỹ !»
Biết mình lỡ lời, nhưng nàng vẫn cảm thấy nghèn nghẹn vì lòng tốt của mình đã bị hiểu lầm nên nàng cố dằn tự ái …và chuyển câu chuyện. Nàng không muốn bao năm chờ đợi, giờ tìm được nhau để rồi sẽ vĩnh viễn mất nhau !:
-« Em dạo này già rồi nên nói năng vô duyên ! Nhiều lúc còn hay quên nữa !»
Chàng ngắm nàng ánh mắt trìu mến, và tha thiết nói:
 -« Không phải thế đâu em ! Giọng em còn trong, thanh âm ngọt ngào...và nhất là em còn trẻ đẹp lắm !…Nhan sắc nầy vẫn còn quyến rủ với đời cỡ mười, mười lăm năm nữa !»
Như một phép lạ, nàng bỗng cảm mình trở lại tuổi đôi mươi, tâm hồn đầy hưng phấn, sự ấm áp của tình yêu thuở ban đầu. Những giọt nưóc mắt sung sướng đã trào ra, nàng khép vội bờ mi nhưng nước mắt vẫn ứa đầy ! Nàng yên lặng tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc mà tưởng chừng không bao giờ gặp lại cái giây phút mà nàng đã đợi chờ suốt mấy chục năm. Nàng biết thời gian vẫn chưa làm dung nhan nàng phai tàn, nhưng lại không tự tin khi dúng trước chàng ! Nàng rất hồi hộp và lo sợ, sợ khi gặp lại chàng sẽ chê già. Nàng run run thỏ thẻ:
-«Em…vẫn còn…yêu anh !»
Chàng cảm thấy đôi mắt cay, nhưng cố nén xúc động và giữ khoảng cách:
-«Anh cũng thế!»
Nàng quá xúc động bật khóc nức nở :
 -«Tại sao anh không lập gia đình ?»       
Chàng thở dài trầm giọng :
-«Trái tim anh một nửa cho quê hương và một nửa cho em, tất cả đã xa khỏi tầm tay thì anh còn thiết tha gì nữa mà lập gia đình ?!»
Hàng cây bên đường hình như thấu cảm cho mối tình ngang trái nên khẽ reo lên trong gió và buông đầy lá vàng. Nàng nức nở khóc và ngã vào cánh tay chàng. Nàng khóc ướt đẫm vạt áo chàng, nàng ôm chặt chàng và quên mất ngoại cảnh. Chàng cứ để cho nàng khóc…Khóc cho bõ nhớ nhung, cho cuộc tình vơi đi những muộn phiền đã chồng chất tháng ngày !
Chàng ôm chặt nàng như sợ mất, và thầm nghĩ
-«Tình ơi ta vì em và yêu em, ta khôngmuốn em lầm lỗi đánh mất sự tinh khiết !»
Chàng không muốn mình trở thành kẻ phạm tội làm khổ đời nàng thêm một lần nữa nên mạnh dạn buông nàng ra khỏi cánh tay và trân trọng tha thiết nói:
-«Anh biết suốt mấy chục năm em âm thầm đau khổ, nhưng em vẫn là người vợ tốt, người mẹ hiền. Anh hy vọng rằng em cứ giữ mãi đạo nghĩa đó. …Tấm lòng của em dành cho anh,...anh xin ghi khắc. Và dù mai nầy ở bất cứ phương trời nào anh vẫn nhớ em, xin em hãy giữ lại cuộc tình, và trân trọng nó để tình ta mãi đẹp như bài thơ anh đã viết tặng em ! »
Nàng như tỉnh giấc mơ vội lau nước mắt, môi nhỏe nụ cười buồn:
-«Biết được lòng anh, em cảm thấy tình yêu của mình đầy ý nghĩa... đâu cần phải sống chung mới là hạnh phúc...Em đã hiểu được cái hạnh phúc đích thực trong ý nghĩ anh....Dù anh chỉ cho em có nửa trái tim, còn em cho anh cả tâm hồn, nhưng cả hai chúng ta đều chung một hạnh phúc !»
Hai người nắmchặt tay nhau đồng cười to lên vì đã hòa tâm ý, và từ đó họ không còn gặp nhau nữa nhưng tình vẫn bên nhau ./.
                                                              
Đỗ Bình

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire