caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 2 juin 2013

Đỗ Bình "NHỮNG NỖI ĐAM MÊ"


Kính gởi Diễn Đàn
ĐB
Tôi thường nghĩ: « Một tác phẩm ở bất cứ một thể loại nào dù là văn học hay nghệ thuật giá trị đích thực không hẳn ở lời khen tiếng chê ; mà tùy thuộc vào tác phẩm có thực đi vào lòng người hay không. Tuy nhiên người đời vẫn lầm lẫn gữa tác phẩm và nhân cách tác giả ! Người nghệ sĩ và tác phẩm là hai thực thể tách rời nhau nhưng lại khắn khít, có chung một niềm bất hạnh chứa đầy rủi ro, đôi khi bị vùi dập vì ngộ nhận ! Tâm hồn nghệ sĩ rất phóng khoáng, bao dung, yêu thiên nhiên, yêu tha nhân, yêu cuộc đời cho dù đời muôn cay đắng, thì nghệ sĩ chân chính  vẫn  yêu nghệ thuật và yêu tự do như hơi thở mạng sống.


NHỮNG NỖI ĐAM MÊ

                                                                                            Đỗ Bình
Trời vào xuân hoa lá chớm nở, đường phố Paris rợp ngát cây xanh. Ở những khu vườn cảnh (jardin d’agrement) những cây Đỗ quyên, Pieris, Hortensia đua nhau nở hoa rất đẹp, nhưng khi hoa tàn lá vẫn còn đẹp tạo màu sắc cảnh vườn quyến rũ. Màu xanh tươi của lá non, màu vàng rực rỡ của hoa Forsythia, màu hoa đào thắm cùng với sắc màu của những loài hoa khác

Paris nếu nhìn từ trên cao như một tấm thảm muôn sắc. Màu vàng rực rỡ của hoa Forsythia làm tôi nhớ đến những nụ mai vàng của quê hương và cũng gợi lại màu lá thu Paris. Mùa thu ở đây tuyệt đẹp những hàng cây phong (Erable) màu lá vàng rực rỡ như những thỏi vàng phản chiếu trong nắng. Cây Erable có  nguồn gốc từ phía bắc Trung Hoa, những cành đầy lá vàng chen lẫn những cây Sequoia màu lá hồng bắt nguồn từ vùng California và Nevada Hoa Kỳ, những loại phong này làm tăng vẻ đẹp Paris. Nói về Thu làm tôi gợi nhớ một kỷ niệm đẹp về lầnTao Ngộ mà các bạn văn nghệ sĩ đã góp phần dệt lên bức tranh muôn sắc đó. Hôm nay nhận được CD «ThuTình Thương» thơ Phương Du, Phạm Đình Liên phổ nhạc. Nhà thơ Phương Du giải thích :«bài thơ đã sáng tác rất công phu «thơ tứ tuyệt độc vận – ‘ương’ với tất cả tấm lòng để chào đón các bạn ở phương xa và đuợc đọc để khai mạc chuong trình Thu Tao Ngộ». Thơ nhạc quyện ý nhau lại được hòa âm phối khí tuyệt vời, cùng với giọng hát hay,  hy vọng nhạc phẩm sẽ lưu lại với dòng thời gian. Tại sao chúng tôi lại lưu luyến Thu Tao Ngộ mà làm thơ, soạn nhạc, ra CD, viết nhiều trang sách báo về mùa kỷ niệm đó ? Có lẽ Thu Tao Ngộ bắt nguồn từ tình cảm của những tâm hồn nghệ sĩ thiết tha văn hóa, yêu văn học nghệ thuật rồi tìm đến với nhau ? Chúng tôi dù cùng đi chung con đường để phụng sự Chân, Thiện, Mỹ, nhưng mỗi người mỗi lãnh vực. Trong khi Paris thì đa dạng về bản sắc nhưng lại thuần nhất về tâm hồn, có lẽ thế Paris  được mệnh danh là  mảnh đất của văn học nghệ  thuật của thế  giới. Các văn sĩ ở phương xa, có người đã từng đến Paris nhiều lần, có người chỉ mới đến lần đầu, nhưng tất cả đều muốn đến thăm Paris và nhân dịp trình bày tác phẩm mới, đồng thời cũng muốn thăm một số bằng hữu văn nghệ sĩ lão thành mà trong số đó có người tình trạng sức khỏe kém ! Đó là những khuôn mặt có một thời vang bóng, có lẽ đối với giới văn nghệ sĩ và khách hâm mộ vẫn còn giữ ít nhiều kỷ niệm về họ, nhưng họ lại rất xa lạ với thế hệ sinh trưởng sau này ở xứ người !  Những khuôn mặt văn nghệ ở Paris thì nhiều, nhưng người mà các bạn phương xa muốn gặp : Nhà văn Hồ Trường An, GS Võ Thu Tịnh, GS, họa sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, Học giả TS Thái Văn Kiểm, BS, nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu, TS, nhà thơ Hoài Việt Nguyễn văn Hướng, GS, nhà biên khảo Bùi Sĩ Thành, Nhà văn Nguyễn Văn Nhẫm, GS, nghệ sĩ Bích Thuận, GS Phạm Thị Nhung, Nữ nghệ sĩ Diệu Khánh, Nữ điêu khắc gia Anh Trần, GS, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, nhạc sĩ Phạm Đình Liên, nhạc sĩ, Anh Việt Thanh, nhạc sĩ Minh Sơn, và người bạn cũ là tôi.
   Buổi sinh hoạt văn hóa hôm ấy được các trí thức văn nghệ sĩ ở Paris nhiệt tình khen ngợi nên đã đến tham dự dù nhiều người tuổi đã cao, có người tuổi đã ngoài 90 nhưng vẫn hiện diện như bày tỏ lời chào mừng các bạn đến thăm Paris. Sau lần tao ngộ đó các vị : Giáo sư học giả Võ Thu Tịnh, GS nhà biên khảo Bùi Sĩ Thành, Nhà văn Nguyễn Văn Nhẫm, Nữ điêu khắc gia Anh Trần đã từ giã bạn hữu, vĩnh viễn ra đi về cõi vĩnh hằng ! Học giả TSThái Văn Kiểm trở về quê hương và lưu lại đó dưỡng già hết đoạn cuối đời, GS Minh Châu Thái Hặc Oanh tuổi đời chồng chất, nay ngồi nhìn số tranh và xấp bản thảo thơ chưa in !
. Đối với các bạn văn nghệ sĩ phương xa như Mỹ, Canada và Âu Châu, có lẽ các bạn khó có thể  tập hợp đông đủ những khuôn mặt thân quen cùng ý tưởng ở các tiểu bang khác nhau trên xứ Mỹ và các nước khác lại chung chuyến sang thăm Paris để tạo nên  mùa Thu Tao Ngộ đầy kỷ niệm mang tính đặc biệt đó. Phần chúng tôi, do tuổi đời và sức khỏe cũng khó có thể thực hiện một Thu Tao Ngộ khác ! Trong suốt mấy chục năm sinh hoạt văn hóa ở Paris, chúng tôi đã từng tổ chức nhiều sinh hoạt , đã từng đón tiếp các bạn văn nghệ  sĩ ở khắp nơi từ phương xa đến, và cũng có nhiều loạt bài văn thơ, báo chí khắp nơi nói đến. Riêng tuần báo Đại Chúng ở W.DC có lần đã tặng bằng cách cho in một số đặc biệt một sinh hoạt mang chủ đề: «Bên Trời Tưởng Nhớ». Thật là qúy hóa và trận trọng hai chữ «Văn Hóa». Thu Tao Ngộ lần này cũng được báo chí khắp nơi đăng tải, đặc biệt tạp chí Văn học Nghệ thuật Cỏ Thơm ở miền Hoa Thịnh Đốn đã dành cho nhiều bài viết trong số đặc biệt. Các văn thi nhạc sĩ đã cùng nhau sáng tác nói lên tâm tình mùa kỷ niệm mà mãi đến hôm nay sang năm khác, mùa mới vẫn nhắc lại Thu xưa.
 Tôi xin phép được thông qua phần văn học, mà chỉ nói phần văn nghệ của Thu Tao Ngộ, vì toàn bộ chương trình buổi sinh hoạt đã được thu hình nghệ thuật do BS Phan Văn Thành phu quân nhà văn Tiểu Thu thực hiện, đây là một món quà lưu niệm mà anh chị trước khi trở về Canada trao tặng. Có lẽ các bạn phương xa ít có dịp biết đến những ca sĩ được chọn trong chương trình này ? Như các bạn đã biết Paris là thủ đô ánh sáng của thế giới ; là nơi hòa nhập mọi màu sắc của nhiều nền văn hóa nên những bản sắc riêng luôn được tôn trọng, nhưng lại khó mà tách rời đứng riêng một cõi. Các phương tiện truyền thông như TV, radio bằng tiếng Việt như ở Mỹ, Canada, Úc, lại không có ! Hơn nữa người Việt ở  Pháp lại sống rải rác khắp nơi, không tập trung như Cali, Houston ;W.DC…do đó muốn quảng bá đến công chúng là vấn đề nhiêu khê ! Những ca sĩ ở Paris dù được giới hâm mộ ca ngợi, nhưng vẫn trong vòng kín ấy, báo chí ít nói đến, do đó những tài năng đành thầm lặng ! Ở Paris có hai nhà văn và một nhà dân tộc nhạc học (Éthnologie) viết sách, viết báo nói về nghệ sĩ và sân khấu. Người thứ nhất là nhà báo, nhà văn Trần Trung Quân, ông còn là nhà soạn giả, tác giả nhiều cuốn tiểu thuyết trong đó có viết về Sân Khấu Cải Lương. Người thứ hai là nhà văn Hồ trường An, ông đã xuất bản được gần 60 tác phẩm thuộc nhiều thể loại gồm 22 truyện dài, 12 tập truyện ngắn, 22 tập biên khảo và 2 tập thơ : Năm 2009 ông bị tai biến mạch máu não nặng, toàn thân bất động, lúc đầu không nói được, và trí nhớ cũng quên ! Sau một thời gian điều trị trí nhớ của ông được khôi phục và đã dần dần nói được dù rất khó khăn, hiện nay ông đã nói được như xưa. Chưa lúc nào nhà văn Hồ Trường An ham sống hơn lúc này, vì ông còn thiết tha đến văn chương, nặng nợ chữ nghĩa, vì có những mộng ước hoàn thành ! Do đó ông đã cố tập luyện để khắc phục bệnh tật, nhờ quá yêu văn học nghị lực đã giúp ông vượt qua những khó khăn để thực hiện được hai tác phẩm biên khảo chỉ gõ máy bằng một ngón tay,  đó là cuốn Núi Cao Vực Thẩm, viết về 9 vóc dáng văn học VN của Thế Kỷ 20, và cuốn : Ảnh Trường Kịch Giới, ký ức về điện ảnh VN. Trong số tác phẩm có những cuốn nói về giới ca sĩ như : Theo Chân Những Tiếng Hát, (1998 Tổ hợp xb Miền Đông HK), Chân Dung Những Tiếng Hát (2000, nxb Tân Văn Đông kinh). Người thứ ba là nhà dân tộc nhạc học Trần Quang Hải, tác giả những sách về Âm Nhạc Dân Tộc, ở thập niên 90 đầu 2000 của thế kỷ trước, ông viết nhiều bài báo về sinh hoạt âm nhạc ở hải ngoại liên quan đến sân khấu và giới nghệ sĩ.

Chúng tôi chọn những khuôn mặt hát cho Thu Tao Ngộ là nhìn ở góc độ văn hóa, những nhạc phẩm chọn lọc đã nổi tiếng vang bóng một thời, phần nghệ thuật cao. Ngoài những ca sĩ trẻ, hôm đó chúng tôi còn giới thiệu những tiếng hát mà có người tuổi đã hơn 80, những giọng ca của dĩ vãng nhưng tâm hồn yêu văn nghệ vẫn không ngừng hát. Xin được nói vài nét về ít người thuộc những giọng ca đó :
Ca sĩ Oanh Oanh mệnh danh là  người đẹp trên làn sóng, một thời vàng son trên đài Pháp Á Sài Gòn năm xưa vào cuối thập niên 40, đầu thập niên 50, mặc dù tuổi đời cao nhưng nghệ sĩ Oanh Oanh vẫn không quên sân khấu, rời xa tiếng hát. Giọng hát đã vượt thời gian đến với những người hâm mộ năm xưa có mặt trong hội trường hôm nay như một lời cảm ơn đầy tha thiết qua bài lừng danh:  Serenata của  Enrico Toselli.
 Ca sĩ Minh Cầm, người trong hoàng phái, học dương cầm từ lúc còn nhỏ, cùng thời với Hà Thanh, nhưng vì thuở ấy cô sinh viên tài sắc vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Huế 59, mới được bổ nhiệm đi dạy học thì đâu dám cất tiếng hát lời ca ?! Cũng may sau đó Minh Cầm theo chồng là GSTS Phạm Đình Liên sang Pháp định cư, những năm đầu ở Paris Minh Cầm theo học piano tại nhạc viện. Vào những thập niêm 50, 60 của thế kỷ trước người việt ở Paris rất ít nên ngôn ngữ sử dụng hàng ngày là tiếng bản xứ. GS Phạm Đình Liên qua Pháp du học năm 1954, thời gian học ở Đại Học Khoa Học Paris  anh còn theo học guitare và hòa âm với ông GS  Romain Worsech trong 3 năm, tiếp theo với GS Ida Presti, bà này đứng trh nhì sau Andres Segovia.Tác phẩm đầu tay mang tên : Hẹn Một Ngày về viết nnăm 1957 để tặng người yêu Minh Cầm lúc đó còn ở que nhà. Sau nhiều năm sống ở Paris,  anh chị Phạm Đình Liên dời về dạy vật lý tại đại học Grenoble nên tiếng hát, tiếng đàn theo dòng thời gian loãng đi ! Cho đến năm 1999 anh chị Phạm Đình Liên về lại Paris, lúc đó mới có cơ hội tiếp xúc với người việt đông đảo, và máu văn nghệ bừng lại. Năm 2004 Câu Lạc bộ Văn Hóa VN Paris đã tổ chức tại trung tâm văn hóa FIAP một buổi văn học nghệ thuật về đề tài Hán Nôm do học giả Đỗ Thông Minh từ Tokyo sang diễn thuyết, đồng thời ra mắt CD Việt Nam Mến Yêu  với tiếng hát Minh Cầm và phần nhạc đệm của nhạc sĩ Phạm Đình Liên. Buổi sinh hoạt quy tụ hơn 400 khách mời trong giới văn học nghệ thuật. Tiếp năm 2005 Minh Cầm cho ra đời thêm Việt Nam Mến Yêu 2. Với hai CD đủ để thỏa ước vọng của người yêu tiếng hát điệu nhạc. Trong âm nhạc có những dấu luyến láy, ngân thì cũng có dấu lặng,  Minh Cầm cũng thế, từ chất giọng Soprano tiếng hát trong trẻo vút cao bỗng bị bệnh tắt thanh rất khó khăn khi đàm thoại ! Đang là con chim sơn ca líu lo bỗng tắt tiếng hót, chỉ còn thều thào, chị rất khổ tâm ! Nhưng nhờ ý chí phấn đấu của chị  rất mãnh liệt:“Phải cất tiếng hát cho đời thêm hân hoan” Minh Cầm đã bỏ thì giờ đi luyện thanh, tập lại những âm thanh bập bẹ ban đầu, chị rất can đảm vượt qua những khó khó của tuổi đời, và cố gắng tập nói và sau đó tập hát. Chị theo học thêm đàn dương cầm của một vài nhạc sĩ Jazz  hầu giữ  niềm tin, củng cố sức mạnh ý chí rằng âm nhạc sẽ giúp chị có lại âm thanh, và Minh Cầm đã thành công. Chúng tôi chọn chị hát trong chương trình nhằm khuyến khích và cũng để cho những khách từng hâm mộ tiếng hát chị ở Paris hiện có mặt trong Thu Tao Ngộ vẫn lưu luyến: Một tiếng hát vẫn còn. Hiện nay Minh Cầm đã khôi phục lại giọng nói, cặp Minh Cầm Phạn Đình Liên vẫn góp mặt trong những sinh hoạt văn nghệ Paris.
Tiếp theo tôi xin nói đến ca sĩ Đỗ Qyuên, chị là con của BS Phạm khắc Hy vị đại sứ NVCH đầu tiên ở Paris. Đỗ Quyên theo gia đình qua Pháp từ lức còn nhỏ, ngay từ thập niên 50 thuở còn bé Đỗ Quyên may mắn trời phú cho một chất giọng tốt, âm vực rộng và cao được gia đình cho học piano, nhưng Đỗ Quyên lớn lên lại theo ngành quản trị xí nghiệp. Đỗ Quyên giỏi tiếng Pháp hơn tiếng Việt, thấm nhuần văn hóa tây phương nên chỉ biết những nhạc phẩm Pháp, và hát chẳng khác gì ca sĩ Pháp. Đỗ Quyên kết hôn với một người đồng hương là giáo sư đại học dạy toán ở Paris. GSTS Nguyễn Ngọc Minh đi du học lúc còn rất trẻ, tính của anh trầm lặng ít nói, ngôn ngữ hàng ngày là Pháp ngữ, dù tiếng Việt nói rất gỏi. Riêng Đỗ Quyên mãi đến sau năm 1975 nhờ  tiếp xúc với nhiều người đồng hương, chị mới dần dần thông thạo tiếng Việt. Anh chị cư ngụ trong khu vực sang trọng nhất Paris, lại hiếu khách nên rất đông bạn bè lui tới. Đỗ Quyên là người rất đam mê văn nghệ, thích nhạc Việt nên đã theo học hát một số thày người đồng hương, nhưng những thày giỏi thì thường khó tính, bắt chị tập lại căn bản đòi hỏi thời gian dài luyện tập, nhưng chị chỉ muốn hát ngay để vui với các bạn. Chị tự tin mình hát hay nên không cần tập luyện lâu, do đó các thày của chị đành chào từ giã !  Dù bị chối từ chị vẫn không bỏ cuộc, lại tìm đến các thày dạy nhạc hàm thụ, cấp tốc. Ở đây chị học thêm nhạc lý và luyện ngón đàn piano. Âm nhạc là môn nghệ thuật dễ cảm nhận qua âm thanh nhưng khó bắt chước, nhất là  phần kỹ  thuật. Nhưng từ kỹ thuật đến nghệ thuật là một khoảng cách dài, tkhông phải muốn là được ! Sự say mê đã khiến chị có ảo tưởng tiếng hát của mình sẽ ngân vút tận trời, và Đỗ Quyên ao ước muốn mang số vốn âm nhạc học được trình làng trên một sâu khấu đầy ánh đèn màu, hát cho công chúng là người đồng hương thưởng thức. Dịp may đã đến, chị được mời tham gia trong một chương trình văn học nghệ thuật ở Paris. Sau buổi trình diễn ấy nhiều cây bút đã viết về buổi sinh hoạt, trong đó có đoạn của Hàn lâm GSTS Lê Mộng Nguyên viết về chị : «Ca khúc được trình bày do cô Đỗ Quyên…». Từ ngữ « » thay vì dùng từ  «ca sĩ », bài viết từ một nhạc sĩ tiền chiến đang giữ mục phê bình văn học nghệ thuật trên nguyệt san Nghệ Thuật ở Canada do nhạc sĩ Lê Dinh làm chủ nhiệm, đã khiến cho Đỗ Quyên choáng váng vì tự ái ! Ở Paris có một số cây bút chuyên phê bình văn học nghệ thuật được mọi người trong giới làm văn học nghệ thuật qúy trọng: Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc (sang Úc định cư), Đặng Tiến, và những cây bút vừa sáng tác vừa viết phê bình: Nguyễn Thùy, Hồ Trường An, Lê Mộng Nguyên, Phan Huy Đường, TS Trương Thị Liễu, tác giả cuốn : Phân Tâm Học và Phê Bình Văn Học...vv….Từ bài báo đó đã khiến Đỗ Quyên phải kiểm nghiệm lại khả năng của mình so với lời nhận xét của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên. Nhưng phải mất một thời gian sự tự ái của chị dần dần lắng xuống và đã chuyển hóa thành lòng tự trọng biết qúy trọng sự thật. Chị đã cảm ơn sự giải thích của tôi, và cho biết sẽ quyết tâm đi học nhạc lại từ đầu. Đỗ Quyên đã ghi danh vào nhạc viện Neuilly theo học ngành Opéra nhiều năm với các giáo sư âm nhạc nổi tiếng ở Paris: Bà Intammusso, Bà Nicole Rivière và đã tốt nghiệp năm 2008. Với chất giọng Soprano ca sĩ Đỗ Quyên đã trình bày không micro tại những nhà hát thính phòng Paris nhiều nhạc phẩm cổ điển của các đại nhạc sĩ: Mozart( Le Noche di Figaro), Hendel (Largo Opéra «Xerxes»), Bizet (Carmen),  trích đoạn: Les Voiles Opéra Don Carlos của Verdi…vv…Từ một người thích hát để trở thành ca sĩ Đỗ Quyên đã trải qua biết bao thử thách và bỏ vào âm nhạc tâm óc một thời gian khá dài. Có lẽ bây giờ Đỗ Quyên đã ngộ nên không còn quan tâm lắm đến cái «danh», mà chỉ chú tâm trên mặt nghệ thuật.

Thời xưa người nghệ sáng tác hay trình diễn thường để giải bày những ẩn tình sâu kín trong tâm hồn, hay đưa ra những thông điệp nhằm hướng dẫn người khác theo con đường Chân, Thiện, Mỹ, cho đúng với châm ngôn «Dĩ Văn Tải Đạo». Ngày nay khoa học đã tiến bộ vượt bực khiến con người có dịp xét lại lại quá khứ nên nhiều quan niệm về những giá trị đạo đức, thẩm mỹ cũng có nhiều thay đổi. Trong cuộc sống, con người khi đã đầy đủ về vật chất thì tinh thần cũng thôi thúc đòi hỏi nhiều hơn và lãnh vực văn học nghệ thuật cũng thay đổi theo quy luật tiến hóa. Do đó, hôm nay người thưởng thức và người đọc ngày càng nhiều, và trình độ kiến thức của họ rất cao rộng, vì thế những người làm văn học và nghệ thuật lại càng thận trọng hơn ! Người nghệ sĩ nếu được người đời trao tặng cho Cái Danh vì thực tài thì nên cảm ơn người và ơn đời. Phải biết trân qúy nó, rèn luyện đều để giữ cái «thực» hương thơm chung cho đời, nhất là biết tiết chế, tránh để chất nghệ thuật héo tàn ; làm giới hâm mộ thất vọng ! Những Tâm Hồn nghệ sĩ, chẳng phải đợi đến lúc sáng tác hay trình diễn trên sân khấu lúc đó mới thành nghệ sĩ, và cũng chẳng phải viết nhiều cho có số lượng, mà chỉ cần một số ít tác phẩm chắt lọc, đắc ý thì cũng đủ ý nghĩa cho đời. Trong văn học nghệ thuật Việt Nam và thế giới đã có biết bao người thành danh chỉ dăm bài thơ, ít nhạc phẩm hay vài cuốn sách. Nhưng nếu tác giả còn nguồn cảm hứng dạt dào thì nên sáng tác nhiều tác phẩm  về những điều giá trị làm đẹp cho đời. Những tâm hồn được gọi là nghệ sĩ trước tiên phải chân thật với lòng mình, biết tự trọng, sau đó biết rung cảm trước ngoại cảnh để ngoại cảnh hoà với tâm cảnh cảm được cái đẹp của thiên nhiên, cái hay của đời, và cái tiềm ẩn sâu lắng trong con người ? Hát cho đời thêm hân hoan có lẽ chính là động cơ giúp cho những ai muốn tâm hồn mình vui tươi trong cõi âm nhạc đầy màu sắc âm thanh của giai điệu. Trong thế giới mơ mộng của nghệ sĩ, hồn ta nào khác như một ánh sao băng thoáng trên bầu trời thăm thẳm, hay từ một hành tinh xa xăm nào đó lạc xuống trần, rồi đọng trên kẽ lá thành những hạt sương mai. Nhưng chẳng may, hoặc vô tình có ngọn gió lướt qua lay động cành cây làm vỡ những viên ngọc trời ; thành muôn mảnh ! Thì trước khi tan biến, nó vẫn dựng lên cái huy hoàng của bình minh.
Đỗ Bình

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire