caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 29 octobre 2013

Chút tưởng nhớ đến nghệ sĩ Hùng Cường ( ST.2)

Chút tưởng nhớ đến nghệ sĩ Hùng Cường ( ST.2)

Mời đọc:




Người cháu giữ mộ phần nghệ sĩ Hùng Cường




   Người có nhiều vợ và bồ nhất Sài Gòn: Từ nghệ sĩ tài hoa đến ngôi mộ nhỏ ven đường(kỳ cuối)






(LĐĐS) -

Thứ ba 10/09/2013 14:42




Đứng bên mộ ông - một ngôi mộ nhỏ ven con đường
làng ở một vùng quê xa xôi, không được nhiều người biết đến, người ta có
thể chiêm nghiệm được nhiều điều về cuộc đời...



Một giọng ca vàng kéo dài gần 2 thập kỷ
trên sân khấu Sài Gòn, một cơn “sóng thần” trên sân khấu cải lương suốt
hơn 10 năm, một tài tử điện ảnh ăn khách ở Hòn ngọc Viễn Đông, một
“thanh gươm giữa rừng hoa” với bao bóng hồng luôn vây quanh..., cuối
cùng rồi Hùng Cường cũng “xiêm y trả lại cho sân khấu” để trở về lòng
đất.


Chuyện ở chùa nghệ sĩ


Chùa nghệ sĩ (còn có tên Nhựt Quang Tự, Phật Quang Tự) tọa lạc tại
phường 11, quận Gò Vấp, TPHCM. Đây là ngôi chùa có nghĩa trang dành
riêng để an táng các nghệ sĩ cải lương.


Hiện tại chùa đã có khoảng 460 ngôi mộ và hơn 500 lọ cốt của các nghệ
sĩ cải lương quá cố. Những mộ nằm lâu năm sẽ được hoả táng đưa vào 2
tháp cốt trong sân chùa.


Chùa được xây dựng năm 1958, do nghệ sĩ Phùng Há đề xuất mua đất để làm nơi yên nghỉ cho những nghệ sĩ cải lương.


Nghĩa trang trong khuôn viên chùa là nơi an táng những nghệ sĩ danh
tiếng cũng như ít được biết đến sau khi qua đời. Có thể kể đến các nghệ
sĩ như: Năm Châu, Ba Vân, Thanh Nga, Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Bảy Cao,
Đức Lợi..., những soạn giả như Hoa Phượng, Hà Triều, Phùng Há, Thu An...


Không những chỉ an táng các nghệ sĩ cải lương từ trần trong nước, các
nghệ sĩ người Việt từ trần từ nước ngoài cũng xin được mang hài cốt và
hình ảnh về chùa nghệ sĩ thờ cúng như: Tư Út (ông đồng thời cũng là
người đầu tiên được chôn cất tại đây), Hữu Phước, Hùng Cường... Hùng
Cường là nghệ sĩ cải lương duy nhất có mộ và bàn thờ trong chùa nghệ sĩ
nhưng lại không có hài cốt (hoặc tro cốt) để trong chùa.


Năm 1996, Hùng Cường đổ bệnh nặng, do những di chứng của bệnh tiểu đường, rồi qua đời cùng năm đó tại California, Hoa Kỳ.


Theo ước nguyện cuối cùng của ông, người vợ sau cùng và 2 đứa con của
bà với Hùng Cường đã hỏa táng và đưa tro cốt của ông về an táng tại quê
nhà ở ấp Phú Thành, xã Quới Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.


Trước khi đưa tro cốt ông về an táng ở quê nhà, những người bạn nghệ
sĩ của ông ở TPHCM đã thể hiện tấm lòng của mình đối với người bạn diễn
năm nào bằng cách để tro cốt ông lưu lại tại chùa nghệ sĩ mấy ngày để
đồng nghiệp gần xa tới viếng ông lần cuối. Đồng thời họ cũng làm 1 ngôi
mộ tượng trưng cho ông trong nghĩa trang nhà chùa.


Người ta kể lại rằng, trong những ngày tro cốt của Hùng Cường lưu tại
nhà chùa, có mấy lần thấy người lạ không phải trong giới sân khấu lấp
ló ngoài cửa chùa. Khi hỏi ra mới biết đó là những người tình và những
đứa con rơi của Hùng Cường ngày trước, đến để xin cho đứa con được để
tang cha...


Tất nhiên là chẳng ai hẹp hòi về chuyện đó, nhất là ai cũng hiểu chuyện của Hùng Cường trước đây khi còn ở Sài Gòn.


Bây giờ thỉnh thoảng có những người không phải trong giới nghệ sĩ đến
đây đốt nhang, có người đứng rưng rưng nước mắt thật lâu. Những người
am hiểu cho biết đó từng là người tình hoặc con rơi của Hùng Cường đang
sống đâu đó ở Sài Gòn hoặc các tỉnh, thành ở miền Nam.



Ngôi mộ nhỏ ven đường làng


Từ TP.Bến Tre đi theo tỉnh lộ 884 gần 20km là đến xã Quới Thành thuộc
huyện Châu Thành, nơi có mộ của Hùng Cường. Hỏi thăm một thanh niên đi
đường, anh ta lạ lẫm không biết Hùng Cường là ai. Tôi sực nhớ anh ta
không biết Hùng Cường là phải, vì lúc Hùng Cường nổi tiếng, người thanh
niên này chưa ra đời.


Hỏi thăm một người đàn ông tuổi chừng 60, ông cũng không biết mộ, mặc dù trước đây ông rất ái mộ nghệ sĩ Hùng Cường.


Tôi điện thoại hỏi Hội Văn nghệ Bến Tre, có người chỉ: “Chú quay lại
chỗ ngôi chùa Số Một rồi quẹo trái vô chừng hơn cây số, chịu khó để ý
quan sát bên trái sẽ thấy mộ Hùng Cường”.


Nhờ lời chỉ dẫn, tôi đã không khó nhận ra một khu mộ nằm ven đường,
mà từ ngoài đường đứng nhìn vào tôi đã thấy tấm hình và cái tên “Trần
Kim Cường – Nghệ sĩ Hùng Cường” trên bia mộ.


Bước vào ngôi nhà vách lá xiêu vẹo gần kề khu mộ, nhìn lên bàn thờ
trên nóc tủ, tôi thấy tấm ảnh của người đàn ông có khuôn mặt hao hao
giống Hùng Cường. Chủ nhà là anh Trần Thanh Thu, cháu gọi Hùng Cường
bằng cậu.


Anh Thu cho biết, vợ chồng anh được giao cai quản, khai thác hơn 1ha
vườn, đồng thời anh có nhiệm vụ coi sóc khu mộ. Hai tấm ảnh trên nóc tủ
thờ là các cụ thân sinh của Hùng Cường.


Theo lời anh Thu, ông Trần Văn Thả - cha của Hùng Cường - được cho đi
học ở Sài Gòn, rồi trở thành thủy thủ tàu viễn dương. Trên con tàu bôn
ba khắp thế giới, một lần ông Thả ghé lại cảng Hải Phòng và gặp bà Thạch
Thị Hảo từ Hà Nội xuống Hải Phòng nghỉ hè...


Sau đó cô gái họ Thạch đã rời đất Thăng Long về làm dâu Bến Tre. Ông
Thả và bà Hảo sống ở Bến Tre không lâu, sau đó ông thôi nghề thủy thủ
lênh đênh trên biển, mua nhà định cư ở Sài Gòn. Hai ông bà sống hạnh
phúc suốt đời, sinh được 8 người con, người thứ hai là Trần Kim Cường,
tức nghệ sĩ Hùng Cường sau này.


Đưa tôi ra thăm khu mộ, vừa đi anh Thu vừa nói: “Chỉ trong 2 năm 1986
- 1987, cả cha và mẹ của cậu Hai đã lần lượt qua đời, cậu Hai không có
mặt để chịu tang, điều đó đã làm cậu Hai rất đau buồn, cộng với chứng
bệnh tiểu đường, càng làm cho cậu suy sụp...”. Có thể đó là một phần
nguyên nhân làm cho Hùng Cường qua đời khi tuổi chưa quá cao.


Khu mộ được xây cất đơn giản, nền lót gạch Tàu, các nấm mộ được tô đá
rửa... Anh Thu cho biết, Hùng Cường trước khi chết có dặn người thân
làm mộ cho mình giống hệt mộ cha mẹ, vì vậy mà các con ông dù không
thiếu tiền bạc cũng phải làm mộ cho cha khiêm tốn giống như mộ của ông
bà ngày trước.


Vậy là kể từ đó trong khu mộ có 3 ngôi giống hệt nhau, hai ngôi mộ
nằm song song, còn ngôi mộ thứ ba nằm ngay dưới chân của 2 ngôi mộ kia.


Chiều bên em


Điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời Hùng Cường có lẽ là ông đã không
tỉnh táo, sáng suốt để lựa chọn bước đi đúng đắn trong một giai đoạn khó
khăn đặc thù của đất nước.


Ông đã rời bỏ quê hương, rời bỏ môi trường nghệ thuật đã làm nên tên
tuổi của ông, rời bỏ những người hâm mộ để định cư ở một nơi xa lạ với
nghệ thuật cải lương truyền thống mà ông hết lòng sáng tạo.


Về việc này, những đồng nghiệp của Hùng Cường đã có cách hành xử sáng
suốt, đáng kính trọng hơn ông rất nhiều, như Bạch Tuyết, Thanh Sang,
Tấn Tài, Minh Cảnh, Minh Phụng, Thẩm Thúy Hằng, Ngọc Giàu, Lý Huỳnh,
Phương Quang... và rất nhiều người khác nữa. Họ tiếp tục gắn bó với quê
hương, đem tài năng của mình phục vụ quê hương, công chúng, để rồi tài
năng của họ ngày càng chói sáng, càng được khán giả mến mộ.


Rời khỏi mảnh đất quê hương, tài năng nghệ thuật của Hùng Cường như
cá rời khỏi nước, đã trở nên lu mờ, chứ không tiếp tục sáng lấp lánh như
người bạn diễn ăn ý nhất của ông là Bạch Tuyết ở Việt Nam.


Vì vậy mà không khó hiểu khi hình ảnh của ông đã phai mờ dần trong
lòng người hâm mộ, đến nỗi sau khi ông qua đời, được đưa về an nghỉ trên
đất của gia tộc ở Bến Tre, nhưng rất ít người Bến Tre biết tới điều đó.


Người Sài Gòn và các nơi khác lại càng ít biết hơn, ngoài người thân
trong gia đình và bạn bè thân hữu, hầu như quanh năm không có người hâm
mộ nào biết ông nằm đó mà đến viếng. Âu cũng là sự công bằng của cuộc
đời.


Trong những năm dài chiêm nghiệm từ cuộc sống tha hương, có lẽ ông đã
thấm thía nên những năm cuối đời ông rất khát khao được trở về quê
hương sống trong lòng người hâm mộ ở quê nhà. Thế nhưng diễm phúc đó đã
không đến được với ông, bệnh tật đã quật ngã, không cho ông cơ hội.


Ông không được may mắn như những nghệ sĩ cùng hoàn cảnh như Hương
Lan, Elvis Phương, Chế Linh, Giao Linh..., họ đã có được niềm hạnh phúc
lớn lao cuối đời khi được trở về sống trong lòng người hâm mộ trên đất
mẹ quê hương tuy chịu nhiều khổ đau vì bom đạn chiến tranh nhưng luôn
rộng mở, bao dung với mọi đứa con.


Dù cuối cùng Hùng Cường cũng được đất mẹ ôm trọn thân xác vào lòng,
nhưng cái cách mà ông trở về ngã vào lòng mẹ hiền quê hương vẫn làm cho
chúng ta bồi hồi, ngậm ngùi, luyến tiếc!

Nguồn: Đọc báo trong nước
http://laodong.com.vn/van-hoa/nguoi-co-nhieu-vo-va-bo-nhat-sai-gon-tu-nghe-si-tai-hoa-den-ngoi-mo-nho-ven-duongky-cuoi/137171.bld

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire