caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

lundi 28 octobre 2013

Mời xem: Nhà văn Nguyễn Mộng Giác/ Bước đầu của tên du ca: Nỗi băn khoăn của Kim Dung

Mời xem: Nhà văn Nguyễn Mộng Giác
http://phannguyenartist.blogspot.com/


Phần Một - Bước đầu của tên du ca: Nỗi băn khoăn của Kim Dung
(Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung - Phần Một)

Gạt bỏ tất cả mọi thành kiến tự tôn, ta thấy phải công nhận tiểu thuyết Kim Dung ảnh hưởng lớn lao đến nếp sống tinh thần người Việt hiện nay. Tạo được đam mê cho đám đông đâu phải dễ dàng. Với máu trước mắt và lửa sau lưng, con người có thể dẫn mình vào những hành động bất cần, không suy tính. Nhưng khi khói súng nhạt và hào khí hạ xuống, tàn lụi như lửa rơm, người ta chỉ còn lại nỗi chán chường thụ động.

Chỉ có Kim Dung là nhà văn ngoại quốc giữ được sự đam mê thường xuyên đó. Tất cả những người biết đọc đều say mê từ Cô gái đồ long cho đến Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Lục mạch thần kiếm, Tiếu ngạo giang hồ. Độc giả nhật báo tăng hay giảm tùy theo báo đó đăng Lộc đỉnh ký nhanh hay chậm. Dòng chữ cáo lỗi: VÌ MÁY BAY HỒNG KÔNG KHÔNG QUA KỊP... nhiều khi làm độc giả buồn hơn là tin vật giá leo thang, phân suất kiệm ước, thảm sát khủng bố. Mấy năm trước, tờ báo độc nhất cố gắng không chìu độc giả thân mến của bổn báo là Chính luận. Nhật báo có uy tín nầy nhất định không chịu đăng Tiếu ngạo giang hồ. Rồi sau một cuộc đình bản ngắn, cuối cùng Chính Luận cũng phải mở rộng cửa đón tiếp đôi tình nhân Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung.

Bây giờ, hầu hết các báo đều có đăng Lộc đỉnh ký.
Trong tâm trạng chán chường mệt mỏi của đám đông, cái đám đông đã một thời mê tiếng hát trác táng của Bích Chiêu, cái đám đông đang lắng nghe một cách trân trọng tiếng hát mệt mỏi bất cần của Khánh Ly, bất cứ sự đam mê nào cũng có ý nghĩa tâm lý và xã hội khác thường.
Có người đã gọi đó là hiện tượng, một biến chứng của cuộc chiến. Trong không khí căng thẳng của những tranh chấp nội bộ và áp lực chính trị ngoại lai, nếu đôi lúc người Việt thoát ly ra ngoài được cái tê dại lười lĩnh, cái chai đá ù lì của tâm hồn, chắc họ phải thấy lạc lõng băn khoăn. Nếu những bước đường hành hiệp của các kiếm sĩ trong tiểu thuyết Kim Dung có tác dụng nhất thời làm họ quên được những phiền nhiễu của cuộc sống thực thì ít ra, tận cùng thâm sâu của tâm thức, có cái gì gần gũi, thật gần gũi giữa Kim Dung và chúng ta. Nỗi băn khoăn của Kim Dung chắc chắn giống nỗi băn khoăn của chúng ta, và sự lạc lõng bơ vơ của ông cũng phải giống với hoàn cảnh tâm trạng chúng ta. Chắc chắn phải vậy.
Nhưng nỗi băn khoăn đó là nỗi băn khoăn gì?
Thật ra ban đầu, Kim Dung chưa từng có sự xao xuyến do dự nào. Băn khoăn là một cách hoài nghi. Mà ban đầu, như một nhà văn Trung Hoa theo truyền thống văn dĩ tải đạo, Kim Dung phân biệt thật rõ ràng thiện và ác, chính và tà. Trong Võ lâm ngũ bá, người đọc có cảm tưởng đang nghe lời thuyết giáo của một đồ đệ Khổng Khưu, Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo. Nhân vật đúng là một biểu tượng, thuần túy là một biểu tượng, vì họ có một cá tính duy nhất. Nhân vật đều hoàn toàn, hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Dĩ nhiên kẻ xấu phải trả giá đắt cho ác tính và kẻ tốt qua bao nhiêu gian nan nhất thời, đương nhiên hưởng thụ vinh hoa phú quý với một giá hời. Nhân vật vì vậy hoàn toàn biệt lập, chưa từng bị hoàn cảnh chi phối.
Cho đến khi viết Cô gái đồ long, vấn đề phân biệt thiện ác chính tà mới được trình bày theo một nhãn quan khác. Có những nhân vật qua vài hành động tàn bạo cuồng sát ban đầu, ta tưởng có thể xếp vào loại ác. Chẳng hạn như trường hợp Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn.
Khi nghe Trương Thúy Sơn bênh vực cho thứ luân lý truyền thống:
"Hành hiệp trường nghĩa để thân trường chính nghĩa, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo".
Tạ Tốn cười ha hả hỏi lại:
" Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo ư? Thật là nói bậy. Phái Võ Đang của người chỉ thích đọc sách Trang tử, chắc người nào cũng học thuộc lòng sách ấy phải không?
Nếu vậy, tôi hãy hỏi Ngũ hiệp câu này: Người có địa vị cao nhất trên thế gian này là Hoàng đế. Mà Hoàng đế vẫn chưa phải người toàn đức, vì trận đại chiến ở cánh đồng Trác Lộc, Hoàng đế đã khiến máu chảy trăm dặm. Ngoài Hoàng đé ra, còn sáu người nữa được thiên hạ cho là người cao cả nhất thời là: Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Võ Vương, Văn Vương. Nhưng sáu người ấy đều có những hành vi khả ố cả, vẫn không thể gọi là những kẻ toàn được. Mấy lời ấy là nghĩa lý gì? Ngũ hiệp có hiểu không? Hoàng đế là đại thánh nhân, đại hiền quân như vậy mà còn giết người đổ máu hàng trăm dặm. Tôi giết có mấy người, máu chảy có một bước thôi, như vậy vẫn chưa thể nói là tàn bạo được"
(Cô gái đồ long trang 3 II)
Con người có quan niệm đó, dám nghi ngờ huyền thoại cao tột của đạo đức, tất nhiên không cần nương tay giết người. Để báo thù nhà, Kim Mao Sư Vương chém giết bừa bãi, tạo cảnh máu sông xương núi trong chốn võ lâm. Mà chém giết nào có lý do chính đáng hợp lý cho cam. Tiếng rú của Tạ Tốn, cũng như bom đạn và trái phá vốn không có tim và mắt, đâu có phân biệt được người thiện kẻ ác. Tất cả quần hào có mặt ở Vương Bàn sơn, ngược hẳn với nhân quả, đều phải chết để giữ bí mật cho con đao đồ long.
Với hành động cuồng sát như vậy, tất nhiên Kim Mao Sư Vương phải là kẻ đi ngược đạo lý, chà đạp nhân phẩm. Nhưng càng về sau, thành kiến ban đầu của độc giả đã thay đổi. Nếu xét hành động cuồng sát của Tạ Tốn trong dây chuyền biến cố của đời ông (sự phản trắc của sư phụ, cái chết bi thảm của gia đình, cuộc sống trơ trọi trong hận thù chất chồng) nghĩa là xem Tạ Tốn là con người sống trọn vẹn với ràng buộc của hoàn cảnh, và chỉ là con thú cùng quẫn trước sự nghiệt ngã của đời, thì ông không còn là ác tinh nữa. Ác tinh là Lão Tặc Thiên, nếu thật sự có một Lão Tặc Thiên. Trong khi chờ đợi xác nhận một nghi vấn siêu hình, Tạ Tốn cảnh cáo chú bé Vô Kỵ: "Lòng người đời rất nham hiểm, trừ cha mẹ ra, con đừng tin ai hết. Ai cũng định tâm hại con đó" (Cô gái đồ long trang 404).
Một nhân vật nữa cũng đứng trong tranh tối tranh sáng như vậy là Hân Tố Tố. Ra tay tàn sát tất cả già trẻ trai gái súc vật trong Long môn tiêu cục, chỉ vì Tống tiêu đầu phạm một lỗi lầm mà chính nàng cũng công nhận là không tránh khỏi, Hân Tố Tố chắc chắn không thể đứng ngang hàng kế cận với Võ Đang thất hiệp. Cách hành sự quỷ quyệt và độc ác, bất chấp trật tự, tôn ti đạo lý, Hân cô nương chính là nhân vật tượng trưng cho cái tà. Sắc đẹp của nàng không cứu vãn được nhân cách, mà còn làm tăng thêm nguy hiểm cho cạm bẫy.
Nhưng Lão Tặc Thiên lại đẩy đưa cho Trương thúy Sơn, Hân Tố Tố cùng Tạ Tốn sống chung với nhau trên Băng hỏa đảo, và trong những lúc nguy khốn, cái ác của Tố Tố lại hữu hiệu hơn cái thiện của Thúy Sơn. Thúy Sơn trở nên cố chấp, ngượng nghịu khôi hài trước nghịch cảnh trong khi Tố Tố lại quyền biến. Cuộc sống tách xa khỏi cơ cấu xã hội, vượt ra ngoài thành kiến đó được Hân Tố Tố xem là cuộc sống lý tưởng thần tiên. Nhưng Tạ Tốn còn một mối thù phải trả, và Vô Kỵ cần phải trở về xã hội loài người để mai sau lập gia đình. Phải về Trung nguyên! Bấy giờ Tố Tố mới thực sự tranh chấp đối đầu với chính phái.
Ác giả ác báo, tất cả cao thủ võ lâm chính phái cũng dựa vào thứ công lý trường cửu đó mới ngầm nhau tụ hội ở núi Võ Đang. Dù họ lấy danh nghĩa chúc thọ Trương chân nhân, nhưng như nhận xét chua xót của Võ Đang ngũ hiệp, đi chúc thọ một Võ Lâm Bắc đẩu mà lễ vật đều là thổ sản tầm thường dưới chân núi và người nào cũng giấu đao kiếm, quả thật phe chính cũng biết nói dối, và hơn thế nữa, không cần che đậy sự dối trá lộ liễu. Đằng sau cái chiêu bài chúc thọ, tất cả chính phải lên núi Võ Đang vì nghe tin vợ chồng Thúy Sơn trở về. Phái Thiếu lâm đến để vấn tội Thúy Sơn, kẻ bị quàng cho trách nhiệm cái chết thê thảm gia đình Tống tiêu đầu, nguyên là đệ tử xuất gia của Thiếu Lâm. Các môn phái khác cũng tụ họp ở Võ Đang để hỏi tông tích Tạ Tốn đòi nợ máu kẻ đã giết sư phụ, ái thê hoặc huynh đệ của họ. Cao đẹp thay những kẻ thế thiên hành đạo. Vậy mà, những lý do cao đẹp vừa kể, vẫn còn là một chiêu bài. Động cơ chính của tất cả mọi anh hùng hào kiệt chính phái không phải là thù nhà, không phải là hành hiệp trượng nghĩa, không phải là thi hành công lý nhân danh xã hội con người. Đằng sau lớp sơn lòe loẹt, là tham vọng chiếm được con đao đồ long, để nếm hương vị đệ nhất cao thủ võ lâm.
Hóa ra cái chết của vợ chồng Trương Thúy Sơn là cái chết vô nghĩa. Thúy Sơn tự vận vì chính khí hấp thụ ở Trương chân nhân, mà cũng vì tin rằng tất cả danh môn chính phái đến đây để vấn tội kẻ bạo sát. Còn Hân Tố Tố, sáng suốt hơn, thấy rõ mục tiêu đê hèn của mọi người, nhưng cũng tự vận, vì thương chồng và chán chường ghê tởm sự giả dối của bọn ngụy đạo đức. Cái chết của vợ chồng Thúy Sơn xóa mờ luôn ranh giới giữa thiện và ác, chính và tà.
Từ đó về sau, độc giả đôi lúc phải dừng lại để tự vấn lương tâm. Nếu sự phân cách giữa đạo đức và giả ngụy rõ ràng phân minh và nếu nhân vật chỉ là một biểu tượng như truyền thống văn học cổ điển, người đọc nào thương xót cho Tố Tố, cảm phục cho hào khí của Tạ Tốn, Dương Tiêu, nhất định họ đã bán linh hồn cho quỷ. Kết luận như vậy là hồ đồ và giả thiết như vậy là quá lạc quan.
Thật vậy, chúng ta phải nhìn sự việc bằng cái nhìn của Vô Kỵ, cái nhìn trong sáng chưa từng bị thành kiến chi phối, chưa bị ảnh hưởng lệch lạc của xã hội. Bằng trực giác và lương tâm, Vô Kỵ phân biệt chính tà theo lối riêng của mình.
Khi bọn Nhuệ Kinh Kỳ thuộc ma giáo bị đại bại trước các chính phái Nga My, Côn Luân, Không Động, Võ Đang, chưởng môn Nga My là Diệt Tuyệt sư thái quát bảo bọn ma giáo rằng:
- Các người của ma giáo hãy nghe ta nói đây, ai muốn sống sót cứ việc lên tiếng van lơn thì ta tha chết cho ngay.
Ngờ đâu, bà vừa nói xong, lạ nghe rất nhiều tiếng cười nổi dậy. Thì ra bọn ma giáo đều lớn tiếng cả cười. Diệt Tuyệt sư thái nổi giận:
- Các ngươi cười cái gì?
Ngô Kinh Thảo, chưởng kỳ phó sứ của Nhuệ Kinh Kỳ lớn tiếng đáp:
- Chúng ta với Trang đại ca đã thề cùng chết, mi mau dùng kiếm giết hết chúng ta đi, chứ chúng ta không sống đâu.
Diệt Tuyệt sư thái dùng giọng mũi hừ một tiếng, rồi nói tiếp:
- Giỏi thật, lúc nầy mà các người còn tự nhận là anh hùng hảo hán nữa, các ngươi muốn chết một cách nhanh chóng phải không? Làm gì có chuyện dễ thế!
Nói xong, chỉ thấy bà rút trường kiếm ra khẽ rung động một cái, cổ tay của Kinh Thảo bị chém đứt lìa. Không ngờ sắc mặt của Kinh Thảo vẫn như thường. Y ha hả cười và nói:
- Mình giáo thay trời hành đạo, tế thế cứu dân, coi sự sống chết như thường, lão tặc ni muốn chúng ta khuất phục đầu hàng thì thực là chuyện mơ tưởng.
Diệt Tuyệt sư thái càng tức giận thêm, liền múa kiếm chém thêm ba nhát, lại chém gãy lìa ba cánh tay của ba tên ma giáo cạnh đó, rồi bà hỏi người thứ tư có van lơn không? Người đó trả lời:
- Đừng có mở mồm chó ra hỏi nữa.
Tĩnh Hư vội tiến lên, giơ kiếm chém vào tay phải người đó và nói với Diệt tuyệt sư thái:
- Xin sư phụ cho đệ tử chém chết những tên yêu tà này.
Nói xong ni cô liền hỏi mấy người giáo chúng, người nào cũng không chịu khuất phục hết, Tĩnh Hư chém luôn mấy người đó, chém đến tay đã nhũn, liền quay đầu lại hỏi:
- Thưa sư phụ, những yêu nhân ngoan cố lắm!
Ý của ni cô chỉ muốn xin sư phụ nới tay, nhưng Diệt Tuyệt sư thái vẫn khăng khăng đáp:
- Hãy chém hết tay phải chúng, nếu tên nào còn bướng thì chém nốt tay trái.
Tĩnh Hư bất đắc dĩ phải chém thêm vài người nữa.
Vô Kỵ không chịu thêm được, liền tung mình nhảy tới trước mặt Tĩnh Hư ngăn cản, mồm la lớn:
- Hãy khoan.
Mọi người đều không ngờ mà cả Tĩnh Hư cũng giật mình nhảy lui về phía sau một bước. Vô Kỵ lớn tiếng nói tiếp:
- Các người tàn nhẫn vô nhân đạo thế này thực không biết xấu hổ chút nào.
Tĩnh Hư cả cười hỏi lại:
- Tà ma ngoại đạo, ai cũng có quyền tru diệt, cần gì phân biệt tàn nhẫn hay không tàn nhẫn.
Vô Kỵ lại tiếp:
- Các vị đại ca tiền bối này, người nào cũng nghĩa khí can vân, khẳng khái cầu chết, như vậy mới thực là anh hùng hảo hớn, tại sao các người lại bảo họ là tà ma ngoại đạo?
Tĩnh Hư lại đáp:
- Chúng là đồ chúng của ma giáo, không phải là tà ma chớ là gì? Cứ như tên Thanh Dực Bức Vương hút máu giết người, hại sư muội sư đệ của tôi như thế nào, chắc cậu đã trông thấy rõ rồi, như vậy chẳng phải yêu tà sao?
Vô Kỵ đáp lại:
- Thanh Dực Bức Vương chỉ giết có hai người, mà bây giờ các ngươi giết gấp mấy lần như vậy rồi. Bức Vương dùng răng giết người, còn Tôn sư thì dùng Ỷ thiên kiếm giết người, nói tóm lại, dùng gì để giết người cũng là giết người mà thôi, sao lại phân biệt thiện ác được.
(Cô gái đồ long trang 253, 254 quyển 3)
Vô tình lý luận của Vô Kỵ giống lý luận của Kim Mao Sư vương, và điểm nòng cốt là: trước khi rút gươm đao ra khỏi vỏ để chém giết nhân danh cái này nhân danh cái nọ, mọi người nên nhớ rằng MÌNH SẮP GIẾT MỘT NGƯỜI. Tội ác của kẻ giết hai người lớn hơn của kẻ giết một người. Tội ác của kẻ giết ba người lớn hơn tội ác của kẻ giết hai người. Sự sống cao cả này, có thể nhân danh cái viễn vông hư huyễn nào để hủy diệt nó? Vì vậy mà Tạ Tốn cho mình nhẹ tội hơn Hoàng Đế, và Vô Kỵ nghi ngờ chính khí của chưởng môn phái Nga My.
Biến cố thứ nhì làm cho Vô Kỵ nghi ngờ thêm về lẽ chính tà là cuộc tấn công Quang Minh đỉnh của chính phái. Nhân danh công lý và đạo đức, chính phái hợp lực tiêu diệt ma giáo. Khẩu hiệu là TRỪ GIAN DIỆT BẠO. Nhưng một vấn nạn đặt ra: Tạm công nhận mục tiêu cao đẹp của hành động, (mục tiêu mà trước kia Kim Dung đã vạch trần sự giả trá trơ trẽn) nhưng có thể dùng những phương pháp gian manh để trừ gian, và có thể bạo hành để diệt bạo không?
Và nếu vì lý tưởng là bảo vệ giá trị làm người, chính phái sử dụng gian và bạo, thì sử dụng đến mức nào chính phái còn xứng đáng là chính phái, và quá mức nào họ chỉ là kẻ gian ác đội lốt đạo đức?
Vô Kỵ cho rằng Diệt Tuyệt sư thái đã đi quá mức đó, ngụy tín chấp thuận cho mình một thứ bùa phép : cùng đích biện minh cho phương tiện.
Viễn Kiều và Liên Châu của phái Võ Đang biết dừng ở mức đó, khi từ chối lợi dụng cơ hội nghìn năm một thủa giết chết Hân Thiên Chính và toàn thể giáo chúng Minh giáo.
Biết tri chỉ, than ôi, đâu có dễ! Cho nên như Khổng Khưu nói, vì không biết tri chỉ, con người không thể định được đâu là tà, đâu là chính. Sử dụng xảo ngôn, khuếch đại bằng dụng cụ âm thanh, bơm phồng từ ngữ, đâu phải là độc quyền của riêng ai? Có hiểu như vậy ta mới thông cảm được nỗi bàng hoàng của Vô Kỵ khi nghe lời kinh tử biệt của ma giáo:
"Đốt tàn xác ta, ngọn lửa thánh bốc cháy hồng hồng. Sống đã chi làm sướng, chết không lấy chi làm khổ. Vì thiện trừ ác, chỉ vì quang minh mà nên. Hỉ lạc bi sầu đều trở về cát bụi. Tội nghiệp thay người đời hoạn nạn quá nhiều".
Tuy có trực giác sáng suốt, và chút ít kinh nghiệm. Vô Kỵ vẫn không thể phân biệt được hai nẻo chính tà . Cả hai vẫn cùng một nhân danh VÌ THIỆN TRỪ ÁC, THẾ THIÊN HÀNH ĐẠO. Và cả hai đểu độc quyền VÌ THIỆN TRỪ ÁC, đều đã THẾ THIÊN HÀNH BẠO. Tạ Tốn tuy mù, nhưng quả sáng suốt hết sức khi gọi Trời là Lão Tặc Thiên.
Sau Cô gái đồ long, Kim Dung vẫn chưa tìm thấy được tia sáng nào để soi rõ khoảng ranh giới mơ hồ giữa chính và tà. Vì chiêu bài và nhân danh ngày càng nhiều, từ ngữ ngày càng bị lạm dụng, cuối cùng rỗng tuếch vô nghĩa. Cho nên, chúng ta thấy càng về sau, nhân vật Kim Dung càng tách rời khỏi đám đông.
Trong Anh hùng xạ điêu, Hồng thất công là nhân vật chính phái đích thực, thứ chính phái đích thực phỉ nhổ (Hồng thất công ăn ở rất bẩn) và chế diễu mỉa mai (Hồng thất công ưa khôi hài) chính phái giả ngụy ảo vọng.
Trong Thần điêu đại hiệp, Kim Dung lại cho Hồng thất công, kẻ xứng đáng xưng tụng là nhà đạo đức, và Âu Dương Phong Tây độc, kẻ xứng đáng phỉ nhổ là tên vô đạo, ôm nhau chết trên đỉnh núi tuyết. Chính phái, ngay cả chính phái đích thực, không còn thắng nổi tà nữa ư? Sao không xếp đặt câu chuyện, cho Tây độc vì luyện lầm võ công mà nổi điên khùng, tự cào cấu rách mặt mày mà chết? Viết như vậy các nhà đạo đức sẽ xoa tay yên chí, vì như vậy cái tà đã chứa mầm tự diệt ngay trong bản chất của nó. Sao không cho kẻ ác rơi xuống vực sâu từ đỉnh tuyết cao, trong khi Hồng thất công oai nghi đường bệ, rú lên cho vang động trời mây và nước, để báo hiệu bước về khải hoàn?
Đã tàn rồi, thời đại của những niềm tin ngây thơ!
Trong nỗi băn khoăn, Kim Dung như muốn nói ở bên trên ở ngoài xa cái thực tế nheo nhóc kèn cựa ganh ghét là đám đông nầy, ở trên đỉnh núi tuyết hay ở băng hỏa đảo, chính tà không cần phân biệt nữa?
Hay nếu cơ chế xã hội vẫn còn giữ nguyên trạng, nghĩa là chuyên nhân danh để cưỡng chế, chuyên lấy mục đích biện minh phương tiện, không thể phân biệt chính tà?
Ngược lại, nếu có nhập thế cuộc, thái độ hợp lý nhất là vô chấp, cương quyết gạt bỏ thành kiến như thái độ của Đoàn Dự và Lệnh Hồ Xung.
Tìm một đỉnh tuyết cao nào đó, con người vứt bỏ thành kiến, ngụy tín, cố chấp dưới chân núi để trở về nguyên vẹn hình người, xử sự nguyên vẹn tình người là điều viễn mơ.
Tìm một kẻ can đảm phi thường như Lệnh Hồ Xung (dám ngạo nghễ cười cợt cả Nhậm Ngã Hành, không thèm làm đồ đệ của Thiếu Lâm, dám làm chưởng môn nhân một đám ni cô, dám kết bạn với bàng môn tả đạo) để tuyên dương như một thần tượng mới cho đạo đức đích thực trong khung cảnh xã hội cưỡng chế của thế giới hiện đại, cũng là điều viễn mơ.
Kim Dung biết vậy, và tất cả người Việt chúng ta, đã từng nhọc nhằn vì bao cuộc thăng trầm chiến chinh, chạm mặt với bao sự giả trá sỗ sàng, chúng ta cũng biết vậy. Cho nên chung cuộc, nỗi băn khoăn hoài nghi vẫn còn đó. Làm sao được? Nói cho cùng, nhà văn chỉ là kẻ:
Nói láo mà chơi nghe láo chơi.
Chỉ là thức giác cô đơn nghìn năm vì đành cam chịu bất lực trước những trạng huống nghịch lý. Chúng ta chỉ là kẻ chịu đựng lịch sử mà thôi. Đừng tự cao. Hãy nhận sự thực: Victor Hugo viết Les misérables với tất cả nhiệt tình, Sartre đòi dấn thân, nhưng lịch sử vẫn trôi theo một chiều kỳ quặc, khác hẳn dự tưởng của nhà văn.
Kẻ trực tiếp ảnh hưởng đến đến phận người vẫn là kẻ cầm quyền, dự tiếp tân, cắt băng khánh thành, ban huấn từ và ký giấy tuyên chiến. Nhà văn là người gợi ý, hay quá lắm, chỉ là người khuyến cáo.
Phải nhận nỗi băn khoăn của chúng ta, hãy rành rành còn mãi đó.


Nguyễn Mộng Giác
Tiêu đề Tác giả Lượt xem
Phần Một - Bước đầu của tên du ca: Nỗi băn khoăn của Kim Dung Viết bởi Nguyễn Mộng Giác 1658
Phần Hai - Những bước chân vào đời Viết bởi Nguyễn Mộng Giác 1401
Phần Hai - Chương 1 - Tâm sự Nhạn Môn quan Viết bởi Nguyễn Mộng Giác 2756
Phần Hai - Chương 2 - Những bước vô chiêu của Lệnh Hồ Xung Viết bởi Nguyễn Mộng Giác 2443
Phần Hai - Chương 3 - Chặng cuối của một niềm tin Viết bởi Nguyễn Mộng Giác 1978
Phần Ba - Những suy niệm lịch sử Viết bởi Nguyễn Mộng Giác 1462


http://nguyenmonggiac.info/noi-ban-khoan-cua-kim-dung.html 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire