caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 5 octobre 2013

" Một thời câu cá "LINH VŨ


       Một thời câu cá

image
Tôi bỏ nghề câu cá từ lâu lắm rồi sau khi tôi đã trót lỡ buông lời thề độc không sát sanh hại vật nữa. Bây giờ tôi chỉ đi dòm cá hoặc xem người khác câu thôi. Người già về hưu có tiền hưởng nhàn bằng cách đi du lịch Việt Nam hay nước
nầy nước nọ, thăm thú đó đây, ngắm danh lam thắng cảnh có nhiều kỳ hoa dị thảo. Có người mua ống dòm đi vô rừng ngắm chim, mà đối với tôi thì chim nào cũng vậy, tình cờ thấy thì ngắm, tội gì phải lặn lội đi xa tốn tiền.

image
Một góc Erindale Park
Bữa nọ tôi đến Erindale Park nơi khúc sông Credit River chạy dọc theo con đường nhà giàu Mississauga Rd. ở khoảng Dundas St.W để xem thiên hạ câu. Đầu mùa Xuân mỗi năm, người câu ở đây rất đông, gồm nhiều sắc dân gốc Tàu, Phi, Việt, da trắng, da đen, da vàng đủ cả. Mạnh ai nấy câu, mọi người đều vui vẻ. Cá salmon, cá lake trout bự tổ chảng. Người muốn thả xuống, người khác đến xin mang về nhà, không sao cả! Di dân chưa quen nề nếp hành xử theo văn hóa phương Tây cứ thấy cá là khoái và la oai oái. 

image
Dân câu người da trắng bản xứ thường hay bước xuống sông với mực nước cao tới khoảng đầu gối rồi đứng đó câu, trong khi người câu gốc di dân đều chỉ đứng trên bờ thả câu. Không phải họ sợ nước, mà tại vì giá của một cái quần bằng cao su cao tới ngực để mặc chồng bên ngoài bộ quần áo thường cho khỏi bị ướt cũng cỡ từ sáu chục đô trở lên. Nó vừa rộng vừa nặng chình chịch, dân Mít ta vốn vóc dáng nhỏ thó mặc nó trông cứ như người hành tinh.

image
Vì công viên nằm ngay trong thành phố lại có bãi đậu xe mênh mông và vì nhằm lúc mùa câu vừa bắt đầu. Dân câu ở đâu mà đông quá xá đứng hàng dài cạnh nhau, tôi nghĩ có khi số người đi câu còn nhiều hơn số cá dưới nước. Tôi đi dài dài theo con đường mòn dọc bờ sông quan sát một lúc, tôi thấy lâu lâu mới có người câu được một con. Ông câu “điên” nào định trả tự do cho cá liền có người đến gần hỏi “Cho tôi được không?”, may thì được đồng ý và bợ cá về, tiết kiệm được mấy chục bạc chớ phải chơi đâu. Cá hồi bán ở Chợ Tàu hơn mười đồng một ký lô, con cá nặng ít nhất cũng năm, sáu ký.


image
Mùa Thu, đầu Tháng Mười, nhiệt độ ban đêm xuống thấp, những cây phong Canada thay áo muôn màu rực rỡ khiến cho các công viên quanh Toronto đều đáng được viếng thăm. Đó cũng là lúc cá steelhead (bị đặt cho cái tên đầu thép chắc là cá này cứng đầu), tên của một loại cá hồi (salmon), từ hồ Ontario vượt qua các đập nước (chặn ngăn lụt) trên các con sông Credit, Hyumber và Don trong vùng đại đô thị Toronto để lên sông suối và bắt đầu mùa sinh sản. Đêm đến cá cái thì đẻ trứng, thả trứng ra ào ào như B.52 trải thảm đường mòn HCM. Cá đực thì đi theo để... đóng góp một chút gì bằng cách xịt tinh trùng lên đám trứng kia, như thể phi cơ trinh sát thả trái khói đánh dấu mục tiêu! Nếu như vậy mà gọi là “giao phối” thì thật oan cho cá quá! Theo khảo sát khoa học thì cá đực của chín phần mười các giống cá có xương đều không có bộ phận sinh dục, dù là nhỏ xíu bằng hạt đậu! Thơ rằng: “Kiếp sau nếu chẳng được làm người/Cũng xin đừng làm cá người ta cười không có... chim.”

image
Câu cá ở quê mình ngày xưa được coi là một phương cách kiếm thức ăn hàng ngày cho gia đình hơn là thú tiêu khiển thuần túy. Ta câu được cá thì ta đem về nấu canh chua, kho tộ, chiên giòn giằm nước mắm, xong được một bữa cơm chiều. Muốn cho ra vẻ tiệc tùng thì nướng trui cá lóc làm gỏi cuốn bánh tráng, không có cái vụ làm sang câu cá lên, cẩn thận gỡ cá khỏi lưỡi câu và từ từ thả cá xuống cho nó trở về với sông nước và đoàn tụ với gia đình... Câu cá ở quê mình thật đơn giản chứ không nhiêu khê như ở Bắc Mỹ với quá nhiều quy luật rườm rà và gắt gao. Nội cái việc đọc qua hết những quy luật này cũng đã đủ làm cho người muốn câu cá hoa hai con mắt, lùng bùng hai cái lỗ tai mà chưa bảo đảm hiểu hết và nhớ hết. Ác một cái nữa là những quy luật này lại thay đổi hằng năm cho thích ứng với tình hình mới và mỗi vùng mỗi khác.

Ngày nay ở xứ người, ta đi câu không phải vì mục đích kiếm cá ăn nữa, đi câu để giải trí và vui chơi với gia đình, coi như một chuyến picnic, có cá thì càng tốt, mà không có cá cũng chẳng chết đói, cùng lắm là trên đường lái xe về nhà ghé tạt qua siêu thị mua một mớ cũng xong.


image
Dân câu người bản xứ Canada (Canadien/Canadian, dân gốc Mít ta gọi họ tắt là “Điên”) thường câu cá lên rồi bỏ cá xuống, chừng ra về tay không, đúng là “điên”. Còn phe ta câu được cá thì giữ cá, vì lẽ đó phải có các bà theo để làm cá chứ. Hơn nữa, để ông xã đi câu một mình mất công sinh nghi, tối ngủ không yên, chồng đi câu về, vợ mất công điều tra. Nhưng bạn có mê câu cũng chỉ mê vừa vừa có giới hạn thôi chứ mê quá thì bị lãnh hậu quả không tốt đâu nghen.

Cá ở xứ “Điên” tôi được chia làm hai loại: loại thường và loại quý. Loại thường như Perch, Crappie, Sunfish, Whitefish, Catfish, Sucker, Carp (kiểu như cá sặc, rô, trê, chép của ta) thì được câu quanh năm nhưng có giới hạn số lượng tối đa mỗi ngày. Loại cá quý (game fish) là loại cá dân câu thể thao ưa thích như Bass, Pickerel, Northern Pike, Lake Trout, Muskellunge thì chỉ được phép câu theo mùa.



image 
Mùa lạnh từ Tháng Giêng tới Tháng Ba. Mùa câu chính ở Ontario thường mở vào cuối Tháng Tư hoặc đầu Tháng Năm cho tới Tháng Chín hoặc Tháng Mười tùy theo vùng và tùy theo loại cá. Số lượng giới hạn tối đa cho cá quý mỗi ngày rất ít, nhưng cũng còn tùy là loại nào và phải đạt đủ kích thước tối thiểu.


image
Đọc quy luật câu cá xong rồi mà vẫn còn giữ ý định muốn đi câu, bạn phải đi mua cái giấy phép câu cá. (Ngoại trừ trường hợp bạn đi câu ở các trại nuôi cá tư nhân hay trong gian hàng triển lãm). Giấy phép câu có hiệu lực trong một ngày là $11.00, một năm là $24.25, ba năm là $81.75. Người già trên 65 tuổi như tui đây và thiếu niên dưới 18 tuổi thì miễn phí. Dân cư ở tỉnh bang khác hoặc nước khác tới Ontario câu sẽ phải trả lệ phí cao hơn.


image
Nếu câu cá mà vi phạm quy luật, người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến $25,000, ta chớ có dại dột mà vi phạm. Như mùa Đông năm nọ, một ông người Cà-na-điên gốc Hoa đi câu trên hồ Simcoe bị cảnh sát của Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên bắt và lập biên bản giải tòa vì ông này câu 67 con cá perch trong khi giới hạn tối đa là 50 con/một ngày thôi. Tòa phạt ông ta một ngàn đô, chưa kể hình phạt nào đó mà vợ ông dành cho ông.

image
Câu cá trên sông Credit River
Câu cá ở Bắc Mỹ được xem là một môn thể thao lành mạnh nghiêm chỉnh. Các hội những người câu cá luôn luôn khuyên hội viên khi câu được cá xong thì nên thả cá trở xuống ao hồ, nên đối xử tử tế với cá và tôn trọng môi sinh như: nên dùng loại lưỡi câu không có răng cưa để vừa tránh gây nhiều nguy hại cho cá vừa có cơ hội thi thố tài năng khéo léo của mình. Hay nên dùng đồ câu không có chất chì để tránh sự nhiễm độc cho các loài điểu cầm săn cá dưới nước như vịt, ngỗng, thiên nga và rộc, loại vịt lặn (loon). Nếu có vứt các thứ đồ nghề có chất chì đừng vứt xuống nước. Còn khi câu thì đừng giật cá quá mạnh khiến cá có thể bị toạc miệng tét mép. Lỡ giở cái cần câu lên chẳng thấy cá đâu mà chỉ có mỗi cái môi cá! Chưa hết, khi gỡ cá, đừng vì sợ nước nhớt của cá mà túm cá bằng khăn lông hoặc găng tay bằng nỉ, cá sẽ bị mất chất nhớt bảo vệ cơ thể. Còn đừng quên, tránh đừng móc ngón tay vào mang cá hoặc bóp cá quá chặt. Và nhớ phải nhanh tay gỡ cá ra khỏi lưỡi câu và thả cá xuống nước ngay kẻo tội nghiệp cá đau. 

image
Cá trên cạn lâu sẽ ngộp thở. Cá vùng vẫy nhiều sẽ bị thương tích. Nếu cá nuốt lưỡi câu quá sâu khó lấy ra thì nhớ hãy cắt dây câu và thả cá ngay. Đừng vì tiếc một cái lưỡi câu mà làm cá chết. Còn nếu vì cớ gì mà cá đã bị chảy máu và bị thương, tốt hơn nên giữ lại mang về nhà chứ đừng vứt lại xuống nước. Tôi bỗng nhớ câu danh ngôn Quốc Văn Giáo Khoa Thư tân thời: “Đừng làm những điều (tổn hại) gì cho cá nếu mình không muốn người khác làm những điều (tổn hại) đó với mình.” Tôi nghĩ cưng cá quá như vầy thôi thà bắt chước Khương Tử Nha câu cá mà không móc lưỡi câu cho rồi!

Tỉnh bang Ontario có tổng cộng 250,000 ao hồ và hàng ngàn sông suối. Trong số này có 2,000 hồ có cá trout, 3,500 hồ có cá walleye và 400 hồ có cá muskellunge. Dù cá nhiều, nhưng số lượt câu cá cũng nhiều. Mỗi năm có khoảng 1.4 triệu người câu ở Ontario, chi tiêu $2.3 tỉ cho các phí tổn liên quan tới việc câu cá.


image
Môn thể thao này coi bộ cũng hơi tốn bộn tiền đó vì nếu chia số tiền đó ra thì bổ đồng mỗi người câu tốn hơn $1,500.00. Nhưng đã là dân câu thứ thiệt thì họ không ngại tốn tiền trang bị đồ nghề ngon lành nhứt từ đầu đến chân. Trên đầu có cái nón hiệu Tilley Endurables dắt thêm dăm ba cái lưỡi câu và một cọng lông gà rừng hay lông chim gì cũng được, áo chemise carreaux, áo khỉ khaki túi trong túi ngoài, quần có quay chéo qua vai, giày bằng cao su ống cao để lội nước. Hộp đồ nghề nhiều ngăn đựng mồi giả, lưỡi câu đủ cỡ đủ loại, dây cước, chì, kềm mỏ dài, dao, cân, thước đo cá, phao, v.v. Ngoài ra còn có ghế xếp, giỏ đựng cá, giỏ đựng mồi sống, v.v. Tôi đã từng thấy có những con cá mà thằng cha câu người Cà-na- điên dùng để làm mồi còn bự hơn là con cá sunfish (giống cá rô) tôi mới vừa câu được kéo lên. Tôi nghĩ hay là cha nội nầy mua mồi bự để phòng hờ trường hợp câu không được cá quý nào thì đem cá mồi về cho vợ kho tiêu ăn cũng đỡ. Có lý lắm à.

image
Dường như chỉ có cánh đàn ông là thích đi câu cá. Có người mang cả gia đình đi câu, nhưng chỉ thấy người chồng và con trai câu; còn người vợ ngồi chầu rìa có bổn phận tiếp tế cà phê, bánh mì ổ cho chồng. Có một lần tôi đi câu chung với gia đình một người bạn. Tôi giả vờ hỏi đùa đứa con gái 10 tuổi của anh bạn, “Sao cháu không câu?” Cháu ngây thơ đáp, “Cháu không có cần câu.” Anh bạn tôi tiếp, “Má mầy cũng hổng có cần câu luôn!” Rồi anh quay sang tôi nói nhỏ, “Phái nữ thì làm sao có cần câu được!”

Nếu nói là phụ nữ không câu cá vì không có cần câu thì sai; họ chỉ việc vào tiệm Canadian Tire hoặc Wal-Mart mua cần câu thiếu giống gì! Một cô nọ muốn đi câu cá chơi nên vô Canadian Tire kiếm cần câu. Ngặt một nỗi là cô ta không rành về cần câu và chì, chài gì cả vì chưa hề được chỉ dẫn. May quá có một người khiếm thị mang kính đen đứng bán hàng câu cá. Ông này từng là một hướng dẫn viên câu cá chuyên nghiệp lâu năm nhưng chẳng may bị mù mắt trong một tai nạn máy bay. Cô gái (không biết người bán hàng mù mắt) lên tiếng hỏi:

- “Ông có thể giúp tôi lượng giá bộ đồ câu này được không?”

Ông ta đáp:

- “Tôi tuy mù nhưng có thể xác định được bộ đồ câu thuộc loại tốt hay không. Cô chỉ cần bỏ nó rơi mạnh lên mặt quầy này đây.”

Cô gái làm theo. Ông bán hàng mù nói:



image
- “Đây là cần câu Zebco trục quay 202, dây câu loại 10 cân (lbs.). Bộ này vừa sức trung bình cho một người mới tập sự câu. Giá của nó là $20.00.”

Cô gái ngạc nhiên hết sức và mừng rỡ đáp:

- “Vậy tôi lấy cái nầy.”

Nói xong, chợt cô không kềm giữ được hơi trong bụng nên làm một tiếng “bộp” không lớn lắm; cô hy vọng là ông bán hàng không nghe thấy. Ông mù bán hàng không nói gì, lo bấm máy tính tiền, xong bảo:

- “Tất cả là 26 đô.”

Cô gái phản đối:

- “Nhưng lúc nãy ông mới nói là 20 đô mà?”

- “Cần câu 20 đô, còi kêu vịt trời 4 đô, mồi giả mùi cá trê chết 2 đô, tổng cộng 26 đô.”

Chuyện cười của Mỹ chỉ kể tới đó. Kết cuộc ra sao, tôi không biết.



image
Dân đi câu về thường hay phóng đại thành tích. Cá mang về chình ình ra đó thì không thể bắt người ta ngó qua kính lúp, đành phóng đại mấy con cá sẩy, giống như là các anh tán đào có thói quen tăng chức tước và bằng cấp. Con cá dài tám inch thì nói mười mấy inch, con bằng cổ tay thì nói bằng bắp chuối, con kéo phăng phăng thì bảo kéo muốn gãy cần câu luôn! Mà sẩy cá thì nuối tiếc phải biết; nó cứ tiếc hùi hụi, mỗi lần nghĩ tới là lòng dạ lại xốn xang như chấu cắn! Sẩy đào còn tiếc hơn.

Trở lại với buổi xem cá vượt đập nước, tôi cũng dùng máy ảnh bỏ túi chụp đám cá tụ tập gầp đập ngăn nước. Tôi cũng như nhiều người khác canh chờ để chụp ảnh mấy con cá đang phóng mình lên khỏi mặt nước để vượt lên đoạn sông cao hơn. Thật tội nghiệp cho những con cá phóng lên để rồi rớt xuống. Mỗi khi có một con cá nào vượt lên thành công, đám người xem cùng cất tiếng reo hò hoan hô ầm ĩ.


image
Tôi ngắm nhìn và tiếc nhớ một thời câu cá đã qua.
Chiêu Ấn


Mùa Cá Hồi Tây Bắc My

Hằng năm cứ vào những ngày đầu thu Seattle, chúng tôi không thể nào quên được thú vui đi câu cá Hồi, đây là những kỷ niệm khó quên trong nhiều năm qua. Sống ở Seattle hay Oregon, đi câu cá hay cắm trại ngoài trời là thú tiêu khiển tuyệt vời. Mùa này khí hậu tương đối mát, cá hồi bắt đầu quay về sông hồ nơi đã sinh ra; cho nên nhiều người đã chuẩn bị thuyền câu, mua license để sẵn sàng ra khơi. Giấy phép cho mỗi người chỉ bắt được hai con, riêng người da đỏ có quyền bắt bao nhiêu cũng được. Muốn ăn cá hồi ngon thì phải cho thuyền chạy xa ngoài khơi để đánh bắt, bởi vì lúc đó cơ thể cá hồi chưa thay đổi, thịt ngon hơn. Đến khi cá hồi đã vào cửa sông vùng nước lợ (giữa nước ngọt và nước mặn) thì cơ thể cá hồi bắt đầu thay đổi cho thích ứng với môi trường nước ngọt; cho nên thịt sẽ bở, dai và không ngọt. Nhất là sau khi sinh đẻ, cá hồi ốm hơn, da biến màu hồng, thịt dai, nhạt nhẽo, không còn nhiều chất đạm; cho nên khi ăn sống hay nấu nướng bất kỳ món gì cũng không có hương vị thơm ngon.
Hai tiểu bang Oregon, Washington và Canada là nơi cá hồi hằng năm kéo về hằng triệu triệu con để sinh đẻ. Nói đến cá hồi không chỉ một thú vị là những món ăn nấu bằng cá hồi được nhiều người ưa chuộng trên thế giới, mà còn những đặc thù về đời sống khá đặc biệt của nó đã làm nhiều người ngạc nhiên, thắc mắc. Hôm nay tôi xin ghi lại một số đặc tính nói về vòng đời kỳ lạ của cá hồi mà nhiều người cho là một cuộc hồi hương kỳ diệu do trời ban cho. Những điều khó hiểu này của cá hồi gọi là “hồi hương” đã có một số người Việt lưu vong thường lấy đó để ví cho cuộc trở về sinh sống và chết tại quê hương. Điều này có thể suy nghĩ theo nghĩa bóng hoặc nghĩa đen tùy mỗi người. Tuy nhiên chúng tôi sẽ góp một vài ý kiến ở phần cuối bài với ý niệm hồi hương của người Việt hải ngoại mà chúng tôi đặt nó là “trái tim cá hồi hải ngoại”. Sau đây tôi xin tổng lược một vài nét đặc biệt về cá hồi.
Nói đến cá hồi giống như là một câu chuyện cổ tích, vì nó có những điểm đặc biệt hơn những loài cá khác. Cá hồi hàng năm, vào mùa sinh sản chúng từ biển khơi vất vả ngược dòng về với sông hồ của đất liền nơi chúng được sinh ra để đẻ và ấp trứng trong nước ngọt, sau vài tuần thì chết tại nơi đó.
Cá hồi (Salmon) là thuật ngữ xuất xứ từ chữ La-tinh “Salmo”- chữ này có gốc từ “Salire” có nghĩa là nhảy-  đồng thời Salmon cũng là tên chung cho nhiều loài cá thuộc họ Salmonidae. Nhiều loại cá khác cùng họ được gọi là trout (cá hồi); sự khác biệt thường được cho là cá hồi salmon di cư còn cá hồi trout không di cư, nhưng sự phân biệt này không hoàn toàn chính xác. Cá hồi sống dọc các bờ biển tại cả Bắc Đại Tây Dương (các họ di cư Salmo salar) và Thái Bình Dương (có khoảng tám họ của giống Oncorhynchus), và cũng đã từng được đưa tới Hồ lớn ở Bắc Mỹ. Cá hồi được sản xuất nhiều trong ngành nuôi trồng thủy sản ở nhiều nơi trên thế giới. Có chín loài cá hồi thương mại quan trọng, thuộc hai giống. Giống thứ nhất Salmo, cá hồi Đại Tây Dương và ở Bắc Đại Tây Dương. Giống thứ hai, Oncorhynchus chỉ có trong tự nhiên tại Bắc Thái Bình Dương. Cá Salmon có hai loại đặc biệt là loại Coho Salmon hoặc Silver Salmon (Oncorhynchus kisutch) là loại cá hồi phổ biến và quan trọng nhất trong các loài cá salmon ở biển Thái Bình Dương có thể sống hoàn toàn trong môi trường nước ngọt. Có 7 loại cá hồi tiêu biểu như: Sockeye Salmon, Chum salmon, Pinks salmon, Coho salmon, Chinook salmon, Steelhead salmon, Atlantic Salmon … Cá hồi Đại Tây Dương, (Salmo salar) sinh sản tại những dòng sông phía bắc ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Cá hồi Masu hay cherry salmon (Oncorhynchus masou) chỉ được tìm thấy ở phía Tây Thái Bình Dương tại Nhật Bản, Triều Tiên và Nga. Cá hồi Chinook (Oncorhynchus tshawytscha) cũng được gọi là cá hồi vua hay cá hồi miệng đen ở Mỹ và ở British Columbia. Cá hồi Chinook là loài cá hồi Thái Bình Dương lớn nhất nặng tới 120 pounds (55 kg). Cá hồi Sockeye (Oncorhynchus nerka) cũng được gọi là cá hồi đỏ ở Mỹ. Cá hồi hồng (Oncorhynchus gorbuscha), được gọi là cá gù ở đông nam và tây nam Alaska, được thấy ở miền bắc California và Triều Tiên. Cá hồi Coho (Oncorhynchus kisutch) cũng được gọi là cá hồi bạc ở Mỹ; loài này được tìm thấy ở tất cả các vùng nước ven biển Alaska và British Columbia. Cá hồi Danube hay huchen (Hucho hucho) là loại cá thuộc dòng cá hồi lớn nhất sống thường trực tại vùng nước ngọt. Cá hồi Chum (Oncorhynchus keta) được biết đến như một loại cá hồi dog, keta, hay calico ở nhiều vùng tại Mỹ.v.v. Cá hồi sống trong nhiệt độ - nước lạnh: 12-15oC - Lượng oxy trong nước cao 6-8 ppm (part per million) với nguồn nước trong sạch.
Vòng đời của tất cả cá hồi được trải qua những giai đoạn phát triển từ một quả trứng đến khi cá trưởng thành. Mỗi loài cá hồi có một "quy tắc" riêng của nó mà xác định độ dài của thời gian, mỗi giai đoạn. Cá hồi là một loại cá đẻ trứng ở dòng nước ngọt, có con chỉ sống một thời gian ngắn trong dòng sông rồi bơi ra biển sinh sống. Đến khi trưởng thành lại quay trở về dòng sông cũ để đẻ trứng. Cá hồi nhảy ngược dòng thác để về quê cũ, đây là một sức mạnh bản năng đặc biệt của cá hồi.Biển rộng, sông dài như vậy, biết bao nhiêu dòng sông, làm sao cá hồi có thể nhận ra dòng sông cũ của mình, từ biển cả mênh mông làm sao thuộc đường về quê cũ? Đây thật sự là một điều bí ẩn mà các nhà khoa học chưa tìm được câu trả lời hoàn hảo. Sau đây chúng tôi xin ghi lại các thông tin minh họa của cá hồi qua 6 giai đoạn trải qua của nó.
Giai đoạn 1: Cá hồi từ đại dương trở về dòng sông cũ để đẻ trứng (Ova), Cá mẹ dùng đuôi để đào ổ đẻ trong những hốc đá dưới sông được gọi là redd. Khi cá hồi cái đẻ trứng xong thì cá hồi đực liền phủ tinh trùng lên trên vùng trứng đó, sau hết thì dùng đuôi của mình đẩy những viên sỏi lấp vùng trứng đó lại. Dạng trứng hình cầu, nhìn hơi mờ, kích thước bằng hoặc nhỏ hơn đầu cục tẩy bút chì. Những quả trứng lúc ban đầu màu đỏ rồi sau đó đổi sang màu hồng. Thời gian khoảng 2-3 tháng trứng bắt đầu nở, chúng ta có thể nhìn thấy được đôi mắt của nó và các cơ quan khác phát triển thông qua vỏ mờ của trứng. Cá hồi tùy theo lớn hay nhỏ, có thể đẻ từ 2000 đến 4500 trứng.
Giao đoạn 2: Vào khoảng đầu mùa xuân hay cuối đông thì trứng nở giai đoạn này gọi là Alevin tức là cá salmon con. Mỗi con Alevin đều mang một túi nhỏ giống tròng đỏ trứng gà; đây chính là thức ăn để nuôi cho cá hồi con trong vòng ba tháng khi túi thức ăn vừa hết là cá hồi con (Alevin) cũng vừa lớn.
Giai đoạn 3: Khi Alevin có hình dạng của một con cá hồi nhỏ giai đoạn này gọi là Fry. Lúc này thì Fry (mang hình thức con cá nhỏ) rời khỏi hang ổ trong hốc đá để tìm nơi trú ẩn khác có thức ăn. Vào thời điểm này, Fry bắt đầu cuộc hành trình về phía hạ lưu. Đây là giai đoạn khó khăn của Fry phải tự tìm thức ăn để tồn tại, một mặt phải lẩn tránh kẻ săn mồi. Cho nên khoảng 2 đến 3 chục phần trăm Avelin sống sót. Nơi trú ẩn cá hồi nhỏ (Fry) gọi là habitat. Fry phát triển những mảng dọc trên hai cánh của cơ thể. Ở giai đoạn này chúng được gọi là Parr và khoảng sáu inch chiều dài. Mặc dù fry đã lớn hơn nhiều nhưng vẫn phải che giấu khỏi các kẻ thù để tiếp tục cuộc hành trình ra đại dương. Parr sẽ tiếp tục sống trong sông hồ khoảng1-3 năm trước khi sẵn sàng dấn thân vào đại dương.
Giai đoạn 4: Khi cá hồi đã lớn thì theo dòng nước vào hồ lớn và ở lại khoảng hai năm, giai đoạn này gọi là Smolt (smoltification). Khi trưởng thành da cá hồi trở thành màu xám bạc. Thời điểm này Smolt sẽ qui tụ với nhau thành nhiều nhóm lớn trong khu vực vùng nước lợ, chỗ nước ngọt và nước mặn gặp nhau trong vài ngày hay vài tuần. Và cũng là thời gian cá hồi sẽ điều chỉnh cơ thể thích hợp trong nước mặn trước khi chúng bơi ra Đại Dương để phát triển.
Giai đoạn 5: Thời gian đầu, cá hồi sống ven bờ biển. Phần lớn chúng bơi từng đoàn lên hướng Bắc theo bờ biển British Columbia để tới Alaska và có khi chúng đi xa hàng ngàn cây số tới vùng North Pacific. Cá hồi trưởng thành trong đại dương và sống trong biển khoảng bốn năm. Cá hồi ăn tôm, mực và những cá con như cá trích, cá hồi cũng ăn những cây và sinh vật trôi nổi trên biển. Cá hồi luôn bị săn lùng bởi hải cẩu, cá voi orca, ngư dân.... Và nhất là nhiệt độ của đại dương tăng giảm cũng ảnh hưởng đến đời sống khiến cá hồi sút giảm rất lớn.
Giai đoạn 6: Giai đoạn này cá hồi đã trưởng thành về tình dục và bắt đầu rời biển khi chúng đến thời kỳ sinh nở. Cá hồi bắt đầu cuộc hành trình hàng ngàn dặm trên biển, ngược dòng với bao thách thức, vượt qua ghềnh đá quanh co, nhảy qua thác nước cao, lẩn tránh ngư dân chài lưới, giăng câu, chim chóc và gấu đói hai bên bờ sông, bờ suối để trở về nơi được sinh ra. Khi đến vùng nước ngọt, cá hồi phải dừng lại ở vùng nước lợ một thời gian để điều chỉnh thân thể cho thích hợp với nước ngọt trước khi vào sông hồ. Luồng cá hồi từ Alaska thường kéo về vào giữa tháng năm và tháng bảy. Với sông ở British Columbia, Washington, Oregon và California, cá hồi sẽ kéo về khoảng giữa tháng tám và tháng mười, nhưng thông thường thì vào mùa xuân. Cá hồi quay về dòng sông nơi chúng sinh ra đời phải vượt qua hằng ngàn dặm trên đại dương mà không bị lạc phương hướng; đó là điều rất thú vị mà mọi người thắc mắc muốn tìm hiểu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cá hồi dùng xúc giác để tìm về nơi chôn nhau cắt rốn. Chúng đánh hơi đất, cây cỏ và côn trùng trong dòng suối để lần mò về quê hương xứ sở. Tuy nhiên nhiều câu hỏi tại sao chúng phải chết sau khi tái sinh, tại sao chúng nhớ nơi chốn cũ để trở về khi phải vượt qua đại dương mênh mông; điều này chỉ có tạo hóa mới hiểu được.
Cá hồi bơi thành từng đoàn gồm mấy trăm con. Khi vào lại vùng nước ngọt, cá hồi sẽ không săn mồi và chuyển sang màu đỏ sáng. Chúng sống nhờ lượng mỡ và protein dự trữ trong cơ thể. Cá hồi kết từng luồng vài trăm con, chúng đi thành từng cập, một đực một cái. Đặc biệt cá đực có bộ răng sắc nhọn, đó là vũ khí để đánh đuổi các con cá hồi đực khác, để giành cá hồi cái làm bạn đường của mình. Hầu hết cá hồi Thái Bình Dương chết sau thời gian sinh nở. Sau khi cá hồi đực phủ tinh trùng lên lớp trứng thì khoảng một thời gian ngắn cá hồi đực chết và tiếp theo đến cá hồi cái; sau khi trông nom trứng trong vài ngày rồi cũng chết theo. Đặc biệt chỉ có cá hồi Steelhead và cá hồi Đại Tây Dương trở lại đại dương và tiếp tục sinh nở những năm sau. Cá hồi Đại Tây Dương có thể sinh nở đến bảy lần.
Ở Seattle nếu muốn nhìn cá hồi chết thì đến sông Cedar vào mùa thu sẽ thấy cá hồi chết nhuộm đỏ cả dòng sông sau khi sinh nở, hay muốn đi câu cá, chúng ta có thể đến Hồ Washington để câu cá sông hoặc cá biển, nhất là cá hồi. Hồ Washington sẽ thỏa mãn tất cả những người ưa thích thú vui câu cá, với hơn 100 loài cá khác nhau, mà nổi tiếng nhất phải kể đến cá bơn, cá mú bông, cá mú hồng và cá hồi… Cũng vào tháng bảy hằng năm, từng đàn cá hồi cũng bơi về đây nhập bọn. Đó là thời điểm thích hợp để vác cần câu và bắt đầu cho những chuyến đi thú vị. Ngoài ra chúng ta có thể câu cá hồi ở sông Copper River, Fraser River, Klamath River hay White River .v.v. Nếu chúng ta có thú vị về cách nuôi cá hồi thì quí vị đến trại giống ương nuôi cá hồi của Khoa Thủy sản trường Đại học Washington. Đây là một trong 10 đại học nổi tiếng nhất Hoa Kỳ, là nơi đào tạo các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới về cá nước lạnh. Hàng năm, từ tháng 11 đến tháng 4 là mùa trại nuôi cá hoạt động.
Hay chỉ muốn ngắm cảnh và nhìn cá hồi hồi hương, quí vị có thể đến cầu treo Capilano Suspension Bridge bắc ngang qua thung lũng Capilano Vancouver. Tại đây quí vị có dịp xem đời sống của loài cá Hồi (Salmon) sau khi đi một vòng biển Thái Bình, lội ngược trở về đẻ trứng và chết ở đây.
Nói đến cá hồi mà không nói về chất dinh dưỡng của nó là một điều thiếu sót
Cá hồi được sinh ra từ nước ngọt nhưng lại lớn lên ở biển. Da của loại cá này rất trơn láng, thịt cá có màu cam, là nguồn cung cấp dồi dào các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể đặc biệt là omega 3, DHA, EPA, vitamin, B12, chất sắt, protein…Cá hồi ít xương, nạc nhiều, không tanh, lại có hương vị thơm ngon nên dễ chế biến thành các món ăn cho cả gia đình. Món cá hồi sống ăn kèm với mù-tạt theo phong cách ẩm thực của Nhật khá nổi tiếng. Do đó, món ăn này đã du nhập vào nền văn hoá ẩm thực của nhiều đất nước, trong đó có Việt Nam. Bạn có thể dùng nguyên liệu thịt cá hồi để chế biến nhiều món ăn theo khẩu vị Việt như cá hồi kho nước dừa, cá hồi nướng xiên…. Cách thực hiện cũng như các loại cá thông thường khác như rán giòn chấm nước mắm chua ngọt hay mắm gừng, hấp gừng hành, kho tộ, nướng, lẩu, nấu cháo, nấu canh chua hoặc canh rau ngọt….
- Khi chế biến cá hồi, bạn nên chú ý những điều sau: -nấu cá trong thời gian ngắn, không rán kho và nấu cá quá lâu vì thịt cá hồi sẽ xạm lại, rất khô, không ngon. Cá vừa chín tới hoặc còn hơi tái một chút, thịt sẽ mềm, ngon và thơm hơn -Thịt cá hồi có vị ngọt và đậm đà đặc trưng nên bạn cần giảm lượng gia vị; không nêm quá đậm sẽ làm mất vị ngon của cá - Tốt nhất nên dùng cá còn tươi sống. Nếu không, có thể dùng cá hồi đông lạnh nhưng phải cho vào ngăn mát tủ lạnh để cá tan đá từ từ, như thế thịt cá mới không bị bở, nát. (theotiếp thị gia đình)
Cá hồi có “trái tim” theo quan niệm của một số người VN tị nạn CS hải ngoại.
Để chấm dứt bài viết chúng tôi xin mượn huyền thoại về cá hồi mà nhiều người Việt tị nạn CS ở hải ngoại đã suy nghĩ và dùng huyền thoại “Trái tim” cá hồi để ví cho ngày trở về quê hương của mình. Chúng tôi xin nêu một vài ý kiến; đó cũng chỉ có tính cách cá nhân nếu không bằng lòng xin bỏ qua.
Cá hồi sinh ra ở sông ngòi, lớn lên vượt bao nhiêu ghềnh thác dữ dội ra biển. Sau khi hoàn toàn trưởng thành, cá hồi lại vượt thác ghềnh, bơi đúng con đường cũ, quay trở về đúng nơi mình sinh ra để làm nhiệm vụ duy trì nòi giống. Cá hồi luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn. Theo truyền thuyết của các tù trưởng da đỏ, cá hồi là loài cá duy nhất có TRÁI TIM". Nếu quí vị muốn hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng cũng được; na ná giống người Việt bỏ nước ra đi vào năm 1975.
Sau một thời gian dài qua bao thăng trầm tạo dựng được cuộc sống mới tạm ổn định tại xứ người, bây giờ họ bắt đầu ôm mộng cá hồi có “trái tim” trở về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, sống và chết ở đó. Điều này cũng không hẳn là sai, nhưng chúng tôi muốn chia xẻ một vài cảm nghĩ sau đây. Khi những người Việt tị nạn CS muốn trở về quê hương sống chết ở đó, quí vị có bao giờ nghĩ rằng thời điểm hôm nay chưa phải lúc để trở về!? Những “trái tim cá hồi hải ngoại” có bao giờ nghĩ đến hiện tình quê hương của mình hôm nay ra sao? Có bình an, có tự do, có dân chủ, nhân quyền hay vẫn còn bọn CS thống trị dã man gây bao nỗi đau thương cho dân tộc, đất nước? Có bao giờ “trái tim cá hồi hải ngoại” nghĩ rằng nơi đó có phải là chỗ an toàn để trở về; nơi đó người dân có quyền sống như một con người không? Đồng bào ruột thịt của mình đang đổ máu từng ngày để sinh tồn, tuổi trẻ bị cầm tù khi tỏ lòng yêu nước, người dân mất đất, mất nhà, mất nơi sinh sống, Quốc Gia đang bị xăm lăng bởi bọn Tàu cộng phương bắc. Xin hỏi đó có phải đúng là quê hương để chúng ta trở lại sống và chết ở đó?.
Cá hồi trở về với dòng sông con suối thơ mộng để duy trì nòi giống rồi chết ở đó một cách êm đềm, từng cặp trọn tình, trọn nghĩa. Ngược lại “trái tim cá hồi hải ngoại” hồi hương, chỉ vô tình tiếp tay cho bọn độc tài khát máu, mang tiền bạc để tiếp sức cho chúng thêm phương tiện bóp chết đồng bào. Bây giờ chúng ta thử đưa ra một ví dụ: nếu qui vị được chôn cất tại quê hương, nhưng quí vị có chắc rằng mồ mã của mình không bị cày xới để làm khu quy hoạch hay làm bãi đổ rác công cộng? Sau 39 năm chẳng lẽ chúng ta chưa nhận thấy được điều đó hay sao? Hãy về để tận mắt nhìn thấy nghĩa trang Biên Hòa, để nhìn thấy những nấm mồ tổ tiên đã có hằng trăm năm cũng bị đáo xới, dời đi. Hãy về để nhìn thấy dân mình lầm than khốn khổ, để thấy những bé thơ đói rách đầu đường xó chợ, để thấy đất nước đang bị Hán hóa, đạo đức đã bị suy đồi, chất độc trong thực phẩm lan tràn khắp nước... Thử hỏi chúng ta có cần thiết để bỏ lại nắm xương tàn trên quê hương đó không? Nếu quê hương tốt đẹp như nơi chốn của cá hồi thì người trong nước hiện nay đâu tìm cách bỏ nước ra đi từ dạng hợp pháp và bất hợp pháp. Tại sao họ không chọn nơi quê hương đó để tái sinh, là nơi thiên đàng trần thế mà phải ra đi?
  
Chúng tôi đồng ý với một số quí vị rằng tuổi già trở về quê hương đất tổ để gởi thân xác theo ông, theo bà. Nhưng nghĩ đến đây tôi thấy tôi nghiệp cho hằng trăm ngàn người đã bỏ xác nơi biển cả, trên rừng sâu vực thẳm trong những thập niên qua, bởi vì không thể sống dưới chế độ CS. Chúng ta có còn nhớ những lời khai trong buổi đầu khi đặt chân đến các nước tự do, quí vị đã khai báo thế nào với Cao Ủy tị nạn “...tôi là người tị nạn CS” chứ không phải ra đi vì kinh tế. Hành động trở về hôm nay của một số người để làm ăn, làm từ thiện hay hồi hương vĩnh viễn; nếu chúng ta suy nghĩ lại về hiện tình đất nước hôm nay, thì đó có phải là hành động ngoảnh mặt lại với đồng bào của mình?!
Có nhiều người cho rằng “sống chết mặc bay”; thôi thì cũng tạm chấp nhận đi! Phàm làm người thì chuyện dối lòng dối người, quên căn cước tị nạn của mình đã thành thói quen. Để đáp ứng sự mong muốn đó, chúng tôi có một đề nghị trước khi quí vị trở về để sống hay làm ăn tại quê hương theo hoài bão “trái tim cá hồi”. Thứ nhất là trước khi đi, quí vị nên hủy bỏ quốc tịch nước sở tại, kể cả những phúc lợi của chính phủ mà quí vị đang được hưởng. Thứ hai, quí vị phải can đảm nói với chính phủ của quốc gia đang sinh sống: Chúng tôi đã từng khai dối “Tôi không phải là người tị nạn Cộng Sản” mà ra đi vì kinh tế. Nếu quí vị can đảm nói lên điều đó thì thật xứng đáng là “trái tim cá hồi” hải ngoại. Cũng như Ca Sĩ Khánh Ly đã từng tuyên bố: “Không có gì đẹp đẽ cho bằng sự trở về để có nơi mở đầu thì xin được kết thúc tại cái nơi mở đầu đó. Đó là ước mơ.Tôi hy vọng là không phải ước mơ chỉ của riêng tôi mà là ước mơ chung của tất cả những người được gọi là người.” Khánh Ly nói đúng! Tôi nghĩ là Khánh Ly nên hủy bỏ quốc tịch Mỹ mang cả chồng con về VN sinh sống thì tốt nhất (mở đầu với chế độ VNCH tự do, dân chủ, hạnh phúc, ấm no và kết thúc với chế độ độc tài CS, man rợ và bán nước). Khánh Ly nên trở về với “chùm khế ngọt trèo lên tuột xuống mỗi ngày” là đúng với ý nghĩ của mình, đồng thời để thỏa mãn niềm ước mơ của “trái tim cá hồi hải ngoại”. Như trước đây có trái tim cá hồi phó tông tông Nguyễn Cao Kỳ, Nhạc Sĩ Phạm Duy, Ca Sĩ Duy Quang, Hoài Linh, Tuấn Ngọc, Thanh Tuyền, Phương Dung, Hương Lan, Elvis Phương, Chế Linh, Quang Lê.v.v. và còn nhiều nữa. Cuộc đời nghĩ cũng lạ khi đói rách lầm than thì dùng đủ mọi ngôn ngữ để xin xỏ chạy chọt quên cả sĩ diện, đến lúc có chút dư giả, danh phận thì quay mặt lại với đồng loại quên đi thân phận của mình; không biết trái tim của họ có bằng trái tim cá hồi thật không nữa?! Hãy nhìn trái tim cá hồi Nguyễn Cao Kỳ để lấy kinh nghiệm: ông vừa cúi đầu vừa muối mặt nhưng cuối cùng cũng không có một mảnh đất quê hương để nằm xuống.
Thưa quí vị, chúng tôi tuổi đã cao nhưng sẽ vĩnh viễn không có “trái tim cá hồi hải ngoại” khi chế độ CS còn tồn tại ở quê hương; và con cháu tôi sẽ chọn đất Mỹ dung thân lâu dài. Cộng đồng người Việt chúng ta có thể tìm truyền thống dân tộc ngay trên đất Mỹ, đất Pháp, đất Úc.v.v. ; không cần thiết phải ở VN. Nơi hải ngoại quí vị thiếu điều gì? Kỷ niệm, gia đình, bạn bè, bà con ư!? Chúng ta có tất cả còn hơn ở VN nữa là khác. Đừng đứng núi này trông núi nọ mà thẹn với lương tâm và bị thế gian nguyền rủa.
Thời gian sống ở hải ngoại quá lâu; tất cả cảnh cũ người xưa bây giờ đều thay đổi, nếu gặp lại chỉ thêm ngỡ ngàng chua xót và hối hận trong lòng. Điều quan trọng hôm nay là chúng ta phải làm sao góp một bàn tay trong cuộc tranh đấu để giải thể chế độ CS, để dân tộc tái sinh, để đất nước được tự do, dân chủ, ấm no và được quyền làm người.
Chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi là, nơi dưỡng và nơi sinh nơi nào quan trọng hơn? Quí vị thử nghĩ xem: kỷ niệm hay nơi chôn nhau cắt rốn có làm chúng ta no cơm ấm áo; có cho chúng ta tự do, công bằng; có cho chúng ta đến trường học để thành đạt; con cháu chúng ta được sống trong xã hội văn minh của nhân loại và hưởng mọi quyền tự do bình đẳng như mọi người. Hãy tưởng tượng xem nếu chúng ta đã sống, đang sống hay sẽ quay về sống với xã hội CS hiện nay để thỏa mãn “trái tim cá hồi” thì hoàn cảnh chúng ta sẽ ra sao, sẽ được những gì? Tù đày, sợ hãi, kềm kẹp, tước đọat tài sản, áp bức, mất mọi quyền tự do dân chủ và cả quyền làm người! Tương lai con cháu chúng ta đi về đâu; được đi học hay đi bán vé số độ nhật hoặc bơi xới từng bãi rác kiếm ăn.... Tốt hơn hết nên sống nơi đã nuôi dưỡng chúng ta và “ăn cây nào rào cây ấy” là thượng sách! Và “trái tim cá hồi hải ngoại’ xin giữ lại cho đến khi nào chế độ CS không còn nữa rồi hãy về để cùng nhau tái sinh đất nước.
LINH VŨ

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire