caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

vendredi 18 octobre 2013

"TIẾNG HÁT DƯỚI CHÂN RẶNG TRƯỜNG SƠN" Nguyễn Nhơn




TIẾNG HÁT DƯỚI CHÂN RẶNG TRƯỜNG SƠN
Cảnh và Tình của người tù trên dất Bắc



Chiều xuống Quê nhà đâu đó tá
Trên sông khói sóng não lòng ai “
(Hoàng Hạc Lâu )



Trong ánh nắng vàng le lói của buổi sáng mùa Đông lặng lẽ, tiếng hát run rẩy cất lên:



Suối A Mai chảy dài ra Bến Ngọc
Đường ta đi qua Dốc Phục Linh
Đường ta đi đường nghĩa, đường tình
Đường đi hạnh phúc chúng mình đắp xây



Dưới chân Rặng Trường Sơn đoàn tù rách rưới, tả tơi, lầm lũi đào đấp theo tiếng hát ẻo lả, ủ ê. Mà nào có phải là tiếng hát, chỉ là mấy câu "nói lối" hững hờ của người tù tên Đạt, nguyên sĩ quan quân báo Tiểu Khu Bình Tuy. Anh Đạt lúc nầy yếu đuối lắm rồi mà phải tuân theo sự cưỡng ép của lũ tù gọi là Thường Trực Thi Đua, tức là lũ tù phản tỉnh lập công, mà phải gắng gượng, xướng ca. Mà mấy chữ cuối cũng không phải là "chúng mình đắp xây". Chính ra là "chúng mình Thi đua", nên người viết tự ý sửa đi cho nó bớt mùi xã nghĩa, làm hỏng đi vẻ đẹp của Sông Núi Trường Sơn.

SUỐI A MAI




A Mai là tiếng sắc tộc, gã tù chẳng hiểu nghĩa là gì mà cũng không ai bảo cho gã biết, bèn tự giải thích liều là suối mang tên người con gái đẹp như đóa hoa mai: Suối Nàng Mai. Cũng giống như tính khí thất thường của người đẹp, dòng A Mai thay đổi theo mùa. Mùa khô hạn, nàng thu hình thành một dòng suối nhỏ, nước trong vắt, dịu dàng, róc rách chảy về xuôi. Mùa mưa lũ, nàng dâng lên tràn ngập bãi bờ thành dòng sông rộng, ào ạt cuốn trôi. Gặp nơi ghềnh đá chắn ngang, sóng vỗ ghềnh, bọt tung trắng xóa. Một buổi trưa hè đổ lửa vừa buông cuốc ngồi bệt nơi ghềnh đá ven bờ, nhìn về phía thượng nguồn, một chiếc bè tre phăng phăng lướt xuôi dòng. Trước mủi bè, một em bé người sắc tộc đứng dạng chân, tay hoành ngang ngọn sào tre, trông lẫm liệt khác nào Trương Phi hoành xà mâu, trấn giữ cầu Trường Bản. Chiếc bè tre cơ hồ lao vào ghềnh đá, vậy mà phía sau người cha thản nhiên ngồi. Kịp khi mủi bè sắp chạm vào ghềnh đá rồi nương theo sức bật của dòng nước lùi ra, đứa bé nhẹ nhàng chọc chiếc sào tre vào vách đá. Chiếc bè liền quay quắt, lướt xuôi dòng. Cảnh trí trông còn đẹp hơn cảnh Gable-Monroe vượt "Dòng Sông Không Bao Giờ Trở Lại" trên phim ảnh. Gã tù vốn gốc dân Xứ Thủ (Thủ Dầu Một - Bình Dương), thuở học trò, mỗi khi Hè đến, vẫn bơi lội dọc ngang trên Dòng sông Thủ. Vậy mà có lần gã suýt vùi thân nơi Dòng A Mai xinh đẹp mà cuốn hút đó. Buổi chiều, sau một ngày lặn lội đường xa, cặp tre già nặng trĩu vai gầy. Vừa về tới bờ A Mai, gã tù vất phịch bó tre, ngồi thở dốc. Rồi, thay vì đợi các bạn tù kết bè dã chiến, vượt suối an toàn, gã cởi quần áo, lột dép cầm tay, một mình lội đứng qua dòng. Có ngờ đâu lúc nầy tuổi gã đã ngoài bốn mươi lại thêm bịnh đói triền miên, sức lực đã mỏi mòn. Cho nên mới ra tới giữa dòng, gã đà kiệt sức. Khốn nỗi, nếu buông quần áo, nhất là đôi dép độc nhất ra để rảnh tay bơi lội thì những ngày dài sắp tới, khi vượt rừng, băng núi, gai gốc, đá tai mèo thì đôi chân trần liệu sẽ ra sao? Cho nên gã đành đánh liều với số mạng, cố gắng đến đâu hay đến đó. May sao vừa lúc ấy, chiếc bè phía sau vừa lao tới, gã vươn tay bám chặt vật cứu tinh. Vậy là thoát nạn.

Suối A Mai chảy dài ra Bến Ngọc



BẾN NGỌC



Vượt rừng núi Lào Cai một đêm Hè mưa rơi tầm tã, xuyên quaThị Xã Vĩnh Yên, đổ xuống bến đò Ấm Thượng. Chiếc tàu sắt men theo sông nhánh, đưa đoàn tù Miền Nam đổ bộ lên Bến Ngọc vừa lúc chiều buông. Cảnh chiều tà trên bến vắng thật là hiu quạnh. Khói cơm chiều nhà ai vờn lửng lơ trên mái rạ. Gã tù ngẫn ngơ, mường tượng trong tâm tưởng tiếng hát biệt ly sầu:
Bến ấy ngày xưa người đi
Vấn vương, biệt ly …



Đàng trước mặt, nẻo mòn quanh co, mất hút trong cảnh rừng núi tăm tối, mịt mù. Đàng sau lưng, dòng sông lặng lẽ, lững lờ trôi. Lòng người tù khoắc khoải, rồi đêm nay biết sẽ
về đâu? Vì ấn tượng ban đầu ấy mà về sau, mỗi lần trẩy qua Bến Ngọc gã tù vẫn thấy lòng buồn man mác:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ



Mà cảnh ấy có gì vui? Trên bến vắng, núi rừng Trường Sơn lặng ngắt. Dưới bến sông chỉ độc chiếc thuyền con đơn côi, cắm sào đợi khách. Không gian vắng lặng như tờ.
Vậy tại sao bến ấy có tên đẹp đẻ là Bến Ngọc? Phải chăng vào thưở yên bình xưa cũ, khi lòng người còn thanh thản, chưa nặng trĩu lụy phiền, một đêm trăng sáng, ánh trăng chiếu giải trên bến vắng. Dòng sông gợn sóng lăn tăn, phản chiếu ánh trăng thanh,tỏa sáng lấp lánh trông như ngọc. Vì vậy mới đặt tên là Bến Ngọc chăng? Rời Bến Ngọc một quãng đường thì đã tới chân Dốc Phục Linh.


DỐC PHỤC LINH




Khen ai khéo đặt tên Dốc Phục Linh, bởi vì mỗi lần qua là mỗi lần đờ đẫn, chỉ vượt qua rồi mới lấy lại thần hồn. Ngày đó, toàn Trại Tân Lập, kể cả Phân trại K7 giam tù "biệt kích" cũ của Miền Nam, đều kéo ra Bến Ngọc để vận chuyển những gì còn lại của xác Trại Số 1, Lào Cai, bị Trung Cộng tràn qua biên giới đánh sập. Lần đó, gã cùng một bạn tù khiêng một bó cột kèo nặng trĩu. Gã bắt đầu vượt Dốc Phục Linh vào lúc trưa đứng bóng. Trời nắng chang chang, không khí tan loãng, nhẹ tênh, mặc cho gã phì phò hít thở mà không hớp được bao nhiêu dưỡng khí. Dốc thì dựng đứng, gánh nặng oằn vai, từng giọt mồ hôi chảy vào mắt cay xè, gã dấn bước trèo lên một cách vô hồn. Chỉ khi được lịnh nghỉ, gã định thần nhìn lại mới hay mình đang đứng trên đỉnh dốc. Nhìn quanh tìm kiếm, gã không thấy nơi nào có đủ bóng râm tránh nắng. Những cụm tre thưa, những thân cây còm cỏi làm sao tỏa được bóng râm mát mẻ? Gã bật ra tiếng chửi thề khi bỗng nhiên nhớ lại mấy câu thơ tiền chiến chết tiệt của văn nô Tố Hũu:

Tôi từ Vĩnh Yên lên

Anh từ Sơn Cốt xuống
Gặp nhau lưng Đèo Nhe
Bóng tre trùm mát rượi



Bận lên đã vậy, bận xuống cũng không phải nhẹ nhàng, phải ra sức kềm lại sức nặng từ phía sau đẩy tới, có thể xô ngả xuống hố sâu bên vệ đường. Xuống hết dốc một quãng thì bắt đâu vào xóm. Đường tuy bằng phẳng mà gã tù vì mệt mỏi nên vẫn bước lặt lè. Phía trước mặt đi ngược lại, chị dân làng áo quần lếch thếch, gánh nặng oằn vai. Vậy mà miệng không ngớt kêu thương, "Tội nghiệp các Bác quá!" Mà nào ai biết ai tội nghiệp hơn ai? Lũ tù kia chiều nay còn có chén "sắn dui" nho nhỏ tạm qua cơn đói khát. Còn Chị? Chiều nay biết chị có mang về được chút khoai, sắn cho bầy con nhỏ để chúng được no lòng? Vậy mới biết, giữa những người cùng khốn, tình yêu thương vẫn ấp ủ trong lòng.
Ngày nay, nơi xứ người, gã cựu tù vẫn mơ màng. Một mai khi nghiệp "Ác Cộng" đã được giải trừ, gã sẽ về thăm lại chốn tù đày thưở nọ. Để có dịp ngắm nhìn Bến Ngọc dưới trăng thanh, lấp lánh khoe ánh ngọc. Để buổi chiều tà trên đỉnh Dốc Phục Linh, ngồi lặng ngắm bầy chim sãi cánh tìm về tổ ấm. Để đắm mình trong Dòng A Mai trong vắt, rồi nửa đêm thao thức, vẳng bên tai xào xạt, sóng bổ ghềnh.



Nguyễn Nhơn

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire