caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 26 novembre 2013

Sông nước Ngã Bảy

Sông nước Ngã Bảy


 - Ghe chiếu Cà Mau cắm sào trên vàm kinh Ngã Bảy...
Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra... chào!
Chợ Ngã Bảy



Câu xuống xề vọng cổ của đệ nhất danh ca Út Trà Ôn trong bài Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu rất nổi tiếng vào những năm 1960, gợi người ta nhớ đến Ngã Bảy Phụng Hiệp... Có thể nói Phụng Hiệp là vùng sông nước đồng bằng độc đáo nhất của cả nước nói chung và của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, bởi nơi đây có đến bảy con sông lớn nhỏ tụ lại một đầu mối! Ấy là các sông: Xẻo Môn, Xẻo Đông, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Côn, Mang Cá và kênh Xáng.
Xuôi theo quốc lộ 1 từ TP.HCM 210km, từ Cần Thơ 30km ta sẽ đến huyện Phụng Hiệp thuộc tỉnh Hậu Giang.
Phụng Hiệp là cửa ngõ của trung tâm tiểu vùng tây sông Hậu. Chợ nổi Ngã Bảy được thành lập năm 1915. Người Pháp đã mất hết 10 năm đào kênh Xáng để hình thành bảy ngã sông đi khắp mọi hướng. Nơi đây trở thành đầu mối giao thông thủy lớn nhất Nam kỳ thời ấy - người Pháp thường gọi Ngã Bảy là “Ngôi sao Phụng Hiệp”. Ngã Bảy là chợ nổi lớn nhất nhì đồng bằng sông Cửu Long với phong phú, đa dạng các loại sản phẩm, hàng hóa mang đặc trưng, sắc màu của miền sông nước Tây Nam bộ.
Ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, len lỏi giữa hàng trăm ghe hàng trên sóng nước dập dềnh, bạn sẽ chứng kiến sức sống sôi động của chợ nổi với muôn vàn cảnh vật và âm thanh ồn ào, náo nhiệt. Bạn sẽ gặp các tàu, ghe hàng từ nhiều hướng đổ về. Ghe bán khô cá biển, muối, mật ong, tràm cây, than đước của “miệt dưới”; dừa, chuối, cam, bưởi, vú sữa, sầu riêng, bắp cải, khoai lang, gạo, cám của “miệt trên”; hàng tiểu thủ công như chiếu, lờ, lợp, lưới, nhang, bếp lò, cối đá cùng hàng công nghệ thực phẩm đều có đủ... Bạn có thể lên bờ tham quan chợ rắn nổi tiếng của Phụng Hiệp ở gần mé sông chợ chính. Bạn sẽ gặp một số rắn thông thường như hổ hành, bông súng, ri vôi, ri cá, rắn trun. Các loại rắn quý hiếm như mái gầm, hổ đất, cạp nong, trăn gấm do ở trong nhóm động vật hoang dã được bảo vệ nên ta ít gặp hơn. Rùa, cua đinh, kỳ đà xưa kia rất phong phú, ngày nay đã ít đi... nhưng cũng đủ cho bạn thỏa mắt khám phá!
Đến với khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ ở địa phận ấp Phương Quới, xã Phương Bình là một tiết mục du khảo về nguồn hấp dẫn. Do xây dựng trên nền đất của bà Bái là một địa chủ thời Pháp thuộc, nên căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ còn gọi là căn cứ Bà Bái. Đến đây, bạn sẽ nhìn thấy toàn bộ khu di tích được xây dựng trên khoảng đất vườn rộng 6ha, giữa bốn con kênh bao bọc như những chiến hào thiên nhiên là kênh Xáng, kênh Cả Cường, kênh Cũ và kênh Bà Bái.
Căn cứ Bà Bái là nơi xuất phát của các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, tiến công về Cần Thơ, Vị Thanh và các mục tiêu trọng điểm khác trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Khu di tích bao gồm: hội trường là gian nhà hình chữ nhật kê tán, lợp lá rộng chừng 150m2, đây là nơi diễn ra các cuộc hội nghị quan trọng của Tỉnh ủy Cần Thơ. Nhà được làm từ các vật liệu có sẵn tại khu căn cứ như: tràm, cau, dừa, tre, sắn và mù u... Bên trong hội trường là văn phòng làm việc của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Nhà ở của đồng chí bí thư ở phía tay phải của hội trường. Ngoài ra còn rất nhiều lán trại, hầm của các cơ quan, bộ phận trực thuộc.
Đường vào khu di tích là một lối mòn nhỏ xuyên qua rừng cây rợp bóng. Có rất nhiều loại cây sống từ thời trước chiến tranh vẫn còn lại đến ngày nay như: lâm vồ, đủng đỉnh, săn máu,  sung, cau, gừa, dừa, sao... Trong khu di tích này có rất nhiều chim, đặc biệt có loài chim khướu với giọng hót rất hay. Trong không gian yên ắng, giữa những gian nhà lá đơn sơ, những lối mòn ngang dọc đầy lá khô và hoa cỏ dại gợi cho người ta nhiều cảm xúc. Hình như bóng dáng của quá khứ còn lẩn khuất đâu đây với những con người của một thời hào hùng, oanh liệt...
Rời chợ nổi Ngã Bảy với sinh hoạt đông vui, huyên náo, ta đi về phía thị trấn Cây Dương, Nhà Máy Cháy chừng 5km, rẽ về bên trái ghé thăm Lung Ngọc Hoàng. Nơi đây còn được mệnh danh là “rún cá” của Tây Nam bộ. Khu bảo tồn sinh thái này quy tụ các loài sinh vật quý hiếm, phong phú, nhiều chủng loại gồm 330 loài thực vật và 206 loài động vật quý, có một số loài chim, thú  trong Sách đỏ đang được bảo vệ, trong đó có các giống quý hiếm như: bạc má, giang sen, già đãy, vạc... Mỗi bầy có đến hàng ngàn cá thể đang sinh sống, sinh hoạt trong không gian của những cánh rừng tràm, những cánh đồng năn, lác, sen, súng bao la bạt ngàn, hoang vu và vắng vẻ.
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là hệ sinh thái rừng ngập nước cuối cùng ở khu vực tiểu vùng tây sông Hậu thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Khu bảo tồn này trên lý thuyết có diện tích rộng tới 280.535ha, trải dài từ phía tây sông Hậu tới tận U Minh và được xem là một trong những khu vực tiêu biểu trên bản đồ đất ngập nước của Việt Nam và thế giới. Hiện Lung Ngọc Hoàng đang được các ngành chức năng tập trung đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái  nhằm góp phần bảo vệ sinh cảnh đặc trưng và độc đáo của vùng này, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm của vùng đất ngập nước còn sót lại của vùng đồng bằng tây sông Hậu.
Về thực vật cấp cao, hiện nay khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có 1.461ha rừng tràm và một số keo tai tượng, tràm hoa vàng, keo lai, xà cừ, sầu đâu. Bên cạnh đó còn có 315ha ao, mương, lung, bàu với nhiều loài cá lóc, cá rô, trê trắng, thác lác, cá bông, cá chạch... Đi xuồng nhỏ giăng câu, thả lưới, đâm cá ở giữa Lung Ngọc Hoàng, bạn sẽ thấy mình như sống lại thời khẩn hoang. Ta sẽ gặp những  cánh đồng hoang vu xa tít tận phía chân trời với những bầy le le, cò trắng chập chờn tung cánh giữa mênh mông hoang dã...
Ngoài các điểm tham quan kể trên, Phụng Hiệp còn có khu du lịch sinh thái Tây Đô thuộc xã Phương Bình, trên quốc lộ 61, cách  Vị Thanh 30km. Đây là khu vui chơi, giải trí đa dạng và phong phú giữa một khuôn viên nhà vườn rộng hơn 16ha. Tại đây có khu nhà rông thoáng mát, đầy đủ tiện nghi cùng với nhà hàng phục vụ các món ăn đặc sản của vùng sông nước ĐBSCL. 
Về Phụng Hiệp quê hương bảy ngả sông, trải lòng ra với bao la, bát ngát đồng bưng, bạn sẽ có nhiều cảm xúc lưu luyến khó quên...  

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire