caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

jeudi 12 décembre 2013

"Bát Cơm Gạo Nứt" thơ Bút Xuân và thêm mục lục đặc biệt .../ Đôi Bờ Tử Sinh / 3

Bát  Cơm Gạo  Nứt

 

 Tôi thích nhất một bát cơm gạo nứt*

Canh khổ qua nhồi với nấm đông cô
Ðậu hũ chiên có thêm sốt cà chua
và rau muống, luộc hay xào tùy ý
 
Ngày mùa Ðông, xưa mẹ tôi rất kĩ
Cải bẹ gừng, bà thường nấu canh cua
Mớ cua đồng hoặc cua biển vừa mua
Ðem giã nát, lấy nước ngọt tinh khiết

 
Những bát cơm mùa Ðông ngon...hết biết
Có tép kho, có sung khế, mắm rau
Những lát riềng thái mỏng lặn đi đâu
Trong chén mắm tôm điềm, tôm ngả thính?
 
Lâu thật lâu, hay là khi bị bịnh
Mẹ nấu cho được một bát cháo gà
Bỏ hành nhiều, cho khỏi cảm, con nha!
Hai viên thuốc đi kèm theo, nhớ lấy!
 
Trước khi ăn, phải ngồi im đừng quậy
Cái chăn dầy trùm hụp cả châu thân
Cởi trần ra – Dù nóng phải chịu trân
Mẹ xông thuốc cho mồ hôi ướt đẫm.
 
Mùi hương nhu, sả, tía tô quá thấm
Thấm vào da, vào tóc, khắp châu thân
Ngồi trong chăn mà hít mãi mùi thơm
Lâu không ốm lại thấy hơi  nhớ  nhớ...
 
Sáu mươi năm - Những mảnh đời khi nhỏ
Vẫn luyến lưu da diết ở trong tim
Dù giờ đây tôi mải miết đi tìm
Không còn thấy Thầy Mẹ tôi đâu nữa!
 
Cơm gạo nứt, rau muống luộc những bữa
đầy tình thân, đầy hương vị quê hương
Tôi muốn sống lại một buổi chiều Ðông
Nhưng không thể - Không bao giờ được nữa!
 
 B út Xuân  TRẦN ÐÌNH NGỌC
*gạo nứt (nứt ra khỏi vỏ trấu)
chứ không phải lứt hoặc lức, không có nghĩa.
 
http://www.chungnhanduckito.net/vh.nghethuat/gs.ngoc/mucluc.htm








Đôi Bờ Tử Sinh (3)
*Bút Xuân Trần Đình Ngọc
(tiếp theo)
Tử sinh ngăn cách đôi bờ
Chỉ một sợi tóc hững hờ, thiên thu! (TĐN)
Ở bài trên, tôi có nhắc đến hai ông bạn nhà thơ mà những năm trước 30-4-1975 chúng tôi thường hay gặp nhau ở phòng giáo sư nhiều trường Trung học tại Sàigòn. Hai ông này với tôi đều dễ chịu nhưng lại rất khó chịu với nhau. Đó là ông Nguyên Sa Trần bích Lan và ông Bùi Giáng. Tôi đã nói một chút về ông Nguyên Sa, sau đây là vài giai thoại về ông Bùi Giáng.
Tôi không bao giờ hỏi tuổi nhưng tôi đoán Bùi Giáng hơn tôi khoảng 7, 8 tuổi trở lên. Nếu Bùi Giáng còn sống, năm 2013 này ông cũng phải 90 trở lên.
Tôi gặp Bùi Giáng thật tình cờ. Bữa đó dạy tại Trường Trung Tiểu học Thánh Thomas (nhà thờ Ba Chuông) ở đường Trương minh Ký (Trương minh Giảng nối dài, tên trước 30-4-1975) giờ ra chơi, tôi vào phòng giáo sư thì thấy dăm anh chị Giáo sư đang ngồi đó với cha Vang, hiệu trưởng trường. Sau khi chào hỏi, cha Vang trỏ một người đàn ông, hỏi tôi:
“Này anh Vũ, anh có biết anh này không?”
Tôi lắc đầu:
“Thưa cha không.”
Cha trỏ người đàn ông và trỏ tôi:
“Giới thiệu cho hai anh biết nhau. Đây là anh Bùi Giáng, còn đây là anh Xuân Vũ Trần Đình Ngọc.”
Chúng tôi bắt tay và nói hân hạnh. Kể từ đó, chúng tôi năng gặp nhau và có khi tôi mời Bùi Giáng đến nhà tôi họp mặt với anh em văn nghệ. Chúng tôi dễ thân với nhau vì cả hai đều thích thơ lục bát của cụ Nguyễn Du và chúng tôi cùng dạy nhiều trường với nhau.
Bùi Giáng dáng người gày, trông khắc khổ và khô khan, bị cận thị nặng nên lúc nào cũng đeo kính trắng khá dày. Ông ta không chú ý vẻ bề ngoài mặc dù đi dạy học, các ông Hiệu trưởng và Giám học dặn kỹ là phải ăn mặc tươm tất và thắt cà vạt. Thầy, cô có tươm tất thì mới chỉnh đốn học sinh được mặc dù học sinh thời gian đó, đa số rất ngoan, học rất giỏi và theo đúng kỷ luật nhà trường, chỉ có một số rất nhỏ phá phách trong lớp nhất là những lớp nam, nữ học chung. Hơn nữa, khi thầy giáo đứng trước cả trăm học sinh, ăn mặc tươm tất cũng làm mình tự tin hơn, bài giảng đã đành là cần nhưng ngoại diện cũng cần. Bùi Giáng, trái lại, nhiều khi ăn mặc rất lôi thôi.
Bùi Giáng và Nguyên Sa đều là bạn đồng nghiệp (dạy học) và khá thân với tôi nhưng hai ông này lại có vẻ kị nhau. Hai câuthơ sau đây nói lên tình cảm giữa hai người:
 
Cứ tưởng đầu đường thương xó chợ
Ai ngờ xó chợ chẳng thương nhau! (BG)
 
Bùi Giáng tự nhận là xó chợ, coi Nguyên Sa là đầu đường nhưng thực sự, Nguyên Sa kiêu hãnh lắm và chẳng coi Bùi Giáng ra gì. Nguyên Sa có nhiều bạn Văn nghệ hơn Bùi Giáng, mở trường Văn học dạy Triết Tú Tài II (lớp 12) trở xuống, dù sao tiền bạc cũng rủng rỉnh hơn Bùi Giáng nhiều. Bùi Giáng chỉ dạy từ lớp 9 tức Trung học đệ nhất cấp trở xuống mà thôi nhưng về Triết học, có lẽ Bùi Giáng sâu sắc hơn Nguyên Sa với những Triết gia mà Bùi Giáng hay đề cập như André Gide, Heidegger, Kant, Albert Camus, Jasper, Bertrand Russell v.v…Bùi Giáng có in một cuốn sách dày về những Triết gia này, tôi không nhớ tựa cuốn sách, nhưng ngày nay đã thất lạc. Ông đọc khá nhiều và viết cũng khá nhiều nhưng sách để lại không thấy còn bao nhiêu.
 
Lúc tôi biết Bùi Giáng thì không thấy Bùi Giáng có vợ (hay là có mà tôi không biết) nhưng ông không giấu diếm tình cảm đậm đà với nữ Kịch sĩ Kim Cương, (cán bộ CS hoạt động nội thành Sàigòn). Kim cương với Bùi Giáng là tuyệt vời về mọi phương diện: sắc đẹp, công, ngôn hạnh, tài đóng kịch, cách tiếp xử v.v…Có lần, Bùi Giáng đến nhà Kim Cương, đòi cho được một cái quần của Kim cương để mặc. Lúc đầu Kim Cương không chiều cái tính trái khoáy đó nhưng Bùi Giáng nổi điên la lớn, làm dữ, Kim Cương phải lấy một cái quần thường đóng kịch trao cho ông. Bùi Giáng mặc vào, không cởi ra nữa. Tuy Bùi Giáng yêu Kim Cương say đắm như vậy nhưng Kim Cương chỉ đáp lại một cách trầm lặng, có thể không có cả một cái nắm tay, nhưng Bùi Giáng không quan tâm.
Có những buổi dạy học ra, tôi mời Bùi Giáng, Nguyên Sa và một đồng nghiệp khác của tôi là anh H. đi ăn tối, trò chuyện. Chúng tôi thường lái xe đến quán Bẩy Hổ, nhìn sang thành Ô-ma, có lẽ nó là đầu đường Ngô tùng Châu. Từ quán này, đi mấy bước thấy chợ Thái Bình và rạp ciné Khải hoàn, lúc đó chuyên chiếu phim cho con nít. Còn thành Ô-ma thì anh em binh sĩ và xe nhà binh ra vào tấp nập, sau này được biết là một đơn vị của Lữ đoàn Liên binh Phòng Vệ Tổng thống phủ.
Dăm chai la-de 33, vài ba đĩa lươn um nước dừa hay ếch chiên bơ, ếch xào lăn, chúng tôi trò chuyện về đủ mục: văn nghệ văn gừng, điện ảnh, thi ca hay thời sự cho đến hơn 9 giờ tối mới đứng lên về nhà. Bùi Giáng và Nguyên Sa không được “get along” với nhau mấy, tôi cứ phải là người hòa giải đôi bên về những dị biệt.
Cuộc chiến Quốc-Cộng tại miền Nam ngày càng khốc liệt. Tôi nhập ngũ đầu năm 1962 theo lệnh động viên của Bộ Quốc Phòng, Nha Động viên (Giám đốc là Đại tá sau này lên tướng: Thiếu tướng Bùi đình Đạm, một sĩ quan thanh liêm và có uy tín đã coi Sư đoàn 7 BB). Tôi ở trong Quân đội 6 năm sau đó được giải ngũ vì nhu cầu GS đệ nhị cấp của Bộ Quốc gia Giáo dục. Cuối năm 1967, tôi lại được giao phó trông coi tờ Bán Nguyệt San Tinh Thần (TTK Tòa soạn/ Chủ bút), tiếng nói của Nha Tuyên Úy QLVNCH, món ăn tâm linh và tinh thần cho anh em quân nhân Công giáo đồng thời làm Giám học/Tổng Giám thị Trung tiểu học Đồng Tiến nên rất bận.
Thời gian đó, ở tuổi nhập ngũ, hễ đã thi hành xong phận sự quân dịch là yên chí lắm. Tôi chẳng hiểu hai anh bạn Bùi Giáng và Nguyên Sa đã gia nhập quân ngũ chưa (cũng có người chỉ phải đi huấn luyện quân sự 6 tuần rồi được về dạy tiếp, tùy trường hợp và nhu cầu), nhưng không bao giờ hỏi vì là vấn đề tế nhị.
Có một lần anh bạn H. kể cho nghe, tại một trường Trung học ở ven đô, đang lúc giảng bài, Bùi Giáng cởi hết quần áo, leo cửa sổ nhông nhông chạy ra đường. Cảnh sát Giao thông tóm Bùi Giáng, giải về trường bắt mặc quần áo. Nhờ Hiệu trưởng can thiệp, Cảnh sát không phạt tiền và phạt giam 12 tiếng đồng hồ vì tội “công xúc tu sỉ”. Dù đã biết là sai quấy vì sau đó Bùi Giáng phải ký với Cuộc Cảnh sát nhìn nhận sự sai lầm, hứa không tái phạm nhưng nếu có cơ hội, tôi nghĩ Bùi Giáng lại tái phạm như thường.
Khi tôi làm Giám học trường Trung học Đồng Tiến, tôi vẫn mời Nguyên Sa và Bùi Giáng lại dạy cho chúng tôi. Nguyên Sa: Triết và Bùi Giáng: Quốc văn. Nguyên Sa cũng mời tôi đến dạy lớp Triết tối hay Anh ngữ cho anh tại trường Văn học Sàigòn.
Như tôi đã trình bày, Nguyên Sa bị ung thư cổ họng và qua đời vào năm 1998. Còn Bùi Giáng qua đời tại Việt Nam, có lẽ là sau năm 2000, sống đúng như một homeless, sắc diện đổi nhiều, già đi nhiều và bệ rạc hơn trước ngày 30-4-1975.
Cũng có lần chúng tôi chén tạc chén thù với LM Thiên Hổ tức Nguyễn quang Lãm, Chủ bút Nhật báo Xây Dựng (ông chỉ khoái cờ tây), lại có khi có cả anh Chu tử, báo Sống và LM Trần Du, báo Hòa bình và nhiều anh em Văn nghệ khác cũng như Giáo sư Đại học…Ngay như Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, qua hai Giáo Sư Kim Định và Lê tôn Nghiêm mà tôi quen biết, sau này cũng nhiều lần tôi gặp và trò chuyện và chính ông mời tôi tới Viện Đại học Vạn Hạnh ghi tên học Cao học Xã hội (năm 1965) nhưng rồi tôi quá bận việc quân ngũ, không làm gì được, ngay cả đi ghi tên.
Coi vậy mà những chuyện này đã xẩy ra trên dưới nửa thế kỷ, con người Việt Nam thì quá đa đoan với vận nước nổi trôi, có những lần chết hụt, trí nhớ theo tuổi đời càng cao thì càng nhạt phai, nhiều khi nhớ không hết.
Bút Xuân Trần Đình Ngọc      

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire