caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

lundi 23 décembre 2013

TỨ THÁNH BẤT TỬ VIỆT NAM.KHIẾT CHÂU NGUYỄN-HUY HÙNG biên khảo.(**)




TỨ THÁNH BẤT TỬ VIỆT NAM.

Khiết Châu Nguyễn Huy Hùng (K1)


Hồi còn nhỏ, Tôi thường được theo Bà Ngoại đi lễ Phật tại Chùa, và đến chiêm ngưỡng lạy các vị Thần Thánh tại các Đền do dân chúng lập lên để sùng bái. Ngoại của Tôi nói rằng : “Mình là người trần mắt thịt, không thấy xa trông rộng để hiểu thấu được Thiên Cơ, nên không biết trước được sự gì sẽ xẩy đến cho mình và Thế nhân trong những ngày tháng tới. Dù cho mình có cố gắng ăn ở hiền lành, tu thân tích đức đến đâu cũng không tránh khỏi đôi trường hợp sơ xuất mà không hay. Những sai phạm này là những tội sẽ bị tích lũy, và một ngày nào đó mình sẽ phải trả bằng một giá nào đó, như Phật tổ Như Lai đã giảng dạy cho loài người biết về luật “Nhân Quả, Luân hồi”. Do đó, ngoài sự cố gắng giữ mình gương mẫu trong cuộc sống hàng ngày, mình cần phải thường xuyên cầu xin Trời, Phật, và các vị Thánh, Thần, linh thiêng phù trợ cho được mọi sự an lành tai qua nạn khỏi.”

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tin tưởng mãnh liệt vào Thần Quyền, nên chúng ta không lấy làm lạ về số Đình, Chùa, Lăng, Miếu, Đền Thờ các vị Thánh, Thần, được dựng lên khắp mọi nơi, và lúc nào người ta cũng lui tới cúng lạy cầu tài cầu phúc cầu an cho bản thân và gia quyến. Hàng năm còn tổ chức những ngày Hội lớn để bàn dân thiên hạ tới họp mặt tôn vinh công đức của Vị Thánh Linh, và hiệp tâm cầu xin Thần Thánh linh thiêng phù hộ cho Quốc thái Dân an, che chở cho mọi người thoát khỏi các tai ách do người hoặc thời khí thiên nhiên khắc nghiệt gây ra.
Khi bắt đầu vào tuổi Thiếu niên, Tôi may mắn được gia đình cho gia nhập Đoàn Hướng Đạo Sinh, để ngoài những giờ mài đũng quần trong học đường có dịp tu luyện trau dồi Trí Đức Thể dục, chuẩn bị cho bản thân mình nếp sống của một Công dân bình dị, mạnh cả tinh thần lẫn thể chất, tháo vát, biết yêu Thiên nhiên, yêu Tổ Quốc, yêu Đồng bào, yêu Nhân loại và yêu mọi sinh vật trên cõi Trần gian này. Nhờ thế, Tôi đã có dịp tìm hiểu về Địa lý, Văn học, Lịch sử dân tộc Việt Nam nhiều hơn những gì ghi trong các sách học của Nhà trường, nên biết được Dân tộc Việt Nam có TỨ THÁNH BẤT TỬ, đã thường xuyên phù hộ độ trì cho dân lành Việt tộc thoát qua nhiều cơn nguy biến tai ách hiểm nguy.
Hôm nay nhân dịp đầu năm, tuy sống xa quê hương mến yêu nhưng mọi người vẫn không quên vui hưởng Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, Tôi xin tóm lược để chư vị độc giả cùng nhớ về BỐN VỊ THÁNH BẤT TỬ của Dân tộc Việt Nam chúng ta. Vì tuổi già, trí nhớ bắt đầu suy yếu, nếu truyện kể có gì thiếu sót, kính mong quý độc giả còn minh mẫn tài cao học rộng hiểu biết nhiều bổ túc giùm, Tôi xin chân thành cám ơn trước.



Một là, THÁNH GIÓNG làng Phù Đổng.

 

 

Theo tục truyền, Thánh Gióng là Thiết Lũng Thiên Thần được Trời sai xuống giúp vua Hùng Vương thứ Sáu, dẹp giặc Ân từ phương Bắc tràn xuống đánh chiếm nước Văn Lang. Sau khi dẹp tan giặc, Thiết Lũng Thiên Thần lên đỉnh núi Sóc Sơn biến mất, nên Vua Hùng nhớ ơn cứu nước, đã cho xây dựng Đền thờ Ngài tại làng Phù Đổng, và sắc phong làm PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG, Thành Hoàng làng Phù Đổng. Hàng năm có tổ chức Lễ Hội gọi là Hội Gióng vào ngày 9 tháng 4 Âm lịch.
Trong cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim có ghi một cách rất tổng lược, không đầy đủ chi tiết bằng những gì khắc ghi trên bia đá dựng tại Đền thờ nơi làng Phù Đổng, cộng với những chi tiết dân gian truyền khẩu trong Tổng Phù Đổng, do ông Nguyễn văn Huyên tóm tắt bằng Pháp ngữ trong tập “Les fêtes de Phù Đổng”, được Hội nghiên cứu Địa dư Hà Nội xuất bản vào năm 1938 tại Hà Nội, đầy đủ hơn như sau :

 “Dưới đời vua Hùng Vương thứ VI, nước Văn Lang thực là thái hoà, thịnh trị. Nhà vua bỏ tục cống lễ nhà Ân bên Tầu. Thấy vậy, Ân Chúa kiếm cớ tuần du phương Nam để có ý xâm chiếm nước Nam. Vua Hùng Vương lo ngại, họp triều đình bàn kế giữ nước. Một vị Đại Thần qùy tâu : -Xin nhà vua cầu khẩn Long thần, thần sẽ chỉ bảo nhà vua.
Vua nghe lời tâu, lập đàn tràng cúng tế ba ngày liền. Chợt giông bão nổi lên với sấm sét. Tại ngã tư kinh thành hiện ra một ông già mình cao chín thước, đầu râu tóc bạc, nhẩy nhót múa hát. Nhà vua triệu ông già tới đàn tràng dâng rượu thịt, ông già từ chối. Hỏi tới quốc sự, ông già đáp : -Ba năm nữa giặc sẽ từ phương Bắc lại. Muốn diệt giặc, nhà vua phải tìm người tài trong nước và hứa ban thưởng trọng hậu. Sẽ có thần nhân xuất hiện dẹp giặc. Nói xong ông già biến mất.
Ba năm sau, giặc Ân do Thạch Lĩnh, thái tử nước Ân đem quân xâm chiếm nước Văn Lang. Đại tướng nước Văn Lang là Lý Công Dật xuất quân cự địch, nhưng trước thế giặc mạnh, quân Văn Lang bị thua và Lý tướng quân tự sát chết. Nhà vua chợt nhớ tới lời Long thần, sai Sứ đi khắp trong nước để tìm người tài giỏi ra giúp nước.
Bấy giờ tại làng Phù Đổng có một lão trượng tuổi đã 60, cách đây ba năm, bà vợ có sinh ra một đứa con trai trong trường hợp rất kỳ lạ. Nguyên sau một đêm mưa gió, bà lão ra vườn hái rau, để ý thấy một vết chân to lớn đã dẫm đám rau của bà. Vô tình bà đứng đè lên vét chân đó để hái những cây rau đã bị giày séo về ăn. Từ đó bà thụ thai, rồi sinh một con trai. Đứa con trai này, cho đến năm lên ba tuổi thì vẫn nằm ngửa, không biết nói không biết ngồi. Khi nghe sứ giả nhà vua đi qua, bà mẹ nhìn con nói đùa : -Nhà vua đang cần tướng tài đánh giặc mà con nay mới lên ba, chưa biết cười biết nói, bao giờ con khôn lớn mà giúp nước phò vua?
Bà mẹ vừa nói dứt lời, đứa bé bỗng bật ra lời nói, bảo mẹ mời sứ giả nhà vua tới. Thấy con tự nhiên biết nói lại đòi mời sứ giả nhà vua, bà mẹ lấy làm ngạc nhiên, nhưng cũng ra thuật rõ truyện cho sứ giả hay. Sứ giả theo bà ta vào. Đứa bé bảo sứ giả về tâu vua đánh cho một con ngựa sắt và một chiếc roi sắt. Sứ giả về tâu vua rõ mọi sự. Nhà vua mừng lắm cho đó là ứng lời Long thần dạy trước, liền sai đánh ngựa sắt, roi sắt cho đứa bé.
Trong khi sứ giả về tâu vua thì ở làng Phù Đổng, đứa bé lớn phổng lên, ăn uống tốn kém rất nhiều cơm thịt. Sứ giả mang ngựa và roi tới. Đứa bé bảo mẹ thổi cho một nồi ba mươi cơm, vươn vai đứng lên, ăn hết nồi cơm, cầm roi nhẩy lên ngựa sắt, nhằm thẳng phiá giặc đóng phi ngựa tới. Lúc đó, giặc đang đóng ở núi Trâu Sơn huyện Tiên Du. Trước khi lên ngựa cậu bé nói : -Ta là Thiết Lũng Thiên Thần, giáng trần đi dẹp giặc.
Thiết Lũng Thiên Thần ra roi, ngựa sắt hét ra lửa, tới núi Trâu Sơn phá tan quân giặc, giết được cả tướng giặc là Thạch Lĩnh và ba Đại tướng khác. Nội trong một ngày giặc tan. Còn lại 24 tướng giặc phải xin hàng.
Trong lúc ra quân, ngựa sắt luôn luôn hét ra lửa để đốt giặc. Hiện nay di tích những ngọn lửa vẫn còn ở làng Cháy tức là làng Phù Chẩn, huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây ngựa thần đã đốt giặc, những cây bén lửa cũng cháy sém. Giống tre này nay mọc ở mấy tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên, với những đốt trắng đen như vết cháy; đó là loại tre “đằng ngà” rất đẹp và bền, được dân quê kén dùng chế tạo các vật đựng trong nhà. Giết giặc nhiều, chiếc roi sắt gẫy, ngài phải nhổ tre dùng thay. Giặc tan, ngài trở về làng Xuân Tảo, tỉnh Hà Đông, nơi Hồ Tây lội xuống tắm; sau đó ngài lên ngựa đi về tới núi Sóc Sơn tỉnh Phúc Yên thì biến mất.
Nhớ ơn ngài, vua Hùng Vương sai lập đền thờ tại làng Phù Đổng tức làng Gióng và sắc phong cho ngài là Phù Đổng Thiên Vương. Dân chúng gọi ngài là đức Thánh Gióng. Hàng năm để nhớ ơn ngài, dân chúng hàng tổng mở hội diễn lại sự tích ngài đánh giết giặc Ân.”
6867497299_7887dd8d6f_z

 

(Tượng đài Thánh Gióng, do Binh chủng Thiêt Giáp Quân lực Việt Nam Cộng Hoà thành lập vào năm 1955 vinh danh làm Thánh Tổ và xây dựng tại Bình Bông ngã tư đường Lê Lợi và Lý Thái Tổ thành phố Saigon vào năm 1968.)


Hai là, CHỬ ĐỒNG TỬ vùng Chử xá.th



(Tượng hai vợ chồng Chữ Đồng Tử và Công Chúa Tiên Dung trước đền thờ trên “BÃI TỰ NHIÊN” trong “ĐẦM NHẤT DẠ” tại vùng Chử Xá Bắc Việt Nam.)

Theo sự tích dân gian truyền tụng về Đầm Nhất Dạ và Bãi Tự Nhiên, thì hai vợ chồng CHỬ ĐỒNG TỬ-Công Chúa TIÊN DUNG con vua Hùng Vương thứ Ba, đã từng học đạo Tiên và từng cứu giúp dân nghèo trong vùng nên đã hiển thánh. Câu truyện được tóm lược như sau :
“Trong số các con Vua Hùng Vương thứ ba, có một công chúa từ thuở lọt lòng mẹ đã được các bà tiên tô điểm nên lúc lớn lên có được nhan sắc tuyệt trần, vua cha đặt tên là TIÊN DUNG, và rất cưng chiều. Sở thích của Tiên dung là đi chơi ngoạn cảnh khắp mọi nơi trong nước. Vua sắm cho một chiếc thuyền rất xinh, có đủ người hầu hạ và mọi thứ cần dùng. Hàng năm cứ vào khoảng cuối mùa Xuân, du thuyền của công chúa Tiên Dung lên đường, cho đến khi từng đàn chim “hậu điểu”bay từ phương Bắc sang thì thuyền công nương mới trở về nơi cung cấm. Có một vài vị Hoàng tử các nước láng giềng ngỏ ý xin được kết duyên, nhưng công chúa Tiên Dung đều khước từ. Có lần trong một bữa tiệc đã thưa với Cha là nàng sẽ không lấy chồng.

Trong một dịp viễn du, thuyền Tiên Dung ghé đậu tại vùng Chử xá. Nàng sai gia nhân đun nước lá thơm, và lên bờ quây màn kế một bụi lau nơi vắng người bên bờ sông để lên tắm cho mát. Không dè trong khi xối nước tắm, cát dưới chân trôi đi lòi ra một người ngồi nhỏm lên. Tiên Dung tưởng ma quái, tính la lên để người hầu vào cứu, nhưng nhìn kỹ thấy là một thanh niên trần truồng hiền lành, mới bình tĩnh hỏi căn nguyên vì sao lại vùi thân dưới cát như vậy? Chử Đồng Tử kể lai lịch của mình : “Cha là Chử Cù Vân chỉ có mình là con trai duy nhất gọi là Chử Đồng Tử. Hai cha con chuyên sống nghề đánh cá trong vùng để sinh sống. Một hôm nhà bị cháy hết, chỉ còn chiếc khố cha mặc trên người. Cha con phải thay nhau dùng chiếc khố duy nhất đó để ra đường. Khi cha đi ra ngoài thì mặc khố, con phải ở truồng nằm nhà, và ngược lại. Sau vụ cháy nhà, cha con tiếp tục gặp nhiều tai ách khác dồn dập, làm không đủ ăn nên không mua được chiếc khố thứ hai. Bỗng một hôm cha bệnh nặng, trước khi chết trăn trối lại rằng khi cha chết hãy chôn xác trần, giữ chiếc khố lại mà dùng, nhưng vì thương cha quá không đang tâm, nên đã lấy chiếc khố cuộn thân cha đem chôn. Từ đó không còn khố, phải đi lội sông bắt cá vào ban đêm. Đến sáng mới bơi quanh các thuyền để bán đổi gạo, rồi bơi về ở trong nhà suốt ngày chẳng dám đi đâu. Hôm nay, lúc đang bơi tới gần các thuyền để bán cá, thấy người ta xôn xao đi xem thuyền Công chúa sắp ghé bến, nên sợ quá phải bơi lẩn đến vùi thân bên bụi lau này để trốn. Chẳng may lại xẩy ra cớ sự.”
Nghe người trai lạ kể nông nỗi can trường chịu đựng khổ đau như vậy, Tiên Dung mủi lòng rơm rớm nước mắt. Nàng không ngờ trong đất đai của cha nàng trị vì lại có hạng người đói khổ đến nỗi không có lấy một mẩu vải che thân. Cảm lòng chí hiếu của người trai đang ngồi trước mặt, Tiên Dung lẩm bẩm một mình rằng : “Người như thế này chưa chắc bọn con trai trong thiên hạ đã có ai sánh kịp.” Rồi Tiên Dung đưa gáo cho Chử Đồng Tử và nói : “Anh tắm rửa đi. Lạ thật! Chắc có Trời se duyên!” Rồi Tiên dung sai người lấy một bộ võ phục của một viên quan hầu cho Đồng Tử mặc, và hai người giắt nhau về thuyền.
Trước mặt mọi người, Tiên Dung kể lại cuộc gặp gỡ kỳ dị vừa qua và tuyên bố : “Người này sẽ là chồng tôi!” Chữ Đồng Tử đỏ mặt nói : “Tôi không dám, không dám.” Nhưng Tiên Dung bảo : “Tôi vốn không có ý định lấy chồng. Nay gặp gỡ như thế này chắc có Trời xui.” Và hôn lễ được cử hành ngay trên sông, có một số đông bô lão địa phương tới dự. Phần lớn quan hầu và thị tì đều theo ý Tiên Dung, nhưng cũng có đôi người cho rằng việc gặp gỡ không tốt đẹp lắm, nhưng biết Tiên Dung được vua cha cưng chiều nên không dám cản.
Tin này đồn về tới hoàng cung, vua Hùng nổi giận phán bảo quần thần rằng : “Thà nó không có chồng còn hơn. Thật là đốn mạt! Tại sao nó không chịu hỏi Ta. Thôi từ nay nhất thiết cấm cửa. Hễ nó vác mặt về Phong Châu thì cho phép Lạc tướng chém chết trước, tâu sau.” Một công chúa em ở trong cung vội bí mật cho người thân tín đi báo tin cho chị biết. Tiên Dung biết rõ tính cha nên không dám trở về cung nữa. Vợ chồng ở lại mở cửa hàng buôn bán ngay tại địa phương, đồng thời cho quân hầu thị tì được tự do lựa chọn, hoặc về cung hầu vua hoặc về quê quán sống cùng họ hàng thân thuộc tùy ý.
Vợ chồng Chử Đồng Tử ở lại sống cuộc đời mới, giao thiệp với các thuyền buôn nước ngoài tới lui mua bán hàng, rất phát đạt. Chẳng bao lâu chỗ bến sông trở thành cái chợ quyến rũ được nhiều người tụ về làm ăn xầm uất. Một hôm, Đồng Tử đem vàng đi theo một khách buôn lớn, định ra nước ngoài mua hàng tận gốc về bán tại ngọn để kiếm một số lãi to. Thuyền dong buồm đi về phương Nam, được 5 ngày gặp một hòn đảo giữa biển có ngọn núi tên Quỳnh Viên, ghé vào lấy nước ngọt. Đồng Tử lên bờ, vui chân đi tuốt lên tận đỉnh núi. Đang say sưa ngắm cảnh, bỗng thấy mình đứng trước một cái Am nhỏ, có một đạo sĩ ngồi định thần trên phiến đá. Vừa tính lên tiếng hỏi thì người kia đã nói : “Thằng bé Chử sao lại muộn thế?” Biết là bậc thần dị, Chử Đồng Tử qùy phục dưới chân người lạ xin làm đồ đệ. Vừa lúc bọn lái thuyền tới Am tìm, Chữ Đồng Tử liền trao hết vàng bạc cho họ và nói : “Các bác cứ giữ lấy mà buôn. Tôi sẽ ở đây cho đến khi thành đạo.”
Đồng Tử học hiểu thấu đạo rất nhanh. Sư phụ còn truyền dạy cho biết thêm nhiều phép mầu nhiệm. Thời gian sau, khi chiếc thuyền buôn trở lại đón, Đồng Tử được sư phụ trao cho một chiếc gậy, một cái nón, và bảo : “Con có thể hạ sơn được rồi. Ta giao cho con những vật này. Tất cả sự linh diệu đều ở đó cả.” Bước xuống thuyền, Đồng Tử không ngờ số vốn của mình đã được người ta làm nẩy nở gấp mười lần. Nhưng bây giờ thấy tiền của, chàng cảm thấy dửng dưng và cũng chẳng màng đến truyện bàn tán kế hoạch buôn kiếm lời nữa. Về đến nhà, Đồng Tử truyền đạo lại cho vợ. Tiên Dung học đạo cũng nhanh chóng như chồng.



Thế rồi một hôm, vợ chồng Chử Đồng Tử đem của cải phân phát hết cho những người nghèo trong vùng và ra đi. Mọi người ngạc nhiên, không biết lý do vì sao đang làm ăn phát đạt thịnh vượng như vậy, mà vợ chồng Chử Đồng Tử lại bỏ công việc, cho hết của cải, ra đi đâu để làm gì? Nào ai hay, hai người quyết chí ra đi tìm thầy học đạo thêm nữa. Ngày đi đêm nghỉ, một hôm hai người mải miết đi tới tối vẫn chẳng gặp một bóng nhà quán xá nào cả. Tứ bề vắng tanh, không nghe tiếng gà gáy hay chó sủa, hai vợ chồng đành nằm đại trên bãi cỏ nghỉ chân. Đồng Tử cắm gậy xuống đất rồi úp nón lên che sương để hai vợ chồng ngủ qua đêm. Đến canh ba, bỗng dưng có tiếng chuyển động dữ dội làm thức giấc, vợ chồng Đồng Tử mới thấy mình đang nằm trên chiếc giường ngọc, chăn gối êm dịu như nhung, quần áo trên người là thứ mầu lấp lánh như vẩy bạc. Xuống giường đi ra hành lang có bao lơn trắng như tuyết, hai vợ chồng mới thấy căn nhà mình đang đứng được vây bọc bởi rất nhiều nhà nhiều lâu đài khác nữa, ngoài xa lại có bức tường thành bao bọc khu vực. Giắt nhau đi quan sát, thấy đâu đâu cũng có người hầu hạ và quân lính canh gác, mặc nhiều kiểu quần áo mầu sắc rất đẹp. Tiên Dung hỏi hai người tì nữ đi theo : “-Đây là nơi nào?” Họ đáp : “-Đây là giang sơn riêng của công chúa như lời ước muốn của người.” Khi vợ chồng Đồng Tử trở lại cung riêng vừa bước tới chính đường, có một viên quan bước ra qùy trình lên Tiên Dung một lô sổ sách và nói : “-Xin dâng lên công chúa tất cả mọi vật ở đây.” Hai vợ chồng cùng dở ra xem, thấy liệt kê tất cả lầu đài nhà cửa,vật dụng, khí giới, cả chục kho tàng chứa trữ ngọc ngà châu báu, vàng bạc, lương thực, cùng danh sách tên tuổi các quan văn võ, quân lính, nô tì… Chử Đồng Tử nói với vợ : “-Thế là từ nay chúng ta làm chủ cái giang sơn này đây!”
Từ đó hai vợ chồng ở lại vui hưởng cuộc sống khác trước. Dân chúng quanh vùng nghe đồn hai vợ chồng công chúa Tiên Dung có phép Tiên, xây dựng thành quách lâu đài trong một đêm, nên ai nấy rủ nhau đem hoa quả, nếp gạo, gà, lợn đến làm lễ chào mừng chủ mới để xin nhờ che chở. Tiếng đồn ngày một lan xa, quân dọ thám về Phong Châu trình vua Hùng. Chúng đoan chắc rằng vợ chồng công chúa có ý chia đôi sơn hà với Thiên tử, vì thành quách xây kiên cố lại có rất đông quân lính canh phòng bảo vệ. Lâu ngày vua Hùng đã quên Tiên Dung, nay nghe tin lòng giận bừng bừng nói : “-Nó từ lâu là giặc, hoàn toàn không phải con ta. Các ngươi cố gắng lấy đầu của hai tên giặc đó về đây, sẽ có trọng thưởng.” Y lệnh, các quan Lạc tướng rèn luyện quân tinh nhuệ rồi xuất quân kéo đến hạ trại bên kia sông. Quân tướng trong thành đến trình bầy với hai vợ chồng Tiên Dung : “-Nếu công chúa muốn, chúng tôi có thể tiêu diệt quân “địch” trong khoảnh khắc.” Tiên Dung lắc đầu bảo họ : “-Không được, Ta đâu dám cự mệnh vua cha.” Tin quân canh dồn dập trình báo tình hình biến chuyển bên trại đối phương, vợ chồng Tiên Dung vẫn tươi cười thản nhiên như chẳng có truyện gì xẩy ra. Đêm hôm đó, vợ chồng Tiên Dung vẫn lên giường ngọc thản nhiên ngủ như thường ngày. Tới canh ba, quân canh vào báo cầu phao vượt sông của bên “địch” đã bắc xong, và họ đang nấu ăn. Hai vợ chồng Tiên Dung ngồi dậy cùng hướng mặt lên trời, thế là một trận bão vụt nổi lên, mỗi lúc một dữ dội, đất chuyển động ầm ầm, gió xoáy một cách kinh khủng đến nỗi có thể bốc tất cả mọi thứ trên mặt đất ném đi nơi khác.
Sáng hôm sau, nhân dân quanh vùng và quân tướng vua Hùng ngạc nhiên thấy một sự lạ chưa từng có. Bão đã tan từ lâu, nhưng thành quách của công chúa và tất cả cung điện, nhà cửa, quân gia, súc vật, đồ dùng đều bay đi đâu mất cả không còn sót một tí gì. Giữa đó là một cái đầm rộng mênh mông, đầy nước trắng xoá. Duy chỉ có cái nền xây cung của hai vợ chồng công chúa thì vẫn còn. Người ta gọi cái đầm ấy là “Đầm Nhất Dạ” (nhất dạ nghiã là một đêm), và cái nền ấy là “Bãi Tự Nhiên”. Về sau trên cái nền ấy, người ta lập Miếu thờ hai vợ chồng Chử Đồng Tử.


 

Ba là, TẢN VIÊN SƠN THẦN, làng VÀ, tỉnh Sơn Tây.



“Núi Tản Viên” nằm trong địa phận làng VÀ, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Đây là ngọn núi cao nhất tỉnh (1280 mét), có ba tầng cao chót vót nên còn được gọi là “Núi Ba Vì”. Đứng xa ngắm toàn cảnh núi thấy hai bên như có hai cánh chim phượng, nên có thêm tên “núi Cánh Phượng” hoặc “Phượng Hoàng Sơn”. Tại làng VÀ ngay chân núi Tản Viên có đền thờ Tản Viên Sơn Thần, trên gần đỉnh núi cũng có một đền khác thờ Thần. Hàng năm các làng quanh vùng họp nhau mở hội vào ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch, đặc biệt có rước kiệu Linh vị Thần từ đền làng VÀ lên đền Ngài gần đỉnh núi Tản Viên. Đối với dân chúng tỉnh Sơn Tây, nhất là hai huyện Phúc Thọ và Bất Bạt rất sùng kính Tản Viên Sơn Thần, vì ngài là một vị thượng-đẳng-thần rất linh thiêng, có nhiều phép thuật, luôn luôn phù hộ cho dân chúng trong vùng được “phong đăng hoà cốc” thịnh vượng an ninh.

Tản Viên Sơn Thần chính là Sơn Tinh (tên tục là Nguyễn Tuấn) con rể vua Hùng Vương thứ 18, mà dân gian Việt Nam lưu truyền trong truyện cổ tích “Sơn Tinh và Thủy Tinh”. Thời các chính quyền Quốc gia Nhân bản điều hành đất nước Việt Nam, truyện cổ tích “Sơn Tinh và Thủy Tinh” được ghi vào chương trình giáo dục Tiểu học trong loại bài học thuộc lòng, tóm lược như sau :
“Tục truyền Sơn Tinh vốn là dòng dõi vua Lạc Long, nhà nghèo nên thường phải vào rừng kiếm củi. Một ngày kia vào rừng, Ngài đốn một cây cổ thụ vừa xong, ra về thì trời cũng chạng vạng tối. Sáng hôm sau trở ra, Ngài rất ngạc nhiên thấy cây đã mọc trở lại như chưa hề bị một nhát dao hay búa nào! Ngài lại hì hục đốn cây cổ thụ đó, đến tận chiều tối cây ngã xong mới ra về, sáng hôm sau ra, lại thấy cây sống trở lại y như hôm trước. Lấy làm lạ, Ngài đã toan đi đốn một cây khác, nhưng sau một hồi ngẫm nghĩ, Ngài quyết định đốn cây cũ như hai ngày hôm trước. Lần này đốn xong trời cũng vừa tối, Ngài không ra về mà tìm một chỗ kín nấp rình qua đêm xem sự thể ra sao. Một lát sau thấy có sao Thái Bạch ở trên Trời xa xuống cứu cây ấy sống lại. Ngài chạy ra phàn nàn tình trạng nghèo khổ của mình, phải đốn củi kiếm ăn, mà Thái Bạch lại đi cứu cây khiến cho Ngài không biết lấy gì sinh sống.
Thái Bạch Kim Tinh bèn cho Ngài một cây gậy và dặn rằng : “-Gậy này có phép cứu được bách bệnh cho người ta, hễ ai ốm đau chỉ cầm gậy chỉ vào chỗ đau là khỏi, vậy ta cho ngươi để cứu dân độ thế.”
Ngài nhận cái gậy và từ đó bỏ nghề đốn củi, làm nghề đi cứu người đau ốm. Một hôm, Ngài cứu sống được một con rắn bị lũ trẻ chăn trâu đánh chết. Con rắn trên đầu có chữ Vương, được cứu sống liền bò xuống sông đi mất. Vài ngày sau, bỗng có một chàng trai mang lễ vật tới biếu Ngài, và nói : “-Tôi là Tiểu Long Hầu, con vua Long Vương ở bể Nam. Hôm nọ đi chơi bị lũ trẻ chăn trâu đánh chết, may được ông cứu sống, hôm nay tôi đến trả ơn. Ngài nhất định từ chối không nhận vàng ngọc châu báu của Tiểu Long Hầu. Nên Tiểu Long Hầu cố khẩn khoản mời Ngài xuống chơi dưới biển. Nể lời năn nỉ mời quá, Ngài phải nhận lời. Tiểu Long Hầu đưa ra một ống linh-tê để rẽ nước cho Ngài đi xuống biển. Long Vương thấy Ngài xuống chơi mừng lắm, mở tiệc thết đãi ba ngày, rồi đưa tặng những của quý lạ. Ngài một mực từ chối không nhận gì cả. Sau cùng, Long Vương tặng một quyển sách ước, muốn ước gì được nấy, Ngài nhận.
Chiếc gậy thần và quyển sách ước đã giúp Ngài cứu dân độ thế, đi đến đâu dân chúng cũng được nhờ. Ngài đi chu du khắp trong nước, chỗ nào dân thuần hậu thì ở lại, chỗ nào nhân tình đơn bạc chuộng phù hoa thì bỏ đi. Phép thuật Ngài cao cường, thần thông biến hoá, không thần thánh nào bì kịp. Khi Ngài đi tới huyện Phúc Lộc (nay là huyện Phúc Thọ) và huyện Bất Bạt tỉnh Sơn Tây, thấy có núi Tản Viên, ba tầng núi xoè ra như hình chiếc tán, phong cảnh u nhã, lấy làm bằng lòng lắm. Ngài liền hoá phép làm một con đường về phía Nam núi, khởi từ bến Phan Tân bên giòng sông Hắc giang, qua cánh đồng các làng Vệ Đỗng, Nham Toàn, Thạch Bàn, Vân Mộng và Hiệu Lực, đến tận chân núi. Ngài ở trên tầng núi cao nhất. Ngài thường ra sông Tiểu Hoàng xem cá, và luôn luôn cứu giúp dân chúng quanh vùng qua những cơn bệnh hoạn, và mùa màng hàng năm cũng được tốt đẹp. Nhớ ơn Ngài, nên nhiều làng quanh núi Tản Viên và những nơi Ngài đã đặt chân tới đều lập đền thờ Ngài. Đi đến đâu Ngài cũng hoá phép thành lâu đài tới đó, thấy lâu đài là dân chúng lại lập Đền hay Miếu để thờ.



Lúc đó vào thời vua Hùng Vương thứ 18, có công chúa tên Mị Nương rất xinh đẹp. Tản Viên Sơn Thần (tức là Sơn Tinh) và vua Thủy Cung (là Thủy Tinh) cùng hỏi xin lấy làm vợ. Vua phán rằng : “-Nếu ai đem lễ vật đến trước thì Ta gả cho người đó.” Sơn Tinh đem lễ vật tới trước nên được vua Hùng Vương gả Mị Nương cho. Thủy Tinh tức giận bèn dâng nước lên vây đánh Sơn Tinh, mưa gió sấm xét ầm ầm, trời đất mù mịt, nhưng phép thần thông của Sơn Tinh rất ghê gớm, Thủy Tinh không làm gì được phải rút quân về. Nhưng từ đó về sau, hàng năm nhớ thù cũ, Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh, gây cảnh lụt lội trong dân gian.
Dần dần về sau không còn ai gặp Tản Viên Sơn Thần nữa, nhưng người ta vẫn linh cảm rằng Ngài vẫn luôn luôn hiện diện giúp đỡ cho mọi người. Theo các cụ kể lại, những năm bị hạn hán, nhân dân lập đàn cầu đảo xin Ngài phù trợ lập tức có mưa ngay, hoặc ngược lại mưa nhiều quá cầu xin tạnh cũng được linh nghiệm. Cũng theo lời truyền lại, những khi trời tạnh, người ta thấy Ngài thường hay hiện hình đi chơi các khe suối, và luôn có đám mây phủ như hình cánh quạt. Do đó các Đền thờ Ngài luôn luôn có rất đông người lui tới lễ bái cầu xin phù hộ.”



Bốn là, LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA, đền Phủ Giày, tỉnh Nam Định.





Tại xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có Đền Phủ Giày thờ Liễu Hạnh Công Chúa (tức là Tiên Chúa Quỳnh Nương tên tục là Giáng Tiên) với thánh hiệu “Thánh Mẫu Vân Hương”. Hàng năm đều có mở Hội rất linh đình nhộn nhịp, từ mồng Một đến hết mồng Mười tháng Ba Âm lịch mới rã đám. Hội Phủ Giày được dân chúng Bắc Việt và miền Bắc Trung Việt tới dự rất đông, nhất là dân mấy tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, và Thanh Hoá.
Tại Sòng Sơn, Phố Cát, Đèo Ngang thuộc tỉnh Thanh Hoá, cũng có đền thờ Tiên Chúa với thánh hiệu “Mã-Vàng Công Chúa”, “Chế-Thắng Bảo-Hoà-Điệu Đại Vương” để dân chúng thờ phượng sùng bái.
Đặc biệt tại phố Cửa Nam Thị xã Lạng Sơn cũng có đền thờ Tiên Chúa Quỳnh Nương, nhưng với thánh hiệu là “Thánh Mẫu Vân Hương”, hàng năm có tổ chức Lễ Hội từ ngày 20 tháng 3 Âm lịch (tức là 10 ngày sau Hội Phủ Giày rã đám) và kéo dài 5 ngày mới mãn hội.
Tục truyền về sự tích Liễu Hạnh Công Chúa (*) được tóm lược như sau:

 “Liễu Hạnh công Chúa tên thật là Giáng Tiên, ái nữ của ông Lê Thái Công, ở thôn An Thái, xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Vân Cát là một làng văn học, dân cư sầm uất gần giáp núi Gôi, nơi có ga xe lửa trên đường Hà Nội đi Ninh Bình.
Lê Thái Công vốn người nhân đức ưa làm điều thiện, nhưng số phận hiếm hoi, mãi ngoài 40 tuổi mới sinh được một con trai. Cách năm sau, phu nhân lại có thai, đã quá tháng mà không sinh lại thường bị đau yếu, chỉ thích ngửi hương hoa. Người nhà nghi phu nhân bị tà ma ám ảnh, đón thầy pháp về yểm trừ nhưng bệnh không thay đổi, cả nhà đều lo sợ vô cùng. Cho đến một đêm vào Tiết Trung Thu, trong lúc mọi người thưởng nguyệt, bỗng có một người ăn mặc rách rưới, tự khoe có phép thuật xin vào trị bệnh. Người nhà không tin, riêng Thái Công vẫn ân cần đón mời vào nhà. Khi vào đến sân, người đó rút trong tay áo ra một cây búa ngọc, nhẩy lên đàn tràng đã dựng từ trước cho thầy pháp trừ tà, rồi ngửa mặt lên Trời lâm râm tụng niệm. Thái Công và gia nhân đứng bên dưới đàn tràng nhìn lên. Bỗng nhiên đang tụng niệm, người kia hét lên một tiếng rất lớn và quăng cây búa ngọc xuống chỗ Thái Công đứng. Thái Công liền ngã nhào xuống đất mê man bất tỉnh. Người nhà thấy vậy biết là pháp thuật, cùng nhau líu ríu khấn vái. Một lát sau Thái Công tỉnh dậy, cùng lúc ấy trong phòng phu nhân có ánh hào quang sáng rực và tiếng khóc oa oa. Phu nhân vừa hạ sanh một gái, hương thơm bay ngào ngạt khắp nhà. Mọi người vui mừng không quan tâm đến người lạ, khi nhớ ra nhìn lên đàn tràng thì người ấy đã biến mất tự bao giờ. Ai cũng cho là lạ.
Thái Công tỉnh dậy kể cho mọi người nghe câu truyện xẩy đến với ông trong khi bất tỉnh : “Khi ngã xuống, có mấy lực sĩ dẫn ông đi thẳng đến một khu ánh sáng lờ mờ, qua mấy chặng đường đến trước một cửa ngọc lầu vàng. Lực sĩ thay quần áo cho ông rồi dẫn vào cửa cấm chờ lệnh. Không lâu, bỗng thấy mây vàng bao phủ, hai bên sân có hàng mấy trăm tiên nữ áo quần tha thướt, múa hát những khúc nghê thường vũ y. Cô dâng đào, cô chuốc rượu chúc thọ Vương Mẫu. Giữa lúc ấy, có một tiên nữ áo hồng, nâng chén ngọc lỡ tay đánh rơi chiếc chén vỡ tan, tức thì bên phiá tả có một tiên ông đệ trình một cuốn sổ vàng. Vương Mẫu quở mắng nàng tiên xong, có hai thị nữ áp dẫn nàng tiên áo hồng ra lối cửa Nam, một người cầm chiếc bảng vàng đề hai chữ SẮC GIÁNG đi trước (tờ sắc lệnh cho giáng xuống trần gian). Thái Công hỏi người Lực sĩ đứng bên, anh ta đáp : “-Đây là tiên chúa thứ hai tên gọi Quỳnh Nương, nay phạm lỗi bị giáng xuống trần.” Lực sĩ nói xong, đẩy mạnh Thái Công làm cho ông sực tỉnh vừa đúng lúc nghe tiếng khóc oa oa trong phòng phu nhân. Thật kỳ lạ, cả nhà ai cũng đoán cô gái mới sinh đúng là tiên nữ áo hồng giáng thế. Vì vậy, Thái Công đặt tên con là Giáng Tiên.
Khi Giáng Tiên lớn lên nhan sắc đẹp lạ thường, học hành thông minh lại có tài âm nhạc, nhất là xử dụng ống tiêu (flute). Cô đã soạn ra nhiều ca từ phổ vào đàn nhạc. Dưới đây là bốn bài ca từ về bốn mùa, theo bản dịch của Phan Kế Bính trong Nam Hải dị nhân liệt truyện :
XUÂN TỪ (điệu Xuân-Quang-Hảo)
Cảnh như vẽ, khéo ai hay? Hoa đào mỉm miệng liễu dương mày. Bướm nhởn nhơ bay, oanh vàng líu lo trong bụi, én đỏ ríu rít trên cây. Buồng xuân dìu dặt mối tình ngây, đề thơ này!
HẠ TỪ (điệu Cách-Phố-Liên)
Trời đất nhiều phần nóng nẫu. Đầu cành rúc giọng ve, bãi cỏ vắng tiếng chẫu; vò võ quốc kêu sầu, eo éo oanh hót ngẫu. Dường bảo nhau : “Chúa Xuân về rồi, thôi cũng hảo!” Cảnh sắc dường kia, ngao ngán cầm lòng khôn đậu. May đâu thần Chúc-dong gẩy một khúc Nam huân, hương sen thoảng đáo, một trận gió bay, sạch lòng phiền não.
THU TỪ (điệu Bộ-Bộ-Thiềm)
Mặt nước trong veo non tựa ngọc, gió vàng hây hẩy khua khóm trúc. Hoa lau muôn dặm trắng phau phau, cây cối vẻ hồng pha vẻ lục. Cung Thiềm sáng quắc, ả Hằng ngủ, dạo bước thềm giao tình rạo rạc. Chi bằng đến thẳng dưới giậu hoa cúc thơm, thảnh thơi dạo đàn gẩy một khúc.
ĐÔNG TỪ (điệu Nhất-Tiễn-Mai)
Khí đen mờ mịt toả non sông, hồng về Nam xong! Nhạn về Nam xong! Gió bấc căm căm tuyết mịt mùng! Tựa triện ngồi trông! Tựa triện đứng trông! Sưởi lò mặt vẫn giá như đồng, ngồi chẳng yên lòng, Nằm chẳng yên lòng! Dậy xem phong cảnh lúc trời Đông, hoa quên lạnh lùng, người quên lạnh lùng!
Giáng Tiên thường dạo bốn khúc ca thật là buồn này. Thái Công cũng cảm thấy lòng buồn man mác, mỗi khi dạo chơi vườn sau nghe con gái khẩy mấy khúc nhạc buồn này. Thái Công có một ông bạn họ Trần ở cùng làng, bèn cho Giáng Tiên làm con nuôi Trần Công, và dựng riêng một căn nhà xinh trong vườn nhà Trần Công để nàng ở. Ít lâu sau, Giáng Tiên kết duyên cùng Đào Lang, con trai một hưu quan ở gần nhà Trần Công. Về làm dâu nhà họ Đào, Giáng Tiên một lòng hiếu thuận, và năm sau sinh hạ một con trai.
Ba năm sau, một hôm nhằm ngày mồng Ba tháng Ba, Giáng Tiên tự nhiên không bệnh mà mất, năm ấy nàng mới 21 tuổi. Nàng chết đi, cả ba nhà họ Lê, họ Trần, và họ Đào đều thương tiếc, sầu thảm không nguôi, nhất là Lê Thái Bà đêm ngày khóc lóc đau xót vô cùng. Có lẽ cảm thương mẹ quá đau đớn, một hôm giữa lúc Thái Bà đang khóc, Giáng Tiên hiện về ôm lấy mẹ mà nói : “-Mẹ ơi! Con ở đây mẹ khóc gì thế! Thái Bà ngửng nhìn con, và cả nhà xúm lại hỏi han, Giáng Tiên nói : “-Con là Đệ nhị Tiên cung phải đầy xuống trần, nay hết hạn phải về Thiên cung. Cha mẹ có âm công đã vào sổ tiên, mai sau cũng được đoàn tụ không can gì phải âu sầu.” Nói xong nàng biến mất. Từ ngày nàng hiện về, người làng biết truyện, gọi nàng là Tiên Chúa.
Kể từ khi Tiên Chúa mất đi, Đào Lang cũng sầu thảm khôn khuây. Để giải phiền chàng thường ngâm thơ. Một đêm giữa lúc chàng đang ngâm thơ, Tiên Chúa hiện tới. Chàng vội vàng níu lấy kể lể sự đau khổ của mình. Tiên Chúa khuyên giải rồi lại biến mất.

 




Từ đó Tiên Chúa thường hiện lên ở khắp nơi. Có lần ở Lạng Sơn, Tiên Chúa đã cùng Phùng Khắc Khoan đối đáp thơ văn. Lại có lần ở Hồ Tây, Tiên Chúa cùng Phùng Công làm thơ xướng họa liên ngâm. Về sau Tiên Chúa hiển Thánh ở Đèo Ngang, Phố Cát, tỉnh Thanh Hoá. Tiên Chúa hiện ra làm một cô gái nhan sắc mở quán bán nước, những đàn ông con trai đi qua đùa bỡn bị chết hại rất nhiều. Tin đồn về Triều đình cho là yêu quái, sai phù thủy và quân tướng đi dẹp. Chẳng ngờ khi đến Đèo Ngang, khi phù thủy thi thố pháp thuật thì tự nhiên bị ngã lăn ra đất mắt trợn trừng trừng, quân lính bèn dùng tên lửa bắn vào rừng cây cháy trụi tàn phá hết đền đài. Vài tháng sau, chứng dịch tễ phát sinh tại địa phương, dân chúng cùng nhau lập đàn cúng tế. Tiên Chúa ứng lên cho biết mình hiển Thánh. Nhân dân thấy việc lạ, làm sớ tâu lên Triều đình.



Được sớ tâu, Hoàng đế Lê Huyền Tôn hạ chiếu cho Công bộ đến tận nơi Phố Cát, dựng đền thờ và sắc phong làm Mã-Vàng Công Chúa. Về sau, vào đời vua Cảnh Hưng, giặc Mèo nổi loạn, triều đình sai Quận Công Phan văn Phái đi dẹp. Khi kéo quân tới Đèo Ngang, Phan Quận Công vào đền Tiên Chúa cầu khẩn, và ngày hôm sau tiến quân đánh tan được giặc Mèo. Trước công trạng ấy, triều đình sắc phong Mã-Vàng Công Chúa làm Chế-Thắng Bảo-Hoà-Điệu Đại Vương, và đồng thời sai dựng mấy toà Đền ở Sòng Sơn, Phố Cát, Đèo Ngang để thờ. Đền Sòng Sơn rất anh linh, cho đến trước thời tiền chiến (1945), hàng năm có rất đông người tới lễ bái.”
 


KHIẾT CHÂU NGUYỄN-HUY HÙNG biên khảo.(**)


(*) Trong tài liệu tham khảo không thấy giải thích vì sao nàng Giáng Tiên, con gái hiền nhân Lê Thái Công (một dân giã ở xã Vân Cát huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định) lại được gọi là LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA.
(**) Các tài liệu tham khảo gồm: Việt Nam Sử Lược của Trần trọng Kim, Hội hè đình đám (quyển thượng) của Toan Ánh, và Lọ nước thần của Nguyễn Đổng Chi.


 

1

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire