caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

vendredi 24 janvier 2014

17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo Của CSVN (chương 1 – 4) Hồi Ký Kale:

17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo Của CSVN (chương 1 – 4)

 Hồi Ký Kale:

Được đề cập:  Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn…,Huỳnh Tấn Mẫm…,  nhóm Bừng Sống,… Ban A17…, “Lực Lượng Thanh Niên Cứu Đói”…, “Nhóm Ký Giả ăn mày” …, luật gia Ngô Bá Thành…, Phật Giáo Ấn Quang…, ni sư Huỳnh Liên… 

17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo

Của CSVN

KALE Hồi kí



Lời Mở Đầu

Tôi không là văn sĩ, và cũng không có tham vọng làm một nhà văn.  Tôi không phải là một nhà ái quốc theo đúng nghĩa của nó.  Tôi chỉ là một người Việt Nam bình thường, làm những công việc bình thường trong một quốc gia không bình thường!  Giống như hàng trăm ngàn người ở miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng tư năm 1975, tôi đã vào những trại tập trung của Cộng Sản, cái mà chúng đặt tên là “Trại Cải Tạo”, để rồi đã phải trải qua suốt gần 17 năm dài ở trong ấy.  Viết những trang hồi ký này, tôi chỉ muốn làm một chứng nhân của một giai đoạn lịch sử chứ không có tham vọng kết án những cái gọi là “tội ác của Cộng Sản” hay nêu gương những người anh hùng bất khuất ở trong đó.
Những người Việt “Quốc Gia” mà trong đó có tôi đã thất bại trong cuộc chiến mà người Mỹ đặt tên là “Chiến Tranh Việt Nam” – cuộc chiến của Mỹ ở chiến trường Việt Nam -.  Tôi không biết kết quả thật sự của cuộc chiến ấy là người Mỹ đã thắng hay bại mặc dù sau khi “Chiến Tranh Việt Nam” chấm dứt thì khối Cộng Sản đã lần lượt sụp đổ, nhưng điều mà tôi thấy rõ là những người Việt Quốc Gia đã phải chết trong các Trại Cải Tạo của Cộng Sản hay đang phải lưu vong khắp thế giới, và những người Việt Cộng Sản đang ngự trị trên toàn lảnh thổ Việt Nam.  Chúng ta đã thất bại vì chúng ta đã không nêu được cái chính nghĩa “Quốc Gia” trong khi “Việt Cộng” có cái chính nghĩa “Giải phóng” đất nước của họ.  Những nhà lãnh đạo của chúng ta đã làm gì trong thời gian chiến tranh, điều đó hẳn là hầu hết chúng ta đã nhìn thấy!  Chúng ta đã bị lãnh đạo bởi những người chỉ biết nghĩ đến quyền lợi cá nhân hay tập đoàn hơn là quyền lợi chung của đất nước.  Chúng ta mệnh danh là những người “Việt Quốc Gia” nhưng lại trở thành những người đánh thuê cho Mỹ.  Khi Mỹ rút lui thì chúng ta không còn một khối người “Việt Quốc Gia” nữa mà đã trở thành những toán quân rã ngũ.  Đa số những nhà lãnh đạo thì lo đi tìm sự an toàn riêng cho bản thân và gia đình họ, phần lớn còn lại thì âm thầm hoặc tìm phương lẩn trốn ra nước ngoài hoặc nộp mình vào các trại cải tạo để mong hưởng sự “khoan hồng” của “Đảng và Nhà Nước”.
Ở trong trại Cải Tạo, chúng ta cũng không có một sự đoàn kết nào mà lại sống âm thầm, nghi ngờ nhau, đổ lổi nhau, hoặc tự chia rẽ nhau.  Cộng Sản đã khai thác triệt để những nhược điểm ấy để dể điều hành các trại cải tạo của họ.
Mỗi người Việt Nam đều có trong đầu một ông quan”, không biết cái thành ngữ này có đúng hay không, nhưng tôi thấy không ai trong chúng ta muốn làm một con ốc trong một cổ máy mà chỉ muốn làm người điều hành cổ máy ấy mà thôi, để rồi rốt cuộc thì chẳng ai có một cổ máy nào để điều hành!
Chúng ta đã thất bại và những người Cộng Sản đã chiến thắng.  Điều ấy là một thật tế không thể chối cải được!  Mặc dù giờ đây thì đất nước ta đang bị cai trị bởi một chủ nghĩa “phi nhân” trong khi cả thế giới đã phải từ bỏ, điều quan trọng mà tôi thấy được là đất nước ta không còn chiến tranh nữa, dân tộc chúng ta không còn chết chóc tang thương nữa.  Phần còn lại của chúng ta và của các thế hệ mai sau là làm thế nào để đất nước Việt Nam chúng ta thoát khỏi những tắc nghẽn của một chủ thuyết sai lầm để mà tiến lên.
Tôi viết những trang hồi ký này chỉ để ghi lại những gì đã diễn ra cho chính bản thân tôi cũng như cho những người bình thường nhất ở trong những cái gọi là “Trại Cải Tạo” của Cộng Sản.  Tất nhiên còn nhiều điều mà tôi không được chứng kiến hay trải qua, cũng như những điều mà tôi không thể nào nhớ hết được.  Vì thế tôi mong những ai đã sống trong giai đoạn ấy nên ghi lại và tổng hợp thành một bức tranh toàn diện về các trại cải tạo của Cộng Sản Việt Nam.
Như tôi đã nói, tôi không là một nhà văn cho nên không có trình độ để trao chuốt văn ngôn.  Các bạn đọc nên xem đây như là một lối kể chuyện của một người bình thường.  Đối với những ai đã sống trong các trại cải tạo thì coi như đây là một đóng góp để nhớ lại thời gian đen tối và đau khổ của chúng ta.  Còn đối với những ai chỉ nghe nói đến hai chử “Cải Tạo” thì coi như đây là một sự tìm hiểu thêm về một giai đoạn của đất nước.



Ghi nhớ tất cả các bạn đồng cảnh và

những người đã chết trong các trại Cải Tạo.

Gữi tất cả tình thương về mẹ!



KALE

Phần 1

Tôi Đã Ở Lại

Chương 1 .Dấu Hiệu Đầu Tiên: Cuộc Di Tản Chiến Thuật.

Trước ngày 30 tháng tư năm 1975, những tin tức về sự mất mát ở các tỉnh miền Trung Việt Nam đã khiến tôi rất lo lắng.  Là nhân viên của cơ quan tình báo chính quyền Nam Việt Nam, điều gì sẽ xãy đến cho tôi một khi Cộng Sản tiến vào Sài Gòn?  Tôi đã nghe thấy nhiều về những sự thãm sát ở Huế khi Cộng Sản tiến vào thành phố ở miền Trung này vào Tết Mậu Thân, 1968.  VC dùng dây kẽm gai cột người ta lại với nhau rồi chôn sống; VC bắt người ta phải tự đào hố rồi bắn chết họ trong ấy. . . . Những cuộc di tản của hàng trăm ngàn người từ những thành phố miền Trung là một bằng chứng xác minh sự sợ hải của nhân dân đối với Cộng Sản.  VC tạo sự kinh hoàng trong nhân dân ngay cả đối với những người dân thường.  Dưới chiêu bài giải phóng, VC tạo nên cuộc chiến để nhằm thôn tính miền Nam Việt Nam; chúng thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và bắt đầu cuộc chiến chống lại chính phủ Việt Nam Cộng Hoà mà chúng gọi bằng ngụy quyền miền Nam Việt Nam.
Khi quân đội Mỹ vào Nam Việt Nam, VC đổi chiến tranh Việt Nam thành cuộc chiến chống lại cái mà chúng gọi là Đế Quốc Mỹ.  Chúng đồng hoá Mỹ với Pháp; chúng nhập chung cuộc chiến tranh Việt Nam với cuộc chiến chống Pháp thành một.  Thật ra, Cộng Sản đã cướp công của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống Pháp để rồi chúng thôn tính miền Bắc Việt Nam biến thành một quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản.  Việt Nam bị chia thành hai quốc gia: Miền Bắc Cộng Sản và Miền Nam Dân Chủ.  Hai nước sẽ phát triển riêng rẽ để chờ một cuộc thương thuyết để thống nhất đất nước.  Thể chế chính trị của quốc gia sẽ định đoạt bởi người dân qua một cuộc tổng tuyển cử dưới sự kiểm soát của tổ chức quốc tế.  Tôi không muốn kể lại đây lịch sử của đất nước tôi vì đã có nhiều sách vở đề cập đến vấn đề này, nhưng vì có vài chi tiết có liên quan đến việc tôi đã ở lại đất nước trong khi hàng trăm ngàn người dân đã ra đi trong những ngày của cái gọi là “giải phóng” của Cộng Sản.
Ba tôi đã gia nhập tổ chức Việt Minh, một tổ chức do Cộng Sản thành lập nhằm mục đích quy tụ dân chúng để chống Thực Dân Pháp.  Ông đã bị giết trong cuộc chiến ấy vào năm 1952, trước khi hoà ước Genève được ký kết, do đó tôi là con của một gia đình có người anh hùng đã chết trong chiến tranh, một “liệt sĩ” theo như danh từ của Cộng Sản.  Tôi không thể hình dung được cha tôi như thế nào vì ông đã chết khi tôi mới lên bảy, và ông đã bỏ nhà đi vào mật khu từ khi tôi mới lên hai.  Tôi nghe nói ông là một cán bộ kinh tài của quân du kích.  Trên đường đi công tác, ông cùng một người bạn bị phục kích và bị giết sau khi ông đã bắn chết hai lính lê dương và một lính Pháp.  Tôi vẫn thường có một ít tự hào về cha tôi.  Tôi còn có ba anh chị họ tập kết ra Bắc vào năm 1954, và tôi có nghe nói họ đã đi du học ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa.  Một người bác của tôi cũng là một người Cộng Sản; ông ta bị bắt nhốt ở trại tù Côn Nôn từ năm 1956 đến năm 1962.  Sau khi thả ra, ông lại tiếp tục hoạt động cho VC và chết năm 1970; ông ta cũng là một liệt sĩ!  Với một gia đình như vậy, đôi lúc tôi nghĩ đơn giản rằng VC sẽ không trừng phạt tôi một khi chúng vào Sài Gòn.
Mặt khác, tôi nghe nói rằng Cộng Sản là những người vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc; họ chỉ có duy nhất Đảng Cộng Sản của họ mà thôi!  Trong tình trạng mập mờ đó, tôi không thể tưởng tượng được họ sẽ đối xử với tôi thế nào khi sự việc xãy ra!
Sự thiếu hiểu biết về Chủ nghĩa Cộng Sản, về những người Cộng Sản khiến tôi cùng nhiều người dân miền Nam bị lẩn lộn giữa những người Cộng Sản với những nhà ái quốc.  Khi còn trẻ, tôi vẫn thường tôn sùng những người Cộng Sản, đặc biệt là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, tôi đã đồng hoá họ với những nhà ái quốc.  Tôi cũng từng nhập chung cuộc chiến tranh Việt Nam với cuộc chiến chống Thực Dân Pháp của nhân dân Việt Nam.  Tôi đã từng làm nhiều bài thơ yêu nước đăng trên những tạp chí Sinh Viên.  Thêm vào đó, sự lộn xộn của chính phủ Nam Việt Nam từ Tổng Thống Ngô đình Diệm đến Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khiến mọi người dân miền Nam trông chờ một chính phủ vững mạnh ngỏ hầu có thể xây dựng đất nước.  Hầu hết nhân dân miền Nam thường trông về cơ cấu chính quyền miền Bắc như một mẫu mực mà họ mong muốn.  Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Bắc Việt đã ở tại vị từ năm 1954 đến năm 1975 có lẽ là một minh chứng hùng hồn cho một cơ cấu chính quyền vững chắc!
Mặc dù có nhiều điều tồi tệ đã xãy ra trong khối Cộng Sản, từ Liên xô, Trung Quốc, và các nước Đông Âu, chúng tôi vẫn hy vọng Cộng Sản Việt Nam sẽ khác hơn.  Những cuộc đấu tố ở miền Bắc trong giai đoạn cải cách ruộng đất sau 1955 với những cảnh con cái đấu tố cha mẹ, vợ đấu tố chồng, cũng chưa đủ thuyết phục để nhân dân oán ghét Cộng Sản.  Những hình ảnh về cuộc thãm sát tại các vùng tạm chiếm của Cộng Sản bị nghi ngờ là chiến thuật tuyên truyền của Chính Phủ Nam Việt Nam.   Dân chúng bị lẫn lộn giữa cái tốt và cái xấu về những người Cộng Sản.  Họ không thể phân biệt giữa chủ nghĩa Yêu Nước với chủ nghĩa Cộng Sản.
Cuộc di tản chiến thuật khỏi Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng được loan báo như một việc thực thi Hiệp Định Paris.  Tôi chẳng biết gì về nội dung của Hiệp Ước này, nhất là những điều mật ước mà tôi nghe nói về việc phân chia đất nước tại vĩ tuyến 12 ở Phan Rang, một tỉnh miền Trung, để nhường cho Mặt Trận Giải Phóng.  Hầu hết những gì tôi nghe được thường là những tin đồn.  Trong một quốc gia đang có biến động chính trị, tin đồn nhiều khi còn được tin tưởng hơn những gì mà chính phủ phổ biến.
Mặc dù là một nhân viên tình báo của chính quyền Nam Việt Nam, tôi không hề học tập về Chủ Nghĩa Cộng Sản.  Trong nhiệm vụ hàng ngày, tôi chống lại những tổ chức của Sinh Viên thuộc Viện Đại Học Sài Gòn.  Tôi chỉ biết rằng đó là những tổ chức con đẻ của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, một tổ chức của VC.  Tôi đã thành công trong việc tái chiếm Ban Đại Diện Sinh Viên Đại Học Khoa Học vào năm 1972 từ trong tay của nhóm Bừng Sống, một tổ chức của Cộng Sản.  Mặc dù bị lên án tử hình trên đài phát thanh giải phóng vê việc ấy, tôi vẫn thờ ơ.  Họ chỉ biết bí danh tôi chứ không biết tên thật của tôi, hơn thế nữa, tôi vẫn đang sống trong vùng của mình.  Ngược lại, nếu Cộng Sản chiếm Sài Gòn, điều gì sẽ xảy ra cho tôi một khi họ biết tôi là ai?  Sự lo lắng cộng với sự thiếu hiểu biết khiến tôi không còn biết phải làm gì.



Chương 2 . Những Điều Đó Xảy Ra Chính Trong

Gia Đình Tôi.

Ngày 19 tháng tư năm 1975, sau khi đưa vợ tôi vào văn phòng để làm việc, tôi ghé qua nhà mẹ tôi như thường lệ.  Tôi gặp Tài, em tôi vừa từ Đà Nẳng về đến nhà.  Tài là trung sĩ Thông Dịch viên trong Hải quân Nam Việt Nam.  Đà Nẳng là một thành phố lớn ở miền Trung và cũng là một hải cảng quan trọng.  Tài chỉ còn một bộ đồ dính thân vì đã phải trải qua bao nhiêu phương tiện mới về được đến nhà.  Em tôi đã kể lại cho nghe bao nhiêu chuyện kinh khủng mà nó đã chứng kiến trên đường đi từ Đà Nẳng về Sài Gòn.  Khi ở trên một chiếc tàu, một người đàn bà nhờ nó bế dùm đứa con để bà ta đi tìm một đứa khác đã bị thất lạc; sau đó bà ta biến mất vào đám đông.  Nó không biết phải làm sao, và làm thế nào để bế đứa trẻ về nhà trên một lộ trình quá xa như thế, do đó nó đưa đứa trẻ cho một người lạ rồi chạy đi mất.  Dân chúng chen chúc nhau leo lên tàu; nhiều người bị rơi xuống biển chết chìm.
- “Tại sao em không đi luôn ra ngoại quốc?”  Tôi hỏi Tài.
- “Vì họ ra lệnh về Sài Gòn để chống lại VC.”
- “Em có thấy VC vào Đà Nẵng không?”
- “Không, tôi chẳng thấy ai ngoài dân chúng di tản khỏi Đà Nẳng.  Họ ra lệnh chúng tôi rời Đà Nẳng cho VC, nhưng tôi chẳng thấy VC nào trong thành phố khi tôi rời nơi ấy.  Tôi cũng không hiểu sao chúng ta lại thất bại mà không có cuộc đụng độ nào.”
- “Em có nghe nói gì về những mật ước của Hoà Ước Paris không?”
- “Họ nói nhiều về những điều này, nhưng thật ra tôi không được ai phổ biến một cách chính thức hết khi họ ra lệnh rời Đà Nẵng.”
- “Làm sao em về được đến nhà?”  Tôi tò mò hỏi.
- “Đầu tiên, tôi đi theo tàu tôi về đến Cam Ranh.  Từ đó đến Vũng Tàu, tôi lên được một chiếc tàu của Hải Quân Mỹ vì tôi là Thông dịch viên.”
- “Sao tàu em không về Sài Gòn?”
- “Tôi không biết; nó đi luôn ra đảo Phú Quốc.”
- “Em thấy gì trên đường về Sài Gòn?”
- “Dân chúng sợ hải; họ nói đến VC và những cuộc tàn sát dù họ chẳng thấy một tên VC nào trong thành phố.  Họ chen chúc nhau trên đường ra hải cảng.  Họ chất mọi thứ lên xe đạp, xe gắn máy, hay gánh lên vai.  Trẻ con khóc lóc vì lạc mất cha mẹ; vài người nằm chết trên vỉa hè.  Hàng ngàn người dân rời bỏ nhà cửa khi nghe VC về đến hoặc nghe các đơn vị quân đội ta rút lui.  Anh làm trong Phủ Trung Ương Tình Báo, anh có biết gì về chương trình của Chính Phủ hay của Mỹ đối với tương lai của đất nước ta hay không?”  Tài bất thần hỏi tôi.
- “Không!”  Tôi lúng túng trả lời.
Tôi bảo Tài lấy quần áo tôi thay ra vì nó quá dơ sau hơn mười ngày đường.  Khoảng 10 giờ, Lân, anh họ tôi từ cơ quan đến.  Anh ấy là thượng sĩ Hải Quân.  Vào Quân Đội từ năm 1962, anh ta làm về truyền tin trong Hải Quân Việt Nam ở tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Sài Gòn.  Anh ấy đến hỏi tôi có định sửa soạn đi với anh ta ra ngoại quốc khi cần thiết không.  Tôi trả lời anh ấy: “Tôi nghĩ chắc Cơ Quan của tôi đã chuẩn bị chương trình riêng cho nhân viên rồi.  Trong trường hợp khẩn cấp, tôi sẽ gặp anh ngay.”
Thật ra tôi không biết phải làm sao trong lúc ấy.  Nghe tin về trình trạng căng thẳng của đất nước, tôi rất phân vân.  Chúng ta có thể chiến đấu chống lại VC nếu họ tiến vào Sài Gòn; tại sao lại phải rời bỏ đất nước mà không chiến đấu chứ?  Quân Lực chúng ta vẫn hùng mạnh.  Vũ khí chúng ta vẫn còn đầy đủ ngay cả nếu Mỹ có ngưng viện trợ đi nữa.  Tôi không thể hiểu nỗi tại sao chúng ta lại thua khi chúng ta đang giành được chiến thắng trên mặt trận và ngay cả ở hậu phương.  Những sự rút lui của các đơn vị quân lực chúng ta khỏi các tỉnh miền Trung mà không có một trận đánh nào xãy ra đã làm dân chúng đâm ra hoang mang sợ hãi.  Dân chúng di tản khỏi các thành phố mặc dù chưa thấy một VC nào tiến vào.  Toàn bộ sự kiện ấy đã tạo nên một sự rối ren chưa từng thấy cho đất nước.
Tôi nhìn ra đường phố trước nhà.  Tiệm sửa xe đạp và xe gắn máy vẫn mở cửa như thường lệ.  Tiệm tạp hoá vẫn ồn ào.  Tiệm may và hớt tóc vẫn có khách.  Vài người bán hàng rong đang rao hàng.  Bộ hành vẫn ung dung.  Xe hơi, xe gắn máy, và xe đạp vẫn qua lại.  Mọi cái dường như vẫn sinh hoạt bình thường; không thấy một dấu hiệu nào của chiến tranh.  Dân chúng Sài Gòn đã quá quen thuộc với chiến tranh kể từ năm 1945; họ nghe tiếng súng một cách lơ đểnh ngoại trừ trường hợp nó nổ ngay bên cạnh họ.
Năm 1954, một triệu người dân miền Bắc di cư vào Nam; họ đã kể lại bao nhiêu điều ghê gớm về Cộng Sản, nhưng dân miền Nam vẫn nghi ngờ.  Dân miền Nam đoán rằng những người dân miền Bắc vì quá nghèo đói đã vào Nam để kiếm sống.  Chủ nghĩa Cộng Sản hay Chủ Nghĩa Xã Hội trong đầu óc của người miền Nam chỉ đồng nghĩa với sự đói nghèo.  Sự tuyên truyền của Chánh Phủ Nam Việt Nam không đủ để chiêu dụ nhân dân miền Nam chán ghét chế độ Cộng Sản, thường thì dân chúng nghĩ đến quyền lợi của họ hơn là lý tưởng chống Cộng.  Bên cạnh đó, họ vẫn cho rằng nếu VC tiến được vào Sài Gòn, họ có thể có đủ thời gian để rời khỏi đất nước: Cuộc di cư của hàng triệu dân miền Bắc sau hiệp định Genève là một minh chứng cho ý nghĩ đó.
Tôi vẫn nghĩ đã có sẵn  một kế hoạch di tản riêng của cơ quan tôi khi sự việc diễn ra, nhưng tôi lại nghĩ mọi việc không đến nỗi quá tồi tệ đến như vậy!  Tôi chẳng hề muốn đi đến Mỹ hay bất cứ một quốc gia nào khác.  Tôi sẽ ở lại đất nước nếu Cộng Sản để tôi làm một người dân bình thường, nếu không có sự trả thù.  Mặc khác, tôi nghĩ Việt Nam sẽ tạm thời là một quốc gia trung lập khi chiến tranh chấm dứt.  Một cuộc thương thuyết sẽ diễn ra sau đó để bàn về việc thống nhất đất nước.  Trong thời gian ấy, tôi có thể chọn lựa giữa việc ở lại hay ra đi.
Chiến tranh Việt Nam là cuộc Nội Chiến hay cuộc chiến giữa Chủ Nghĩa Cộng Sản và Chủ Nghĩa Tư Bản, cuộc chiến tranh Giải Phóng hay cuộc chiến tranh Ý Thức Hệ.  Đó chỉ là những danh từ!  Dân tộc Việt Nam ước muốn chấm dứt cuộc chiến ấy càng sớm càng tốt dù họ chưa biết điều gì xảy ra sau đó.
Trên hai mươi năm chịu đựng chiến tranh, dân tộc Việt Nam đã quá chán ngán; chính tôi cũng thế!  Sinh ra năm 1945, năm của Đệ Nhị Thế Chiến; Nhật Bản xâm chiếm đất nước tôi từ tay Thực Dân Pháp.  Tôi đã sống qua ba cuộc chiến chống Nhật, Pháp, và cái gọi là chiến tranh Giải Phóng.  Tôi chỉ mong mỏi hoà bình đến với đất nước tôi.  Hy vọng của tôi cũng đơn giản như những lời yêu cầu của dân chúng Mỹ khi họ tụ tập đòi hỏi binh sĩ của họ rời khỏi Việt Nam ngay tức khắc.  Sống bên kia bờ Thái Bình Dương, họ chẳng biết gì về sự đau khổ của nhân dân Việt Nam khi phải gánh chịu cuộc chiến giữa Cộng Sản và Tư Bản.  Hàng ngàn lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam làm rúng động người Mỹ và cả Thế Giới.  Thế thì hàng triệu người Việt Nam đã chết trong cuộc chiến ấy thì thế nào đây?  Ý nghĩ ấy khiến tôi tức tối!  Những giọt nước mắt đột nhiên trào ra.

Chương 3. Một Tình Huống Bi Thảm

Tôi có hẹn với những cộng tác viên của tôi vào trưa ấy, do đó tôi phải đến nhà hàng Sing-Sing ở đường Phan Đình Phùng để gặp họ.  Lễ, người đã từng là Chủ Tịch Ban Đại Diện Sinh Viên Đại Học Khoa Học, một trong những cộng tác viên ấy hỏi tôi.
- “Anh có biết gì về việc rút lui của chúng ta khi VC chiếm Sài Gòn không?”
- “Không, chưa biết!”  Tôi lúng túng trả lời.
- “Tôi chuẩn bị đi ra ngoại quốc trong vài ngày tới; anh có đi với tôi không?”
- “Tôi nghĩ còn quá sớm để có quyết định như vậy.  Ngoài ra, tôi còn phải hỏi sếp trước đã.  Anh có tin tức gì cho tôi không?”  Tôi hỏi về công việc để tránh những câu hỏi của Lễ.
- “Nhóm Bừng Sống đang trỗi dậy ở trường sau một thời gian dài vắng bóng.”
- “Tôi đã biết điều ấy; còn Hoan và Thắng thì thế nào?”
Nhóm “Bừng Sống” là một tổ chức nằm vùng của VC đã được thành lập ở Đại Học Khoa Học từ năm 1965; Hoan và Thắng là hai lãnh tụ của nhóm ấy.  Khi tôi thành công trong việc tái chiếm Ban Đại Diện Sinh Viên Đại Học Khoa Học từ nhóm này thì nhóm Bừng Sống biến mất.  Hoan và Thắng trốn vào mật khu của VC.  Chúng tôi bắt được Giàu, trưởng nhóm Bừng Sống.
- “Chúng tôi chưa thấy Hoan và Thắng xuất hiện.”  Lễ đáp lời tôi.
- “Tôi phải đi gặp sếp cái đã.  Hẹn các anh ngày mai lúc 10 giờ; chúng ta sẽ bàn về việc tương lai khi tôi biết được ít nhiều.”



Đó là lần cuối cùng tôi gặp Lễ vì anh ta không đến gặp lại tôi vào ngày 20 tháng tư như đã hẹn trước.  Tôi đoán anh ta đã rời bỏ đất nước.
Tôi đến nhà an toàn ở đường Phan Thanh Giản.  Dù đã 2 giờ trưa, hầu hết nhân viên đều ở đó để chờ đợi sếp Long.  Chúng tôi đều mong mỏi biết rỏ mọi điều đang diễn ra trong nước và kế hoạch của Cơ Quan.  Đẹp, thư ký của sếp bảo rằng Long đang có cuộc họp trong Dinh.  Tôi nghĩ có lẽ ông ấy đang gặp Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nhưng không biết hỏi ai để xác minh điều ấy.  Sau khi bị một máy bay F-5 do Nguyễn Thành Trung, trung uý thuộc Không Lực Việt Nam Cộng Hoà lái, thả bom vào dinh tuần trước, ông Thiệu đang ẩn mình trong dinh.
Sếp tôi, Ông Long, mới 35 tuổi, còn quá trẻ khi được giữ chức vụ.  Ông ta hơi mập và tóc xoắn nên mọi người trong cơ quan thường gọi là Long Quắn để phân biệt với một vài “Long” khác.  Vì thường chơi Tennis vào buổi trưa nên da ông rám nắng; ông ta đi khá nhanh mặc dù đôi chân hơi ngắn.  Tôi nghe nói ông ta có họ hàng xa với Bà Thiệu, đệ nhất phu nhân.  Ông ta cũng ở tại Mỹ Tho, một tỉnh của miền Nam, gần nhà của gia đình Bà Thiệu.  Tôi không biết điều đó thật không, nhưng tôi nghĩ Long rất có tài trong nhiệm vụ của ông ấy.  Ông ta làm việc rất tận tụy nữa; nhiều người thì cho rằng vì ông ấy độc thân và lại có học vấn khá.  Đó là điều rất hiếm trong một cơ quan đang điều hành hầu hết bởi những sĩ quan quân đội.  Long đã tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa và Trường Quốc Gia Hành Chánh.
Trong công tác hàng ngày, chúng tôi thường làm việc không có giới hạn giờ giấc.  Đôi khi chúng tôi làm đến 2, 3 giờ khuya, ăn vài món gì đó rồi lại làm việc tiếp.  Lúc khác chúng tôi lại ngủ cả ngày để lấy lại sức lực.  Suốt thời gian làm ở Cơ Quan, tôi chưa hề nghỉ phép thường niên vì không có thời giờ.  Tình trạng chính trị của Sài Gòn quá rối ren.  Sinh viên của Viện Đại Học Sài Gòn và Viện Đại Học Vạn Hạnh (của Phật Giáo) biểu tình hầu như hàng ngày để đòi hoà bình và chống lại chính quyền.  Hầu hết những cuộc biểu tình này đều bị giật dây bởi VC hay bởi những đảng phải chống lại chính phủ.  Trung tâm của nó phát suất từ chùa Ấn Quang.  Tôi không biết nhiều về mục đích của các đảng phái đối lập, nhưng tôi nghĩ rằng trong một quốc gia đang có chiến tranh, mọi sự gây xáo trộn đều là giúp đỡ cho kẻ thù.
Long về đến nhà an toàn vào khoảng 3 giờ chiều, ông ta trông mệt mỏi và chậm chạp, không còn cái vẻ nhanh nhẹn như mọi ngày.  Chúng tôi chờ đợi một tin xấu!  Ném cặp lên bàn, ông ta bắt đầu bằng một giọng nói thấp.
“Hôm nay tôi có đi họp; họ không đề cập gì về hiện tình đất nước.  Họ chỉ bảo rằng chúng ta phải xếp đặt mọi việc tuỳ theo những gì mà chúng ta thấy cần.  Mỹ đã bỏ rơi chúng ta, do đó chúng ta phải chiến đấu bằng chính sức lực của chúng ta.  Chúng ta sẽ gặp lại vào ngày mai trong Cơ Quan để làm những việc phải làm.”
Với những lời nói mập mờ ấy, chúng tôi biết rằng đất nước đang gặp khó khăn.  Chúng ta chỉ là những quân cờ trên bàn cờ của những cường quốc.  Họ đến đây với danh nghĩa của Hoà Bình; họ rời bỏ chúng ta cũng với danh nghĩa của Hoà Bình.  Chúng ta phải chiến đấu một mình với Cộng Sản, không chỉ với Cộng Sản Việt Nam mà với Cộng Sản trên toàn địa cầu!  Mỹ và Đồng Minh đã chấm dứt viện trợ có nghĩa là chúng ta phải tự gánh lấy gánh nặng của cuộc chiến.  Chúng ta không sợ sự hy sinh xương máu mà chúng ta rất sợ sự phản bội.
Tôi gặp Tuân và Banh, những người bạn thân của tôi trong Cơ Quan trước cửa nhà an toàn.  Banh cho biết Thuận và Giang đã đi rồi!  Banh đã từng là Chủ Tịch Sinh Viên Luật Khoa năm 1973.  Thuận và Tuân đã từng làm việc chung với tôi khi chúng tôi mới vào làm ở Cơ Quan.  Chúng tôi thường thu lượm tin tức của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn và của các nhóm chống chính quyền thuộc cái gọi là “Thành Phần Thứ Ba” vào những năm 1969-1970 trước khi làm việc cho Ban A17.  (Ban chúng tôi có mật danh là A17 vì hiện lúc ấy có 17 phân khoa thuộc viện đại học Sài Gòn).  Giang là người làm chung với tôi trong công tác; anh ta cưới một cô vợ giàu có và có lẽ gia đình họ đã tìm được cách vượt biên khi họ nghe được những tin tức có hại cho tài sản của họ.  Tôi nghĩ có lẽ Thuận đã ra đi với gia đình anh của anh ta vì họ làm việc trong sân bay Tân Sân Nhất.  Chúng tôi cũng thông cảm cho họ về việc rời bỏ này; họ phải lo đến cuộc đời họ và gia đình họ trước tiên.
- “Chúng tôi chưa tính gì hết.  Chúng tôi nghĩ phải chờ đợi kế hoạch chung của Cơ Quan vì chúng tôi không có phương tiện riêng.  Còn anh thì thế nào?”
Banh cười nói dường như muốn che dấu những lo lắng của mình.
- “Tôi thì nghĩ chúng ta nhất định sẽ có kế hoạch chung vào ngày mai.”
Tôi cố giữ bình tĩnh.  Tôi không thể biết làm gì trong lúc ấy.  Leo lên một chiếc tàu nào đó trong bến tàu Sài Gòn đối diện với trụ sở trung ương của chúng tôi hoặc đi vào phi trường để lên một chiếc phi cơ nào đó đến một quốc gia khác, điều này tôi có thể làm được cho một mình tôi, nhưng còn vợ tôi với đứa nhỏ còn trong bụng kia thì làm thế nào đây; cô ta đang có mang tám tháng.  Điều tôi chờ đợi là một kế hoạch chung của cơ quan để di tản trong vòng trật tự, điều này sẽ an toàn hơn cho vợ tôi.
Chúng tôi cưới nhau vào năm 1972 sau gần ba năm quen biết.  Chúng tôi gặp nhau vào tháng 11 năm 1969; ngày đầu tiên tôi vào nhận việc ở Cơ Quan và cũng là ngày sinh nhật thứ 20 của vợ tôi.  Chị vợ tôi và anh rể cô ta cũng làm trong Cơ Quan.  Khi gặp cô ấy ở phòng nhận việc, tôi rất kinh ngạc vì cô ấy trông quá trẻ để làm việc cho một cơ quan tình báo!  Cô ta mới vừa tốt nghiệp trung học.
Sau gần ba năm chung sống, vợ tôi có mang và cũng rất hạnh phúc với đứa con trong bụng.  Thật ra đó là lần thứ hai cô ấy có mang; lần đầu đã bị sẩy vào tháng thứ hai.  Vợ tôi rất khổ sở khi một bác sĩ báo cho biết cô ấy không thể có con được vì một chứng bệnh nan y.  Tôi đã phải đưa vợ tôi đi đến đủ loại thầy thuốc, kể cả những lang băm.  Một bà thầy thuốc đông y bảo rằng bà ta có thể cho thuốc để vợ tôi có được một đứa con duy nhất mà thôi, và đó là đứa mà cô ấy đang mang trong bụng.
Cuộc sống chúng tôi trong thời gian này rất bình an.  Cô ta làm trong phòng tuyển mộ ở trụ sở trung ương; tôi vẫn thường đưa vợ tôi đến nơi làm việc mỗi bữa sáng và rước về mỗi bữa chiều.  Tôi ít khi vào Cơ Quan vì tôi làm cho một ban công tác ngoại vi.  Lương bổng chúng tôi không đủ xài nên tôi phải dạy thêm môn hoá học cho vài trường trung học tư thục ở Sài Gòn; đó là nguồn thu nhập chính của chúng tôi và cũng là ngụy thức của tôi.
Nếu cuộc đời chúng tôi trôi qua một cách êm đềm như thế, tôi đã không phải viết những trang hồi ký này!  Những biến động bất ngờ đã xãy đến làm đảo lộn hết mọi việc và mọi người dân trong đất nước tôi.  Hàng triệu người Việt Nam phải rời bỏ quê hương lưu vong trên toàn thế giới.  Hàng trăm ngàn nhân viên chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã bị giam trong những cái gọi là “trại Cải Tạo” của Cộng Sản từ Bắc chí Nam và một số đã chết trong ấy.  Việt Nam trở thành một quốc gia nghèo nhất trên thế giới.  Đó có phải do lỗi của chúng tôi hay không?  Tôi không muốn đổ lỗi cho bất cứ ai khác, nhưng chúng tôi làm được gì trong hoàn cảnh ấy?  Chúng tôi không thể giải quyết được gì ngay cả hoàn cảnh cá nhân nữa.  Làm sao chúng tôi có thể tự chống lại được với Cộng Sản trên toàn thế giới trong khi chúng tôi bị trói tay bởi sự bỏ rơi của một cường quốc và các Đồng Minh?
Tôi không phải là một lãnh tụ của Việt Nam Cộng Hoà.  Tôi không biết gì về những chiến lược của chánh phủ Việt Nam, nhưng tôi nghĩ cái gọi là “chiến lược” của những quốc gia nhỏ cũng chỉ là “chiến thuật” của những cường quốc mà thôi!  Chúng tôi có thể chống lại VC trong những ngày tháng ấy và sẽ chết cho tổ quốc chúng tôi.  Tôi không chối bỏ điều ấy, nhưng làm sao chúng tôi làm được việc ấy một khi họ buộc chúng tôi phải từ bỏ sức mạnh của chúng tôi.
Tôi nghe rất nhiều lời phê bình đổ lỗi cho Chính Quyền nhất là các nhà lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hoà về việc đánh mất Nam Việt Nam.  Tôi không biết điều đó đúng không, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải chấp nhận cái lỗi chung của chúng ta đừng đổ cho vài người, ngay cả những cấp lãnh đạo.  Tôi không bào chữa cho họ hay cho chúng ta.  Tôi chỉ muốn nói để hiểu sự thật về những gì xảy ra trong đầu óc chúng ta trong những tháng ngày ấy.  Chúng ta lẫn lộn giữa sự an toàn cho chính chúng ta và sự an nguy của đất nước, giữa sự ở lại hay ra đi.  Tôi nghĩ những kẻ đã rời bỏ Việt Nam trong lúc ấy chưa hẳn là hèn nhát, những người đã ở lại chưa chắc đã là anh hùng.  Mỗi người có hoàn cảnh và cơ hội khác nhau, và tôi đang cố nhớ lại hoàn cảnh và cơ hội của chính bản thân tôi trong thời gian ấy để tìm hiểu tại sao tôi lại ở lại!
Tôi đến đón vợ tôi tại văn phòng của cô ta ở Số 3 Bến Bạch Đằng, đối diện với Bến Tàu Sài Gòn.  Quang cảnh bến tàu rất bình thường; những chiếc tàu chiến của Hải Quân Việt Nam vẫn đậu nối đuôi nhau dưới bến.  Vài thuỷ thủ và sĩ quan Hải Quân đang đi bộ trên vỉa hè gần Bộ Tư Lệnh Hải Quân.  Tư Dinh của Thủ Tướng nằm im lặng dưới bóng cây đa.  Vài người lính gác đứng nghiêm phía trước dinh.  Con đường Bạch Đằng từ Nguyễn Huệ đến Thống Nhất là khu vực quân sự; chỉ những người làm bên trong ấy mới được vào.  Tôi cố tìm xem có điều gì bất thường hay không, nhưng chẳng thấy gì cả!  Tôi tự hỏi tại sao mọi việc trông quá bình thường trong một hoàn cảnh lộn xộn như vậy của đất nước.  Tôi hỏi vợ tôi sau khi cô ấy ngồi phía sau xe gắn máy:
- “Em có nghe về kế hoạch của Cơ Quan mình không?”
- “Không!  Việc gì vậy anh?  Em nghe có người nói rằng sếp chúng ta sẽ rời cơ quan và ông Phụ Tá Lộc sẽ thay thế.  Đó chỉ là tin đồn vì em thấy ông Bình vào Phủ sáng nay.”
- “Anh chưa biết điều gì thật sự xảy ra, nhưng anh nghĩ có lẽ có những hoàn cảnh xấu có thể đưa đến sự mất nước.”
Vợ tôi chẳng quan tâm gì đến vấn đề chính trị.  Cô ấy chẳng để ý điều gì ngoại trừ cuộc sống hàng ngày của chúng tôi.  Tôi vẫn nhớ lúc Đảng Dân Chủ của Tổng Thống Thiệu ra mắt dân chúng, cờ của đảng ấy có hình dạng đối nghịch với cờ của Bắc Việt với nền vàng ngôi sao đỏ treo khắp nơi; tôi đùa với vợ tôi rằng đó là cờ của VC.  Sợ hải, cô ta bảo tôi lái xe qua đường khác để tránh!  Tôi không biết cô ta sẽ bảo tôi làm gì đây một khi lời nói đùa của tôi biến thành sự thật, một khi cây cờ đỏ sao vàng treo khắp nơi trong Sài Gòn!  Tôi mỉm cười với ý nghĩ ấy để dấu đi sự lo lắng trong lòng.
Chúng tôi đến nhà ba mẹ vợ tôi để tìm hiểu xem họ có biết gì không.  Chị vợ tôi làm trong Ban Nghiên Cứu nói với tôi rằng chị ấy nhìn thấy những tin tức xấu trên tờ trình cho Tổng Thống mà chị ấy đánh máy hàng ngày.  Tình trạng tồi tệ của đất nước chúng ta đã diễn ra, đặc biệt là những tỉnh miền Trung, sau khi Tổng Thống ra lệnh rút các đơn vị quân đội khỏi Buôn Mê Thuột qua đường liên tỉnh lộ số 7.  Hàng ngàn dân chúng đã bị chết trên con đường mà báo chí gọi là Đại Lộ Kinh Hoàng này.  Tôi đã đọc được tin này trên báo chí, nhưng tôi không biết được điều gì sẽ xảy ra sau đó, nhất là kế hoạch cho đất nước theo như Hoà Ước Paris.  Tôi muốn có một lời giải thích rõ ràng của những nhà lãnh đạo, và đang chờ đợi điều ấy.  Làm việc cho một cơ quan trưc thuộc Phủ Tổng Thống, tôi nghĩ phải có một kế hoạch cho chúng tôi một khi có điều gì đó xảy ra.
Linh, chồng của chị vợ tôi nói:
- “Tôi thì không nghĩ VC có thể vào được Sài Gòn.”
- “Sao anh biết chắc vậy?”  Tôi cắt lời anh ta.
Linh làm trong Ban Huấn Luyện của Cơ Quan.  Anh ta trả lời tôi một cách lúng túng.  “Tôi nghe nói chúng ta nhường một phần đất của chúng ta từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 17 cho Mặt Trận Giải Phóng và tạo thành một tuyến phòng thủ vững chắc từ Tuy Hoà để sẵn sàng thương thuyết với VC và Bắc Việt theo mật ước của Hoà Ước Paris.”
- “Anh nghĩ chúng ta có đủ sức để đánh lại VC mà không cần viện trợ của Mỹ hay không?”
- “Tôi nghĩ có thể được.  Trong Tết Mậu Thân, chúng ta chưa có những vũ khí tối tân như M16 mà chúng ta vẫn thắng được VC với AK.  Giờ đây chúng ta có nhiều thứ.”
- “Sau trận chiến Nam Lào, quân đội chúng ta yếu hơn; tôi không biết chúng ta có thể chịu đựng được một cuộc tổng tấn công như Tết Mậu Thân hay không?”
- “Chiến trường ở Đường 9 Nam Lào là một cuộc thí quân!  VC biết hết mọi chiến lược của chúng ta.  Tôi nghĩ có lẽ đó là kế hoạch của Mỹ, họ không muốn quân đội ta quá mạnh đến nỗi họ khó có thể điều khiển.”
- “Mọi cái chúng ta nghĩ chỉ là điều chúng ta suy đoán.  Chúng ta không có được những lời giải thích rõ ràng của những nhà  lảnh đạo của chúng ta.  Giờ đây tôi nghĩ có lẽ chúng ta phải quyết định những gì phải làm trong tình trạng nguy kịch này.  Chúng ta nên tự đặt kế hoạch cho chính mình chứ không nên chờ đợi từ những nhà lãnh đạo của chúng ta nữa.”
- “Làm sao chúng ta có thể tự mình làm được gì?”  Linh đột nhiên hỏi.
- “Đó là lý do mà chúng tôi đến đây.  Vợ tôi và tôi không thể làm gì được một mình, nhưng tôi nghĩ tất cả chúng ta hợp lại thì có thể có được một ý kiến hay!”
Chúng tôi im lặng nhìn nhau.  Mỗi người đều có riêng một mối lo.  Tôi nghĩ chẳng ai có thể biết phải làm gì trong lúc ấy nên tôi phá tan bầu không khí im lặng nặng nề ấy.
- “Chúng ta sẽ suy nghĩ đến những điều này và sẽ bàn lại sau vậy.”
Trên đường về nhà, tôi đi ngang qua chợ Bến Thành, một trung tâm thương mại của Sài Gòn và của miền Nam Việt Nam.  Xe cộ đầy đường.  Hàng hoá tràn ngập trên vỉa hè.  Khách hàng chen chúc trong những cửa hàng.  Vài cặp tình nhân vai sánh vai lang thang trên vỉa hè Lê Lợi.  Mọi việc diễn ra giống như mọi ngày.  Tôi không thể nhận ra được không khí chiến tranh trong một bối cảnh như vậy.  Quán cà phê “La Pagode” trên đường Lê Lai nơi tôi thường ngồi uống cà phê và nghe nhạc vẫn đang mở cửa; tiếng nhạc quen thuộc êm đềm vọng ra khi tôi đi ngang qua.  Tiếng chuông của nhà thờ Đức Bà vang lên một giọng ngân làm nhẹ nhàng tâm hồn tôi.  Là một Phật Tử, nhưng tôi lại thích nghe tiếng chuông ấy vì nó khiến tôi cảm thấy nhẹ nhàng bởi giọng điệu trong sáng của nó.  Trụ sở vĩ đại của Toà đại sứ Mỹ nằm một cách kiêu hãnh đối diện với trụ sở của Toà đại sứ Anh Quốc nằm im lìm trên đại lộ Thống Nhất.  Vài quân nhân thuỷ quân lục chiến Mỹ trong chiến phục với M16 trên tay đứng gác ở cổng Toà Đại Sứ và trên hai vọng gác ở góc tòa nhà.
Chúng tôi về đến cư xá Thanh Đa nơi chúng tôi đang ở.  Gia đình chị vợ tôi ở tầng trên, cũng nơi ấy; hai người đã về trước chúng tôi.  Chúng tôi vừa dời về đây vài tuần nên chỉ có một ít đồ đạc trong nhà: một bộ đồ bằng mây trong phòng khách, tấm nệm trải trên sàn trong phòng ngủ, vài đồ đạc để nấu nướng trong nhà bếp.  Phòng ăn vẫn trống trơn.  Tôi nhìn ra cửa sổ.  Dòng sông Thanh Đa lấp lánh trong ánh chiều.  Vài chiếc ca-nô rẽ sóng phía xa xa.  Hàng dừa bên kia sông im lìm phản chiếu bóng cây trên mặt sông.  Màu tím nhạt của bầu trời kết hợp với màu xanh đậm của cây cối tạo nên một bức tranh hài hoà.  Tôi thích được thưởng thức một cuộc sống như thế, nhưng điều gì đây sẽ xảy ra cho tôi trong một bối cảnh đất nước như thế này!  Sự lo âu đột nhiên xâm chiếm lấy hồn tôi.
Những tiếng gõ cửa làm gián đoạn dòng suy nghĩ của tôi.  Linh ghé qua để trò chuyện như thường lệ, nhưng tôi nhìn ra được dáng vẻ buồn bả của anh!  Linh và Lan, chị vợ tôi, có hai đứa con trai.  Tôi không nhớ họ lấy nhau vào thời gian nào, nhưng con của hai người một đứa lên ba còn một đứa mới vài tháng tuổi.  Linh di cư vào Nam năm 1954 và hiện đang làm việc trong Cơ Quan.  Họ gặp nhau trong ấy.  Cao khoảng một thước bảy, với khuôn mặt dài và luôn tươi cười, Linh dể gây cảm tình với mọi người.  Theo Linh hôm nay còn có Hào, bạn cùng học với tôi ở Đại Học Khoa Học, làm trong Cơ Quan và hiện đang biệt phái sang Cảnh Sát.  Hào vừa cưới vợ cách đây không lâu; tôi nghĩ anh ta cũng đang lo lắng cho số phận mình.  Tôi hỏi Hào có biết gì không, nhưng anh ta chỉ nhún vai mà không trả lời gì hết.
Tôi bắt đầu cuộc nói chuyện sau khi vừa ngồi vào chổ ở ngoài ban công.
- “Hai anh có ai biết tin tức gì liên quan đến diễn tiến cuộc chiến đang diễn ra ở Xuân Lộc không?”
- “Chúng ta đang đưa hết quân vào chiến trường ấy.  Tôi hy vọng chúng ta có thể chặn đứng được VC ở đó để chờ viện trợ của Mỹ.”  Hào xác định.
- “Tôi thì không tin Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ nữa!  Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã thất bại trong việc yêu cầu Quốc Hội Mỹ viện trợ 722 triệu đô la.  Có lẽ bây giờ chúng ta phải tự lực mà thôi.”  Linh nói.
- “Các anh nghĩ Tổng thống Pháp, Valery Giscard d”Estaing, có thể giúp chúng ta được gì trong việc tìm kiếm một giải pháp cho Việt Nam không?”  Tôi hỏi một cách vô hy vọng.
- “Đó là cố gắng của Pháp để giúp Việt Nam, tôi nghĩ đó cũng là một thoáng hy vọng cho chúng ta và cũng là ước muốn của đám “thành phần thứ ba” nữa.”  Hào lại nhún vai.
Tôi nghĩ tất cả mọi người trong chúng ta đều lo lắng cho số phận của đất nước và của chính bản thân mình trong lúc ấy.  Chúng tôi đều làm trong cơ quan tình báo, thế mà lại chẳng biết gì về kế hoạch của quốc gia.  Tất cả những gì chúng tôi biết được phần lớn là từ báo chí ngoại quốc.
Trong những ngày này, những tin tức từ những tạp chí như Times hay Newsweek hay từ những đài phát thanh như Voice of America và BBC dường như đều có ý định đạp đổ đất nước chúng tôi.  Tân “nội các chiến tranh” của Tổng Thống và Tân Thủ Tướng dân sự Nguyễn Bá Cẩn không thể nắm vững được chính quyền.  Dân chúng hoang mang về những tin đồn tung ra khắp nơi.  Trừ vài cá nhân giàu có có thể bỏ ra tám ngàn đô la để mua một tấm giấy thông hành, mọi người khác đều không thể có được điều kiện để trốn ra khỏi nước một khi VC tiến vào, ngay cả những người làm việc cho Mỹ và cho Chính Phủ và Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà.  Mọi người đều đang mong chờ Mỹ định đoạt dùm số phận của họ theo như Tổng Thống Mỹ đang yêu cầu Quốc Hội Mỹ chuẩn chi ngân khoản tài trợ để giải cứu hai trăm ngàn người dân miền Nam đã cộng tác với Mỹ trong cuộc chiến.  Thật là một điều bi thảm khi phải đặt cả cuộc đời mình trong tay của người khác!
Hội đàm Paris là chiến thắng cho cả VC lẫn Mỹ.  Sự sụp đổ của Phnom-Penh là sự bắt đầu.  Điều gì kế tiếp sẽ xảy ra cho đất nước chúng tôi?  Một chiếc phi cơ vận tải C5A bị rơi một cách kinh hoàng vào tuần qua làm chết nhiều trẻ em mồ côi vẫn là một mối nghi ngờ về việc Mỹ đang có ý định bỏ rơi Việt Nam.  Một khi số trẻ em mồ côi hầu hết là lai Mỹ đã ra đi, chúng tôi không biết số phận của chúng tôi sẽ ra sao tiếp theo đó.  Có thể nào nhờ đó mà Mỹ có thể tiếp cứu chúng tôi dễ dàng hơn khi điều tồi tệ nhất xảy ra, hay đó chính là điều duy nhất mà người Mỹ làm được ở Việt Nam trước khi họ phủi tay.  Với những sự việc như thế, tại sao chúng ta không tự  tìm cách cứu lấy mình.  Tôi hỏi Linh và Hào về khả năng có thể di tản khi cần thiết.
- “Chúng ta không có tiền để mua thông hành, do đó chỉ còn cách chờ kế hoạch chung của Phủ.”  Linh nói một cách buồn bã.
- “Tôi thì hy vọng rằng Cơ Quan của chúng ta đã có sẵn sàng một kế hoạch.  Tôi không thể nào nghĩ được một cơ quan tình báo mà lại không có sẵn một kế hoạch để lo cho nhân viên trong tình huống nguy kịch.”  Hào nói một cách không chắc chắn.
- “Ngoài ra, Cơ Quan chúng ta nằm kế bên bến tàu; tôi nghĩ trong tình hình khẩn cấp chúng ta có thể leo lên tàu để ra đi.  Điều đáng lo cho chúng ta là gia đình chúng ta.”  Tôi nói mà buồn rầu nghĩ đến vợ tôi.
Chúng tôi đều biết rằng trong tình trạng khẩn cấp thì chính gia đình chúng tôi là cái mà chúng tôi lo âu nhiều nhất, và những gì chúng tôi đang bàn tính chính là về sự an toàn cho gia đình chúng tôi.  Tôi vẫn thường nghe một thành ngữ rằng: “nước mất, nhà tan”, và sự tuyên truyền của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà về sự “Tắm Máu” khi VC tiến vào luôn luôn là một ám ảnh trong tâm tư tôi.  Tôi không sợ chết nếu nó có thể đem lại sự an toàn cho gia đình tôi, nhưng tôi chỉ lo sợ cho sự đau khổ mà gia đình tôi phải chịu khi việc tồi tệ diễn ra.
Một khoảng khắc im lặng bao trùm sau lời tôi nói.  Tôi không biết làm thế nào để phá tan sự im lặng ấy, do đó tôi kể lại những điều mà tôi nghe sếp tôi nói vào sáng hôm ấy.  Cuối cùng tôi đi đến một kết luận rất vô nghĩa.
- “ Có lẽ chúng ta sẽ biết được ít nhiều vào sáng ngày mai trong Cơ Quan.”
Hào từ giã.  Linh bảo tôi đi với anh ấy sang nhà chị anh để hỏi coi có chương trình nào không.  Anh rể của Linh là một giám đốc trong bộ Dân Vận và Chiêu Hồi.  Ông ta không có ở nhà, và chúng tôi hẹn gặp lại hôm sau.
Chúng tôi về nhà với tâm tư rất bối rối.  Linh bảo tôi gói ghém những thứ cần thiết để đề phòng tình huống khẩn cấp.  Chúng tôi chỉ có một cái túi xách tay nhỏ từ những ngày đi trăng mật, do đó chúng tôi lên mượn Linh một cái ba-lô cho dể mang và còn phải phụ giúp vợ tôi vì cô ấy quá nặng nề với cái bầu.  Tôi bỏ vào túi xách vài bộ quần áo cho chúng tôi, và một ít đồ dùng cho đứa trẻ sắp ra đời nữa.  Tôi nói đùa với vợ tôi rằng nếu con chúng tôi sanh ra trên đường đi trốn thì phải đặt tên nó là “Di Tản” để nhớ lại chuyện này.  Chúng tôi cười để xoa đi bao nỗi lo sợ.



Chương 4. Phủ Trung Ương Tình Báo Chuẩn Bị Di Tản

Tôi đến Trụ Sở Trung Ương sớm hơn mọi ngày.  Sau khi đưa vợ tôi vào văn phòng, tôi đi thẳng đến khu nhà của Ban A17 chúng tôi thay vì đi đến trường để dạy học mặc dù hôm ấy tôi có giờ dạy.  Tôi không thể nào xuất hiện trước mặt học trò của tôi được.  Tối hôm qua, tôi đã mất ngủ mặc dù đã uống thuốc ngủ; quá nhiều vấn đề khiến tôi bị nhức đầu.  Tôi phải nói vợ tôi gọi báo bệnh dùm.
Khu nhà Ban A17 của chúng tôi ồn ào chứ không im lặng như thường lệ.  Tôi nghĩ rằng giờ ấy còn sớm thế mà mọi người đều có mặt đông đủ.  Đẹp, thư ký của sếp tôi đang đánh máy cái gì đó.  Tuân bảo tôi cô ta đang làm danh sách và địa chỉ của nhân viên đề phòng trường hợp khẩn cấp.  Ở nước tôi vào lúc ấy, người dân chưa dùng điện thoại ngoại trừ những gia đình giàu có hoặc các cơ sở thương mại.  Sự liên lạc với nhau thường được thực hiện bởi những liên lạc viên; anh ta lái xe gắn máy đi tìm những người cần thiết để báo lại những điều cần phải làm.  Đôi khi chúng tôi lại không ở tại nhà mình, do đó chúng tôi cần có một địa chỉ chính xác trong những trường hợp như thế này.  Tôi ghi lại địa chỉ của mẹ tôi thay vì địa chỉ của tôi vì tôi không muốn ở một mình trong nhà tôi trong trường hợp này.
- “Có gì xảy ra trong cơ quan chưa?”  Tôi hỏi Tuân.
- “Chưa có gì đặc biệt!  Tôi nghĩ  chắc phải đợi sếp vào thì mới biết.  Không biết các nơi khác trong Phủ có làm danh sách không, nhưng theo tôi thì chắc phải có điều gì đó quan trọng.”
- “Ai sẽ là người liên lạc?  Tôi nghĩ chắc là Hiệp và Điền chứ gì?
- “Tôi cũng nghĩ thế, nhưng theo tôi thì chúng ta nên vào đây thường hơn để tự lo liệu lấy mình.  Tại sao anh không điện thoại hỏi bà xã ở bên đó xem có gì không?”  Tuân đột nhiên hỏi tôi.
- “Tôi cũng định sẽ điện thoại hỏi vợ tôi, Lan và Linh nữa để chúng ta có thể biết được vài điều đang diễn ra trong cơ quan.”
Với hàm râu chưa cạo, Tuân trông lớn hơn số tuổi ba mươi hai.  Chúng tôi thường gọi đùa là tên Tây lai vì hàm râu quai nón và cái sống mũi cao của Tuân.  Trong những ngày đầu tiên mới vào làm trong cơ quan, Tuân và tôi thường làm chung với nhau trong “Đội Công Tác Sinh Viên”.  Chúng tôi gia nhập các cuộc biểu tình của sinh viên để thu nhặt tin tức.  Chúng tôi cùng nhập ngũ chung một ngày, ở chung trong một trung tâm huấn luyện.  Sau khi trở về làm cho Cơ Quan, tôi phụ trách công tác ở Đại Học Khoa Học còn Tuân ở Đại Học Văn Khoa, nhưng chúng tôi vẫn thường hỗ trợ nhau.  Vợ của Tuân cũng là bạn học với vợ tôi; chúng tôi thỉnh thoảng vẫn đi chơi chung với nhau do đó hai chúng tôi là những người bạn thân.
- “Tôi nghĩ chúng ta đang đứng ở bên bờ vực.”  Tuân cắt ngang.  “Hai vợ chồng tôi chắc sẽ tính chuyện ra đi càng sớm càng tốt!”
- “Hy vọng hai người sẽ làm được việc ấy.  Hoàn cảnh hai người tương đối dễ dàng hơn tôi; vợ tôi quá nặng nề với cái bầu, tôi không thể làm gì khác hơn là chờ đợi chương trình của cơ quan.  Hơn nữa, tôi nghĩ không lẽ một cơ quan tình báo mà lại không có một chương trình lo cho nhân viên trong tình trạng nguy kịch hay sao.”
- “Tôi hy vọng thế, nhưng ít ra chúng ta cũng nên nghĩ đến điều ấy.  Tôi thật không biết tình trạng đất nước ta quá tồi tệ đến thế sao.”  Tuân lo lắng nói.
Mọi nhân viên trong ban chúng tôi đang bàn tán về tình trạng xấu của đất nước, nhưng thật ra chúng tôi không rõ nó tồi tệ đến mức nào.  Chúng tôi không thể tin được một ngày chúng tôi có thể mất nước mà chỉ nghĩ đến một trận chiến lớn với VC khi chúng tiến vào Sài Gòn mà thôi.  Có tin đồn là chúng tôi sẽ rút về vùng 4 ở đồng bằng sông Cửu long để chống lại VC.  Nhưng cuộc chiến ở Xuân Lộc vẫn đang tiếp diễn.  Chúng tôi làm trong một cơ quan chuyên lo về những vấn đề chính trị, nên cũng không biết nhiều về việc quân sự.  Đó chính là nhược điểm của chúng tôi.
Trong một quốc gia mà chiến tranh diễn ra quá lâu, các vấn đề chính trị, quân sự, và kinh tế đều bị lẫn lộn nhau.  Những nhà lãnh đạo quân sự trở thành lãnh đạo chính trị đã tạo thành sự lộn xộn cho quốc gia.  Đất nước không có được một nhà lãnh đạo lớn có thể kết hợp sức mạnh của toàn dân để chống lại kẻ thù.  Phó thủ tướng Trần Văn Hương, người đại diện cho miền Nam nhưng lại không có thực quyền, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là một trung tướng nhưng lại không đại diện được cho quân đội.  Mỗi một tướng lãnh là một ông vua trong vùng với quyền lực riêng của mình.  Sự chia rẽ trong hàng ngũ tướng lãnh càng lúc càng trầm trọng khiến binh lính trở nên nghi ngờ.  Thiếu Tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống, và Đại Tướng Dương Văn Minh, kết hợp với nhóm Phật Giáo Ấn quang và với cái gọi là “Thành Phần thứ Ba” để chống lại Tổng Thống.  Họ đều muốn tổng thống phải từ chức.  Tôi không biết họ làm được gì cho đất nước một khi họ nắm quyền hành.  Một vài ngôi sao sáng trong bầu trời chính trị đã bị giết chết như Nguyễn Văn Bông, giám đốc trường Quốc Gia Hành chánh và cũng là chủ tịch đảng Cấp Tiến.
Tôi nghĩ phương cách hay nhất là sự đoàn kết toàn dân như một câu tục ngử của Việt Nam“Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”.  Tôi không đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo về sự đánh mất đất nước, nhưng chính họ là những người đã nắm vận mệnh đất nước trong tay.  Có một câu nói của người xưa rằng “nhất tướng công thành vạn cốt khô”, tôi nghĩ thêm rằng “nhất tướng thất bại triệu cốt khô!
Tôi điện thoại hỏi vợ tôi ở phòng tuyển mộ và chị vợ tôi ở Ban Nghiên cứu; họ đều đã làm danh sách cho nhân viên.  Chúng tôi hiểu rằng đó là dấu hiệu xấu của đất nước.  Tuy nhiên chúng tôi không biết được xấu đến mức nào, và chúng ta phải làm gì để giải quyết.  Đi ra nước ngoài như nhiều người đã làm, chuẩn bị chống lại VC khi chúng tiến vào Sài Gòn, hay rút về đồng bằng sông Cữu Long như tin đồn?  Chúng tôi không biết thật sự phải làm gì.  Chỉ làm một danh sách thì không thể giải quyết được gì!  Chúng tôi muốn có một lời giải thích rỏ ràng, và chúng tôi đang chờ sếp vào.
Long đi nhanh vào phòng.  Chúng tôi nhìn nhau lo lắng.  Điều này bất thường vì ông ta không có thói quen như vậy.  Ông ta thường đi vào hội trường để trò chuyện với chúng tôi trước khi vào văn phòng riêng.  Chúng tôi đều mong những lời của ông ta.  Khoảng nửa giờ sau, ông ta đi ra với một dáng buồn bã.
“ Tôi rất lấy làm buồn mà báo tin rằng chúng ta đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn và nguy hiểm.  Nhiều áp lực buộc Tổng Thống phải từ chức, và tôi không biết ông ấy có từ chức không.  Tôi cũng không biết ai sẽ thay Tổng Thống Thiệu nếu ông ấy từ chức.  Phó Tổng Thống chỉ là tạm thời mà thôi.  Thêm vào đó, tôi không biết đất nước sẽ ra sao trong tình trạng như thế này.  Chúng ta đang lập danh sách theo như lệnh của cấp trên, nhưng tôi không biết để làm gì.  Tôi chỉ mong chúng ta bình tĩnh trong mọi tình huống.  Chúng ta sẽ làm việc như thường lệ, và chúng ta cũng sẽ hợp sức nhau.”
Nhiều cái “tôi không biết” của ông Long khiến chúng tôi phân vân hơn lúc nào hết.  Chúng tôi không chờ đợi một ý kiến mơ hồ như vậy.  Trong tình trạng như thế, chúng tôi nghĩ một cấp chỉ huy cần nên trình bày rõ ràng sự thật cho nhân viên chứ không nên che lấp  bằng những lời lẽ mập mờ.  Chúng tôi không cần biết ai sẽ là Tổng Thống; điều chúng tôi cần muốn biết là tình trạng đất nước như thế nào và chúng tôi phải đối phó ra sao.  Tôi nghĩ ông Long cũng đã bị mơ hồ bởi vì ông ta là bà con với bà Thiệu; một khi ông Thiệu từ chức, ông Long cũng mất đi hậu thuẩn và cũng có thể mất đi chức vụ.  Có lẽ ông ta đã quá chú ý đến địa vị của mình nhiều hơn là vận mạng của đất nước!  Ông Long là một ứng viên sáng giá trong chức vụ Đặc Uỷ Trưởng mặc dù ông ta còn trẻ và không phải là một sĩ quan quân đội.  Ông ta đã thành công hầu hết trong mọi công tác mà ông ta nắm giữ, và ông ta cũng có học vấn hơn nhiều người lãnh đạo trong cơ quan.  Trong ban của chúng tôi, hầu hết nhân viên đều đã tốt nghiệp bậc Trung Học, và một số tốt nghiệp Đại Học.  Để điều hành một ban như thế, Long có nhiều thuận lợi hơn một sĩ quan quân đội mặc dù cơ quan đang được lãnh đạo bởi quân đội.
Long đã đi sau khi nói chuyện.  Tuân, Banh, và tôi đi ra quán cà phê La Pagode như thường lệ trước khi đi gặp các cộng tác viên.
- “Các bạn có nghĩ rằng ông Thiệu sẽ từ chức hay không?  Tôi bắt đầu.
- “Tôi nghĩ ông ta sẽ từ chức vì dân chúng có vẻ không ưa ông ấy sau vụ độc diễn trong kỳ bầu cử Tổng Thống vừa qua.  Tuy nhiên tôi không biết ai sẽ làm Tổng Thống trong lúc này.”  Banh nói nhanh, “tôi nghĩ có lẽ Tướng Dương Văn Minh và Tướng Nguyễn Cao Kỳ là sáng chói nhất.”
- “Tôi thấy Big Minh đã nắm vai trò lãnh đạo một lần rồi và đã không làm được gì cho đất nước.  Còn ông Kỳ là một Cao Bồi trong quân đội; làm thế nào ông ta có thể lãnh đạo đất nước trong tình huống như thế này?”  Tuân đưa ý kiến.
- “Tôi cũng đồng ý!  Đối với tôi thì sự thay ngựa giữa dòng không phải là một giải pháp hay trong lúc này.  Ông Thiệu thật ra không hoàn hảo trong vai trò của ông ấy đang nắm, nhưng nếu phải chọn giữa ba người này thì có lẽ tôi chọn ông ta.  Ngoài ra tôi không biết ai thích hợp hơn trong lúc này.”  Tôi góp ý.
- “Theo tôi thấy thì vài vị tướng lãnh và cái gọi là “Lực Lượng Thứ Ba” muốn thương thuyết với VC về hoà bình đất nước, nhưng làm sao chúng ta tin được Cộng Sản.”  Tuân nói.
- “Đúng vậy!  Người Mỹ đã không còn muốn cái mà họ gọi là “Chiến Tranh Việt Nam” nữa;  dân chúng Mỹ thì nghĩ rằng đây là cuộc nội chiến giữa Nam và Bắc Việt Nam.  Họ muốn chúng ta tự giải quyết cuộc chiến của chúng ta.  Họ cũng chẳng cần biết rằng đây là cuộc chiến tranh giữa Chủ nghĩa Cộng Sản và Chủ nghĩa Tư Bản mà chúng ta chính là nạn nhân.  Tôi nghĩ chính người Mỹ muốn ông Thiệu từ chức và giải quyết chiến cuộc qua thương thuyết, và đó là áp lực chính.”  Banh nói nhanh nhẩu như thường lệ.
Hàm râu càm mà không có ria mép khiến Banh trở nên trông buồn cười ở cái tuổi mới hai mươi sáu.  Banh là họ hàng bên ngoại với gia đình Đỗ Kiến ở Mỹ Tho;  Đỗ Kiến Nhiểu, đô trưởng Sài Gòn là cậu của anh ta.  Tôi cũng nghe nói rằng gia đình Đỗ Kiến là họ hàng với Bà Thiệu, đệ nhất phu nhân.  Một khi nhà lãnh đạo đặt họ hàng ông ta trong các chức vụ quan trọng điều đó có nghĩa là ông ta không tin tưởng cấp dưới.  Đó cũng là lý do để các lực lượng khác có cơ hội đối kháng.  Sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng Hòa và cái chết của tổng thống Ngô Đình Diệm và các em của ông ta Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn là một chứng minh rỏ ràng.  Các tăng lữ Phật Giáo đã nắm vai trò chính trong sự lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa, và giờ đây họ lại nắm phần quan trọng trong sự đối đầu với tổng thống Thiệu.  Lực Lượng thứ Ba thật ra cũng chẳng có thực lực ngoài hai tướng Kỳ và Big Minh mà cả hai đều có sự khác biệt nhau.  Vài người khác như bà luật gia Ngô Bá Thành, luật sư Trần Ngọc Liễng, giáo sư Châu Tâm Luân, ni sư Huỳnh Liên, vân vân chỉ dựa vào lực lượng Phật Giáo Ấn Quang; thật ra thì VC chính là phần tử chính len lỏi trong đó.  Nguồn nhân lực chính là lực lượng Sinh Viên thì đã bị nhóm sinh viên của chúng tôi bao vây từ năm 1972 sau khi chúng tôi thành công trong việc giành lại Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn từ tay Huỳnh Tấn Mẫm, một tên Cộng Sản.  VC không còn có thể lợi dụng Sinh Viên được nữa nên chúng thành lập vài nhóm như “Lực Lượng Thanh Niên Cứu Đói”, và “Nhóm Ký Giả ăn mày” để quấy động tình hình Thủ Đô.
Ngoại trừ vài lực lượng chống đối với Tổng Thống Thiệu, tình hình thủ đô vẫn lặng yên sau khi cuộc rút lui khỏi Buôn Mê Thuột và Đà Nẵng được loan báo.  Dân chúng cho rằng Nguyễn Văn Thiệu là chướng ngại cho hoà bình; nhiều áp lực từ mọi phía yêu cầu ông từ chức.  Cơ quan chúng tôi là một bộ phận trực thuộc phủ tổng thống, do đó sự thay đổi tổng thống cũng đồng nghĩa với sự thay đổi trong cơ quan.
- “Theo các anh thấy thì thay đổi tổng thống có thể giúp đất nước ta tiến đến hoà bình hay không?”  Tôi hỏi.
- “Tôi không nghĩ vậy!”  Tuân nói một cách buồn bã,  “đã nhiều lần chúng ta thay đổi cấp lãnh đạo nhưng càng khiến tình hình thêm rối ren mà thôi.”
- “Tôi cũng đồng ý!  Sau khi nền đệ nhất cộng hoà bị lật đổ, người Mỹ đưa quân vào khiến cuộc chiến càng lúc càng thêm gay gắt.  Đất nước ta đã nhiều phen thay đổi cấp lãnh đạo, nhưng không ai có khả năng giữ được tình hình yên ổn như lúc còn Ngô Đình Diệm.”  Banh nói thêm.
- “Tôi thì nghĩ các cấp lãnh đạo của chúng ta chỉ muốn tranh giành quyền lực chứ không nghĩ đến vận mạng của đất nước.”  Tuân nhận định.  “Tôi rất tiếc cho các vị lãnh đạo của chúng ta bởi vì chúng ta phải phục vụ cho những kẻ không biết nghĩ đến gì ngoài quyền lợi của chính họ.”
- “Chúng ta còn trẻ, và chúng ta muốn mang hoà bình lại cho đất nước.  Tôi nghĩ nếu VC không quá tôn sùng cái chủ nghĩa Cộng Sản của chúng thì tốt hơn chúng ta giao đất nước này cho họ để nhân dân có được hoà bình.”  Tôi nói một cách thành tâm.
- “Tôi cũng nghĩ thế!  Chúng ta đã quá mệt mỏi với cuộc chiến.  Hàng trăm năm qua chúng ta chưa có cơ hội để xây dựng đất nước.”  Banh nói; “Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ không còn chiến tranh để chúng ta có thể làm được những điều mà chúng ta muốn làm.”
Tôi đến nhà hàng Sing Sing trên đường Phan Đình Phùng để tiếp xúc với các cộng tác viên, nhưng không gặp Lễ như đã hẹn.  Nhàn, Nghĩa, Trung, Tâm, Vinh, Trí, và Lâm đều hy vọng biết được vài điều gì đó.  Tôi nhắc lại những điều tôi nghe được từ sếp và yêu cầu họ hãy làm những điều cần thiết để tự cứu lấy mình.  Họ là những cộng tác viên trẻ đã giúp tôi trong việc chiếm lại Ban Đại Diện Sinh Viên Đại Học Khoa Học trong những ngày đầu.  Nhàn, trưởng nhóm ấy bị cụt mất một chân.  Tôi không biết điều gì đã xảy ra cho hắn vì tôi không bao giờ hỏi lý do.  Hắn luôn luôn trông có vẻ tươi cười vui vẻ.  Những người này chỉ mới đang học năm đầu tiên ở Đại Học Khoa Học, nhưng lại làm việc rất thành công.  Trong một tình trạng như thế này, họ còn quá trẻ để tự định đoạt lấy tương lai mình, và điều mà họ có thể làm được có lẽ là chờ đợi kế hoạch chung của cơ quan!  Tôi hiểu họ đang chờ một lời giải thích rõ ràng chứ không phải những gì mà tôi vừa nói.  Tôi nói một cách lúng túng.
“Tôi biết tôi đã không có được những gì mà các anh mong đợi, và chính tôi cũng rất lo lắng như các anh.  Tình trạng của tôi có lẽ còn khó khăn hơn các anh.  Tôi rất tiếc.  Tôi nghĩ chúng ta đành phải tự giải quyết lấy vấn đề của chính chúng ta chứ không nên quá trông chờ vào Cơ Quan.  Tôi hy vọng các anh hiểu điều tôi nói.”
Từ hôm ấy, tôi ở lại nhà mẹ tôi vì tôi không muốn bị lỡ cơ hội mỗi khi Cơ Quan cần liên lạc.  Tôi đã bảo những cộng tác viên của mình nên tự giải quyết lấy mọi việc, nhưng  tôi cũng vẫn dựa vào Cơ Quan!
Lân, Phụng, Tài và tôi chơi bài tứ sắc và nói chuyện nhau.  Phụng là em của Lân và cũng là trung sĩ Hải Quân.  Anh ta từng ở nhà mẹ tôi lúc còn đi học, và anh ta cũng cưới một cô thợ may trong tiệm may của mẹ tôi.  Tôi kể cho họ nghe những điều xảy ra trong Cơ Quan của tôi sáng nay cùng những gì mà Cơ Quan đang chuẩn bị.  Tôi nghĩ họ cũng như tôi đều lo lắng cho sự an nguy của gia đình.  Ở đất nước tôi, đàn ông luôn làm chủ gia đình và quyết định mọi việc quan trọng trong gia đình.  Lân có 3 con nhỏ, Phụng thì chỉ mới có một đứa; chỉ có Tài là còn độc thân nên không lo gì cả ngoại trừ chính bản thân nó.  Đề tài chính trong cuộc đối thoại của chúng tôi đều nhằm vào tình trạng của đất nước và làm thế nào để thoát thân khi sự việc tồi tệ diễn ra.  Với 3 người đang làm cho Hải Quân Việt Nam, việc di tản bằng tàu thật quá dễ dàng, nhưng tôi vẫn luôn tin vào kế hoạch của Cơ Quan và trông chờ vào kế hoạch ấy.  Tôi nói với họ điều tôi đang suy nghĩ và họ cũng đồng ý như vậy.
Linh đến đi với tôi tới nhà của chị anh ta.  Anh rể anh ta, Thụ, là tổng giám đốc trong bộ Dân Vận Chiêu Hồi gặp chúng tôi như đã hẹn trước.
- “Anh có dự định gì trong vấn đề di tản một khi tình trạng khẩn cấp xảy ra không?”  Linh hỏi ngay.
- “Chưa!”  Thụ trả lời một cách hấp tấp, “nhưng đã có vài việc xảy ra trong Bộ vào sáng nay.”
- “Điều gì vậy?”  Linh hỏi một cách lo lắng.
- “Ông Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã bảo rằng có nhiều áp lực buộc Tổng Thống phải từ chức, và có lẽ ông ấy phải nhượng bộ thôi.  Tôi không biết khi nào và điều gì sẽ xảy ra, nhưng chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho việc thay đổi ấy vì Nhã là họ hàng với ông Thiệu.”
- “Tôi đã nghe điều ấy rồi, và sáng nay Cơ Quan chúng tôi đã làm danh sách nhân viên.”  Tôi giải thích.  “Hôm qua tôi cũng có nghe nói việc Nguyễn Khắc Bình nhường quyền lại cho Nguyễn Phát Lộc, nhưng việc này chưa xảy ra.”
- “Tôi nghĩ việc ấy sẽ đến nhanh thôi!”  Linh thêm vào.  “Anh có ý nghĩ thế nào về tình trạng đất nước ta không?”
- “Tôi nghĩ chắc rất là phức tạp.  Người Mỹ muốn chúng ta giải quyết tình trạng chiến tranh bằng chính bản thân chúng ta, nhưng họ lại áp lực khắp mọi mặt.  Vài vị tướng lại muốn Tổng Thống phải từ chức để hoà đàm với VC, nhưng họ lại không biết làm thế nào nói chuyện được với Cộng Sản vì CS là những người không bao giờ tôn trọng thoả ước.  Tôi không biết ai sẽ làm Tổng Thống khi ông Thiệu từ chức:  Nguyễn Cao Kỳ và Dương Văn Minh là hai ứng viên sáng chói.  Với Kỳ thì có lẽ sẽ có chiến tranh thay vì thương thuyết.  Ngược lại Minh hiện là người được nhóm “Lực Lượng Thứ Ba” hậu thuẩn mà lực lượng này lại đang hợp tác với VC.  Tôi không biết việc gì sẽ xảy ra một khi Big Minh nắm quyền.”  Thụ trả lời theo nhận định riêng.
- “Chúng tôi đến đây để hỏi xem anh có kế hoạch gì không một khi tình trạng nguy kịch xảy ra.”  Linh cắt lời.  “Chúng ta nên có dự định riêng chứ không thể hoàn toàn trông cậy vào chính phủ hay vào Mỹ.”
- “Tôi chưa có ý định nào cả, nhưng cũng đã nghĩ đến điều ấy rồi.  Tôi nghĩ chúng ta sẽ có đủ thời giờ để đi một khi sự việc xảy đến.  Anh có nhớ khi chúng ta di cư khỏi miền Bắc sau khi hiệp định Genève ký kết không?  Tôi không nghĩ rằng đất nước bị mất quá nhanh đến nỗi chúng ta không có thời giờ để chuẩn bị ra đi.”  Thụ trả lời một cách thành thật.
Tôi biết rằng Thụ chưa có ý tưởng gì cho việc rút lui vào lúc ấy vì anh ta không muốn mất một địa vị mà anh ấy đang có.  Sau vài câu chuyện xã giao, chúng tôi từ giả ra về.  Linh có vẻ hơi thất vọng vì anh ta nghĩ anh rể anh ta có thể giúp được anh ta trong tình huống ấy.


http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/01/17-nam-trong-cac-trai-cai-tao-cua-csvn_25.html

( Hết chương 1 – 4 . Xin xem tiếp chương 5 – 7 ) 

Liên lạc tác giả KALE:  thongtinlls3@gmail.com

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire