caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 19 janvier 2014

Nhật Tiến : Sự thực không thể bị chôn vùi ( kỳ 8)

Tiếp theo kỳ trước

http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/01/nha-van-nhat-tien-nha-giao-mot-thoi_12.html

nhà văn Nhật Tiến : Sự thực không thể bị chôn vùi ( kỳ 8)



                                      (tiếp theo)
THƠ  VĂN THỜI
VĂN CHƯƠNG PHẢN KHÁNG
*****
         
cái nhìn của tương lai
Thanh Thảo
            những đứa trẻ như những cây cao su còi
             mọc không hàng không lối   
            nắm tay nhỏ vung qua bụi đỏ
            mắt gườm gườm xói vào chúng tôi
            những nhà văn đi thực tế bằng xe hơi
            tung bụi bẩn vào mắt đàn em nhỏ
            tung ngôn ngữ gấm hoa
            vào mặt những túp lều khốn khổ
            nơi đói nghèo công khai rách nát công khai
            chúng tôi cứ hồn nhiên ca ngợi tương lai
            cho tới chiều nay. Rừng cao su Chư-pả
            tương lai bỗng ném vào chúng tôi cái nhìn  kỳ lạ
            qua cặp mặt gườm những đứa trẻ ngây thơ
                 Cao su Chư-pả 11-1989
**************
Di căn
Thanh Thảo
như nghẹt thở
như không muốn thở
ô nhiễm
ung thư máu
ung thư không khí
những kẻ bán mình
di căn hung hãn
khát một hớp trong lành
khát một ánh thật thà
cần ngọn lửa sờ thấy nóng
không phải lửa ma trơi
viết một dòng cho một người
cho hai người
không viết một chữ cho ngợm
nói một lời nhỏ nhẹ
yếu đuối
như roi quật
khạc vào mặt giả nhân
anh lặng lẽ ra đi
dấu chân nhà văn
vỡ những dòng run run trên mặt đất.
*************
                                 Mộng dữ
           Trinh Đường
Người bạn đường hỏi tôi
Anh đi bằng chân anh hay bằng chân người khác?
Người hàng xóm hỏi tôi
Anh múc nước giếng gần hay biển xa khi nhà cháy?
Nhà tư pháp hỏi tôi
Thủ phạm phải chăng là sự nghèo nàn ?
Người công nhân hỏi tôi
Làm thế nào để thiết kế lại nhân tâm?
Người làm vườn hỏi tôi
Do sâu đục thân hay do giống xấu ?
Người lọc nước cật hỏi tôi
Làm sao mẻ sau bảo đảm vô trùng?
Tôi bàng hoàng tỉnh dậy vã mồ hôi
Bao câu hỏi nhảy múa quanh tôi như
hồn ma bóng quỷ.
cuộc đời như vợ của ta ơi:
Việt Phương
Năm xưa ta nói rất nhiều về “Cực kỳ “ và  
                                                        “Hết sức”
Tội nghiệp là ta nói chân thành rất mực
Chưa hiểu rằng trời còn xanh hơn cả “trời xanh”
Ta thiếu sự trầm lặng cũng do bởi nhiệt tình.
Ta cứ nghĩ là đồng chí rồi không còn ai xấu nữa
Trong hàng ngũ ta chỉ dành chỗ cho yêu thương
Đã chọn đường đi chẳng ai dừng ở giữa
Mạc Tư  Khoa còn hơn cả thiên đường.
Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn
                                           đồng hồ Thụy Sĩ
Hình như đây là ý chí, niềm tin và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc
                                  đẹp hơn             trăng nước Mỹ
Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời nhưng
                                     ngờ nghệch làm sao!
Một nửa thế kỷ qua đi và bấy giờ ta đã biết
Thế nào là yêu thương thế nào là chém giết
Ta đã thấy chỗ lồi, chỗ lõm trên trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao.
Sức ta tăng bội phần khi ta say
                                đến trở thành rất tỉnh
Ta có thể nói với quân thù những lời bình tĩnh
“Những cái gì tốt đẹp của mày thuộc về tao!
Những cái gì xấu xa của tao thuộc về mày!”
Năm xưa ta vô tình tô thăm cuộc đời để mà tin
Nay đã tin mà không cần tô thắm gì nữa cả
Quen thuộc rồi mối bất ngờ kỳ lạ
Ta đã trả giá rất đau và đã học nhìn.
Ta đã gặp những điều không hề chờ đợi gặp
Mà đâu phải chỉ rắn phục giữa vườn hoa
Những kẻ tốt đến yếu mềm chỉ là đồ giẻ rách
Rắn còn nằm cuộn khúc giữa lòng ta.
Ta suy nghĩ tám nghìn đêm đánh giặc
Nghiền tâm tư với những hạt ngô bung
Giữa bom đạn ta lọc ra hạnh phúc
Tim ta dần trong sáng đến vô cùng.
Ta đã sống những phút giờ sự thật
Tâm dân tộc ta và kích thước loài người
Bừng vẻ đẹp chắc bền của Đất
Những thung lũng đau xưa vàng rực niềm tin.
Ta đã hiểu sai và có thể vẫn còn sai
Chất người trong ta cộng sản thêm chút nữa
Trút vẻ thần tượng đi, càng lồng lộng
                                                     con người
Phía trước, đằng sau, bên ngoài, và chính giữa.
Như Quảng Bình, Vĩnh Linh càng tươi máu lửa
Ta hiểu hết sự xấu xa, bỗng nở nụ cười
Mở đài địch như mở toang cánh cửa
Nghe nó chửi mà tin tưởng ở ngày mai.
Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở
Cuộc đời thân như hơi thở của ta ơi
Ta vui lờm những niềm vui cởi mở
Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi !   
                                                     VIỆT PHƯƠNG
*********
             Ba người trong hẻm đuôi voi
                                              Xuân Đài
(trích)
- Anh Tư là đại úy, học tới đại học sao không xin được việc làm hả anh Hiền ?    
- Tà tà anh kể chú nghe. Cách đây gần ba năm, trung đoàn ở Campuchia  về nước, bọn anh được phục viên. Anh Tư Thắng ra Bắc tìm đơn vị xây dựng cũ. Đơn vị làm ăn thua lỗ sao đó, giải tán. Anh Tư ba lô khăn gói về quê. Bố anh đã mất từ hồi anh chưa vào đại học. Anh về giữa lúc mẹ già đang ốm nặng. Về hôm trước, hôm sau bà cụ thều thào: “Mẹ được nhìn thấy con lành lặn là mẹ yên lòng nhắm mắt xuôi tay được rồi.” Nói xong bà cụ tắt thở. Nhắc lại chuyện này với anh, anh Tư chảy nước mắt, bảo: may mà đơn vị xây dựng rã đám, chứ không mình chẳng được gặp mẹ. Số tiền dành dụm trong mấy năm đi lính cộng với tiền phục viên, anh Tư trang trải vào đám ma bà cụ hết sạch. Anh Tư kể với anh, sau đó anh ấy ra Hà Nội tá túc nhà người anh ruột. Người anh giáo viên cấp hai, lương ba cọc ba đồng, thương em, chạy ngược chạy xuôi xin việc không đâu nhận, lý Do đơn giản, đã không có hộ khẩu lại thiếu tiền trà lá.
Thằng Hải nói xen vào:
- Gặp cảnh thế này, ông nội em hay chửi “tổ cha cuộc đời vô hậu” !
- Cuộc đời không phải lúc nào cũng vô hậu cả đâu em. Nhưng con người ta được số phận an bài hết trọi. Anh Tư lộn về quê bán nhà. Anh ấy kể, gần nửa làng đi kinh tế mới, nhà rẻ rề, bán như cho vừa đủ một suất vé tàu vào Sài Gòn. Em biết câu họa vô đơn chí không? Có hả, giỏi. Trên tàu, bọn khốn nạn nẫng gọn ba lô anh Tư. Quần áo, chứng minh thư, giấy tờ phục viên mất sạch. May mà cái thẻ đảng để ở túi áo ngực là còn. Em nhìn thấy thẻ đảng chưa? Đẹp lắm, nhưng nó lại vô tích sự không giúp được anh Tư việc gì trong lúc này. Có lần, chính nó lại xuýt gây “tai nạn” cho anh ấy. Số là thế này. Anh Tư mới vào, ngủ nhà anh, nửa đêm công an kiểm tra hộ khẩu. Anh Tư xuất trình thẻ đảng. Cái ảnh ông đại úy trong thẻ đẹp trai, tự tin, còn cái hình hài ông đại úy ngồi trước mặt tiều tụy, quần áo nhếch nhác, họ nghi cho là anh Tư xài thẻ giả. Dong lên đồn ngủ với muỗi một đêm, mai sáng tha về, xác định sau. Đã gần hai năm nay, họ không trả lại thẻ đảng, anh Tư cũng không buồn đòi. Mà thôi, em chẳng nên nghe những chuyện tầm phào thêm mệt.
Hiền  sờ tay vào trán thằng Hải, gật gật đầu, hỏi nó có thích uống nước chanh để anh pha. Hải lắc đâu. Chuyện đời phiêu bạc, đa đoan của Tư Thắng đang hấp dẫn, nó tò mò hỏi:
- Sao anh không giữ anh Tư ở lại đây với gia đình ?
- Dạo mới ngoài Bắc vô, anh Tư ở đây. Hai anh em chạy khắp nơi xin việc. Cũng giống Hà Nội, không có hộ khẩu, không chỗ nào người ta nhận. Hôm trước má anh tính bán cái tủ gương, phụ thêm ít tiền mua cho anh Tư cái xích lô chân co chân duỗi, kiếm sống qua ngày. Anh Tư gạt đi, đâu có chịu. Năm ngoái, anh ấy định về Long Khánh làm rẫy, má anh cản không cho đi. Gương mấy gia đình ở hẻm này, bán cửa bán nhà đi kinh tế mới, chịu không thấu bỏ về hết trọi, còn sờ sờ ra đó. Anh Tư mày khái tính lắm, không muốn nhờ vả ai lâu. Hôm bỏ ra đi, anh bảo với anh: Sức dài vai rộng như tao, cứ níu gấu quần đàn bà già ăn bám, nhục lắm. Vả lại, ở đây, em biết không, dăm bữa nửa tháng, người ta lại sục vô vặn hỏi giấy tờ tạm trú làm anh ấy bực mình.
Má anh Hiền đi bán hủ tiếu rong về, cười xởi lởi, hỏi oang oang từ ngoài sân:
- Thằng nhỏ sao rồi, lành bệnh chưa? Tao mua cho hai anh em tụi bay một lố bánh cam đây. Ăn liền cho nóng.
Hiền tất tả chạy ra đỡ gánh hàng cho mẹ. Đặt đĩa bánh cam lên bàn, giục Hải :
- Bánh cam bà “Sáu chín năm” ngon có tiếng, em ăn đi. Ăn xong uống hai viên thuốc nữa. Thuốc anh gói để trên tủ, cái gói trắng trắng đó. Ăn uống rồi ngủ một giấc, chiều là lành hẳn. Bây giờ anh phải tới Bộ tư lệnh lấy lại giấy tờ phục viên cho Tư Thắng. Hôm nay họ hẹn, chắc được. Không có giấy tờ tùy thân có ngày người ta hốt vô Chí Hòa thì khốn. Anh đi chút  xíu về liền.
(ngưng trích)
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire