caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 1 février 2014

17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo Của CSVN (chương 12 – 15) Hồi Ký Kale

Đọc lại bài lần trước

17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo Của CSVN (chương 8 – 11)

http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/01/17-nam-trong-cac-trai-cai-tao-cua-csvn_29.html

Chương 12. Ngày Đầu Trong Trại Cải Tạo Đầu Tiên

Tôi thuộc tổ 2, đội 3 trong khối 3, do đó tôi phải vào phòng đầu tiên trong nhà thứ tư phía bên trái của con đường.  Chẳng có gì trong phòng ấy nên tôi phải trải chiếc chiếu cói trên nền xi măng ở giữa phòng để có chỗ ngủ và sinh hoạt.
Việc đầu tiên tôi phải giải quyết là làm thế nào có nước để dùng!  Tôi không có gì đựng nước, do đó tôi phải tìm cho được cái gì đó để đựng nước uống và rửa ráy.  Tôi đi lùng xung quanh trại và tìm được một tấm tôn từng để lợp mái cho nhà ở của nạn nhân chiến cuộc vào năm 1972.  Tôi không biết làm thế nào để làm cái thùng đựng nước bằng tấm tôn này, do đó tôi đã uốn hai đầu lại giống như xếp tờ giấy sau đó xếp hai đầu còn lại biến nó thành một cái thùng chứa hình hộp vuông.  Cái thùng đầu tiên này không thể đựng nước được vì nó rò rỉ khắp nơi.  Tôi quyết định đi lùng một lần nữa để tìm ra cái gì đó để hàn nó lại.  Lần này, tôi nhặt được một cái nón sắt, một tấm giấy hắt ín, vài cây đinh, và vài cây gỗ 5×10 phân.  Tôi đốt tấm giấy để lấy hắc ín hàn mấy cái lổ ở đáy thùng, và rồi tôi đóng hai thanh gỗ vào 2 bên thùng để giữ thành thùng và cũng để khiêng nó.  Tôi đã có một cái thùng đựng nước, nhưng rồi tôi lại không thể khiêng nó một mình tôi được.  Tôi nói với Điệp khiêng dùm phụ và chia nước để dùng chung.  Chiều hôm ấy, chúng tôi đã được một thùng đầy nước, nhưng chúng tôi quyết định chỉ sử dụng nước khi thật cần thiết mà thôi.  Lúc ấy là cuối tháng 6, trời bắt đầu mưa.  Chúng tôi làm thêm 2 cái thùng nữa theo cách ấy để đựng nước.  Sau kinh nghiệm đầu tiên, chúng tôi làm một cách tốt hơn.  Vài tuần sau, tôi có thể làm được cả cái thùng tròn từ tấm tôn.


Điều khó khăn gặp phải là chẳng có cái nhà vệ sinh nào trong phòng.  Tôi đi quanh trại để tìm xem có nhà cầu nào không, nhưng quả thật không có cái nào cả.  Chung quanh trại chỉ có một hàng rào thưa bằng kẽm gai, tôi nghĩ tôi có thể chui qua một cách dể dàng.  Chỉ có một cái trạm gác ở cổng trước.  Tôi nghĩ chỉ có một cách giải quyết là tìm một cái xẻng hay cái cuốc rồi chui qua hàng rào, không phải để trốn trại mà là chỉ để “ỉa” mà thôi!  Như tôi đã nói, trại là làng cô nhi trước đây, do đó tìm một cái cuốc hay xẻng không phải là việc khó khăn.  Đó là bài học đầu tiên mà tôi học được của cái gọi là “nếp sống văn hóa mới” của “cách mạng”.
Và rồi tôi lại tự hỏi tôi tắm ở đâu bây giờ?  Tôi lại chưa quen tắm ngoài trời, vã lại còn có đàn bà con gái trong trại nữa!  Tôi đi đến một cái lều tôn bỏ hoang nơi từng là nhà tạm trú cho nạn nhân chiến cuộc, nhưng có nhiều trại viên nữ đang chờ đợi ở đấy.  Tôi đành phải bỏ ra về để tắm ngoài trời với chiếc quần đùi vậy!  Tôi nghĩ rằng để sống được trong trại, tôi cần phải nhanh chóng thích ứng với mọi tình huống!  Và đó cũng là bài học thứ hai mà tôi đã học được trong ngày đầu tiên trong trại cải tạo.
Có tiếng gọi trại viên đi đến nhà bếp để lãnh phần ăn chiều.  Tôi phải đi vì là phiên mình có nhiệm vụ lãnh thức ăn cho tổ, do đó tôi xếp hàng đi theo các trại viên khác để đi đến nhà bếp.  Nhà bếp là một dãy lều dài khoảng năm mươi thước rộng khoảng sáu thước gồm những hàng cột và mái lợp tôn.  Hai dãy lò bằng đất sét với sáu lò nằm dọc theo chều dài: một dãy lò để nấu cơm và dãy kia để nấu thức ăn và nước uống.  Trên mỗi lò có một cái chảo to, và tôi trông thấy vài người nấu bếp đang quậy cơm và thức ăn bằng những cái xẽng.  Vài người cho biết rằng những đầu bếp này là người làm cho nhà thầu, nhưng tôi lại nghĩ có thể họ là tai mắt của VC.  Trong một trại mà hầu hết là những người đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong chế độ cũ, tôi nghĩ VC không thể không lợi dụng cơ hội để len lỏi vào thu lượm những tin tức cần thiết cho chúng.
Tôi nhận được một sô cơm và anh bạn cùng nhóm nhận một thau canh bí đỏ nấu với đậu phọng.  Việc tiếp theo mà tôi phải làm khi đem cơm về đến nơi là làm sao để chia đều ra cho mười hai anh em trong tổ.  Tôi yêu cầu mọi người trong tổ để đồ đựng cơm và thức ăn riêng rẽ ra chung quanh sô cơm, và tôi dùng cái ca quân đội của tôi để đong cơm cho mỗi người.  Người bạn cùng nhóm của tôi cũng làm như vậy với phần canh.  Đó là lần đầu tiên chúng tôi chia phần cho bữa ăn chiều.
Phần cơm mà tôi nhận được trong bữa ăn đầu tiên này là một loại cơm nấu bằng gạo lức đỏ lẫn đầy thóc, nó thường được dùng để làm thức ăn cho gia súc.  Phần canh thì lỏng bỏng vài lát bí đỏ và mấy hột đậu phọng nấu trong nước nêm một ít muối cùng vài lát hành xanh.  Tôi đã phải ngồi nhặt thóc lẫn trong cơm trước khi ăn để tránh khỏi bị đau dạ dày.
Ngày đầu tiên trong trại cải tạo trôi qua khi chúng tôi nghe tiếng kẻng đánh dội vào từ khu cơ quan.  Đó là tiếng đập của chiếc búa nện vào một cái vỏ bom treo trên cành cây.  Kể từ đó, tôi đã phải tập để quen dần với tiếng kẻng nghe khắp mọi nơi: tiếng kẻng báo thức, kẻng báo giờ lao động, giờ giải lao, vân vân… Sống trong trại cải tạo không là gì khác hơn là làm những việc mà “cái kẻng” và cái gọi là “cán bộ” bảo chúng tôi phải làm, và đó cũng là bài học thứ ba mà tôi đã học được trong ngày đầu tiên trong trại cải tạo đầu tiên.
Mọi người đã treo mùng, nhưng những tiếng thì thầm vẫn còn nghe một vài nơi trong phòng giam.  Tôi nghĩ mọi người đều có những câu chuyện riêng muốn chia xẻ với bạn bè, nhưng trong hoàn cảnh này thì có gì hơn là nói về số phận của chúng tôi sẽ ra thế nào đây trong những ngày tháng sắp tới.  Tôi đã thiếp đi trong một giấc ngủ mệt nhọc sau khi suy nghĩ về vợ tôi cùng với đứa con chưa ra đời.


Chương 13. Mười Bài Học Tập Của Cộng Sản

Những tiếng kẻng báo thức vang dội khắp nơi trên khu đồi.  Mọi người đều bật dậy khi một “cán bộ” tên là Bảy vào phòng giam để báo cho trại viên biết rằng họ phải lên hội trường khi nghe một hồi kẻng báo hiệu sau buổi ăn sáng.  Hắn ta bảo rằng đó là buổi lên lớp đầu tiên.  Tôi thức dậy súc miệng và rửa mặt để chờ buổi ăn sáng.  Một xô cháo lỏng với một ít muối được người trực mang về và chia cho mọi người.  Vì quá đói, tôi ăn một cách ngon lành buổi ăn sáng đó, uống một ngụm nước và chờ giờ đi “lên lớp”.
Tiếng kẻng chưa đánh mà đã có nhiều trại viên đã sắp hàng sẵn trên đường.  Vài đội ở khối 1 đã đi lên hội trường ngay sau khi nghe tiếng kẻng vì họ ở gần nhà bếp nên họ đã có phần ăn sáng sớm hơn mọi người khác.  Trại viên ngồi đầy trong hội trường khi chúng tôi đi vào.  Hội trường là khu dạy nghề cho trẻ cô nhi khi trại là Làng Cô Nhi.  Nó dài khoảng một trăm mét ngang khoảng 40 mét.  Chẳng có gì trong ấy ngoại trừ một cái bàn và vài chiếc ghế ở cuối hội trường, một lá cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và tấm ảnh của Hồ Chí Minh treo trên tường với hàng chử “Chủ Tịch Hồ Chí Minh Vĩ Đại Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Của Chúng Ta” ở phía dưới.  Trên bức tường phía bên trái là băng khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn Độc Lập Tự Do”, và khẩu hiệu “Nước Việt Nam là một, Dân Tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” được treo trên bức tường bên phải của hội trường.
Chúng tôi ngồi vào chỗ trong hội trường bằng cách bỏ dép của mình ra và ngồi lên ấy!  Vài “cán bộ” mặc thường phục đội nón cối màu xanh đi vào hội trường ngồi vào ghế cạnh chiếc bàn.  Một cán bộ đứng lên giới thiệu “đồng chí” Hai Côn là trưởng trại sẽ có đôi lời với trại viên.  Hắn ta bảo chúng tôi phải đứng lên và bỏ mũ nón để chào mừng Hai Côn.  Hai Côn khoảng năm mươi tuổi, ốm và xanh, cao khoảng một mét sáu mươi lăm.  Giọng của ông ta cao hòa với tiếng hú của chiếc loa.  Trong lời nói chuyện, Hai Côn bảo rằng “Đảng và Nhà Nước” đã khoan hồng tha tội chết cho chúng tôi, do đó chúng tôi phải được cải tạo để trở thành người dân lương thiện.  Để bắt đầu cho chương trình cải tạo, chúng tôi phải học mười bài về lịch sử Việt Nam mà điểm chính là lịch sử của “cuộc cách mạng” của những người Cộng Sản.  Dân tộc Việt Nam anh hùng đã đánh thắng ba tên đế quốc lớn nhất thế giới: Thực Dân Pháp, Phát Xít Nhật, và đặc biệt là Đế Quốc Mỹ.  Đế Quốc Mỹ là tên sen đầm quốc tế, là tên đứng đầu của chủ nghĩa Tư Bản, và Chủ Nghĩa Tư Bản là con đĩa có hai vòi: một vòi để hút máu nhân dân trong nước của chúng và vòi kia là để hút máu dân tộc các thuộc địa.  Chủ nghĩa Tư Bản đang dãy chết và “Ba dòng thác Cách Mạng” đang mạnh mẽ hơn lúc nào hết.  Cái gọi là “Ba dòng thác Cách Mạng” theo Hai Côn là cuộc cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa, cuộc cách mạng Dân Chủ, và cuộc cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa.  Dân tộc Việt Nam sau khi đánh thắng Đế Quốc Mỹ đã hoàn tất cuộc cách mạng giải phóng; nhiệm vụ tiếp theo là hoàn thành cuộc cách mạng Dân Chủ và tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội.  Hai Côn nói thêm rằng, “yêu nước tức là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội!”  (Tôi hoàn toàn kinh ngạc về cái định nghĩa này!)
Tiếng vỗ tay của chúng tôi tiếp theo tiếng vỗ tay của chính Hai Côn ở cuối mỗi điểm của bài diễn văn làm chúng tôi ngạc nhiên không ít.  Chúng tôi chưa hề quen thuộc với cách làm này!
Đối với chúng tôi, những người đã từng ở trong bộ máy của cái gọi là “ngụy quân” và “ngụy quyền” của Nam Việt Nam, Hai Côn bảo rằng chúng tôi là những người có tội đã chống lại nhân dân và chống lại cách mạng.  Chúng tôi là tay sai của Đế Quốc Mỹ, do đó chúng tôi cần phải được cải tạo để thành người dân chân chính.  Chúng tôi phải từ bỏ cuộc sống ăn bám vào nhân dân và phải lao động để có được cuộc sống như những người dân lương thiện khác.  Cải tạo có nghĩa là bao gồm cải tạo tư tưởng và cải tạo hành động.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được nghe VC định nghĩa về danh từ “lao động”.  Hai Côn bảo rằng “lao động” là thước đo sự tiến bộ trong quá trình cải tạo.  Đất nước ta giàu đẹp với rừng vàng biển bạc (!); nhân dân ta anh hùng với Hai Bà Trưng, và Quang Trung những người đã đánh thắng quân Tàu, và đặc biệt nhất là thế hệ “Hồ Chí Minh”.  Chúng ta phải lao động để theo kịp các nước tiên tiến khác.  Các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè chúng ta trên toàn thế giới đang hỗ trợ chúng ta để tái thiết đất nước sau chiến tranh, nhưng chúng ta cần phải dựa vào chính mình trước.  Chúng ta cần phải làm việc và làm việc thật cật lực để xây dựng một quốc gia giàu đẹp.
Bài diễn văn của Hai Côn được hắn ta phát biểu một cách trôi chảy dường như đã được hắn ta học thuộc một cách nhuần nhuyễn.  Đôi lúc, hắn ta lại dùng vài câu thơ của Hồ Chí Minh để thêm vào.  Chúng tôi nghe một cách yên lặng.  Nhưng điều chính thức mà chúng tôi muốn biết thì vẫn còn mơ hồ:  chúng tôi sẽ được cải tạo ra sao?  Chúng tôi không nghĩ rằng chúng tôi đến đây chỉ để học mười bài học và chỉ để học cho biết thế nào là lao động, mặc dù chúng tôi rất muốn sự việc sẽ được diễn ra như vậy.
Sau khi bài diễn văn của Hai Côn chấm dứt, một cán bộ khác tên Bào lên tự giới thiệu là “trại phó” và cho chúng tôi biết một lịch trình học tập bao gồm “lên lớp” và “thảo luận” tại phòng.  Chúng tôi ra về phòng để ăn trưa và suy nghĩ về thân phận mình trong những ngày sắp tới.


Chương 14. Quen Dần Với Trại Cải Tạo

Cuộc sống của chúng tôi mấy ngày đầu trong trại là sự cố gắng để thích ứng với môi trường mới.  Ngủ dưới đất, mọi người bắt đầu cảm thấy đau lưng.  Chúng tôi bảo nhau là nên tìm những thứ gì không thấm nước lót phía dưới chỗ nằm để tránh bị thấp khớp.  Tôi lấy cái pon-sô xếp lại làm hai lót phía dưới chiếc chiếu cói.  Khi đi quanh trại để lùng sục những thứ bỏ rơi, tôi tìm được một chiếc mền cũ trong chiếc chòi bỏ hoang, nhặt về mạng vá lại rồi giặt sạch để lót nằm thay cho cái nệm.  Vải của những bao cát thu nhặt được dùng làm vật liệu để vá quần áo, mùng mền, vân vân.  Chỉ thì tháo ra từ những cái bao cát ấy còn kim may thì tự chế lấy bằng cách mài nhỏ sợi dây thép, mài nhọn một đầu còn đầu kia thì đập dẹp ra rồi dùng vật nhọn để đục lỗ.
Sau vài ngày đi khiêng nước, dép tôi đã bị đứt và rách nát, không còn mang được nữa.  Tôi nhặt được một mảnh vỏ xe, bắt chước cách làm dép râu của VC, tôi tháo miếng thép trong ba lô của tôi ra, mài nó thành một con dao nhỏ để cắt miếng vỏ xe thành hình dạng giống như đôi dép rồi đục 8 lỗ để luồn những sợi dây bằng ruột xe qua.  Chúng trở thành một cái gì đó cũng giống đôi dép, nhưng không thể hoàn hảo như ý muốn.  Tôi đã mang đôi dép tự chế ấy trong suốt mười năm trường.  Vài người khác thấy vậy cũng bắt chước làm theo.  Họ đã bắt đầu sản xuất loại dép râu này để đổi chác thứ này thứ nọ cho các trại viên khác.
Lùng tìm những thứ cần thiết cho cuộc sống trong trại càng ngày càng phổ biến.  Bắt đầu thì chỉ có những trại viên trẻ, sau đó việc này lan tràn cho tất cả mọi người trong trại.  Mặc dù trại trước đây là làng cô nhi và tiếp theo là trại cho đồng bào chiến nạn và đã có rất nhiều những tiếp liệu từ những nguồn cung cấp, đặc biệt là từ viện trợ nhân đạo của Mỹ, nhưng rồi vật liệu càng lúc càng khan hiếm dần.  Vài trại viên đã bắt đầu luồn ra ngoài hàng rào trại để lùng tìm vật liệu, nhưng chưa một ai có ý định trốn trại cả.  Mọi người đều đặt hy vọng vào một tháng cải tạo!
Để có nhà vệ sinh ít nhất là cho phụ nữ, chúng tôi đã đề nghị “ban giám thị trại” cho phép chúng tôi tự xây dựng hai nhà vệ sinh.  Chúng tôi kéo sập 2 cái lều, lấy gỗ và tôn để làm vật liệu.  Chúng tôi đào một lỗ lớn cho mỗi nhà vệ sinh ở gần góc cuối hàng rào trại và xây hai nhà tạm thời gồm có 10 lỗ cầu cho mỗi nhà vệ sinh.  Chúng tôi phải gọi đó là “cầu xí” thì đúng hơn.  Không có giấy vệ sinh, trại viên đành phải dùng mọi thứ gì có thể làm sạch được, ngay cả nước để rửa.  Chúng tôi có được hai cái nhà cầu cho nam và nữ trại viên, nhưng rồi chúng càng lúc càng bẩn thỉu, dòi bọ khắp nơi.  Tro bếp được rắc lên hàng ngày nhưng cũng không thể khá hơn được.  Bệnh truyền nhiễm bắt đầu sinh sôi nẩy nở trong trại, nhất là bệnh tiêu chảy và ghẻ ngứa.  Một bệnh xá được thiết lập bao gồm nhiều bác sĩ như Văn Văn Của (từng là đô trưởng Sài Gòn), nhưng điều tệ hại là không có thuốc men ngoại trừ những thứ thuốc của chính chúng tôi mang theo.  Trại viên bắt đầu dùng lá cây và cỏ để trị bệnh: lá ổi nấu nước để trị tiêu chảy nếu được uống vào và trị bệnh ghẽ ngứa nếu dùng để tắm gội, vài thứ cỏ được dùng để trị phù thũng, vân vân.  Bác sĩ Văn Văn Của đã biến thành một bác sĩ “châm cứu”.  Nhiều người đã nói đùa bằng cách biến một câu châm ngôn của Việt Nam rằng “Đói ăn rau, đau khắc phục” (thay vì đau uống thuốc).  Nhiều người còn đùa rằng để trị bệnh thì tốt nhất là dùng “AKcillin” và “CKC” thay vì dùng “Penicillin” và “APC”!  (AK và CKC là hai loại súng của VC).  Tôi nghĩ rằng đó là sự thể hiện tính khôi hài của người Việt mặc dù ở trong tình huống thật bi thảm.
Trồng khoai lang là việc đầu tiên mà chúng tôi đã làm để cải thiện cuộc sống trong trại.  Nhưng chúng tôi lại không có giống ngoại trừ một ít dây khoai thu nhặt được ở khu đất hoang gần trại, nơi đã từng là đất canh tác khi đây còn là làng cô nhi.  Từ một vài dây khoai, chúng tôi nhân ra thành nhiều nhánh, và từ một vài khu đất nhỏ chúng tôi đã lần lần khai khẩn khắp nơi trong khu trại.  Điều khó khăn gặp phải là nước tưới; chúng tôi đã đào những hố nhỏ gần những nhà tắm và khai mương để dẫn nước tưới ra đó.  Khoai được thêm vào những xuất ăn sáng, và lá khoai lại là một thứ rau!  Đó bỗng nhiên lại là bài học đầu tiên của chúng tôi học được trong việc “cải thiện bữa ăn” của chúng tôi bằng công sức lao động!
Trại viên buộc phải lên hội trường vào mỗi buổi sáng để học mười bài học.  Nhưng rồi sau vài ba ngày, tất cả đều chán ngán với cách diễn đạt của cán bộ.  Tôi chợt hiểu rằng họ đã được nhồi nhét những bài học ấy và rồi trở thành những con vẹt không hơn không kém bởi vì tất cả đều nói cùng một cách.  Những điều mà chúng tôi đã nghe Hai Côn nói trong buổi lên lớp đầu tiên, chúng tôi lại được nghe lập lại và lập lại nhiều lần trong những lớp tiếp theo, nhưng chúng tôi lại không được phép hỏi những điều mà chúng gọi là chống lại “đường lối và chính sách của Đảng và nhà nước”.  Thí dụ như khi học bài về “lịch sử phát triển của loài người”, họ bảo rằng nhân loại đã được phát triển từ Cộng Sản nguyên thủy, qua các giai đoạn Nô lệ, Phong kiến, Tư bản, đến chủ nghĩa Xã Hội và rồi đến giai đoạn cao nhất của loài người là “Cộng Sản Chủ nghĩa”.  Chúng tôi không thể hỏi rằng những gì mà con người sẽ tiến tới sau khi đạt được chủ nghĩa Cộng Sản bởi vì theo họ thì Cộng Sản Chủ Nghĩa là giai đoạn tột cùng của loài người; con người sẽ không còn phát triển nữa sau khi đạt được Chủ Nghĩa Cộng Sản!  Thật là một luận điệu buồn cười, nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận như vậy và chỉ được thảo luận theo chiều hướng ấy mà thôi.
Bài học đầu tiên là “Đế Quốc Mỹ là quân xâm lược”.  Chúng tôi phải lên lớp hết 2 buổi sáng từ bảy giờ đến trưa, và thảo luận tại phòng vào buổi chiều.  Diễn giả là một cán bộ được giới thiệu là từ “bộ chính trị” vì họ muốn có một cán bộ cấp cao đến dạy chúng tôi, những người mà họ cho là nhân viên cao cấp của “ngụy quyền”.  Cũng chẳng có gì khác hơn là những điều mà chúng tôi đã nghe Hai Côn nói trong buổi lên lớp đầu tiên.  Trong phần thảo luận, chúng tôi đã phải kết án về những cái mà chúng cho là “tội ác của Đế Quốc Mỹ” trên toàn thế giới và đặc biệt là phải lên án những tội ác này trong chiến tranh Việt Nam.  Cuộc thảm sát ở Mỹ Lai, cái gọi là “sự tàn phá miền Bắc Việt Nam bằng không lực”, cuộc phong tỏa vịnh Bắc Việt, sự tàn phá của cái gọi là “chất độc màu da cam”, vân vân, là những đề tài mà chúng tôi phải thảo luận.  Nhưng điều quan trọng hơn là chúng tôi phải khai báo những điều mà chúng tôi biết được về những kho chôn dấu đạn dược hay đồ tiếp liệu của Mỹ sau khi rút khỏi Việt Nam.  Đối với chúng tôi, những người từng làm trong cơ quan tình báo thì chúng muốn biết những chương trình mà Mỹ đã dự định sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt cũng như những tình báo viên mà Mỹ vẫn còn cài lại sau khi rút khỏi Việt Nam.  Tôi nghĩ rằng tất cả những buổi thảo luận này đều nhắm mục đích tìm hiểu về những chiến lược của Mỹ sau chiến tranh Việt Nam.  Luôn luôn có một cán bộ hiện diện trong mỗi buổi thảo luận để nghe những gì chúng tôi nói và sau đó chúng tôi còn phải nộp lên một bản tường trình về buổi thảo luận.
Sau bài học đầu tiên này, chúng tôi được nghỉ hai ngày không phải lên lớp.  Trong thời gian ấy, chúng tôi phải học những bài “nhạc cách mạng” như “Giải Phóng Miền Nam”, “Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn”, “Chiếc gậy Trường Sơn”.  (Trường Sơn là một dãy núi nối dài từ Bắc đến Nam Việt Nam, nơi mà con đường mòn Hồ Chí Minh băng qua).  Điều buồn cười xảy ra là những người trước đây chưa hề ca hát nay đã phải làm việc ấy bởi vì mọi người đều phải thay phiên nhau ca, không loại trừ một ai.  Những bài ca “nổi tiếng” do trại viên sáng tác đã được viết ra trong thời gian này như bản “Ngày vui đã tới” của Vũ Thành An, một nhạc sĩ nỗi tiếng của Nam Việt Nam và cũng là một cựu trưởng ty “dân vận chiêu hồi”.  Chúng tôi cũng phải học hát những bản nhạc ấy nữa!  Tôi vẫn nhớ vài câu trong bản nhạc ấy: “Ngày vui đã tới, chúng ta xây lại đời ta.  Nhớ ơn Cách Mạng, chúng ta xin nguyện thành người dân chân chính.”  Tôi nghĩ lúc này quả là quá sớm để có những nịnh hót như thế, nhưng tôi không muốn phê bình ai hết bởi mỗi người có một cách sống riêng trong trại cải tạo.
Nhiều người cho rằng tại sao trại viên không chịu giữ một thái độ hiên ngang trong trại cải tạo bằng cách chống lại những người Cộng Sản, nhưng họ có biết rằng chúng ta đã không còn một chính quyền, không còn đất nước, không có hậu thuẩn; chúng ta không có gì cả ngoài cái mạng sống, mà chính nó cũng không còn tùy thuộc vào chúng ta nữa, vậy thì chúng ta làm được gì?  Tôi cũng nghĩ rằng tôi không thể làm được gì trong hoàn cảnh ấy, không thể trốn đi đâu được.  Mọi sự chống đối đều dẫn đến cái chết; mọi sự nịnh bợ là những điều vô sĩ.  Làm anh hùng trong hoàn cảnh ấy cũng là điều vô ích, do đó có lẽ tôi đã chọn cách “nín thở qua sông” để mà sống trong hoàn cảnh ấy mà thôi!  Tôi cũng chẳng cần ai phê bình là mình hèn nhát.  Điều mà tôi đã suy nghĩ là làm sao tôi có thể sống sót được để gặp lại gia đình mà không quá hèn đến nỗi bán rẻ linh hồn.
Tiếp theo bản nhạc của Vũ thành An là vài bản nhạc của những trại viên khác như Đèo Chánh Mun ở khối 1, và Bạch Văn Nghĩa ở khối 3; tôi vẫn nhớ vài câu trong bản nhạc ấy: “Học tập hăng say anh em ơi, đem tình thương làm vòng tay nối, quyết dựng ngày mai với niềm vui…”
Tôi không biết phong trào sáng tác nhạc này là do sự thúc đẩy của tâm hồn hay là do sự nịnh hót, nhưng quả thật đó là lúc mà có nhiều nhạc phẫm sáng tác bởi trại viên hơn bất cứ lúc nào khác.  Tôi đoán có lẽ vì lúc ấy chúng tôi chưa bị lao động, và thêm vào đó ai cũng hy vọng sẽ được thả về sau 1 tháng cải tạo như “chính sách của Đảng và Nhà Nước” quy định!  Tôi rất tiếc đã không có tài năng sáng tác nên đành phải học những bản nhạc ấy vậy.
Việc tập hát đã diễn ra mỗi tối trước khi đi ngủ.  Một vài trại viên có khả năng ca hát đã trở thành những “quản ca” để dạy các trại viên khác từng câu một trong bài ca.  Trại viên trong phòng giam đã phải lập lại từng câu tiếp theo “quản ca”.  Sau khi tập hết bài ca, từng trại viên một lại phải thay phiên nhau ca cả bài ca.  Bằng cách ấy, không ai có thể tránh không hát, và mọi người đều thuộc lòng từng bài ca một.  Đó cũng là lý do tại sao tôi lại thuộc vài đoạn của những bài ca ấy cho đến bây giờ.
Có một bài ca về “Giặc Mỹ” đã trở thành một điều diễu cợt vì nó có một câu là: “Than ôi Abrams đã bí nên bi”.  Lúc đó chúng tôi thường được cho ăn một thứ canh bí đỏ nấu với đậu phọng, và trại viên đã đặt tên cho loại canh đó là canh Abrams!  Người Việt chúng ta thường hay tìm ra được cách để diểu cợt cho dù trong hoàn cảnh bi đát đi nữa!  Tôi cũng muốn nói ở đây là tướng Abrams của Mỹ là người đã có sáng kiến thiết lập 1 vòng đai chiến lược để ngăn chặn Cộng Sản tràn xuống Nam Việt Nam.
Sau hai ngày học ca nhạc “cách mạng”, ban giám thị trại đã buộc chúng tôi phải tiếp tục như thế cho hết thời gian ở trại cải tạo Long Thành.  Tôi không thể nhớ có bao nhiêu bản nhạc mà chúng tôi đã phải học thuộc trong thời gian này.  Vài bản mà tôi vẫn nhớ từng đoạn cho đến giờ như “Sài Gòn quật khởi”, “Vàm cỏ Đông”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, vân vân.  Khi Việt Nam thống nhất, chúng tôi không được hát bản “Giải phóng miền Nam” nữa mà phải hát bài “Tiến Quân Ca”, bài quốc ca của Bắc Việt.  Nhưng bản nhạc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” là bản nhạc mà chúng tôi đã phải hát mọi nơi mọi lúc ở mọi trại giam.  Khi lên hội trường, khi bắt đầu hay chấm dứt một việc gì, đặc biệt là trước khi chấm dứt cuộc họp để đi ngủ, chúng tôi đều phải hát bản nhạc ấy, do đó nhiều trại viên gọi đó là bài ca “tạm biệt”.  Đôi khi đi cầu, tôi đã nghe vài trại viên trẻ đổi lời của bài ca thành “như có con dòi trong cầu tiêu của trại cải tạo”.  Quả là một hành động liều lĩnh bởi vì trong trại lúc nào cũng có những phần tử gọi là “ăn ten” báo cáo lên cán bộ mọi điều mà chúng nghe thấy, và chúng tôi đã được báo cho biết nói xấu Hồ là một trọng tội.
Bài ca “Tự Nguyện” là bài ca duy nhất của một sinh viên miền Nam mà chúng tôi được ca trong thời gian này.  Chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên vì hầu hết chúng tôi đã biết bản nhạc ấy trong thời gian mà Sinh Viên Sài Gòn xuống đường đòi hòa bình cho Việt Nam.  Tôi vẫn nhớ những câu của bài ca:
“Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng”
“Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương”
“Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm”
“Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”

Một cán bộ đã giải thích rằng lời ca đó được trích từ một bài thơ của Hồ Chí Minh.  Tôi không biết điều đó có đúng không, nhưng tôi nghĩ mọi cái đều là của Hồ!  Sự tôn sùng lãnh tụ là điều mà tất cả Cộng Sản thế giới đều làm chứ không riêng gì VC.
Bài học thứ hai, “Lũ Ngụy Quyền là bọn tay sai” được dạy trong 2 buổi sáng, nhưng phải thảo luận suốt một tuần lể.  Sau 2 buổi chiều thảo luận, hầu hết là thú nhận tội lỗi và hứa sẽ sửa đổi, chúng tôi phải làm một bản sơ đồ tổ chức của Phủ Trung Ương Tình Báo.  Điệp, họa sĩ của ban A17 và tôi được mọi người cử ra để vẽ sơ đồ.  Tài liệu thì được cung cấp bởi những sếp cũ của chúng tôi như Lộc, đặc ủy trưởng, Thúy, trưởng ban R (ban nghiên cứu), Phong, trưởng ban Z (ban nội chính), Lương, trưởng ban A10 (ban tổng hợp tin tức), Trang, trưởng ban A8, Cang, cựu đặc ủy trưởng, Quân, trưởng ban Y (ban yểm trợ) vân vân.  Điều buồn cười mà tôi thấy là toàn bộ Cơ Quan Tình Báo, đầu não của quốc gia đều nằm trong trại cải tạo và đang cung cấp tất cả mọi điều về cơ quan cho Cộng Sản.  Sau này, Lộc và Thúy đã chết tại trại Nam Hà sau thời gian đi thẩm vấn tại trại Hỏa Lò, Hà Nội.
Trong khi Điệp và tôi vẽ sơ đồ tổ chức của Phủ thì những người khác phải viết bản tự khai đầu tiên.  Những cán bộ của trại đến từng phòng giam hàng ngày khuyến khích rằng ai viết thành thật những tội lỗi của mình thì sẽ được hưởng lượng khoan hồng của Đảng và Nhà nước.  Một điều khôi hài khác lại xảy ra là có những trại viên không thể nhớ được những điều mình đã làm trước đây, họ phải đi hỏi lại những người đã làm chung công việc ấy rồi viết vào để mong rằng mình sẽ được tha ra khỏi trại sớm như lời hứa của cán bộ.
Cũng trong lúc ấy, những người giữ chức vụ cao của cơ quan lại di chuyển qua trại Thủ Đức.  Hầu hết những người đang cung cấp tài liệu để chúng tôi vẽ lại sơ đồ tổ chức của cơ quan đều chuyển đi, do đó Điệp và tôi đã phải ngưng làm công việc ấy và trở lại làm bản tự khai như mọi người khác.  Tôi suy nghĩ hầu hết tài liệu đã bỏ lại trong cơ quan, và mọi người đều đã khai báo hết mọi cái rồi.  Tôi đành phải viết những điều mà tôi đã làm và nêu tên những người mà tôi thấy trong trại cũng như những người mà tôi chắc rằng đã trốn khỏi đất nước như những cộng tác viên.  Tôi đã tránh không khai cho những người mà tôi không thấy trong trại và không biết chắc về tình trạng của họ.  Tôi nghĩ thế nào VC cũng hỏi lại những điều khai báo này nên tôi đã viết thêm 1 bản phụ để giử riêng.
Trong những ngày viết bản tự khai, chúng tôi được cho ăn một ít thịt, điều mà VC gọi là “bồi dưỡng” cho chúng tôi trong lúc chúng tôi “động não”!  Nhiều danh từ mà tôi chưa từng nghe trong ngôn ngữ của Việt Nam.  Khi chúng tôi có một ít thịt trong bửa ăn thì họ bảo rằng chúng tôi được “ăn tươi”.  Khi chúng tôi trồng được ít rau để ăn thêm thì chúng bảo rằng chúng tôi “cải thiện”.  Khi họ bắt chúng tôi đi lao động trong ngày Chúa Nhật thì họ gọi là “lao động Xã Hội Chủ Nghĩa”!
Ngày Chúa Nhật hôm ấy, lần đầu tiên chúng tôi phải đi lao động Xã Hội Chủ Nghĩa từ sáng sớm đến trưa.  Ai có cuốc thì phải sửa lại con đường chính từ cổng đến dãy nhà cuối cùng: đào mương dọc 2 bên đường và lấy đất đấp thêm lên con đường.  Những người không có cuốc thì dùng tay không mà nhổ cỏ và dọn dẹp vệ sinh trong khu trại và khu cơ quan.
Khi ở trong trại thì mỗi người đều mang trong mình một suy nghĩ riêng, nhưng tôi nghĩ rằng cái ý nghĩ chung nhất của mọi người là những suy tư về gia đình và sự mong đợi ngày về.  Mọi diễn biến đều được diễn dịch theo những điều hoặc là thuận lợi hay bất lợi đối với những mong mõi ấy.  Khi “Ban Giám thị trại” cung cấp ván cho chúng tôi làm sạp nằm thì vài người đã cho rằng chắc là chúng tôi phải ở đây lâu hơn là một tháng.  Nhiều người còn cho rằng chúng tôi phải cải tạo ít nhất là sáu tháng khi nghe cán bộ bảo chúng tôi phải trồng khoai mì bởi vì khoai mì muốn có củ thì phải trồng ít nhất 6 tháng.  Những điều phát biểu này đã tới tai các cán bộ, và họ đã đến từng buồng giam để trấn an chúng tôi rằng “chính sách của Đảng và Nhà Nước” trước sau như một, ai đạt được nhiều tiến bộ trong cải tạo sẽ được về sớm.  Cách giải thích này tôi được nghe lập đi lập lại nhiều lần ở nhiều trại khác nhau.  Tôi nghĩ đó là những gì mà các cán bộ đã học tập khi nói chuyện với trại viên.
Những bận rộn hàng ngày như lên lớp, thảo luận, và tranh đấu với cuộc sống đã giúp tôi ít suy nghĩ đến gia đình, nhưng khi chui vào mùng, tất cả lại hiện ra một cách rỏ ràng trong óc tôi.  Đặc biệt là đứa con còn trong bụng, nó là trai hay gái, và vợ tôi ra sao khi cô ấy sanh nở, những điều này luôn xâm chiếm lấy tâm hồn tôi.  Tôi đã cố thử viết ra những ý tưởng này, nhưng không thành công vì tôi chưa hề quen với việc viết nhật ký.  Đêm trong trại cải tạo rất dài.  Vì chưa hề ngủ dưới đất, do đó lúc đầu tôi rất khó vỗ giấc ngủ, nhưng rồi tôi đã cố gắng bằng cách thở thật sâu và đếm từ 1 đến 100 rồi lại tiếp tục lại như vậy.  Sau khoảng 4 đêm, tôi bắt đầu quen với việc ấy và có thể ngủ dễ dàng mỗi khi chui vào mùng.  Thêm vào đó, tôi cố làm việc bận rộn suốt ngày.  Nếu không làm những việc mà họ bảo làm thì tôi đi tưới những luống khoai của riêng tôi, đi lấy nước xài, hay làm những công việc riêng.  Sau khi buổi họp tổ chấm dứt chui vào chỗ nằm, tôi cảm thấy mệt mõi và chìm vào giấc ngủ một cách dể dàng.  Tôi biết rằng giấc ngủ sẽ rất cần thiết cho tôi trong trại, và cố gắng không suy nghĩ gì nữa mỗi khi chui vào mùng.  Tôi đã giữ được thói quen này suốt gần 17 năm trong các trại cải tạo và chính nhờ vậy mà tôi đã vượt qua được những khó khăn gặp phải.
Việc di chuyển một số trại viên qua trại Thủ Đức đã xãy ra và Linh, chồng của chị vợ tôi cũng đi sang đó.  Tôi nghe nói trại Thủ Đức nguyên là trại giam nữ can phạm trước đây.  Chị vợ tôi là Lan vẫn ở lại trại Long Thành, do đó hàng ngày tôi vẫn thường đến để giúp chị ấy.  Tôi nghĩ rằng cuộc sống của phụ nữ ở trong trại có phần khó khăn hơn nam giới, do đó tôi thường dành cho chị ấy những thuận lợi hơn của chính tôi, đặc biệt là nước xử dụng hàng ngày.  Mỗi khi đến phòng giam dành cho nữ, tôi thường gặp những  người bạn của vợ tôi; họ cũng thường hỏi tôi có biết gì về vợ tôi và đứa con không.  Điều này thường làm tôi rất lúng túng mỗi khi trả lời.  Tuy nhiên tôi có thể nói được gì ngoài chử “không”!
Vợ và con tôi ra sao?  Câu hỏi này luôn lởn vởn trong đầu óc tôi.  Tôi vẫn nhớ lúc tôi chở vợ tôi vào phòng cấp cứu khi cô ấy sẩy thai lần đầu và ngồi bên ngoài chờ đợi.  Tôi không nghe tiếng rên siết nào của vợ tôi, và sau đó mấy ngày,  cô ấy đã kể lại rằng cô ấy đã cố nín chịu đau vì không muốn tôi lo lắng cho cô ấy.  Tôi không biết cô ấy sẽ làm sao đây khi tôi không có ở gần bên để lo cho cô ấy lúc sinh nở.  Tôi cảm thấy tội nghiệp cho vợ tôi rồi lại nghĩ đến một câu ca dao của Việt Nam rằng: “Người ta đi biển có đôi, còn tôi đi biển mồ côi một mình.”
Sau bài học thứ hai, chúng tôi đợi những bài học kế tiếp, nhưng vẫn không thấy gì xảy ra trong suốt 1 tuần lễ.  Trại viên bắt đầu lo lắng vì mọi người đều mong chấm dứt 10 bài học tập để còn được trở về với gia đình!  Chúng tôi đều nghĩ rằng chúng tôi không thể tin vào một tháng cải tạo, nhưng làm thế nào sống mà không có chút hy vọng?  Tôi nghĩ rằng Ban Giám Thị trại biết điều này nên họ cho các cán bộ đến từng buồng giam và nói rằng họ đang đợi những cán bộ từ Hà Nội vào để dạy chúng tôi những bài học còn lại.
Những tin đồn về 1 cuộc di chuyển nữa sẽ xảy ra sau khi một số trại viên được di chuyển sang trại Thủ Đức.  Tối thứ bảy ấy, trại viên được đi xem phim ngoài trời.  Trước khi chiếu phim, trưởng trại Hai Côn nói rằng chúng tôi sẽ không đi đâu nữa hết mà phải cố gắng để cải tạo ngỏ hầu hưởng lượng khoan hồng của Đảng và Nhà Nước.  Ban Giám Thị và các cán bộ ở trung ương đang nghiên cứu các bản tự khai của trại viên và sẽ hỏi một vài điều trong các bản tự khai ấy trước khi tiếp tục chương trình học tập.
Phim chiếu tối hôm ấy nói về trận chiến Điện Biên Phủ và nêu gương những người anh hùng đã dùng thân mình để chặn những khẩu đại pháo bị đứt dây lăn xuống triền dốc hay những người đã dùng thân mình lấp lỗ châu mai trong trận chiến.  Chiến thắng Điện Biên Phủ là một niềm kiêu hảnh của VC, nhưng trong phim tôi lại thấy rằng người dân Việt Nam đã là những người hy sinh quá nhiều cho chiến thắng ấy.  Chỉ với sức lao động, người dân Việt đã phải chống lại với máy móc và phi cơ của Thực Dân Pháp.  Họ không phải là Cộng Sản, họ chỉ là những người dân thường với lòng yêu nước.  Cộng Sản đã lợi dụng lòng ái quốc của nhân dân để nắm chính quyền rồi lại nói rằng “yêu nước là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội!”  Thật là một sự liên kết kỳ cục!  Những điều mà họ nói như: “Với bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành  cơm” hay “Nơi nào cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên” chỉ là những chiêu bài để lợi dụng sức lao động của nhân dân.  Người dân miền Bắc đã bị lợi dụng trên 30 năm trường, và bây giờ là đến phiên người dân miền Nam.  Lao động Xã Hội Chủ Nghĩa có gì khác hơn là làm việc không công.
Hôm sau, thay vì đi lao động Xã Hội Chủ Nghĩa, chúng tôi phải thảo luận cuốn phim và so sánh chiến thắng của trận đánh Điện Biên Phủ với chiến thắng của cái gọi là “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” để giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975.  Dưới sự điều khiển của cán bộ, buổi thảo luận sau đó đã biến thành dịp để chúng tôi thú nhận những tội lỗi mà chúng tôi đã làm trong việc ngăn cản tiến trình của chiến dịch ấy.  Thật là một việc buồn cười!  Nhưng tôi chợt biết rằng mọi việc xảy ra trong trại cải tạo đều phải theo cách ấy mà thôi, và tôi phải chấp nhận điều này không cần suy nghĩ.  Thái độ của tôi sẽ là nói càng ít càng tốt, tôi tự nhủ như vậy trong khi nghĩ tới một câu chuyện ngụ ngôn mà tôi học được lúc còn bé ở trường tiểu học.  Chúng ta chỉ có một cái miệng mà phải làm hai công việc là ăn và nói, trong khi lại có tới hai lổ tai chỉ để nghe mà thôi.  Tại sao chúng ta không nói ít mà nghe nhiều; đừng để cái miệng làm việc quá sức nó.
Trại viên toàn trại rất lo lắng về một trại viên trong khối một bị chuyển đi.  Các cán bộ giải thích rằng trại viên ấy đã có “nợ máu” với nhân dân trong vùng mà anh ấy hoạt động trước đây, do đó anh ấy phải ra trước “tòa án nhân dân” trước khi đến một trại cải tạo khác.  Chúng tôi không biết gì về tình trạng của anh ta sau này, nhưng chúng tôi lại không xa lạ gì với cái gọi là “tòa án nhân dân” của VC kể từ giai đoạn “cải cách ruộng đất” sau khi Cộng Sản chiếm miền Bắc Việt Nam 1954.  Mọi việc đều diễn ra theo một trình tự mà Cộng Sản muốn.  Trong lúc đó, họ cũng cho chúng tôi biết rằng chúng tôi được giữ trong trại chính là để được bảo vệ bởi vì nhân dân rất là giận dữ về những tội ác mà chúng tôi đã làm để ngăn cản tiến trình giải phóng nhân dân!  Thật cảm ơn cho sự tốt đẹp của “cách mạng”; chúng tôi đang được kẻ thù bảo vệ và đang được hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà Nước.  Quá nhiều những danh từ được dùng để che dấu cho một hành động trả thù.  Tôi nhớ lại một bài hát của Phạm Duy, một nhạc sĩ nỗi tiếng của miền Nam Việt Nam, trong đó có dùng một từ “một rỗ danh từ”, và cũng nhớ một thành ngử Việt Nam “mật miệng gươm lòng” để áp dụng cho những người dùng lời nói tốt đẹp để che đậy những ý đồ xấu xa.  Tôi nghĩ tôi có thể dùng những điều này cùng với câu nói của Nguyễn Văn Thiệu rằng “đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm” để làm phương châm cho cuộc sống của tôi trong những ngày sắp tới trong trại cải tạo.
Kinh nghiệm sống trong trại cải tạo đã đến với tôi từng bước một.  Tôi không biết tôi có thể sống cho đến lúc rời trại được không, nhưng tôi nghĩ rằng tôi sẽ cố gắng với tất cả khả năng của tôi.  Tôi cũng hiểu được rằng mọi sự thất vọng đều sẽ dẫn đến sự thất bại không cứu vãn nổi.
Lý Muối Liềm, một nữ thiếu tá cảnh sát của Nam Việt Nam là người đầu tiên được tha ra khỏi trại để điều hành trung tâm điện toán ở bộ chỉ huy cảnh sát.  Sự di chuyển của một số cấp cao sang trại Thủ Đức diễn ra tiếp theo, và rồi một trại viên được đưa ra tòa án nhân dân.  Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo cho chúng tôi, những người còn lại?  Chúng tôi tất cả đều sống trong sự lo lắng, nhưng chúng tôi không biết phải làm gì ngoài việc chờ đợi mọi việc diễn ra không có cách gì cưỡng lại được.

Chương 15. Tháng Đầu Tiên Trôi Qua

Sự tranh đấu để sinh tồn trong trại cải tạo giúp tôi ngày một thích ứng với những khó khăn.  Tôi cũng đã quen với cảnh nghèo từ lúc còn bé thơ, nhưng cuộc sống trong hoàn cảnh quá hạn hẹp của trại cải tạo thật quá khó khăn cho tôi.  Tôi không biết những người khác đã quen sống trong sự tiện nghi sẽ làm sao để thích ứng được với cuộc sống này.  Trại Long Thành giam giữ hầu hết những người có cấp bậc cao trong chính quyền Nam Việt Nam.  Sự thay đổi giữa hai thái cực của nếp sống diễn ra một cách quá đột ngột.  Vài người nguyên là những bộ trưởng, thứ trưởng chưa hề lao động chân tay, nay lại phải tự đi khiêng nước xài và làm mọi việc như những người khác.  Điều này đã tạo nên một cảnh tượng rất khôi hài.
VC không cho chúng tôi kể lại những việc làm trong quá khứ.  Chúng bảo rằng chúng muốn chúng tôi bình đẳng, nhưng tôi biết rằng chúng sợ chúng tôi sẽ hình thành một tổ chức trong trại rất nguy hiểm cho chúng, và chúng cũng muốn tạo sự đối nghịch giữa chúng tôi với nhau để chúng dể quản lý.  Khi viết bản tự khai, nhiều người vẫn còn dùng những chử như “ông” để nói đến những người lảnh đạo cũ của họ; VC buộc phải viết lại và dùng những từ như hắn, nó, để thay vào.  Khi nói về chính quyền và quân đội Nam Việt Nam, chúng tôi phải gọi bằng “ngụy quyền” và “ngụy quân” thay vì quân lực hay chính phủ VNCH.  Tôi cũng đã phải viết lại bản tự khai vì lý do này.
Khi nói chuyện với các cán bộ, chúng tôi phải làm đúng quy định là đứng cách xa ba bước và cầm mũ nón trên tay.  Chúng tôi phải gọi các binh lính và sĩ quan VC làm trong trại là “cán bộ” và tự xưng là tôi.  Khi đi ngang qua các cán bộ, chúng tôi phải chào chúng bằng cách giở mũ và cúi đầu.  Mọi việc có nghĩa là chúng tôi phải kính trọng chúng và phải tập vâng lời chúng.  Cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với VC càng nhiều càng tốt.  VC cũng không cho phép chúng tôi tự nhận là tù nhân và nói rằng chúng tôi vào trại là để cải tạo chứ không phải để ở tù!  Chúng tôi phải tự nhận mình là trại viên.
Mỗi tối, chúng tôi phải họp đội để sinh hoạt trước khi ngủ.  Đội trưởng báo cáo những việc xảy ra trong tổ, đội, và trong khối, cũng như truyền đạt lại những chỉ thị của cán bộ.  Sau đó mỗi trại viên phải phê bình và tự phê bình.  Điều này quá xa lạ đối với chúng tôi lúc đầu vì chúng tôi chưa hề có việc phê bình và tự phê.  Nhưng cán bộ bảo chúng tôi phải làm việc này một cách nghiêm túc.  Chúng tôi phải cố gắng để tìm ra những lỗi lầm của chính mình và của người khác để kể ra trong những buổi họp này, và do một lý do nào đó, chúng tôi thường cố tìm những điều không mấy quan trọng để phê bình nhau và bỏ qua những điều có vẻ nghiêm trọng.  Đôi khi, tôi đã phải tự cho rằng mình vẫn còn nhớ nhà, nhớ vợ con, chưa đủ an tâm để cải tạo.  Vài người thì phê bình rằng bạn mình đã ngủ gục trong lớp học tập hay trong buổi thảo luận, hoặc có người thì giả bịnh để khỏi lên lớp hay khỏi làm những việc khác.  Mọi điều nhỏ nhặt đã bắt đầu trở thành đề tài để phê bình.  Dần dần mọi người đều trở thành con rùa núp kín trong cái mai, rất khó tìm ra được lỗi lầm của nhau.  Những buổi họp phê bình thường trở thành tự phê với những lỗi nhỏ như nhớ nhà, không chú ý lúc học tập, nói chuyện trong lớp học, không thuộc bài hát, vân vân, và rồi những người khác đứng lên phê bình những lỗi lầm này để người tự phê có dịp hứa khắc phục và làm tốt hơn.  Bất kỳ khi nào bị phê bình, trại viên đều phải nhận lỗi và hứa sẽ sửa chửa; nếu không thì sẽ có những buổi họp khác cho đến khi nào người trại viên ấy nhận lỗi mới thôi.  Đó là cách thực hiện phê và tự phê của Cộng Sản.  Mọi điều đều phải viết ra bản báo cáo để trình lên cán bộ.  Tôi được biết rằng “phê và tự phê” đã từ lâu là phương cách của những người Cộng Sản để kiểm tra nhau, điều này không chỉ xảy ra ở trong trại mà là ở khắp mọi cơ quan đơn vị của Cộng Sản.
Sau vài ngày sống chung với nhau, chúng tôi biết rằng có vài phần tử do thám trà trộn vào trong khối 3 của chúng tôi.  Thí dụ như Phòng, Bá, Lâm, là những người mà không ai biết xuất xứ.  Mặc dù chúng bảo rằng chúng đã làm việc cho Cơ Quan Tình Báo, nhưng chúng chẳng biết gì về cơ quan tình báo và không ai trong chúng tôi biết được chúng.  Chúng tôi phải bảo nhau đừng nên nói chuyện nhiều với những người này vì chúng tôi nghi ngờ rằng chúng là VC trà trộn vào để lấy tin tức từ chúng tôi.  Nhưng trong cuộc sống chung đụng thì làm thế nào tránh khỏi sự bất cẩn.  Cán bộ đều biết hầu hết những gì chúng tôi nói hoặc làm.  Điều này khiến mọi người nghi ngờ lẫn nhau, và vài người lại bị nghi ngờ là đã làm “ăn ten” cho cán bộ, tức là đã báo cáo lên cán bộ mọi điều, mặc dù không biết có đúng như vậy hay không.
Từ việc “phê và tự phê” cho đến việc nghi ngờ làm “ăn ten”, mọi người trong trại bắt đầu nghi ngờ lẫn nhau.  Trại viên càng lúc càng trở nên ích kỷ và co rút lại trong cái vỏ của mình.  Mọi người đều sống riêng rẽ trong cuộc sống chung.  Không ai còn dám phơi bày tâm tư mình ra cho người khác; ai cũng dường như sợ rằng điều mình nói ra sẽ tới tai cán bộ như một thành ngữ Việt Nam rằng “tai vách mạch vừng”.  VC đã không cần phải chia rẽ trại viên với nhau, nhưng chính trại viên đã tự chia rẽ nhau.  Bằng cách bóp dạ dày trại viên, VC đã thành công trong việc khiến trại viên không còn nghĩ đến điều gì ngoài cái ăn, và bằng phương pháp tạo nên mối nghi ngờ lẫn nhau, họ đã thành công trong việc chia rẽ trại viên để dể điều hành trại.  Họ không cần phải có hàng rào vây quanh trại, không cần phải khóa trại viên trong buồng giam mà chính trại viên đã tự giam mình với cái hy vọng mỏng manh là sẽ được cải tạo và sẽ được trả tự do sau một tháng.
Dĩ nhiên tôi cũng là người bị điều lừa dối ấy dẩn dắt.  Tôi cũng đang sống trong cái hy vọng mong manh là sẽ được về để gặp vợ con tôi sau một tháng cải tạo, nhưng trong thâm tâm tôi thì tôi lại không tin điều đó là thật.  Tôi nghĩ có lẽ chúng tôi sẽ bị đưa đi đến một nơi khác, như đến đường mòn Hồ Chí Minh hay rừng rậm ở miền Trung để làm đường hay làm đường rầy cho việc tái thiết Việt Nam sau chiến tranh.  Cái giá phải trả có thể là chính sinh mạng chúng tôi, nhưng ít ra tôi còn có cơ hội để phục vụ dân tộc mình.
Cuộc sống của tôi đã không còn là của tôi nữa.  Đáng lý ra tôi đã phải chết đi cùng với nước Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30 tháng 4, nhưng tôi đã không đủ can đảm để kết liễu đời mình.  Tôi đã ném cây súng xuống dòng sông Thanh Đa và tự nộp mình vào trại cải tạo.  Những gì tôi đang mong chờ trong trại giờ đây cũng giống như một phép lạ.  Chúng tôi không còn ai giúp đở mình.  Chính quyền của chúng tôi đã không còn nữa.  Những người đồng minh của chúng tôi đã rút lui.  Có hàng rào quanh trại hay không cũng là vô nghĩa bởi chúng tôi không biết đi đâu bây giờ.  Cả nước giờ đây đang nằm trong tay của VC.  Phía bắc là Trung Cộng, phía tây là Kampuchia và Lào cũng là Cộng Sản, và phía đông là Thái Bình Dương.  Chúng tôi đi đâu được đây nếu chúng tôi ra khỏi trại?
Tôi nghĩ chỉ có phép lạ mới cứu được chúng tôi mà thôi!  Nếu VC không dùng thủ đoạn lừa bịp thì chúng tôi cũng sẽ đi vào trại mà thôi vì chúng tôi chẳng có con đường nào khác để đi.  Nhưng với thủ đoạn ấy, chúng đã giữ được chúng tôi trong trại mà không ai có một ý định đào thoát nào cả; chúng tôi đều đang có một hy vọng mong manh rằng mình sẽ được thả ra sau một tháng.  Cái hàng rào mỏng manh quanh trại không phải là thứ để ngăn được chúng tôi mà chính thủ đoạn dối trá của VC là điều đã giữ được chúng tôi ở trong trại cải tạo lúc đầu.  Chúng tôi chưa từng quen thuộc với kiểu dối trá có hệ thống này.  Quả là một thủ đoạn thành công!
Điệp, người bạn nằm gần tôi trong phòng giam, viết trong một bài thơ cho vợ anh ta, có một câu mà tôi vẫn nhớ: “Anh sẽ về một tháng hoặc một năm!”  và tôi nghĩ rằng đó cũng là ý nghĩ chung nhất của mọi người trong tháng đầu tiên cải tạo.  Mặc dù không ai tin vào một tháng cải tạo nhưng ai cũng nghĩ nếu dài lắm là một năm mà thôi chứ không ai dám nghĩ nó lại quá dài như chúng tôi đã phải trải qua.
Chúng tôi cũng không được biết điều gì đang xãy ra trong cái xã hội mới ở bên ngoài ngoại trừ một vài tờ nhật báo như “Sài Gòn Giải Phóng”, “Nhân Dân”, hay “Quân Đội Nhân Dân”, mà những tờ báo này thì chỉ loan những tin tức về những sự thành công của VC về mặt kinh tế và chính trị.  Bên cạnh đó, những tin đồn lại loan truyền khắp trong trại.  Có người cho biết Dương Văn Minh đã được đi sang Pháp sau khi giao miền Nam cho VC.  Ngô Khắc Tĩnh, cựu tổng trưởng giáo dục đã bị bắt tại Vũng Tàu khi toan trốn chạy.  Phó tổng thống Trần Văn Hương thì bị quản thúc tại gia vì quá yếu.  Tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh vùng 4, đã tự sát khi VC tiến vào bản doanh.  Nhân dân miền Nam đã được tổ chức thành những tổ tam tam chế để kiểm soát lẩn nhau.  Tôi không biết những tin đồn ấy đúng hay không, nhưng tôi nghĩ mọi tin đồn này đều nhằm mục đích báo cho chúng tôi biết rằng chúng tôi chỉ có con đường duy nhất là ở trong trại cải tạo mà thôi vì chúng tôi không có chỗ dung thân nếu đào thoát khỏi trại.   Nếu những tin đồn ấy là đúng thì điều gì sẽ xảy ra cho chúng tôi một khi chúng tôi trốn ra khỏi trại?  Bị bắt lại có nghĩa là chết mà thôi.  Tôi nghĩ chắc chẳng ai còn dám đánh cuộc với số mệnh mình một lần nửa.
Tiếp theo bài học thứ hai và bản tự khai, những bài học sau này chỉ còn là hình thức.  Vài trại viên đã trốn không lên lớp, trong đó có tôi.  Thay vào đó tôi chỉ lo săn sóc mấy luống khoai lang của tôi mà thôi.  Nắng mùa hè của miền nhiệt đới đã đốt cháy da tôi, và tôi cảm thấy da mình hình như dầy hơn xưa.  Tôi không còn ngại mưa nắng nữa.  Chỉ trong hai tuần lễ, dáng vẻ thư sinh của tôi đã biến mất nhường chổ cho dáng vấp của người nông dân.  Nhưng trên tất cả các thứ đó thì sự bận rộn này đã khiến tôi không còn nghĩ nhiều đến gia đình tôi nữa.
Thuốc lá và những thứ cần thiết cho đời sống càng lúc càng cạn dần.  Vài trại viên có tiền đã nhờ những người nấu bếp mua dùm họ thuốc hút và kem đánh răng.  Điều này tới tai cán bộ, và ban giám thị trại đã có một buổi họp để loan báo rằng họ sẽ tổ chức một cái tiệm chạp phô gọi là “căn tin” do những nhà thầu người Hoa để bán những thứ cần thiết cho trại viên.  Căn tin nằm gần bên nhà bếp và bán nhiều thứ như thuốc lá, kem đánh răng, thực phẫm khô, và cả cà phê uống vào buổi sáng.  Những trại viên có tiền có thể mua mọi thứ hoặc nhờ mua dùm những thứ mà họ muốn.  Việc mở căn tin đã làm những trại viên bi quan trở nên chán nản hơn bao giờ hết, nhất là đã vào tuần lễ thứ tư khi mọi người đang mong cho chấm dứt một tháng cải tạo.  Vài trại viên lạc quan thì lại cho rằng đó là cơ hội để họ tiêu tiền trước khi về nhà; họ mua mọi thứ và sống như là họ đang sống ở nhà họ!  Cuộc sống trong trại lại trở thành hai thái cực giữa những người có tiền và những người không có tiền.
Tôi không còn tiền vì tôi đã đưa lại cho vợ tôi khi cô ấy rời trường Chu Văn An, do đó điều mà tôi phải làm là “khắc phục khó khăn”.  Cái khó nhất đối với tôi là thuốc lá vì tôi thường hút quá nhiều.  Cách duy nhất để có thuốc lá hút là đổi chác những cái mà tôi đang trồng cho những người có tiền.  Để tiết kiệm tiền, tôi mua thuốc rê và giấy quấn thuốc để hút.  Điều này đã nhắc nhở tôi nhớ đến bà ngoại tôi lúc còn ở nhà, bà tôi vẫn thường hay quấn thuốc rê để hút mỗi khi nằm trên ghế bố may vá phụ mẹ tôi trong tiệm may.  Bà ngoại tôi là người gần gũi với tôi nhất từ khi tôi còn bé; bà đã gần 70 tuổi vào lúc này.  Tuổi thơ của tôi luôn luôn hiện ra một cách rõ ràng mỗi khi tôi nhớ đến bà.  Tôi nhớ đến cái bàn thờ trong nhà mẹ tôi nó được thừa hưởng từ ông cố tôi, một người thuộc giòng dõi chúa Trịnh.  Cái lư nhang chạm hình tre và chim mà tôi vẫn thường chùi bóng mỗi lần Tết đến.  Hai cái tô lớn viền bạc đặt trên hai cái đài gỗ với hai chiếc muỗng bạc được kể là của chúa Trịnh dùng để súc miệng.  Những bộ chén dĩa bằng sứ có đóng dấu Trịnh Phủ phía dưới đáy.  Ông ngoại tôi tên Trịnh Văn Giàu, người từng là Đốc Học Nam Kỳ.  Cậu Hai, anh cả của mẹ tôi từng là Thượng Thư của triều đình Huế.  Với một gia phả như vậy, thế mà bà ngoại tôi lại phải sống trong cảnh nghèo túng từ khi ông tôi qua đời bởi vì bà chỉ là tỳ thiếp của ông tôi.  Bà đã giữ gìn những bảo vật ấy của gia đình như một kỷ niệm và thường kể lại chuyện ngày xưa cho chúng tôi nghe mỗi lần đám giỗ ông tôi.
Tuần lễ thứ tư đã gần hết và mười bài học tập cũng đã hoàn tất.  Nhưng chúng tôi không ai nghe nói gì về sự chấm dứt của chương trình cải tạo.  Trại viên trong trại chia ra làm ba nhóm người tùy theo quan điểm về việc cải tạo.  Những người lạc quan thì chờ đợi cho hết tháng để họ được về sống với gia đình trong xã hội mới.  Họ xài hết tiền để mua sắm mọi thứ ở căn tin và sống như thể họ không ở trong trại cải tạo.  Những người bi quan thì buồn phiền; họ sống như những cái bóng và không nói chuyện với ai ngoại trừ những cái lắc đầu chán nản và những tiếng thở dài.  Những người chấp nhận số phận thì chuẩn bị sống thời gian dài trong trại.  Họ tiết kiệm và thu nhặt mọi thứ và luôn chuẩn bị tư thế cho một cuộc di chuyển.  Những suy nghĩ về ngày về chỉ là một phép lạ.  Tôi thuộc nhóm người này!  Mặc dù tôi cũng mong cho hết một tháng, tôi lại không nghĩ là tôi sẽ được thả ra.  Tôi chỉ muốn xem coi điều gì sẽ xảy ra sau đó.  Tôi không dám nói rằng, đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì mà Cộng Sản làm, nhưng trong thâm tâm tôi thì tôi luôn luôn nghĩ điều đó là đúng.  Điều hy vọng duy nhất của tôi là sẽ có một lúc nào đó có một sự thay đổi và tôi sẽ được ra về để gặp con tôi và được sống trong gia đình tôi cho đến cuối cuộc đời như một người dân bình thường.  Đó có lẽ chỉ là một giấc mơ mà thôi!
Ngày 14 tháng 7, ngày quốc khánh của Pháp, và cũng là ngày mà mọi người trong trại cải tạo Long Thành đang chờ đợi.  Một tháng cải tạo, điều đó có đúng như vậy không?  Không ai có thể biết điều gì sẽ xảy ra sau một tháng ngoài việc chờ đợi điều gì đó xảy ra.  Hy vọng và chán nản trộn lẫn với nhau tạo nên một cảnh tượng kỳ lạ trong trại viên.  Mọi người đều hy vọng nghe được điều gì đó từ ban giám thị trại, nhưng lại sợ phải nghe tin xấu.  Chỉ còn một ngày nữa là chấm dứt một tháng cải tạo thế mà không có gì thay đổi.  Hàng can chờ đợi lấy nước ngắn hơn mọi ngày.  Trại viên đã không tự đứng để đợi lãnh nước nữa kể từ khi học bài học đầu tiên.  Họ đặt thùng theo hàng, cử người trực đổ nước vào thùng và xách về sau khi xong.  Những sinh hoạt trong trại hầu như ngừng lại hẳn nhường chỗ cho những nhóm trại viên ngồi với nhau để hút thuốc, uống trà và bàn tán.
Tôi đi đào một ít khoai lang để nấu chè đêm nay để ăn mừng sự chấm dứt của một tháng cải tạo.  Ông Đỗ Kiến Nâu, cậu của Banh, người đã từng là trưởng ty cảnh sát quận 3, Banh, bạn tôi, cùng tôi sẽ ăn với nhau tối nay.  Những củ khoai lang của tôi cũng còn rất nhỏ, khoảng ngón chân cái, và tôi đã phải đào cả 2 luống mới đủ một nồi chè.  Tôi làm hai luống mới để thay thế hai luống khoai đã đào và dùng dây khoai để trồng cho hai luống ấy.  Tôi cũng không hiểu tôi đã làm gì đây bởi vì hôm nay là ngày cuối cùng trong trại cải tạo!  Tôi vừa làm một việc theo thói quen, hay tôi không tin đó là ngày cuối cùng.  Tôi không chắc chắn điều gì hết nữa rồi.  Tôi nghĩ tôi đã trở thành một người hoài nghi.  Chính sách của Đảng và Nhà Nước trước sau như một, như lời của cán bộ đã giải thích, nhưng tôi vẫn không tin vào lời nói ấy!  Làm thế nào để có thể tiến bộ được trong cải tạo?  Tôi tự cảm thấy buồn cười cho mình qua những ý nghĩ này.  Khi mang một ít khoai lang cho chị vợ tôi ở nhà nữ, tôi nghe được dự định của họ về chương trình tổ chức lễ phóng thích vào ngày mai.  Tôi hỏi chị Lan, chị vợ tôi, về tin này, nhưng chị ấy cho biết đó chỉ là tin đồn không căn cứ vì ngày mai là ngày cuối cùng của một tháng như mọi người đang chờ đợi.
Kể từ khi Nghĩa, chồng của cô Đẹp (thư ký của sếp tôi), đã dời đi qua trại Thủ Đức, có nhiều tin đồn về những sự liên hệ giữa Đẹp với Tư Điệp, cán bộ phụ trách khối 3 và nhà nữ.  Trại viên thường tin vào những tin đồn phát xuất từ nữ trại viên và cho rằng những tin tức ấy phát xuất từ Tư Điệp.  Tôi không biết chắc gì về sự liên hệ giữa Đẹp và Tư Điệp, nhưng tôi nghĩ rằng một người đàn ông từ rừng sâu ra ngoài thì rất dể dàng yêu một người đàn bà đẹp như Đẹp!
Có khoảng một trăm nữ trại viên trong nhà nữ. Ngoài một số nữ sĩ quan quân đội và cảnh sát từ đại úy trở lên, số còn lại hầu hết là cán bộ tình báo trung cấp của cơ quan.  Bà đại tá Hương, chỉ huy trưởng nữ quân nhân, và bà thiếu tá Thủy, trưởng toán Thiên Nga của Cảnh sát, đã được chuyển qua trại Thủ Đức.  Sự liên hệ nam nữ trong trại càng lúc càng trầm trọng.  Mặc dù tôi cần phải giúp đở chị vợ tôi, tôi cũng phải cố gắng giới hạn việc đi sang khu nhà nữ vì tôi không muốn bị những tin đồn.  Hầu hết những nữ trại viên trong ấy đã từng làm trong cơ quan đều biết vợ tôi, do đó tôi không muốn vợ tôi nghĩ sai về những sự liên hệ của tôi.
Đêm ấy, hầu như mọi người đều không thể ngủ sớm như thường ngày.  Từng nhóm ba hay bốn trại viên ngồi với nhau trong sân giữa các nhà bên những chiếc bàn nhỏ để ăn tối và đối thoại với nhau.  Ông Nâu, nguyên trung tá cảnh sát, Banh, bạn tôi và tôi cùng ngồi quanh chiếc bàn nhỏ do tôi đóng lấy đặt giữa sân giữa khối 3 và khối 4.  Chúng tôi nấu chè bằng chiếc lò làm bằng thùng nhôm.  Chúng tôi không tin rằng chúng tôi sẽ được thả ra, nhưng chúng tôi lại mong ở một phép lạ nào đó.  Kể từ khi vào trại, Banh dùng hầu hết thời giờ để học đánh cờ tướng.  Hắn ta đã trở nên ồn ào hơn, nhưng đêm nay, hắn ta lại im lặng một cách khác thường.  Cậu của Banh, ông Nâu, là một người hút thuốc nối đầu; ông ta xin tôi cái píp mà tôi tự chế, mở điếu thuốc ra rồi nhồi thuốc vụn vào điếu để tiết kiệm thuốc.  Sau này, ông Nâu bị dời ra trại Hà Tây và chết ở đấy.  Banh và ông cậu mang theo vào trại một ít tiền, và đôi khi họ cũng đã giúp tôi trong những lúc ngặt nghèo.  Để đổi lại, tôi trồng rau để ăn thêm vì chúng tôi cũng thường ăn cơm chung.  Chúng tôi ngồi im lặng cho đến nửa đêm để suy nghĩ về những gì có thể xảy ra vào ngày mai.  Có thể nào có điều gì đó hay không, hay chúng tôi chỉ mong chờ một điều vô vọng?  Một tháng cải tạo đã trôi qua, không chỉ có chúng tôi mà cả gia đình chúng tôi cũng đang chờ đợi cho ngày này.  Không ai ngủ được yên giấc đêm ấy mà chỉ mong cho trời sáng.  Mỗi lần giật mình tỉnh giấc, tôi nghe tiếng thở dài đâu đó trong phòng giam.
Mọi người đều thức dậy sớm vào sáng ngày 15 tháng 7 mặc dù không có lịch trình lên lớp hay thảo luận.  Không có một cán bộ nào đến các phòng giam.  Vài người đi lang thang trên con đường tiến về phía hội trường, nhưng hội trường thì trống rỗng!  Tôi nghĩ rằng nếu có một buổi lễ thì ít ra cũng phải có sự trang hoàng.  Vài người còn cho rằng buổi lễ ấy sẽ tổ chức một nơi khác thay vì tổ chức trong trại, và nếu có điều đó xảy ra thì chúng tôi sẽ được di chuyển đến một nơi nào đó ở Sài Gòn.  Tôi nghĩ đó chỉ là một sự lạc quan tếu.  Nhưng trong thâm tâm thì tôi cũng mong điều đó sẽ xảy ra như một phép lạ.  Tôi không thể chờ đợi mà không làm gì cả, do đó tôi đi tưới những luống rau và luống khoai.  Tôi không muốn quá ưu tư và đặt quá nhiều hy vọng để rồi không có gì cả, và tôi luôn tự nhủ rằng mọi việc đều đã được an bài!  Điều buồn cười là những trại viên trẻ lại là những người tin vào số mệnh.  Ngược lại những trại viên lớn tuổi thì lại luôn luôn chờ đợi một cách sốt ruột về việc phóng thích.

(nguồn Blog Huỳnh Long An)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire