caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 11 mars 2014

Tiểu Đoàn 11 BĐQ Phần 1 Chư Pa Hồi ký Vương Mộng Long

Tiểu Đoàn 11 BĐQ

Phần 1

Chư Pa

Hồi ký Vương Mộng Long


       Sau Tết Mậu-Thân hai tháng, tôi đã lành vết thương, xuất viện trở về đơn vị.  Trung úy Phạm văn Lương (k20VB) trả lại Đại đội 1/TĐ11/BĐQ cho tôi.  Anh Lương quay về đảm đương cái nghề cũ của anh là ban 3 tiểu đoàn. Đại úy Hồ khắc Đàm (k16 VB) đã thay thế Thiếu tá Nguyễn văn Huân (bị thương) giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng TĐ11 BĐQ.  Trong thời gian hơn nửa năm, chúng tôi đã tham gia hầu hết những chiến dịch lớn nhỏ của Task Force South quanh Đà-Lạt, Bảo-Lộc, đặc biệt là những vùng núi non giáp ranh với Quảng-Đức và Bình-Thuận.  Cuối năm Mậu-Thân, Tiểu đoàn 11/BĐQ được chuyển về Pleiku, hành quân phối hợp với Không-Kỵ Hoa-Kỳ. Một ngày đầu năm 1969 chúng tôi có lệnh lên đường tham gia chiến dịch Bình-Tây 49.

      Sáng sớm ngày N, xe quân vận đưa chúng tôi từ Biển-Hồ (Pleiku) vào sân bay của trại Lực Lượng Đặc-Biệt Lý thái Lợi, Plei M'rong.  Trưởng trại LLĐB Lý thái Lợi cũng là một sĩ quan Võ-Bị, Đại-úy Huỳnh châu Báo (k17).  Niên trưởng Báo đã tiếp đãi chúng tôi rất ân cần trong khi chúng tôi đợi chờ trực thăng Mỹ tới bốc vào vùng.  Cuộc hành quân hôm ấy nhằm mục đích săn diệt Trung đoàn E 24  Mặt trận B3 CSBV trong vùng núi Chư Pa giáp ranh sông Pơ-Kô.  Hôm đó là một ngày mùa khô cao nguyên.  Mùa khô ở đây bầu trời mịt mù bụi khói đốt nương, đốt rẫy.  Ngày N, lành lạnh, cuối đông. Từ bãi bốc Plei M'rong chúng tôi thấy gunships Hoa-Kỳ dọn bãi ngay trước mặt, trên triền đồi tranh hướng tây suối Ru Ninh. Bãi thả chỉ cách sân bay Plei M'rong chừng năm cây số.
       Như thường lệ, mỗi khi tới một vùng hành quân lạ, đại đội tôi vẫn là đơn vị "tiên phuông" và theo chân Đại đội 1/11 BĐQ của tôi vẫn là Đại đội 3/11 BĐQ.  Dưới triều đại Hoàng Mai (Hồ khắc Đàm) đoàn hùng binh TĐ11/BĐQ luôn luôn được chia làm hai cánh.  Cánh A là liên đội 1&3 do tôi (Trung úy Vương mộng Long) chỉ huy, cánh B là liên đội 2&4 do Trung úy Nguyễn Lạn chỉ huy.  Trái rocket sau cùng vừa nổ, tàu tôi đã "hover" trên ngọn tranh.  Miệng hô "go! go!" chúng tôi nhảy đại xuống triền đồi.  Cỏ cao quá đầu người.  Chúng tôi nhắm mắt lao xuống.  Vì phải nhảy từ trên quá cao, chúng tôi mất đà, nện đít xuống đất, thốn lưng, đau muốn chết.  Những trái rocket làm rừng cỏ tranh bốc cháy.  Nấn ná ở chỗ này lâu chắc chắn thành bê thui!  Thế là miệng hô, "Nhào lên! Bà con ơi!" chân bước tới, chúng tôi cố gắng xung phong lên bìa rừng xanh trên cao.  Vào tới bìa rừng, tóc gáy tôi bỗng dựng ngược: Rừng già toàn cây cổ thụ; thân cây nào cũng cỡ hai ba người ôm; chân rừng trống trơn, thênh thang, toàn đá đen, lạnh lẽo, trơn trượt.  Nếu có vài cây AK Việt-Cộng trụ sau những gốc cây "bành ky" này thì đoàn quân dưới kia chỉ là những cái bia sống ngon lành.  Khi tôi lên tới đỉnh đồi thì Đại đội 3/11 của Trung úy Phan ngọc Quí còn ngồi trên HU1D.  Lửa bắt đầu lan rộng về hướng triền dốc, bãi đáp đang cháy lớn. Trên đỉnh đồi cũng có một bãi cỏ tranh khá rộng.  An ninh xong ngọn đồi mới chiếm cứ, tôi gọi đại úy tiểu đoàn trưởng và đề nghị ông chuyển bãi thả lên đỉnh đồi để cho ĐĐ3/11/BĐQ xuống chỗ tôi cho tiện. Hoàng Mai đồng ý ngay.  Sau đó bộ chỉ huy tiểu đoàn và liên đội B cũng theo chân Đại đội 3/11 xuống bãi này.  Cuộc đổ bộ tuy ồn ào nhưng trót lọt, an toàn.
Hình cuả tác giả, chụp trên núi Ngô Sơn, một ngày trước khi bị đốn ngã trong lúc xung phong tái chiếm Trung tâm Yểm Trợ Tiếp Vận Pleiku, ngày Mồng Một Tết Mậu Thân       Có tiếng Hoàng-Mai gọi, "Thái-Sơn đây Hoàng Mai!  Sẵn sàng chưa?" Thái Sơn là danh hiệu truyền tin của tôi.  Tôi trả lời, "Sẵn sàng trăm phần trăm. Đợi!"  "Target số một! Zu lu!"  "Nhận Hoàng Mai 5!"  Chiều rồi, trong rừng bắt đầu âm u, nhưng lệnh lên đường vẫn ra; người nhận được lệnh vẫn thi hành nghiêm chỉnh.  Tôi gọi cho Trung úy Quí (ĐĐT 3/11), báo cho anh nhổ neo theo tôi.  Tôi dặn anh nhớ bám sát.  Mặt trời đang lặn, đi trong rừng rất dễ mất dấu người đi trước.  Tiến theo hướng bắc chừng hai trăm mét, chúng tôi gặp đường voi thồ thênh thang theo hướng tây đông.  Chúng tôi bắt đầu quẹo trái để vào mục tiêu 1.  Từ cao độ trên một ngàn thước đoàn quân lần lần thả dốc về tây.
       Chúng tôi đang đi với đội hình một hàng dọc.  Chợt bên tai tôi có tiếng người hò la trong rừng cùng tiếng chặt cây đốn gỗ.  Một toán dò tin tức được gởi đi.  Toán trở về báo cáo có một số dân Thượng đang phá rừng làm nương.  Tôi cho qua chuyện này.  Đêm buông màn, nhưng đoàn quân vẫn tiếp tục theo lối mòn đổ dốc.  Mỗi người phải giắt sau ba lô một khúc cây rừng mục.  Cây rừng mục có lân tinh lấp lánh, làm dấu cho người sau đi theo không bị lạc.  Chúng tôi bước trên đường mà cảm như đang bước chân trên thảm nhung.  Lá rừng mục bao đời, lớp này phủ lên lớp khác dày cả gang.  Cũng may, rừng vùng này không thấy vắt.  Đi trên cao, bên tai gió ào ào, không nghe tiếng muỗi kêu.  Đi được khoảng nửa cây số chúng tôi lại nghe tiếng nói chuyện ngay sát bên tai.  Tiếng người lần này giọng Bắc.  Trung đội đi đầu của Thiếu úy Đinh quang Biện vừa bố trí xong là nổ súng ngay.  Thì ra song song với trục đường chúng tôi đang đi, còn nhiều đường voi di chuyển khác.  Cả một hệ thống đường thồ trong rừng, che dấu bởi tàn cây cao, phi cơ chụp không ảnh không phát hiện, không có trên bản đồ.  Hai khẩu AK báng xếp cùng hai chiếc nón cối và hai cái balô được đem lên cho tôi khám nghiệm.  Hai cán binh vừa bị hạ thuộc C 17 Trinh sát của E 24 Mặt Trận B3 (Danh từ Việt-Cộng quy định A là tiểu đội; B là trung đội; C là đại đội; D, H, K là tiểu đoàn; E là trung đoàn; F là sư đoàn).
       Sáng N+1, chúng tôi tiếp tục đổ dốc.  Vẫn rừng già, trống chân, vẫn dấu chân voi, vẫn những con đường song song theo hướng tây đông, vẫn những đống phân voi to như những cái thúng rải rác dọc đường thồ.  Rừng nín thinh, nặng nề, đe dọa.  Mỗi lùm cây, tảng đá đều có thể là nơi che dấu sự chết chóc.  Đại đội 1/11 đội hình nấc thang, từng bước, thận trọng, xuống đồi.  Đường bắt đầu ẩm ướt.  Cái yên ngựa, trên bản đồ không ghi có nước.  Vậy mà nước rì rào, róc rách.  Nơi nào có nước, nơi đó có kẻ thù.  Một lối mòn vắt ngang đường voi đi.  Lối mòn chạy song song với con thông thủy.  Lối mòn cũng theo hướng bắc nam.  Trên lối mòn, vết dép Trường-Sơn còn mới.  Thiếu úy Biện vừa báo cáo đặt xong hai nút chặn hai đầu vết mòn thì quân của Chuẩn úy Nguyễn văn Danh đã kịp thời vượt lên thay vai trò tiên phong.  Trung đội 2 của anh chuẩn úy lính mới tò te lần đầu vào trận vừa qua khỏi ban chỉ huy đại đội, thì điểm chận lối mòn bên trái của Thiếu úy Biện đã có tiếng réo vang của một băng M16.  Kế đó, Trung đội 3 của Biện hàng ngang xung phong bên trái nhanh như máy.  Lại một khẩu AK 47 báng xếp, một cái nón cối, một balô của C17 Trinh sát E 24/B3.  Trong balô có vài lá thư viết bằng mực xanh trên giấy học trò có kẻ ô, cùng một quyển album cỡ một bàn tay, trong đó chứa những tấm ảnh đen trắng nho nhỏ có cạnh cắt răng cưa.  Ảnh chụp từ nơi nào đó xa xôi ngoài Bắc: một cô gái quê, một bà mẹ quê, một mái rạ.  Thư có những lời thương nhớ người đi B, những lời cầu Trời Phật phù hộ cho người ra trận được bình yên.  Nước ảnh còn sáng.  Màu giấy thư chưa vàng.  Người bộ đội Cộng-Sản mới xâm nhập đã không bao giờ trở về miền Bắc nữa.
       Chúng tôi tiến rất chậm.  Tất cả những lối mòn cắt ngang trục tiến quân đều phải đặt nút chặn.  Tất cả các nút chặn đều phải được bàn giao kỹ càng cho đơn vị theo sau.  Kinh nghiệm cách đây khá lâu, một lần hành quân vùng đông Lệ-Chí đã cho thấy sự lợi hại của tao ngộ chiến.  Hôm đó, trục tiến quân băng rừng của Tiểu đoàn 11/BĐQ cũng có con lộ cắt ngang.  Một cán binh VC đã đụng đầu Hoàng Mai trên mặt lộ khi ông vừa chui ra khỏi rừng cỏ hôi.  Cả ông tiểu đoàn trưởng BĐQ và tên VC đều giật mình phát hoảng.  Cả hai người đều đứng khựng lại trố mắt nhìn nhau. Ông tiểu đoàn trưởng BĐQ không mang súng dài.  Trên tay ông chỉ có cây gậy tre để đi rừng.  Khẩu súng nòng 6.35 ly tí teo, nhỏ như cái hộp quẹt (đeo làm kiểu) của ông còn ở trong bao.  Trong lúc quýnh quáng, ông tiểu đoàn trưởng BĐQ vụt vụt loạn xạ cây gậy tre trước mặt thằng VC. Miệng ông hét lớn, "Á!...Á!...Á!..."  Bất ngờ đụng đầu một bộ rằn ri giữa rừng, thằng VC đã trở bộ muốn bỏ chạy thoát thân.  Không ngờ tiếng thét của ông làm cho nó nhận ra ông là một kẻ thù không võ trang.  Nó hoàn hồn, chĩa khẩu AK 47 ngay ngực ông đại úy.  Tay trái nó run run nhích cao họng súng đen ngòm lên ngang trán ông.  Nó tính bắn vào đầu ông!  Tay chân ông bỗng cứng đơ. Hai mắt ông ngó trân trân vào mặt thằng VC.  Mắt nó liếc tránh ra hướng khác.  Ông thấy ngón tay trỏ, bàn tay phải của nó đang nằm trước cò súng.  Rồi ngón tay đó siết vào cò.  Ông hoa hai mắt. "Choác! Choác! Choác!"  Ông ù hai tai.  Đạn tém sát thái dương ông đại úy.  Đạn làm bay cái mũ đi rừng bằng vải đen rộng vành ông đang đội trên đầu.  Có lẽ thằng VC run tay, nên ba mươi viên AK đều bay cao, sượt da đầu ông đại úy.
       Bắn hết băng đạn mà thấy địch thủ còn đứng trơ trơ, thằng VC quay đầu chạy bán sống bán chết.  Vài giây sau, ông đại úy hoàn hồn.  Ông rút được khẩu 6.35 ly ra khỏi bao thì thằng VC đã khuất dạng.  Lúc đó những BĐQ cận vệ của ông tiểu đoàn trưởng mới chui ra khỏi rừng, tới đường.  Họ ngơ ngác không hiểu tại sao Hoàng Mai tay cầm khẩu 6.35 ly mà tai họ nghe "choác! choác!" tiếng AK liên thanh?  Ông đại úy tiểu đoàn trưởng đứng giữa đường quơ quơ cây gậy về hướng địch,  "Nó chạy hướng này! Nó chạy hướng này!"  Lúc đó toán hộ tống mới vỡ lẽ: chỉ chút téo nữa là xếp của họ đã đi đoong!  Gỡ sĩ diện, họ reo hò, "Biệt Động! Sát!" "Biệt Động! Sát! Tiến lên!"  Lau lách hai bên đường mòn bị một phen bở vía.  Đạn M16 ròn rã đốn hoa, lá, cành, tre, nứa, ngã rạp tơi bời. Nhưng tên VC đã "chạy mẹ nó mất rồi!" 
       Hôm đó tôi đi đoạn hậu, chỉ nghe văng vẳng tiếng súng đàng trước.  Mãi tới khi tôi chuyển quân hoán đổi nhiệm vụ cho liên đội B gặp anh Đàm, tôi mới được anh chiếu lại chi tiết diễn tiến khúc phim tao ngộ chiến.  Đoạn phim diễn tả cảnh cái họng đen ngòm của khẩu AK47 đang nhắm ngay trán anh, làm tôi ớn lạnh xương sống.  Sau khi quay xong đoạn phim đứng tim trên cho tôi nghe, anh Đàm cười hí hí, "Hôm nay ta hơi quýnh một chút.  Chứ đúng lý ra, ta đã bắt sống thằng VC này rồi đó!  Nó gầy tong teo à!"  Tôi cũng phụ hoạ theo, "Đúng là thằng VC này còn hên!  Lần sau vô phúc gặp anh, nó tới số!"  Từ đó, mỗi lúc ra quân, Hoàng Mai luôn luôn nhắc nhở đàn em việc chặn nút khi gặp lối mòn.  Từ đó, cũng đã có vài lần tao ngộ, phần thua lúc nào cũng về phía bên kia.  "Cậu thấy chưa? Cứ gặp đường mòn mà chặn nút là có ăn!  Ta nói có sai đâu?"  Lần nào cũng thế, "có ăn" là anh Đàm lại dài dòng kể lể công lao "phát minh" ra chiến thuật "chặn nút".  Hôm nay nút chặn của tôi "có ăn" thế nào anh Đàm cũng vui lắm.  Chắc chắn Thiếu úy Trần Lũy, đại đội trưởng đi bảo vệ bộ chỉ huy tiểu đoàn sẽ tha hồ mà nghe anh Đàm thuyết giảng chiến thuật.
       Xuống bình nguyên là nghe gió ngàn phần phật.  Đất giàu màu mỡ làm lau sậy mọc tràn lan.  Toán tiền thám phải dọ dẫm từng bước.  Những con lộ chính trong vùng địch kiểm soát chắc chắn không có mìn.  Nhưng tình hình an ninh không cho phép ta chỉ đi trên lộ chính.  Cái đáy trước của nấc thang phải bao gồm cả hai bên đường, lộ chính và lộ phụ.  Đặc biệt là di chuyển trên lối phụ dưới thung lũng rất dễ vướng bẫy thú của Thượng Cộng.  Chỉ cần ta ơ hờ một chút, cái bẫy đã túm ngay một cẳng ta, treo ta lên cây.  Đã có lần tôi chứng kiến một chú heo rừng bị treo lơ lửng giữa không trung.  Chú heo rừng nặng cả trăm ký tòn ten đung đưa giữa trời, miệng sùi bọt trắng. Nơi chúng tôi đang đi qua, nhiều bãi sình có dấu heo ủi, cả đàn. Nơi nào có heo rừng, có Thượng Cộng, thế nào cũng có bẫy.
       Đường bắt đầu đi lên.  Bi đông chàng nào cũng đầy nước.  Núi trước mặt cao cỡ ngàn mốt, ngàn hai.  Hai bên yên ngựa là vực sâu.  Gió hú ù ù.  Trời lạnh lắm.  Càng lên cao càng lạnh.  Mục tiêu 1 ở trên kia.  Trên bản đồ hình thù của nó chỉ như hạt đậu.  Thực tế đó là một ngọn đồi, một ngọn đồi có đủ cả các thành phần, chân, triền và đỉnh.  Anh Đàm có lẽ đã tới con thông thủy.  Tôi nghe anh ra lệnh, "Thái Sơn cho lều võng, khói lửa được rồi! Nhớ nhấn tới trước vài vòng (cao độ) cho chắc ăn nghe chưa?"  "Nhận 5!"  Tôi tự nhủ: "Hoàng Mai khôn cách chi! Ổng thì ngủ dưới con thông thủy, vừa ấm áp vừa có nước.  Ổng chơi ác! Bắt mình nằm chênh vênh giữa trời, chắc mình biến thành cục nước đá đêm nay mất thôi!"
       Đêm đó hai Đại đội 1&3 quây tròn trên mục tiêu 1.  Tôi và anh Quí ngồi tâm sự tới khuya mới chia tay về lều.  Quí là sĩ quan khóa đặc biệt.  Anh về phục vụ tiểu đoàn này đã hơn hai năm.  Anh ta gốc AET (Thiếu Sinh Quân) nên căn bản quân sự rất vững.  Hai đứa tôi khá thân. Đêm đó Quí thổ lộ với tôi rằng, sau Tết Âm-Lịch anh ta sẽ cưới vợ.  Vị hôn thê của Quí đang học Đệ Nhị Trung học Bồ-Đề, Pleiku.  Anh say sưa nói về ngày mai, về giấc mộng con con, bình thường.  Tôi cảm thấy vui lây cái vui của bạn.  Tôi nghe đâu Thiếu úy Trần Lũy (ĐĐT 2/11) sắp cưới con gái ông Thượng sĩ Thường-Vụ của Tiểu đoàn 22/BĐQ.  Còn anh đại đội trưởng Đại đội 4/11 Nguyễn-Lạn thì chuẩn bị neo thuyền trên bến Đà-Lạt.  Sắp Tết rồi!  Đám cưới!  Vui quá đi thôi!  Tha hồ mà nhậu!  Thời buổi được mùa!  Dưới trướng Hoàng Mai, sĩ quan chỉ huy của Tiểu đoàn 11/BĐQ đắt đào ghê!  Ông tiểu đoàn trưởng Hoàng Mai mới không vận được một cô sinh viên từ trường Chính-Trị Kinh-Doanh, Đà-Lạt về cư xá sĩ quan TĐ11/BĐQ làm áp trại phu nhân.  Nay đến phiên ba ông đại đội trưởng, Kỳ-Sơn (ĐĐT2/11), Trường -Sơn (ĐĐT3/11) và Lam-Sơn (ĐĐT4/11) sắp giã từ kiếp sống sê-li-bạt (célibataire).  Như vậy là sau Tết này, trong số tứ sơn (Thái Sơn, Kỳ Sơn, Trường Sơn, Lam Sơn) chỉ mình tôi (Thái Sơn) còn lênh đênh như con thuyền vô duyên của nhạc sĩ Đặng thế Phong. Quả thiệt, về cái chuyện "nớ" thì tôi chậm lụt hơn chúng bạn nhiều.  Thấy tôi có vẻ mắc cỡ, anh Quí an ủi, "Tại mày nhát gan, thấy gái là đỏ mặt, cấm khẩu.  Chứ tao thấy mày can đảm chút nữa thì thiếu gì đào!"  Nói đúng ra, trong thời gian qua, tôi cũng có nhiều dịp lọt vào "thị trường" của vài cặp mắt xanh ở thành phố Pleiku này.  Nhưng mỗi khi chạm mặt "đối phương tóc dài" thì tôi lại lờ quờ.  Đôi khi tôi tự an ủi rằng nguyên nhân của sự chậm lụt này cũng do "thời thế" mà ra.
       Số là, đầu năm 1966, khi tôi làm đại đội trưởng Đại đội 3/TĐ11/ BĐQ ở Đà-Nẵng; vài bà bạn Bắc- Kỳ di cư của mẹ tôi ở Hội-An, đang cố gắng "siết chặt dây thân ái" (VB Hành Khúc) với mẹ tôi, hi vọng sẽ có ngày thành sui gia; thì đùng một cái, ông Đại úy Nguyễn thừa Dzu, tiểu đoàn trưởng, dẫn quân theo ông Nguyễn chánh Thi, đảo chánh ông Nguyễn cao Kỳ.  Thời gian này Tiểu đoàn 11/BĐQ chỉ có ba đại đội 1, 3, 4 đóng quân tại sân vận động Chi-Lăng (Đà-Nẵng), riêng Đại đội 2/11 của Trung úy Tôn thất Trực đang biệt phái cho quận Quế-Sơn. Đảo chánh hụt, ông Thi lên máy bay chạy tuốt.  Ông Dzu trở cờ, chui vào phi trường theo ông Kỳ.  Ông Kỳ cho ông Dzu lên thiếu tá, làm Cò Cảnh-Sát.  Sau khi ông Dzu đi mất, tôi đã chỉ huy tiểu đoàn này tiếp tục chống ông Kỳ.  Kết cuộc, Tiểu đoàn 11/BĐQ bị đổi vào Pleiku; Tiểu đoàn 21/BĐQ từ Pleiku, được chuyển ra Đà-Nẵng.  Tôi bị quất tổng cộng chín chục củ: Ông Lãm (Tư Lệnh Vùng 1) phạt tôi 30 Trọng Cấm; ông Viên (Tổng Tham Mưu Trưởng) phạt thêm 60 Trọng Cấm.  Tôi còn bị đưa ra hội đồng kỷ luật Nha-Trang; bị giáng cấp; bị treo lon.  Đời tôi đi vào khúc quanh "lắc lư con tầu đi".  Thời gian này mẹ tôi buồn lắm.  Những bà bạn của mẹ tôi, thì không ngần ngại cắt đứt ngay sợi "dây thân ái" với mẹ tôi.
       Ở Liên đoàn 2 Biệt Động Quân (Pleiku) tôi gặp Trung tá Nguyễn đức Ninh liên đoàn trưởng, Thiếu tá Phạm văn Toán liên đoàn phó, Đại úy Nguyễn văn Huân ban 3 và Trung úy Hồ khắc Đàm ban 2.  Những vị này đã bao bọc tôi sống lất lây cho qua thời mạt rệp.  Anh Huân dạy tôi nhiều thứ lắm, trong đó có món "kén vợ".  Anh Huân giảng giải, "Con gái nó ghê lắm! Chú mày lớ ngớ không điều tra kỹ, cứ tin cái miệng ngọt xớt của chúng nó là chú mày chết!  Chưa tìm hiểu kỹ càng tông đường nhà nó, rước nó về.  Vài năm sau nó cưỡi lên cổ chú nó 'nhong! nhong!'  Rồi nó đẻ cho chú một bầy con.  Nó đánh mắng con chú.  Đến lúc chú có cháu, nó đánh cháu chú.  Ba đời nhà chú nằm trong tay nó.  Hết đường cục cựa!"  Vì ảnh hưởng lời khuyên của huấn luyện viên Nguyễn văn Huân, gặp cô nào tôi cũng thủ thế, điều tra từ từ.  Gặp nhau, tôi cứ quan sát địch thủ mà không ra chiêu nào, thủ khẩu như bình.  Các cô thấy tôi ngồi nín khe lắng nghe, các cô cứ líu lo như chim vành khuyên.  Các cô phát thanh chán chê rồi ngồi chờ tôi nói.  Tôi chỉ toét miệng cười.  Gặp nhau vài lần, câu chuyện đổi trao vẫn loanh quanh nắng mưa, mưa nắng.  Hình như các cô chỉ chờ tôi nói nhỏ "Je t'aime" là các cô xỏ mũi tôi, lôi ra xe Jeep chở đi học để trình diện với bạn bè.  Các cô chờ tôi.  Tôi cứ đánh trống lảng.  Hai nhân vật ngồi nhìn nhau.  Nhìn nhau mãi bắt chán!  Thời gian qua đi vèo vèo.  Vì thế, tôi ở Pleiku đã ba năm rồi "mà lòng thì chưa hề yêu ai" (T.T.Thanh)  Trong lều, đôi bạn tâm sự.  Ngoài kia, gió rừng rít từng cơn.  Đêm đông, trong núi, lạnh kinh hồn.
       Sáng N+2, sau khi làm chủ ngọn núi cao trên 1200 mét, tôi bố quân chờ bộ chỉ huy tiểu đoàn.  Mãi gần trưa liên đội B mới hoàn tất việc thay thế vị trí của liên đội A.  Đường tiến sang mục tiêu 2 không có gì khó đi.  Nhưng dấu vết địch dẫy đầy, toàn dấu mới.  Vừa đổ dốc được vài phút, Trung đội 3 đã chạm địch. Địch bắn trước, nhưng may mắn quân bạn không ai trúng đạn.  Nửa trung đội đi bên trái lại vớt được một tên VC, tịch thu một AK báng xếp.  Trung đội 3 của Thiếu úy Biện lại lập chiến công lần nữa!  Từ khi Thiếu úy Đặng hữu Duyên, trung đội trưởng Trung đội 1 thuyên chuyển khỏi đại đội này cách đây vài tháng, thì anh thiếu úy trẻ tuổi, đẹp trai, con nhà giàu Đinh quang Biện (khóa 25 TĐ) trở thành sĩ quan trung đội trưởng thâm niên nhất của đại đội tôi.  Thiếu úy Biện là trung đội trưởng duy nhất mà tôi dám cho đi "sô lô" một cánh riêng, xa hẳn ban chỉ huy đại đội trong những lần hành quân diều hâu quanh Pleiku.  Anh Biện là một sĩ quan rất can trường và bén nhạy lúc chạm trận.  Thêm vào đó, anh là người chỉ huy rất mát tay.  Mặc dù mỗi khi hành quân, Trung đội 3 thường chạm địch nhiều hơn các trung đội khác, nhưng cả năm nay chưa có người lính nào dưới quyền anh tử trận.  Kỳ này vào trận mới ba ngày, mà Trung đội 3 đã chạm địch ba lần.  Trên ve áo tên cán binh Việt Cộng mới bị giết có cái quân hàm bằng nỉ màu đỏ, hai sao vàng trên một gạch vàng.  Tên VC này là trung úy thủ trưởng của C17 Trinh Sát/E 24.  Tôi báo cáo tin này cho Hoàng Mai rồi chuyển gấp lên cho ông quyển sổ ghi danh sách toàn bộ Đại đội C17 Trinh Sát/ E 24 để phòng 2 quân đoàn cho người xuống lấy.  Tới tối, Hoàng Mai cho tôi biết kết quả khai thác tài liệu tịch thu được trưa nay xác nhận rằng, từ ngày vào vùng tới giờ đã có trên mười tên VC bị Đại đội 1/11 BĐQ loại ra ngoài vòng chiến.  Tiếc rằng sau mỗi lần chạm địch, tôi đã không chịu khó mở rộng vòng kiểm soát kết quả; vì vậy tôi tưởng chỉ có bốn tên địch bị giết trong ba lần chạm súng.
Dừng Quân Bên Đường        Ngày N+3, tôi được lệnh tiến chiếm mục tiêu 3.  Mục tiêu 3 nằm về hướng bắc của chúng tôi.  Mục tiêu là cái khoanh tròn bao trùm một đỉnh núi có cao độ 1485 mét.  Tên ngọn núi này là Chư Pa.  Vì không rõ trên núi có nước hay không, cho chắc ăn, tôi ra lệnh mỗi người đem trên vai hai ngày cơm vắt cùng một bi đông nước dự trữ.  Quân tôi lên đường từ khi trời còn mờ sương.  Qua một cái thung lũng rất sâu chúng tôi bắt đầu leo.  Đường dốc đứng, đá xanh, cạnh sắc như dao.  Mỗi khi bản đồ ghi một vòng cao độ phình ra thì đó là một ngọn đồi.  Ngọn đồi nào cũng vĩ đại.  Cây rừng cao lắm, mà tàn lá thì đan nhau che kín ánh nắng mặt trời.  Địa thế hoàn toàn không đúng với bản đồ. Địa thế khác hẳn những chi tiết ghi trên bản đồ.  Khi băng ngang những dãy đồi kế tiếp nhau trên cao độ 1200 mét tôi cứ nơm nớp lo sợ bị tập kích bất ngờ.  Lối mòn chằng chịt, đầy dấu xe thồ, dấu giầy vải, dấu dép râu.  Đại đội tôi đi đơn độc.  Đại đội 3/11 còn nằm lại với bộ chỉ huy tiểu đoàn nơi chúng tôi đóng quân đêm trước.  Cánh B đã vào vùng hoạt động riêng của họ hướng tây nam. Tôi báo mọi tin tức thu lượm được về tiểu đoàn.  Tôi xin anh Đàm cho pháo binh Mỹ đánh tập trung trên những hỏa tập dự phòng hướng tây. Tới trưa thì chúng tôi vượt qua khu nguy hiểm.  Chúng tôi lên tới những vòng cao 1300. Lan rừng quệt trên nón sắt. Không thể ngờ rằng trên cao như thế mà trong rừng đầy khe, đầy suối.  Ban ngày mà răng chúng tôi đánh bò cạp, lạnh run. Phía trước có ánh sáng trên cao.  Sắp tới đỉnh núi! Một mảnh trời xanh xuất hiện từ từ.
       Chúng tôi chui khỏi rừng già, ra tới một vạt cỏ tranh.  Cỏ tranh vây quanh chân một tảng đá xanh.  Tảng đá xanh trước mặt tôi là đỉnh Chư Pa cao 1485 mét.  Tôi leo lên tảng đá để dễ bề quan sát địa thế. Bố quân xong, tôi dùng cái lưỡi lê M16 của Binh nhất Phạm công Cường khắc lên mặt đá những dòng chữ sau đây:TA LÀ VUA (dòng đầu), Trung Úy VƯƠNG MỘNG LONG (dòng thứ nhì), ĐĐT/ĐĐ1/TĐ11/BĐQ (dòng chót).  Thời 1966 mới tới Pleiku, tôi hay lang thang ở sân nhà thờ "nhìn" những con chiên dễ thương của Chúa đi dự lễ sáng Chủ Nhật.  Trong sân nhà thờ có bức tượng Chúa Kitô với dòng chữ "TA LÀ VUA" dưới chân ông.  Tôi mê dòng chữ đó quá. Từ đấy, trên những cái hộp quẹt ZIPPO của tôi, tôi đều thuê thợ khắc "TA LÀ VUA" ở một mặt. Mặt kia khắc cái đầu cọp và ba chữ tên tôi "VƯƠNG MỘNG LONG".  Nay có dịp khắc tên mình lên đá, tôi cũng lặp lại những dòng chữ trên.  Cái đỉnh núi này chưa có ai đặt chân tới, tôi chinh phục được nó, tôi xác nhận chủ quyền của tôi đối với nó thì cũng là chuyện hợp lý thôi!  Những năm sau, tôi đã nhiều lần bay ngang qua đây, nhiều lần đóng quân trên đỉnh ngọn núi này.  Đầu năm 1971 tôi đã đổ bộ TĐ 4 Mike-Force của tôi xuống đỉnh Chư-Pa.  Chúng tôi xuống dốc, lục soát men theo bờ đông sông Pơ-Kô tới thác Yaly rồi tiến về trại Lệ-Khánh (Pơlei Kleng).  Lần chót, vào tháng 6/1973 tôi nằm năm ngày trên vị trí này để dễ liên lạc truyền tin với toán viễn thám của binh nhất Mok (Viễn Thám/ Phòng 2/BCH/BĐQ/ QK2).  Những dòng chữ tôi khắc trên đá vẫn còn đó.
       . . . . .

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire