caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

jeudi 24 avril 2014

Những Điều Ghi Nhớ Mãi Trên Đất Bắc, tác giả Mạc Thiên - Phần 2 -





Đọc bài lần trước
 http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/04/nhung-ieu-ghi-nho-mai-tren-at-bac-tac.html


Những Điều Ghi Nhớ Mãi Trên Đất Bắc
 
“Nhớ Đào Quốc Đương, Hiến và Tiến”
- Phần 2 -

Mạc Thiên


Mùa đông năm 1977, nhiệt độ được thông báo là 1.7 độ, mặt hồ se lại như muốn đóng băng, chúng tôi vẫn phải đi lao động bình thường, lương thực, thực phẩm vẫn chỉ là sắn luộc và canh sắn (sắn được luộc cho nhừ, quậy ra cho nát, cho chút muối, nên gọi là canh sắn thực phẩm). Ngày ấy tôi mới thấm thía được ý nghĩa câu thơ “nỗi cơ cháy ruột, nỗi hàn xé da”.

Đêm lạnh cóng, chúng tôi không thể nào ngủ được, ngồi quây nhau quanh đóng lửa giữa lán, tựa vào nhau mà ngủ. Gió rít qua phên nứa, ào ào trên tàng cây. Có những lúc có một sự thèm muốn mơ hồ là được nằm im trong lòng đất ... ấm. Mùa đông năm ấy, 7 người trong chúng tôi đã ra đi, đã được giải thoát trong lòng đất...


Thực tình, tôi không muốn nhớ lại những thống khổ của những năm tháng đã qua. Mọi điều, dẫu khốn cùng thế nào chăng nữa thì đoạn đường chông gai đã vượt qua, khi nhớ lại, bỗng dưng trở thành những kỷ niệm thân thiết. Vậy mà 9 năm trên đất Bắc, kỷ niệm trở thành nỗi kinh hoàng trong những giấc mơ vùi đã trở thành nỗi ám ảnh trong suốt một đời người còn lại.

Cho đến tận bây giờ, khi nhìn thấy củ sắn, cả người tôi bỗng dưng nổi gai ốc. Trận say sắn, đã 21 năm trôi qua, vẫn còn nguyên cảm giác cũ. Tôi đã từng đọc “Người tù khổ sai” của Henry Charière, song so với chúng tôi, với những ngày lưu đày trên đất Bắc, Henry quả nhiên vẫn còn tốt phước hơn lũ chúng tôi nhiều lắm, bởi ngoài những nhục hình đày ải về thể xác, chúng tôi còn phải chịu đựng những đàn áp khốn nhục ở cả tinh thần.

Gánh gạch đúng một tuần lễ, chúng tôi được trả về trại. Chuyến cuối cùng của những viên gạch cuối cùng, tôi đi ngang qua căn nhà lụp xụp của người đàn bà già nua, đã đặt biết bao nhiêu hy vọng vào đoàn quân trở về giải phóng miền Bắc, và sự tuyệt vọng của không chỉ một mình bà, tôi nhìn thấy bà ngồi trên thềm cửa ngơ ngác nhìn theo. Trong suốt bao nhiêu năm trời, không lúc nào tôi quên được hình ảnh đó. Cho đến tận hôm nay, trên mảnh đất tự do này, hình ảnh đau khổ, xỉa xói, mắng chửi của người đàn bà tuyệt vọng ấy không lúc nào nguôi ngoai trong lòng tôi.

Q bị chuyển trại một cách đột ngột, vội vã và vị ngăn cấm tiếp xúc với các trại viên khác, khiến cả trại xôn xao. Dường như chúnng tôi bị phát giác là đã liên hệ với ông TỮ, nhưng sao chi có mình Q mà không có biện pháp gì đối với tôi, hay là chỉ mình Q đối với mối giây liên hệ với Mận mà tên quản chế bị Mận khinh bỉ hôm chợ phiên đã khiến y theo dõi để trả thù? Nhưng tại sao không điều tra tôi về những việc làm của Q? Cũng may là khi về đến trại, hoặc ở chỗ đông người, chúng tôi đã giả tảng như không hề thân thiết. Nhưng dẫu lý luận thế nào, tôi cũng đã hết sức cảnh giác, nhất là tôi nhìn thấy ánh mắt lấm lét của tên Bẩy, đội trưởng đội 6, tên mà chúng tôi đặt là “Bẩy xe lửa” vì suốt ngày y thường la hét đội viên để lấy điểm với quản giáo.

Tôi nằm giữa hai người, anh Nguyễn Ngọc Hồ và Phan Đệ. Chiều hôm đó, thừa lúc vắng người, Đệ nói nhanh với tôi:

- Anh phải cẩn thận, quản giáo Ba ra lệnh cho em và anh Hồ phải theo dõi anh từng chút đấy!

Tôi có hai người bạn thân, Đương và Tiến từ hôm xuống tàu “Sông Hương” ra Bắc ngày 11.06.1976. Chúng tôi luôn ở bên nhau, từ trại T4 Xuân Hồng đến T3 Yên Bái, nhưng được ba tháng, kể từ khi về T3 AH. 800, chúng tôi bị tách rời, tôi đội 6, Tiến đội 4 và Đương đội 5 rau xanh. Tiến và Dương tính tình trầm tĩnh, giàu nghị lực, kiên trì và cương mãnh, rất chí tình với anh em, tận tụy với mọi người. Tôi thì xốc nổi và bất chấp, nên đôi lúc thiếu sự cẩn trọng. Đương cao lớn, mà tiêu chuẩn trại giam cấp chỉ đủ cấp cho một đứa trẻ lên 10 sống vất vưởng. Tuy nhiên, bên cạnh Đương còn có Hiến, hiền hòa và rất mực yêu thương Đương (cho đến tận hôm nay). Đó là ba người duy nhất trong trại mà tôi dám thổ lộ tâm sự.

- Mày vớ vẩn bỏ mẹ! Quyển sổ nhỏ của mày sao chưa đốt mẹ nó đi, còn giữ làm gì trong người? Mày chép cục c... gì trong đó vậy? Không phải là kế hoạch Bravo của chúng ta chứ?!

Tôi nhỏ nhẹ đáp lại cơn bực bội của Tiến:

- Đời nào tao lại ghi cái đó! Chỉ có mấy bài thơ!

Tiến gắt:

- Thơ cái con c...! Thơ là linh hồn lẩm cẩm của mày! Thôi đưa cái linh hồn ấy cho tao giữ!

Tiến toét miệng cười.

Tôi giao cho Tiến cuốn sổ, Tiến cười:

- Tao phải dấu thơ mày dưới háng!

Quyển sổ mỏng nhỏ tôi viết chữ li ti như con kiến vào những lúc lang thang một mình trên núi cao với mẫu bút chì còn dấu được. Đương thì bảo tôi:

- Cậu là cái đinh của Đặng Quang Ba, cậu phải hết sức cẩn thận, ráng nhẫn nhịn!

Đặng Quang Ba là tên quản giáo cực kỳ gian ác. Ngày hôm sau cũng không thấy gì, ngày sau nữa thì cả trại được lệnh sửa soạn chuyển trại, lệnh rất chi tiết, căn dặn trại viên đừng bỏ sót đồ đạc, vì khi ra khỏi trại thì không thể trở vào khi trại đã bàn giao cho ban chỉ huy mới của một trại di chuyển từ Thanh Hóa đến, vì..... Tôi suy nghĩ rất lung, chưa bao giờ chúng tôi được báo trước bất cứ một cuộc chuyển trại nào, vậy thì họ muốn gì, do đó, tôi chỉ sửa soạn mang theo số đồ đạc cần dùng. Quả thật, ngày hôm sau, từng đội ra khỏi trại, đến từng nơi khác nhau, và bắt đầu cuộc kiểm nghiệm. Tất cả cởi bỏ hết quần áo, xổ tung hết đồ đạc, xét từng miếng giấy thuốc lá, từng đường tơ kẻ tóc... và vì thế, tập thơ mỏng của tôi lọt vào tay quản giáo đội 4.

Tất cả trở về trại, sinh hoạt bình thường. Khi bị cật vấn, tuy Tiến khai là lượm được, nhưng rồi họ cũng tìm ra chủ nhân. Hai ngày trôi qua, đến lúc này có lo lắng cũng vô ích, tôi bình thản chờ đợi... Qua ngày thứ ba, tôi được lệnh ở nhà “ làm việc”, hai chữ “làm việc” hiền hòa, thế mà bất cứ ai bị truyền đạt đều không khỏi lo âu. Người “làm việc” với tôi khoảng trên 40 tuổi. Y chắc chắn là một cán bộ cấp cao của Đoàn 776, đang cắm cúi xem tập thơ mỏng của tôi, làm như cố ý không biết tôi đã vào phòng. Một lúc sau, y ngửng đầu lên, nhìn tôi trừng trừng. Không hiểu sao tôi bỗng toét miệng cười. Gương mặt y xám lại khi thấy tôi lại dám cười, nghĩa là không sợ hãi; đúng ra thì tôi cũng đổ lỳ, đến đâu thì đến. Y đập bàn quát:

- A! Anh lại còn cười được à! Anh là thằng phản động, phản động trong tư tưởng, trong lời nói, phản động trong mắt nhìn, phản động trong cả nụ cười! Hừ! Chuyên chính sẽ nghiền nát anh như cám bụi!

Tôi nhìn thẳng vào mắt y, vẫn giữ nụ cười:

- Vâng, thưa ông! Cám ơn ông! Nghiền làm đôi cũng biến thành cát bụi, thậm chí không cần nghiền cũng biến thành cát bụi. Nghiền nát ra mất công lắm!

Tôi chờ đợi sự phẫn nộ của y, quát nạt của y, nhưng bỗng dưng tôi thấy y thoáng bối rối trong mắt, cơn phẫn nộ của y đột ngột giảm xuống, khuôn mặt y trở lại bình thường, nếu không nói là nhu hòa; giọng y nhỏ nhẹ:

- Anh ngồi đi!

Y chỉ chiếc ghế đặt xa chiếc bàn làm việc:

- Nào, ta làm việc chứ!

Y hỏi thăm tôi về gia đình, tôi nói tôi không nhận được tin tức gì về gia đình cả. Y cười:

- Chắc thư anh viết ướt át quá, vi phạm nội qui qui định nên không được gởi đi. Chúng tôi cũng là con người, chúng tôi cũng có những cảm xúc giống như anh, nhưng lúc này, anh phải gạt bỏ mọi tình cảm cá nhân mà dồn nỗ lực vào “sự nghiệp” cải tạo bản thân, và chính sự lao động, rèn luyện trên mọi khía cạnh là thước đo sự tiến bộ của con người, và cũng chính đó, và chỉ duy nhứt điều đó anh mới sớm được trở về đoàn tụ với gia đình.

Y bóc gói thuốc Thăng Long mời tôi. Tôi từ chối.

- Thuốc Thăng Long là thuốc ngon nhất của ta đấy, sao anh không hút?

- Chính vì ngon nhất nên tôi không dám hút!

- À! Anh sợ ghiền nó à! Tôi có thì hút, không thì thôi, vả lại lâu lâu mới được tiêu chuẩn. Anh hút thuốc lào chứ?

- Thưa vâng!

- Thuốc An Thái cũng khá, phải không?

- Thưa, với chúng tôi thì sao cũng ngon cả!

- Ái chà! “Hút tàn hơi thuốc, gục đầu say! Âm thầm bố dấu đôi dòng lệ. Giây phút thần tiên buổi sáng đây.” Anh hay khóc lắm à?

- Vâng, vì nhớ con. Vả lại cũng tùy lúc.

- Chỉ thế thôi sao?

- Vâng! Chỉ thế!

- Tôi cũng mong là như thế! Chỉ như thế không thôi anh cũng đã bị coi là không tiến bộ rồi đấy! À này, cái lão TỮ phản động ấy, anh thấy thế nào? Cái lão ngồi đan lát lối bên bờ rừng ấy!

- À, thưa có phải cái lão già loắt choắt im lìm như chiếc bóng ấy? Chả bao giờ y nói năng gì, đến cả nhìn chúng tôi y cũng chẳng nhìn, chắc lão ta căm thù chúng tôi lắm?

- Ừ, thì hầu hết nhân dân đều căm thù các anh, trừ những tên phản động. Không đợi tôi trả lời, y cầm “tập thơ” của tôi giơ lên, nhứ nhứ trước mặt tôi. Tôi cũng giả bộ vui mừng được nhìn thấy nó. Y nhìn tôi đăm đăm:

- Anh nhận ra nó chứ?

- Thưa vâng! Tôi đánh rơi hơn nửa tháng, tôi tìm mãi mà không thấy.

- Những bài thơ này anh nghĩ thế nào?

- Thưa ông...

Y giơ tay:

- Gọi tôi là cán bộ!

- Vâng, thưa ông cán bộ...

Y vừa thoáng vẻ hài lòng, vừa làm ra vẻ khó chịu:

- Thôi được, anh nói tiếp đi!

- Tôi vẫn phải được đánh giá là phải cải tạo để trở thành con người. Vậy thì tôi đang tiến bộ, vì chỉ con người mới biết đau buồn, thương nhớ. Nụ cười, tiếng khóc là nét đặc thù mà chỉ con người mới có được!

- Được, nhưng anh phải nhớ rằng anh đang là ai! Thương thương, nhớ nhớ, vợ vợ, con con... là tiêu tan ý chí cải tạo. Nếu chúng tôi cũng nhớ thương, rên rỉ... thì làm sao đánh đuổi được hai đế quốc sừng sỏ...

Tôi chen vào:

- Thưa ba đế quốc đấy ạ!

Y nhìn tôi đăm đăm:

- Đế quốc nào nữa?

- Đế quốc Tàu phù!

Y cau mày. Tôi chịu đựng cái nhìn của y. Bất chợt y hỏi:

- Anh biết điều gì? Ai cho anh biết?

- Tôi có biết gì đâu! Với tôi, từ quá khứ, hiện tại và tương lai, bọn Tầu luôn luôn là một tên đế quốc, chẳng bao giờ chúng từ bỏ ý đồ xâm lược đất nước ta.

Y nhắm mắt lại, rất lâu, dường như y suy nghĩ lung lắm, một lát, y mở mắt và đầu se sẽ gật gù:

- Hôm nay anh có thể về. Anh báo với cán bộ quản giáo cho anh nghỉ ba ngày để làm việc, bảo tôi nói thế.

Những ngày sau, cường độ gay gắt của y đột nhiên giảm xuống, tôi không hiểu tại sao, mãi sau này tôi mới hiểu ra rằng thời điểm mà tôi trả lời viên cán bộ đó, đúng vào lúc biên giới Hoa Việt đang ở trong tình trạng căng thẳng. Buối chiều ngày thứ ba, vừa trọn ba ngày “làm việc” với tôi, thái độ của y hoàn toàn thay đổi. Tôi không thể tin vào nhận xét của mình về thái độ của y. “Đừng bao giờ nhận xét người qua hiện tượng mà phải xét vào bản chất”, tôi luôn luôn, và cho đến bây giờ, vẫn nhớ câu nói này của những người cộng sản.

Thấy tôi vẫn dè chừng, y mỉm cười quan sát:

- Anh giữ thái độ dè chừng ấy là đúng. Với chúng tôi, những người cộng sản, không bao giờ tin vào những hiện tượng, nhưng bản chất thì không bao giờ thay đổi, hay nói đúng hơn, phải luôn luôn cảnh giác trước mọi hiện tượng. Xum xoe, xu nịnh, bợ đỡ... chỉ là những hiện tượng hầu đánh lừa người khác, làm sao chúng tôi có thể tin được những hạng người như thế, những người nói một đàng, làm một nẻo. Cải tạo chỉ là cách nói, chúng tôi biết thừa đi rằng chẳng bao giờ có thể cải tạo nổi các anh, thế nhưng chúng tôi vẫn xử dụng nó, một thứ trả thù, đày đọa, tiêu diệt dần mòn được che đậy bằng ngôn từ. Mọi người đều nói giống nhau rằng “tôi hoàn toàn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của đảng và chính sách khoan hồng của nhà nước”. Thế nhưng có bao nhiêu người tin như thế - không một ai - kể cả những người khởi xướng việc áp đặt niềm tin ấy. Chỉ có anh, anh sống thật với ý nghĩ của mình, thực chất, đó là điều tốt. Thế nhưng, tôi khuyên anh một điều, muốn tồn tại dưới chế độ này, anh phải nói như thật những điều anh biết là không thật, và giả tin vào những điều anh không hề tin. Anh có quyền tự do suy nghĩ, vì chẳng ai thần thánh gì mà đọc được ý nghĩ riêng tư của anh, nhưng anh không được phép nói lên những ý nghĩ ấy với bất cứ ai, ngay cả với chính mình!

- Vậy thì hóa ra tất cả đều lừa người và dối mình?

- Thì đúng như vậy! Và đó là con đường để tồn tại.

Tôi cau mày hỏi y:

- Vậy thì làm sao ông dám nói thật với tôi ý nghĩ của chính ông?

- Có gì lạ đâu anh bạn! Vì tôi biết anh không dám nói lại với bất cứ ai điều này, nhất là lại nói về tôi, một đại tá quân đội nhân dân, một đảng viên đảng CSVN hơn 20 tuổi đảng, một người khét tiếng về mặt chuyên chính vô sản, một chính ủy có toàn quyền mọi quyết định về mặt chính trị. Anh hiểu rồi chứ?

Tôi cúi đầu im lặng, vì không biết nói gì nữa, không dám nói gì nữa. Tiếng nói của y bỗng nhỏ hơn:

- Tôi đọc thơ của anh, quả thật những vần thơ đã làm tôi xúc động, những vần thơ đích thực là thơ mà đã hơn 30 năm tôi không được đọc, những vần thơ mang tính người đích thực. Tuy thế, tôi không thể trả lại anh tập thơ này, vì nó sẽ trở thành tai họa cho anh. Tôi tin rằng anh có thừa trí nhớ để viết thơ trong óc của chính anh.

Y đưa bao Thăng Long mời tôi:

- Anh hãy dùng điếu thuốc này, của một con người mời một con người.

Tôi đỡ lấy điếu thuốc lá và châm lửa từ chiếc bật lửa của y. Hơi thuốc thấm vào người tôi ngọt ngào hay là bởi những điều khác? Tôi thầm hỏi.

Điếu thuốc vừa tàn, gương mặt y trở lại lạnh lùng:

- Anh có thể về đội, tiếp tục lao động. Đảng luôn luôn khoan dung đối với những người lầm đường như anh, biết tội lỗi, phấn đấu cải tạo để sớm trở thành công dân lương thiện.

Y giơ tay xiết chặt tay tôi, bàn tay ấm nóng, nhưng khuôn mặt và đôi mắt lạnh lẽo như gió bấc.

Tôi không chào y, lặng lẽ bước ra khỏi cửa, lần từ bậc thềm, đếm được 39 bậc, một sự trùng hợp ngẫu nhiên với con số 39 điều nội qui qui định của trại mà chúng tôi phải học thuộc lòng.


(Còn tiếp phần 3)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire