caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 4 mai 2014

Ly bia Lambic bên kiến trúc Nouveau


Tôi bị cuốn hút theo những cánh cửa sổ và các hành lang có kiến trúc “xoắn lạ” trên những dãy phố hun hút dài ở thủ đô Brussel - Bỉ, nơi được gọi là thiên đường của chocolate. người Bỉ luôn tự hào về các kiến trúc “xoắn lạ” gọi là nghệ thuật theo trường phái Nouveau trong xây dựng thịnh hành vào cuối thế kỷ XIX.
Bảo tàng bia Cantillon

Kiến trúc tuyệt đẹp tại quảng trường trung tâm thành phố
Tôi lang thang đến bảo tàng bia Cantillon ở số 56 đường Gheude để khám phá hương vị bia truyền thống của người Bỉ. Có khoảng hàng trăm loại bia được sản xuất ở xứ sở này, nhưng người Bỉ vẫn yêu chuộng hương vị bia Lambic và xem như là loại bia truyền thống của mình.
Những vách gỗ được làm bằng cây sồi của bảo tàng đưa tôi quay ngược quá khứ vào những năm 1900 của vùng đất Anderlecht khi ông Paul Cantillon đưa ra một loại thức uống mới với tên gọi chung là Lambic. Dòng bia Lambic với nhiều sản phẩm khác nhau như Kriek, Faro, Gueuze đã làm “say” không biết bao nhiêu người Bỉ.

Thiên đường chocolate
Tôi mua vé với giá 7,3 EUR để được đưa đi vòng quanh bảo tàng giới thiệu công nghệ làm bia Lambic theo kiểu cha truyền con nối của gia đình ông Cantillon. Anh Adriaan, nhân viên bảo tàng giới thiệu sơ lược cho tôi công nghệ làm bia từ những trái đào, cách thức lên men và ủ, cũng như cách bảo tồn trong những thùng gỗ như thế nào để bia ngon hơn.
Lambic vẫn giữ nguyên hương vị từ ngày đầu đưa ra thị trường dù thời gian có cuốn đi mọi thứ. Khi mùa anh đào đến, những trái anh đào được lựa chọn và phân loại đồng nhất về độ chín để lên men. Để hương vị của Lambic ngon hơn, ông Cantillon đã thêm vào hoa của cây bông cầu (hop) để lên men. Dung dịch chiết xuất sau khi lên men chứa đựng trong những thùng gỗ sồi và được phơi dưới nắng trong vòng một năm trước khi tung ra thị trường.
Gần đây, hương vị Lambic đã có thay đổi chút ít khi nhu cầu thị trường cần có thêm vị ngọt. Đường được thêm vào trong quá trình lên men. Tôi ngất ngây khi được dùng thử những hương vị và màu sắc khác nhau của các dòng sản phẩm Kriek, Faro, Gueuze sau một vòng tham quan bảo tàng. Mỗi sản phẩm đều mang hương vị rất lạ, khó quên.
Kiến trúc xoắn lạ Nouveau
Có nhiều kiến trúc nghệ thuật theo nhiều trường phái khác nhau trang điểm cho bộ mặt của Brussel. Trong số ấy, không gì có thể sánh bằng nghệ thuật Nouveau mà người Bỉ luôn tự hào là kiến trúc rất riêng của chính họ. Tôi lang thang đến ngôi nhà cũng chính là bảo tàng ở số 25 đường Américaine để ngắm nghía qua những kiến trúc xoắn lạ theo trường phái Nouveau. Bảo tàng này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Brussel đôi khi còn được gọi là thành phố của nhân vật trong phim hoạt hình bởi có rất nhiều nhân vật trong phim được vẽ trên đường phố
Victor Horta là kiến trúc sư người Bỉ đầu tiên giới thiệu đến công chúng nghệ thuật Nouveau vào cuối thế kỷ XIX và từ đó nó trở thành trào lưu nghệ thuật mới trong việc áp dụng những chế tác từ sắt, thủy tinh và đá cẩm thạch trong việc trang trí nhà cửa.
Tôi bị cuốn hút theo dãy cầu thang xoắn lạ khi bước vào bên trong bảo tàng. Không gian bảo tàng nho nhỏ nhưng lại có sức hút mãnh liệt qua từng món đồ trang trí được bày biện trong không gian phòng khách, phòng ngủ cho đến phòng ăn. Chúng là sự kết hợp hài hòa giữa những viên gạch cắt theo hình dáng nghệ thuật khảm trên tường với những đường cong đen của sắt hay theo sự phức hợp giữa kiến trúc Maison du Peuple của Pháp từ năm 1895 và nghệ thuật Nouveau.
Ngôi nhà được Victor Horta xây dựng từ 1898-1901 và cũng là nơi ông làm việc để có nhiều ý tưởng cho nghệ thuật Nouveau. Không chỉ được sử dụng trong việc kiến trúc nhà cửa, nghệ thuật Nouveau còn được các nghệ nhân người Bỉ áp dụng trong việc tạo ra những món nữ trang tuyệt đẹp.

PHỤ NỮ ONLINE

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire