caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 14 juin 2014

Truyện Ngắn Ngày Từ Phụ "Càng già càng dẻo", tác giả *Bút Xuân Trần Đình Ngọc




Trong bài viết này, tác giả có đề cập đến chuyện đánh Tổ Tôm và đánh Chắn. anh chị nào có biết thú đánh này xin chia sẻ thêm.
Tôi sẽ post thêm articles này qua trang Blog tiếp theo vì nơi đây chúng ta nên dành cho bài viết của anh Bút Xuân muốn chia sẻ.

 http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/06/anh-to-tom-clip-cach-choi-to-tom-phan-1.html
Mỗi lần đọc những câu chuyện của anh Bút Xuân viết , tôi khám phá ra những thói quen của những người thời anh sống ở nơi quê hương anh và thỉnh thoảng có những đặc sản thời bấy giờ.
Caroline Thanh Hương

Truyện Ngắn Ngày Từ Phụ

Càng già càng dẻo

*Bút Xuân Trần Đình Ngọc


Ông Tịnh bảo thằng con lớn:
“Xuyên, giấy tờ về Việt Nam của ba đã xong chưa, con?”
“Thưa ba, chỉ còn cái Visa nữa là xong. Các giấy tờ khác con đã lo đâu vào đấy cả rồi. Khoảng cuối tháng là ba có thể lên máy bay.”
Ông Tịnh kéo cái điếu thuốc lào lại gần. Ở Mỹ nhưng ông vẫn kiếm được điếu thuốc lào và thuốc lào từ ngày về Việt Nam lần trước. Có gì đâu. Ông lên chợ Bến Thành lựa mua một cái, thôi đủ mọi kiểu, đủ mọi loại, lớn nhỏ, đẹp xấu chứ không như ngày xưa chỉ có vài loại bát, vài loại điếu. Đây là cái điếu men sứ Giang Tây, không thấy để nơi làm, cả cái bát tròn to như cái tô loại lớn người bán nói 30 đô-la. Kia là cái điếu mà bát điếu làm toàn bằng trúc mầu vàng ngà, trông rất đẹp, có cái xe điếu cũng bằng trúc dài thoòng ngồi cách điếu cả mét cũng vẫn hút được nếu có người hầu cầm đóm cho bi thuốc cháy. Còn nhiều kiểu điếu và bát điếu khác nữa, sang hèn đều có, người mua tùy ý lựa.


Ông Tịnh lựa cái điếu men sứ Giang Tây, thứ này dễ chùi rửa và tiện lợi là nó gọn chứ không như kiểu điếu ống trúc, thứ này phải nhà quan có sẵn thằng hầu mới dùng được. Ông Tịnh chưa phải thứ quan quyền đó, mua làm chi? Để mang cái điếu với hai bánh thuốc lào sang Mỹ, ông Tịnh   bỏ chúng vào thùng quần áo gửi máy bay. Thế là từ đó, bầu bạn với cái điếu, cái mà năm xưa ông đã hút liên tục nhiều năm từ lúc mới 14 tuổi đầu. Cũng vì hút thuốc lào quá sớm, có lần, năm ông 17 tuổi, sáng đó, hút một điếu đầu ngày ông đã say thuốc không biết trời đâu đất đâu, nằm vật ra bếp, bàn tay trái quờ vào bếp than cháy sém, giờ hãy còn để lại một vết sẹo lớn trên mu bàn tay. Như vậy còn là đỡ. Chị Sa, con ông bác họ cũng say thuốc lào buổi sáng, đâm đầu vào bếp làm cháy một bên má. Vết sẹo để lại to tướng.

Từ hôm có cái điếu thuốc lào, ông Tịnh bỏ hẳn thuốc lá. Xuyên thấy ba kéo điếu, anh ta lại gần kéo ghế ngồi bên cạnh ông Tịnh, bật quẹt, hơ cái đóm tre vào lấy lửa rồi trao cho ông Tịnh khi ông đã đặt mồi thuốc vào nõ, ngón tay giữa bàn tay trái đang dặt dặt bi thuốc, tay kia cầm cái xe điếu sẵn sàng. Tay ông đón lấy cái đóm đang cháy từ tay Xuyên, đặt ngọn lửa vào nõ điếu, nhắp vài cái cho lửa bén mồi thuốc rồi kéo một hơi dài, nước trong điếu réo lên một hồi dòn tan “lóc cóc, lóc cóc” nghe vui tai. Ông Tịnh ngả người thở khói nhìn lên trần nhà, khoan khoái. Ông bảo Xuyên:
“Anh em chúng mày hút thuốc lá nhiều quá, không tốt. Nếu không bỏ được thì hãy cứ tập hút thuốc lào như ba cũng xong. Thuốc lào khói đi qua nước, bớt nóng và bớt hại hơn thuốc lá. Nó lại cũng rẻ tiền. Bánh thuốc lào mấy đô-la hút chết bỏ, mấy tháng mới hết chứ thuốc lá, chính phủ tăng mãi thuế lên, hút tốn lắm.”

Rồi ông cầm bình trà nóng rót ra một tách, nâng lên uống. Trà này là trà Blao, chú em gửi sang biếu ông. Nhớ hồi còn thanh niên, ông vẫn pha trà cho bố. Trà lúc đó là trà Mạn Hảo, thành phố Nam Định có rất nhiều vì lái buôn từ mạn ngược như Tuyên Quang, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn tải về. Ông pha trà cho bố rồi tập uống, nghiện lúc nào không hay. Mỗi ngày phải một cữ trà mới tỉnh táo làm việc được, không thì hai con mắt cứ díu lại. Ông nhớ lúc đó dân chúng hay đọc câu ca dao:

Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà Mạn Hảo,  xem nôm Thuý Kiều

Xem Nôm Thuý Kiều thì ông cũng hay xem vì có một dạo, thập niên 40, nhà nào cũng có một quyển Kiều, người ta đọc Kiều cho nhau nghe, bàn tán, rồi ru em, bói Kiều, Kiều lẩy khiến nhiều nhà mô phạm, luân lý (như cụ Huỳnh thúc Kháng...) ra mặt chê bai rằng đó là cuốn tiểu thuyết ai, dâm, sầu oán, đạo, dục tăng, bi, chỉ làm hại thanh thiếu niên, xem làm gì nhưng ai chê cứ chê, người thích đọc cứ đọc. Xem thế, dù thực dân Pháp đang đô hộ nước ta nhưng người dân vẫn có quyền tự do đọc hay không đọc truyện Kiều hoặc bất cứ sách nào! Chuyện ấy tuyệt đối cấm kỵ dưới chế độ của ông Hồ nhưng có cái mâu thuẫn là người Pháp không khua chuông đánh trống về hai chữ tự do trong khi ông Hồ hứa đi hứa lại độc lập, tự do, hạnh phúc trên bất cứ văn bản nào, ngay cả tấm vé thuế chợ. Nhưng rầu rĩ thay, lúc làm thì trái lai hoàn toàn!

Trở lại với câu ca dao, ông Tịnh biết đánh tổ tôm nhưng ông không thích bằng đánh chắn. Sau 1954 vào Nam, ông vẫn đến nhà mấy người bạn gầy hội chắn, có khi đánh suốt hai ngày cuối tuần. Được thua chẳng bao nhiêu vì góp ít nhưng đỡ ghiền.
Cửa chợt mở. Ông ngó ra thấy Xang, con trai út của ông vào nhà:
“Thưa ba.” Xang chào.
“Hôm nay mày không đi làm sao, con?”
“Con nghỉ buổi chiều, ba.” thấy Xuyên ngồi đó, Xang hỏi:
“Có anh Xuyên đây sao ba không hỏi giấy tờ về Việt Nam của ba?”
Xuyên đáp ngay:
“Anh mới nói là cuối tháng này, ba có thể lên máy bay.”
“Làm gì mà cả tháng vậy anh Xuyên?”, Xang thắc mắc, “Nghe nói bây giờ xin mau lắm.”
“Mau cũng phải cả tháng. Ấy là ba đã nghỉ hưu và không thiếu thuế thiếu má gì chứ người đang đi làm, đang có income, lại phải lo thanh toán thuế đâu đó rồi mới về được.”
Xang nói với ông Tịnh:
“Kỳ này về, ba ở bao lâu, hả ba?”
“Cũng còn tùy. Để xem “tình hình” ra sao. Vui vui thì ở vài tháng, không thì ở ba tuần.”
Xuyên nói chận đầu ông Tịnh:
“Phải má còn má đi cùng với ba thì ba mới nên ở lâu chứ má không còn, ba chỉ nên ở ba tuần là phải.”
Sở dĩ Xuyên nói vậy vì từ lần về trước, mới cách đây có tám tháng, ông Tịnh coi mòi muốn tục huyền.
Vợ ông bệnh nặng hơn năm, qua đời gần hai năm nay. Lúc đầu, ông vừa đi làm vừa săn sóc vợ với sự giúp đỡ của mấy đứa con và chồng hoặc vợ chúng. Bà Tịnh bị bệnh phổi có nước, càng ngày càng suy kiệt, cuối cùng ông phải xin nghỉ hưu để ở nhà săn sóc vợ.
Nhưng rồi bà Tịnh cũng ra đi dù y khoa ở Hoa Kỳ tối tân và một nhóm 6 bác sĩ đã hết sức cứu bà. Bà mất đi để lại cho ông Tịnh và đám con cháu biết bao buồn phiền, thương tiếc, nhớ nhung nhất là bà hãy còn trẻ, chỉ mới ngoài sáu chục.
Có người bạn H.O với ông Tịnh  khuyên ông về Việt Nam chơi một chuyến cho khuây khỏa. Ông bàn với các con, đứa đồng ý, đứa không, nêu ra đủ mọi lý lẽ, rốt cuộc nghe bạn bè rủ mãi rồi ông cũng về.
  
Chuyến ấy ông Tịnh chỉ ở lại Việt Nam 29 ngày, theo đúng luật lệ, vì ông còn lĩnh chút tiền già bù vào tiền hưu. Ông đã đi làm ở Mỹ được 10 năm nhưng vì lương thấp, tiền hưu thua tiền già Cali vài trăm, chính phủ bù cho ông vài trăm đó cộng thêm 20 đô-la phụ trội.
Từ chuyến đó đến nay, ông Tịnh luôn luôn nhắc đến chị Nhiễu. Khi nhắc đến chị Nhiễu, coi bộ ông rất vui như các cháu nội, cháu ngoại ông bỗng dưng được bánh kẹo bất ngờ. Cũng lắm lúc, Xuyên thấy ông ngồi thừ người, nhìn mãi vào một vật trước mắt như khu vườn, cái trần nhà hay gốc cây cổ thụ bên kia đường, trầm tư mặc tưởng. Rồi ông thở dài não nuột: có lẽ ông buồn.

Mấy đứa con ông không hiểu tại sao ông có con đàn cháu đống mà còn buồn nỗi gì? Cháu ngoại còn ở cả Việt Nam vì Hiền và chồng là Thịnh, Hảo và chồng là Uy, hai cặp vợ chồng này có  8 đứa con, khi ông bà được đi chương tình HO thì Hiền và Hảo không thể đi theo vì đã lập gia đình.
Chỉ Hạnh và Hiếu, sang Hoa Kỳ đổi tên Mỹ là Wendy và Vicky, vì chưa lấy chồng, được phép đi với ông bà, hai cô con gái nhỏ nhất này hiện vẫn còn độc thân. Riêng Xuyên và Xang, hai anh con trai thì đi chui, mỗi anh mất 20 cây vàng, ông bà Tịnh phải cắn răng vay tứ tung cho chúng đi kẻo chúng phải đi đánh nhau bên Cămpuchia, nhiều phần không trở về. Có tin nói cả trăm ngàn lính VN sang chết bên đó.

Xang mới lấy vợ mấy năm nay, con còn nhỏ. Vợ Xuyên nhờ đi với cha mẹ đẻ, đưa được cả bốn đứa con đi, đứa lớn, con Kathy đã vào Đại học.
Sáu đứa cháu nội, cộng thêm 4 bố mẹ chúng, hai cô con gái nhỏ nhất và ông Tịnh tổng cộng là 13 mạng lớn nhỏ. Những ngày lễ, ngày Tết, ngôi nhà ba phòng của ông Tịnh dường như bé hẳn lại. Trẻ con, người lớn chật một nhà, bằng ấy cái miệng của những đứa cháu la lên, ré lên thì ồn ào hơn một cái chợ. Đông vui vậy, ông Tịnh còn buồn làm sao được?

Ấy vậy mà ông vẫn buồn. Buồn âm buồn ỉ, buồn thấm buồn thía, buồn hơn chấu cắn. Nguyên nhân cái sự buồn của ông nó rất giản dị như hai cộng hai là bốn nhưng chẳng ai biết, chẳng ai hay. Có thể có người biết, có đứa con của ông biết nhưng chúng cứ vờ như không biết, để mặc cho ông đắm đuối. Chúng không nghĩ đến hạnh phúc của ông một tí nào. Hễ ngồi với chúng là y như chúng giở luân lý giáo khoa thư ra khuyên.

Đây là lời Xuân vợ Xuyên, đứa con dâu trưởng:
“Con thấy mấy ông bà già thời nay ở Mỹ quá hay đấy ba. Ông chết vợ, bà góa chồng, sáu mươi, sáu mấy có, bảy mươi, bẩy mấy có mà ông bà nào cũng sống độc thân vui tính như ba ấy. Có người mai mối bảo họ đi thêm bước nữa thì họ nói, có mà thèm vào, ở một mình với con với cháu lại không sướng sao, đeo thêm một cái đuôi nhiều chuyện lắm.”

Ông chưa kịp phản ứng thì con Wendy, đứa con gái áp út:
“Chèng ơi, chỉ có tụi con với ba là biết rõ ba không có ai nữa, phải không ba? Ba thương má vậy thì làm sao ba ở với ai được? Mà cũng đúng thôi, nào có ai hơn má tụi con đâu ba nhỉ?”
Hai đứa con dâu và hai đứa con gái cùng một luận điệu như nhau. Làm như chúng bảo nhau nói một ý kiến, “kiên định” một lập trường, chúng ca tụng những ông bà già chết vợ hoặc chết chồng ở vậy, không tục huyền, tái giá. Chúng cho những ông bà già này lên mây xanh để các ông bà khoái. Đôi khi có người tục huyền hoặc tái giá thì chúng bỉu môi, bỉu mỏ rằng những người đó yếu linh hồn, rằng chưa đến lúc đâu, chỉ vài, ba năm là biết tay nhau ngay. “Đối phương” (tức những người các ông bà đó lấy làm vợ, làm chồng) không khá đâu. Họ “phản thùng” một cái là khốn nạn hết!”

Ôi chao, cái bọn trẻ này chúng có ăn mặn đâu mà biết thương đến mèo, chúng có nằm co ro giá lạnh suốt đêm như ông đâu mà biết tâm sự cô đơn của ông. Đứa nào cũng no vợ đủ chồng, nhà cửa rung rinh, con cái đề huề làm sao chúng thông cảm cho ông già góa vợ nằm chèo queo như con chó Kiki  mỗi đêm chờ sáng, thao thức, trằn trọc mong có một lời yên ủi, một giọng nói yêu thương, một cái nhìn vuốt ve, một sự săn sóc nhỏ nhỏ cho ấm lòng. Chúng cứ nghĩ ông già này được sung sướng, đầy đủ, thỏa mãn hết mọi thứ. Nào là thức ăn dư thừa, phòng ngủ tráng lệ, DVD, TV, Internet... chẳng thiếu thứ gì nên chẳng cần phải nghĩ ngợi gì nữa. Chúng có biết đâu, lòng trâu cũng như lòng bò, ông già có hơn chục đứa cháu, gần chục đứa con nhưng thực ra không đứa nào giúp được cho ông điều mà ông đang cần, điều mà dân dã gọi là:

   Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông!

Phải, trời sinh ra thế. Có đàn ông phải có đàn bà, có dương phải có âm, có trống phải có mái, xưa nay lẽ trời là thế, con người làm khác thế nào được? Ngay trong kinh thánh bên Công giáo, Đức Chúa cũng phán:

      Người đàn ông ở một mình không tốt!

Chẳng cứ đàn ông, đàn bà ở một mình thì tốt với ai?
Nghĩ chán về con, về cháu, đầu óc ông Tịnh lại quay ra nghĩ về Nhiễu.

Nhiễu xưa kia đã có chồng, có con. Có lẽ Nhiễu hơn Xuyên khoảng dăm tuổi. Nhiễu là con gái đầu lòng  ông bà Lượng. Hồi xưa, thời Việt Nam Cộng hòa, khi ông Lượng làm thư ký cho sở Bưu Điện Sàigòn thì ông Tịnh làm kế toán cho Nhà Đèn Chợ Quán. Hai người biết nhau vì ông Tịnh thường ra Bưu điện gửi thư bảo đảm cho khách hàng nên quen. Sau đó hai ông cùng đi nhà binh, không gặp nhau nữa. Tháng 8-1985, sau khi đi tù cải tạo về, ông Tịnh đưa gia đình về Định Quán, cái huyện lị nhỏ trên đường Sàigòn đi Đà Lạt để làm ăn sinh sống vì nhà cửa đã mất cả thì thực ngẫu nhiên, vợ chồng ông Lượng và con cái cũng đang ở Định Quán. Ông Lượng đã mua đất làm nhà, quay ra buôn bán.


Chợ huyện Định Quán là một ngôi chợ rất đông người mua bán. Ông bà Tịnh mở một tiệm chạp phô ở đầu phía này chợ  thì cô con gái lớn ông bà Lượng, cô Nhiễu cùng với chồng, anh Vấn cũng mở một tiệm chạp phô ở đầu kia ngôi chợ.

Khách ai nấy bán, việc ai nấy làm, cả hai tiệm chạp phô trong một ngôi chợ không có gì đụng chạm, mất lòng nhưng lại có lúc nhờ vả lẫn nhau. Thí dụ chị Nhiễu có mối mua 5 thùng dầu tây nhưng tiệm chị chỉ còn 4, chị sang tiệm của ông bà Tịnh hỏi:
“Thưa chú cô, cháu thiếu một thùng dầu tây cho khách mua sỉ, cháu muốn vay chú cô 1 thùng. Mốt cháu đi cất hàng cháu sẽ đưa sang trả chú cô.”

Ông bà Tịnh rất sẵn lòng để giúp những chuyện ấy. Nhưng chẳng bao lâu, bà Tịnh lại thiếu 200 viên đá lửa cho một mối mua 1,000 viên. Sang tiệm của Vấn-Nhiễu, ông Tịnh nói:
“Cho chú vay 200 viên đá lửa chú cần giao cho người ta. Vài bữa chú đi Sàigòn mua về trả.”
Thế là Nhiễu hoan hỉ đi lấy đá lửa cho ông Tịnh mang về.

Sống cùng khu với nhau lại cùng nghề với nhau như vậy cho đến năm 1994, gia đình ông bà Tịnh được đi diện HO, sang Hoa Kỳ. Lúc chia tay, ông Lượng đã mở tiệc đãi gia đình ông Tịnh và chúc thượng lộ bình an. Sở dĩ ông Lượng không được đi Mỹ vì ông chỉ bị tù hơn 2 năm mà Hoa Kỳ qui định là phải ít nhất 3 năm mới được xét đơn.

Sang Hoa Kỳ rồi, hai gia đình ông bà Tịnh và ông bà Lượng vẫn còn thư từ liên lạc qua lại rất thân tình. Thỉnh thoảng có người về, ông Tịnh cũng gửi chút quà Mỹ như chocolat, nho khô, bánh, bơ, phó-mát v.v...về biếu ông bà Lượng và gia đình chị Nhiễu.
Hai năm sau, ông bà Lượng bị một tai nạn xe, chiếc xe Dream của ông đang trên đường từ Dầu Giây về Định quán thì bị một chiếc xe vận tải đi cùng chiều ép vào lề đường, xe ông Lượng sa xuống hố, ông bị nứt sọ, bà cũng hôn mê. Tài xế xe tải sau khi gây tai nạn bỏ chạy, không ai nhớ được số xe. Người đi đường chở ông bà Lượng vào trạm xá Dầu Giây nhưng ông chết trên đường đi còn bà hai ngày sao cũng qua đời.


 Ông bà Lương có đông con gái và con trai nhưng ông Tịnh không biết đứa nào vào đứa nào mà chỉ để ý có chị Nhiễu. Chị Nhiễu buôn bán giỏi giang, tháo vát, thông minh, nhậm lẹ. Chị Nhiễu cũng xinh nữa với khuôn mặt rất có duyên, hàm răng đều, trắng lúc nào cũng sẵn sàng một nụ cười nên ai gặp chị dù khó tính đến đâu cũng thoải mái, hài lòng. Chị Nhiễu đã sinh 5 đứa con với anh Vấn nhưng ăn diện vào, đố ai bảo chị đã có 5 con và tuổi ngoài bốn mươi. Người ta bảo chị chỉ khoảng ba mươi. Chị Nhiễu vào Sàigòn với cha mẹ từ hồi di cư năm 1954, lúc chị còn quá nhỏ mới khoảng 5 hay 6 tuổi. Rồi chị được đi học ở trường công  Lạc Long Quân ở Chợ lớn, học mãi cho đến khi mẹ chị bị bệnh, chị phải nghỉ vào cuối năm lớp đệ tam tức lớp 10 bây giờ.

Nhờ có học, chị tính toán rất nhanh, mua hàng mua quà cả xe nhưng chị ghi vào giấy rồi tính ra cái phóc. Sau đó chị đem so với hóa đơn của người bán, thấy giá tiền y như của chị, mười lần như cả mười.
Diện mạo, tính toán thì thế mà ăn nói, đối xử, chị Nhiễu cũng hơn người. Chị có giọng nói rất truyền cảm, đàn ông nghe như cung đàn, lịch sự mà ấm áp. Ai đã nghe chị nói đều muốn nghe tiếp vì những lời nói của chị êm dịu, nhẹ nhàng, dù chị đang có chuyện gì bất bình.

Hồi còn buôn bán với nhau ở Định Quán, dù không nói cho ai hay, ông Tịnh vẫn thường nghĩ sao ông Trời lại chiều người thế, mà có người ông lại đày đọa thế?. Như anh Vấn, người thì thô kệch, tiếng nói như lệnh vỡ, môi thâm sịt như môi mấy thằng nghiện (a phiến) làm cái gì cũng quờ quạng, chậm lụt. Thực là không xứng đôi với chị Nhiễu chút nào.

Ông bà Lượng mất khoảng hơn năm vì tai nạn giao thông thì một biến cố quan trọng khác xẩy đến cho gia đình  chị Nhiễu. Anh Vấn bị sưng nhiếp hộ tuyến bí đái, phải vào nhà thương. Bác sĩ khám xong bảo riêng với chị Nhiễu, anh Vấn chỉ sống được trong khoảng 6 tháng trở lại.
Thực là một cái tin sét đánh, chị Nhiễu bàng hoàng cả người. Chị nói với bác sĩ cố hết sức giúp cho anh Vấn qua cơn bệnh và dù có tốn tiền thuốc, chị cũng vui lòng  chữa chạy cho chồng. Nhưng định mệnh đã an bài, chị làm sao cưỡng lại nổi. Khoảng bốn tháng rưỡi sau anh Vấn ra đi.

Sau khi làm đám ma cho chồng, nhân tiện hàng họ cũng ế vì có nhiều người ra bán, chị Nhiễu đưa 5 đứa con về vùng Ninh Phát, một ngôi chợ nhỏ cũng thuộc huyện Định Quán nhưng chếch về phía đông, phía Thủ dầu Một đi lên nếu tính từ Sàigòn. Chị mua nhà ở khu chợ, lại bán hàng chạp phô tại đó. Sở dĩ chị Nhiễu phải bỏ Định Quán vì nhiều người mở hàng chạp phô quá, cả mấy người Việt gốc Hoa ở Chợ lớn bị đuổi ra khỏi Sàigòn, chẳng biết đi đâu cũng di chuyển về Định Quán tá túc.
(còn tiếp)
Bút Xuân Trần Đình Ngọc

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire