caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mercredi 30 juillet 2014

TRÊN XỨ LÀO HUYỀN BÍ Đời sống thôn dã ( tiếp theo kỳ trước ),phần thứ 2

Đọc tiếp bài lần trước

http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/07/tren-xu-lao-huyen-bi-oi-song-thon-da.html




TRÊN XỨ LÀO HUYỀN BÍ

   Đời sống thôn dã  ( tiếp theo kỳ trước )

..... Ông cha và cậu con trai trên 16 tuổi đã dậy và sửa soạn các đồ trang bị để tùy theo mùa, lo việc đồng áng, cầy bừa hay cấy, đánh bắt cá ở dưới sông bằng cách quăng lưới, câu cần, hoặc vào rừng bắn chim, bắn sóc, bằng tên nỏ, đặt bẫy thú, heo rừng, con hoẵng, con mang, kiếm thức ăn thực vật, măng , nấm, quả dâu rừng, cho gia đình.


      Thỉnh thoảng họ đi vớt những tổ kiến càng, trên cây cao. Một chùm lá to kết lại thành ổ bịt kín, bên trong là trứng kiến trắng mọng, mềm nhũn, mang về làm thành món ăn quí giá, hiếm hoi, chua chua, cay cay. Hoặc có hôm gặp may tìm được một ổ nhiều con đuông trong môt bọng cây như cây thốt nốt bên ta, một giống sâu như con tằm nhưng to gấp ba, mình phì nộn lớn phình, vàng óng, bên trong chứa đựng chất lầy nhầy như óc heo, mang hấp lên ăn vừa ngọt vừa bùi. 

       Ngoài ra vì thiếu thức ăn  có chất đạm, họ chẳng từ nan bắt con kỳ nhông, kỳ đà, bằng cách đánh thòng lọng, bắt nhái bắt ếch, bỏ vào lửa nướng cho thơm khét, xé ăn với sôi ra vẻ thích thú.

       Cá đánh được nhiều, họ đem ướp muối bỏ vào lu mang ra phơi nắng nhiều ngày. Phần nước nhỉ ra như nước mắm bên ta, họ gọi là  Nạm Pả ( nạm : nước, pả : cá ), phần cái, họ gọi là  Pả đẹẹc ( pả : cá, đẹẹc : nắng ), để dành ăn dần. Phần khác, cá được moi ruột mang treo, phơi khô ngoài nắng, sau đem vào xấy trên bếp hong khói, cũng là món ăn thường ngày. 

       Họ vắng mặt trọn ngày, mang vỉ cơm nếp theo ăn trưa, có khi không sẵn thức ăn họ chỉ chấm sôi với muối, ớt, giã chung cũng đủ.


       Các trẻ nhỏ thức dậy sẽ vào chùa để theo các sư học chữ, học đọc kinh kệ bằng chữ Phạn, cho thấu hiểu đạo Phật và lễ giáo, vì làng ( gọi là : Bạn  ), cách nhiều cây số xa quận
( gọi là : Khoẻng ), nơi đây mới có trường tiểu học, hay thành phố ( gọi là Mường ) có trường từ tiểu học đến trung học.
       Kinh thường được ghi chép trên lá thốt nốt khô gằng cách xâm nhiều chữ Phạn trên nhiều tấm rồi xâu chỉ ở hai đầu đóng lại thành tập.
       Nếu con trai đã có vợ thì lúc đầu ở bên nhà vợ, cho đến khi có đủ tư lực, thường là lúc có con cái đã lớn có đủ năng lực làm việc trong nhà và ngoài ruộng nrẫy, họ mới rời ra dựng nhà ở riêng thành một gia đình mới. Khi người anh hay em đã có vợ chẳng may mất đi, thì người em hay anh trai chưa vợ có thể lấy người dâu góa bụa làm vợ mình, hoặc nếu không muốn, thì vẫn tiếp tục nuôi dưỡng săn sóc vì coi như thuộc vĩnh viễn trong gia đình rồi. Họ cũng cho phép chế độ đa thê, nhưng chỉ xẩy ra nơi gia đình nào khá giả, sung túc, cần nhân lực cho việc sản xuất. 

      Khi cần nhiều nhân công thu hoạch lúa ruộng hay dựng nhà, thì cả xóm kéo đến phụ lực. Tiếp theo là bữa ăn, nhỏ thì giết gà, vịt, nếu công tác ngoài đồng, lớn thì hạ heo, như khi dựng nhà, lợp mái, và luôn luôn có rượu để thưởng công, cho họ say sưa sau những buổi thí sức lực mệt nhọc.

      Ngoài công việc đồng áng, đánh cá, săn bắn, mỗi nhà đều có một thửa vườn nhỏ do phụ nữ chăm sóc để trông rau cải, dưa leo, mướp, gừng, nghệ, sả, cà, hành, ớt, và rải rác trên đất quanh nhà, các cây trái, mít, ổi, soài, chuối, cam, đu đủ, chanh, lại có vài liếp trầu để các cụ bà nhai ăn bỏm bẻm.
     Có khi ngoài xa hơn, trồng cây bông làm chỉ dệt vải, cây thuốc lá, cây mía, chỉ đủ dùng cho gia đình chứ không qui mô sản xuất cho thương mại, thêm gánh nước, nhặt củi cũng là việc dành cho phụ nữ. 
     Nhà nào nhờ đổi chác dư dã thì có thêm con trâu để cày bừa, hay hơn nữa, có đôi bò để kéo xe. Những đồ thực dụng còn thừa, họ đem ra chợ tỉnh bán, lấy tiền mua các thứ như xà bông, dầu hỏa, thuốc thang, dụng cụ nhà bếp, thuốc nhuộm đủ mầu, chỉ, sợi, nhưng thường thường chợ xa hằng năm, mười cây số hay xa hơn, nên đã có những bạn hàng người Việt đi buôn lẻ, đến các chợ ở dọc đường hoặc lặn lội đến tận thôn xóm xa xôi, mua, đổi nhiều thứ, mang về chợ tỉnh bán lại kiếm lời sinh sống. Những việc mua bán to tát như trâu, bò, lợn, thì đàn ông phải lo, và mọi quyết định, bàn luận giữa vợ chồng thì cuối cùng đàn ông đều gánh vác. Các người gìa lớn tuổi thì ở trong nhà trông nom, dạy dỗ cháu nhỏ. Thường thì họ là người được kính nể nhiều nhất.

      Giữa làng hay ở góc làng, một ngôi chùa lớn hơn căn nhà ở, được dựng trên mặt đất nền cao, chứ không đặt trên cột gỗ, có sàn như khi dựng nhà. Mái chùa kiến trúc theo kiểu cao, dài dốc xuống, nhác trông biết ngay không phải là nhà ở, thường cũng lấy phên nứa làm tường, các ống tre làm cột, nhưng nếu dân làng khá giả thì vách có thể bằng ván, cột cây. Chỉ có nơi quận hay thành phố mới thấy chùa xây bằng gạch, xi măng, mái ngói to và lớn hơn, chiếm một khoảng rộng có rào thấp vây quanh.
      Làng nhỏ thì chùa có một hay hai vị sư ( tiếng Lào : Khu Ba ) trụ trì, thêm vài chú tiểu. Làng lớn thì trong chùa có đến 6 hay 10 vị sư, nhiều chú tiểu, thông thường là nam giới, ít khi thấy nữ giới làm ni cô sống ở chùa. Nhưng đôi khi cũng thấy dáng dấp vài ni sư gọi là "nang sỉ "  ( bà vãi ) đầu cạo trọc, mặc áo cà sa trắng, không phải màu vàng như sư ông, bà chỉ lo việc thế tục trong chùa mà không đảm nhiệm các chức vị quan trọng.
      Chùa cũng là nơi hội họp dân làng, là thư viện chứa kinh sách, là nơi cho khách vãng lai tạm trú và là nơi sư ở. Tất cả vật sở hữu của sư chỉ có bộ cà sa vải màu vàng, một cái ô đồng để mang bên người đi khất thực, một cây dù, một túi sách và vài cây kim để tự khâu vá áo. Mỗi năm dân làng lạidâng đủ cho sư những vật cần dùng, thay thế cái hư rách, vào dịp sau lễ mùa chay ( 3 tháng ) gọi là Khầu Vặt Sả từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch. Trong những tháng này, các sư hoàn toàn chay tịnh, không phải làm việc gì ngoài sự tĩnh tọa và trầm mặc.

       Ngoài việc thờ phụng Phật, người Lào còn nặng lòng tin nơi thần quyền đã chi phối đời sống họ, nên việc cúng bái ma qủy cũng là việc thường xuyên. Ngay ở góc sân chùa luôn luôn có một cái chòi dựng lên làm nơi thờ cúng thần linh gọi là " Phỉ Bạn " 
( phỉ : thần , bạn : làng ) . Đủ các mặt, bốn phương, tám hướng, từ thần trời, thần đất, thần hỏa, thần thủy  đến 32 vị thần trong lục phủ ngũ tạng, nếu một trong những vị ấy mà thoát biến đi, là gieo bệnh họan cho người, vì mỗi thứ bệnh đều có môt vị thần cầm trịch, nên khi con người đổ bệnh, ngoài thuốc thang, còn phải làm lễ " Ba Sỉ " để rước thần về, gọi nôm na là lễ " Phuục Khoẻn " ( phụục : buộc , khoẻn : cổ tay ) , buộc chỉ trắng vào cổ tay để giữ thần lại mà ban cho đương sự súc khỏe, sự thịnh vượng và yên ổn. Người Lào coi mầu trắng là tượng trưng cho sự yên bình, tài lộc và cũng là sự êm ấm hoà đồng trong cộng đồng nhân loại.
        Đôi khi lễ Ba Sỉ này cũng mở ra để cầu nguyện cho những người sắp đi xa hay lúc trở về, hoặc vào lúc cưới xin hay lễ đặt tên cho con trẻ, cùng lúc cho người mẹ mới sanh con. Rộng ra, họ còn tin có những oan hồn uổng tử, sợ những thần rừng , thần núi, thần sông, thần ở lùm cây, bụi cỏ, nên người khách lữ hành thường phát hiện ở những nơi ấy có những bệ án nhỏ, có lễ vật hoa quả hay con gà luộc với mấy chén rượu, chứng tỏ có sự thờ cúng cầu viện đến sự bảo vệ của thần. Trong việc thờ cúng, ít nơi đốt nhang như ta nhưng chỉ dùng nến làm bằng sáp ong họ tự chế, hoặc bằng những cây đèn thắp sáng bằng dầu dừa, dầu lạc,

       Khi đi qua xứ Lào, vì có nhiều ấn tưọng như vậy, nên ta thường cho họ là một xứ đầy sự huyền bí, kể cũng không ngoa.


                                               Trần Trọng Thiện

                                                                    (  còn tiếp một kỳ  )

3 commentaires:

  1. Nhờ đọc bài viết của anh Trần Trọng Thiện , tôi mới hiểu rõ ý nghĩa của những lần được cột tay bằng những sợi dây chỉ trắng của những người bạn Lào.
    1 bài viết rất rõ đất nước và con người thật hay.
    Cám ơn anh Trần Trọng Thiện.
    Có 1 món rất cay là món cheo bon, tôi rất thích dùng và món lap, nếu anh có recette thì cho tôi xin nhé.
    Caroline Thanh Hương

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Chị Thanh Hương,

      Được chị cho biết là đã có nhiều quen thuộc với dân tộc người Lào, tôi rất mừng vì những bài tôi gửi về CÁT BỤI

      đã đến tay những người có quan tâm nhiều it đến xứ xở tôi mang đôi chút ý thức, nay được dịp gửi gấm đến những

      bạn đọc mà lại được chị là người đi đầu cổ võ cho viết thêm nữa , thật là một khích lệ lớn lao.

      Món Chẹo và món Lạp là hai món ăn của những gia đình khá giả, hay trên bàn ăn của những bữa tiệc đãi đằng

      khách quí , tôi chưa có cơ hội nói qua vì đang đi vào các bản làng mô tả nhịp sống ở đây . Nhưng cũng xin hứa là sẽ

      moi óc nhớ lại để gửi đển chị cái recette chị hỏi đó . Xin chị cho tôi một thời gian cần thiết , sẽ có ngay .


      T. T. Thiện

      Supprimer
    2. Cám ơn anh Trần Trọng Thiện .
      Có dịp hỏi thăm những cách thực hiện món Lạp, nhờ anh hỏi Lạp Gà và Lạp Bò nhé.
      Món anh gọi là Chẹo mà tôi gọi là Cheo Bon , rất công phu, bên tây thỉnh thoảng có thấy bán , nhưng rất đắt 1 keo bé tí thôi.
      CRTH

      Supprimer