caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

lundi 4 août 2014

Anh Em Ta Về Nghe kể chuyện Đại Hội Petrus Ký Âu Châu Hè năm 2014


PÉTRUS KÝ HÀNH KHÚC
(Phạm Mạnh Chương – Hè 1972)

***
Học sinh Trương Vĩnh  Ký quyết nêu sáng danh trường
Rèn nung tâm và trí vững bền nào sá chi
Học sinh Trương Vĩnh Ký sánh vai bước chung đường
Còn đây bao ngày tháng hãy luyện tô chí trai
Học sinh Trương Vĩnh Ký không  ngừng đường tiến tu
Quyết nối chí lớn bao người xưa
Học sinh Trương Vĩnh ký không sờn dù khó nguy
Quyết phấn  đấu mãi trên đường đời
Ngày mai xa trường cũ bốn phưong chí tung hoành
Dù nơi nao cũng nhớ mái trường đầy luyến thương
Rạng danh Trương Vĩnh Ký quyết noi tấm gương người
Làm sao cho nòi giống sáng ngời trên Á Đông ...


Kính gởi các Hội đoàn Bạn, Thầy Cô, Thân Hữu gia đình Petrus Ký,

Như mọi năm Đại Hội Petrus Ký thường niên kỳ thứ 20 được tổ chức trong 3 ngày cuối tuần, đầu tháng 7 / 2014.
Năm nay Đại Hội được tổ chức long trọng mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Hội (1995-2014) và mừng Thượng Thọ của 4 Thầy Cô trong Hội:
-       Thầy Hồ văn Thái (Pháp văn), 81 tuổi
-       Thầy Phạm Xuân Ái (Pháp văn), 80 tuổi
-       Cô Thiên Hương (Pháp văn), 80 tuổi
-       Cô Thu Hà (Toán), 80 tuổi



(mừng Thượng Thọ Thầy Cô)

Số người ghi tên tham dự lên đến 105 người, 1 số người ngủ hotel bên ngoài trại, 1 số Anh Em trong BCH phải nhường chỗ cho khách, ngủ trong phòng họp. Ngày thứ bảy, có thêm hơn 10 người „vãng lai“ đến tham dự buổi nướng thịt và đêm văn nghệ. Phái đoàn hùng hậu nhất đến từ Pháp với 19 người, xa nhất có 2 anh Petrus Ký đến từ Cali và Dallas.
Đặc điểm của Đại Hội Petrus Ký từ trước đến nay là số Thân Hữu Petrus Ký (không phải cựu học sinh Petrus Ký) lúc nào cũng chiếm hơn ½ số người tham dự và phần đông là những người đến lần đầu.



(Thầy Ái, thầy Quế và nhóm cựu học sinh / Mừng chiến thắng trận đấu túc cầu Đức – Pháp: 1-0)

Từ chiều thứ sáu ngày 04.07. mọi người đã tề tựu đầy đủ hơn mọi năm, có lẽ nhờ vào trận tranh giải túc cầu thế giới giữa 2 nước Pháp và Đức lúc 18:00 giờ cũng như sau đó là lễ mừng Thượng Thọ Thầy Cô, nên mọi người cố gắng về Trại sớm.
Năm nay phòng Cafeteria được tân trang lại rất đẹp, với màn ảnh tân kỳ, rộng lớn, các bàn ghế đều được thay đổi mới. Mọi người đều rất phấn khởi trước bối trí đẹp, rộng rãi của phòng Cafeteria và sau đó cùng thỏa mãn với kết quả trận thắng 1-0 của Đức (ngoại trừ phái đoàn đến từ Pháp !!!).





(buổi ăn chiều ngày đá banh Đức-Pháp)

Sau phần tự giới thiệu ngắn, nhưng rất chân tình của các tham dự viên, buổi tiệc mừng thượng thọ cho các Thầy Cô được bắt đầu với những hình ảnh kỷ niệm của các Thầy Cô được anh Phạm văn Hòa chiếu lại trên màn ảnh, những bài hát chúc mừng, những cái ly có khắc hình Thầy Cô với Logo của Hội, tượng Phật của anh Hoa Dũng Ninh (USA) tự khắc cũng như bao lì xì „cung hỷ“ và ổ bánh thật ngon & đẹp được thân tình trao gởi đến Thầy Cô.

Như mọi năm, buổi tối văn nghệ ngẫu hứng thứ sáu được kéo dài đến 2 giờ sáng với những bài hát, câu hò, chuyện tiếu lâm, … bên cạnh những chai rượu đỏ của Thầy Ái thân tình mang đến thật vui, thật đầm ấm !






(đêm văn nghệ ngẩu hứng thứ sáu)

Để tranh thủ đúng giờ ăn sáng, trước 7 giờ sáng thứ bảy, nhiều người đã tụ họp trước sân Trại để cùng với anh Minh-Châu luyện lập môn thể dục „Càn Khôn Thập Linh“; một số các Chị đã hẹn trước, cùng nhau bơi lội thoải mái trong hồ bơi ấm áp. Môn Tennis cũng được chiếu cố tận tình cho các Anh từ nhiều nơi xa xôi trên nước Đức, chỉ có dịp gặp nhau 1 lần trong dịp nầy để tranh tài cao thấp, số còn lại còn ngủ vùi vì cuộc vui đêm thứ sáu kéo dài.
Sau buổi ăn sáng, mọi người được đều động tụ tập trước sân chụp hình kỷ niệm (1 số còn lại đi dạo lâu đài Ronneburg không về kịp) trước khi chánh thức khai mạc Đại Hội Petrus Ký kỳ thứ 20 / 2014 trong hội trường.



Các Anh Em trong Ban Chấp Hành HAHPK/AC tuần tự đọc các lá thư đầy tình cảm của các Thầy: Nguyễn Thanh Liêm (USA), Trần Thành Minh (Vietnam), Phan Lưu Biên (Vietnam), Trang Ngọc Nhơn (Virginia/USA), các Hội đoàn bạn, gởi lời chúc mừng đến Đại Hội cũng như chúc mừng 4 Thầy Cô thượng thọ năm nay.
  




(họp Đại Hội Đồng ngày thứ bảy)

Anh Lê Trung-Trực trình chiếu những hình ảnh chọn lọc tiêu biểu cho mỗi năm, từ Đại Hội lần thứ nhất (1995) tại Hübingen với số người tham dự khiêm tốn, chương trình giản dị, đến những Đại Hội kế tiếp được tổ chức tại Ronneburg, với số người tham dự càng ngày càng đông đảo đến từ khắp nơi trên thế giới; chương trình Đại Hội càng đa dạng, phong phú hơn với những bài thuyết trình trong mọi đề tài văn hóa, y khoa, tín ngưỡng, xã hội, … những hình ảnh từ những đêm văn nghệ „cây nhà lá vườn“ lúc ban đầu, đến những buổi văn nghệ có chủ đề, rất quy mô, chuyên nghiệp.
Anh cũng không quên ghi nhớ lại những biến cố đau buồn xảy đến cho Hội về sự chia tay vĩnh viển của cô Lâm thị Cúc (Bỉ), anh Trần Thủ Danh (Cựu Hội Trưởng) và thầy Phạm Ngọc Đảnh.

Sau buổi ăn trưa mọi người có mặt tại Hội trường đông đủ để nghe anh Vũ Ngọc Yên thuyết trình về đề tài So sánh tiến trình thống nhất của Việt Nam và Đức“.
Anh Yên tóm lược lịch sử thành hình 2 chế độ Nam Bắc Việt Nam từ 1954 đến ngày miền Nam thất thủ 30.04.75 cũng như lịch sử Tây và Đông Đức sau thế chiến thứ 2 (1945) đến ngày bức tường Bá Linh sụp đổ 9.11.1989.
Hai quốc gia Việt, Đức cùng mang hệ lịch sử: lãnh thổ bị chia cắt sau chiến tranh, nhưng cả 2 quốc gia theo đuổi mục đích tái thống nhất đất nước qua 2 phương thức khác biệt:
-       Cộng Sản Bắc việt chủ trương đường lối bạo lực, phi nhân bản, phản dân chủ.
-       Cộng Hòa Liên Bang Đức tiến hành thống nhất 2 miền Đông Tây bằng phương thức hòa bình, nhân bản, dân chủ, đoàn kết, đặt quyền lợi tổ quốc trên ý thức hệ và quyền lợi đảng.
Anh Yên kết luận:
Thống nhất là mục tiêu cao cả, nhưng phương thức bạo lực, đàn áp, tù đày, … của Cộng Sản VN thực hiện, đã đưa đến thảm họa về nhân mạng và vật chất cho quốc gia, đẩy lùi đất nước; trong khi chính sách thống nhất đất nước của Đức được xem là 1 mô hình kiểu mẫu đưa đất nước Đức 1 ngày 1 tiến mạnh lên đến hàng đầu cường quốc, đáng đươc ngợi khen và kính nể.




(Thuyết trình viên: anh Vũ Ngọc Yên & anh Lâm Đăng Châu)

Bài thuyết trình thứ 2 với đề tài „Vài ý kiến về vận động bảo vệ Nhân Quyền tại Việt Nam“ được anh Lâm Đăng Châu gợi ý. Anh Châu nhắc lại bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các văn kiện về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc „Bảo vệ những người đấu tranh cho Nhân Quyền“, „Hội Đồng Nhân Quyền“ và các phiên họp „kiểm điểm định kỳ phổ quát“ thường xuyên của Hội Đồng Nhân Quyền về tình trạng vi phạm nhân quyền, trong đó có Việt Nam.
Anh trình bày về:
-       nguyên tắc hoạt động bảo vệ Nhân Quyền, các tổ chức Nhân Quyền là thành phần Xã Hội Dân sự, hoạt động công ích, đứng ngoài các khuynh hướng chánh trị.
-       Phương cách hoạt động giúp đở người hoạt động Nhân Quyền, trước và sau khi bị cầm tù trong các chế độ độc tài. Vận động quốc tế trả tự do cho họ, bảo trợ cho người hoạt động NQ bị bắt giử, giúp đở gia đình thân nhân cũng như nâng cao kiến thức về Nhân Quyền, kiểm chứng chính xác các thông tin vi phạm Nhân Quyền, …
Trong cuộc thảo luận sau đó, có thêm nhiều ý kiến liên quan đến việc chống tra tấn, án tử hình, vấn đề môi trường, môi sinh, nhà máy nguyên tử, công đoàn độc lập, … được mọi người hăng hái góp ý tích cực.

Năm nay buổi nướng thịt ngoài trời được tổ chức sớm hơn các năm khác, vì chương trình văn nghệ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội sẽ kéo dài hơn mọi năm.
Với 28 Kilo thịt và hơn 60 miếng Xúc Xích (Würste), hàng ký lô Salad, Tomate, hàng trăm ổ bánh mì, hàng chục thùng bia, nước ngọt, … đã được gần hơn 120 người tham dự cùng thưởng thức, ăn rất ngon miệng và hết sạch, không còn dư cho sau đêm Văn Nghệ như mọi năm trước !







(ăn chiều: nướng thịt)

Đêm Văn Nghệ với chủ đề „Ngày ấy – Bây giờ : dòng Thời Gian“ được bắt đầu đúng 20:00 giờ, như ý anh MC Sông Lô mong muốn.
Năm nay, ngoài các Ca Sĩ „thường niên“: Tuyết Dung, Nguyên Dung từ Paris, Thụy Uyển, Ái Thanh, Thanh Bình, Văn Thắng, Tuyết Lan từ Hannover, có thêm được sự tham dự lần đầu tiên của ca sĩ Mộng Trang (con dâu của thầy Phạm Xuân Ái) và Usha đến từ Paris. Nhóm văn nghệ của Ái Thanh có tăng cường thêm cô ca sĩ khả ái Thúy Lệ.
Với 26 tiết mục từ những bản tình ca, hát chèo, dân ca, vọng cổ, ngâm thơ, những bài vũ múa thật lạ và ngoạn mục của người Hờ Mông (dân tộc thiểu số VN), đến những bài hát thật mùi, thật sến đã đưa người nghe từ những ngạc nhiên, thích thú nầy đến những ngạc nhiên khác, ngây ngất như lạc vào cõi Thiên Đàng với những tiếng hát, điệu múa thật … „trên cả tuyệt vời“ !
[Thầy Ái khen nức nở buổi văn nghệ năm nay và là người Thầy cuối cùng ngồi xem đến cuối chương trình Văn Nghệ chánh thức chấm dứt lúc 12:30 giờ]
Chương trình Văn Nghệ „bán chánh thức“ được tiếp tục đến 2 giờ sáng ngày Chủ Nhật.
















Chương trình ngày thứ ba – sáng Chủ Nhật – sau phần thể dục „Càn Khôn Thập Linh“ cũng như bơi lội, Tennis, có thêm 2 bài thuyết trình của anh Dương Hồng Ân và anh Thành Brem.

Anh Dương Hồng Ân với đề tài „Làm gì khi về hưu ?“ đưa ra những viễn tượng của tuổi hưu, những vấn đề trực diện khi về hưu và gợi ý những hoạt động tránh và giãm bớt lão hóa như tham gia các hoạt động hội hè, đoàn thể, cộng tác xã hội dân sự theo điều kiện thích nghi.




(Thuyết trình viên: anh Dương Hồng Ân và anh Thành Brem)

Với đề tài „Việt Nam trước ngã 3 đường“, anh Thành Brem phân tích, trong cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo giữa Việt Nam và Trung Cộng, những khó khăn trong chọn lựa của đảng Cộng Sản VN: nếu đứng về phía của dân tộc, dân chủ thì sớm muộn gì cũng sẽ mất đảng, bằng ngược lại, đứng về phía của độc tài Cộng Sản, phía của Trung Cộng, hay nói cách khác là dựa vào bá quyền Trung Cộng để củng cố quyền lực thì sớm muộn gì cũng sẽ mất nước, mà mất nước là mất tất cả...
Hiện tại người dân trong nước đã nhận diện được đầy đủ hiểm họa do độc tài CSVN gây nên đối với dân tộc nên đã từng bước đứng lên, trước mắt là chống bá quyền xâm lược Trung Cộng và sau đó là độc tài CS ...v.v , do đó người VN ở hải ngoại phải đồng tâm nhất trí ủng hộ cuộc đấu trang đầy chính nghĩa của đồng bào quốc nội. Đây là một cơ hội lớn để đất nước ta, dân tộc ta chẳng những có thể thoát khỏi sự lệ thuộc vào độc tài bá quyền Trung Cộng mà còn thoát được ách cai trị độc tài độc đảng của đảng CSVN.

Sau mỗi bài thuyết trình đều có những cuộc thảo luận tích cực trong tinh thần dân chủ. Đây cũng là 1 mục đích chính của Hội nhằm trao đổi tư tưởng, kiến thức, học hỏi lẩn nhau để cùng tìm 1 con đường chính chắn cho mổi người.

Ba ngày Đại Hội Petrus Ký với đầy đủ 3 đức tính: Nhân – Trí -  Dũng, nồng ấm, thân tình qua mau, mọi người cùng anh Hòa nối vòng tay lớn với màn „Bánh Bao To Go“ không thể thiếu được, trước khi lưu luyến chia tay, từ giã Thầy Cô, bạn bè thân thương, cùng hẹn nhau gặp lại trong Đại Hội 2015 cũng vào đầu tháng 7 từ 03.07. đến 05.07.2015 .



(Chia tay với „Bánh Bao To Go“)

Petrus Ký tình thân.

Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Petrus Ký / Âu-Châu.

P.S.: Hình ảnh Đại Hội 20/2014 đã được đem lên Web Petrus Ký ( www.petrusky.de ) trong phần: Hình ảnh – Hình ảnh Đại Hội.





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire