caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 3 août 2014

TRÊN XỨ LÀO HUYỀN BÍ Đời sống thôn dã ( tiếp theo và hết), tác giả Trần Trọng Thiện

Tiếp theo bài viết lần trước

http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/07/tren-xu-lao-huyen-bi-oi-song-thon-da_30.html


TRÊN  XỨ  LÀO  HUYỀN  BÍ



          ĐỜI  SỐNG  THÔN  Dà (  tiếp theo và hết  )

 

.....Trở lại với nhịp sống hằng ngày, khi bà mẹ đưa trẻ con lên chùa vào học xong, hay sau khi đã dâng cơm cho sư, sãi khất thực là bà về nhà, cùng với con gái lớn mang đồ ra sông giặt rũ. Cô gái cũng đã
làm xong những công việc buổi sáng, quét sàn nhà, quét sân, hái quả, bắt sâu, tưới vườn rau, cho gà vịt ăn, giờ đã sẵn sàng đi với mẹ, tiến ra bờ sông hay bờ suối, nơi gặp mặt các cô phù sảo ( phù : người , sảo : gái ) xinh tươi khác để vừa chuyện trò cười cợt, vừa giũ xả những tấm vải mầu đẹp đẽ các cô mới dệt xong hôm qua, còn nặng mùi thuốc nhuộm.


      Ngày thường, ở trong nhà hay ra ngoài đường, các cô ăn mặc giản dị, chiếc sịn  ( váy ) dài chín tấc trùm qua khỏi đầu gối, chạy đường ngang mầu xanh đen thẳm, chiều rộng 1 mét 80 ôm vòng qua bên hông phải, xếp gập lại rồi ôm ngược về phía trước thành  một nếp, che phần bụng và chân, phần trên cùng vắt chéo vào phía trong, ngang thắt lưng. Thân mình phía trên
mang chiếc áo ngắn hở cổ, hở tay, trang phục tự các cô may mặc lấy.
     Không trang điểm phấn son hay mang các đồ nữ trang, nhưng hai tai cũng có sâu lỗ để đeo hoa khi có dịp.
      Đi chân đất, không mang giầy dép, trừ khi lúc ra tỉnh để xem lễ, tuy nhiên cũng tùy tâm trong lúc làm đẹp.
       Để tự nhiên, các cô vẫn giữ được vẻ duyên dáng hồn nhiên trời ban cho các cô ở tuổi dậy thì, thêm vào làn da bánh mật, đôi má ửng hồng, đôi mắt dịu dàng tình tứ, khiến cậu trai ( phu bao ) nào cũng say mê muốn kết thân.
      Thân hình đều đặn cân đối vì lao động hằng ngày, bắp thịt rắn chắc khiến người chững chạc, không ra vẻ yểu điệu thục nữ. Bàn tay thiếu chăm sóc, còn dính dấp màu thuốc nhuộm xanh đỏ, như lúc nào cũng bận bịu công việc. 
      Người đăm chiêu như đang lo hết việc này đến việc nọ, không còn trí óc
 để mơ mộng. Tóc dài, bới nằm xéo ở bên đỉnh đầu trông ra vẻ người lớn, tuy còn là thiếu nữ đương thì.
       Những hình ảnh ấy hòa vào khung cảnh thiên nhiên khiến người khách lạ cũng nôn nao so sánh với bao thiếu nữ mình đã gặp mà không khỏi bâng khuâng .
 
 
       Giặt vừa xonglà hai mẹ con thu xếp áo quần vải vóc vào thau để mang về phơi sào cho kịp nắng.
        Buổi cơm trưa cũng bắt đầu, cả nhà quây quần quanh chiếc mâm gỗ có những món ăn tùy theo mùa, mùa mưa thì rồi rào thịt rừng, cà mú, rau quả, nhưng sẽ hiếm hoi khi từ khoảng tháng ba đến tháng năm nắng hạn, những lúc ấy, đôi khi chỉ ăn sôi chấm muối ớt hoặc  nạm pả ( nước mắm ) hay chấm
pả đẹẹc ( cá mắm ), là món aa8n đã làm sẵn dự trữ từ trước.
 
        Xong bữa cơm, bà mẹ xoay qua mấy nồi thuốc nhuộm, cho chỉ vào, ngâm kỹ. Cô con gái bước xuống gầm sàn ở mặt đất, xem xét lại khung cửi bằng gỗ rồi ngồi vào dệt tiếp phần còn lại của cây vải, xọc xanh, trắng đỏ vàng, đủ mầu với những kiểu mẫu khác nhau.
        Khung cửi đặt trên nền đất, giữa khoảng mấy cây cột nhà, xung quanh khoảng trống, nắng rọi không tới, ngồi dệt gió thổi qua lại mát mẻ. Cô làm việc lặng lẽ, lòng vui vẻ nghĩ tới buổi gặp gỡ hằng tối mà bôn chon, gang chăm chỉ cho xong nốt những hang chỉ cuối, tay thoăn thoắt đưa thoi qua lại, chân mấp máy đạp lên đạp xuống lien hồi, thỉnh thoảng đứng lên nối lại sợi chỉ mầu đứt đoạn, cảnh tượng thật vừa êm đềm vừa linh hoạt.
 
        Con gà mái đang ấp trứng ở chuồng bên, bỗng dung nhẩy vọt ra khỏi ổ, vừa vỗ cánh, vừa kêu cục ta cục tác oang oang, có lẽ nằm mãi cũng bần than mỏi mệt, nên phải chồm dậy chạy rong đôi vòng rồi trở lại ấp nữa, phá tan cảnh hiu hắt của trưa hè, nắng chang chang, không một ai qua lại.
        Đôi khi có tiếng chày phầm phập lẻ loi đơn độc từ cuối xóm vọng lại, chắc hẳn nhà nào đấy chưa kịp dọn sẵn gạo cho bữa cơm tối, càng thấy cái nắng cháy da, tẻ vắng nặng nề.
 
        Nhưng cũng sắp đến chiều, cô gái đứng dậy dẹp gọn chỗ dệt vải, rồi sắp xếp các ống tre vào thúng, quẩy lên lưng, đi ra khe suối gần nhà hứng nước trong mát về đổ vào chum dùng làm nước uống và nấu ăn. Còn rửa ráy thì đã có nước sông, quẩy đôi thùng sô đi gánh ở dưới bến.
 
     Trời chiều, khi ánh dương vừa khuất bóng, là đã thấy từng đoàn các cô phù sảo lũ lượt kéo nhau ra sông thi đua đùa nghịch tắm táp. Các cô bỏ áo trên bờ, sau khi chiếc  sịn  ( váy ) đã được nâng lên cao, vấn chặt ngang nách,vừa đi chậm chạp từ bờ xuống nước. Khi mặt nước qua khỏi đầu gối, gần đụng tới
" sịn " là các cô ngồi xổm xuống, nâng " sịn " lên từ từ, vừa lết dần ra ngoài xâu, khi nước đã ngang nách là đưa vội chiếc " sịn " đặt lên đầu, rồi cứ ở tư thế ngâm người nửa trên nửa dưới như vậy mà dừng lại, kỳ cọ thân mình sạch sẽ, hay tinh nghịch tạt nước qua trái qua phải, làm ướt mấy bạn gần bên, rồi cùng nhau khúc khích cười lên vang dội.
 
      Mấy người phái nam vừa đi ruộng rẫy về thì chọn bến sông phía trên dòng
nước, nhào lặn, bơi lội, gột sạch bụi bặm, mồ hôi bám trên người, trên đầu, trên cổ, vẻ khoan khoái như trút được hết bao mệt nhọc của một ngày cần lao, lam lũ.
 
      Tắm mát, nghịch đùa, la hét chán chê, thì trời sắp tối, các cô phù sảo kẻ trước người sau với tay lên đầu nhẹ nhàng nâng tấm " sịn " thả xuống chầm chậm cho qua đầu, qua cổ, xuống đến ngang nách thì các cô từ từ đứng dậy,
mực nước xuống đến đâu thì  " sịn " xổ xuống đến đấy, để cuối cùng, lúc đứng dậy hẳn thì " sịn " đã được vắt chặt ngang nách che tới trên đầu gối, các cô bước lên bờ để lấy áo mặc vào.
 
      Khi mọi người về đến nhà thì bà mẹ đang lùa sôi trên mâm gỗ cho vào vỉ
( típ khầu ), dọn bữa ăn tối cho cả nhà.
 
      Đứng ngoài xa nhìn vào cảnh chiều làng, nhà nhà khói lam tỏa mờ trên nóc, trời xâm xẩm tối, thấp thoáng những chấm lửa bập bùng lọt qua khe vách, tiếng mõ lốc cốc của con trâu đang ngoặt ngoẹo đuổi muỗi, quang cảnh trông thật quyến rũ, khiến người khách giang hồ nào cũng phải mơ ước trông tìm có một tổ ấm mà hưởng giờ phút gia đình vui vẻ quây quần quanh mâm cơm, hàn huyên mọi sự trên, dưới, trong, ngoài, hầu quên hết những phiền toái vây quanh.


        Cơm tối xong, ông bà cha mẹ em út sắp quay vào phòng riêng nghỉ ngơi hoặc ngủ sớm, cô phù sảo còn một việc chót quan trọng là mang khung quay chỉ ra chỗ sân làng cạnh chùa, họp cùng một số các cô bạn khác.

        Ngồi quanh thành vòng cách xa đống lửa đã nhúm lên, các cô đang lặng lẽ, tay phải quay cái khung xe có giây trân máng vào ống suốt phía bên trái, vừa quay vừ đánh chỉ vào ống để ngày mai lắp vào con thoi, dệt những bức vải mầu sắc, khoe tài khéo của người con gái cần cù, chăm chỉ, nhẫn nại, đáng yêu, những đức tính cần thiết để thành người vợ đảm. 
        Bên cạnh các cô là các cậu trai làng ( phu bao ) , hay cậu trai lặn lội từ làng bên đến, trong tuổi kiếm bạn trăm năm, người cầm cái khèn ( kèn thổi bằng ống trúc ), trổi lên những giọng nỉ non, thúc dục. Người hát những câu vè đã thuộc, hoặc câu ca mình tự đặt để phơi bày lòng cảm mến với người thiếu nữ đối diện. Lời ca, câu hát không văn hoa nhưng bóng bẩy, đại để như :

            Phổn tôc têm thang
            Đọc bua têm tang
            Sảo noi têm tua
            Nọng mi phủa lử nhăng
Tạm dịch :
            Mưa đổ đầy đường
            Sen nở đầy hồ
            Cô em nhỏ đầy dối gạt
            Em đã có chồng chưa 

Hoặc khi tình đã ngập tràn, chàng hứa hẹn :

             Mặc noong the thẹ
             Sự phạ phe ma haỳ noọng hôm
             Noọng hôm kò bo đạy, 
             Sự khay cay ma hày noọng kin
Tạm dịch :
             Yêu em lắm lắm
              Mua khăn choàng về để em mang
             Em mang mà chẳng thấy vừa
              Mua trứng gà tốt đưa về em ăn

    Lời tình tự tỏ mọi sự tha thiết, chăm sóc sau này, nếu được nàng nhận mình làm chồng, khiến cô gái cũng lựa lời đáp lễ, hỏi han cặn kẽ gia cảnh của chàng, hiểu biết sâu rộng về chàng qua những câu đối thoại, trao đổi giữa những đêm trăng sao mờ ảo, bên ánh lửa hồng ấm áp, để cuối cùng chấp nhận về thưa với cha mẹ gây dựng cho lứa đôi. 
    Ít khi có sự ngang trái khi lòng đã gửi về ai nên cuộc hôn nhân sẽ thành khi cha mẹ đã quyết định chọn lựa chín chắn cho con. Cũng có xem tuổi đối chiếu có hạp hay tương phản do thầy tướng số giải thích. Cha mẹ sẽ định ngày lễ thành hôn, các phí khoản cho ngày lễ bên nhà trai phải gánh chịu và được đem trao cho nhà gái những tặng vật, thực phẩm, trầu cau và các vật phẩm khác.
    Ngày cưới được tổ chức ngay bên nhà gái dưới sự chủ tọa của các bậc cao niên và sư ông, có lễ " Ba sỉ " ( hay buộc chỉ tay : phuục khoẻn ) cho đôi vợ chồng , cầu nguyện điều lành.
    Tiếp theo là tiệc cưới chào mừng hai họ và thiết đãi dân làng, sau cùng là buổi nhảy múa "  Lăm vôông  " không thể thiếu đối với gia đình nào thuộc vào hàng khá giả.
    
    Lăm vôông là một điệu múa cổ truyền cho trai và gái được tỏ sự luyến ái.
    Phái nữ họp thành một vòng phía trong theo nhịp nhị, sáo, " khôông vôông ", " rang nát "nếu có, do các đoàn nhạc công lưu động trình tấu,  điệu  " khèn " thông dụng, người trai nào cũng biết thổi, mà vừa đi vừa soay người, đôi tay uốn theo, mềm dẻo, vừa nghiêng người về bên trái, lại ngả người sang bên phải.
    Phái nam làm thành vòng lớn phía ngoài, không đụng chạm tới phái nữ, nét mặt chăm chú, không biểu lộ tâm tình, nhưng cánh tay và bàn tay cũng múa tuơng tự, với những cử động đưa lên đưa xuống mềm mại, uốn éo, mô tả sự chân thành ái mộ.


     Sau đám cưới, người trai ở rể tại nhà gái, cùng chung một nhà với cha mẹ vợ hay có nhà riêng ở cạnh. Chú rể phụ giúp nhà gái trong nhiều năm làm công việc đồng áng cho đến khi vợ chồng thấy đủ khả năng ở riêng, lúc đó vẫn chung chăm nom mùa màng với cha mẹ vợ và chia phần thu hoạch. Đôi khi cũng có vợ chồng về ở với gia đình nhà trai ngay từ đầu, nhưng việc lo cho hai bên gia đình là thông lệ không hề thay đổi, như vậy cùng lúc họ có thể săn sóc người già và sau này sẽ chia sớt tài sản với anh chị em.
     Khi sanh con thì có lễ " Ba sỉ " cầu thần linh phù hộ sức khoẻ cho người mẹ, khi con được vài tháng thì có lễ
 " Ba sỉ " đặt tên cho con. Nhà sư sẽ tính theo chiêm tinh, chọn tên phù hợp lấy hoa lá, cây cỏ hay mầu sắc mà đặt theo. Theo nhận xét thì không thấy có họ như Trần hay Nguyễn bên ta, mà tùy theo cương vị trong xã hội sau này, con trai thuộc dòng cháu chắt nhà vua được dùng chữ "  Chạo " trưóc tên đặt, ví dụ : Chạo Bun Um,Chao Phetsarath, hay những người ở thành phố lớn, con trai được đặt " Thạo " trươc tên tục, như : Thạo Kốt, Thạo Bounleum, con gái gọi là " Nạng " , như Nạng Khămsouk, NạngPhounSàvẳn. Còn nơi các quận các làng thì con trai dùng chữ " Xiêng ", như Xiêng Thong, Xiêng Meng, hay  " Thịt " như : Thịt Đăm, Thịt Đeng, con gái gọi là " Sảo " như Sảo Pít, Sảo Ươm .




     Đêm đã khuya, đống lửa chập chờn nay chỉ còn là đám than hồng âm ỉ cháy. Các cô các cậu đã sửa soạn ra về gần hết, chỉ còn lại đôi nam nữ cố nán lại, ngồi bên nhau, kể cho nhau nghe qua lời thủ thỉ tâm tình, hẹn hò một tối gặp gỡ khác, đầy ước vọng mai sau .


                                        
                                                 Trần  Trọng  Thiện 
 
 
 
       

1 commentaire:

  1. Cám ơn anh Trần Trọng Thiện đã cho đọc 1 bài viết rất tường tận về nếp sống thôn dã người Lào.
    CRTH

    RépondreSupprimer