caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

lundi 18 août 2014

Vì mỹ nhân, có câu chuyện thâm cung bí sử về Tào Tháo...



(Thâm cung bí sử) - Là một nhà thơ tài năng trác tuyệt thời Tam Quốc, là đứa con trai được Tào Tháo sủng ái nhất thế nhưng chỉ vì mê đắm sắc đẹp của một người con gái đã có chồng, Tào Thực đã bị chính người anh trai của mình hiềm nghi, tìm mọi cách sát hại, cuối cùng đã phải chết trong sự u uất khi tuổi đời mới tròn 41…

1. Tào Thực (192 - 232) tự là Tử Kiến con trai thứ của Tào Tháo, em trai của Tào Phi. Thực tài hoa hơn người, giỏi thi phú, được coi là một trong những nhà thơ nổi bật nhất trong số các văn nhân thời Kiến An. Chuyện kể rằng, lúc Tào Tháo xây xong Đồng tước đài thì Tào Thực chỉ khoảng 10 tuổi.


Thế nhưng, khi nghe cha ra lệnh các con làm thơ để tán tụng, Tào Thực đã ngay lập tức làm xong bài phú Đồng Tước đài, khiến cha vừa mừng vừa kinh ngạc, bèn phong cho tước Bình Nguyên Hầu.

Ban đầu Tào Tháo đã định lập ông làm Thái tử, nhưng vì tính tình phóng túng, không phục tùng ai lại bị Tào Phi đố kỵ, xúc xiểm nên Tào Thực không còn được cha tin tưởng.

Sau khi Tào Tháo chết, Tào Phi và con trai là Tào Duệ tìm mọi cách để bức hại Tào Thực nhưng không được. Tuy nhiên, Tào Phi và Tào Duệ cũng đã sát hại những “cánh tay” của Tào Thực là Đinh Nghi, Đinh Dực đồng thời buộc phải rời kinh đô...

 Về sau, tuy được mang tước vương (Đông A vương, Trần vương), nhưng trong khoảng thời gian hơn mười năm dài, Tào Thực bị thuyên chuyển sáu lần với cuộc sống chẳng khác gì người tù bị giam lỏng.

Chính vì thế, vào năm 232, Tào Thực vì u uất nên mắc bệnh mà chết khi mới chỉ 41 tuổi.

Nhiều người nói rằng, sở dĩ Tào Phi đố kỵ và tìm mọi cách bức hại Tào Thực là vì tài năng của Tào Thực hơn hẳn so với Phi.

Sau này, dù đã được cha chọn làm người kế vị và tự mình lên ngôi Hoàng đế, Tào Phi vẫn lo sợ rằng Tào Thực sẽ có ngày lật đổ ngôi báu của mình. Chính vì thế Phi mới tìm cách giết Thực để trừ hậu hoạn.

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, thực tế, Phi giết thực không phải vì đố kỵ với tài năng của Thực, cũng chẳng phải vì lo sợ Thực đe dọa ngai báu của mình mà là vì ghen tuông.

Câu chuyện tình éo le giữa Tào Thực, Tào Phi và Chân thị chính vì thế vẫn được lưu truyền cho tới tận ngày nay.

Chân thị vốn là con gái của Thượng Thái Lệnh Chân Dật sinh vào năm Quang Hòa thứ 5. Tương truyền, khi mang thai Chân thị, mẹ cô là Trương thị một hôm nằm mơ thấy tiên nhân, tay cầm ngọc như ý đứng ở bên cạnh mình.


Khi Trương thị đến kỳ sinh nở lại thấy tiên nhân bước vào phòng, lấy ngọc như ý đặt lên trên người mình. Không lâu sau thì bà sinh ra Chân thị.

Khi mới lên 3 tuổi, Chân thị đã mồ côi cha. Hôm đáng tang Chân Dật, một người bạn cũ của Chân là Lưu Lương vốn là thầy tướng số tới dự, nhìn thấy mặt Chân thị bèn nói: “Cô con gái này có quý tướng tới mức khó tin được”.

Lúc bấy giờ đang trong lúc bối rối, hơn nữa Chân thị cũng còn quá nhỏ nên không ai nhớ tới lời tiên đoán của Lưu. Chân thị từ nhỏ tới lớn tính cách rất nhu mì, hiền thục nhưng cũng rất ít nói.

Một lần, năm Chân thị 8 tuổi, ở ngoài cửa nhà có đoàn diễn kịch, những người trong nhà đều lên lầu để xem chỉ một mình Chân thị không chịu đi. Chị em của Chân thị thấy lạ mới hỏi: “Già trẻ đều lên xem vì sao có mỗi em lại không xem?”.

Chân thị trả lời nói: “Đó là thứ mà con gái nên xem hay sao?”. Lên chín tuổi, Chân thị bắt đầu đọc sách, viết chữ. Do con gái không được đi học nên Chân thị phải mượn nghiên bút của các anh trai trong nhà.

Các anh trai thấy Chân thị là gái lại thích học chữ nên nói: “Em nên học thêu thùa chứ đọc sách viết chữ làm gì. Chẳng lẽ em muốn trở thành nữ tiến sĩ?”.

Chân thị trả lời rằng: “Người hiền thời xưa, chẳng có ai không học mà thành tài. Em nghĩ mình có thể thử. Không đọc thử sách thì làm sao biết mình có thể hay không?”.

Lúc bấy giờ xã hội loạn lạc, lại thêm mất mùa liên miên, trăm họ đành phải bán đi tất cả châu báu, vàng bạc có trong nhà để đổi lấy lương thực. Do gia đình họ Chân là gia đình giàu có nên nhân cơ hội này đã thu thập được rất nhiều vàng bạc, châu báu.

Chân thị thấy vậy thì nói với mẹ: “Nay thời thế loạn lạc vì sao mẹ lại mua nhiều vàng bạc thế? Chúng là thứ mầm gây nên họa đấy. Chi bằng mẹ hãy mang những lương thực trong nhà có sẵn mang cứu giúp những người láng giềng để cứu họ trong cơn hoạn nạn, tạo ân tạo phúc cho họ như vậy sẽ tốt hơn”.

 Cả nhà họ Chân đều cho rằng, Chân thị là con gái nhưng cách nghĩ thì chẳng kém gì đàn ông.

Đến tuổi trường thành, Chân thị được gả cho Viên Hy, con trai của Viên Thiệu. Viên Hy có vẻ như không biết thương hoa tiếc ngọc vì thế Chân thị đâm ra buồn chán, u uất, viết thành một bài thơ có tên là “Đường thượng hành”.


 Năm thứ 7 đời Hiến Đế nhà Đông Hán, Viên Thiệu có trong tay bốn châu là Ký Châu, Kinh Châu, U Châu và Thanh Châu. Tuy nhiên, trong trận chiến Quan Độ, Viên Thiệu bị Tào Tháo đánh bại.

Trong cuộc chiến đó, Tào Thực đã nhìn thấy Chân thị đang trốn trong một góc của miếu thờ thần Lạc Hà.

Thấy Chân thị xinh đẹp, Tào Thực thương xót nên tặng cho Chân thị một con ngựa trắng và một ít tiền để chạy về Nghiệp Thành. Chân thị cũng tặng cho Tào Thực một miếng ngọc bội quý mà mình luôn mang theo để trả ơn cho Tào Thực. Mối lương duyên của hai người bắt đầu từ đó.

2. Viên Thiệu sau khi thua trận tức giận thổ huyết mà chết. Con trai Thiệu là Viên Đàm và Viên Thượng do tranh đoạt ngôi vị do cha để lại mà đem quân tấn công lẫn nhau.

Huynh đệ tương tàn khiến lực lượng quân của Viên Thiệu vốn vô cùng lớn mạnh nhanh chóng bị tan rã. Tào Tháo nhân cơ hội đó dẫn quân tấn công Lê Dương.

Để đối phó với Tào Tháo, Đàm và Thượng buộc phải hợp nhất quân lại để phòng thủ tuy nhiên vẫn không giữ được thành phải bỏ chạy tới Nghiệp Thành.

Viên Đàm, Viên Thượng vốn thù ghét nhau nên dù hợp nhất nhưng vẫn tìm cách tiêu diệt người kia. Quân của Viên Đàm không đông bằng quân của Viên Thượng, do vậy Đàm quyết định quay sang đầu hàng Tào Tháo.

Trai cò tương tranh, ngư ông đắc lợi, cuối cùng, Tào Tháo đã dựa vào mâu thuẫn giữa hai anh em họ Viên để tiêu diệt toàn bộ thế lực của Viên Thiệu vốn là một thế lực mạnh nhất đương thời.

Lúc Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu, con  trai Tháo là Tào Phi khi đó mới 18 tuổi theo cha đi đánh trận. Sau khi thành bị phá, Phi cưỡi ngựa xông thẳng vào phủ của nhà họ Viên.

Đến cửa, Tào Phi xuống ngựa rồi đi thẳng vào hậu viện, chỉ thấy một người phụ nữ trung niên đang ngồi khóc một mình, bên cạnh là một thiếu phụ đang quỳ dưới đất và khóc.

Người phụ nữ trung niên chính là Lưu thị, vợ của Viên Thiệu còn người thiếu phụ kia chính là Chân thị, vợ của Viên Hy, con thứ hai của Viên Thiệu.

Sau khi Thiệu thất bại, con trai Viên Hy đã đem tàn quân của cha chạy lên vùng Liêu Tây. Do chiến sự hỗn loạn, lại thêm Hy cũng chẳng yêu thương gì Chân thị nên không kịp đón Chân thị theo.

Lúc này, trong cảnh nhà tang tóc, Chân thị cũng chẳng biết làm thế nào ngoài việc khóc.
Thế nhưng do là một người phụ nữ có nhan sắc hơn người nên những giọt nước mắt của Chân thị đã làm lay động được Phi.

Thấy người con gái đẹp khóc trước mặt mình, Phi không cầm lòng được, bước tới phía trước, dùng vạt áo lau nước mắt cho Chân thị.

Khuôn mặt Chân thị lúc này càng hiện ra xinh đẹp bội phần. Tào Phi tự xưng danh tính và trấn an Chân thị. Lưu thị nghe nói là con trai của Tào Tháo thì vội vàng quát Chân thị lễ bái.

Chân thị e lệ thi lễ rồi nhìn trộm dung mạo của Tào Phi chỉ thấy Phi là một thiếu niên anh tuấn, phong lưu, khí độ hơn người không khỏi có chút rung động nên nhìn chăm chăm Tào Phi. Phi bị ánh mắt của Chân thị hút hồn, đứng như ngây dại ngay giữa căn nhà tan hoang của phủ họ Viên.

Đúng lúc đó đột nhiên nghe bên ngoài có tiếng huyên náo. Hóa ra Tào Tháo đã kịp tới nơi. Tào Tháo hỏi tới gia quyến của Viên Thiệu, Tào Phi dẫn Lưu Thị và Chân thị từ nhà sau ra.

Tào Tháo trông thấy nhan sắc chim sá cá lặn của Chân thị thì cũng nổi ham muốn, có ý chiếm đoạt cho riêng mình nên hỏi Lưu thị: “Trong nhà vì sao chỉ còn lại hai người?”.

Lưu thị trả lời: “Con cháu đều đã chạy trốn cả, chỉ có con dâu thứ (chỉ Chân thị) là tình nguyện ở lại hầu hạ nên mới còn ở đây. Nay thế tử (Tào Phi) có ý muốn giữ lại, thực là điều vạn hạnh”.

Tào Tháo đưa mắt về phía Tào Phi chỉ thấy Phi như ngây dại nhìn chằm chằm vào Chân thị biết rằng Tào Phi đã si mê Chân thị.


Khi thấy Tào Tháo nhìn mình, Tào Phi vội quỳ xuống nói với Tào Tháo: “Con cả đời này không có điều gì phải cầu xin nữa chỉ cần có người con gái này ở bên là đủ! Mong phụ hoàng thương con tuổi trưởng thành mà chưa có người bầu bạn, tác thành cho con!” Con trai đã có lời trước như vậy lẽ nào Tào Tháo lại vì một người con gái mà từ chối con trai của mình.

Vì vậy, Tào Tháo gật đầu đồng ý và trở thành người mai mối cho cuộc hôn nhân của Tào Phi với Chân thị. Là một tù binh, Lưu thị không thể phản đối, chỉ còn cách là thương lượng với Chân thị.
Chân thị cũng không có cớ nào từ chối. Chính vì thế Tào Tháo ra lệnh chọn ngày lành để tổ chức hôn lễ cho Tào Phi.

Tóc búi của Chân thị mỗi ngày đổi một kiểu. Người ta kể rằng, mỗi ngày Chân thị đều gặp một con rắn xanh ngậm một viên ngọc đỏ, Con rắn xanh này đã dạy Chân thị các cách búi tóc khác nhau thông qua cách cuộn mình của nó.

Chính vì thế mà búi tóc của Chân thị mỗi ngày đều khác nhau, người ta thường gọi là kiểu tóc búi linh xà. Lúc bấy giờ, kiểu búi tóc của Chân thị tạo thành một trào lưu trong hậu cung của Tào Phi. Các phi tần và cung nữ cứ học theo cách búi tóc của Chân thị để đổi kiểu tóc cho mình.

Về phần Tào Thực kể từ lần gặp ở miếu Lạc Thần cũng không quên được hình ảnh của Chân thị.
Tào Tháo và Tào Phi đều bận bịu với việc chiến trận chỉ có Tào Thực nhỏ tuổi nên có nhiều thời gian nhàn rỗi. Tào Thực vốn là một thiên tài văn chương, lại là người đọc rộng nhớ nhiều, mới 10 tuổi đã biết làm thơ.

Trong suốt thời gian Tào Tháo và Tào Phi chinh chiến bên ngoài, Tào Thực suốt ngày quanh quẩn bên người chị dâu xinh đẹp của mình.

Càng về sau, tình cảm giữa Tào Thực và Chân thị đã phát triển tới mức khó có thể chia tách nhau được.

Do Tào Thực nhỏ tuổi hơn Chân thị nhiều nên khi biết tình cảm mà Tào Thực dành cho mình thì Chân thị chỉ dành cho Tào Thực một tình cảm độ lượng giống như một người chị và một người mẹ.

Tuy nhiên, lâu dần do vốn là người ham đọc sách, ưa sự lãng mạn Chân thị dần dần đắm chìm trong sự say mê với tài năng của người em chồng. Tào Thực với tâm hồn nghệ sĩ, cũng dành cho Chân thị những tình cảm say đắm nhất.

Tào Phi cùng với Tào Thực và Tào Chương đều là do Biện thái hậu sinh ra. Tào Phi tính tình hay nghi kỵ, giống hệ cha mình. Khi còn làm Ngụy vương đã bắt hai người em ruột của mình rời khỏi kinh đô tới sống tại những nơi đất phong của mình.

 Khi Chân thị được gả cho Tào Phi, Tào Thực biết chuyện rất đau khổ nhưng không biết làm thế nào vì Tào Phi là người nhanh chân hơn. Tào Phi cũng vì thế mà nảy sinh sự nghi kỵ với Tào Thực.

Sau khi Tào Tháo chết, Tào Phi soán ngôi của Hán Hiến Đế, tự mình lên làm Hoàng đế. Sau khi nắm được đại quyền trong tay, Tào Phi ra lệnh cho Tào Thực tới đất phong của mình ở Lâm Tri.
Một thời gian sau đó, theo ý của Tào Phi, giám quan tố cáo Tào Thực uống rượu làm điều bậy bạ. Tào Phi tức giận cho gọi Tào Thực về triều định mượn cớ này giết quách Tào Thực.

May nhờ có Biện thái hậu kịp thời ngăn cản mới bảo toàn được mạng sống cho Thực. Tuy nhiên, Tào Phi vẫn quyết không tha cho Thực, nói rằng Tào Thực giỏi làm thơ vì thế lệnh cho Thực trong bảy bước chân phải làm xong một bài thơ, thơ phải lấy đề tài về tình anh em nhưng lại không được phép nói trực tiếp. Tào Thực thuận miệng đọc luôn:

Chử đậu trì tác canh,
Lộc chi dĩ vi chấp.
Kỳ tại phủ hạ nhiên,
Đậu tại phủ trung khấp.
Bản thị đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp?
(Nghĩa là:
Nấu đậu để làm canh,
Gạn vỏ còn lại nước.
Cành đậu dưới lò đun,
Đậu trong lò thúc thít.
Cùng là một gốc sinh,
Đốt chi sao lại gấp?)

Tào Phi nghe xong bài thơ này, trong lòng có phần cảm thấy hổ thẹn, tuy nhiên vẫn ra lệnh biếm Tào Thực thành An Hương Hầu.

Tào Phi có rất nhiều sủng thiếp, trong đó người được sủng ái nhất chính là Quách Thị. Quách Thị không chỉ là người giỏi quyến rũ mà còn giỏi bày mưu tính kế. Tào Phi được Tào Tháo chọn là thái tử cũng là có một phần công lao của Quách thị.

 Sau khi Tào Phi soán ngôi nhà Hán lên làm Hoàng đế đã phong cho Quách thị là Quý tần. Ban đầu, Phi định lầm Quách thị lên làm Hoàng hậu tuy nhiên, trước Quách thị vẫn còn có Chân thị, lúc bấy giờ đã trở thành Chân phi nên không thể phong Quách thị làm Hoàng hậu được.

Tào Phi vốn nghi ngờ mối quan hệ phức tạp giữa Chân thị và Tào Thực do vậy chỉ phong cho Chân thị làm phi chứ không phong làm Hoàng hậu.

Cho tới cuối đời, Chân thị vẫn không với tới được ngôi vị mẫu nghi thiên hạ này. Để đoạt ngôi Hoàng hậu, Quách thị đã bày ra đủ chuyện thị phi.

Tào Phi nghe lời Quách thị nên đã để Chân thị ở lại Nghiệp Thành. Ít lâu sau lấy cớ rằng Chân thị có lòng oán hận mình nên ban tội chết cho Chân thị.

Quách thị không có con, Chân thị thì sinh được một người con trai là Tào Duệ. Sau khi giết Chân Thị, Tào Phi phong cho Quách thị làm Hoàng hậu và đem Tào Duệ về cho Quách thị làm con nuôi.

Chuyện kể rằng, sau khi Chân thực chết, có một lần Tào Thực vào cung, Tào Phi đem một chiếc gối ngọc mà Chân thị khi sống đã từng sử dụng tặng lại cho Thực.

Tào Thực nhìn vật mà nhớ người, không khỏi cảm thấy thương tâm. Khi trở về qua dòng sông Lạc Thủy, trong đêm mơ màng trên thuyền, Tào Thực đã thấy Chân thị cưỡi gió mà tới nói với Tào Thực rất nhiều chuyện. Nói xong lại cưỡi gió bay đi.

Khi hình ảnh Chân thị vừa khuất thì Thực giật mình tỉnh dậy, biết rằng chỉ là giấc mộng, nhưng vẫn khiến Thực không khỏi rung động trong lòng. Vì thế, Thực chong đèn, mài mực viết bài “Cảm Chân phú”.

 Bài phú của Tào Thực đã mượn hình ảnh thủy thần mật phi của dòng Lạc Hà làm hóa thân của Chân thị đồng thời thể hiện sự ái mộ tích tụ bấy lâu nay của mình đối với Chân thị.

Bài phú của Tào Thực viết về câu chuyện một người khi đi qua sông Lạc Thủy thì gặp thần Mật phi của sông Lạc Thủy rất sinh đẹp.

Hai người nảy sinh tình yêu. Tuy nhiên do hai người thần khác biệt nên không thể kết hợp chỉ đành ngậm ngùi cáo biệt.

Trong bài phú của mình, Tào Thực dành tất cả những từ ngữ đẹp nhất để mô tả Thủy thần Lạc Hà. Điều đó cũng thể hiện tình cảm mà Tào Thực dành cho Chân thị sâu nặng tới mức nào.

Tào Duệ và Tào Phi rất giống nhau trong cách dùng người đó là tín nhiệm người khác họ và xa lánh những người anh em cùng họ.

Tào Chương được phong làm Thành Vương, tuy nhiên tới năm Hoàng Sơ thứ 2 thì bị chết. Tào Thực khi đó vẫn còn sống nhưng bị chuyển tới sống ở Tuấn Nghĩa nên tâm lý lúc nào cũng u uất, buồn phiền.

 Sau khi Tào Phi chết, quần thần đều muốn đón Tào Thực, khi đó đang là Ung Khâu Vương về làm Hoàng đế.

Vì thế sau khi Tào Duệ lên ngôi vô cùng căm ghét người chú tài năng này của mình. Không những thế, Tào Duệ cũng như cha của mình vô cùng nghi kỵ Tào Thực, liên tục di chuyển đất phân phong để Thực không có thời gian chuẩn bị lực lượng chống lại mình. Vì thế khi đó có người làm thơ giễu rằng: “Quân vương mà không thể lên ngôi Thiên tử, Nửa phần là do bài phú Lạc thần khi xưa”.

Sau khi Tào Duệ nối ngôi, tuy truy tôn Chân thị là Văn Chiêu Hoàng hậu song vẫn không hề biết về cái chết oan uổng của mẹ đẻ mình. Tương truyền khi Chân thị chết không có ai tẩm liệm, người ta lấy tóc quấn mặt, bỏ trấu vào miệng rồi đem chôn. Tuy nhiên, sự việc này bị Tào Thực biết được.
 Năm Thái Hòa thứ 4, Thái hoàng thái hậu Biện thị mắc bệnh qua đời, Tào Thực trở về kinh đô chịu tang đã nhân cơ hội đó kể cho Tào Duệ nghe về cái chết thảm của mẹ đẻ mình.

Tào Duệ bán tín bán nghi, mới đem chuyển hỏi người mẹ kế là Lý Quý nhân mới biết những gì Tào Thực nói là thực, không khỏi cảm thấy bi phẫn.

 Sau đó, để chuộc lỗi, Tào Duệ đã phong cho người anh trai của Chân thị là Chân Tượng chức Thái Úy đồng thời chọn ngày về Nghiệp Thành cải táng cho Chân thị.

Cũng từ sau sự kiện này, Tào Duệ bắt đầu bớt nghi kỵ với Tào Thực, phong cho Thực làm Trần Vương. Dù là được tấn phong song Thực vẫn không được Tào Duệ tín nhiệm. Tào Thực nhiều lần dâng sớ tự tiến cử hy vọng có thể cống hiến sức mình cho triều đình tuy nhiên trước sau Tào Duệ không đồng ý.

Năm Thái Hòa thứ 6, Tào Thực do uất ức mà chết. Do cuối đời Tào Thực được phong làm Trần Vương, thụy hiệu là Tư nên người đời sau đều gọi ông là Trần Tư Vương.

Sau khi Tào Thực chết, Tào Duệ nhận có được toàn bộ sáng tác của Tào Thực trong đó có cả bài “Cảm Chân phú”.

Do bài phú này để lộ rất rõ mối quan hệ tình cảm phức tạp giữa Tào Thực và Chân thị, mẹ đẻ của Tào Duệ nên Duệ quyết định đổi tên bài phú thành “Lạc Thần phú”.

Về phần Quách thị, khi Tào Duệ tới hỏi về cái chết của Chân thị, Quách thị tức giận nói: “Tiên đế (Tào Phi) ban cho bà ta tội chết liên can gì tới ta? Huống hồ người là con của tiên đế lẽ nào lại truy tội người cha đã chết của mình, rồi vì người mẹ chết mà ép chết người mẹ sau?” Tào Duệ nghe thấy càng thêm tức giận.

Từ đó ra lệnh cắt giảm chi phí ăn uống, hầu hạ của Quách thị khiến Quách thị tức giận vô cùng nhưng không nói được gì lâu dần tích thành bệnh mà chết.

Tào Duệ ra lệnh cho bọn hoạn quan chôn Quách thị giống hệt như cách khi xưa người ta đã chôn mẹ đẻ của mình để trả thù.

Phong Nguyệt

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire