caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 21 septembre 2014

CÂY THUỐC VIỆT NAM, tác giả Thái Bá Tân

Thái Bá Tân
      CÂY THUỐC VIỆT NAM      
                 _____________


NHÂN SÂM          

1
Xưa, hai vợ chồng nọ
Đều đặn ngày một lần
Vào rừng hái củi bán
Mà vẫn không đủ ăn.   

Họ đi từ sáng sớm,
Đến tối mịt mới về.
Nhà có đứa con nhỏ,
Bé tí, hay khóc nhè.

Thường ngày họ để lại
Bát cơm hay bắp ngô,
Thế mà nó chóng lớn
Còn hồng hào, cao to. 


Họ lấy thế làm lạ.
Mãi khi con lên ba,
Gặng hỏi mãi được biết
Rằng khi họ vắng nhà

Có đứa bé nào đó,
Cũng trần truồng như con,
Đến chơi thân với nó,
Nhờ thế mà béo tròn.   

Cơm và ngô bố mẹ       
Thật lạ, nó không ăn,
Mà đem cho lũ khỉ.
Luôn lảng vảng đến gần.                          

Nghe thằng con nói thế,                           
Họ thấy lạ lùng sao,
Vì xung quanh mười dặm,
Không có láng giềng nào.

Rồi họ đưa sợi chỉ,
Bảo thằng bé thế này:
“Khi cậu bạn con đến,
Hãy lén buộc vào tay.”

Họ vờ đi hái củi,
Nhưng quay về, đứng rình,
Rồi thấy có cậu bé
Đến chơi với con mình.

Con họ, như được dặn,
Buộc chỉ tay cậu kia.
Chúng đang chơi vui vẻ
Thì bất chợt họ về.

Thằng bé thấy, bỏ chạy.
Biết chắc chắn không lầm,
Họ lần theo dấu chỉ
Tìm thấy cây nhân sâm.                           

Đúng như họ ngờ vực,
Rằng chính thằng bé này
Là Người Sâm béo bổ
Được truyền tụng xưa nay.

Vậy phải bắt lấy nó
Để béo bổ, hồng hào.
Rồi anh chồng vội vã
Lấy cuốc xẻng ra đào.

Tiếc anh ta nóng vội,
Sơ ý, đào quá tay,
Làm chết mất thằng bé,
Thần Người Sâm, Thần Cây.

Do vậy mà từ đó
Thần Người Sâm, than ôi,
Không làm ai bất tử,
Chỉ bổ dưỡng mà thôi.

Vì đào mạnh, cây chết,
Thân lá bay khắp nơi,
Nên nay ta chỉ có
Những rễ sâm hình người.                        

2
Nhân sâm là loại thuốc
Nổi tiếng từ rất lâu.
Trong sâm, nhung, quế, phụ,
Nó thuộc loại hàng đầu.

Sở dĩ có tên ấy       
Vì trông nó giống người,
Được xem là thứ thuốc
Chữa bách bệnh trên đời.

Nhân sâm có nhiều loại,
Loại mọc hoang, loại trồng.
Bạch sâm là loại trắng.
Hồng sâm là loại hồng.

Cây sâm cao nửa mét,
Thuộc loại cây lưu niên,
Rễ mẫm to thành củ,
Trồng được ở nhiều miền.

Loại cây này mọc chậm,
Ba năm cho hoa tươi,
Sáu năm mới có củ,
Thu hoạch vào tháng Mười.                     

Trung Quốc trồng nhiều nhất
Ở Liêu Ninh, Cát Lâm,
Bảy mươi lăm nghìn tấn
Là sản lượng hàng năm.

Ở Khai Thành, Hàn Quốc,
Sâm cũng trồng lâu đời,
Hai trăm năm kinh nghiệm,
Nay có bán khắp nơi.

Ta mới trồng thí nghiệm,
Tạm thời chưa thành công -
Có, nhưng ít và xấu,
Cả sâm trắng, sâm hồng.

Về tác dụng dược lý:
Tốt cho hệ thần kinh,
Ngừa các bệnh tim mạch,
Hô hấp và kháng sinh.

Cách dùng: Thái miếng mỏng
Rồi ngậm mủn, hay ăn.
Hoặc đem cho vào chén,
Đun cách thủy, uống dần.

Về liều lượng, tốt nhất,
Hai - sáu gam một ngày.
Bổ thì sâm bổ thật,
Quá liều cũng không hay.

Người ta lấy dung dịch
Sâm chỉ hai mươi phần.
Tiêm cho chuột, chuột chết
Sau mười giờ, chết dần.

Tuy nhiên, dung dịch ấy
Nếu uống thì không sao.
Độc tính sẽ rất ít
Cũng chẳng biết thế nào.                         

Nghe người ta kể lại,
Thời nhà Thanh, một lần
Bà Từ Hy Thái hậu
Mở tiệc đãi sứ thần.

Trong hàng mấy trăm món
Có món “độc” chuột hầm.
Một loại chuột đặc biệt
Ba đời ăn nhân sâm.

Vì vậy thành bổ dưỡng,
Có cả tính bổ dương,
Khiến ông cụ đại sứ
Của nước Anh siêu cường

Làm bà vợ đại sứ,
Cũng gần đất xa trời,
Sinh được một quí tử,
Khiến kinh ngạc mọi người.

Truyền thuyết là truyền thuyết,
Chưa chắc đúng hay không,
Nhưng nhân sâm quả có
Chất kích thích đàn ông.



BẠCH CHỈ

1
Ngày xưa có cậu Tú,
Tuổi mới khoảng ba mươi,
Một hôm đầu đau nhức,
Đau đến buốt khắp người.

Không thuốc nào chữa được.
Các thầy lang bó tay.
Và thế là cậu Tú
Ôm đầu rên suốt ngày.

Một hôm, được người mách
Rằng ở núi Vu Lương,
Có một thầy thuốc giỏi.
Chàng vội vã lên đường.

Ông thầy không cho biết
Chữa bằng loại thuốc gì.
Chỉ biết là thuốc tán,
Vo tròn như viên bi.

Cậu Tú uống thuốc ấy
Thấy bệnh tình đỡ dần.
Rồi đầu không đau nữa
Chỉ trong vòng một tuần.          

Cậu tò mò muốn biết
Cây thuốc đó thế nào.
À, một loài thảo dược,
Thân mềm, cây không cao.

Rễ của nó màu trắng,
Có mùi thơm hơi nồng,
Mới được thầy tìm thấy
Trên núi chứ chưa trồng.

Phải đặt tên cho nó.
Thế là hai ông con,
Đặt là Hương Bạch Chỉ.
Thơm, màu trắng, rễ non.

Sau người ta rút gọn,
Cho tiện gọi hàng ngày,
Đơn giản thành bạch chỉ.
Không quan trọng điều này.

2
Bạch chỉ là vị thuốc
Bằng rễ cây cùng tên,
Nằm trong họ Hoa tán,
Công hiệu như thuốc tiên.

Xuất xứ từ Trung Quốc,
Được nhập vào nước ta,
Trồng nhiều ở Tam Đảo,
Và vùng lạnh Sapa.

Cho đến nay, bạch chỉ
Chưa dùng trong thuốc Tây.
Một vị thuốc quan trọng,
Có tính ôn, vị cay.

Nó được dùng chủ yếu
Như loại thuốc giảm đau,
Chữa cảm mạo, hoa mắt,
Nhức răng và đau đầu.

Bạch chỉ giúp cầm máu,
Chảy máu cam thường xuyên,
Hoặc đại tiện ra máu.
Uống vài thang, khỏi liền.

Dùng dưới dạng thuốc sắc,
Năm - mười gam một ngày.       
Hoặc dùng dưới dạng bột,
Ngày vài gam cũng hay.

Khi trẻ con nóng sốt,
Bố mẹ hoặc ông bà
Nấu bạch chỉ, để nguội,
Tắm cho chúng trong nhà.

Ai mắc chứng hôi miệng,
Lấy bạch chỉ, xuyên khung,
Ba mươi gam một vị,
Tán thành viên mà dùng.




ĐƯƠNG QUY

1
Ngày xưa có làng nọ
Ở gần sông Bạch Long,
Nay thuộc tỉnh Cam Túc,
Đất tốt, người lại đông.

Trong vùng có ngọn núi
Tên chữ là Đại Tiêu.
Đó là kho thuốc quí,
Nhưng thú dữ rất nhiều.

Nên tiếc thì tiếc thật
Mà không ai dám vào.
Trai làng quả không ít,
Nhưng kém mặt anh hào.

Ấy thế mà bất chợt
Có một chàng thư sinh
Quyết vào rừng hái thuốc,
Bỏ cô vợ rất xinh

Ở với mẹ, và dặn
Ba năm về, nếu không
Coi như chàng đã chết,
Nàng cứ việc lấy chồng.    

Sau ba năm chờ đợi,
Mãi không thấy chồng về.
Cô vợ đi bước nữa,
Lấy một ông nhà quê.

Thật oái oăm, bất chợt,
Chàng thư sinh về nhà.
Nhà trống hoang, lạnh lẽo,
Chỉ còn lại mẹ già.

Vợ chàng thì hối hận
Đã không ráng chờ thêm,
Rồi đổ bệnh, ốm yếu
Vì than thở ngày đêm.

Chàng hay tin, đem thuốc
Vừa lấy được trong rừng,
Nhờ người bạn mang đến,
Còn hướng dẫn cách dùng.

Sau một thời gian uống,
Bệnh của nàng đỡ dần,
Rồi đột nhiên khỏi hẳn,
Cứ như có phép thần. 

Lại nói anh chồng mới,       
Nhà quê, rất thật thà.
Thấy vợ ốm khỏi bệnh
Và chồng cũ về nhà,

Bèn đem vợ đến trả
Rồi bỏ đi biệt tăm.
Một người vừa biết nghĩ
Và cũng rất có tâm.

Câu chuyện này có thật
Loan truyền trong đám đông.
Ai cũng mừng, rốt cuộc,
Nàng trở về với chồng.

Nên mới có huyền thoại
Là Đương Qui sau này.
Đương qui là quay lại
Về với chồng, may thay.

2            
Đương Qui là vị thuốc
Chữa các bệnh phụ khoa,
Như bần huyết, đau bụng,
Các rắc rối đàn bà.

Phụ nữ bốn mươi tuổi
Thường dùng đương qui tinh
Để điều chỉnh huyết mạch
Trong những ngày có kinh.      

Đương qui cây không lớn,                 
Khoảng sáu, bảy mươi phân,
Sống lâu năm, nhiều lá,
Có rãnh tím quanh thân.

Nó được trồng chủ yếu
Ở Triều Tiên, Trung Hoa,
Gần đây được trồng thử
Vài nơi ở nước ta.

Là một vị thuốc chính,
Như đã nói, đương qui
Được sử dụng rộng rãi
Trong các bài đông y.

Chữa bệnh rối kinh nguyệt -
Trước có kinh bảy ngày,      
Uống dưới dạng thuốc sắc,
Hoặc rượu ngâm cũng hay.        

Thuốc sắc uống liên tục
Từ một đến hai tần.
Mươi gam một lần uống
Và uống ngày hai lần.

Nó còn giúp bổ máu,
Tay chân lạnh, nhức đau,
Giúp giảm bớt mệt mỏi,
Khó chịu và đau đầu.
                                               


KỶ TỬ

1
Theo truyền thuyết kể lại,
Tể tướng Phòng Huyền Linh
Kiệt sức vì vất vả
Giúp vua Đường của mình.

Các thái y thấy thế
Thường xuyên nấu ông ăn
Cháo quả cây kỷ tử,
Sức khỏe bình phục dần.

Lại có một truyền thuyết
Rằng xưa ở Ninh An,
Nay thuộc tỉnh Ninh Hạ,
Có người con gái ngoan

Tên là Cẩu Hồng Quả.
Cha cô sớm qua đời.
Mẹ cô thương xót khóc
Đến mù mắt, rạc người.

Rồi không quản vất vả,
Cô đến núi Hoàng Du
Mong tìm thấy thuốc quí
Chữa cho bà mẹ mù.

Tiên ông Bạch Hồ Tử
Cảm cái lòng của cô
Chỉ chỗ cây kỷ tử,
Cô hái nó, không ngờ

Mẹ cô uống khỏi bệnh.
Từ đó, dân vùng này
Gọi là “minh mục tử”,
Thuốc chữa mắt rất hay.

2
Thời xa xưa, kỷ tử
Được gọi là “địa tiên”,
Hay “thiên tinh”, “khước lão”,
Coi như vị thuốc tiên.

Nguồn gốc ở Trung Quốc,
Đã nhập trồng nước ta.
Nó là cây thuốc quí,
Được xếp vào họ Cà.

Cây cao khoảng một mét,
Cành nhỏ và có gai.
Hoa có màu tím đỏ,
Quả mọng, hình trứng dài.

Khi thu hoạch, lấy quả,
Quả chín hoặc phơi khô.       
Quả hái vào buổi sáng,
Mùa hè và mùa thu.

Nó là vị thuốc bổ,
Lợi cho bệnh đái đường,
Ho lao và viêm phổi,
Bổ khí huyết, bổ dương.

Dùng dưới dạng thuốc sắc,
Hoặc ngâm rượu cũng hay.
Nhớ nên dùng đều đặn,
Khoảng mươi gam một ngày.

Lá kỷ tử rửa sạch
Nấu canh với thịt bò
Hay thịt lợn đều tốt,
Chữa bệnh sốt, bệnh ho.

Rễ củ cây kỷ tử
Cùng các vị thuốc nam
Có thể chữa nhiều bệnh,
Đơn giản và dễ làm.

Theo các nhà nghiên cứu,
Kỷ tử là loài cây
Dược lý rất phong phú
Được biết đến gần đây:

Cải thiện hệ miễn dịch,
Tuyến thượng thận, tuyến yên,
Chống loạn lipid máu,  
Chống mỏi mệt, ưu phiền;

Làm giãn mạch, hạ áp,
Tái sinh tế bào gan,
Làm chậm sự lão hóa,
Ngừa phóng xạ, vân vân.



CHUỐI

1                                                  
Thời xa xưa, Thượng đế,
Cứ ba năm một lần
Tổ chức chọn cây đẹp
Để làm lễ tế thần.

Có một chàng trai nọ
Tên gọi là Lan Tiêu,
Vợ mới sinh con gái,
Bụ bẫm và đáng yêu.           

Chàng yêu và chiều nó,
Chơi với nó suốt ngày,
Bất chợt nẩy ý định
Tạo ra một giống cây

Thân mềm mềm và mát
Như da thịt của con,
Các lá to và rộng,    
Chụm lại thành hình tròn.

Quả màu vàng, da mịn, 
Thon dài như ngón tay
Trên bàn tay năm ngón,     
Cứ to thêm từng ngày.

Cô bé chơi với nó,
Như đôi bạn rất thân
Trong bóng râm tàu lá,
Đói thì hái quả ăn.

Một lần, khi Thượng đế
Cho mở hội thi cây,
Chàng Lan Tiêu quyết định
Dự thi cây mới này.

Thượng đế xem, thích lắm.
Sau khi nghe Lan Tiêu
Giảng giải về ý nghĩa,
Về cả đứa con yêu,

Ngài tuyên bố chàng thắng,
Rồi về ngồi trên ngai.
Lát sau, vì đãng trí,
Ngài hỏi: “Cây của ai,

Cây của ai thắng nhỉ?
Cây tên gì, ở đâu?”
Mọi người đáp: “Cây cuối.”
Vì Lan Tiêu đến sau.

Và rồi, loài cây ấy
Do đứng cuối, người đời
Gọi chệch thành cây chuối,
Một loài cây tuyệt vời.

2       
Cây chuối có nhiều loại:
Chuối tây rồi chuối ta,
Chuối rừng rồi chuối hột,
Chuối nước rồi chuối hoa...       

Theo các nhà khoa học,
Có hai mươi lý do
Để ta nên ăn chuối,
Yên tâm ăn kỳ no.

Nó bổ sung năng lượng,
Chữa trầm cảm rất tài,
Giảm bớt sự khó chịu
Khi phụ nữ mang thai.

Chữa bệnh cao huyết áp,
Hoặc suy yếu thần kinh,
Bệnh đường ruột, thiếu máu,
Làm tăng trí thông minh.

Chuối giúp cai thuốc lá,
Chữa béo phì, khó tiêu,
Giảm nguy cơ đột quị,
Tóm lại là rất nhiều.

Chuối hột, hay chuối chát,
Cũng là vị thuốc hay.
Dưới đây xin được trích
Một số bài thế này:          

Chuối hột chữa tiêu chảy -
Bóc vỏ, thái thành khoanh,
Ăn sống, nên chấm muối
Khi muốn ăn chuối xanh.

Chữa hắc lào - đơn giản
Lấy chuối xanh thái dày
Rồi xát lên chỗ ngứa,
Độ năm đến bảy ngày.

Trẻ em khi táo bón,
Lấy chuối chín nướng lên,
Rồi ăn khi chuối nẫu,
Bên ngoài, vỏ sạm đen.   

Chữa phát cuồng, cảm sốt,
Cũng thế, bệnh tiểu đường -
Củ chuối giã, uống nước,
Bệnh hết, lại bình thường.

Ngoài ra, rễ chuối hột
Chữa cảm mạo cũng hay.
Phơi khô vỏ và lá
Sắc nước, uống hàng ngày

Rất tốt cho lợi tiểu,
Chữa đái dắt, biếng ăn...
Nhắc lại: Ăn chuối tốt.
Vậy hãy ráng mà ăn.




CÂY ĐU ĐỦ

1
Ngày xưa có người nọ,
Nghèo, nhưng sống an nhàn.
Ông thích nuôi chim cảnh.
Nhà lại gần nhà quan.

Một hôm, con chim ấy
Bay sang nhà quan chơi,
Ăn vụng ba hạt bắp
Trong nong bắp đang phơi.

Ba năm sau bất chợt
Quan sang nhà bắt đền.
Bắt đền ba hạt bắp?
Ừ, muốn đền thì đền.

Ông xuống bếp, quay lại,
Ba hạt bắp trên tay.
Quan lắc đầu, rồi nói:
“Không đơn giản thế này.

Ba hạt bắp, anh biết,
Mọc thành ba cây ngô.
Mỗi cây có hai bắp,
Hạt mẩy và rất to.

Hạt của sáu bắp ấy
Lại gieo cho mùa sau.
Thế thì sẽ nhiều lắm.
Anh thử nhẩm trong đầu.

Rồi đến mùa sau nữa.
Cứ nhân lên, rất nhiều...”
Quan lấy bàn tính tính,
Nét mặt rất đăm chiêu.

Cuối cùng quan tuyên bố:
“Anh phải trả cho ta
Không dưới ba tấn bắp,
Mà phải mang tận nhà!”

Anh kia nghe, sợ quá,
Chắp tay rồi dập đầu:
“Bẩm, nhà con nghèo đói,
Con biết lấy ở đâu?”

“Ở đâu tao không biết.
Hay muốn tù mọt gông?”
Anh nghèo cực chẳng đã,
Thất thểu đi ra đồng.

Anh ta bò lổm ngổm
Nhặt từng hạt bắp rơi,
“Ôi, nhặt đâu cho đủ?
Chắc phải nhặt suốt đời.”

Cuối cùng, anh ta chết,
Xác nằm bên bờ mương.
Rồi ở đó xuất hiện
Một loài cây khác thường.

Thân nó mềm, nhiều đốt,
Lá nó rộng và to.
Trái nhiều, trông na ná
Như những hạt bắp ngô.

Dân làng gọi “đâu đủ”,
Kiếm đâu đủ ngô đây...
Sau chệch thành “đu đủ”
Nên mới có tên này.

2
Trong dân gian, đu đủ
Là vị thuốc xưa nay.
Trái chín giúp tiêu hóa,
Khó tiêu và bụng đầy.

Đu đủ xanh nấu kỹ
Cho thêm ít thịt gà
Chữa dạ dày rất tốt,
Khỏi bệnh, lại béo ra.

Đu đủ xanh vắt nước
Xoa lên mặt và tay,
Các nốt tàn hương nhỏ
Sẽ mờ dần từng ngày.

Nước sắc lá đu đủ
Rửa vết loét trên da,
Tẩy vết máu trên vải,
Sắc sẵn, để trong nhà.

Lá đu đủ thái nhỏ
Đem trộn với cỏ khô
Chữa được bệnh ăn biếng
Cho ngựa và trâu bò.

Nước sắc rễ đu đủ
Uống mỗi ngày một lần
Giúp cầm máu băng huyết,
Sỏi thận cũng tan dần.

Lấy hoa đu đủ đực,
Hoa tươi hoặc phơi khô,
Hấp với đường mà uống,
Chữa mất tiếng, hen, ho.



QUẢ MƠ

1
Xưa, một người trẻ tuổi
Có tài làm thơ hay.
Bố từng là thầy thuốc,
Nên cũng biết nghề này.      

Chàng yêu một cô gái
Con một nhà trong làng.
Nàng cũng yêu chàng lắm.  
Nàng xinh và dịu dàng.           

Thế mà họ, thật tội,
Không thể nào lấy nhau,
Vì gia đình hai họ
Có tư thù từ lâu.

Bố mẹ nàng thề độc      ,
Thà con ế suốt đời,
Nhất định không chịu gả,
Bất chấp ý hai người.        

Chàng làm thơ than thở,
Bốc thuốc giúp dân làng,
Chữa khỏi bệnh người khác,
Trừ người yêu và chàng.

Một tối nọ, đang ngủ,
Chàng mơ thấy cụ già
Mặc áo xanh, mắt sáng,
Mái tóc bạc lòa xòa.

Cụ bảo cụ rất hiểu
Nỗi đau của hai người.
Vậy thì mai sáng dậy,
Cứ nhằm hướng mặt trời,

Đi, đi mãi, đi mãi,     
Đi cho tới lúc nào
Gặp một dòng suối nhỏ
Có một cây thông cao.

Một cây con kỳ lạ
Mọc dưới tán cây thông,
Với một quả duy nhất,
Bé, màu vàng, có lông.

Con hãy đi tới đó
Hái nó đem về đây,
Ngâm rượu mời bố vợ,      
Mọi việc sẽ xong ngay.

Có điều, đường xa đấy,
Vượt chín suối mười non.
Ta sẽ cho chim phượng
Bay, dẫn đường cho con.

Sáng hôm sau, lập tức
Chia tay với người thương,
Đi tìm trái cây quí,
Chàng khăn gói lên đường.        

Đúng là đường xa thật,
Vừa xa vừa khó khăn,
Đi một ngày, một tháng,
Một năm, rồi ba năm.

Cuối cùng, chàng trở lại,
Ngâm rượu trái cây này.
Ông bố người yêu uống,
Cứ gật gù khen hay.

Cũng nhờ rượu ngâm ấy,
Ngâm trái cây phương xa,
Hai nhà quên hiềm khích,
Sống với nhau thuận hòa.

2
Cái quả gì quả ấy,
Mà hòa giải họ hàng,
Vợ chồng thêm hạnh phúc?
Đó là quả mơ vàng.

Không nói ai cũng biết
Nước mơ ngon thế nào.
Rất tiếc, ít người biết
Mơ chữa bệnh ra sao.

Mơ cũng có nhiều loại.
Có nơi gọi ô mai,
Được trồng khá phổ biến,
Cả miền trong, miền ngoài.

Ngoài việc dùng ngâm rượu,
Mơ làm thuốc rất hay,
Dưới dạng hạt khô sấy,
Nước hạt cất lâu ngày.

Mơ khô chữa viêm họng,           
Trị long đờm, chữa ho.
Dùng dưới dạng thuốc sắc
Hay mứt ô mai khô.

Cùng với vị thuốc khác,
Mơ chữa giun cũng tài,
Như giun chui ống mật,
Giúp rụng trĩ, chân chai...

Dầu hạt mơ rất bổ.
Là thuốc chữa nhuận tràng.
Làm thuốc bôi chống nẻ,
Bôi cho tóc mịn màng.

Chữa kiết lỵ, khát nước:
Hai hay ba quả mơ,
Đun sôi mười lăm phút,
Uống thay nước hàng giờ.

Chữa giun chui vào mũi
Cũng dùng nước sắc này,
Thêm đường, uống đều đặn
Trước khi ngủ hàng ngày.

Còn chữa bệnh băng huyết:
Bảy quả mơ khô nhăn,
Rang chín rồi tán nhỏ,
Uống mỗi ngày ba lần.



CÂY TRE

1
Xưa có một người nọ
Loại thường thường bậc trung,
Có một cô con gái
Cũng xinh đẹp vô cùng.

Ông ta mướn người ở -
Một chàng trai nhà quê,
Khỏe mạnh và chăm chỉ,
Thường ít nói, rụt rè.

Ông ta muốn lợi dụng
Anh chàng này hiền lành,
Nên hứa làm việc tốt,
Sẽ gả con cho anh.

Thế là anh cố gắng
Làm việc suốt đêm ngày.
Ông chủ thành giàu có,
Quên lời hứa trước đây.

Ông đem gả con gái
Cho con một phú ông,
Nhưng bảo anh người ở
Rằng ông sẽ vui lòng

Cho anh chàng làm rể 
Nếu mang được về đây
Một cây tre trăm đốt,
Loại đốt cứng và dày.

Tre trong rừng không ít,
Nhưng cây dài và già
Cũng chỉ hơn mươi đốt.
Trăm đốt tìm đâu ra?  

Nên chàng ôm mặt khóc,
Ngồi trong rừng một mình.
Bụt đi đến, hỏi chuyện,
Chàng kể hết sự tình.

Bụt bảo chàng đừng khóc,
Hãy đốn trăm đốt tre,
Cột chúng thành hai bó
Rồi cứ thế gánh về.      

Khi chàng nói “Khắc Nhập”,
Các đốt dính vào nhau.
Ngược lại, nói “Khắc Xuất”,
Lại rời như ban đầu.

Chàng về nhà đúng lúc
Lễ cưới đang linh đình,
Chỉ bây giờ mới biết
Ông chủ đã lừa mình.

Chàng mời ông ra đếm
Xem các đốt đủ chưa.
Đúng cây tre trăm đốt,
Không thiếu cũng không thừa.

Ông kia ngạc nhiên lắm,
Thử nhắc nó trên tay.
Chàng kêu to “Khắc Nhập”,
Liền dính chặt vào cây.

Ông kêu lên hoảng sợ.
Nghe tiếng, ông sui gia
Chạy tới định giúp đỡ
Thì dính vào ông ta.

Cả hai họ thấy thế,       
Không ai dám lại gần.
Để hai ông than khóc,
Phơi giữa nắng ngoài sân.

Cuối cùng, họ sụp lạy,
Xin chàng tha, và thề
Họ nhà trai lập tức
Từ hôn và quay về.

Ông chủ cũng thề độc
Gả con cho anh ta,
Cho cưới ngay luôn thể,
Chỉ cần thả ông ra.

Vậy là anh chàng ấy
Và con gái của ông
Nhờ cây tre trăm đốt
Được thành vợ thành chồng.

Dẫu không thể làm khác,
Ông chủ vẫn xót xa.
Nhưng cây tre còn đó.
Thôi thì đành cho qua.

2       
Cuốn “Danh y biệt lục”,
Một cuốn sách lâu đời
Nói về việc tre, trúc
Chữa bệnh cho con người.

Lá tre non sắc uống
Giúp thanh nhiệt, giảm sầu,
Sinh tân dịch, lợi niệu,
Chữa miệng lở loét đau.

Tre non tươi đem chặt
Thành từng đoạn, nướng lên,
Vắt lấy nước để uống
Trị hen xuyễn kinh niên.

Ngoài ra nó cũng tốt
Giúp thanh nhiệt, ho khè,
Chữa đàm nhiệt khái suyễn,
Hoặc trúng gió hôn mê.

Chữa sốt do viêm não:
Bốn mươi gam nước này,
Pha nước sôi để nguội,
Chia đều uống trong ngày.

Thân cây tre, cạo sạch,
Chỉ chọn lấy phần non,
Thái thành từng lớp mỏng
Sắc uống, chữa buồn nôn,

Hoặc chữa ho đờm đặc,
Hoặc mất ngủ dài ngày.
Dân gian vẫn dùng thế,
Đơn giản và rất hay.

Cùng một số vị khác,
Nước tre và thân tre
Còn chữa được nhiều bệnh,
Đơn do thầy thuốc kê.



SẦU RIÊNG

1
Vua Gia Long Nguyễn Ánh,
Khi giành được giang sơn,
Đã thẳng tay đàn áp
Những người giúp Tây Sơn.

Có một chàng trai trẻ
Vì vậy phải xa làng,
Chạy sang tận Căm Bốt,
Thủ đô là Nam Vang.

Ở đấy chàng đã gặp
Và rồi yêu một người
Con gái xứ chùa tháp,
Xinh đẹp và hay cười.

Họ sống thật hạnh phúc,
Yêu thương, giúp đỡ nhau,
Dẫu cuộc sống vất vả,
Phải mưa nắng dãi dầu.

Một hôm cô vợ trẻ
Mang về nhà cho chồng
Một trái cây kỳ lạ
Có mùi hăng và nồng.

Chàng vội vàng bịt mũi,
Lúc đầu không dám ăn.
Cô vợ cười: “Cứ thử,
Rồi sau sẽ quen dần.”

Và rồi chàng quen thật,
Rồi nghiện trái cây này,
Đến mức phải ra chợ
Mua nó ăn hàng ngày.

Chàng thấy như thể nó
Có cái gì khác thường,
Vừa xao xuyến, day dứt,
Vừa thầm kín yêu thương.

Bỗng vợ chàng lâm bệnh
Rồi chẳng may qua đời.
Chàng vô cùng đau khổ,
Tiếc thương người bạn đời.

Chàng quyết định về nước,
Mang theo giống cây này
Như kỷ niệm về vợ,
Một mối tình riêng tây.

Mấy năm sau, hái quả,
Chàng đem mời xóm giềng,
Và âu yếm gọi nó
Là trái cây sầu riêng.

Sau, trái sầu riêng ấy
Trở thành trái cây chung,
Được nhân giống, yêu thích
Không chỉ ở trong vùng.

2
Đây là loại cây lớn,
Còn có tên thu-ren,
Trồng nhiều ở Nam bộ,
Thuộc giống cây lưu niên.

Sầu riêng là cây quả,
Quả to, hình trứng, dài,
Ruột có năm ngăn nhỏ,
Ngoài mặt quả có gai.

Lần đầu ăn không thích,
Nhưng ăn rồi thích dần.
Không ai giải thích nổi
Vì sao mình thích ăn.

Các thầy thuốc cho biết
Ăn loại trái cây này
Làm kích thích sinh dục,
Vậy nhớ ăn hàng ngày.

Rễ và lá của nó
Sắc uống, chữa suy gan,
Chữa cả bệnh cảm sốt -
Toa thuốc của dân gian.

Dùng lá nấu nước tắm,
Chữa được bệnh da vàng.
Hạt thì ăn rất bổ,
Có thể luộc hay rang.




CÂY DỨA

1
Xưa, có một bà góa
Sống với cậu con trai.
Cậu con thì lười nhác,
Chỉ suốt ngày nằm dài.

Một phần cũng tại mẹ
Chiều anh con cực kỳ,
Nên anh con lớn xác
Mà chẳng biết làm gì.

Một hôm, bà ốm nặng,
Không thể dậy hầu con.
Mà anh con thì đói,
Thức ăn vẫn đang còn.

Anh ta đành xuống bếp
Tìm cái ăn, than ôi,
Tìm mãi vẫn không thấy,
Dù thức ăn trong nồi.

Chỉ vì anh ta vụng,
Mắt cứ nhìn đâu đâu,
Cứ luôn miệng hỏi mẹ,
Mà mẹ thì đang đau.

Bực mình, bà mẹ ước:
“Ước gì thằng con tôi
Có trăm mắt để thấy
Thức ăn để trong nồi!”

Tiếp đến là im lặng,
Sự im lặng ngỡ ngàng.
Bà mẹ bò xuống bếp
Rồi dụi mắt, bàng hoàng:

Anh con trai yêu quí,
Than ôi, nay chẳng còn,
Mà biến thành quả dứa
Với trăm mắt tí hon.

2
Không nói, ai cũng biết
Giá trị loại cây này.
Ngoài thơm ngon bổ dưỡng,
Nhân dân ta xưa nay

Dùng rễ nó làm thuốc
Chữa đi tiểu khó khăn,
Hay đái ra sỏi sạn.
Cứ sắc uống nhiều lần.

Có thể ép lá dứa
Hay quả dứa chưa vàng
Làm vị thuốc hiệu quả
Trong việc tẩy nhuận tràng.

Sắc hay giã nõn dứa,
Ba mươi gam mỗi ngày,
Có thể chữa cảm sốt,
Đơn giản mà rất hay.

Ngoài ra còn dứa dại,
Hay dứa gỗ, dứa gai,
Cũng chữa bệnh rất tốt,
Cả dùng trong, dùng ngoài.

Đặc biệt loại dứa dại
Chữa tốt bệnh lòi dom -
Ngày uống mười gam rễ,
Hai mươi gam đọt non.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire