caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 5 octobre 2014

Đọc bài viết của Ông Tôn Thất Thiện, tác giả Lê Xuân Nhuận

Đọc bài viết của Ông Tôn Thất Thiện


Lê Xuân Nhuận


27 tháng 11, 2010

LTS: Bài viết sau đây được phổ biến ra các diễn đàn thư tín ngày 20 tháng 11, 2010 không có tựa. Chúng tôi xin mạn phép tác giả đề tựa như trên. Mong rằng không có gì đáng trách. Hiện nay nhóm "Phục hồi Tinh Thần Ngô Đình Diệm" đang tìm cách thao túng các diễn đàn, để dựng lại chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, ít nhất là ở hải ngoại. Do đó bài phân tích sau đây là việc làm cần thiết. (SH)



 

TS Tôn Thất Thiện
Ảnh Wikipedia

Năm 2009, nhằm ngày lịch-sử mồng 1 tháng 11, Giáo-Sư Tiến-Sĩ Tôn Thất Thiện đã cho phổ-biến trên báo Người Việt Boston (Massachusetts, USA) một bài viết, nhan đề:

CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM:

MỘT VIÊN NGỌC QUÝ TRONG KHO TÀNG TƯ TƯỞNG,

MỘT ĐÓNG GÓP LỚN VỀ SOI SÁNG VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN

(đăng ở http://nguoivietboston.com/?p=17519)


Đọc xong bài viết của Ông Tôn Thất Thiện về “Chính Đề Việt Nam”, chúng tôi đã có một số cảm-nhận và suy-nghĩ thô-thiển dưới đây:

A- “Chính Đề Việt Nam” Là Gì?

Qua bài viết của Ông Tôn Thất Thiện, độc-giả biết rằng “Chính Đề Việt Nam” là một tập “tài-liệu học tập nội bộ của những người thuộc Đệ Nhất Cộng Hoà” mà nội-dung là “kết tụ những nghiên cứu và phân tích dựa trên kinh nghiệm lịch sử của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng một số phụ tá thân cận nhằm giúp những cán bộ quốc gia nắm vững con đường phát triển dân tộc”, trong đó “một phần những đề tài này đã được thảo luận trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà”, và vai trò của nó hiện nay là “phổ biến rộng rãi một công trình đóng góp rất lớn của những người lãnh đạo Đệ I Cọng Hoà Việt Nam vào sự soi sáng vấn đề phát triển Việt Nam, để những ai cứu xét vấn đề có thêm dữ kiện để suy ngẫm”.

Về thời-điểm ra đời của tài-liệu này thì Ông Thiện cho biết là “lúc soạn tài liệu này, vào khoảng những năm 1957-1960. Những nhận xét trên đây được đưa ra vào khoảng năm 1960. Điều nhận xét nay được đưa ra năm 1960” (có nơi Ông Thiện viết là năm 1962).

Nói chung, mục-đích của công trình này là để phác-hoạ “con đường phát triển dân tộc”, đưa Việt Nam ra khỏi “tình-trạng chậm tiến”.

Tuy thế, Ông Tôn Thất Thiện còn đánh giá nó cao hơn: “Chính Đề Việt Nam là một tài liệu được soạn đặc biệt như là một tài liệu học tập để huấn luyện cán bộ cao cấp của chế độ về nghệ thuật trở thành những người ‘lãnh đạo xứng danh’. Tuy nhiên, như ta đã thấy, tài liệu này có một tầm quan trọng vượt xa không những chế độ Cọng Hoà I, mà ngay cả Việt Nam: nó có giá trị một tài liệu học tập quý báu cho cán bộ các nước chậm tiến muốn hiện đại hoá”.

B- Ông Tôn Thất Thiện Là Ai?

1/ Trên mạng lưới thông-tin toàn-cầu, tỷ như “Wikipedia” (từ-điển bách-khoa mở: http://en. wikipedia. org/wiki/Ton_That_Thien), Ông Tôn Thất Thiện (TTT) được tả là một nhân-sĩ quốc-gia, lìa bỏ chính-phủ Hồ Chí Minh vì là cộng-sản trá-hình, đứng ngoài chính-phủ Bảo Đại vì là phụ-thuộc thực-dân, và chỉ tùng-phục Ông Ngô Đình Diệm là một lãnh-tụ quốc-gia chân-chính. Ông Thiện tri-ngộ Ông Diệm tại Pháp từ năm 1953, và đã trở thành Giám Đốc Báo Chí kiêm Thông-Dịch-Viên riêng của Thủ-Tướng Ngô Đình Diệm từ những ngày đầu-tiên và của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm vào chính ngày cuối-cùng của nền Đệ-Nhất Cộng-Hoà.

2/ Ngay trong bài viết nói trên, Ông Tôn Thất Thiện đã tự giới-thiệu như sau: “Từ lúc tôi bắt đầu suy tư về tình trạng Việt Nam, vào những năm cuối giai đoạn Trung học, 1942-44, rồi qua những năm học hỏi, sưu tầm, giảng dạy ở Đai học, từ năm 1947 cho đến nay, 2009, đã 85 tuổi, hưu trí được liệt vào hạng bô lão, tôi không ngớt suy tư, sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề canh tân, cải tiến Việt Nam để đưa dân tộc ra khỏi tình trạng chậm tiến, khổ cực được dàn ra hàng ngày trước mặt mọi người. ... vấn đề căn bản của rất nhiều nước... trong đó có Việt Nam, là những nước ở tình trạng chậm tiến. ‘Chậm tiến’ là dẫm chân, thua xa về đời sống yên ổn, sung túc so với dân các nước Tây Phương, và so với tình trạng khoa học kỹ thuật của nhân loại trong giai đoạn hiện đại... . Tôi đã được học hỏi ở những Đại học có tiếng là đứng hàng đầu thế giới về các môn Chính trị, Kinh tế, Xã hội học, tôi đã đọc rất nhiều sách, báo, về vấn đề phát triển; tôi đã dành rất nhiều thì giờ quan sát, suy tư về vấn đề, và cũng đạt được một số nhận xét có thể coi là chính xác, nhưng tôi không mãn nguyện, trí tôi vẫn không yên, vì tôi chưa thấy thật rõ ràng và toàn bộ giải pháp dẫn đến sự phát triển mà tôi mong muốn. Điều này cũng có nghĩa là tôi chưa tìm ra được một cách tiếp cận hiệu nghiệm để thấy con đường đó...” và “(tôi) là một học giả đã để nhiều thì giờ, nhiều công và tâm trí vào việc tìm hiểu vấn đề”.

C- Thắc-Mắc khi đọc “Chính Đề Việt Nam”:

1) Ông Tôn Thất Thiện viết: “Mãi đến năm 2004 (tức là hơn 40 năm sau khi chấm dứt Đệ Nhất Cộng Hoà) tôi mới được cái may mắn này... . Năm 2004 là năm tôi được nghe nói đến, rồi được đọc, tác phẩm Chính Đề Việt Nam...”

Thắc-Mắc: Ông Tôn Thất Thiện theo phò Thủ-Tướng rồi Tổng-Thống Ngô Đình Diệm với một tấm lòng tín-nghĩa, và sau Ngày Định-Mệnh 1-11-1963 thì vẫn giữ vững một niềm kiên-trung đối với cố lãnh-tụ họ Ngô. Đương-nhiên Ông Thiện cũng thân-cận không ít với Cố-Vấn Ngô Đình Nhu (Ông Thiện cũng là thông-dịch-viên tín-cẩn của Ông Nhu tỷ như trong cuộc họp báo với ký giả ngoại quốc vào cuối tháng 9 năm 1963, về những tin đồn rằng Ông Ngô Đình Nhu liên-lạc với cộng-sản). Cương-vị, trách-vụ, năng-khiếu và sở-trường của Ông Thiện gắn liền với chữ-nghĩa, tư-tưởng, chủ-thuyết và... chính-đề ‒ Thế mà tập tài-liệu (“Chính Đề”) này, dù đã “kết-tụ những nghiên cứu và phân tích dựa trên kinh nghiệm lịch sử của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng một số phụ tá thân cận” và “một phần đã được thảo-luận trong hàng-ngũ cán-bộ lãnh-đạo dưới thời Đệ Nhất Cộng-Hoà”, rồi sau chính-biến 1963 còn được “xuất-bản năm 1964 ở Việt Nam, được tái bản tại Hoa Kỳ năm 1988”, với một nội-dung hệ-trọng và cấp-thiết như thế, thế mà nó vẫn tàng-hình như một hồn ma, và phải đợi mãi đến năm 2004 ông Thiện mới có được “ cái may-mắn được nghe nói đến, rồi được đọc, tác phẩm Chính Đề Việt Nam”.

Tôi không tin rằng một tập tài-liệu, chỉ là giấy mực, có thể chơi trò cút+bắt (trốn+tìm) với Ông Thiện; nhưng tôi thắc-mắc tại sao các bạn đồng-tâm đồng-chí của Ông Thiện, hẳn là vẫn còn và vẫn còn trung-thành chứ, nhất là “một nhóm thân hữu đã cùng sát cánh bên nhau trong nhiều năm” lại không có lòng, không có tình, báo tin hay bắn tin cho ông Thiện biết về sự có mặt của tập tài-liệu quý-giá vô-song này, khiến ông phải mất hơn 40 năm mới biết đến nó. Phải chăng trong hơn 40 năm ấy Ông Tôn Thất Thiện không còn liên-lạc với các “cán bộ lãnh đạo dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà” hay là chính họ (“một số chiến-hữu trung kiên”) không còn liên-hệ với ông (vì lý-do nào)?

2) Ông Tôn Thất Thiện viết: “Vấn đề được bàn đến trong Chính Đề Việt Nam là vấn đề phát triển” và “Sau khi đọc xong Chính Đề Việt Nam, phản ứng đầu tiên của tôi (Tôn Thất Thiện)” là: “Trời! Sao mình không được biết đến tài liệu này sớm hơn! Tất cả những gì mình tìm kiếm đều có trong đó. Mình đã mất gần 50 năm... tìm kiếm những gì mà đã có người Việt Nam đã viết lên rồi.

Thắc-Mắc: “Tổng-Thống Ngô Đình Diệm và Cố-Vấn Ngô Đình Nhu, từ thập-niên 1940, nhất là trong suốt thời-gian 9 năm cầm quyền từ 1954 cho đến 1963, cũng đã đem hết tim óc ra để, không những tìm cách tiếp-cận, mà còn cố gắng thực-hiện con đường “đưa dân tộc ra khỏi tình-trạng chậm tiến” (Phát Triển Cộng Đồng, Cộng Đồng Đồng Tiến), qua chủ-nghĩa Nhân Vị, thể-hiện bằng Đảng Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng và quốc-sách Ấp Chiến Lược ‒ và chính Ông Tôn Thất Thiện trên cương-vị Giám Đốc Báo Chí và Thông-Dịch-Viên riêng của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm rồi Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã của Đệ Nhất Cộng Hoà, cũng đã tích-cực tham-dự vào quá-trình ấy, trong chế-độ ấy. Thế mà nay Ông Tôn Thất Thiện mới tìm ra được cái may mắn đọc tác phẩm Chính Đề Việt Nam, là “tài-liệu học-tập” về “con đường phát triển dân tộc” và Ông Thiện đã vội kêu lên “ Trời! Sao mình không được biết đến tài liệu này sớm hơn!” Điều này đưa đến giả-thuyết:

a- Hoặc là “Chủ Nghĩa Nhân Vị” và “Chính Đề (Phát Triển: Tây-Phương-Hoá tức Hiện-Đại-Hoá)” của Đệ-Nhất Cộng-Hoà, “tuy hai mà một” (“Nhân Vị” thuộc về tư-tưởng: chủ-đạo thượng-tầng kiến-trúc; “Phát Triển”, riêng về khoa-học kỹ-thuật: cải-tiến hạ-tầng cơ-sở); thế thì vì lý-do gì mà Ông Tôn Thất Thiện lại không nhận ra, nên trước kia chỉ biết “Chủ Nghĩa Nhân Vị” đến nay mới biết “Chính Đề (Phát Triển)”, trong lúc nó là “một tác phẩm hết sức độc đáo, một đóng góp lớn, một viên ngọc quý trong kho tàng tư tưởng của nhân loại” và ông Thiện thì tự xưng là “một học giả chuyên nghiên cứu về vấn đề phát triển các quốc gia châm tiến”?

b- Hoặc là “Chủ Nghĩa Nhân Vị” khác với “Chính Đề (cũng là tư-tưởng) về Phát Triển”; nhưng Ông Tôn Thất Thiện không biết, hoặc đúng hơn là không được “những người lãnh đạo Đệ I Cọng Hoà Việt Nam” cho biết về Chính Đề Phát Triển. Thế thì chỗ đứng của ông Thiện trong lòng chế-độ thời đó là ở chỗ nào?

c- Trong cả hai trường-hợp, Ông Tôn Thất Thiện đều chính-thức và công-khai phủ-nhận giá-trị của Chủ-Nghĩa Nhân Vị (với cả tư-tưởng chủ-đạo trong Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng và quốc-sách Ấp Chiến Lược) cũng như chương-trình Phát Triển Cộng Đồng, chủ-trương Cộng Đồng Đồng Tiến của nhị vị Diệm+Nhu qua biết bao nhiêu là sách-sử, báo-chí, tài-liệu tuyên-truyền, giảng-dạy, học-tập), vì ông Thiện viết: “Từ (khi phục-vụ dưới quyền Ông Ngô Đình Diệm cho đến sau khi chấm dứt Đệ-Nhất Cộng-Hoà), tôi không ngớt suy tư, sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề canh tân, cải tiến Việt Nam để đưa dân tộc ra khỏi tình trạng chậm tiến (tức là con đường phát triển dân tộc) mà mãi đến “bây giờ (năm 2004) mới thấy thật rõ ràng và toàn bộ giải pháp dẫn đến sự phát triển mà mình mong muốn, tất cả những gì mình tìm kiếm gần 50 năm, trong tác phẩm Chính Đề Việt Nam” này, là “tài liệu xuất sắc nhứt... trong suốt thời gian gần 70 năm qua”.

3) Ông Tôn Thất Thiện viết: “ai là tác giả của tác phẩm (“Chính Đề Việt Nam”) cũng không quan trọng. Điều quan trọng là phổ biến rộng rãi một công trình đóng góp rất lớn của những người lãnh đạo Đệ I Cọng Hoà Việt Nam vào sự soi sáng vấn đề phát triển Việt Nam”, rồi viết thêm: “dù gặp muôn vàn khó khăn, nhóm chủ trương quyết định ấn hành tài liệu này”.

Thắc-Mắc: Trong bài viết này, Ông Tôn Thất Thiện đã khiến độc-giả ngỡ-ngàng khi đọc đến tên của một nhân-vật lạ-hoắc đối với đa-số đồng-bào Việt-Nam (mặc dù có thể là một bí-danh trong Đảng Cần Lao?), đó là Tùng Phong, tác-giả của tập tài-liệu “Chính Đề Việt Nam”, “viên ngọc quý trong kho tàng tư tưởng”. Từ đầu đến sát cuối, cái gì cũng Tùng Phong. Nào là Tùng Phong giải-thích, Tùng Phong soi sáng, Tùng Phong cảnh-báo, Tùng Phong dự-đoán, v.v... cứ lặp đi lặp lại mãi cái tên Tùng Phong. Cho đến cuối bài Ông Tôn Thất Thiện mới chịu chêm chú rằng Tùng Phong chính là cố Cố-Vấn Ngô Đình Nhu. Là một ngạc-nhiên thú-vị, nhưng điều thắc-mắc của tôi lại càng gia-tăng. Ông Thiện viết: “Lúc đó (2004), vấn đề gặp một số trở ngại về danh tánh của tác giả.” Theo tôi, Ông Ngô Đình Nhu, dù có kẻ tôn lên là “kiến-trúc-sư” của nền Đệ-Nhất Cộng-Hoà, là “đầu não” của Chủ Nghĩa Nhân Vị, là “cha đẻ” của Quốc Sách Ấp Chiến Lược, v.v... nhưng có người đã phản-bác, phủ-nhận; tuy nhiên, dù sao Ông Nhu cũng đã là Tổng Bí Thư của Đảng Cần Lao, Cố Vấn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một nhân-vật lịch-sử, thì tại sao lại không chịu đề tên thật của tác-giả tập tài-liệu ngay từ đầu là Ngô Đình Nhu, nhất là sau khi Đệ-Nhị Cộng-Hoà cũng đã không còn, và Ông Thiện cùng các “chiến hữu trung kiên” thì cũng đã được sống trong Thế-Giới Tự-Do từ ngót 30 năm nay rồi? Phải chăng cái tên Ngô Đình Nhu vẫn còn có thể gây dị-ứng gì trong lòng độc-giả quần-chúng? Hơn nữa, mãi đến năm 2004 mà Ông Thiện còn viết là việc xuất-bản tập tài-liệu ấy vẫn “gặp muôn vàn khó khăn”: Phải chăng “Nhóm chủ trương” bị ai làm khó dễ? hoặc “Nhóm chủ trương” không quyên góp đủ tiền để thuê in?

4) Ông Tôn Thất Thiện viết: “Những kết luận của Tùng Phong (Ông Ngô Đình Nhu) đưa ra lúc soạn tài liệu này, vào khoảng những năm 1957-1960, ngày nay, 2009, có thể nói là tiên tri. Những điều trên đây, từ điểm quan sát 2009 nhìn lui, tôi thấy rõ, vì đó là những điều tôi đã được nghe, đọc, thấy, suy ngẫm, từ những năm 1949-1952, lúc tôi học ở Trường L.S.E. (London School of Economics)

Thắc-Mắc: Qua đoạn văn này, Ông Tôn Thất Thiện đã tự mâu-thuẫn:

a/ Trọng-tâm của “Chính Đề (Phát Triển) Việt Nam” là “Một cuộc Tây phương hoá, đến mức độ cao (Tây phương hoá đến khi nào chúng ta chế ngự được khả năng sáng tạo khoa học của Tây phương) chỉ thực hiện được khi nào sự hấp thụ kỹ thuật Tây phương được thành tựu đến mức độ người hấp thụ chế ngự kỹ thuật đó, để đến phiên mình sáng tạo. Và muốn chế ngự được kỹ thuật đó, trước tiên phải thấu triệt được những nguyên lý của khả năng sáng tạo và luyện được cách sử dụng khả năng đó” ‒ một cách diễn-đạt tư-tưởng mà Ông Thiện cho (và tự-hào) là “lối hành văn lập luận trừu tượng” ‒ cũng trừu-tượng như lối nói của Cố Vấn Ngô Đình Nhu về “Ấp Chiến Lược” năm 1963: “Hiện nay cái học thuyết Nhân Vị mà tôi cổ võ là một nền dân chủ đấu tranh trong đó tự do không phải là món quà của Ông Già Noel, nhưng mà là kết quả của một cuộc chinh phục bền bỉ và sáng suốt trong đời sống thực tế, không phải trong một khung cảnh lý tưởng mà trong những điều kiện địa lý chính trị đã được định sẵn. Chính cái quan niệm về tự do nầy đã khai mào cho toàn bộ chương trình ACL. Hệ thống Ấp Chiến Lược nầy sẽ làm thay đổi cơ cấu chính trị thượng tầng của chính phủ hiện tại.” Đồng-thời, Đệ-Nhất Cộng-Hoà cũng đã tìm cách “soi sáng vấn đề phát triển Việt Nam” (không những cho Miền Nam mà cho cả toàn-quốc và các nước chậm tiến nữa), bằng cách thực-hiện cuộc “Cách Mạng Quốc Gia” với Hiến Pháp Nhân Vị và các nỗ-lực khác. Vậy thì các vị lãnh-đạo Đệ-Nhất Cộng-Hoà có biết trước là triều-đại Ngô Đình sẽ sụp đổ hay không, mà Ông Thiện bảo là “tiên tri”?

b/ Vả lại, nếu như mọi sự đều đã diễn ra y như tác-giả Tùng Phong (Ông Ngô Đình Nhu) dự-đoán, thì “những điều trên đây, từ điểm quan sát 2009 nhìn lui, (Ông Tôn Thất Thiện) thấy rõ, đó là những điều (Ông Thiện) đã được nghe, đọc, thấy, suy ngẫm, từ những năm 1949-1952, lúc (Ông Thiện) học ở Trường L.S.E.” Vậy thì Ông Nhu chỉ nói ra những gì mà Trường L.S.E. đã dạy cho Ông Thiện từ trước rồi, chứ đâu phải là “tất cả những gì (Ông Thiện) đã mất gần 50 năm để tìm kiếm”: có gì là “tiên tri” đâu?

D- Nghi-Vấn

1. Ông Tôn Thất Thiện có viết ở một đoạn: “kết tụ những nghiên cứu và phân tích dựa trên kinh nghiệm lịch sử của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng một số phụ tá thân cận”, và ở một đoạn khác: “vấn đề được các tác giả bàn đến”, rồi ở một đoạn khác: “tưởng nên nhắc đến những người đóng góp lớn nhứt vào công trình này”. Ông Thiện có nhắc đến tên của các ông “Cao Xuân Vỹ, Lê Văn Đồng, Phan Xứng, Đỗ La Lam, và một số thân hữu khác” (không nhắc đến tên của các ông Lâm Lễ Trinh, Nguyễn Văn Chức).

Như thế, phải chăng tập “Chính Đề Việt Nam” này là tuyển-tập những bài viết của các “phụ tá thân cận” và người hâm-mộ của cố Cố Vấn, (“nhóm thân hữu của ông Ngô Đình Nhu”) chứ không thực-sự là bài viết của Ông Ngô Đình Nhu, mà họ muốn cho độc-giả tưởng là của Ông Nhu, nên họ cùng nhau gán hết cho Tùng Phong là tác-giả, rồi cuối-cùng để cho Ông Thiện chêm một cái chú trong hai dấu ngoặc rằng Tùng Phong là Ngô Đình Nhu?

2. Ông Tôn Thất Thiện đã viết rất nhiều về tình-hình Trung Cộng xâm-lấn Việt-Nam hiện nay, và đặc-biệt là đã viết ở trong hai dấu ngoặc kép, tức là trích lời của chính Ông Ngô Đình Nhu như sau: “Tùng Phong (Ông Ngô Đình Nhu) nhận xét rằng: miền Bắc vẫn còn đang ca tụng như những chân lý những giá trị tiêu chuẩn và giai đoạn mà Nga Sô đã bỏ”.

Ông Thiện đã giới-thiệu rằng “Tùng Phong (Ông Ngô Đình Nhu) soạn tài liệu này vào khoảng những năm 1957-1960” (có nơi Ông Thiện lại viết: “ta nên nhớ rằng tác phẩm này được hoàn tất vào năm 1962”), mà dù cho đến ngày 2-11-1963 là ngày ông mất, Nga Sô cũng vẫn còn bình chân như vại, nếu không muốn nói là đang đe-doạ cả thế-giới, thì làm sao mà có mấy chữ “Nga Sô đã bỏ” (chủ nghĩa cộng sản)? Phải chăng tập “Chính Đề Việt Nam” này mới được viết ra không chỉ sau ngày chấm dứt Đệ Nhất Cộng Hoà, mà còn vào đầu thế-kỷ 21 này?

3. Ông Tôn Thất Thiện mới được đọc “Chính Đề Việt Nam” sau khi tập tài-liệu này đã thành-hình rồi, tức là Ông Thiện chỉ viết bài giới-thiệu (“Phụ Giải”), mà bài giới-thiệu thì tóm tắt hầu hết nội-dung toàn tập, ca-tụng nó là “một tác phẩm hết sức độc đáo, một đóng góp lớn” và đánh giá nó là “một viên ngọc quý trong kho tàng tư tưởng của nhân loại” Như thế tức là nhờ có Ông Thiện mà tập tài-liệu này mới được “ra đời” công-khai, chính-thức và “sáng giá” đến thế.

Phải chăng Ông Tôn Thất Thiện không chỉ tô son hình-ảnh của cố Cố-Vấn Ngô Đình Nhu để phục-hồi vang-bóng một thời của chế-độ Ngô Đình Diệm (“Với sự phổ biến rộng rãi của tác phẩm Chính Đề Việt Nam... uy tín của chế độ Đệ Nhứt Cọng Hoà... sẽ được công nhận” và “nhằm khởi động sức phấn đấu của dân tộc trong giai đoạn cấp bách hiện nay”) ‒ mà Ông Thiện còn muốn tự giới-thiệu mình như một nhân-vật của thời-thế:

* vừa là “phụ-tá tín-cẩn và kiên-trung của cố Tổng-Thống Diệm”, để quy-tụ và lãnh-đạo “những người còn lại của Đệ Nhất Cộng Hoà” (“nhóm thân hữu” không nhờ người khác mà lại nhờ Ông Thiện viết bài “Phụ Giải”) ;

* vừa được Đệ-Nhị Cộng-Hoà trọng-dụng (không bị sa-thải sau cuộc Cách Mạng 1-11-1963 mà còn được mời làm Tổng-Trưởng Bộ Thông-Tin, một chức-vụ cao hơn), để được sự ủng-hộ của các giới hậu-Ngô;

* vừa không bị kỳ-thị mà còn được mời khai-lập và đảm-trách Khoa-Trưởng Khoa Xã-Hội tại Viện Đại-Học “Vạn Hạnh”, để được lòng của đồng-bào Phật-Giáo-Đồ;

* vừa sống theo truyền-thống của Đạo Nho bên nội và chịu ảnh-hưởng của Cửa Thiền bên ngoại, để phù-hợp với đời sống tâm-linh của phần đông người mình;

* vừa áp-dụng chủ-trương của nhà cách-mạng Phan Chu Trinh, là văn-hoá & kinh-tế đi trước chính-trị (ưu-tiên cho dân-trí mở-mang & dân-sinh tiến-bộ, trước cả dân-quyền độc-lập: hãy cải-tiến giáo-dục, nới rộng tự-do và nâng cao mức sống của người dân, rồi hãy thay-đổi chính-quyền), điều đó trấn-an phần nào các nhà cầm quyền trong nước hiện nay, đồng-thời đi sát với lộ-trình “diễn biến hoà bình” của Hoa Kỳ, trong lúc Ông Tôn Thất Thiện đã được Mỹ, qua Đại Sứ Ellsworth Bunker, khẳng-định rằng Ông Thiện (tuy thuộc Lực Lượng Thứ Ba, chống cả chủ-nghĩa thực-dân lẫn chủ-nghĩa cộng-sản) là “một trong những người chỉ-trích Hoa-Kỳ và chính-phủ VNCH một cách sáng-suốt và hùng-hồn nhất, nhưng vẫn là một nhân-vật có khả-năng, nghị-lực và tinh-thần ái-quốc, và dĩ-nhiên là không chống Mỹ”, hẳn là không gặp khó-khăn gì với Chú Sam;

* vừa quen biết với hầu hết các khuôn mặt chính-trị, quân-sự, kinh-tế, tình-báo, truyền-thông của Thế-Giới Tự-Do liên-quan đến Việt Nam từ cuối thế-kỷ trước, có sẵn tư-thế dễ-dàng giao-tiếp với ngoại-bang;

* vừa đã tự mình thực-thi (chứ không phải là chỉ hô-hào hay hứa-hẹn suông) chính-sách tự-do (bãi bỏ chế-độ kiểm-duyệt, tạo hoàn-cảnh cho người dân được tự-do chỉ-trích, kể cả truy-cố, thậm-chí chửi-bới Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu, mà thành-tích ấy được vinh-danh bằng giải thưởng Magsaysay), đó là nhu-cầu cấp-thiết và là mục-tiêu tiên-quyết của cuộc tranh-đấu chung cho Việt Nam ngày nay?

E- Kết Luận

1- Đây là phản-hồi của tôi về bài-viết về tập tài-liệu “Chính Đề Việt Nam” của Ông Tôn Thất Thiện, sau khi một số phần-tử hoài-Ngô định mở chiến-dịch gây quỹ để dựng một bức tượng của cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, rồi báo Newsweek của Mỹ đăng bài tố-cáo TT Diệm là công-cụ của cộng-sản nên Mỹ phải lật đổ, rồi Giáo-Hoàng John Paul II qua đời, tạo dịp cho một số người cho rằng giáo-dân có thể lật đổ CSVN theo kiểu Ba Lan, rồi Tiến-Sĩ Nguyễn Ngọc Tấn viết Chương “Chủ Nghĩa Nhân Vị ‒ Con Đường Mới, Con Đường của Tiến Bộ”, rồi vụ xây tượng tưởng-niệm cố TT Diệm được một vài người nhắc lại, v.v... Riêng với nghi-vấn về ý-đồ của Ông Tôn Thất Thiện, nếu sai thì tôi xin sẵn-sàng xin lỗi và nhận là mình sai.

2- Song le, dưới đây là một số kết-luận của Ông Tôn Thất Thiện và “nhóm thân hữu của ông Ngô Đình Nhu”, viết rõ trong bài “Chính Đề Việt Nam” (trích đoạn ở trong ngoặc kép), chứ không phải là của tôi:

a) “Về phần miền Nam thì Tùng Phong (Ông Ngô Đình Nhu) quả quyết: nếu bây giờ (1957-1962) chúng ta chưa có ý thức rõ rệt chính thể ấy phải thế nào, thì ngay bây giờ chúng ta có thể quan niệm được rằng ‘chính thể đó không thể là một chính thể chuyên chế hay độc tài được’.” Tức là mãi đến năm 1962 mà Nhà Ngô vẫn “chưa có ý thức rõ rệt chính thể ấy (Đệ Nhất Cộng Hòa) phải thế nào”, tuy cũng đã nhận thức rằng “chính thể đó không thể là một chính thể chuyên chế hay độc tài được”.

b) “Về vấn đề lãnh đạo, chúng ta đã lâm vào một sự gián đoạn lãnh đạo ‘đến một trình độ trầm trọng nhứt’. Sự chuyển quyền không thực hiện được giữa lớp người trước và lớp người sau. Các bí mật [bí quyết] Quốc gia và bí mật [bí quyết] lãnh đạo đều mất. Thuật lãnh đạo không truyền lại được. Người lãnh đạo không có đủ, di sản dĩ vãng không bảo tồn được, văn khố thất lạc và bị cướp bóc... Đặc biệt là sự thiếu hụt lãnh đạo này có môt ảnh hưởng tai hại: sự điều hoà giữa thiểu số lãnh đạo và đa số chịu lãnh đạo để bảo đảm một trạng thái thăng bằng cần thiết cho sự ổn định và tiến lên của xã hội không còn nữa... Tái lập sự thăng bằng này là nhiệm vụ chính trong công cuộc phát triển, và nó được Tùng Phong cứu xét rất tường tận.” Tức là mãi đến năm 1962 Nhà Ngô mới chịu “cứu xét” “vấn đề lãnh đạo” (nhưng đã quá trễ).

c) “Công cuộc xây dựng tầng lớp lãnh đạo có đủ khả năng gánh vác trọng trách trong giai đọan mới cần nhiều thời gian chuẩn bị, nên lược đồ xây dựng cho tương lai dân tộc bị gián đoạn từ đó (1957-1962).” Tức là đến năm 1962 (một năm trước ngày sụp đổ), thì “lược đồ xây dựng cho tương lai dân tộc” tức là nội dung của “Chính Đề Việt Nam” đã “bị gián đoạn”. Thế thì làm sao mà Ông Tôn Thất Thiện lại có thể viết là "Với sự phổ biến rộng rãi của tác phẩm Chính Đề Việt Nam, những tư tưởng, suy luận trong đó, và nhứt là phương pháp tiếp cận đưa đến những giải pháp rất hay được trình bày trong đó, uy tín của chế độ Đệ Nhứt Cọng Hoà và sự đóng góp của những nhà lãnh đạo của chế độ sẽ được công nhận"?

d) “Những tư tưởng chứa đựng trong Chính Đề Việt Nam chưa được phổ biến và áp dụng, thì chế độ Cọng Hoà I bị lật đổ (1963).” Vậy thì làm sao mà bảo là “uy tín của chế độ Đệ Nhứt Cọng Hòa và sự đóng góp của những nhà lãnh đạo của chế độ (ấy) sẽ được (ai) công nhận”?

e) “Chỉ cần một điều kiện căn bản hơn cả, mà Tùng Phong đưa ra trong phần kết thúc tác phẩm. Đó là: “Trong tình hình chính trị thế giới hiện nay, và trong trình độ tiến hoá của nhân loại hiện nay, các vấn đề Dân Tộc Việt Nam, trong thời kỳ này, chỉ có thể tìm ra được một giải đáp nếu chúng ta trụ vào vị trí Dân Tộc”. Tức là Đệ Nhất Cộng Hòa đã không “trụ vào vị trí Dân Tộc” (nên mới sụp đổ).

f).“Nay, chỉ còn tôi (Tôn Thất Thiện) là người nhân chứng duy nhứt. Nhưng tôi chỉ làm nhân chứng những điều sau đây do chính ông Nhu đã tiết lộ trong một cuộc họp báo với ký giả ngoại quốc vào cuối tháng 9, năm 1963. Tôi là thông dịch viên trong buổi họp báo đó, và tôi đã nghe và thông dịch hai điều sau đây: ông (Ngô Đình Nhu) đã tiếp Trần Độ ngay ‘trong phòng này’, văn phòng của ông, nơi mà ông đang tiếp các ký giả (ngoại quốc), Trần Độ có hỏi ông (Ngô Đình Nhu), v.v..."

Rốt cuộc, Ông Tôn Thất Thiện kết luận rằng “Ông Nhu đã có tiếp xúc với phía Cộng Sản.”



LÊ XUÂN NHUẬN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire