caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 18 novembre 2014

Lịch sử Việt Nam với những chuyện kể về vua Duy Tân

Vua Thành Thái có nhiều con, trên ba chục Hoàng Tử lẫn Công Chúa. Người nào phạm lỗi, vua trị thẳng tay. Nhưng trong thời gian chưa bị đánh roi, mà người phạm lỗi làm cho vua cười là vua tha tội liền.
Đêm hôm đó , chùa Linh Mụ làm chay, vua và đình thần đến dự lễ, Hoàng Tử Vỉnh San lúc đó mới 7 tuổi (vua Duy Tân sau này) được theo cha hầu điếu tráp. Trước đó cậu có phạm lỗi mà vua cha chưa kịp trị tội. Trong khi chờ buổi lễ cử hành, vua lấy thuốc cẩm lệ vấn kiểu sâu kèn ra hút, bảo Vỉnh San quẹt diêm. Cậu ta tâu không có diêm; mặc dầu trong tráp có sẵn diêm; rồi nhanh chóng chạy ù vào nhà bếp của chùa, vác một thanh củi to tướng đỏ hừng hực lấy ở bếp nấu bánh tét, lễ mễ đi thẳng trước mặt vua và đình thần nói lớn:
- Dạ, thưa lửa đây.
Trước cảnh tượng ấy, ai nấy đều cười xòa vui vẻ.
Thế là Vỉnh San khỏi bị đòn tội hôm trước.
(Theo Hoành Trọng Thược)

Vua Duy Tân

Sau khi bắt giam vua Thành Thái, viên Toàn Quyền Đông Dương, viên Khâm Sứ Levécque và một số viên chức Pháp tháp tùng, rầm rộ kéo vào Đại Nội hợp với đông đủ các quan đại thần của Nam Triều, nhằm mục đích chọn một Hoàng Tử kế vị Thành Thái.
Pháp bắt buộc Nam Triều phải đem ra trình diện tất cả Hoàng Tử con của vị vua phế đế, để Pháp " chọn mặt gửi vàng " . Sau khi ăn mặc chỉnh tề, các Hoàng Tử được đưa ra trước " Hội Đồng Thuợng Đỉnh" . Nhưng khi kiểm điểm lại thì thiếu Hoàng tử Vỉnh San lên tám tuổi. Pháp thuộc phải tìm cho ra mới nghe. Thôi thì tất cả thị vệ và cung nữ đang phục dịch trong cung cấm được huy động đi tìm kiếm; một sự náo loạn xảy ra trong cung điện, tưởng chừng như có biến cố trọng đại gì.
Đợi đã lâu mà chưa thấy Nam triều đưa Hoàng tử Vỉnh San ra trình diện, viên Toàn Quyền Pháp tỏ vẻ giận dữ, toan đứng dậy bỏ ra về thì một thị vệ dẫn Hoàng Tử đến, mặt mũi lem luốc, áo quần dính đấy mạng nhện. Đình thần bèn giải thích cho viên Toàn Quyền hay rằng:
- Vì quá sợ bị chọn làm Hoàng Đế, Hoàng Tử đã trốn chui, trốn nhủi, nên mới ra nông nổi. Để trình diện kịp thời, Hoàng Tử không kịp đi tắm rửa và thay quần áo.
Mục đích của Pháp là đưa lên ngôi một ông vua đần độn, không có tinh thần chống Pháp, để sai khiến về sau này; càng nhỏ tuổi càng tốt , để dể bề uốn nắn. Cho nên khi viên Toàn Quyền thấy Hoàng Tử Vỉnh san đang còn nhỏ và quá nhát gan như đình thần đã cho biết, thì tỏ vẻ mãn nguyện lắm.
Thực ra, lý do Hoàng Tử vắng mặt lúc này không phải vì sợ, mà ham chui xuống các bộ rầm hạ trong cung điện để bắt dế.
Ít hôm sau đó, trong buổi lễ đăng quang, có mặt viên Toàn Quyền và đoàn tùy tùng hôm nọ, Hoàng Tử tỏ ta chững chạc như người lớn, đối đáp với vị Đại Diện Pháp rất lưu loát, tỏ ra thông minh lạ thường, đôi khi còn nói những câu trịch thượng và xóc óc, khiến cho viên Toàn Quyền Pháp chưng hửng. Nhưng việc đã trót lỡ mất rồi, dù có thay đổi cũng không được nữa.
Chín năm sau, hẵn viên Toàn Quyền này còn hối tiếc nhiều hơn nữa khi Hoàng Tử ấy, trên ngôi vị Hoàng Đế, đã cầm đầu một cuộc khởi nghĩa chống Pháp vào đêm 2, rạng ngày 3 tháng 5 năm 1916.
(Theo Hoàng Trọng Thược)


Di ảnh vua Duy Tân 30 tuổi

NHỮNG CÂU HỎI " XẤC XƯỢC "

Trong buổi lễ đăng quang, sau kho ở bên ngoài 21 tiếng súng lệnh nổ vang báo hiệu buổi lễ bắt đầu, viên Toàn quyền theo nghi lễ đọc chúc từ khai mạc. Vua Duy tân bước xuống ngai đứng nghe. Vua mặc bộ đồ đại triều nặng nề mà phải đứng nghe viên Toàn Quyền đọc chúc từ quá lâu nên rất khó chịu. Tuy nhiên, ngoài mặt vua vẫn giữ được vẻ bình thản và trang nghiêm. Đến khi viên Toàn Quyền dứt lời, vua Duy tân tiến tới bắt tay và hỏi gọn lỏn (bằng tiếng Pháp)
- Ông đọc chúc từ lâu như vậy, ông có mệt không?
làm cho viên Toàn Quyền chưng hửng.
Trước đó, khi các viên chức cao cấp Pháp đến chào vua, mặc dầu vua biết rõ hai vị đại diện cao cấp nhất của chính quyền Bảo Hộ, nhưng vẫn giả vờ không biết, hỏi:
- " Trong các ông đây, ai là Toàn Quyền, ai là Khâm Sứ?
Các câu hỏi của vua Duy tân có vẻ ngây thơ, nhưng thật là mỉa mai và thâm thúu
(Theo lời kể của ông Tôn Thất Sa)


ÔNG VUA TINH NGHỊCH NHƯNG TẾ NHỊ
Năm 1911, ông Tôn Thất Sa được Khâm Sứ Trung Kỳ cử vào nặn tượng vua Duy tân theo mẫu sống để Pháp đem sang trưng bày tại cuộc đấu xảo Paris tổ chức vào năm sau. Trong khỏang hơn một tháng , ngày hai buổi, mỗi buổi một giờ, vua mặc đại triều ra ngồi trên ngai vàng đặt ở giữa điện Dưỡng Tâm để cho ông Sa nặn tượng .
Trong mấy buổi đầu, trước sự có mặt của phụ đạo Pháp Eberhardt, nhà vua giữ thái độ dè dặt, không hề nói với ông Sa một lời.
Về sau nhà vua lựa khi Eberhardt vắng mặt mới ngồi làm kiểu và lúc đó ông thân mật, ân cần hỏi thăm gia đình, cuộc sống của ngưoi nặn tượng. Vua cho phép ông Sa cởi áo ngoài để nặn tượng cho thoải mái, có khi còn sai người đem trà ra mời ông Sa dùng, xem như một người thân.
Thế nhưng khi mặt của pho tượng nặn gần xong thì lạ thay , mặt và mũi vẫn y nguyên, nhưng cái miệng thì vểu ra và nhe răng như mỉa mai, chế nhạo ai, làm ông Sa rất bàng hoàng , sửng sốt . Khi vua lại ra ngồi làm kiểu, ông lặng lẽ chữa lại những chỗ bị sửa, nhà vua cũng không nói gì. Qua hôm sau, việc " chơi khăm " hôm trước lại y hệt, làm cho ông Sa tức đến sôi gan và bí mật tìm ra thủ phạm cho bằng được.
Đến ngày thứ ba, khi về nhà ăn cơm trưa xong, ông Sa không ngủ trưa mà lén đi vào điện Dưỡng tâm. Tại đây, một cảnh tượng làm ông suýt té ngữa vì ngạc nhiên: chính vua Duy Tân, tay trái cầm một cái gương soi, tay phải măn mo nơi mặt pho tượng, miệng của vua vểu ra để lộ hai hàm răng! Thỉnh thoảng vua nhìn mặt mình trong gương rồi quay sang nhìn mặt pho tượng để nắn theo ý muốn của mình. Khi bị ông Sa " bắt quả tang ", vua cười nói:
- Ta muốn pho tượng của ta chế nhạo cả nước Pháp khi công trình ấy được đưa qua đấu xảo ở Paris.
- Tâu Hoàng Thượng, nhưng Hoàng Thượng có nghĩ rằng như vậy ông Khâm sứ có thể nghiêm trị tôi không?
- Té ta rứa a? Ta không nghĩ đến, thôi ta xin lỡi thầy.
Rồi nhà vua leo lên ngai ngồi để ông Sa sữa chữa lại cái miệng của pho tượng và tiến hành công việc của ông.
Về sau công trình hoàn thành tốt đẹp, ông Sa lại được vào Đại Nội để tiếp tục họa chân dung vua theo nhiều cách: sơn dầu, thủy mạc, bút chì ... Cứ mỗi lần họa xong một bức và tiếp tục qua bức khác, ông thấy một bàn tay nho nhỏ xinh xinh thọc vào túi áo bà ba của mình, nhưng ông không dám nhìn vào, tuy biết đó là bàn tay của nhà vua.
Đợi đến khi ra khỏi điện Dưỡng Tâm rồi, ông thò tay vào túi áo thì thấy đó là tờ giấy bạc. Thì ra nhà vua đã tế nhị và kín đáo trả tiền công cho ông. Chứ một bức họa cỡ lớn thì 50 đồng. Ông Sa rất lấy làm cảm động, một phần vì cử chỉ tế nhị của vua và phần khác, vào năm 19911, đó là những số tiền lớn gấp mấy lần số lương hàng tháng của ông lúc này ....
(....)
Sau này, không được vào Đại Nội nữa do lệnh cấm của người Pháp, nhưng hình ảnh vị vua thiếu niên thông minh, tinh nghịch mà tế nhị đó vẫn làm cho ông Sa nhớ mãi và tiếc nuối.
(Theo Hoàng Trọng Thược)
Khi vua Duy tân đến tuổi lấy vợ, chiếu theo lệ do vua Minh Mạng đặt ra (1), nhà vua không sách lập Hoàng hậu mà chỉ nạp phi, nghĩa là tuyển Cung Phi vào Nội. Người được vua tuyển chọn làm " Đệ nhất Giai Phi ", tức Hoàng Quý Phi, là cô Mai thị Vàng, trưởng nữ của ông Mai Khắc Đôn, Phụ Đạo của nhà vua, ở thôn Kim Long, xã Hương Long, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Theo lời của bà Duy Tân kể lại thì cuộc tình duyên của bà đầu đuôi như sau:
Năm 1915, vua Duy Tân được 16 tuổi (sinh năm 1900), bà 17 tuổi (sinh năm 1899). Một hôm nhà vua hỏi ông Mai Khắc Đôn:
- Con gái của thầy có cô nào lớn không?
- Muôn tâu, các con gái của hạ thần đều cón nhỏ dại.
Thế rồi, một ngày nọ, nhà vua ngồi xe song mã với ông Đôn đi ngang qua bộ Lễ (nơi ông này ở), thấy cô Mai Thị Vàng cùng các em đang chơi ở cổng, bèn hỏi:
- Có phải cô gái lớn kia là con của thầy không?
- Dạ phải
- Con gái của thầy lớn vậy, sao thầy lại dấu tôi?
(Lúc bấy giờ cô Vàng đến bộ Lễ thăm cha, chứ thường ngày cô ở tại thôn Kim Long với mẹ). Sau đó ít lâu, nhà vua cho hai người nhà đến thôn Kim Long để xem mặt cô Vàng và xin ảnh của cô đem về cho Lưỡng Tôn Cung xem ......
Một tháng sau, lễ hỏi của cô Vàng được cử hành tại nhà ông Phụ Đạo họ Mai ở Kim Long, rồi qua ngày 30 - 1 - 1916, lễ nạp Phi được tổ chức trọng thể ở bộ Lễ . Trước đó, vua Duy Tân đã cho ông Mai Khắc Đôn biết lý do cuộc hôn nhân này như sau:
- Vì công ơn của Thầy dạy tôi, nay tôi xin làm con rể của Thầy để trả ơn Thầy.
Bà Duy Tân còn cho biết thêm các chi tiết về lễ nạp phi diễn ra như sau:
Thời gian trước đó, Lưỡong Tôn Cung cho người đi thâu thập các ảnh của các tiểu thư con các quan đại thần đem vào Nội dđể nhà vua và các bà chọn một Hoàng Quý Phi cho hoàng thượng. Vì nhà ông Phụ Đạo họ Mai thanh bạch, nên cô Mai Thị Vàng ăn mặc đơn giản, đứng bên cạnh một chiếc ghế mây để chụp. Còn các tiểu thư khác, khi đứng trước máy ảnh, ăn mặc thật lộng lẫy, đeo nhiều nữ trang quý giá, có cô còn ngồi trên một chiếc ghế có hai con chim phụng chầu hai bên. Mặc dù vậy, cuối cùng cô Vàng lại được tuyển ....
Lễ nạp phi được diễn ra như sau:
Giờ Tý ngày 26 tháng chạp năm Bính thìn (30 - 01- 1916) đám cưới dâu gồm toàn phụ nữ, trong đó có 6 bà Thượng Thư mặc áo Mạng Phụ, chít khăn vành, các bà đại thần khác và một số thị nữ cầm phất trần, bạch hạc, thiên tuế ..... đến bộ Lễ, có một xe ngọc lệ tứ mã đi theo với cờ xí linh đình.
Về phần nhà gái, cô dâu mặc áo rộng, đội khăn vành, hai món nữ trang này được đem đến khi nạp lễ, đựng trong một cái hộp phủ khăn điều, ngoài các thứ khác như cau lồng, rượu ché ...
Qua giờ Ngọ, sau khi cô dâu lạy bàn thờ tổ tiên và lạy cha mẹ xong, một cây pháo quả được đốt nổ vang, báo hiệu cuộc rước dâu bắt đầu. Cô dâu cùng 6 bà Thượng Thư lên kiệu ngọc lệ tứ mã chậm rãi tiến vào cung, theo sau là đoàn tùy tùng.
Có một điều xảy ra, mà người ta cho là điềm xấu : Khi đám rước dâu đi ra, cây pháo chỉ nổ có một tiếng rồi tắt hẳn.
Trước lễ nạp phi, trong Nội có sai thị vệ đem ra nhà cô dâu 20 nén bạc, mấy nén vàng, cùng 20 cây sô, sa gấm, nhiễu đủ màu, mấy nén vàng dùng để làm đồ nữ trang và vật dùng cho cô dâu như gương, lược, hộp đựng phấn sáp ...
Kể từ ngày nạp phi, trong ba ngày ba đêm liền, tại bộ Lễ ban ngày có bày cỗ thết các quan ta, quan tây và bà con bên nhà gái, ban đêm thì có múa bông và ca hát, đàn địch do ban đồng ấu của Đại Nội phụ trách để cho quan khách thưởng thức.
Sau khi được rước vào Hoàng Cung, bà phi (tức bà Mai Thị Vàng) chỉ có đến bái yết hai bà đích mẫu và sanh mẫu của vua chứ không có nghi lễ gì khác.
Vua và bà phi ở tại điện Kiến Trung, vua ở căn tả, bà phi ở căn hữu, còn căn giữa dùng để thờ đức Thánh Trần .
---------
(1) Minh Mạng đã đặt ra " ngũ bất lập" là : Bấp lập Hoàng Hậu, Đông Cung ,Tể tướng, bất phong vương và bất tuyển trạng nguyên.
(Theo Hoàng Trọng Thược)


Bà Mai Thị Vàng

CHẶT ĐẦU TÂY
Tương truyền, khi vua Duy Tân mới mười hai tuổi, có dự ngự yến ở tòa Khâm Sứ cùng với viên cố đạo người Pháp.
Viên cố đạo này đã có tuổi, lại là người thông thạo tiếng Việt và tiếng Hán.
Thấy nhà vua ít tuổi, nhưng có vẻ thông minh và tuấn tú, ông ta mới ra một vế câu đối như sau:
- Rút ruột ông vua, tam phân thiên hạ
Chữ Vương = 王, là vua, nếu bỏ đi một nét đọc thì thành chữ Tam , câu này có ý nhắc đến việc chánh phủ thực dân Pháp chia nước ta ra làm ba kỳ.
Vua Duy Tân nghe xong, liền ứng khẩu đối ngay:
- Chặt đầu thằng tây, tứ hải giai huynh.
Chữ Tây = 西, nếu bỏ đầu thì thành chữ Tứ, câu này rõ ràng thể hiện sự căm ghét Pháp của vị vua thiếu niên.
Câu đối tuy không chỉnh lắm, nhưng cũng đủ làm cho tên cố đạo đau điếng, tím mặt lại, không nói gì nữa.
(Theo báo Tri Tân số 196)


CÂU HỎI NHỎ, Ý NGHĨA LỚN
Mùa hè năm nào vua Duy Tân cũng ra nghỉ mát ở cửa Tùng, một cửa biển đẹp, yên tỉnh, có bãi tắm bằng phẳng, cát trắng và mịn.
Một hôm nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay còn dính cát, một người thị vệ liền bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay, vua vừa rửa vừa hỏi:
- Tay bẩn lấy nước mà rửa, nước bẩn lấy chi mà rửa?
Người thị vệ lúng túng không trả lời được. Nhà vua bèn đặt lại câu hỏi:
- " Nước nẩn thì làm thế nào cho sạch ? ".
Người thị vệ vẫn không trả lời được. Vua Duy Tân bèn nói:
- Nước bẩn thì phải tìm cách trừ khiẻ những chất ngoại lai lẫn vào trong đó, có hiểu không? " (1)
----------
(1) Theo nhiều tài liệu khác, thì nhà vua trả lời cho người thị vệ hiểu:
- Nước nhớp " bẩn " thì lấy máu mà rửa!" " Dù tư kiệu khác nhau, nhưng đều tỏ rõ ý chí chống xăm lăng 
 
Vua Duy Tân


NGỒI TRÊN NƯỚC .....
Để cách ly vua Duy tân với triều đình Huế, thực dân Pháp cho xây dựng nhà thừa lương ở cửa Tùng để đưa vua ra chơi.
Sống giữa cảnh trời cao bể rộng đó, nhà vua trẻ tuổi không nguôi ngoai nổi đau khổ:
- Vì sao vua Thành Thái bị đày, đất nước vì sao không có chủ quyền, đồng bào vì sao lầm than, cực kgổ mãi?....
Một hôm, quan Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài ra thăm, thấy vua buồn bèn bày đi câu. Vua, tôi chèo thuyền ra cửa biển. Mới thả câu nhấp nháy mấy cái thì lưỡi câu mắc không kéo lên được; nhà vua hí hoáy gỡ câu, nhân tiện ra mọt câu vế đối để dò xem ý nghĩ của quan Thượng Thư b về hoàn cảnh quốc gia, dân tộc ra sao. Vua nói:
Ngồi trên nước không ngăn được nước
Buông câu ra đã lỡ phải lần

Ý vua Duy Tân muốn nói: Ông ngồi trên ngai vàng trị vì thiên hạ, nhưng không ngăn được bàn tay đô hộ của người Pháp - đã lỡ lãnh trách nhiệm với quốc gia, dân tộc thì phải tìm mọi cách mà cứu dân , cứu nước.
Ông Nguyễn Hữu Bài, trước câu đối đó, định khuyên vua Duy tân không nên có những ý nghĩ táo bạo như thế, bằng câu trả lời -
Sống ở đời mà ngán cho đời
Nhắm mắt lại đến đâu hay đó.

Nghe lời khuyên, vua Duy tân rất thất vọng về ông Bài Từ đó, nhà vua tỏ ra xem thường ông Thượng Nguyễn; và cả đám đình thần, nhà vua cũng chẳng còn tin tưởng vào một ai. 

VIỆT NAM QUANG PHỤC HỘI VÀ VUA DUY TÂN
Khi vua Thành Thái bị đày ở Vũng Tàu, vua Duy tân vô cùng đau khổ, ước mong sao cho nước nhà độc lập. Tư tưởng chống Pháp manh nha từ thuở nhỏ, giờ đây càng ngày càng nảy nở. Nhưng thực lực chống Pháp ở đâu? Quan lại triều đình như Nguyễn Hữu Bài làm sao tin tưởng được? Nhà vua trong tay không có một chút quyền lực nào!
Thời cơ đã đến khi Việt Nam Quang Phục Hội, mà lãnh tụ là Thái Phiên và Trần Cao Vân, đặt kế hoạch tiếp xúc với ông vua có tư tưởng chống Pháp này.
Để có điều kiện liên lạc với nhà vua, Hội Quang Phục bỏ ra một món tiền rất lớn thương lượng với người lái xe ô tô của vua Duy Tân, yêu cầu người này tự xin thôi việc và giới thiệu Phan Hữu Khánh vào thay,Khánh là hội viên Quang Phục Hội, Thương lượng có kết quả. Thế là người của Quang Phục Hội đã hằng ngày ở cạnh ông vua yêu nước.
Một hôm, nhà vua ngự du cửa Tùng, Phan Hữu Khánh dâng lá thư của Quang Phục Hội. Nội dung là thư nói về sự cơ cực, lầm than của nhân dân, thảm học của quốc già, dân tộc, và nêu lên ý định phục quốc của nhân dân. Lời lẽ trong thư có nhiều đoạn thật hào hùng, cảm động:
" Kia Mỹ quốc dòng giống rợ đen năm mươi năm còn có thể tự cường, huống dân ta con cháu nhà vua, 25 triệu nỡ đành hèn yếu.
Trời sinh vua thông minh, chánh trực, có chí cử binh chống Pháp. Đất sinh người tài giỏi, có quyền đuổi giặc thương dân!
Đức vua cha là vua Thành Thái, vì tội gì bị đày? Lăng tẩm vua Dực Đức (vua Tự Đức) vì cớ gì mà bị bới?
Xem xong thư, vua Duy Tân rất cảm động, tha thiết nói với Khánh cho gặp gấp người đã gởi phong thư.
Phan hữu Khánh sung sướng quỳ xuống bái tạ và xin sẽ tổ chúc cuộc gặp mặt. Vua Duy Tân thoát đứng dậy cầm vai Khánh nâng lên:
-Đáng lẽ ta phải tạ ơn nhà ngươi, sao nhà ngươi lại bái lạy ta, thương mến ta thì hãy giúp ta !"
(Theo Yhái Văn Kiểm)


NHỮNG NGÀY KHỞI NGHĨA

Sau cuộc gặp gỡ lịch sử bên hồ Tịnh tâm với Thái Phiên và Trần Cao Vân, nhà vua lặng lẽ trở về Hoàng Cung. Các lãnh tụ Quang Phục Hội trở lại đất Quảng khẩn trương vạch kế hoạch để đón thời cơ khởi nghĩa.
Sau nhiều ngày hội hợp bí mật, một kế hoạch khởi nghĩa đã được thông qua. Thái Phiên được bầu làm chủ tịch, Trần Cao Vân làm quân sư.
Theo Trần Cao vân, dịch số ấn định cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra vào một ngày giờ nào đó mới mong thành công. Ngày giờ đó ông truyền đi đến các tỉnh ẩn trong bài thơ sau:
Một mối xa thư đã biết chưa?
Bắc- Nam hai ngả gặp nhau vừa
Đường rầy đã thẳng thang mây bước
Ống khói càng cao ngọn gió đưa
Sấm dậy tứ bề trăm máy chuyển
Phút thâu muôn dặm nửa giờ trưa
Trời sai ra dọn xong từ đấy
Một mối xa thư đã biết cchưa?
(Hỏa xa Huế - Hàn)

Ngày giờ hẹn ước là giờ ngọ, tháng ngọ và ngày ngọ (phút thâu muôn dặm nửa giờ trưa)
Nhưng vì tình thế bức bách, hàng ngàn lính tùng chinh sắp xuống tàu đi Tây, nếu không khởi nghĩa sớm thì mất một lực lượng lớn nên phải thuận theo yêu cầu của vua Duy Tân khởi nghĩa sớm hơn, tức là ngày 03 - 05 - 1916
Vào đêm 03 rạng ngày 04 tháng 5, vua Duy Tân chân đi đất, đầu chít khăn đen, mặc áo cụt đỏ sẫm, quần vải trắng; bí mật ra khỏi Hoàng Thành . Một chiếc thuyền dưới sự điều khiển của Trần Cao Vân đậu chờ vua ở bến Thương Bạc. Người vừa bước xuống thì thuyền quay mũi ngược lên sông đào Lợi Nông.
Lúc ấy, trong một ngôi nhà bên bờ sông Lợi Nông, các lãnh tụ cuộc khởi nghĩa họp mặt lần cuối trước lúc hành động.
Nơi đây nhà vua đã gặp Nguyễn Đình Trứ, người được chỉ định tấn công vào Mang Cá. Nhà vua tưởng Trứ người tâm huyết nên thổ lộ tâm can với Trứ, khuyến khích Trứ hãy ra sức giết rụi Pháp để trả thù cho nước. Trứ giơ tay tuyên thệ trước đấng Minh Vương.
Thay vì đi thẳng xuống mang Cá hành động, Trứ về ngay tòa Khâm Sứ, báo cho Công Sứ biết tất cả bí mật của tổ chức Cách Mạng. Tên Công Sứ báo ngay với Khâm Sứ Trung Kỳ.Khâm Sứ Charles không ngạc nhiên khi nghe vua Duy Tân dám bỏ cung vàng điện ngọc theo đuổi cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Charles nghe báo cáo lúc hai giờ sáng, vội vào điện Càn Thành để xem xét, chỉ thấy vài thị vệ đi lại, mặt mày nhớn nhác lo sợ như có một biến cố gì hết sức quan trọng sắp nổ ra.
Charles về ngay Toà Khâm, truyền lịnh bằng điện thoại và dùng lính Pháp chạy truyền lịnh chận đứng ngay cuộc khởi nghĩa: Giới nghiêm, bắt bất cứ ai giờ đó còn lãng vãng ngoài đường, thu hết súng ống của lính tùng chỉng đồn trú trong Mang Cá, các đoàn lính Pháp tuần tiễu khắp các nẻo đường. Cuộc khởi nghĩa bị bại lộ. Thuyền chở vua Duy Tân chèo gấp về Hà Trung, dự định sẽ trốn ở đó, rồi dùng ghe bầu bí mật rước vua vào Quảng Nam hay Quảng Ngải. Ở Hà Trung một hôm, dân chúng biết được chạy đến bái yết. Sợ lộ bí mật với dân công giáo vùng Hà Thanh, vua Duy Tân và đoàn tùy tùng phải ngược lên vùng núi phía tạy nam Thừa Thiên. Đoàn trú vào nhà tên Võ Đình Cơ, xóm Ngũ Tây, thôn An Cựu (xã Thủy An ngày nay).
Khi đoàn đến thì ông Cơ đi vắng, bà đội tiếp vua rất nhiệt tình, nấu cháo dâng vua. Nghe lao xao, trùm Tôn, anh ruột đội Cơ ở gần đó, chạy sang. Thấy vua tôi đang húp cháo gà, y chạy một mạch về báo với Toào Khâm.
Biết tin, Tòa Khâm chuẩn bị phương tiện đi bắt vua Duy tân. Trong lúc ấy, đội Cơ hay tin vua ngự nhà mình, liền tức tốc chạy về nhà. Thấy dáng điệu hốt hoảng của đội Cơ, vua Duy tân biết là ở đây không ổn, định ra đi thì đội Cơ sụp lạy trước mặt vua và van xin:
- Ngài ngự đi, Toà Khâm lên bắt mà không có thì nhà tôi chết hết.
- Vua thấy nguy cơ không thể trốn được bèn trở cán quạt nện vào đầu đội Cơ mấy cái và mắng:
- Mày ăn cơm ai, mày mặc áo ai, mày lại phản vua của mày.
Nói xong, vua Duy Tân nhìn lên trời than:
- Cứu dân mà bị dân phản thì chỉ có trời biết!
Khoảng 11 giờ trưa, bọn Pháp gồm có Đổng Lý của Toà Khâm Le Folt, chánh mật thám Trung Kỳ Sogny dẫn lính theo trùm Tôn bắt được vua Duy tân. Phần lớn những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đều không tránh được bàn tay Sogny. Sự nghiệp cứu nước tan vỡ
(Theo Thái Văn Kiểm và Nguyễn Đắc Xuân)

NHỮNG MẪU ĐỐI THỌAI NGẮN
Thấy vua Duy Tân đứng nhìn trời, sau khi cuộc khởi nghĩa bị bại lộ, Le Folt đến giở mũ chào và nói một cách mỉa mai:
- Et bien, Sir! Vous avez fini cette randonné ! (Thế nào, Hoàng Thượng ngự giá đến đây là hết rồi chứ ?)
Vua Duy tân nhún vai và cũng đáp lại bằng tiếng Pháp:
- Vous ne pouvez pas comprendre ! (Các người chẳng hiểu được đâu !)
Ngay lúc ấy tên Trứ phản trắc cùng đi với bọn thực dân xuất hiện, tiến đến trước mặt vua:
- Tâu bệ hạ, tôi là người được bệ kiến Ngài ở Sông Lợi Nông đêm 3 - 5, chẳng hay bệ hạ còn nhớ mặt không?
Nhận ra tên Trứ, nhà vua không tỏ vẻ giận dữ mà chỉ khinh bỉ ra mặt. Người đáp:
- Phải ta nhớ mặt mi. Đồ phản quốc!
Nói xong, vua Duy Tân nhìn sang chỗ khác. Tên Trứ cụp mặt quay ra. Lúc bấy giờ con mắt của tên trùm mật thám Sogny thấy dưới áo vua có một vật gì còm cộm rất khả nghi. Sogny nghi là súng, nên nhìn hau háu vào đó. Biết ý, vua Duy Tân nói:
- Mấy ông tưởng cái ni là súng hả? Không phải mô, tui mà có súng thì tôi bắn các ông chết hết rồi. Đây là cục lương khô thôi ! (1)
Thực chất đó không phải là lương khô mà là hai cái ấn vàng của nhà vua. Tên chánh mật thám lúc ấy mới yên tâm . Le Folt sai người tìm một cái kiệu và một cái lọng để rước vua xuống xe hơi đã chờ sẵn dưới chân đồi. Nhà vua lặng thinh khoát tay từ chối kiệu và lọng vàng. Người bước xẳng xái xuống đồi , không tỏ ra sợ sệt gì.
Buổi trưa hôm ấy về đến Toà Khâm Sứ Charles nở nụ cười đắc thắng, bắt tay vua Duy Tân và nói:
- Eh bien ! Sir, vous êtes content de votre équipée? (Bệ Hạ bằng lòng cuộc du ngoạn chứ?)
Vua Duy Tân điềm nhiên cũng trả lời bằng tiếng Pháp :
- Non, puisqu elle n a pas réussi ! (Không , bởi vì nó không thành công !)
Từ đó vua Duy Tân giữ thái độ lãnh đạm cho đến khi bị đưa vào nhà giam Mang Cá.
(Theo Thái Văn Kiểm)
------------------------
(1) Có tài liệu thuật vua Duy tân noí: " Ông tưởng tôi giấu súng hả? Ông đừng sợ. Tôi làm việc đại sự lỡ bị thất bại còn cần chi làm việc tiểu nhân ".


NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG Ở QUÊ HƯƠNG
Khâm sứ Pháp Le Marchant de Trigon đến thay Khâm Sứ Charles, buộc triều đình Huế luận tội vua Duy Tân rất khắc nghiệt :
- Vua một nước dưới quyền bảo hộ của Pháp đang chiến đấu với kẻ thù là Đức, mà khởi loạn chống lại Pháp là phản bội , phải tội tử hình.
Pháp giao cho triều đình thuyết phục nhà vua, nếu nhà vua biết ăn năn hối cải thì tha, còn không phải mang trọng tội.
Mọi lời thuyết phục của triều đình đều chẳng có ý nghĩa gì đối với nhà vua. Hai bà Hoàng Mẫu (Nguyễn Thị Vân Anh và Nguyễn Thị Định) được mời từ Khiêm Lăng về Mang Cá thuyết phục vua, nói điều lợi hại để vua thay đổi ý kiến, nhưng nhà vua xin hai bà được từ chối mọi lời khuyên nhủ.
Cuối cùng, Tòa Khâm Sứ điện ra Hà Nội mời Toàn Quyền Đông Phương vào giải quyết. Vua Duy Tân trả lời một cách thẳng thắn:
- Các ngươi muốn cưỡng ép ta làm vua nước Nam thì phải coi ta như một ông vua trưởng thành, bất tất phải đặt phụ chánh và phải giao cho ta quyền hành của một vị vua được trực tiếp với nước Pháp và Ngoại quốc.
Toàn quyền Pháp cũng bất lực. Không thuyết phục được vua Duy Tân, thực dân Pháp ra hạn trong một tuần lễ phải đưa vụ Duy Tân ra sử công khai. Thượng Thư bộ học Hồ Đắc Trung được ủy nhiệm thảo bản án.
Các vị lãnh đạo Quang Phục Hội Thái Phiên, Trần Cao Vân đang ở trong ngục chờ ngày ra pháp trường, viết vào một miếng giấy vấn thuốc một bức thư nhờ người bí mật đưa tận tay ông Hồ Đắc Trung . Đó là một câu đối:
- Trung là ai? Nghỉa là ai? Cân đai vỏng lọng là ai,Thà để có thần tử biệt !
Trời còn đó, đất còn đó ! Xã tắc sơn hà còn đó ! Mến (1) cho thánh thượng sinh toàn .

Ông Hồ Đắc trung làm án đổ hết tội cho hai ông Thái Phiên, Trần Cao Vân cùng Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu. Thi hành bản án, bốn ông đều bị chém đầu. Vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion .
(Theo Nguyễn Văn Mại, Thái Văn Kiểm và Phạm Khắc Hòe)
---------------------
(1) Mến: Miển sao


KHÍ TIẾT VÀ KHÍ PHÁCH DUY TÂN
Khi bị giam ở Mang Cá, nhà vua rất khó chịu vì không được sống như ý mình. Lúc ở trong Hoàng Cung, nhà vua ưa đọc sách, tập thể dục, đánh đàn và nghe hòa nhạc. Nhưng nhà vua không đòi Pháp một sự chiếu cố nào.
Đến ngày nhà vua sắp bị dẫn lên tàu để vào Nam, bắt đầu cuộc hành trình đi đày, một viên đại diện của Khâm Sứ đến thăm và hỏi:
- Nhà vua có một quỹ tiền riêng lưu trữ tại kho nội vụ. Ngài có cần lấy một ít để đi đường không?
Vua Duy Tân đáp:
- Tiền đó để cấp cho ông vua cai trị nước Nam, chứ không phải là của tôi, là một người tù. Hơn nữa chính phủ Bảo Hộ không chu cấp nổi cho một người tù hay sao mà còn phải lấy tiền mang theo ! Tôi không cần có tiền riêng.
Viên đại diện Toà Khâm thấy vua thèm đọc sách bèn hỏi:
- Ngài có một tủ sách quý giá đến mấy ngàn cuốn bằng Pháp Văn. Ngài có muốn lấy một bộ nào đem theo đọc cho khuây khỏa không?
Vua Duy Tân gật đầu nhận ngay và dặn thêm:
- Sách tôi rất thích. Nhờ ông lấy giúp bộ " Histoires de la Révolution Française (Lịch sử Cách Mạng Pháp) của Michelet, nhưng phải lấy cho trọn bộ.
Vị đại diện Toà Khâm nghe thế sợ quá, y không dám về báo cáo lại với Pháp
(Nguyễn Đắc Xuân)


NHỮNG NGÀY TRÊN ĐẢO LƯU ĐÀY
Sau khi đưa mẹ, vợ và em (Hoàng Mẫu Nguyễn Thị Định, Bà Phi Mai thị Vàng và Công Chúa Lương Nhàn) trở về quê nhà, cựu hoàng Duy Tân cũng sớm chia tay với thân phụ để sống cuộc đời tự lập.
Tiếp tục việc học ở trường quốc gia mang tên Lecomte de List, chẳng bao lâu Cựu hoàng đỗ tú tài. Tuy tiếp tục học luật bộ và luật hình, nhưng rất tiếc ở đảo lúc ấy chưa có cấp bằng đại học nên cựu hoàng chỉ học cho biết chứ không có bằng.
Ngoài giờ học văn hóa, Cựu Hoàng rất thích thể thao, nuôi ngựa đua và trong các cuộc đua ngựa, Cựu Hòang tự cưỡi lấy ngựa của mình. Duy Tân rất thích âm nhạc, môn này Cựu Hoàng tỏ ra có năng khiếu ngay trong những ngày còn ở quê nhà. Cựu hoàng giỏi nhiều loại đàn tây, đặc biệt là cây violon. Do đó dân địa phương đã khẩn khoản mời Cựu Hoàng vào ban nhạc Cabrt ở Saint Denis.
Duy Tân cũng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, ảnh nghệ thuật của Cựu Hoàng đã từng đoạt giải của Viện Hàn Lâm Khoa Học- Nghệ thuật . Văn chương lại là môn sở trường, Duy Tân đã làm thơ, viết tùy bút, viết xã luận, bình luận văn học.
Những năng khiếu về nghệ thuật và văn chương đã đưa Cựu Hoàng trở thành Hội Viên những nhà khoa học, văn chương và nghệ thuật của đảo Réunion. Với uy tín ấy, Cựu Hoàng đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện thu hút người nghe rất đông. Các báo, cơ sở Xuất bản đặt nhiều bài cho Cựu Hoàng viết.
Vì cô lập trên đảo, thỉnh thoảng một đôi tháng mới nhận được báo chí, tin tức từ Pháp đưa sang, Cựu Hoàng bắt tay nghiên cứu nghành vô tuyến điện để tự chế ra máy móc liên lạc với bên ngoài. Không ngờ Cựu Hoàng rất say mê và có biệt tài về nghành kỹ thuật mới mẻ này, đã ráp được nhiều máy vô tuyến điện. Cựu Hoàng mở một phòng thí nghiệm vô tuyến ở Saint Denis, chính qquyền phải giao cho Cựu Hoàng ráp, xây dựng ở đảo một đài thu phát tín đầu tiên trên hòn đảo hẻo lánh này
(Theo Nguyễn Đắc Xuân)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire