caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 6 janvier 2015

TÚ XƯƠNG: MỘT CỐT CÁCH CAO CƯỜNG, thi sĩ trào phúng...

Kính gửi quý anh chị đọc bài viết của Kiều Văn về Tú Xương.
Caroline Thanh Hương Afficher l'image d'origine

TÚ XƯƠNG: MỘT CỐT CÁCH CAO CƯỜNG

(Suy ngẫm về nhà thơ Tú Xương nhân viếng
thăm ngôi nhà cũ của ông ở thành Nam)








Tôi đến thành Nam vào một ngày đẹp trời, khi mùa xuân ẩm ướt đang chuyển sang mùa hạ nắng nôi. Một ý nghĩ sâu lắng thôi thúc tôi: đất này là nơi “phát tích” của nhà thơ trào phúng – trữ tình nổi tiếng Tú Xương, vậy đã đặt chân đến đây mà không ghé thăm ngôi nhà của ông thì thật là… không biết nghĩ! Thực ra trong thâm tâm tôi không khỏi áy náy: đã gần một thế kỈ bể dâu kể từ lúc nhà thơ qua đời, số phận của ngôi nhà “ở phố Hàng Nâu có phỗng sành” ấy nay ra sao rồi? Sau mấy lần hỏi thăm tôi mới được biết rằng con phố có cái tên “Hàng Nâu” nghe rất cũ kĩ, rất “dân dã Việt Nam” ấy nay đã được thay tên mới là Minh Khai, và ngôi nhà cũ của ông Tú hiện mang số 280.

Đầy hồi hộp, người khách hành hương từ phương Nam gõ cửa, và chủ nhà - một phụ nữ có dáng vẻ một cô giáo - ra mở cửa, hơi ngạc nhiên khi thấy người lạ. Nhưng sự ngạc nhiên của chị nhanh chóng biến mất khi nghe tôi (một người “nặng nợ” với những nhà văn nhà thơ như Tú Xương) thành thật bày tỏ niềm khao khát từ lâu muốn được chiêm ngưỡng ngôi nhà của ông Tú thành Nam xưa. Nhưng vừa bước chân vào nhà, tôi đã điếng người thất vọng thấy một căn phòng hoàn toàn “môđéc” với nền gạch hoa và đồ đạc hiện đại! Tôi thốt lên:
– Ôi, thế là ngôi nhà của Tú Xương mà tôi muốn tìm đã không còn nữa!
Chị chủ nhà tỏ ra rất hiểu “nỗi lòng” của tôi, bèn vội vã trấn an:
– Ấy không đâu! Chúng tôi là chủ mới của ngôi nhà này nhưng chúng tôi chỉ xây thêm có một gian ở mặt tiền để làm ăn buôn bán. Còn căn nhà của Tú Xương nằm ở phía đằng sau, chúng tôi vẫn giữ nguyên như cũ.
Tôi bất giác thầm cảm tạ trời đất, nghĩ đến Tú Xương, và trong óc tôi chợt nhớ lại một vế câu đối của một người thầy cũ mà tôi vô cùng kính trọng: Tinh anh bất tử thần vi tại. Rồi tôi theo chị chủ nhà bước vào phía sau ngôi nhà. Lập tức tôi rơi vào không gian của một thời đại xa xưa và cảm thấy cái hơi hám của nhà thơ như còn phảng phất đâu đây. Sau khoảnh sân lát gạch hoa màu tím củ là căn nhà gác hết sức cũ kĩ, mái lợp ngói cổ rêu bám xanh rì và lòng thòng rủ xuống những chùm hoa dại. Suốt chiều ngang mặt trước căn gác (thông với khoảng không của sân) là bức cửa lùa với những tấm ván để mộc ghép sát vào nhau, có lẽ chúng đã đứng bất động như thế cả thế kỷ nay. Trong tâm khảm tôi bỗng bật lên một nhận xét: đúng là chốn ẩn dật yên tĩnh, bình dị, rất thích hợp với con người độc đáo của Tú Xương. Những ai ưa thích hình thức sang trọng, hào nhoáng sẽ không tìm thấy chút gì ở đây cả. Bởi vì chắc chắn Tú Xương thường trút bỏ tất cả những gì là hình thức màu mè (chẳng hạn “giày chân anh dận, ô tay anh cầm”…) ở ngoài cửa, để chỉ bước vào nhà mình với bản chất đích thực của con người ông mà chúng ta có thể thâu tóm bằng một câu: trong một hình thức tầm thường nhất chứa đựng một nội dung cao diệu, phi thường nhất. Người ta nói rất đúng: không phải ngôi nhà làm vinh dự cho ông chủ mà ông chủ làm vinh dự cho ngôi nhà! Chính bản chất đích thực của Tú Xương đã khiến ông và ngôi nhà của ông trở thành bất tử.
Trong lời tựa cho Tuyển tập thơ Tú Xương (NXB Đồng nai – 1996), tôi có viết: “Tú Xương có tài văn chương xuất chúng; có cái tâm của một nhà nhân đạo chủ nghĩa, yêu nước, thương xót giống nòi; có cái trí của một người lỗi lạc biết được cái gì có thể chấp nhận và cái gì phải phủ nhận trên thế giới này; có cái hồn của một nhà lãng mạn chủ nghĩa tầm vóc nhân loại”. Tôi đã từng bàng hoàng đối với đối câu đối tết tuyệt tác mà ông viết trong một phút thăng hoa tuyệt đỉnh của tài năng, tâm hồn và cốt cách của ông:
Cực nhân gian chi phẩm giá: phong nguyệt tình hoài;
Tối thế thượng chi phong lưu: giang hồ khí cốt.
(Phẩm giá tuyệt đỉnh trong nhân gian: ôm mối tình trăng gió;
Phong lưu tột bực trên cõi đời: mang cốt cách giang hồ)
Tú Xương đã phóng bút chỉ ra và khẳng định những phẩm chất người cao diệu nhất trên thế gian này (thường thuộc về những văn nhân nghệ sĩ cổ kim kiệt xuất).
Chúng ta có thể lĩnh hội rõ hơn chân lí đó bằng phép phản chứng sau đây:
Những kẻ phẩm chất người còn thấp thì không thể biết say đắm với vẻ đẹp diệu kì của trăng của gió (mà chỉ biết đến những thứ vật dục tầm thường);
Những kẻ thiếu tư chất phong lưu thì không thể vươn tới những chân trời cao rộng (mà chỉ quẩn quanh trong những xó đời chật hẹp).
Chắc chắn một điều: Tú Xương chính là một điển hình của mẫu người có được những phẩm chất ở tầm “cực nhân gian”, “tối thế thượng” ấy.
Ngoài những phẩm chất ưu việt ấy, điều tôi đặc biệt tâm đắc và khâm phục Tú Xương còn ở cái cốt cách cao cường của ông (xưa nay chỉ kí thác ở những bậc đại dũng) giữa cõi nhân gian. Cốt cách của những con người chân chính, anh hùng và lỗi lạc từng làm nên rường cột của tinh thần dân tộc ấy, tự hào thay, đã nở rộ trong thời đại Tú Xương: Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tăng Bạt Hổ, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can...
Mặc dù cuộc sống của Tú Xương vô cùng lận đận, tinh thần ông bị trăm nỗi giày vò – tựu trung, đó là một cuộc đời đầy bi kịch – nhưng từ cuộc đời ấy lại toát lên một điều gì thật là vĩ đại, thật là đáng kính. Tú Xương đã mang nhân cách và tài năng của mình đối lập lại với cả một thời đại đang còn chìm đắm trong đêm dài mất nước, và đang suy thoái nghiêm trọng về phương diện tinh thần. Là nhà thơ hoàn toàn thuộc về xã hội, mối lo to lớn sâu sắc và thống thiết nhất của Tú Xương là: con người không còn xứng đáng với danh hiệu con người nữa! Nỗi lo ấy có quá đáng không? Xin hãy đọc những câu thơ ông châm biếm cái xã hội đã “xuống cấp” nghiêm trọng lúc bấy giờ:
- Sĩ khí rụt rè, gà phải cáo,
Văn trường liều lĩnh, đấm ăn xôi.
- Nhà kia lỗi phép, con khinh bố,
Mụ nọ chanh chua, vợ chửi chồng.
Keo cú người đâu như cứt sắt,
Tham lam chuyện thở những hơi đồng.
- Chồng chung vợ chạ kìa cô Bố,
Đậu lạy quan xin nọ chú Hàn!
- Nghe văn mà gớm cho văn nhỉ,
Cờ biển vua ban cũng lạ đời!
- Mới biết hồng nhan là thế thế
Trăm năm trăm tuổi lại trăm thằng…
Thiết tưởng nỗi lo của Tú Xương về nhân cách con người thời đại ông thật là thiết thực, thật là bức xúc! Và qua động thái đó, chúng ta nhận biết một điều: Tú Xương tuy ở trong cuộc đời nhưng tầm vóc ông ở trên cuộc đời. Ông không thể khoanh tay đứng nhìn, ông phải có nghĩa vụ chữa chạy và cứu vãn cuộc đời ấy để nó khỏi rơi xuống vực thẳm.
Trong khi các sĩ phu, các chí sĩ yêu nước đang anh dũng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thì trên mặt trận văn chương, Tú Xương cũng không ngừng “nã đạn” một cách không hề khoan nhượng vào bè lũ bán nước buôn dân, vào lũ người đánh mất nhân phẩm, vào tình trạng thối tha của xã hội đương thời. Những chí sĩ còn có căn cứ địa, có vũ khí và sức mạnh của đông đảo nghĩa quân. Còn Tú Xương thì hầu như “đơn thương độc mã” giữa phố Hàng Nâu của thành Nam với bao hiểm hoạ treo lơ lửng trên đầu! Nếu không phải là một người có lá gan như của Quan Vân Trường hay của Chu Văn An (người dâng sớ xin chém đầu bảy tên nịnh thần) thì nhà thơ không thể dám “tương” vào dinh luỹ của đối phương vô số tạc đạn trong đó có những trái phá ghê gớm như thế này:
Vua quan sĩ thứ người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người!
Với tính chiến đấu quyết liệt và tinh thần anh dũng phi thường, Tú Xương đã chứng tỏ cốt cách cao cường của một người cầm bút chân chính mà những thế hệ đi sau phải biết lấy đó làm gương. Câu nói của nhà sử học Trung Hoa Tư Mã Thiên “Chỉ những con người trác việt phi thường mới được người đời nhớ đến mà thôi” ứng với cốt cách đó của nhà thơ.

Tôi đã lựa ra từ khối ý tưởng nói trên một vài điều chính yếu và trình bày vắn tắt với chị chủ nhà. Tôi hài lòng thấy chị đã hứng thú lắng nghe tôi nói về nhà thơ thành Nam của chị. Chị cũng vui vẻ bấm hộ tôi hai kiểu ảnh kỉ niệm tại căn nhà lịch sử. Trước khi từ giã chị, tôi nói:
– Chị biết không: căn nhà này hiện đang thuộc quyền sỡ hữu của chị nhưng nó chính là di sản vô giá của thành phố Nam Định và của người Việt Nam chúng ta. Chị đã có công lớn giữ gìn nó nguyên vẹn như xưa. Lẽ ra nó phải được dùng làm nhà lưu niệm mang tầm quốc gia và quốc tế về nhà thơ lớn Tú Xương của dân tộc ta. Tuy nó chỉ là một căn gác tầm thường nhưng chân giá trị của nó thì kể cả hàng chục hàng trăm biệt thự hiện đại cũng không thể sánh nổi. Chị thấy đó: từ thành phố Sài Gòn lặn lội ra đây, tôi đâu có đến thăm các biệt thự mà chỉ đến thăm có căn nhà này mà thôi! Cầu trời cho nguyện ước của tôi được trở thành hiện thực!
Lui chân khỏi căn nhà, tôi chợt hình dung thấy sau lưng tôi, trên căn gác gỗ, hình ảnh của nhà thơ thành Nam, trong những chiều hè oi ả, những đêm trăng vằng vặc hay những buổi trời làm mưa gió, đang ngồi lặng lẽ độc ẩm với bao nhiêu nỗi day dứt trong lòng. Và một giọng thơ bỗng ngân lên da diết trong lòng tôi.
    Trời không chớp bể với mưa nguồn
    Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn…

__________________________________

(Bài viết đã đăng trên tạp chí Tài Hoa Trẻ có được bổ sung cập nhật ngày 4/12/2011 )

Tú Xương - Nhà thơ trào phúng (1870-1907)
         Trần Tế Xương sinh tại số nhà 247 phố Hàng Nâu thành phố Nam Định với tên húy là Trần Duy Uyên. Ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm, đổi thành họ Trần là bởi vào đời Nhà Trần lập công lớn được phong quốc tính (vua cho đổi theo họ nhà vua). Ông đi học sớm và nổi tiếng thông minh. Thân sinh của Trần Tế Xương là nhà nho Trần Duy Nhuận. Ông Nhuận có 9 người con, 6 trai, 3 gái, Tú Xương là con trưởng.
          Ngày nay chúng ta không có ảnh Tú Xương, chân dung ông được đồng môn Lương Ngọc Tùng tả:
“Nhớ rõ hình dung cụ Tú Xương,
Trán rộng, tai dày, da tựa tuyết,
Mồm tươi, mũi thẳng, mắt như gương.
Tiếng vàng sang sảng ngâm thơ phú,
Gót ngọc khoan khoan dạo phố phường.”
          Cuộc đời ông chỉ gắn liền với thi cử, tính ra có tất cả 8 lần. Sau 3 lần hỏng thi mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, những lần thi cử nhân sau ông đều trượt. Thời ấy, tú tài không được bổ quan, cử nhân mới được bổ nên Trần Kế Xương (chữ xương với nghĩa "thịnh vượng" sống trong cảnh, vợ thì:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.”
          Mỗi khi Tết đến:
“Tiền bạc trong kho, chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh đường sắp gói, e nồm chẩy,
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu.. .”
          Trần Lê Văn nói Tú Xương: "Khi cười khi khóc khi than thở". Tú Xương là nhà thơ trào phúng Việt Nam, sống cuộc đời nghệ sĩ:
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được cái gì hay cái ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà.
 Không biết hỏi ai, ông Hỏi ông trời :
Ta lên ta hỏi ông trời:
Trời sinh ta ở trên đời biết chi?
Biết chăng cũng chẳng biết gì:
Biết ngồi Thống Bảo, biết đi ả đầu
Biết thuốc lá, biết chè tàu
Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi .
          Tú Xương lấy vợ năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn. Bà sinh cho ông được 8 người con, trong đó có 6 trai và 2 gái. Bà Tú tần tảo, thương chồng, thương con, nhẫn nại quên mình, bà đã đi vào thi phẩm của ông chồng như một nhân vật điển hình hấp dẫn:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không
                       (Bài Thương vợ)
          Tú Xương rất trân trọng vợ mình, ông viết về vợ như một sự tri ân. Tình thương vợ sâu nặng của Tú Xương thể hiện qua sự thấu hiểu nỗi vất vả gian lao của người vợ buôn bán lẻ ven sông (Mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú lo liệu: Tiền bạc phó cho con mụ kiếm hoặc là Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ)
          Thời kỳ Tú Xương sống là thời kỳ thực dân Pháp bắt đầu đặt nền móng thống trị ở miền Bắc Việt Nam. Với giọng văn châm biếm sâu cay, ông đã đả kích bọn quan lại làm tay sai cho giặc, bọn bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc trong buổi giao thời:
Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời, * quan Sứ đến,
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà!
            (Bài Vịnh khoa thi Hương)
** ÔNG NGHÈ ÔNG THÁM VÔ MÂY KHÓI
ĐỨNG LẠI VĂN CHƯƠNG MỘT TÚ TÀI
          Tú Xương sống trong lúc giao thời. Nho học tàn lụi, lối sống mới hình thành:
          Nào có ra gì cái chữ nho!
          Ông nghè ông cống cũng nằm co.
          Chi bằng đi học làm ông phán
          Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò!
                      (Bài Chữ nho)
          Thơ Tú Xương là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình. Ở Tú Xương, ta chỉ thấy thơ Nôm viết bằng các thể loại cổ điển: thơ luật Đường: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát. Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy.
          - Nguyễn Công Hoan suy tôn Tú Xương là bậc thần thơ thánh chữ.
          - Xuân Diệu xếp hạng Tú Xương thứ 5 sau bốn thi hào dân tộc Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Đoàn Thị Điểm.
          - Tản Đà khi còn sống phục nhất Tú Xương" (Xuân Diệu kể vậy). Tản Đà tự nhận trong đời thơ của mình "mới địch nổi Tú Xương một lần thôi bằng chữ vèo trong bài thơ Cảm thu.
          - Nguyễn Tuân biểu dương Tú Xương là: một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam
......................
Chú thích:
* Vợ chồng toàn quyền Doumer và công sứ đến dự .
** lời Xuân Diệu .
© Tác giả giữ bản quyền .
. Cập nhật trên Newvietart.com ngày 31.03.2012 theo bản gởi của tác giả từ Sài Gòn.
Nguồn: Newvietart.com http://newvietart.com/index822.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire