caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 24 janvier 2015

Nghe và đọc bài viết về Nền văn minh và triết lý đạo Hồi.

Kính gửi quý anh chị nghe đoạn audio về nền văn minh đạo Hồi của chú Huỳnh Chiếu Đẳng sưu tầm và bài viết sưu tầm trên net.

Caroline Thanh Hương

BBC_Nền văn minh Hồi Giáo.MP3
V- TRIẾT LÝ HỒI GÍAO
       HỒI GIÁO (Mahométisme, Islamisme)
-Định nghĩa
-Hình thức Kinh Coran
-Tổ chức xã hội theo kinh Coran
 
    Hồi-giáo là một Tôn Giáo dạy các Tín  đồ phải phục tùng Thượng-Đế một cách hoàn toàn tuyệt đối, không thắc mắc, không bàn cải, vô điều kiện (Hồi được dịch tiếng Á Rập: Islam nghĩa là Phục Tùng. Giáo: Tôn giáo)
            Đây là một Tôn Giáo độc Thần tiêu biểu nhứt, nó có tính cách cứng rắn, đưa người Hồi giáo lẫn lộn giữa Đạo và Đời. Hồi Giáo được Giáo-Chủ Mahomet chánh thức mở ra từ ngày 16-07-622 (Sau kỷ nguyên Tây lịch) tại thành phố Medina nước Á-Rập và ngày này được dùng làm kỷ nguyên Hồi Giáo.
            Quyển sách căn bản của Hồi Giáo là Thánh Kinh Coran, ghi chép những điều giảng dạy của Giáo chủ Mahomet Kinh Thánh Co-ran là văn bản thiêng-liêng và duy nhứt làm nền móng cho Đạo Hồi. Nó là nhân tố thiết yếu gắn bó mọi Tín đồ Hồi-giáo trên thế giới, hằng ngày mỗi Tín đồ phải cầu nguyện bằng cách đọc thuộc lòng một vài đoạn Kinh Coran. Co-ran theo tiếng Á-Rập: Qurân có nghĩa là tụng niệm. Đấy là những lời của chính Thượng Đế truyền lại cho Đấng Tiên tri. Kinh Co-ran có tính thiêng liêng đến nỗi trong các nước Hồi Giáo, người ta không bán và cũng không mua quyển Kinh này, những người dơ bẩn không được rờ mó đến nó và người ngoại Đạo không được phép cất giữ Kinh Co-ran. Kinh này được viết bằng tiếng Á-Rập và không ai được quyền dịch ra môt thứ tiếng khác, mọi Tín đồ dù thuộc quốc tịch nào cũng
phải tụng Kinh Co-ran bằng tiếng Á-Rập.


            Kinh Co-ran tuy không được viết dưới dạng thơ, nhưng nhịp điệu và cách đọc Kinh làm cho nó giống như một tập thi ca viết bằng những từ-ngữ rất đẹp, rất trong sáng. Chính chất lượng của Kinh đã làm cho các Tín đồ  càng tin rằng đó thật là những lời của Thượng Đế, vì con người không ai sáng tác nỗi một tác phẩm siêu phàm như vậy. Ngay trong Kinh Co-ran cũng có đoạn nói người và Thần Thánh dù có họp sức, giúp đỡ nhau cũng không sao tạo ra được một công trình đẹp đẽ như Kinh Co-ran này (Chương 17, Câu 88). Đây cũng là tác phẩm số 1 của nền văn học Á-Rập. Trẻ con lúc học vỡ lòng đã phải thuộc từng đoạn Co-ran. Nó sẽ theo dõi suốt đời người Hồi giáo vì họ tin rằng nó mang lại giải đáp cho tất cả vấn đề mà con người và xã hội đặt ra. Thật ra trong Đạo Hồi không hề có sự phân biệt giữa Đạo và Đời. Kinh Co-ran có nói trong chương 4 câu 13 “Trên trời dưới đất tất cả đều thuộc
Thượng Đế”.
            Hình thức Kinh Co-ran:
Kinh Thánh Co-ran có cả thảy 114 chương gọi là sua-rát “Surâ”. Mỗi chương mang một tên do đời sau đặt cho và chia thành nhiều câu hay vần thơ (Âya) chương ngắn nhất có 3 câu và chương dài nhất có 228 câu. Tổng cộng có cả thảy 6.219 câu trong Co-ran. Gần 3.500 câu là những lời cầu nguyện hay những mệnh lệnh của Thượng Đế. Phần còn lại nêu lên những sự kiện đã dẫn trong Tân ước và Cựu-ước của các Đạo Do-Thái và Cơ  Đốc.
            Các chương trong Kinh Co-ran không được sắp xếp theo thứ tự thời gian mà theo độ dài ngắn để đọc dễ nhớ, trừ chương I, chương mở đầu, mặc dầu chỉ có 5 câu nhưng quan trọng ở chỗ nó lại làm đầu đề cho mọi chương khác. Câu 1 của chương 1 là: “Nhân danh Thượng Đế khoan dung độ lượng”. Đây cũng là câu mà mọi Tín đồ Hồi giáo dùng để chào hỏi nhau và là câu gốc của mọi lời cầu nguyện. Trên đầu 29 chương, người ta còn thấy những chữ
bí mật, có lẽ là những dấu hiệu viết tắt mà đến nay chưa ai
giải đoán được.
            Kinh Co-ran không phải là một tập thơ, nhưng các câu của nó có vần có điệu. Khi tụng kinh người ta phải dừng lại đúng chỗ trong mỗi câu. Chính cách tụng niệm lại có tầm quan trọng của nó đưa đến cho người nghe một cảm giác thiêng liêng, huyền bí
Nội dung Kinh CO-RAN:
Giáo lý và quan niệm xã hội
            Đạo Hồi là một Tôn giáo tương đối đơn giản trong Giáo lý và trong nghi thức. Kinh Co-ran chi tiết hóa những điểm này. Đạo Hồi không tự xem mình là một Tôn giáo mới, mà chỉ kế tục các Tôn giáo có trước trong vùng là Do Thái và Cơ-Đốc-Giáo. Đạo Hồi lập lại giáo thuyết đơn thần của Abraham và kêu gọi Tín đồ chỉ thờ một Thượng Đế duy nhất chống lại thuyết ba ngôi của Đạo Cơ Đốc. Những nghi thức như cách tụng niệm, tháng trai giới hay nghĩa vụ hành hương đều mượn từ các Tôn giáo có trước.
            Theo Đạo Hồi, chỉ có một Thượng Đế nhân từ và kiến tạo, con người nhận biết Thượng Đế qua các dấu vết để lại. Thượng Đế tạo ra Trời và đất, xây dựng trật tự trong vũ trụ và lấy bụi bặm để nặn ra con người. Tình thương và lòng Bác ái cũng là những điển hình kiến tạo của Thượng Đế. Thượng đế đã giao phó cho một số người gọi là các Đấng Tiên tri nhiệm vụ truyền đạt lại cho thế gian những Thông điệp của mình. Các Đấng Tiên tri gồm có Adam, Noah, Abraham, Mô-i-dơ, Giê-su và cuối cùng là Mu-ha-mát, tất cả đều là người Do-Thái, trừ Mu-ha-mát. Sau Mu-ha-mát sẽ không còn Đấng Tiên tri nào nữa. Kinh Co-ran xem Chúa Giê-su của Đạo Cơ-Đốc như một Đấng Tiên tri chứ không phải là con Thượng Đế vì trong chương 112 có câu “Thượng Đế là duy nhất, Thượng Đế là tuyệt đối, Thượng Đế không sinh ra ai mà cũng không do ai sinh  ra, không ai sánh ngang tầm Thượng-Đế”. Trong các cuộc chiến tranh giữa người Cơ-Đốc-giáo và người Hồi-giáo, khi bên này hay bên kia bắt được tù binh, họ đều ép người bị bắt phải phủ định hay khẳng định chương 112 này. Sự tuân thủ tuyệt đối của giáo chúng vào Kinh Co-ran từ hàng nghìn năm nay, mặc dầu Kinh này ra đời trong bối cảnh một xã hội còn lạc hậu đã dẫn đến nhiều hành động mà phương Tây xem là lỗi thời. Người Hồi giáo có nhiệm vụ phục tùng tuyệt đối vào các lời dạy trong Kinh Co-ran và đặt lòng tin vào năm chân lý chủ yếu: đó là Thượng-Đế,  các Thiên Thần, Ngày Phán xử cuối cùng, các Kinh điển (của cả ba Tôn giáo là Kinh Tora, Kinh Phúc âm và Kinh Co-ran) và các Đấng Tiên tri.
            Theo kinh Co-ran, Tín đồ Hồi giáo phải theo năm điều luật gọi là “Năm trụ cột của Đạo Hồi”. Đó là:
            - Lời tuyên thệ (Shahâda) giống như lời qui y của Đạo Phật.
            - Cầu Kinh (Salât) 5 lần mỗi ngày, ngày thứ sáu cầu Kinh ở Đền.
-  Trai giới (sawm), trong tháng Ra-ma-dan Hồi giáo.
- Bố thí (zakât), ban đầu là để giúp đỡ người nghèo trong cộng đồng.
- Hành hương (hajj) đến  Mecca, ít ra cũng một lần trong đời.
Thêm vào đấy, cộng đồng Hồi giáo còn đưa ra nhiệm vụ Thánh chiến (jihâd) với mục đích đem lại cho toàn thể nhân loại những“quyền con người” ghi trong Kinh Co-ran.
            Lời tuyên thệ nghi thức qua đó người Hồi giáo
nói lên sự gia nhập của mình vào cộng đồng. Lời tuyên thệ này phải được đọc trước hai nhân chứng đã là Tín đồ Hồi giáo và sau đó phải nhắc lại trong mọi thời điểm quan
trọng của mình. Lời tuyên thệ này khẳng định rõ rệt tính
đơn thuần của Đạo Hồi. Nó rất đơn giản:
            “Không có Thượng-Đế nào khác ngoài An-la.
            “Mu-Ha-mát là sứ giả của Thượng Đế”.
            Cầu nguyện nhiệm vụ quan trọng nhất của người ngoan Đạo. Lời cầu nguyện trong Hồi giáo chỉ nói lên sự thần phục và tình thương yêu đối với Thượng-Đế An-la. Lời cầu nguyện phải theo những công thức bất di bất dịch, người cầu nguyện không được thêm thắt hay lược bỏ đi phần nào như được phép trong các Tôn giáo khác. Mỗi ngày, Tín đồ Hồi giáo phải cầu nguyện 5 lần hướng về Mecca sau khi đã rửa ráy sạch sẽ, nếu trong sa mạc không có nước thì phải lau bằng cát. Ngày Thứ Sáu tại các Đền Hồi giáo, người ta tổ chức những buổi cầu nguyện tập thể dưới sự hướng dẫn của các Giáo sĩ. Nên biết là Hồi giáo không có một hàng giáo phẩm nào có uy quyền thay Thượng Đế quản lý giáo dân. Dựa trên tinh thần bình đẳng
tuyệt đối giữa các Tín đồ, các giáo sĩ Hồi giáo chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn mà thôi.
            Trai giới là một nghi thức Hồi giáo có mục đích tập luyện cho giáo dân tính tự chủ và khả năng chịu đựng khổ hạnh. Trong mùa trai giới, tháng Ra-ma-dan của lịch Hồi giáo, các Tín đồ không được ăn uống từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Trong mùa này giáo dân cũng không được phép hút thuốc và có quan hệ tình dục. Mùa trai giới cũng là cơ hội cộng đồng Hồi giáo nắm vững Tín đồ của mình nên người ta tổ chức nhiều buổi cầu nguyện, nhiều bài giảng và nhiều lớp ôn tập giáo lý. Hằng năm các nhà Thiên văn học Hồi giáo xác định đúng ngày bắt đầu và ngày kết thúc mùa trai giới
            Tiền bố thí có mục đích củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng, người có của giúp người nghèo khó. Hơn nữa tài sản trên đời không phải của riêng ai mà tất cả thuộc về Thượng Đế, đóng góp một phần cho Thượng đế thì mới có thể hưởng thụ phần còn lại. Về sau tiền bố thí này trở thành một loại thuế, ai cũng phải đóng từ 1/20 đến 1/5 thu nhập hàng năm cho những nhân viên thu thuế để họ phân phát lại cho người nghèo, cho người nô lệ tìm tự do, khách lỡ độ đường hay cho các chiến sĩ Thánh chiến. Ngoài phần bố thí bắt buộc này, Tín đồ Hồi giáo còn có thể tự nguyện đóng góp thêm.   
            Hành hương đến Mecca là nhiệm vụ của mọi Tín đồ trưởng thành, ít ra cũng một lần trong đời. Những người có bệnh tật hay nghèo khó có thể nhờ người khác đi
hành hương thay cho mình. Nghi thức hành hương đã được xác định từ nguồn Do-Thái-Giáo vì cũng để tưởng niệm giáo trưởng Abraham của Đạo Do-Thái, người Á Rập và người Do-Thái đều có chung Abraham là Thuỷ tổ.
            Có hai loại hành hương:
-Tiểu hành hương (umra) có thể thực hiện bất kỳ lúc nào.
-Đại hành hương (hadj) là cuộc hành hương tập thể vào tháng 12 âm lịch Hồi giáo, tức là hai tháng sau mùa trai giới Ra-ma-dam. Kinh Co-ran có qui định các nghi thức hành hương trong chương 22 mang tựa đề “Hành hương. Vùng đất Thánh” xung quanh Mecca gọi là Haram.
            (Haram có nghĩa là thiêng liêng) là nơi thiêng liêng nhất của Đạo Hồi, kẻ ngoại đạo không được bén mảng đến. Medina và Mecca và hành lang nối hai thành phố này nay trở thành hai vùng Thánh Địa (al-Haramayn) người ngoại đạo nếu không được phép mà đến đây có thể bị tử hình. Người Hồi giáo đi hành hương mặc một bộ quần áo đặc biệt làm bằng hai mảnh vải bông trắng, không có đường khâu. Bộ này sẽ được người hành hương giữ cho đến lúc chết để làm vải liệm xác. Khi vào khu Thánh địa, Tín đồ phải tắm rửa sạch sẽ, cạo hết lông trên người. Cuộc đại hành hương trước đây thường do một đại diện của Giáo chủ Hồi giáo đứng ra tổ chức, ngày nay chính hoàng gia Saudi Arabia đảm đương trách nhiệm này. Người hành hương phải chạy 7 vòng chung quanh Thánh địa Ka-ba, ngược chiều kim đồng hồ. Sau khi Mu-ha-mát cho huỷ tất cả các thần tượng thì trong Ka-ba chỉ còn lại một hòn thiên thạch màu đen mà theo truyền thuyết thì do chính Abraham đem từ Thiên  đường xuống. Lúc đầu hòn đá này trắng toát nhưng vì nhiễm các tội lỗi của nhân loại nên trở thành đen.
            Cuộc hành hương kéo dài 7 ngày, con số 7 là số thiêng liêng của Đạo Do-Thái và đạo Hồi. Trên đường về các Tín đồ thường đến viếng mộ Ma-Ha-mát ở Medina, đến Jérusalem thăm mõm đá là nơi trước kia có Đền của Salomon. Họ cũng có thể thăm đất Thánh thứ tư của Đạo Hồi là Hebron ở Palestine nơi chôn Abraham.
            Thực hiện được cuộc hành hương, người Tín đồ mang danh hiệu hadj gắn vào tên mình và được cấp một chứng chỉ hành hương mà họ sẽ nâng niu thờ phượng suốt đời. Nghi thức hành hương chủ yếu để chứng minh sự thống nhứt của cộng đồng Hồi giáo, không phân biệt các dân tộc hay các quốc gia khác nhau. Cuộc đại hành hương hàng năm qui tụ rất nhiều tín đồ, cả Nam lẫn nữ, có lúc trên hai triệu người.
            Nhiều người lại xem nghĩa vụ Thánh chiến là cột trụ thứ sáu của đạo Hồi. Đây là một nhiệm vụ nhất thời, không thường xuyên 5 nghĩa vụ trước vì nó chỉ bắt buộc khi đạo Hồi lâm nguy, cần được bảo vệ. Thật ra ý nghĩa chánh của từ jihâd  trong Co-ran là “nỗ lực”, tín đồ phải tránh được các lỗi lầm để trở thành người thiện. Về sau người ta ghép cho từ này ý nghĩa chiến đấu vũ trang, vì theo Kinh Co-ran, phải chiến đấu để bảo vệ hay tấn công, chiến đấu để dẫn dắt mọi người tiến lên trên đường phục tùng Thượng Đế. Các cuộc Thánh chiến đầu tiên xảy ra khi Đấng Tiên-tri Mu-Ha-mát lãnh đạo giáo dân chống lại các cuộc tấn công và bao vây của Mecca. Về sau, khi bị các Thập Tự quân Cơ Đốc giáo đến chiếm vùng đất Thánh, các Giáo chủ Hồi giáo cũng ban sắc lịnh Thánh chiến và trong những thế kỷ gần đây, cuộc chống trả chiến tranh thuộc địa của các nước phương Tây cũng là một Thánh chiến mới.
            Trước đây, chính các giáo chủ Hồi giáo phát động Thánh chiến khi cần thiết. Các chiến lợi phẩm được chia làm năm phần, Giáo chủ được toàn quyền sử dụng một phần, bốn phần còn lại thì chia cho các chiến sĩ còn sống sót. Các chiến sĩ tham gia Thánh chiến (mujahidin) sẽ được xoá bỏ mọi lỗi lầm đã phạm  trên đời và nếu hy sinh tánh mạng thì được lên thẳng Thiên đường .
            Các khái niệm Thiên đường và Địa ngục trong Hồi giáo được lấy ra từ Do-Thái-giáo và cũng giống như Kinh Thánh của Đạo Cơ-Đốc. Người ta hình dung Địa ngục là 7 từng lửa cháy, có quỉ dữ tưới nước sôi vào những người can tội: ở đây người Á-Rập chỉ muốn mô tả ở mức cao nhứt Địa ngục trần gian là các sa mạc nóng bỏng, nơi họ đang sinh sống. Tương tự như vậy, Thiên Đường là nơi có tất cả những điều mà người dân du mục trên sa mạc hằng mong ước: vườn tược, cây cối, sông nước, hoa nở quanh năm. Kẻ vào được Thiên đường sẽ được hưởng tất cả những thứ mà họ không có được ở hạ giới như trái cây, nước uống, sữa tươi, đường mật hay những thứ  họ không được phép dùng như rượu. Họ được mặc những bộ quần áo lộng lẫy, được những chàng thanh niên đẹp trai hầu hạ và những cô vợ (houri) mắt to, da trắng vĩnh viễn xinh tươi để chung chăn gối. Đạo Cơ Đốc giáo đã từng mô tả Thiên đường một cách gần giống Đạo Hồi, nhưng từ ban đầu Thánh Phao-lồ và các tu sĩ khác đều chống chủ nghĩa hoan lạc cho nên các thành viên của Thiên đường Cơ Đốc giáo đều không có giới tính. Để biện minh cho quan điểm của mình, các nhà Thần học Hồi giáo cho rằng việc hưởng thụ vật chất chỉ làm phát triển thêm nhân cách con người. Kinh Co-ran được xem là bất di bất dịch, không ai có quyền sửa câu, đổi chữ. Vì thế mà ở thế kỷ thứ 21, người dân Hồi giáo vẫn phải quan niệm đời sống và xã hội như ở các thế kỷ đầu của Công nguyên trong những bộ lạc dân du mục.
Tổ chức xã hội theo Kinh Co-ran
            Khi xây dựng Đạo Hồi, Đấng Tiên tri Mu-ha-mát muốn tiến hành một cuộc cách mạng xã hội với những tư tưởng rất tiến bộ của thời bấy giờ. Mu-Ha-mát muốn xây dựng một xã hội không giai cấp, một xã hội bình đằng trong đấy mọi người có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau. Kinh Co-ran cũng có qui định về pháp luật trong xã hội Hồi giáo và cách tổ chức các cơ quan quyền lực về hành pháp, Tư pháp, Lập Pháp.
            Để bổ sung cho Kinh Co-ran, các đời sau sưu tầm những mẫu chuyện và những bài giảng của Đấng Tiên tri  trong tập sách sun-na để mọi người do theo đó mà học tập theo gương Đấng Tiên tri. Giáo phái chính thống của Đạo Hồi ngày nay được gọi là giáo phái sun-ni. Các dữ kiện trong sun-na chỉ tồn tại do truyền khẩu từ đời này sang đời kia để lại nên ít chính xác. Các mẫu chuyện về cuộc đời và các lời dạy của Đấng Tiên tri còn được gọi là Hi-đi-thơ (hadith truyền thống). Mặc dầu các ha-đi-thơ giúp người ta tìm hiểu cuộc đời của Mu-ha-mát nhưng chúng ít có giá trị  vì hay bị sửa đổi hay được bịa đặt ra do các nhu cầu chánh trị và giáo lý của mỗi thời đại. Đến thế kỷ thứ 9, người ta đã thu thập được trăm nghìn ha-đi-thơ trong số đó có rất nhiều chuyện do dân gian bày đặt ra. Cuối cùng, sau khi loại bỏ dần dần, các nhà Thần học Hồi giáo chỉ còn giữ lại 6 tập ha-đi-thơ do 6 tác giả biên soạn, thí dụ như tác giả Al-Bukhari (chết năm 870) chỉ giữ lại 8.000 trong số 300.000 ha-đi-thơ  sưu tầm được.
            Sách sun-na qui định luật pháp của Đạo Hồi, đấy là những hướng dẫn trên mặt Tôn giáo, tổ chức xã hội và cả những hình phạt đối với người phạm pháp. Các hướng dẫn này được đưa ra sau khi Đấng Tiên tri Mu-ha-mát qua đời và là những suy luận từ các câu của Kinh Co-ran. Thí dụ như việc cấm uống rượu thì Kinh Co-ran không nói đến trực tiếp nhưng các nhà thần học dựa vào hai câu để cấm giáo dân uống rượu: đó là câu 43, chương 4 nói là không được cầu nguyện trong lúc say sưa và câu 91, chương 5 nói là quỉ Sa-tăng dùng rượu vang để kích thích lòng thù hận của người đời.
            Do việc Kinh Co-ran có nhiều chỗ mơ hồ nên các nhà thần học có thể suy luận theo nhiều cách khác nhau. Kết quả là giáo phái sun-ni của Đạo Hồi về sau chia làm 4 trường phái mang tên 4 vị thần học sáng lập ra chúng:đó là
            Trường phái Ma-lích-kít (doMalik, người Medina, chết năm 795 lập ra)
            Trường phái ha-na-phít (do Hanifa, người Iraq, chết năm 767 lập ra)
Trường phái sa-phít (do Safi, người Mecca, chết năm 820 lập ra)
Trường phái han-ban-lít là trường phái bảo thủ nhứt
chống lại mọi cải cách và vì nó dễ hiểu đối với người ít
học cho nên nó là nơi qui tụ các nhóm Hồi giáo chính thống và quá khích ngày nay, nhất là Saudi Arabia.
Kinh Co-ran phân biệt rõ lãnh thổ của Hồi giáo
(dân Al Islam) và lãnh thổ ngoại đạo (dâr al harb có nghĩa là vùng đất của chiến tranh và mâu thuẫn) Trong các xã hội thần quyền Hồi giáo được tổ chức dựa trên Kinh Coran, mọi hành động đều phải tuân theo các hướng dẫn của Kinh, pháp luật và các hình phạt cũng do Kinh Co-ran qui định. Trong thế giới hiện đại, với sự thông thương đi lại, với cuộc cách mạng về thông tin, rất khó mà một quốc gia có thể có các tổ chức chánh trị, kinh tế, xã hội chỉ dựa trên Kinh Co-ran mà thôi. Vì vậy các chế độ thần quyền của các giáo chủ ay-a-tô-la ở Iran hay của các gíao sĩ mô-la ở Afghanistan trước đây đều gặp nhiều khó khăn để hoà mình vào thế giới bên ngoài.
Về mặt tổ chức gia đình, Kinh Co-ran nhấn mạnh đến chế độ gia trưởng theo đúng tục lệ cổ truyền của người Á-Rập. Nhưng Kinh Co-ran cũng cho phép ngưới phụ nữ có một số quyền lợi: đây là điểm tiến bộ quan trọng so với thời tiền Hồi giáo nhưng nếu đối chiếu với địa vị của người phụ nữ hiện nay trong các xã hội khác thì còn nhiều thiếu sót. Các xã hội trước hay có hủ tục giết con gái, điều mà Kinh Co-ran nghiêm cấm trong xã hội Hồi giáo. Mu-ha-mát cũng cho phép nuôi con trai vì chính ông cũng nuôi một người nô lệ làm con sau khi các con đẻ của ông lần lượt qua đời. Nhưng về sau, ông xác định lại là chỉ có con đẻ mới có tất cả các quyền lợi. Các giáo chủ nối tiếp còn hạn chế hơn nữa bằng cách xoá bỏ nhiều quyền lợi của con nuôi. Tên con thường được gắn vào họ của bố bằng chữ ibn, bin hay ben. Con trai sống với mẹ cho đến 7 tuổi sau đấy theo cha học nghề hay được nhận vào các trường Hồi giáo miễn phí ma-dra-sa (madrasa) và trở thành sinh viên
Thần học (taliban)
Đạo Hồi xem việc lập gia đình như một nghĩa vụ, sống độc thân là một tội lỗi, người phụ nữ độc thân không có tư cách pháp nhân nào cả. Đàn ông Hồi giáo có thể lấy vợ ngoại Đạo nhưng con cái sinh ra bắt buộc phải theo Hồi giáo, trái lại phụ nữ Hồi giáo chỉ có thể lấy chồng đồng đạo mà thôi. Kinh Co-ran cho phép đàn ông lấy 4 vợ chính thức, không phân biệt cả lẻ, còn số nàng hầu xuất thân từ thành phần nô lệ thì không hạn chế. Chế độ đa thê này là một điều cần thiết khi số nam giới Hồi giáo bị hao mòn liên tục vì chiến trận liên miên. Người phụ nữ không có quyền từ chối một người đàn ông đã do cha, anh hay chú, bác lựa chọn. Còn người phụ nữ ngoại tình sẽ bị đánh đập hay bị tù chung thân, nhiều khi bị xử ném đá ngoài đường cho đến chết. Phải đủ 4 nhân chứng mới được kết tội ngoại tình một người phụ nữ.Đàn ông có quyền bỏ vợ hay ly hôn nhưng phải có nhiệm vụ cấp tiền nuôi dưỡng người vợ cũ.
            Phụ nữ Hồi giáo có nhiều quyền sở hữu của cải như nam giới và có thể đi học trong một chừng mực nào. Kinh Co-ran khuyên người phụ nữ che tóc theo tập tục có sẵn của dân trong vùng vì họ xem tóc người phụ nữ có tính cách thiêng liêng. Trong xã hội Hồi giáo, hai giới nam và nữ phải luôn luôn cách biệt kể cả trong các bữa ăn hay các hội hè đình đám. Cuộc sống ngoài xã hội chỉ dành riêng cho nam giới, phụ nữ ít khi ra khỏi nhà, khi cần phải ra ngoài như đến nghĩa địa hay đến các phòng tắm thì mang mạng che mặt. Chỉ trong các cuộc hành hương ở Mecca  là nam nữ được lẫn lộn nhau vì theo nguyên tắc, ở đây nghiêm cấm các quan hệ tình dục.
            Kinh Co-ran cũng cho phép người ta có quyền mua,
bán và sở hữu nô lệ. Nếu bố mẹ là nô lệ thì con cái sinh ra là nô lệ từ thuở lọt lòng. Người Hồi giáo không được bắt người đồng đạo làm nô lệ và người ngoại đạo không có quyền làm chủ người nô lệ Hồi giáo. Các phụ nữ nô lệ được lấy làm hầu đều không đến từ nguồn mua bán mà do bắt được trong các cuộc chiến tranh. Kinh Co-ran khuyên tín đồ nên đối xử tử tế với người nô lệ, đó là một điểm tiến bộ so với luật pháp La-mã cổ xưa vì luật pháp này cho quyền chủ nhân giết nô lệ của mình. Mặc dầu tất cả các tín đồ Hồi giáo đều là anh em chung một nhà và bình đẳng trên mọi mặt (Kinh Co-ran chương 49, câu 10) nhưng người nô lệ khi được nhận vào đạo Hồi thì cũng vẫn chưa được ngang hàng với các tín đồ khác và để phân biệt họ phải đeo một chiếc vòng ở tai.
            Xã hội Hồi giáo, ngay từ buổi đầu đã gồm cả những
người ngoại đạo, gọi là những người được che chở (dhimmi). Mặc dầu phải đóng một thứ thuế thân gọi là di di-ya (djiziya), số phận của họ cũng chẳng tốt đẹp gì cho lắm. Họ không có quyền mang vũ khí, không được đi ngựa, không có tư cách làm nhân chứng ở các toà án, không được đọc Kinh Co-ran, phải mặc một loại áo quần đặc biệt, trong thành phố thì bị dồn vào sinh sống ở một khu riêng biệt, nhà cửa phải thấp hơn nhà của người Hồi giáo. Từ thế kỷ thứ 10 trở đi, các cộng đồng không phải Hồi giáo (milla hay millet trong đế quốc ốt-tô-man), có thể tự quản lý, bầu ra những lãnh đạo để đại diện cộng đồng trước nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên những thương nhân ngoại quốc khi đến một nước Hồi giáo đầu tư và làm ăn, buôn bán thì được hưởng một qui chế đặc  biệt.
            Trong đời sống hằng ngày, các cấm đoán từ Kinh Co-ran cũng khá nhiều, đặc biệt về thực phẩm, tín đồ không được ăn thịt heo, thịt chó, thịt chim. Các thứ thịt khác thì được ăn nhưng phải được chuẩn bị và chế biến theo những nghi thức đặc biệt trong các cửa hàng Hồi giáo
            Trên mặt kinh tế, đạo Hồi nghiêm cấm việc cho vay nặng lãi nhưng lại cho phép người ta làm giàu vì của cải làm ăn uy tín của con người. Kinh Co-ran có rất nhiều qui định về thương nghiệp, điều này cũng dễ hiểu vì chính Đấng Tiên tri Mu-ha-mát xuất thân từ nghề dẫn các đoàn lạc đà đi buôn bán, các tín đồ đến với đạo Hồi sớm nhất đều thuộc giới thương gia kể cả các vị giáo chủ đầu tiên. Trong xã hội Hồi giáo ban đầu, công nghiệp tập trung vào việc khai thác các hầm mỏ. Mặc dầu hầm mỏ, trên nguyên tắc là sở hữu của Thượng Đế, tức là của cộng đồng nhưng những người chủ mỏ được hưởng chế độ khoán sản phẩm, chỉ đóng cho nhà nước 1/5 sản lượng hàng năm. Các ngành tiểu, thủ công nghiệp trong các thành phố thường có
đại diện được bầu ra để giao thiệp với chánh quyền trên mặt hành chánh. Tuy nhiên tiếng nói của họ rất yếu ớt so với các nhóm thương gia. Dầu sao thì đây cũng là hình thức công đoàn để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
            Tổ chức chánh trị trong một xã hội Hồi giáo theo một cơ cấu thần quyền, trong đó chính Thượng Đế giao phó cho một người đại diện nắm giữ mọi quyền lực thế tục, người đại diện này lúc đầu là Đấng Tiên tri Mu-ha-mát, sau đấy là các vị giáo chủ kế tục Đấng Tiên tri. Các vị giáo-c.hủ lại uỷ quyền cho một bộ máy hành chánh để điều hành mọi công việc trong nước.
            Quyền hành pháp đều do các giáo chủ nắm trong tay. Bất kỳ người Hồi giáo nào cũng có thể trở thành giáo chủ. Lúc đầu các giáo chủ được bầu ra, nhưng sau đó lại theo chế độ cha truyền con nối như các Hoàng Đế, tuy nhiên khác với Hoàng đế, các giáo chủ vừa là vị lãnh tụ ngoài đời vừa là người có quyền lực tôn giáo cao nhứt vì ngay từ vị giáo chủ thứ hai của Hồi giáo là Umar, các giáo chủ còn mang thêm danh hiệu “Thống lãnh các tín đồ” (amir al muminin). Quyền lực của các giáo chủ thật là  tuyệt đối nên hay có lạm dụng và trong lịch sử, nhiều cuộc nổi dậy đã xảy ra chống lại quyền lực này. Bộ máy chánh quyền giúp giáo-chủ được đặt dưới sự lãnh đạo của một tể tướng vi-dia (vizir có nghĩa là người phụ tá mang gánh nặng) và gồm nhiều bộ trưởng. Tại các địa phương giáo chủ uỷ quyền chỉ huy quân sự và dân sự cho các  tiểu vương (amir hay emir có nghĩa là thống lãnh). Dân chúng chỉ tiếp xúc với chính quyền chủ yếu qua trung gian các cán bộ thu thuế.
            Quyền lập pháp trong xã hội Hồi giáo hầu như không có, vì đã có Kinh Co-ran làm cơ sở. Tuy nhiên, trong chi tiết, khi có một vấn đề nào đó được đặt ra, các nhà thần học (ulamât) bắt đầu nghiên cứu để đi đến một kết luận mà theo họ là theo đúng tinh thần Kinh Co-ran. Các kết luận này sau được đưa vào bộ luật Hồi giáo gọi là sa-ri-a (charia có nghĩa là con đường phải theo).
             Vì có 4 trường-phái giáo lý khác nhau nên cũng có những khác biệt trong luật pháp Hồi-giáo tuỳ theo từng vùng. Vì luật pháp Hồi-giáo không đòi hỏi một văn bản chính thức nên các quan toà (cadi) khi xét xử chỉ dựa vào các quyết định (fatwa) mà các cố vấn pháp luật  (mufti) đã đưa ra. Luật Hồi-giáo có bản chất khắc nghiệt hơn luật của các tôn giáo khác vì nó xem đây là mệnh lệnh bất di bất dịch của Thượng Đế trong kinh luật Do thái (Tora) chẳng hạn chỉ là một hợp đồng giữa Thượng-đế và dân Do-Thái. Các xã hội Hồi giáo thần quyền nguyên thuỷ (và cả ngày nay) đều áp dụng luật sa-ri-a, xem nó là biểu tượng của quyền lực mà Thượng Đế đã trao cho các lãnh đạo nơi trần thế. Trong luật pháp Hồi giáo, các hình phạt đều được qui định rõ tuỳ theo từng tội danh. Nặng nhất là tội bỏ đạo thì bị xử tử hình cũng như tội cướp bóc. Trộm cắp bị xử chặt tay (Coran 5/38), trai gái bị 100 roi, vu cáo bị đánh bằng roi cũng như tội rượu chè. Những tội nhẹ thường chỉ bị khiển trách, xử lý hành chánh. Nhiều tội nhẹ vì không có hình phạt qui định chính thức và lại do các nhân viên  cảnh sát xét xử nên nhiều khi khá tuỳ tiện. Mỗi vùng lãnh thổ có một vị chánh án do giáo chủ bổ nhiệm, các địa phương thì có những quan toà cấp dưới. Ngoài ra còn có những phụ tá thẩm phán  (muhtaib) để theo dõi các vấn đề liên quan đến thương mãi như nghiên cứu các hợp đồng mua bán, kiểm tra chất lượng hàng hoá, kiểm tra việc cân đo, giữ gìn trật tự trong các chợ và dàn xếp các tranh chấp giữa chủ và thợ
            Luật Hồi giáo có nhiều điều khoản liên quan  đến các tranh chấp về việc sử dụng nước tưới tiêu trong nông nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu, vì các nước Hồi-giáo  nằm trong những vùng đất đai khô cằn, việc phân phối nguồn nước phải được qui định rất rõ ràng. Khi Đạo Hồi chinh phục Tây Ban Nha họ có lập ra ở đây những toà án chuyên về  các vấn đề nguồn nước, ngày nay vẫn còn tồn tại.
            Về mặt thuế khoá, người Hồi-giáo phải đóng thuế bố thí bắt buộc da-cát và người ngoại đạo đóng thuế di-di-ya để được nhà nước bảo vệ. Những người ngoại đạo còn phải trả thuế điền thổ gọi là kha-rát (kharadj), cách tính thuế này rất phức tạp vì nó tuỳ thuộc diện tích canh tác, mức độ phì nhiêu của đất đai, chủng loại cây trồng, năng suất đạt được…Cũng nên biết rằng luật thuế má hà khắc đối với những người ngoại đạo đã có trong Đế-quốc Cơ đốc By-dăng, những ai không theo đạo của Giê-su phải trả một khoản thuế thân hết sức nặng nề. Tất cả thuế má thâu được đều tập trung vào công quĩ nhà nước.
            Kinh Co-ran được xem là bộ luật cơ bản đặt mọi tín
đồ Hồi giáo vào cộng đồng Um-ma. Dưới thời giáo chủ Uthman (644-656) Kinh Co-ran được hoàn chỉnh thêm và được công bố dưới dạng chính thức, nhờ đó Hồi-giáo tạo ra được một con người mới, con người Hồi giáo, có lòng tin vững chắc vào chân lý của mình, có lòng tự hào vào cộng đồng Um-ma, một cộng đồng có tính đoàn kết và gắn bó cao độ. Tính thống nhất cuả cộng đồng còn được phát huy hơn nữa khi các tín đồ phải luôn luôn cầm vũ khí chiến đấu chống lại đạo Cơ-đốc mà chủ trương lúc ấy là tiêu diệt hết người Hồi giáo hay ít ra cũng bắt họ bỏ đạo theo mình. Qua các cuộc Thánh chiến thắng lợi, người Hồi giáo thấy mình hơn hẳn các tín đồ tôn giáo khác, đặc biệt là Cơ-Đốc giáo, chiến đấu liên tục chống lại hai đế quốc Cơ đốc La mã và By-dăng, quân Hồi giáo đã nhiều lần tấn công vào các thủ đô Roma và Constantinople rồi cuối cùng diệt tan đế quốc By-dăng, tạo nên một vùng lãnh thổ Hồi giáo hùng mạnh.
        (Trích quyển Đạo Hồi thế giới Á-Rập- Văn minh- Lịch sử. Nhà xb tổng hợp TP. HCM  Từ trang-45 . Kinh Thánh Coran)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire