caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 18 janvier 2015

Sáu tuổi kiếm được một triệu Dollar cho bạn chữa bệnh.

Kính gửi quý anh chị câu chuyện rất có ý nghĩa.
Caroline Thanh Hương

Sáu tuổi kiếm được một triệu Dollar cho bạn chữa bệnh



chocolate bar 1Một đứa bé sáu tuổi có thể làm được gì ngoài ăn và chơi? Có thể chúng chưa làm được gì mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội nhưng có thể chúng lại biết quý và biết gìn giữ tình bạn hơn so với người lớn như chúng ta. Ít nhất là trong trường hợp hai đứa bé đang sống tại California, Mỹ quốc.
Phương Tôn



Dylan Siegel (trái) với bạn Jonah
Dylan Siegel (trái) với bạn Jonah

Câu chuyện của hai đứa bé Jonah Pournazarian, 9 tuổi và Dylan Siegel, 6 tuổi hiện đang gây xúc động cho hàng triệu người trên thế giới. Như là truyện cổ tích, câu chuyện của Johna và Dylan làm cho người lớn chúng ta phải xấu hổ trong cách đối xử với bạn bè thân thuộc, với đồng loại. Câu chuyện cho chúng ta thấy một khi thật tâm thì sáng kiến để giúp đỡ người khác thật vô giới hạn. Vấn đề là chúng ta có muốn giúp người hay không mà thôi.

Dylan Siegel viết và vẽ hình cuốn sách lấy tên là „Chocolate Bar“ bán thu được một triệu Dollar để giúp cho cho các nhà nghiên cứu y học tìm kiếm dược liệu nhằm cứu cậu bạn Jonah Pournazarian đang mắc bệnh hiểm nghèo chưa có thuốc chữa.

Một trang sách „Chocolate Bar“
Một trang sách „Chocolate Bar“

Không riêng với Dylan Siegel chỉ mới 6 tuổi mà ngay chính người lớn chúng ta thử hỏi có ai đã nghe đến căn bệnh GSD Typ 1b (Glycogen Storage Disease- tạm dịch: Bệnh dự trữ Glycogen)[1] mà Jonah đang mắc phải. Một căn bệnh không thuốc chữa và hiếm khi xảy ra[2]. Dylan chỉ biết một điều, bạn của nó sẽ chết vì mắc bệnh chưa có thuốc chữa. Vậy thì nó phải làm gì đó để cứu Jonah. Phải làm gì đó để có tiền rồi mới may ra có thuốc để cứu Jonah.

Nghĩ đến tình bạn ngọt ngào như cục kẹo Chocolate, Dylan liền lấy giấy bút viết và vẽ hình một cuốn sách nhỏ dày 14 trang dưới tên „Chocolate Bar“

Cho mỗi cuốn „Chocolate Bar“ Dylan đòi hỏi người mua phải tặng cho quỹ nghiên cứu bệnh GSD tại University of Florida tối thiểu 20 US-Dollar.

Hai năm sau kể từ ngày „Chocolate Bar“ được xuất bản, trong tuần qua đại học Florida đưa ra bản tuyên bố, quỹ nghiên cứu bệnh GSD của đại học đã thu được từ tiền bán sách và từ những lời kêu gọi ủng hộ, đóng góp một triệu US-Dollar. Dylan viết trên lời tuyên bố của đại học „thiệt là tuyệt vời, những câu chuyện của mình lại gây được hứng khởi cho những bạn khác.“ Dylan Siegel còn cho biết: „Mình sẽ còn tìm cách tiếp tục kiếm tiền cho đến khi nào căn bệnh của Jonah được chữa trị.“

Cùng nhau đóng gói, gửi sách đến người mua
Cùng nhau đóng gói, gửi sách đến người mua

Hơn 25.000 ấn bản „Chocolate Bar“ được bán trên 60 quốc gia. Câu chuyện tình bạn của hai đứa trẻ gây mủi lòng hàng trăm ngàn người trên thế giới và ngay cả những hãng truyền thông lớn của Mỹ như CBS và Fox News cũng tranh nhau đề cập đến.

David Weinstein bác sĩ của Jonah và cũng là chủ nhiệm chương trình nghiên cứu bệnh GSD của University of Florida tuyên bố: „Tôi rất hãnh diện với Dylan. ‚Chocolate Bar’ thu được tiền cho các nhà nghiên cứu còn nhiều hơn các số tiền của các hội y học quyên góp cho chương trình” và cho biết rằng cũng nhờ đó mà trong thời gian ngắn sắp tới viện nghiên cứu của ông sẽ đưa ra thử nghiệm lâm sàng loại thuốc chữa bệnh GSD hiệu nghiệm: „Các đứa bé mắc bệnh này được chữa lành bệnh sẽ không còn là một giấc mơ mà lại là một thực tế“.

Nhìn những tấm hình vẽ của Dylan thật là đơn giãn, chắc hẵn mọi người đều làm được nhưng cái khó là liệu có đủ Tâm để cứu giúp người hay không. Nhưng một thằng bé như Dylan mà còn làm được thì chúng ta cũng làm được thôi?

Phương Tôn

Tháng 1.2015

——–

[1] Bệnh dự trữ glycogen (GSD) là một nhóm rối loạn bẩm sinh trong đó một lượng hoặc một dạng glycogen bất thường được dự trữ trong gan. Nó là hậu quả từ thiếu sót của gan trong vấn đề điều hoà chuyển hoá glycogen và glucose. Bệnh dự trữ glycogen xảy ra khi thiếu enzyme glucose-6-phosphatase điều hoà sự chuyển đổi của glucose từ dạng dự trữ là glycogen. Nhiều loại đường (bao gồm glucose) hiện diện trong thức ăn và được cơ thể sử dụng như một nguồn năng lượng. Sau bữa ăn, lượng glucose trong máu sẽ tăng cao. Cơ thể dự trữ lượng glucose dư thừa không cần dùng ngay này dưới dạng glycogen ở gan và các bắp cơ. Sau đó, khi lượng glucose trong máu bắt đầu giảm xuống, cơ thể sẽ sử dụng đến nguồn năng lượng dự trữ này. Những loại đường dự trữ dưới dạng glycogen cần phải được xử lý bởi các enzymes trước khi có thể sử dụng. Khi thiếu những enzymes cần thiết để xử lý chúng, các glycogen này hoặc một trong những chất tinh bột liên quan đến chúng sẽ tích tụ lại gây ra rối loạn. (Trích từ idoc.vn)


[2] Trên toàn thế giới hiện chỉ có 500 đứa trẻ đang mắc bệnh này.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire