caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 16 avril 2016

BS Đặng Ngọc Thuận viết Tôi Nằm Bệnh Viện.


Khi chúng ta còn sức khoẻ, chúng ta thường tưởng mình là bách chiến bách thắng trong những cơn bệnh này hay bệnh kia.

Đến một hôm nào đó, khi chúng ta vào trong tay thầy thuốc và được  đưa vào bệnh viện vì do những chủ trương ăn uống hay tự trị bằng phương pháp này hay phương pháp kia thì mới hay, chúng ta hay có nhiều sai lầm.

Ai qua sông một lần, mới biết sông cạn hay sâu.

Bài viết này sẽ giúp chúng ta một phần nào hiểu biết những triệu chứng khác nhau của từng cơ thể, nó không là bửu bối cho mọi người đều đồng bệnh và đều được chữa trị như nhau mà phải biết mình bị đúng bệnh gì thì chữa mới khỏi được.

Đừng quên cơ thể mỗi người đều khác nhau và cần một bác sĩ trị bệnh cho mình chứ không phải đi bác sĩ để mình trị bệnh cho mình.

Cám ơn TT đã tiếp chuyển bài viết  của bác sĩ  Đặng Ngọc Thuận.

Caroline Thanh Hương

 photo 44.jpg

Tôi Nằm Bệnh Viện
                                                      BS Đặng Ngọc Thuận
Uống bậy 2 viên thuốc, phải nhập viện. Uống đúng 2 viên thuốc, được xuất viện. Bệnh nhẹ hóa ra bệnh nặng, nguy hiểm chết người. Nguyên do chỉ vì ỷ  mình cũng biết thuốc men nên chủ quan tự chữa trị. Câu chuyện của tôi thật ra chỉ giản dị có thế, song muốn nhân dịp này kể lại quý vị nghe những gì tôi đã trải nghiệm khi nằm trong bệnh viện như một bệnh nhân, chứ không phải trên cương vị một bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân nằm tại viện.
Kể ra cũng là một điều lạ vì đã 82 tuổi đầu tôi chưa phải nằm bệnh viện bao giờ. Rồi mãi sau gần 10 năm hưu trí tôi phải nhập viện cấp cứu. Một lần cách đây gần 25 năm tôi có bị một cơn bệnh“gút” (do tiếng Pháp goutte và tiếng Anh gout) khá đau ở ngón chân cái song uống thuốc giảm đau, đi khập khiễng  mấy ngày thì khỏi ngay và không bao giờ bị lại nữa, mặc dầu tôi không uống thuốc ngừa Allopurinol vì thuốc này rất hại thận mà tôi vốn bị suy thận kinh niên không biết lý do (idiopathique) từ rất lâu, nhiều năm rồi.
Xin lưu ý suy thận (insuffisance rénale) chứ không phải yếu thận vì theo y học cổ truyền âm dương hụ hợ thì có nghĩa là bất lực (impuissance)
Đầu tháng 03/2016, tôi thấy đau ở đầu gối bên trái và thầm nghĩ là tuổi già cũng bị mòn khớp như ai, cứ năng đi bơi mỗi sáng ở YMCA chắc rồi cũng bớt thôi. Nhưng khác với dự đoán, đầu gối ngày một đau thêm, đau như cắt da cắt thịt (hèn chi tiếng Việt gọi bệnh này là thống phong) và nhất là cứ sưng vù lên, cho dù uống  bao nhiêu Tylenol cũng vậy. Đến ngày chủ nhật  13 tháng 03 thì quá đau phát khóc, tôi lục lạo trong tủ thuốc thấy 2 viên Codéine, bèn lấy ra nuốt chửng luôn 2 viên một lúc. Nào ngờ tuổi đã cao, thận lại yếu đâu còn sức chịu đựng loại thuốc ma túy giảm thống khá mạnh này. Tôi hết đau song lăn ra ngủ ly bì suốt hai đêm một ngày, không ăn không uống.
Nhà tôi mới đầu cũng mừng vì thấy tôi hết đau lại ngủ ngon hơn bao giờ hết, nhưng sang ngày thứ ba 15 tháng 03 thì bà ấy phát hoảng phải nhấc điện thoại cầu cứu cháu lớn làm nghề bác sĩ chuyên ngành cấp cứu. Cháu ở xa chúng tôi đến hơn một giờ lái xe nhưng vội chạy lại ngay vì như cháu nói trong điện thoại :
- Bố vốn yếu thận mà 2 ngày không ăn còn được chứ không uống thì nguy hiểm lắm đấy ! Con sẽ đến ngay xem tình trạng bố ra sao.
Khi thấy tôi nằm ngay đơ say sưa ngủ, gọi cũng chỉ trả lời nhát gừng thì cháu nói ngay, chẳng cần khám xét hỏi han gì thêm :
- Không xong rồi, bố bị khô nước phải đưa đi bệnh viện tiếp nước biển ngay mới được. Để lâu bố sẽ bị hôn mê, không phải vì bệnh “gút” mà vì tắc thận (renal failure). Mẹ chỉ cần xem môi bố khô như muốn tróc ra thì biết bố thiếu nước đến độ nào!
Cháu bàn với nhà tôi :
- Đưa bố vào bệnh viện ở Montreal, con e sẽ phải chờ đợi lâu lắc lắm. Chi bằng mẹ để con chở bố vô bệnh viện con làm, tuy xa song con nói các bạn đồng nghiệp của con và nhân viên điều dưỡng của bệnh viện sẽ lo ngay cho bố tức thời và kỹ lưỡng. Mẹ sẽ thấy ở tỉnh nhỏ dân tình rất hiền hòa tử tế, chứ không hỗn tạp lôi thôi như ở thành phố đâu !
Quả thật đến bệnh viện, tôi được đưa ngay vào phòng hồi sinh và chuyền nước biển vô tĩnh mạch, sau khi cô điều dưỡng viên đã rút đến 5-6 ống máu để mang đi thử nghiệm tức khắc. Bà Anne M. bác sĩ phụ trách hồi sinh vừa khám bệnh tôi vừa gắng hỏi chuyện, tôi thều thào nói câu được câu không, song khi tôi tiết lộ tiền căn có bệnh “gút” thì bà ấy quả quyết là tôi bị cơn “gút” tái hành, rất phù hợp với thử nghiệm lượng acide urique trong máu quá cao. Thế nhưng cơ nguy là vấn đề thiếu nuớc làm “khô thận” và đó là hậu quả của 2 viên Codéine tôi đã uống tẩm bậy tầm bạ trong cơn bĩ cực lại không muốn phiền đến con cái !
Bà Anne M. đon đả trấn an tôi :
- Tôi sẽ cho ông nhập viện lên phòng nằm vì phải tiếp nước cho đủ mới cho ông uống Colchicine bài trừ acide urique được. Tạm thời ông chỉ được uống Tylenol liều cực mạnh giảm đau mà không hại thận. Lên trại sẽ có bác sĩ Bernard B. là bác sĩ điều trị trực tiếp của ông. Tôi cũng sẽ hội ý với bác sĩ Sylvie F. chuyên môn về thận góp ý về trường hợp của ông. Sylvie biết ông nhiều vì từng theo dõi chứng suy thận của ông.
Sở dĩ bà ta biết được hồ sơ bệnh lý của tôi là nhờ hệ thống điện tử DSQ (Dossier-Santé, Québec) nối liền các cơ sở y tế toàn tỉnh bang để các nhân viên có phận sự có thể tham khảo bất cứ ngày giờ nào. Tôi lại thều thào :
- Sao bà không cho chụp hình cái đầu gối khốn khổ này của tôi ?
Bà Anne thẳng thắn trả lời :
- Vì tôi không thấy có chỉ định y học (indication médicale). Bệnh ông đã được chẩn đoán chính xác, không cần chụp tia phóng xạ, song ông đã muốn thì tôi chiều ý. Chụp hình rồi có khả năng ông bị chọc kim vô khớp xưong lấy nước (ponction articulaire) và bị nhiễm trùng thì phiển phức lắm .Tuy nhiên lên trại các bác sĩ sẽ họp bàn lại. Có thể bác sĩ Isabelle D. chuyên môn về phong thấp sẽ được tham khảo.
Do đó tôi được đưa đi chụp hình  trước khi chuyển lên trại gặp bác sĩ Bernard B. một con người rất điềm đạm song cởi mở và thân thiện. Tôi lại nhắc đến nỗi thắc mắc đầu gối sưng to và đau quá, uống Tylenol chẳng ăn nhằm gì. Ông ta ôn tồn trấn an :
- Vấn đề này, tôi sẽ mời bà bác sĩ Isabelle D. chuyên khoa phong thấp lên tham vấn giải quyết cho ông. Duy có điều theo lời dặn của bạn tôi là  François con trai ông, tôi khuyên ông hãy tạm quên “cái y học của ông” đi và để chúng tôi làm “cái job” của chúng tôi là săn sóc ông thật kỹ càng, có lý luận phân tích, theo đúng sách vở.
Ôi nghĩ mà buồn một phút cho thân phận người y sĩ già nua đã về vườn mà còn cố bám lấy cái nghiệp vào thân. Song thật tình tôi không giận họ vì thấy rõ họ tay nghề thật giỏi, ngay thẳng và có thiện tâm giúp đỡ mình. Kể cả khi bà Sylvie F. là bác sĩ chuyên khoa thận từng theo dõi và biết rõ chứng suy thận của tôi, đến thăm tôi bên giường bệnh, thẳng thừng chỉnh tôi:
- Tôi nghe François nói ông ăn uống bê bối lắm (grand amateur de la malbouffe) nhất là mỗi ngày uống cả lít Coca-Cola. Đã thế tôi gửi ông đi tham vấn dinh dưỡng viên, ông cũng chẳng thèm nghe lời. Để tôi nói cô dinh dưỡng viên đến gặp ông ngay đây, cấm chỉ mọi thức ăn bậy (junk  foods). Còn cái đầu gối sưng thì để Isabelle toàn quyền vì bề nào hiện nay chuyện thiếu nước của ông không cho phép ông uống Colchicine ngay được. Thuốc này gây tháo dạ, ỉa chẩy ghê gớm lắm, làm ông càng thiếu nước thêm.
Chiều tối hôm ấy, bác sĩ Isabelle D. đến thăm bệnh tôi hết ngắm nghía mấy tấm phim lại nắn bóp cái đầu gối của tôi. Lúc sau bà ấy mới tuyên bố, vẻ mặt đắn đo suy nghĩ :
- Ông đau là phải vì trong khớp xương của ông tràn đầy nước. Tôi nghĩ phải chọc kim rút nước ra cho ông đỡ đau và chính tôi mang nước ấy đi soi kính hiển vi xem có tinh thể urate (cristaux d’urate) không vì đó là bằng chứng cụ thể nhất của bệnh “gút”. Sau đó tôi sẽ cho cấy trong 48 tiếng đồng hồ nước ấy xem có vi trùng nào mọc không. Nếu không tôi mới dám chích Dépo-Medrol chống viêm dài hạn. Sở dĩ phải vậy vì nếu đầu gối ông đã nhiễm trùng thì Dépo-Medrol sẽ càng làm nhiễm trùng hơn, có thể đưa đến “choáng” vì nhiễm trùng máu (choc septicémique), nguy hiểm lắm. Tôi nghĩ sáng mai Sylvie và Bernard có thể bắt đầu cho ông uống Colchicine và ông sẽ được xuất viện, hoàn toàn bình phục trước cuối tuần này.
Tôi hiểu ý bà ấy là không muốn nối dáo cho giặc, gà què chữa thành gà toi.
Thật đáng cảm phục thiện chí của người thầy thuốc, tận tâm giải thích cho bệnh nhân nghe, hành động dám lãnh trách nhiệm, với tinh thần hợp tác cùng équipe trị bệnh. Bà ấy còn trấn an tôi :
- Tôi sẽ chích thuốc tê rồi mới dùng kim lớn chọc vô đầu gối để lấy nước ra. Ông sẽ không cảm thấy gì cả, mà ông có sợ đau không ?
Tôi ra mặt dũng cảm :
- Kim chích của bà thì nhằm nhò gì với cái đau của bệnh “gút”. Người Việt chúng tôi gọi bệnh đó là “thống phong” mà ! Hơn nữa bà phải biết là tôi ở tù CS 4 năm, vượt biên lênh đênh trên biển đói khát cả mấy tuần lễ mới được cứu sống. Đời tôi đau khổ đã nhiều, bà ạ !
Bà ta mỉm cười khẽ nói :
- Ôi mà thời bĩ cực đã qua rồi (le pire est fait) vì giờ này ông đang ở Canada, ông không biết hay sao ?
Rồi bà thong thả đi kiếm đồ nghề rút nước trong đầu gối tôi ra, rất nhẹ nhàng chính xác song được đến mấy chục cc đầy 2 ống xét nghiệm bằng thủy tinh. Đầu gối tôi xẹp trông rõ và tôi tức khắc thấy nhẹ hẳn người, co chân lên đến phân nửa mà không đau đớn gì. Tôi cám ơn rối rít và tôi cảm nhận bà ta cũng tự tin, khoan khoái vì thấy công việc mình làm có hiệu nghiệm cho con bệnh. Trước khi ra khỏi phòng, bà nói :
- Tôi sẽ tự tay xét nghiệm ống nước này xem có tinh thể urate không. Còn ống nước kia thì để nhân viên phòng xét nghiệm cấy lên môi trường cho vi trùng mọc, nếu có.
Nửa giờ sau bác sĩ Isabelle D. trở lại, vui vẻ báo tin mừng là chính mắt bà đã thấy cả đống tinh thể urate bao quanh bởi cả chục sư đoàn bạch cầu đang tìm cách tiêu diệt giặc urates bằng cách ‘‘ăn sống nuốt tươi chúng”. Và bà hẹn 2 ngày sau sẽ trở lại tiêm Dépo-Medrol cho tôi, nếu kết quả thử nghiệm cấy trên môi trường không phát hiện ra vi trùng.
Quả thật sáng hôm sau bác sĩ điều trị Bernard B. đến thăm bệnh tôi và báo tin cho tôi biết là sau khi hội ý với bác sĩ Sylvie F. họ đồng ý bắt đầu cho tôi uống Colchicine, song cũng vì tình trạng suy thận của tôi, chỉ cho uống 2 viên chia làm 2 buổi sáng mà thôi.
Chứng nào tật nấy, tôi lại lên tiếng hỏi:
- Xin lỗi ông cảm phiền cho tôi hỏi một câu, một câu mà thôi.
Ông ta vội trả lời :
- Không, ông cứ hỏi chứ ! Đó là quyền của ông và bổn phận chúng tôi ở đây, cái job chính là phải làm sáng tỏ mọi thắc mắc của bệnh nhân.
- Hôm qua ông khuyên tôi hãy quên cái y học của tôi đi, song thật tình tôi không biết hay đã quên Colchicine thuộc loại thuốc gì và cơ chế tác động của nó thế nào ?
Bernard nở một nụ cười thật tươi và giảng cho ông bác sĩ già‘‘gần đất xa trời’’ hay Colchicine là một loại thuốc chống viêm rất xưa, đặc biệt hữu hiệu cho viêm khớp do tinh thể urate  bị bạch cầu nuốt trọn (phagocytose) và đóng tụ tại chỗ. Song tác dụng của Colchicine khá chậm, nhiều khi phải cả tuần khớp xương mới bớt sưng. Ấy là chưa kể Colchicine còn khá độc cho cả gan lẫn thận, nhất là đại trường vì thường gây ỉa chảy rất dữ dội
- Chính những lý do ấy làm chúng tôi rất ngần ngại kê toa Colchicine song ông buộc phải uống thì đầu gối mới thật sạch tinh thể urate. Nay tình trạng tổng quát của ông đã khá nhiều do dung dịch Normal Saline truyền vô tĩnh mạch và do Isabelle đã rút bớt nước trong khớp ra. Vậy hôm nay ông hãy chuẩn bị ‘‘Tào Tháo sắp đuổi ông đấy’’ ! Tạm dịch tự do : ‘‘Vous allez avoir Mr Choléra courant après vous’’
Ôi thật là khủng khiếp cái nhà ông Tào Tháo Canađiên này ! Thoạt đầu tôi mắc đi cầu lắm lắm mà sao rặn mãi không ra, sau tôi mới sực nhớ ra (nhờ cái y học vừa lỗi thời vừa cổ lỗ sĩ của tôi) là Codéine gây táo bón không thua gì Colchicine gây tháo dạ. Quả nhiên tôi phải lấy 2 ngón tay moi ra một cục phân cứng ngắc như đá sỏi, đóng chốt ngay cửa hậu môn. Cửa vừa được mở ra thì ôi thôi sâm banh tuôn ra như suối Lồ Ồ.
May thay viên Colchicine thứ 2 bớt hành tôi nhiều và chiều hôm ấy đúng như lời hứa, bác sĩ Isabelle D. trở lại tươi tỉnh loan tin kết quả cấy vi trùng âm tính và bà ta sẵn sàng tiến hành việc tiêm nhiễm (infiltration) đầu gối tôi thuốc chống viêm dài hạn Dépo-Medrol, nếu tôi đồng thuận. Dĩ nhiên tôi gật đầu lia lịa vì chịu hết nổi Colchicine rồi mà đầu gối còn đau khôn xiết.
Vẫn bằng động tác nhẹ nhàng hôm trước, bà bơm vào đầu gối tôi một lọ Dépo-Medrol rồi thản nhiên đứng bên giường chờ phản ứng của tôi. Chừng 5-10 phút sau, bà nói tôi thử co chân lại xem sao. Thật như phép lạ nhờ thuốc tiên, tôi gập hẳn đầu gối lại không chút đau đớn !
- Vậy thì sáng mai tôi nói Bernard thử máu kiểm soát rồi nếu bình thường trở lại thì ông có thể yên tâm xuất viện ngay chiều mai được.
Đuợc lời như cởi tấm lòng vì nằm bệnh viện dù được săn sóc tử tế kỹ lưỡng thế nào, tôi vẫn có cảm giác như tù giam lỏng. Đấy là còn nhờ có nhà tôi sáng lái xe đi tối lái về, luôn luôn ở bên tôi, lo lắng nâng đỡ ông chồng bị cơn ‘‘gút’’ nó hành hạ. Vậy mà con tôi kể rằng có nhiều bệnh nhân bản xứ hẳn hòi khỏi bệnh rồi mà đuổi cũng không chịu về. Quả thật nếu chẳng may mình phải ăn xã hội, thì nằm viện no cơm ấm cật, có người chăm sóc tắm rửa lại chẳng tốn đồng xu cắc bạc nào thì tội gì mà không kéo dài ngày nào hay ngày đó.
  
Thế mà sáng hôm sau nóng ruột hết đứng lại nằm chờ mãi cũng không thấy ông thầy Bernard đến cho tin tức. Nhà tôi phải an ủi, theo cách của bà ấy :
- Anh phải hiểu là người ta còn trăm công nghìn việc khác nữa chứ bộ cả cái bệnh viện này chỉ có anh là bệnh nhân hay sao ? !
Nhưng rồi xế trưa thì chàng cũng đến, mặt không mấy vui :
- Máu của ông tốt rồi đấy. Duy có chất potassium thì còn hơi cao, những 5.8 mmol. Tôi đoán là bà Sylvie F. cho ông uống thuốc lợi tiểu ở nhà nhưng vô đây ông bị khô nước, bà ấy đã cắt bỏ nên chất điện ly K (électrolyte K) mới tăng như vậy. Tôi sẽ cho thử lại stat (tiếng nhà nghề là có kết quả ngay), nếu chất K đã giảm so với hồi sáng thì tôi mới dám cho ông về, song ông phải uống lại thuốc lợi tiểu ngay sáng mai.
Một giờ sau, Bernard trở lại mặt tươi như hoa :
- Đây này, potassium xuống còn 5.3. Dấy thật là một dấu hiệu tốt. Tôi yên tâm để ông xuất viện ngay bây giờ với toa thuốc ra viện, thuốc cũ căn cứ vào DSQ và thuốc mới cho hợp với tình trạng mới của ông. Và ông nhớ 2 tuần nữa đi thử máu lại rồi lấy hẹn với bác sĩ Sylvie F. vả bác sĩ Isabelle D. để họ theo rõi bệnh ông. À mà chút quên, boss François của tôi nhắn ông phải đi khám lại bà Marie-Chantale M. về mặt tâm thần đấy nhé !
Cái ông con trưởng nam của tôi này dường như cho tôi già rồi phát khùng, Alzheimer hay sao mà cứ có dịp là nhắn nhe hết người này đến người kia nhắc tôi phải đi khám psychologist với chẳng psychiatrist. Riêng tôi thấy điên khùng gì đâu, chỉ thấy mình có quên quên nhớ nhớ, hơi gàn một chút, hay phát ngôn bừa bãi, không giống ai nhất là về tư duy. Song việc gì tôi cũng muốn khôi hài hóa, để khỏi nằm dài trên giường thẫn thờ nhớ chuyện ngày xưa mà khóc thầm. Nói có bà xã tôi làm nhân chứng !
Nếu tôi chấm dứt bài viết của tôi ở đây thì tôi mắc lỗi rất lớn với những nhân viên bệnh viện tôi nằm. Chỉ đáng tiếc là tôi không nhớ hết tên họ mọi người vì cách sắp xếp nhân viên của bệnh viện dựa trên équipes chứ không theo trại bệnh. Thành thử nay họ làm trại này, mai lại đi trại khác. Ngoại trừ bà điều dưỡng trưởng (thường là một infirmière bachelière nghĩa là có trình độ đại học) thì phụ trách điều khiển thường trực một trại. Dẫu sao xin ghi lại đây vài kỷ niệm vui vui đáng nhớ trong 4 ngày tôi được điều dưỡng tại trại 6 Ouest. Cũng phải kể những điều rất hay và lý thú tôi đã học được nơi họ
  
Ở khu Cấp Cứu tôi nằm trên băng ca và khi chuyển trại, một người y công đã đứng tuổi song vóc dáng khá lực lưỡng, đẩy tôi vô thang máy đưa lên trại ở lầu thứ 6. Đến cửa phòng ông ta hỏi tôi có vô phòng một mình được không
Tôi nghĩ mình có mang theo cây gậy nên nghĩ là chống mà đi cũng xong. Nhưng khi thấy tôi quá loạng choạng thì chẳng nói chẳng rằng ông ta bế xốc tôi lên, bồng tôi đặt lên giường và hết lời xin lỗi trước khi bỏ đi.
Bà trưởng trại đến gặp tôi mang theo một cái marchette và nói tôi khoan dùng cây gậy đồng thời hứa sẽ can thiệp để khu vật lý trị liệu cử nhân viên (physiothérapeute) lên chỉ dẫn tôi cách đi đứng. Cô trưởng toán điều dưỡng cũng đến, vui vẻ đo áp huyết, bắt mạch và lấy thủy. Tôi hỏi xin cô ấy một hộp Kleenex thì cô ấy lớn tiếng gọi :
- Yvonne, mang cho ông Đặng một họp mùi xoa (mouchoirs). Lẹ lên đấy!
Tôi khen cô ấy nói đúng tiếng Pháp thì cô ấy mỉm cười mà nói :
- Yvonne gốc Pháp nên tôi không nói tiếng Québécois (Kleenex) mà dùng chữ mouchoirs để trêu chọc nó.
Học đi đứng tôi phải thú thực có được chỉ dẫn mới biết cách xử dụng canne và marchette đúng phương pháp, khoa học. Cô sinh viên physiothérapeute nhò bé và nhỏ nhẹ, lễ phép chẳng kém gì một cô gái VN. Dưới sự trông chừng của huấn luyện viên, cô chỉ tôi cách cầm canne : Nếu đau bên mặt, phải cầm canne bên trái và nghịch lại. Lên thang phải bước từng bậc : Khi lên, chân lành bước trước, chân đau theo sau. Khi xuống, chân đau xuống trước, chân lành xuống sau. Như thế chân lành phải chịu đựng nhiều sức nặng của thân thể và người bệnh đỡ đau. Cô mách cho cách nhớ thật ngộ nghĩnh khiến tôi phải bật cười :
- Vì người tốt (chân lành) lên thiên đàng, còn kẻ xấu (chân đau) xuống địa ngục ! Nhớ thế thì ông không bao giờ lầm lẫn cả.
Các học viên phục vụ bệnh nhân bao giờ cũng có huấn luyện viên đứng cạnh chỉ dẫn và giám sát. Thí dụ như trước bữa ăn nào cũng lấy máu ở đầu ngón tay để thử lượng đường. Đây là công việc của người y tá, song nếu là một học viên thì đương nhiên có huấn luyện viên đứng cạnh trông chừng. Sau bữa ăn, lại có nhân viên khu dinh dưỡng đến quan sát khay đồ ăn, ghi nhận mình ăn được bao nhiêu. Một lần thấy khay ăn của tôi sạch trơn, anh ta ngạc nhiên hỏi tôi ăn hết khay sao. Thấy tôi gật đầu, anh ta khẽ liếc nhìn nhà tôi nhưng rồi lặng lẽ bỏ đi. Chắc là anh chàng nghi nhà tôi ‘‘ăn chạc’’mà quả có thế thật.
Câu chuyện sau cùng và cũng là điều hay nhất cho tôi là cô dinh dưỡng viên ngồi đàm luận với tôi suốt cả tiếng đồng hồ. Cô nói là bà bác sĩ Sylvie F. căn dặn cô ấy phải nói cặn kẽ cho tôi ăn uống phải đàng hoàng, đúng cách, đúng bệnh. Tóm tắt gần như tôi phải ăn chay trường !
- Lý do chính ông phải nhập viện không phải vì bệnh ‘‘gút’’ mà vì suy thận. Vậy trước hết là ông phải tránh ăn chất đạm, nhất là thịt đỏ và phải uống ít nhất 3 lít nước một ngày, nước suối tốt nhất rồi đến nước trái cây vắt chứ như Coca-Cola thì tuyệt đối cấm. Trừ phi ông mong được lọc thận hay ghép thận ! Mà tuổi ông , người ta không ghép cho đâu. Ưu tiên dành cho người trẻ, còn làm việc, còn đóng thuế cho nhà nước.
Bệnh ‘‘gút’’ nguyên do tại lượng acide urique trong máu quá cao vì thận phế thải không kịp. Thế nhưng acide urique ở đâu mà ra ? Do chất purines trong thực phẩm ta ăn vào biến hóa thành sản phẩm cuối cùng (end product) là acide urique. Purines có trong cả động vật lẫn thực vật, song điều lạ là acide urique từ purines động vật mới gây nhiều cơn ‘‘gút’’ hơn là từ thực vật. Cho nên măng tây, bắp cải rất nhiều purines nhưng ta không cần tránh nhiều. Trái lại thịt rừng, phá lấu, tôm cua, đồ biển rất là độc địa cần kiêng tối đa. Nói về đồ uống thì bia là cấm kỵ chứ rượu mạnh, rượu chát không đến nỗi nào. Đặc biệt ít ai biết là nước trà độc hơn cà phê và tốt nhất là tisane.
Cô ta chỉ nói về suy thận và thống phong song tôi còn bị biết bao nhiêu chuyện ‘‘cao’’ nữa : Nào là áp huyết, nào là cholestérol, nào là glucose … khiến tôi phải kiêng  đủ mọi thứ (thịt, muối, mỡ, đuờng, đồ biển) còn gì mà sống … cho ra sống nữa ! Cho nên trước khi ngã bệnh tôi chủ trương ăn cho sướng rồi chết nhưng chết đâu phải dễ. Chỉ một cơn ‘‘gút’’ cũng đủ làm mình ngất ngư mà đâu có chết được.
Ra viện tôi đổi hẳn cách sống, kiêng cữ rất kỹ như nhà tu ăn chay trường và tuyệt đối một giọt Coca cũng không uống ! Để rồi xem sao ?
                                                                                Đặng Ngọc Thuận
                                                                                  Đầu Xuân 2016
 photo 2016 - 13.jpg

vendredi 15 avril 2016

Lý Trung Tín giới thiệu câu chuyện thật được kể lại Giọt Nước Mắt Của Lính.


Lý Trung Tín

Bản Tin Của Tạp Chí Dân Văn

LTS: Đây là một chuyện thật, không có một chút nào hư cấu, chúng tôi là một người lính tác chiến, chiêm nghiệm, có một sự huyền bí mà không giải thích được trong việc trùng phùng giữa cha con sau 40 năm, người SQ/BĐQ hoàn toàn không biết mình đã có một đứa con, Tạp Chí Dân Văn chỉ hiệu đính các lỗi “hỏi ngã”, còn giữ nguyên toàn bộ lời kể của người trong cuộc.

Tạp Chí Dân Văn cho đăng câu chuyện hi hữu này, để riêng tặng cô Hoàng Mai, chủ Snack-Bar tại mũi Nhà Bè các năm 1969, 1970 và các bạn Miền Nam đã từng đóng quân nơi này.

         Germany, 12.03.2016

- Điều Hợp Viên Diễn Đàn Ngôn Ngữ Việt

-Chủ Nhiệm Tạp Chí Dân Văn.

      LÝ TRUNG TÍN (Tiểu Đoàn 51 / Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân /  Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa)

---------------------------------------------

Giọt nước mắt của línhAfficher l'image d'origine

Đây là chuyện thật của người bạn học cũ của tôi và người lính Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa, sau 40 năm thất lạc nhau vì chiến tranh, một bất ngờ duyên trời đã cho anh chị gặp lại nhau, và tôi được nghe anh chị kể cho tôi về một phần đời của họ đầy vui, buồn, sợ hãi, chán chường của một người con gái đẹp đã vì hoàn cảnh mà ra nông nỗi ấy, của một người trai thời loạn thất chí, vì không làm tròn trọng trách đối với núi sông. Hôm được anh chị mời đến nhà chơi, qua một tách trà sen Huế (anh chị và tôi đều gốc Huế), anh nhìn vợ, âu yếm bảo:

- Em kể lại chuyện tình mình cho Mousti ( nick của tôi ) nghe đi, anh nghĩ Mousti sẽ thích chuyện tình đẹp của mình, đẹp như một cổ tích...và chị bắt đầu kể, anh ngồi nghe, lâu lâu thêm vào một vài chi tiết..

Anh nhìn tôi, tay vuốt tóc chị, nói với tôi:

- Cánh Hoa Thời Loạn.

Xong quay lại nói với chị:

Anh phải đem em về lại Huế ngày nào đó nhé cưng

Hạnh phúc thật là nhỏ bé mà đồng thời cũng thật lớn vô cùng.

Gặp nhau chỉ có một giờ tình yêu bất tận chẳng ngờ tái sinh...

Thơ của anh

oo0oo

Tôi mất anh đã hơn 40 năm rồi, ngày mà quê hương còn rền vang tiếng súng, tiếng đại bác.. của những trận chiến ác liệt như Pleime, Đồng Xoài, Bình Giả...

Lúc đó tôi còn là một người đàn bà 25 tuổi, mở một quán rượu gần đồn lính, thời bấy giờ không biết làm gì để nuôi cuộc sống còn của mình, cha mẹ chết, có người yêu đi lính cũng đã gục ngã trên chiến trường, nhà cửa tiêu tan vì chiến tranh, buồn quá, nhân có con bạn học cũ hoàn cảnh gần như tôi, nhưng nó còn đau hơn tôi là chồng nó bỏ gia đình đi tập kết ra Bắc, bỏ lại vợ con nheo nhóc buôn thúng bán bưng sống qua ngày. Hai đứa tôi, nhìn vẫn còn mặn mà lắm, ngày còn đi học là hai hoa khôi của Gia Long. Bây giờ nghĩ lại thời gian đẹp này chỉ còn trong hoài niệm.

Tôi bây giờ đau đớn nói ra, mình đã là một cô gái giang hồ, nôm na là gái điếm. Khách của Vân và tôi gần như là lính, vì thành phố tôi đang ở gần một trại lính.

Vân rủ tôi mở quán rượu ở đây vì vậy, lính là những người không có tương lai, sống chết không biết ngày nào nên họ ăn chơi bạt mạng, hễ cuối tháng lãnh lương ra là đến quán nhậu, rượu chè, gái... họ sống như vậy, lao mình vào những ly rượu mạnh hay những cuộc truy hoan để quên nỗi sợ những tiếng súng, những tiếng đại bác, những hầm chông cọc nhọn đang chờ, quên đi tử thần đang rình đâu đó..

Cũng may là Vân và tôi không còn gia đình, nếu không tôi không biết phải ăn nói làm sao với cha mẹ mình về cái nghề tôi đang làm! Lúc mới đầu chưa quen với nghề này, tôi ghét lắm những bàn tay vô tình để lên không đúng chỗ trên thân tôi, hay tiếng đùa giỡn quá trớn của những anh lính uống say, khi tôi đi ngang qua bàn, víu vai tôi xuống, ôm mặt tôi đặt chiếc hôn nặc nồng mùi rượu... có lúc tôi chán nản, muốn bỏ nghề đi tìm một nghề khác dù không đủ tiền nuôi mình, nhưng sau đó, ngày qua ngày, tháng qua tháng rồi cũng bắt đầu quen. Tuy vậy nhiều khi nhì Vân ngả ngớn với mọi người, ăn mặc hở hang, lắm lúc nó ngồi luôn trên chân khách, ỏn ẻn như muốn làm tình luôn ngay tại chỗ. Tôi nhìn những cử chỉ ấy, rồi thấy tởm cho chính mình luôn.

Có những chàng lính trẻ khuôn mặt còn non, có thể nặn ra sữa được, phần đông là học sinh bị rớt Tú Tài, đến tuổi phải đăng lính thì nhiều lắm là cỡ tuổi em trai út mình thôi, vậy mà phải chịu đựng khói thuốc trong căn phòng bẩn không mấy sạch, vì làm gì có thời gian để thay đổi chiếu, chăn, nhiều đêm phải tiếp vài người khách là gần trắng đêm rồi, vì họ cho rằng tiền trao cháo múc, có những lần tôi gọi là xáp lá cà vì sự hùng hục không chút dịu dàng, sao cho thoả mãn sinh lý là được, không tình cảm trong đó, chính tôi, tôi cũng chẳng muốn có tình cảm, tôi tuy là một gái điếm nhưng tôi vẫn trọng phần hồn mình, chuyện làm tình với bất cứ ai chỉ là chuyện kiếm cơm mỗi ngày, không ăn thua gì đến trái tim mình cả, quan niệm tôi là vậy.

Tôi cũng không bao giờ hy vọng hay ước mong ngày nào đó sẽ có một người sẽ đến yêu tôi và đưa tôi ra khỏi chốn bùn nhơ này.

Rồi ngày tháng vẫn trôi qua, cuộc đời của Vân và tôi vẫn vậy, vẫn nhịn nhục chiều chuộng những người đàn ông thoáng qua đời chúng tôi trong vài giờ ngắn ngủi rồi ra đi, không để lại chút gì luyến tiếc. Tiền trao cháo múc mà! Rất hiếm những lần truy hoan có người nhìn tôi âu yếm, hay cử chỉ dịu dàng, chỉ có vừa mới chưa kịp cổi đồ là mình đã như con vật bị lên bàn mổ vậy, hùng hục, hùng hục, đúng như nghĩa của chữ này vậy, xong rồi, nằm thở dốc, hút điếu thuốc, mặc lại quần áo và mở cửa bước ra, không một lời chào hay một cái ngoắc tay từ giã....

Toán lính này đi, toán lính khác đến, không có gì thay đổi trong cuộc sống, không biết Vân nghĩ thế nào, phần tôi, tôi nhầy nhụa thêm như mình đang lội trong vũng bùn cuộc đời vậy.

Vậy mà, một hôm anh đến, anh vừa đổi đến đơn vị này; hôm ấy là ngày phép của anh, anh theo đồng bạn đến quán, gọi một chai martell thứ nặng nhất, mắc nhất uống với nhau. Con Vân đi ngang bàn, ngả ngớn với bạn anh, vuốt tóc anh, anh để tự nhiên cho Vân làm, chỉ mỉm cười chào lịch sự. Bàn anh gọi thức nhậu, Vân lo tán tỉnh với bạn anh, nó ngoắc tay nhờ tôi làm giùm. Tôi mang mấy dĩa đồ nhậu đến bàn anh, tôi thấy ánh mắt anh đậu lại trên mắt tôi một khắc, mỉm cười cám ơn; cà bàn gom tiền lại trả, anh móc túi cho riêng tôi một số tiền khá, anh cầm tay tôi, mở tay tôi ra, đặt tiền vào đó và đóng tay tôi lại, rồi thôi.

Chiều ấy, anh nói với Vân muốn tôi tiếp anh, tôi bằng lòng, đưa anh lên phòng. Trong lúc anh ngồi trên ghế, tôi lấy drap và áo gối mới thay, vì chăn chiếu cũ đã có nhiều người nằm trên ấy, mùi thuôc lá, mùi đàn ông, những dấu vết vàng vàng của những lần làm tình trước dơ dáy.

Không hiểu vì sao tôi lại đối với anh đặc biệt như vậy, tôi cũng tự đang hỏi mình. Anh có một khuôn mặt thật...tôi không biết tả ra sao, cái nhìn ấm áp khi anh nhìn tôi. Sửa soạn giường gối sạch sẽ, tôi như bình thường, mời anh lại giường, tôi đứng cởi đồ trước mặt anh, xong tôi dìu anh nằm dài xuống, và từ từ cởi quần áo cho anh, anh để yên cho tôi làm, xong tôi ngồi xuống giường, nằm xuống cạnh anh, anh dang tay anh ra cho tôi đặt đầu lên, xong quay lại vuốt tóc tôi, hôn lên môi tôi dịu dàng, làm tôi hụt hẫng, bất ngờ trước những cử chỉ trìu mến ấy, rồi anh bắt đầu cuộc chơi.

Tôi thú nhận là lần đầu tiên từ ngày tôi làm điếm, tôi có cảm tưởng như tôi là người con gái còn trinh được người yêu yêu mình lần đầu, có một rung động không tên chuyền vào tôi, tôi đáp trả lại anh, tôi không gọi lần này là cuộc truy hoan của một người đàn ông và cô gái điếm. Xong cuộc, anh lấy tấm khăn để trên bàn lau cho tôi và anh, xong anh bảo tôi nằm yên đó, anh chồm dậy lấy bao Capstan châm lửa hút, chợt anh nghe tôi ho, anh giập tắt ngay điếu thuốc chưa kịp hút.

- Tôi làm em ho? Em không chịu được khóí thuốc?

Tôi giật mình xin lỗi nói không phải vì khói thuốc mà ho mà tại tôi có cái tật từ nhỏ là nhạy cảm, và lúc nào bị xúc động là tôi ho. Nghe tôi trả lời, anh ôm đầu tôi lại gần và hôn tôi như anh đang hôn người tình của anh vậy. Rồi hứng lên, anh lại đưa tôi vào cuộc chơi thứ nhì.

Sau lần yêu này, anh đặt đầu anh giữa hai vú tôi, hôn lên đó, và hai vai anh bỗng rung lên, anh khóc nức như đứa trẻ làm tôi sửng sốt. Tôi ôm đầu anh, trìu mến, hỏi anh nguyên do nhưng anh không muốn trả lời...

Anh và tôi nằm yên như vậy một lúc lâu, tôi không còn nghe anh khóc nữa, tôi nhìn anh, anh đang ngủ trên ngực trần tôi. Tôi lấy tay gỡ nhẹ đầu anh, đặt đầu anh lên gối, nhìn anh ngủ, lòng tôi chùng xuống, một tình cảm mới mẻ hiện ra trong tôi không có tên.

Tôi đứng dậy đi tắm và trước khi xuống quán, tôi nhìn anh ngủ, tôi cúi xuống đặt lên môi anh một chiếc hôn hình như có thương yêu trong đó, tôi cũng không hiểu luôn cử chỉ này tại vì sao nữa! Từ ngày hành nghề, tôi luôn tránh nếu có thể những chiếc hôn môi, cái cảm giác lợm giọng hôi nồng nặc thuốc lá và rượu làm tôi muốn ói, nhiều khi khách hôn mình, tôi muốn đấm vào mặt khách một cái, đạp cái thân thể trần truồng xuống đất và chồm dậy mặc nhanh áo quần, chạy trốn như vừa gặp phải ma. Vậy mà chính tôi lại hôn anh.

Tôi xuống quán xem Vân có cần đến tôi không, nhưng tối nay ít khách nên Vân để cho tôi yên.

Tôi xuống bếp làm vài món ăn đem lên phòng, anh đã tỉnh, vẫn nằm yên trong tư thế con nhộng, trên môi một nụ cười hóm hỉnh, nhìn tôi như nói:

- Em thẹn thấy anh trần truồng phải không? Tôi cười nhẹ không trả lời, trả lời sao bây giờ trong hoàn cảnh tôi, một cô gái điếm mà lại mắc cỡ đứng trước người đàn ông trần truồng như gái nhà lành!

Tôi nói anh đi tắm rồi ra ăn cơm với tôi. Trong lúc anh tắm, tôi lại giường, nằm xuống úp mặt lên gối, ngửi mùi tóc anh và mùi mồ hôi anh còn thoảng trên đó, có chút gì thật dễ thương khó quên!

Xong buổi cơm chiều, hai đứa cởi hết đồ, ôm nhau nằm trên giường, chợt nghe anh thở dài, tôi hỏi anh tại sao và anh chưa hề hỏi cho biết tên tôi cũng như tôi chưa biết tên anh, anh nói:

- Anh với em, mình không có tương lai, mai anh đi rồi, biết sống chết ra sao, và em cũng vậy, ngày anh may mắn còn sống trở về, chắc gì mình còn gặp lại nhau, thì thôi nếu em có chút tình cảm cho anh thì cứ giữ vậy làm kỷ niệm, anh không hề xem em là cô gái giang hồ, chỉ xem em là người con gái bất hạnh của cuộc đời trong chiến tranh mà thôi.

À, mà đây, vừa nói anh vừa tháo ở cổ anh sợi dây chuyền vàng có miếng mề đay nhỏ bằng vàng hình trái tim, có khắc số quân của anh. Tôi ngơ ngác, giương mắt nhìn anh:

- Đó là quà cuối cùng của Mẹ anh cho anh trước khi bà mất trong Tết Mậu Thân Huế, bà cho thợ vàng khắc số quân của anh khi lỡ anh chết trận, có trên cổ anh vừa tấm thẻ bài lính và số quân này, như vậy chắc ăn hơn, bà nghĩ vậy. Bây giờ anh gửi tặng em, giữ lấy như quà cưới, vì hôm nay anh không ngờ trước một sự gặp gỡ dễ thương và đáng nhớ như vầy, xem như hôm nay là ngày cưới anh và em, và đêm nay là đêm động phòng của mình. Anh cảm nhận được tình cảm em qua mấy lần yêu nhau chiều nay, em đã đặt tình cảm em trong đó; anh hiểu rõ lắm, vì trước đây, anh cũng đã sống trong trụy lạc, mê đắm trong thuốc lá, trong rượu, cùng gái điếm với những đêm truy hoan nhưng thú thật em, chỉ vì lâu ngày thèm khát đàn bà, với em hôm nay, anh không thèm khát chuyện xác thịt, lúc đầu anh cũng nghĩ sẽ như những cuộc truy hoan với những cô gái giang hồ khác (trong cuộc nói chuyện, anh vẫn tránh chữ gái điếm, và tôi thầm cảm ơn, sự tế nhị này của anh.) nhưng hôm nay thì không, anh có cảm tưởng người đang nằm bên anh là người yêu của anh.

Anh xem em như người bạn đời của anh dù chỉ gặp nhau trong một đêm, và cuộc tình ngắn ngủi này sẽ theo anh suốt dọc quãng đường anh đi tiếp. Tôi tháo chiếc nhẫn bạc kỷ niệm sinh nhật 18 tuổi của mình, đeo vào ngón tay út anh.

Tôi tắt đèn, và hai đứa lại lao vào những trận yêu bỏng cháy đầy tình cảm...

 Chút Quà Gửi Em

Liên tiếp tuần sau đó, tôi gặp lại người lính không tên này ngày chủ nhật. Anh đến quán cùng với vài người bạn lính khác, các anh và anh, nhất là anh vẫn oai hùng trong bộ quân phục với áo hoa rừng và chiếc mũ nâu, cũng vẫn khuôn mặt dễ mến mà từ tuần trước khi anh ra về, tôi ra điều kiện với Vân, nếu Vân còn muốn tôi giúp Vân trông nom quán tiếp Vân, tôi sẽ không tiếp khách nữa. Vì hình như tôi vẫn đợi anh đến, tình cảm tôi hình như có sư đổi thay, và hình như tôi có linh tính là cuộc đời tôi đang đến một ngã rẽ khác.

Anh ngồi chơi với bạn, uống một chai bia lạnh hiệu 33, trong không khí đầy khói thuốc lá, mùi rượu, những mẩu chuyện lính đầy tính chất gái giang hồ, và sex; tôi lén để ý anh, anh chỉ ngồi cười nghe bạn, không hoà đồng vào với bạn, Vân lăng xăng ôm cổ người này đến người khác, bằng lòng cho khách hôn hít, sờ soạng..

Tôi đứng yên sau quầy rượu, giả vờ lau ly, cốc... Anh quay lại nhìn tôi, mỉm cười chào nhẹ bằng một nụ cười thật hiền và dễ thương. Anh làm hiệu cho tôi đến gần anh, anh đứng dậy kéo ghế cho tôi ngồi cạnh. Nhiều bận mấy đồng đội anh định giở trò ờm ờ, những cử chỉ như đối với Vân, anh đưa tay như bảo họ stop, và lạ lùng nhất là họ nghe anh răm rắp, tôi nghĩ trong toán lính này, anh là huynh trưởng của họ, vai vế lớn hơn.

Sau đó, chiều lại, mấy người lính kia đứng dậy đi về trại, anh ngồi lại quán, hỏi Vân với tôi có thể cho anh ăn cơm chiều ở đây không, Vân cười nhìn tôi, ý là cô nàng hiểu anh muốn gì.

Vân đứng dậy dọn ly cốc và vỏ chai không trên bàn, đem đổ tàn thuốc, đưa mắt cho tôi như bảo: Mày lo cho chàng đi. Mâm cơm chiều này tự tay tôi nấu, ngon hay vì cảm tình anh dành cho tôi mà anh thấy ngon?

Chiều nay anh uống hơi nhiều một chút, rồi ngà ngà say, Vân và tôi không để anh về một mình, giữ anh lại cho anh ngủ lại đây.

Sáng hôm sau, khi anh ấy dậy, tôi pha nước cho anh tắm, bưng điểm tâm lên phòng cho anh vì tôi muốn hưởng trọn với anh ấy những giờ phút cuối trước khi anh ấy trở về đơn vị.

Anh kéo ghế sát lại, bảo tôi ngồi cạnh anh, một tay anh cầm cốc café, tay kia anh ôm ngang người tôi, tôi cảm nhận được hơi nóng từ thân thể anh thấm vào người tôi, lòng tôi nhũn ra, nước mắt muốn ứa nhưng không dám vì sợ anh buồn biết tôi đang buồn.

Anh ôm tôi chặt trong vòng tay mạnh mẽ của anh, chặt nhưng trìu mến chứ không như lũ khách tôi thường gặp.

Rồi cũng phải đến giờ xa nhau. Anh cầm tay tôi, quàng cổ tôi đi xuống cầu thang, tôi không để ý đến bao thuốc Capstan anh quên trên bàn. Xuống quán, anh hôn má Vân từ giã, và hôn tôi nồng nàn, môi tôi và anh như bị gắn chặt bởi một thứ keo đặc biệt mà thiên hạ gọi là keo sơn. Vân hỏi anh bao giờ anh ghé ngang, anh chỉ cười, đưa tay lắc lắc như nói không biết được, rồi anh đi. Tôi nhìn theo bóng anh, tim tôi muốn ngất đi vì thương nhớ.

Tôi bỏ Vân một mình vì sớm quá, quán chưa đông, tôi lên phòng, đóng cửa định ngồi khóc cho đã, chợt nhìn thấy trên bàn gói Capstan anh quên, nhưng tôi biết anh xa rồi nên thôi. Tôi mở gói thuốc xem còn thuốc nhiều hay không, chợt tôi khựng lại; trong bao thuốc có một bao giấy gói, tôi mở ra xem: một photo anh ngày còn sinh viên chắc, vì trẻ lắm, một số tiền và một lá thư ngắn có theo một bài thơ.

- Em giữ hộ anh nhé khoản tiền lương tháng này anh vừa lãnh, vì lúc này anh chưa cần đến, và anh tặng em hình chụp ngày anh vừa 17 tuổi như một kỷ niệm. Em giữ số lương anh đến khi nào gặp lại anh em hãy đưa trả anh, còn nếu rủi không gặp nữa, em cứ giữ lấy phòng thân vì không ai biết ngày mai như thế nào với chiến tranh,


2. Gửi Em Chút Quà

(Bài thơ này anh viết trong đêm khi em ngủ ngon giấc bên cạnh, anh ngồi dậy viết vội tặng em.)

mai lên nớ bao giờ gặp lại

ta biết em trong phút si cuồng

thằng lính trận thấy lòng ấm lại

tình của mình dù chỉ một đêm....


mai lên nớ thèm môi nào ngọt

phút hiến dâng như cả đời minh

ta bỗng chốc thành thằng ngu độn

chín bệ vàng hoàng hậu nương nương


mai lên nớ say cùng chiến trận

dòng chữ ghi ân hận chút tình

bao giấy thuốc thơm tình lính trận

gửi cho người tấc dạ trung trinh


mai lên nớ nhớ thân thể nóng

em rướn người vào bóng trăng tan...

Người lính không tên...


oo0oo

Trước khi anh đi, Anh hỏi tôi có tấm hình nào không? Tôi mở tủ, tìm được một tấm hình mặc áo dài trắng có gắn huy hiệu bông mai của trường Gia Long, hình này tôi giữ kỹ vì để nhớ thời gian mình còn là một nữ sinh trong trắng chưa vướng bụi đời. Tôi đưa cho anh, anh bảo như vậy những khi nhớ tôi anh sẽ nhìn cho nhớ mặt tôi vì hình lúc 10 năm về trước và tôi bây giờ không khác nhau bao nhiêu, tôi ngồi thừ trước hình anh... nước mắt chan hoà..

Sáng hôm sau, anh dậy sớm trở về trại vì đã hết phép. Anh hôn tôi nồng nàn, từ giã Vân và tôi. Tôi nhìn theo anh...hình như tôi vừa mất một cái gì thật thương qúi…

     3. Giọt Nước Mắt Biết Đau

Quán Vân và tôi bây giờ khách thật đông, ngoài trại lính bên cạnh, tấp nập khách thương di chuyển hàng ngang thành phố, thêm gia đình vợ con lình cũng lên đây để thăm viếng chồng, anh, em trai cho tiện. Quán bây giờ không còn là ổ gái giang hồ mà là quán café và quán ăn. Vân cũng chán cái nghề mà thiên hạ vẫn gọi là nhơ nhớp và đê tiện. Vân trở về với đời sống bình thường, ngày ngày lo công việc rót rượu và các thức uống, mướn thêm người để tiếp khách, phần tôi vì tôi giỏi về nấu ăn nên Vân để trọng trách này cho tôi đảm đương.

Cuộc đời tôi không ngờ lại có sự thay đổi bất ngờ không tính trước, vì vài tháng sau, tôi đang thái rau cải, bỗng cơn buồn nôn thúc tôi chạy vào nhà sau ói, và tắt kinh: tôi mang thai với người lính không biết tên.

Tôi nửa mừng nửa lo, mừng là tôi sẽ lên chức mẹ, nhận ra tôi đã yêu thương anh ta vô cùng và tôi muốn giữ cái bào thai này như một kỷ niệm đẹp của đời mình, lo là không biết rồi đây cái thai lớn lên, rồi tôi sẽ làm gì và đi đâu, tôi kể cho Vân nghe, tôi muốn bỏ quán đi về quê quán để sinh nở nhưng Vân cản lại, Vân bảo thứ nhất là tôi mang thai, không chồng lại mang tiếng đồ gái chửa hoang, thứ hai tôi lấy gì để sống và nuôi cháu bé.

Vân bảo tôi hãy ở lại với Vân, nó rất tốt với tôi, thương tôi như ruột thịt, ở lại đây, dù sao tôi vẫn sống qua ngày được, tôi mềm lòng, cảm ơn Vân và tiếp tục công việc của mình.

Đêm đêm trước khi ngủ, tôi vẫn lấy hình người lính không biết tên ra nhìn, nhớ anh ấy như nhớ người tình hay người chồng của mình. Nhiều khi tôi nghĩ dại, lỡ anh chết ở chiến trường, chắc tôi khóc đến giọt nước mắt cuối cùng, và vui là biết bây giờ tôi còn thêm một kỷ niệm sống với anh sau mấy đêm thương yêu nhau thật như hai người tình.

Ngày tháng cứ theo nhau trôi qua, cuộc sống tạm ở quán Vân và tôi cũng đắp đổi qua ngày. Bây giờ tôi đã sinh nở xong, cháu bé trai ra đời trong tình thương của tôi và Vân. Tôi đặt tên cho cháu là Việt Nam, gọi Vân là dì Vân giùm cho cháu bé. Mỗi lần tôi ngồi cho con bú, tôi nhớ anh ấy kinh khủng, không biết bây giờ tiểu đoàn của anh đã trôi nổi ở chiến trường nào.

Quán chúng tôi bây giờ rất đông đảo, tấp nập đủ hạng khách, nhất là lính. Nhưng lúc này tôi cảm nhận hình như có gì không yên ổn lắm; trên gương mặt của những đám lính đến uống nước ở quán, lúc này có vẻ lo âu, tôi nghe lóm ở họ những tiếng di chuyển, thuyên chuyển, nào những địa danh như Đồng Xoài, Bình Giả... Pleime.

Tiếng máy bay trực thăng rền trên đầu, ngoài đường cái những xe tăng, xe cứu thương, xe jeep, từng đoàn convoy chở đầy lính không biết đi đâu... và càng ngày càng nghe tiếng súng, tiếng đại bác, tiếng bom gần lại. Tôi đâm lo, tôi nói với Vân, Vân cũng nghĩ như tôi, thấy tương lại bấp bênh quá.

Trong toán lính còn đóng ở đơn vi cạnh quán, có một người mặt mày thật chân hậu, dễ mến, xem ra hình như rất cảm nàng Vân và nàng ta cũng vậy, Vân đối với anh ta rất đặc biệt. Thấy anh mặc áo hoa rừng, trên vai có mang chữ V, tôi hỏi nhỏ một người lính bạn anh, anh ấy trả lời, ah, Hậu nó mang lon trung sĩ mà chữ nghĩa lính gọi là cánh gà đó chị.

Một trưa quán ít khách, tôi ngồi ru cháu bé ngủ ở nhà sau, để cho Vân và Hậu (anh ta tên là Nghĩa Hậu) nguyên buổi trưa. Lúc Hậu trở về đơn vị, Vân gọi tôi tâm tình, Vân thố lộ với tôi là hai anh chị mết nhau lắm, và Hậu bảo Vân, Hậu muốn cùng Vân thành vợ chồng ngày Hậu mãn lính. Vân bằng lòng chờ đợi anh. Vân thú hết với Hậu về đời Vân, nhưng Hậu bảo Hậu không nề hà dĩ vãng của nàng, Hậu bảo Vân và tôi là hai sắc hoa trong thời loạn. Vân rất vui và cảm động tấm lòng độ lượng của Hậu, Vân nói nhưng làm sao anh giới thiệu Vân với gia đình của Hậu ở Đà Lạt lần tới khi anh được nghỉ phép vài ngày, Hậu trả lời không cần phải nói rõ Hậu gặp Vân ở đâu, hơn nữa, anh lớn rồi và anh là lính cuộc đời nay sống mai chết nên anh muốn cho Vân hưởng hạnh phúc cùng anh cho dù vài tháng, vài ngày, vài giây.... Vân hứa sẽ lấy Hậu làm chồng và sau đó sẽ gửi quán lại cho tôi trông nom.


Tuần sau đó, Vân bảo tôi Vân sẽ về thăm người dì ruột ở Quảng Trị và hôm rồi sẽ trở về với tôi trông coi quán và chờ Hậu về. Nhưng Vân sẽ không bao giờ về với mẹ con tôi nữa. Chuyến xe đò trong đó có Vân đã trúng mìn, tất cả xe đều chết hết.

Thế là tôi lại bơ vơ thêm lần nữa, mất người bạn thiết, lạc người lính không biết tên mà tôi đã đem lòng yêu thương, tôi khóc hết nước mắt. Hậu cũng đi rồi, không biết phải ra chiến trường nào! Nhiều lúc nghe tiếng súng và đại bác gầm trong đêm, tôi ước có viên đạn lạc nào đó lấy luôn sự sống của tôi cho rồi, nhưng khi tôi nghe tiếng khóc con thơ bên cạnh, tôi sực tỉnh cơn ác mộng. Tôi đã tự hứa với mình là tôi sẽ nuôi cháu cho thành người vì tôi vẫn có hy vọng có thể ngày nào đó mẹ con tôi sẽ gặp lại người xưa.

Tôi vẫn tiếp tục ngày ngày cho quán, nhưng rồi cũng bối rối quá vì hình như có cái gì đó không ổn. Ngoài đường bây giờ từng đoàn người tay nải, tay bế tay bồng chạy, mà chạy đi đâu, không hỏi ai được, rồi thêm vào đó xe chở lính đầy đường, máy bay trực thăng bay rền trời, tôi cũng đâm hoảng, lúc này không còn thấy lính đến uống nước nữa.

oo0oo

 Cuối tháng Tư 75.

Đang hoang mang chưa biết phải làm gì thì ngay sáng hôm đó, Hậu không biết từ đâu chạy bay vào quán, réo tôi bảo thu xếp vài thứ cần thiết cho cháu bé, bảo hai cô gái giúp quán cũng vậy, tôi đang còn tần ngần không biết đem gì bỏ gì thì Hậu hét to lên bỏ hết, bỏ hết, mau lên, xong Hậu bồng thằng Nam, một tay nắm tay tôi dắt ra cửa, hai cô gái một cô dùng dằng không chịu đi vì em ấy còn mẹ già và em trai nhỏ, bảo chúng tôi cứ đi, để quán lại em lo tiếp.

Hậu bồng Nam ra xe, trao cháu cho người lính ngồi trên xe, đẩy tôi và cô gái tên Uyên lên xe rồi nhảy phóc lên chỗ tay lái, cho xe chạy thẳng. Trên đường bây giờ thiên hạ như tổ ong vỡ, vừa chạy vừa gào vừa khóc, không còn biết chạy hướng nào nữa. Chiếc xe jeep Hậu phải lách tránh vừa người, vừa convoy lính, phải tay lái cừ lắm mới không đụng ai và cán ai, có nhiều người muốn níu xe lại xin cho quá giang, như Hậu không ngừng, thì giờ khẩn cấp quá rồi. Tôi như con ngáo, hỏi Hậu là thế nào, mới hay là miền Nam đã mất vào tay cộng sản, và chúng tôi đang tìm đường thoát.

Tội thằng Nam, chắc nó cũng cảm được gì đó không an, nó ngồi êm rơ trong lòng người lính. Xe chạy như vậy không biết đã bao lâu và hướng nào vì đi từ sáng sớm tinh mơ, giờ đã tối thui. Hậu bảo chúng tôi là sắp đến Vũng Tàu. Tôi và cô gái cũng không dám hỏi thêm.

Sau cùng, tôi nhận ra bãi biển Vũng Tàu với những hàng dừa như ngái ngủ bây giờ bị dựng đầu dậy bởi tiếng khóc, tiếng réo, tiếng cầu cứu loạn xà ngầu của đám người chạy loạn cũng đang tìm cách thoát ra khơi bằng đủ cách. Vì Hậu hình như đã tính toán sẵn trước nên khi vừa đến Bãi Trước, anh hối mọi người theo anh chạy xuống mé biển, ở đấy đã có sẵn một chiếc tàu quân sự nhỏ đang chờ chúng tôi, anh để người lính bạn nhảy lên tàu trước, đưa Nam cho anh ta, xong đến cô gái, đến tôi và Hậu cuối cùng, chiếc tàu nhổ neo chạy vọt ra khơi.

Chiếc tàu chúng tôi chạy ra xa, và tiếng máy hình như vừa ngừng lại, trước mắt là một chiếc tàu lớn của binh chủng Mỹ vì có treo cờ Mỹ. Chiếc tàu dừng hẳn lại, trên tàu Mỹ, có mấy người lính Mỹ thả xuống một cái thang bằng dây. Hậu bảo người lính bạn leo lên, Hậu buộc cháu Nam trên lưng anh ta, xong Hậu đỡ tôi leo lên sau, rồi đến phiên cô gái và Hậu.

Thường ngày, leo thang bằng dây như vậy thật là khó khăn, nhưng hôm nay, sự lo lắng và sợ hãi đã làm cho tôi như mọc cánh, leo thật dễ dàng.


Lên đến tàu rồi, thấy Hậu lăng xăng nói chuyện với mấy người lính Mỹ anh gặp. Trong lúc đó tôi nhìn quanh, chiếc tàu lớn này chở có lẽ đến 5, 6 ngàn người vừa lính Mỹ, vừa quân nhân Việt Nam Cộng Hoà, vừa đám người tị nạn như tôi, vợ con quân nhân...những người đầy may mắn chạy thoát đặc biệt như vầy.


Qua khỏi cơn kinh hoàng, bất chợt tôi vừa nhận ra mình sẽ rời xa mãi Việt Nam thân yêu, tôi quay lại nhìn về phía Vũng Tàu, xa lắm nên tôi không còn thấy và nghe tiếng đám người chạy loạn, chỉ thấy lửa; toàn lửa đỏ cả một góc trời và đám khói đen nghịt bốc cao, Vũng Tàu vừa bị đốt. Tôi thở dài, thế là quê hương thân yêu tôi đã bỏ lại sau lưng mình!

Tôi tìm anh lính để cám ơn anh đã lo cho Nam, tôi tìm Hậu để muốn nói một lời nào đó, và để hỏi Hậu về tin tức mình sẽ đi về đâu... Hậu thấy tôi đến gần, anh nhìn tôi, nở một nụ cười đón tôi nhưng thật buồn, rồi thôi, hai chúng tôi đứng bên nhau không nói thêm gì nữa, tôi thấy mắt Hậu nhìn về phia tôi cũng vừa nhìn lúc nãy, đôi mắt anh chứa một nỗi buồn kín đáo, trầm lặng, tôi biết anh đang nghĩ đến quê hương vừa bỏ mất, đến Vân, tình yêu đầu đời của anh nay chỉ còn là một hoài niệm khó quên, hình ảnh của những mảnh thịt da tan tác đó đây, nhầy nhụa máu cùng đất đỏ cao nguyên của Vân, của những người lính đồng đội của anh đã nằm xuống, của những người dân chết vì một viên đạn, một mảnh bom vô tình rơi trúng trên một quãng đường nào đó của quốc lộ...

4-Giọt Nước Mắt Trở Hồng Long Lanh (Tiếp theo Giọt Nước Mắt Biết Đau)

Trên chiếc Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ chở dân tị nạn chúng tôi bây giờ bớt người, vì đến đảo Subic Bay, có khu trục hạm khác đang đậu chờ để chia bớt số dân di tản chia làm hai ra, dân trên tàu chúng tôi thấy tàu kia tản bớt còn ít người nên ùn ùn xuống bớt tàu nầy qua bên tàu kia. Không biết là chiến hạm này sẽ đi Canada hay Úc thì tôi không rõ lắm.

Thấy bớt được người, Hậu bảo anh bạn lính, Uyên và tôi cứ ở lại đây vì Hậu bảo tàu này chắc sẽ qua thẳng đảo Guam.

Tôi mở ngoặc nói về người Mỹ một chút, những ngày trên tàu, hầu hết lính Mỹ đối với đám dân tị nạn chúng tôi rất tốt, chúng tôi mỗi ngày vẫn nhận được 3 bữa ăn có cơm chỉ khổ là họ không biết biết nấu kiểu Việt Nam, nhiều nước quá nên cơm nhão, nhưng dù sao khi đói ăn gì vẫn thấy ngon, đồ ăn toàn là đồ hộp như thịt hộp...các cháu bé thì được phát thêm sữa bột Mỹ...Tôi cám ơn những người Mỹ đã đón nhận chúng tôi với nỗi thông cảm sâu sắc tình người.

Vì bớt người nên chúng tôi không còn nằm như cá mòi sắp lớp nữa, Hậu tìm được cho bọn con gái chúng tôi một chỗ trên boong, thoải mái. Những người lính Mỹ đem cho chúng tôi mỗi người một tấm nệm bằng cao su,một tấm mền.vừa ấm cũng vừa êm nên cũng đỡ khổ cho tấm lưng gầy, mấy hôm nay bị cong vì nằm hụt chỗ.

Đêm nay, đêm bình yên đầu tiên tôi nhìn thấy trăng, bao ngày lênh đênh trên biển, sự lo âu và đau buồn vì cớ cái chuyện rời bỏ quê hương đang bị dày xéo bởi chế độ khắc nghiệt độc tài sau chiến tranh. Nhớ cái chết thảm thương tội nghiệp của Vân, tôi như người ngồi trên lửa và mắt tôi như mù đi. Đêm nay ngồi ôm cho bé Nam ngủ, tôi ngồi cạnh Hậu, Sang – anh lính chưa quen và Uyên, tôi chợt thấy trên nền trời đêm xanh trong, có mặt trăng và những ngôi sao lấp lánh, chợt tôi nhớ đến 4 câu thơ của người lính không biết tên đọc cho tôi nghe lúc anh nằm cạnh, anh vuốt tóc tôi âu yếm:

Giữa khuya tay gối đợi chờ

em đi vào giấc mơ đời lênh đênh

trăng vào xiêm áo nhẹ tênh

oằn thân ngà ngọc cong vênh cội nguồn...


Mắt tôi chợt ướt, tôi lắc đầu cho quên đi kỷ niệm, vì giờ này đâu còn là lúc để nhớ mà chỉ lo ngay ngáy ngày mai mình và con sẽ ra sao, tương lai sẽ đi về đâu...

Lênh đênh trên biển như vậy, sau 11 ngày, thì chiến hạm đến hải phận của đảo Guam. Trước khi cho chúng tôi sang những chiếc tàu nhỏ của tuần dương hạm để vào đảo, họ phát cho chúng tôi ít quần áo, các người đàn ông mỗi người một chiếc sơ mi chim cò kiểu người Phi Luật Tân.

Bỗng tôi nghe có tiếng thét từ trên boong cao, tôi đưa cháu Nam cho Uyên, đưa mắt tìm Hậu nhưng không thấy, tôi chạy vội leo lên boong, thấy Hậu và một nhóm người đang nhìn xuống biển, tôi vội vàng chạy đến tìm Hậu, đưa mắt hỏi. Chỉ nghe Hậu thở dài và đám người kia phần nhiều là quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, mặt họ thật buồn.

Hậu kể cho tôi nghe câu chuyện từ đâu có tiếng thét nhói tim người nghe lúc nãy: Lúc mọi người được phát cho quần áo, chiếc áo sơ mi chim cò kiểu Phi Luật Tân vẫn mặc. Như mọi người quân nhân khác, Hậu cầm chiếc áo trong tay, tần ngàn không biết nên cởi bộ quân phục đang bận trên người để thay, chợt Hậu thấy đằng xa một anh quân nhân cầm trên tay chiếc áo, vẻ mặt như đang nghĩ ngợi một điều gì quan trọng, có lẽ anh ta đang đối diện với một sự thật tàn nhẫn không thể chối bỏ hay quên được: Đó là danh dự tổ quốc, lý tưởng của người làm trai đã hy sinh cả cuộc đời, tuổi trẻ, gia đình để bảo vệ miền đất tự do của anh đã mất hết. Trong một khắc ngắn, như đã quyết định, anh leo lên bờ boong tàu, lao mình xuống biển mà sóng đã nuốt chửng mất hút thân anh trong biển mênh mông trong lúc Hậu chưa kịp làm một cử chỉ gì để giữ anh lại! Vậy là bao nhiêu chí lớn trong một khắc ngắn đã chìm theo những bọt sóng vô tình... Hậu nắm tay tôi, ngậm ngùi cho hoàn cảnh của những người cầm súng không giữ được quê hương! Hậu nghĩ trong đầu, khi cầm chiếc áo chim cò anh vừa nhận được, anh cảm thấy lòng anh rất thẹn, thẹn vì anh thấy mình thật bất lực, anh là một quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, trong tay anh cầm súng cùng với anh em chiến hữu cố chiến đấu đến phút cuối cùng, vậy mà không làm tròn được sứ mạng của người trai lúc quê hương đang gặp nguy biến, không ngăn chận được kẻ thù, anh cũng đã nghĩ đến chỉ có cái chết mới có thể xin tạ lỗi cùng quê hương, nên anh rất hiểu tâm trạng người quân nhân vừa đã nhảy xuống biển tự vẫn vừa rồi.

Tôi nhìn Hậu, thấy sự xót xa trong mắt Hậu, tôi vội bấu chặt lấy cánh tay Hậu:

- Hậu, Hậu đừng làm vậy, đã không có ích gì mà còn làm cho Vân dưới suối vàng buồn thêm, và còn những người còn sống, đồng bạn Hậu, mẹ con chị còn cần đến Hậu.

Vào đến đảo, chúng tôi cũng được đón tiếp đàng hoàng. Mỗi gia đình được chia cho một căn lều vải. Chúng tôi là những người gần như đầu tiên đến đảo, được đối đãi rất tốt. Mỗi ngày nhận được 3 khẩu phần. Cuộc sống trên đảo cũng tạm qua ngày trong lúc chờ đợi Uỷ Ban Liên Hiệp Quốc quyết định cho tương lai của những người di tản.

Trên đảo có một văn phòng đại diện Liên Hiệp Quốc, họ cần những người biết tiếng Pháp, tiếng Anh để làm thông dịch viên. Hậu và tôi tình nguyện vào làm vì chúng tôi nói thạo 3 thứ tiếng.

Sau đó thấy Hậu độc thân, họ hỏi anh muốn đi đâu và có thân nhân ở đâu, Hậu bảo anh đã liên lạc được với vợ chồng em gái anh ở Mỹ và chịu bảo trợ cho anh, và anh đã được đồng ý cho đi Hoa Kỳ. Sau đó đến tôi, thấy tôi thạo tiếng Anh, và có con nhỏ, họ bảo tôi được quyền ưu tiên chọn xứ, và sau đó do sự bảo trợ của nhà thờ, họ tìm được cho tôi một gia đình hai vợ chồng người Mỹ cao tuổi đang cần một người giúp việc nhà, họ liên lạc với gia đình này và tôi được nhận.

Cuộc đời mẹ con tôi đến một ngã rẽ may mắn, nhiều khi nghĩ lại, tôi cũng tự hỏi có phải tôi đẻ bọc điều không, hay định mệnh do Trời Phật xếp đặt.

Ông bà Mỹ đối với mẹ con tôi như người nhà. Ngoài những giờ làm việc, bà chủ cho tôi theo học lớp tiếng Anh cho người ngoại quốc, vì dù tôi thạo tiếng Anh, nhưng ở Mỹ họ nói mau quá khó nghe vì nuốt chữ. Và vì chợ búa, món ăn tôi chưa thạo việc lắm, chỉ có cái vui là ông bà rất thích đồ ăn Việt nên mê những món tôi nấu.


Ở đây có nhiều hội từ thiện các nhà thờ, thường cho mẹ con tôi quần áo …có mặc rồi nhưng chưa cũ lắm, cháu Nam thì ban ngày được đi mẫu giáo, tóm lại, cuộc đời tôi không đến nỗi nổi trôi lắm nếu hai ông bà Mỹ không mất đi. Từ đó, tôi lại phải lo tìm việc khác để làm nuôi con.

Tôi nhờ nhà thờ tìm cho tôi chỗ làm, và tôi được nhận vào nấu ăn cho một nhà hàng Việt, với sự dành giụm, mấy năm sau tôi mua được một căn nhà nhỏ đủ cho mẹ con tôi ở. Tôi tiếp tục như vậy và nuôi con cho đến lúc nó ra đại học. Bây Giờ Nam đã là một luật sư. Nó tìm được chỗ làm tốt cùng với một luật sư người Mỹ gốc Việt.

Hiên nay tôi đã ngoài lục tuần. Tôi vẫn sống độc thân nuôi con, dù có rất nhiều người thương và xin cưới tôi. Trong tim tôi, bao giờ cũng chỉ có một hình bóng duy nhất của người lính không biết tên mà tôi vẫn xem anh như chồng mình. Tôi cứ cầu nguyện Trời Phật cho tôi gặp lại anh ấy dù chỉ một lần là đủ mãn nguyện rồi. Nam từ nhỏ vẫn hỏi cha nó đâu, tôi giải thích cho con cha nó là một người lính trước đây của binh chủng Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà.

40 Năm Sau…

Buổi tối hôm đó, tôi đi dự đám cưới con của bạn, tôi không thể nào ngờ là mình đã gặp lại người xưa. Anh đưa tôi về nhà, tôi mời anh hôm sau đến chơi và để cho anh biết một chuyện mà anh không bao giờ ngờ đến.

Trong một bữa tiệc cưới con trai bạn, tôi đi dự hôm đó, mặc chiếc áo dài tím như thời còn là học trò nhưng hở cổ, thân người vẫn mỏng mảnh, và nhìn chung sắc diện cũng còn dễ coi, chưa bị thời gian hằn những nếp nhăn mặc dù đời tôi quá ê chề lúc trẻ. Trên cổ trắng ngần của mình, sợi dây chuyền người lính không biết tên đã tặng vẫn nằm yên cùng chỗ khi người ấy đeo vào cho tôi. Tôi đang đứng nói chuyện với mẹ cô dâu, chợt thấy có một người đàn ông tóc hơi hoa râm nhìn tôi chăm chú, tôi cố nghĩ tìm xem có quen không, thì người ấy đã đi về phía tôi, nhìn đăm đăm vào khoảng cổ trần của tôi:

- Xin lỗi bà về tội tôi đường đột sắp hỏi môt câu, nếu có gì thấy thất lễ, mong bà lượng thứ cho.

Chưa kịp trả lời bằng lòng hay không, ông ta tiếp theo:

- Xin lỗi bà, làm sao bà có sợi dây chuyền này?

Bất giác tôi nhìn tay ông ta đang cầm cốc rượu, một chiếc nhẫn bạc quen thuộc trên ngón tay út, cả hai người, ông ta và tôi đánh rơi hai cốc rượu xuống đất cùng một lần theo sau hai tiếng như thoát ra từ ngực mỗi người:

- Anh

- Em...

Anh đưa tôi về nhà, tôi mời anh hôm sau đến chơi và để cho anh biết một chuyện mà anh không bao giờ ngờ đến.

Hôm ấy tôi làm một bữa cơm thật giản dị nhưng để hết thương yêu vào những món mà ngày anh đến quán Vân tôi đã tự tay nấu cho anh và nhân thể tôi gọi Nam đến ăn cơm nhưng chưa cho con biết vì sao, tôi căn dặn con là phải đến. Hôm nay tôi cũng sửa soạn làm đẹp một chút và nhìn gương, tôi rất tự hào mình vẫn còn những nét xưa.

Nghe chuông cửa reo, tôi vội vàng ra mở cửa, thấy anh ôm trên tay một bó hồng đỏ và chào tôi bằng một nụ cười thật tươi, tôi sững hết một phút, ban ngày nhìn rõ, nụ cười đó của anh vẫn dành cho tôi những ngày ngắn ngủi thương yêu nhau ngày xưa. Anh đưa cho tôi bó hồng, anh bảo có 40 đoá hoa, tôi hỏi tại sao lại 40 đoá hoa?

- Vì đã 40 năm anh chưa gặp lại em. Và mỗi một đóa hồng là một năm tròn anh nhớ em đó em.

Nước mắt tôi ứa ra vì cảm động. Tối qua ở tiệc cưới, anh bảo anh vẫn ở một mình đến bây giờ vì cũng thầm mong ngày nào đó gặp lại tôi.

Tôi mời anh vào nhà, mời anh vào salon, mời anh ngồi ở chiếc ghế bành một chỗ bên tay trái tôi, tôi mở chai champagne, rót vào hai cốc, mời anh uống rượu khai vị.

Anh nắm tay bảo tôi ngồi xuống cạnh anh, anh ôm tôi hôn nồng nàn như đêm đầu tiên mới gặp.

Qua hết những phút cảm xúc, tôi đứng dậy, đi lại bàn viết, mở hộc tủ lâu nay tôi vẫn khoá, tôi lấy bao thuốc lá Capstan cũ đưa cho anh, anh ngạc nhiên nhìn tôi, tôi ra dấu cho anh mở đi.

Anh cầm bao thuốc, mở ra, anh như sững lại: trong bao thuốc anh để lại trên bàn khi anh trở về đơn vị còn y nguyên số tiền lương tháng cuối cùng anh để lại cho tôi, tấm ảnh cũ của anh và bài thơ anh viết vội tặng tôi trước khi anh lên đường. Anh lặng người đi mấy phút, xong anh kéo tôi lại, dang tay ôm trọn tôi trong vòng tay anh.

- Sao em lại để dành số tiền này vậy?

- Vì đó thuộc về những kỷ niệm ít oi anh để lại cho em trước khi anh đi.

- Anh bảo em nếu em cần thì tiêu, không thì ngày gặp lại, em trả lại anh cũng được

- ???

- Vì em không phải cần đến số tiền đó nên...

Ngay lúc ấy, cửa nhà mở, cháu Nam bước vào, thấy anh, nó khựng lại một giây, xong bước lại gần, đứng cụp hai chân với nhau và đưa tay phải lên trán chào anh theo kiểu nhà binh. Thấy anh bỡ ngỡ, Nam lên tiếng trước:

- Con chào Ba, rồi đến gần hôn anh trên má.

Anh ngạc nhiên nhìn Nam rồi nhìn tôi, tôi chưa kịp lên tiếng thì Nam đã giành nói:

- Thưa, con biết là Ba, vì khi con vừa bước vào phòng khách, thấy Ba ngồi trên chiếc ghế mà Mẹ con không mời ai ngồi trên ấy, kể cả bạn bè của Mẹ hay ngay cả chú Hậu, vì Mẹ con vẫn nói với con là người đàn ông nào bước vào nhà và được Mẹ con mời ngồi vào chiếc ghế này sẽ là cha của con mà thôi, vì vậy mà con biết là Ba.

Anh nhìn tôi, tôi hiểu ra, tôi nói:

- Mấy tháng sau khi anh đi, em đã có thai, và đây là con trai chúng mình đấy anh, con tên là Nam, Nguyễn Việt Nam, em khai họ mẹ vì không biết anh tên gì và họ gì, anh cười thật tươi:

- Anh là Cường, Nguyễn Việt Cường…  Còn em là Trầm Hương,

Anh trả lời hộ tôi:

- Vì phía trong chiếc nhẫn em tặng anh đêm đó, anh đọc thấy tên em khắc trong nhẫn: Tôn Nữ Trầm Hương, rồi ôm tôi âu yếm...

Hạnh Phúc thật bất ngờ còn đến với những người bạc hạnh như tôi.