caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

vendredi 17 mars 2017

Đọc và nghe đọc truyện ngắn Việt Nam, Nghĩa Địa Của Người Sống, tác giả Di Li.

Kính gửi quý anh chị một câu chuyện ngắn với ý tưởng lạ và đặc biệt là hình ảnh của một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam.
Tác giả có lối viết tả cảnh, tả tình thật chân thật đưa người nghe hay người đọc đến với cái vùng Nghĩa Địa mà không phải của người chết.
Cám ơn tác già và người post bài lên net.
Caroline Thanh Hương

Sáng nay người đàn bà ấy lại đến tìm tôi. Nàng đang phát điên lên vì đứa con trai vừa mới mất. Còn tôi thì phát điên lên vì sự cầu xin của nàng. Mới đầu là yêu cầu, đề nghị và sau là năn nỉ. Giờ thì nàng đang quỳ xuống chân tôi, khuôn mặt bễ bãi mồ hôi và tóc rối. Nàng ngước đôi mắt tuyệt vọng nhìn tôi như một vị Chúa cứu thế, chỉ vì tôi là kẻ có chút quyền hạn ở cái nghĩa địa này. Tôi im lặng nhìn nàng với vẻ tuyệt vọng không kém. Tôi cũng đau lòng vì thằng bé con trai nàng, đứa trẻ 7 tuổi nhỏ thó và nhanh nhẹn như một con chim sẻ.
***
Tôi gặp nó lần đầu tiên hồi mùa thu năm ngoái, khi nó đứng lẫn trong đám trẻ làng sợ sệt và thằng nhóc bé nhất ấy đã lấy can đảm vào phòng tôi xin phép cho chúng  được vào chơi trong nghĩa địa. Tôi nhìn đứa nhỏ có đôi mắt to rất sâu trên khuôn mặt ngăm ngăm đen. Đôi môi nhợt nhạt nhỏ xíu và mái tóc quăn ánh nâu chẳng chút gì của một cậu bé con quê mùa lam lũ. Tôi không từ chối được lời thỉnh cầu từ một đứa trẻ như thế. Có những khuôn mặt luôn thuyết phục người khác ngay từ cái nhìn đầu tiên, cho dù đó chỉ là một đứa trẻ, nó là sự pha trộn giữa vẻ tội nghiệp và kiêu hãnh, giữa đáng thương và cao quý, giữa thông minh và khờ khạo. Lũ trẻ đến từ ngôi làng xứ đạo dưới chân núi và chúng đã leo bộ gần hai cây số để lên đến đây. Chúng gọi đây là công viên, và chúng tôi cũng gọi như thế, để tránh cái từ u ám gợi lên nỗi chết chóc. Đây là nghĩa địa dành cho những người giàu có và nổi tiếng, những người có khả năng chi trả cho những mảnh đất vĩnh cửu với thảm cỏ xanh mượt, hàng rào hoa giấy, ghế xích đu, bàn uống nước bằng đá giả gỗ sồi và tất nhiên, cả một phiến đá đen đắt tiền ghi danh chủ nhân của ngôi mộ sang trọng.
Trước đây, nghĩa địa này chỉ là những quả núi hoang vu chơ vơ giữa lưng chừng trời, cách trung tâm thành phố một giờ ô tô. Thế rồi ngài chủ tịch tập đoàn An Lạc đã cho phạt bằng ba chỏm núi và làm một con đường tuyệt đẹp dẫn lên đỉnh. Giờ hai bên đường đã rực rỡ những rặng trúc đào. Trên ấy có cả hồ nước, đài phun, liễu rủ, đền đài, phù điêu và những bức tượng tinh xảo của các vị thần. Đây đích thị là một công viên, một thành phố của những người chết. Ngài chủ tịch đặt tên ba ngọn núi là Phong Lan, Địa Lan và Mộc Lan, lại phân khu riêng dành cho các nghệ sĩ, chính khách trên đỉnh Mộc Lan với những mộ phần rộng vài trăm mét. Ngài cho xây vài ngôi mộ mẫu và phóng ảnh lên màn hình rộng trong ngày hội nghị khách hàng.
– Đây sẽ là tương lai của chúng ta và sự tiện nghi bậc nhất mà chúng tôi sẽ dành cho quý vị trong suốt quá trình quý vị sở hữu một mảnh đất ở đây. – Ngài tuyên bố như thế.
Không ai nghi ngờ gì điều đó. Chỉ nội những lối đi rải sỏi kia thôi và con đường lát gạch phẳng lì như một sân gôn đã đủ khiến các khách hàng hồ hởi rút tài khoản. Xưa nay người cõi sống vinh quanh là thế trên bục diễn thuyết, trên sân khấu lớn, trên du thuyền, trên phi cơ riêng, khi về cõi vĩnh hằng thảy đều nằm lại trên cánh đồng âm u cỏ dại hay lùm lùm những mộ phần xếp hàng thẳng lối trong nghĩa trang chật hẹp của thành phố. Khi ấy nông dân cũng như tỷ phú, thằng tử tù hay ông giáo sư, người đàn bà gánh nước thuê hay một nữ hoàng sắc đẹp cũng lại bằng vai phải lứa như nhau, cùng nằm xếp hộp trên những vùng đất quê mùa, hoang dã. Nhìn đã thấy không muốn chết. Ngài chủ tịch chỉ rõ ra điều ấy. Còn bây giờ, sản phẩm của Tập đoàn An Lạc khiến người ta thở phào xua đi một nỗi ám ảnh. Đây rõ ràng là ý tưởng sáng tạo bậc nhất của một thế giới văn minh.
– Không một kẻ nào ngoài đẳng cấp được bước chân vào nơi này. – Ngài chủ tịch có đôi môi mỏng dính vung tay trong phòng họp của khách sạn năm sao.
Màn hình chuyển sang toàn cảnh thiết kế của công viên. Một vài người tham dự hội nghị khẽ thở dài khi kề sau đó là phần công bố bảng giá cho từng khu đất. “Đắt quá, đất nghĩa địa mà đắt chi ngang nhà ở”. Những tiếng xì xào nổi lên. Ngài chủ tịch nhận ra ngay điều ấy, hoặc giả ngài đã biết điều ấy từ trước khi quyết định phạt bay ba chỏm núi sừng sững từ thuở hồng hoang. Đôi môi mỏng dính hơi mỉm cười.
– Nhưng chính giá tiền của các lô đất sẽ bảo vệ được công viên của chúng ta. – Ngài bảo thế.
Đúng thế, đúng thế. Không một kẻ nào ngoài đẳng cấp được chết ở nơi này. Nếu tập đoàn An Lạc hạ giá thành xuống chỉ bằng một phần mười như thế, công viên sẽ trở thành cái chợ. Nó sẽ lại giống như nghĩa địa làng mà thôi. Nhất trí, nhất trí.
– Đây sẽ được coi là Beverly Hill của thế giới bất tử. – Ngài chủ tịch kết luận trước khi kết thúc hội nghị và trên màn hình hiện ra bông mộc lan trắng muốt là logo của tập đoàn.
Khách hàng hể hả ra về. Chỉ trong vòng vài tháng sau đó, những lô đất trên đỉnh Mộc Lan đã được bán hết veo. Chủ nhân của chúng phần nhiều còn rất trẻ, hoặc chí ít cũng đang khỏe mạnh, nhưng họ sớm lo cho hậu sự. Giờ đất còn đương giá thế, chỉ sau chục năm nữa sẽ tăng vọt lên gấp mười, hai mươi lần. Có những người mua liền lúc vài lô, đợi chừng năm sau bán sang tên thế nào cũng có lãi. Ở thành phố sở hữu những tấc đất đắt nhất thế giới này, đất mộ cũng có giá. Nhiều chủ đất bỏ thêm tiền làm sẵn hàng rào sắt đen tinh xảo, ươm cỏ, trồng hoa để tăng thêm giá trị của tài sản. Tôi chịu trách nhiệm làm công việc này. Tôi tốt nghiệp ngành kiến trúc, mãi chưa có việc làm, nhà lại cách nghĩa địa có hai chục cây số, được ngài chủ tịch chấp nhận vào đây thực chẳng còn gì bằng. Công việc của tôi đơn giản. Các khách hàng chỉ việc chọn mẫu thiết kế trong cataloge in sẵn và tôi chịu trách nhiệm thi công cho họ. Ngài chủ tịch rất nghiêm khắc về vấn đề mỹ thuật nên khách hàng không thể tự ý xây dựng theo ý thích.
– Nghĩa địa mà không có quy hoạch rồi cũng sẽ lô nhô phi thẩm mỹ. – Ngài bảo thế. – Anh mặc quần áo cũng còn phải “tông xẹc tông” đúng không nào.
Chỉ trong vòng vài năm xây dựng, ba quả núi đã tấp nập người vào ra. Họ để xe hơi ngoài bãi đậu và tham quan khu đất bằng những chiếc xe điện. Lũ trẻ làng mặc nhiên coi nghĩa địa là một công viên thực sự. Trong vòng bán kính 30 cây số, chúng chưa thấy có nơi nào đẹp đẽ và sinh động đến thế này ngoại trừ khu sân gôn xế bên kia chân núi. Nhưng mà sân gôn chúng không được phép vào, hơn nữa sân gôn chỉ là những thảm cỏ bằng phẳng nhàm chán và tẻ nhạt. Lên đến đây, chúng được ngồi xích đu, được thả lá khô làm thuyền trên hồ sen liễu rủ và nhất là ngắm những tia nước tỏa ra như một kỳ quan từ chiếc đài phun.
– Cháu tên là gì thế nhóc? – Trong lúc tự lái xe điện một vòng trên đỉnh Mộc Lan, tôi gặp thằng bé đang đu đưa trên chiếc xích đu trong lúc lũ bạn đuổi nhau vòng vòng quanh một tấm bia đá.
– Sẻ Con ạ.
Tôi bật cười. Thằng nhóc cũng cười, phô hàm răng trắng bóc trên khuôn mặt ngăm đen. Nó mặc quần soọc kaki lịch sự và và bận cả áo sơ mi nữa, mặc dù áo sơ mi của nó bây giờ lấm đầy đất.
– Tên thật cơ?
– Nguyễn Nam Kỳ Đông ạ.
– Tên kêu thế. Chắc bố cháu là Nguyễn Nam Kỳ?
– Không, đấy là họ mẹ. Mẹ cháu là Nguyễn Nam Mai Anh. Cháu chỉ có mẹ thôi ạ.
Tôi hơi chững lại, định hỏi tiếp theo phản xạ nhưng kịp dừng lại.
– Này mấy đứa kia! – Tôi quát những đứa lớn hơn đã vượt rào sang lô đất trống bên cạnh. – Có biết đấy là đất mộ của ai không hử?
– Ai ạ? – Chúng nhao nhao như ong vỡ tổ.
– Đấy là của ca sĩ Hạ Vy.
– Ôi nhưng cô ấy đã chết đâu. Hôm qua chúng cháu còn xem cô Hạ Vy hát trên vô tuyến mà. – Lũ trẻ tỏ ra kinh ngạc.
– Thế đấy! – Tôi nhún vai vẻ khó giải thích. – Nhưng mà rồi sau này cô ấy sẽ về đây, sau khi chết. Đất này đã có chủ rồi, được trồng hoa tử tế rồi, cấm chúng bay không được giẫm lên cỏ.
Bọn trẻ thoạt đầu có vẻ bị ấn tượng bởi cái tên của chủ nhân lô đất, nhưng sau chúng càng thích thú tợn vì đang được đứng trên chính mảnh đất mà sau này sẽ là nấm mồ dành cho ca sỹ nổi tiếng xinh đẹp Hạ Vy. Xua thế nào chúng cũng không ra. Tôi nhìn thảm cỏ bị dày xéo mà hối hận về ân huệ đã tặng cho chúng. Cuối cùng tôi mới nghĩ ra một cách.
– Mấy đứa có muốn được đi xe điện không?
Rõ ràng lời đề nghị hấp dẫn của tôi làm chúng cuồng lên. Chúng quên luôn cái thảm cỏ đã được bao rào của ca sỹ Hạ Vy và chen chúc ngồi lên xe điện. Tôi đưa lũ quỷ con rời ngay khỏi đỉnh Mộc Lan. Xe bon bon chạy qua những rào bao của họa sỹ X, đạo diễn Y và cả lô đất rộng 500 mét nằm ngay trung tâm đỉnh Mộc Lan của đại tỷ phú Z. Lô này đã được cấy cỏ và trồng thêm một cây bằng lăng ở góc, chính giữa lối đi lát sỏi còn có cả một bức tượng thần Vệ Nữ bằng thạch cao trắng muốt. Tôi rút kinh nghiệm không dám hé răng về danh tính của các chủ đất nữa, chỉ sợ nhỡ đâu các vị khách không mời lại hứng chí nhảy tót ra khỏi xe điện mà nhảy múa trên ngôi mộ tương lai của những người nổi tiếng. Lũ trẻ bắt đầu ầm ĩ trên xe. Lần đầu tiên chúng được đi xe điện, có lẽ thế. Tôi mỉm cười trong bụng, lái chiếc xe đi tuốt ra tận cổng vào và ra hiệu cho bọn trẻ còn đang ngơ ngác ra khỏi xe.
– Hết giờ chơi rồi. Giờ mấy nhóc xuống núi đi nhé. – Tôi chỉ vầng mặt trời đã bắt đầu vàng sậm phía sau dãy núi.
Chúng nghệt mặt như vừa bị một nhà ảo thuật bí mật lấy hết mọi thứ trong túi quần và tần ngần nhìn lên đỉnh Mộc Lan. Giờ leo lại lên ấy thì xa quá.
– Thôi về đi Sẻ Con. – Tôi xoa đầu thằng nhóc. – Về không mẹ cậu đét đít bây giờ.
– Mẹ chưa bao giờ đánh Sẻ Con cả. – Thằng bé ngước nhìn tôi, cố trì níu bằng một lý lẽ trẻ con.
– Ừ, được rồi, được rồi. Nhưng hết giờ rồi. Công viên sẽ đóng cửa.
Ý kiến này khiến lũ trẻ bị khuất phục hoàn toàn. Chúng đành lủi thủi xuống núi. Những thân hình nhỏ thó nghiêng về phía sau trên triền dốc, còn những chiếc bóng dài đổ chéo xuống chiều tà.
Tôi nhấc máy gọi xuống phòng bảo vệ dưới chân núi.
– Bận sau các anh không được cho trẻ con vào công viên.
– Vâng, chúng tôi hiểu rồi. – Người bảo vệ lắng nghe lời khiển trách rồi chào tôi và cúp máy.
***
Người đàn bà bậm môi lại. Trên má nàng chỉ lóng lánh mồ hôi mà không có nước mắt. Đôi mắt nàng khô khốc, duy có quầng thâm nơi hố mắt đã trũng sâu như một vũng đầm lầy cạn nước. Đầu tiên nàng bảo nàng sẽ bán nhà để mua cho thằng bé một miếng đất nhỏ trên đỉnh Mộc Lan. Tôi không muốn nói cái điều làm nàng đau lòng rằng ngôi nhà có sân vườn rộng 200 thước vuông của nàng cũng không làm sao đủ để đổi lấy một mẩu 10 thước con trên đỉnh Mộc Lan, nơi đắt gấp đôi Phong Lan và Địa Lan. Hơn nữa… nơi đó chỉ dành cho… Tôi đành bảo đất trên ấy đã được bán hết, rồi quay mặt ra phía cửa sổ để tránh ánh mắt của nàng. Đỉnh Mộc Lan mờ ảo sau đài phun nước, thấp thoáng những chiếc xe điện tấp nập người vào ra tham quan đất. Cuối cùng người đàn bà ấy quỳ sụp xuống và năn nỉ tôi có cách nào thuyết phục những người chủ đất nhượng lại cho nàng một miếng con, vì dù sao họ cũng còn đang sống và…
– Tôi rất tiếc. – Tôi ngắt lời nàng một cách khổ sở. – Nhưng không còn cách nào giúp chị được. Tôi cũng vô cùng yêu mến Sẻ Con…
Người đàn bà trở nên run lẩy bẩy khi nghe tôi nhắc đến Sẻ Con, sau cùng nàng đứng dậy bước ra khỏi phòng trong khi cố giữ dáng đi cho được thẳng.
***
Thằng bé lại xuất hiện trên đỉnh Mộc Lan vào một buổi chiều mùa thu vàng rượi. Tôi đi xe điện vòng quanh ba đỉnh núi để kiểm tra mọi sự như thường khi và giật mình khi thấy một bóng đen nhỏ thó đang đung đưa trên chiếc xích đu. Nó cứ ngồi yên như thế, lúc lắc hệt một quả bóng nam châm và khi chợt nhận ra chiếc xe điện của tôi, thằng bé cũng giật mình sợ hãi.
– Sẻ Con, – Tôi kinh ngạc nhìn thằng bé. – Sao cháu lại lên được đây?
– Cháu… – Thằng bé lúng túng. – Cháu chui vào thùng xe tải ạ.
Nó tụt vội khỏi xích đu với vẻ mặt của một kẻ đột nhập trái phép. Nó sợ bị tôi tống cổ ra khỏi công viên.
– Cháu có muốn đi xe điện không?
– Có ạ. – Thằng bé hớn hở chạy về phía chiếc xe điện rồi đột ngột dừng lại. Nó ngơ ngác ngước nhìn tôi. Chắc nó chợt nhớ ra lần trước tất cả lũ trẻ làng đã bị xe điện lừa đưa tuốt ra cổng.
– Yên trí, chú đưa cháu sang bên kia chơi rồi lại quay về đây. – Tôi trèo lên ghế lái và ra hiệu cho Sẻ Con ngồi sang bên cạnh.
Không cưỡng lại được cám dỗ này. Thằng bé tót lên ngồi cạnh tôi. Gió thu thổi ùa từ bên kia hẻm núi, tốc tác mái tóc nâu dợn sóng và phảng phất mùi mồ hôi trẻ con qua khứu giác tôi dễ chịu. Vị khách không mời bắt đầu ê a hát bài tự sáng tác, nội dung phần lớn lặp đi lặp lại mỗi một câu “Ta có chiếc xích đu” và kết bài bằng “Ta được đi chơi xe điện. Chiếc xe điện màu trắng này, đẹp quá đi thôi”. Tôi bật cười. Thằng bé chắc đã chờ đến lúc những chiếc xe tải chở nguyên vật liệu dừng ở barrier dưới chân núi để kiểm tra giấy tờ. Nó lén trèo lên thùng xe và ngồi yên lặng ở đấy như một chú chim sẻ đậu trên dây phơi. Rồi khi xe leo lên tận đỉnh núi, gã lái xe hộ pháp nào có biết đâu một ông nhóc đã rón rén chui xuống từ lúc nào. Thằng bé láu lỉnh này đã qua mặt hết hai hàng rào bảo vệ và cả những người quản lý trong công viên. Nhìn gần, Sẻ Con còn gầy hơn hình dung của tôi về lần trước. Xương ức nó dô lên khỏi áo sơ mi và nước da thì xanh xao một cách ái ngại.
– Cháu có đói không? – Tôi buột miệng.
– Không ạ. – Sẻ Con nhìn tôi ngạc nhiên. – Trưa nay cháu đã ăn cơm rồi, bây giờ bụng vẫn còn căng tròn như lốp xe.
Thằng bé lộn áo lên khoe và tôi kiểm tra thử cái “lốp xe”. Nó không đến mức căng tròn nhưng cũng chưa đến mức lép kẹp. Có lẽ thằng bé không đói thực. Tôi cho xe lao xuống con dốc cắt ngang đỉnh Mộc Lan và Phong Lan. Sẻ Con lại phấn khởi ca bài “Ta có chiếc xích đu” nhưng lần này là “Chiếc xe điện màu trắng này, chạy bon bon quá đi thôi”. Nhưng cậu bé có vẻ không mấy ấn tượng với đỉnh núi bên này, nơi chỉ có những bãi đất trống bằng phẳng chưa được trang trí. Tuy nhiên những miếng đất vuông vắn hầu hết cũng đã có chủ nên tôi đã cho xây hết các dãy tường bao bằng đá chỉ cao hơn mắt cá chân. Nhìn từ xa, đỉnh Phong Lan như những thửa ruộng chưa đến mùa gieo hạt, hoang vu và lạnh lẽo. Tôi cho xe đi một vòng khắp công viên rồi giữ đúng lời hứa, đưa Sẻ Con quay trở lại chỗ cũ khi mặt trời đã bắt đầu nhạt nắng và gió núi vừa hun hút thổi. Vừa lúc ấy thì nhìn thấy cái bóng bất động của một người phụ nữ chắn ngang đường xe điện. Nàng đứng ngược hướng mặt trời nên tôi chỉ có thể trông được thân hình gầy guộc với mái tóc búi cao mà không rõ mặt. Thằng bé nhào ra khỏi xe rồi chạy như bay về phía người ấy. Nó rối rít.
– Mẹ lại đây để Sẻ Con giới thiệu mẹ với ông chủ công viên.
Tôi ngượng chín người, vội nói át đi.
– Sẻ Con đã trèo vào thùng xe tải để lên đây.
– Tôi xin lỗi. – Người phụ nữ bước lại gần chiếc xe điện và tôi có thể nhìn rõ khuôn mặt của nàng. Người mẹ trẻ này chỉ quãng độ ba mươi, hoặc có lẽ trẻ hơn những gì tôi đoán. – Tôi đi làm cả ngày nên không theo sát được cháu. Nhất định lần sau tôi sẽ không để cháu lên đây làm phiền mọi người nữa.
– À không… Ý tôi không phải thế. – Tôi vội vã đính chính. – Bận sau chị cứ để cháu lên đây chơi, có trẻ con chạy nhảy xung quanh thì cũng vui mà.
Tôi dặn Sẻ Con rằng cứ chiều thứ sáu tôi thường đảo qua nhà, sáng thứ bảy mới quay lại nên cậu bé có thể đứng đợi tôi ở dưới chân núi, tôi sẽ chở Sẻ Con lên đây và sau đó sẽ đưa nó về nhà bất cứ khi nào nó muốn.
Từ bữa đó, Sẻ Con trở thành khách của tôi, chỉ vào những ngày nghỉ cuối tuần khi mà thằng bé không phải đến trường. Buổi sáng, tôi chở nó đi vòng quanh bằng xe điện rồi sau đó chúng tôi chơi game trong phòng làm việc. Sẻ Con lần đầu tiên được tiếp xúc với máy vi tính và nó không thể kìm nén nỗi háo hức trước một thế giới kỳ lạ. Tôi vào trang Google Maps, cho nó xem cách chụp ảnh từ vệ tinh để có thể nhìn thấy chính nơi mình đang đứng từ trên đỉnh Mộc Lan. Những lúc ấy, Sẻ Con không tươi cười hớn hở như khi ngồi xe điện. Đôi mắt nó mở to kinh ngạc trước một thế giới rộng lớn đang cần được khám phá. Tôi đưa nó chu du đến tận dãy núi đá đỏ Grand Canyon ở nước Mỹ, tham quan thác nước Niagara khổng lồ ở biên giới Canada, đến những đền đài Hy Lạp, La Mã cổ kính, rồi bay sang cả rừng Amazon. Tôi chỉnh ống kính của Google Maps trên những cảnh quan kỳ vĩ rồi thu hẹp dần tiêu cự khiến bức hình tự động dãn nở như người đang nhảy dù. Mắt Sẻ Con, miệng Sẻ Con tròn vo.
– Chú đã đến đấy chưa? – Sẻ Con dán mắt vào dãy núi đá Grand Canyon.
– Chưa, nhưng chú sẽ đi. Sau này, khi đã tiết kiệm được nhiều tiền.
Sẻ Con không bình luận gì thêm. Có lẽ nó đang suy nghĩ rất lung về những chân trời kỳ ảo. Nó thích trang Google Maps hơn hết thảy những trò chơi điện tử trên màn hình. Sẻ Con mới một lần duy nhất được đến Bờ Hồ. Hà Nội giờ mở rộng, kéo đến tận chân núi mẹ con nhà Sẻ. Chỉ đạp xe thêm một chặng nữa quá sân gôn là nó đã được về Thủ đô, nơi những vách núi vẫn trải dài ảm đạm bên những cánh đồng bao la ngun ngút gió. Thủ đô này không giống như Thủ đô mà nó đã nhìn thấy, những con phố đông đúc nhà cao tầng và các trung tâm thương mại khổng lồ với cầu thang máy chạy lên xuống như đèn cù. Sẻ Con hỏi tôi làm thế nào để có thể đi vòng quanh thế giới, có phải cần thật nhiều tiền không. Tôi bảo có những người không cần thật nhiều tiền vẫn được cơ hội chu du khắp thiên hạ, như chú phi công chẳng hạn.
– Lớn lên cháu sẽ làm phi công. – Sẻ Con đã quyết định như thế và trong giây lát nó có vẻ suy nghĩ nhiều hơn về nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn.
Những lần đầu, nàng hớt hải xuất hiện trước cửa phòng tôi vào đúng giờ ăn và ngượng nghịu đưa ra một chiếc cặp lồng là bữa trưa của Sẻ Con. Tôi nhăn mặt nói rằng nàng không phải làm thế, chẳng lẽ tôi lại không thể lo nổi cho thằng bé một bữa ăn trưa hay sao. Tôi bảo bận sau nàng cứ yên tâm làm việc mà không phải lên đây nữa. Người mẹ trẻ chỉ lặng lẽ ngước nhìn tôi bằng đôi mắt hàm ơn. Công việc của nàng là phục vụ ở sân gôn dưới chân núi. Ngày cuối tuần càng đông khách. Nhiều bận đi qua đường cái, tôi thấy nàng đang đu người trên phần hậu của chiếc xe gôn. Nàng đi theo các ông khách chơi gôn, lau gậy, nhặt bóng, xách đồ cho họ và tay cầm sẵn chai nước trong khi họ chuẩn bị vụt bóng. Nghề nghiệp yêu cầu nàng phải im lặng như một nấm mồ trong giờ làm việc, khi chỉ một cái hắt hơi hay xịt mũi đã có thể làm khách mất tập trung. Tôi đoán vì thế nên nàng đâm ra ít nói, hay vốn dĩ người đàn bà ấy đã lặng lẽ thế sau hàng loạt cớ sự không suôn sẻ của cuộc đời mình. Tôi không nói với nàng rằng tôi cũng cần Sẻ Con, có thằng bé bên cạnh, tôi cảm thấy cái không gian bao la mà u uất này bớt đi phần cô quạnh. Tôi cũng không nói rằng chính thằng bé và ước mơ con trẻ của nó đã nhắc nhở tôi về những hoài bão đã ngủ quên ở nghĩa địa này. Dần dà, Sẻ Con ở lại chỗ tôi cả đêm thứ bảy. Tôi kèm nó học bài, cho nó ăn tối và dỗ nó ngủ. Trời đã vào đông, gió mùa thông thốc vần vũ trên đỉnh Mộc Lan và khi đêm đến, Sẻ Con chui thân hình nhỏ thó vào lòng tôi trong chăn ấm ngủ ngon lành cho đến sáng. Để rồi hết ngày hôm ấy, nó lại ngóng chờ cho đến tuần sau, khi chiếc xe gắn máy của tôi nổ tành tạch qua đường cái, nó sẽ phóc thân hình nhỏ thó lên yên sau và phấn khởi hát bài “Ta có chiếc xích đu”.
Mùa đông giá lạnh, tôi không cho Sẻ Con trèo lên đỉnh Mộc Lan hay mon men ra đài phun nước nữa. Nó cũng vui lòng ở lại trong phòng và chu du khắp thế giới bằng chiếc máy tính nối mạng. Tuy nhiên có một buổi chiều, tôi trở về phòng và không nhìn thấy Sẻ Con bên bàn vi tính. Tôi vội lái xe điện lên đỉnh Mộc Lan và tìm thấy thằng bé đang nằm im bất động trên chiếc xích đu, thân mình nóng hầm hập. Tôi bế nó về phòng rồi gọi điện cho nàng. Lúc tỉnh lại, thằng bé có vẻ hối lỗi về sự không nghe lời của mình, nó cười ngượng nghịu giải thích “Cháu chỉ muốn cho xích đu bay nhanh như máy bay”. Sau buổi chiều tập làm phi công ấy, trái với sự chủ quan của tôi, thằng bé phải nhập viện. Và trái với những gì tôi hình dung về sức sống mãnh liệt và hồn nhiên của những đứa trẻ, bệnh viện đưa ra một kết luận rất đỗi kinh hoàng. Những cơn sốt kéo dài của Sẻ Con không phải do lỗi của tôi sơ ý để cho nó nhiễm lạnh.
– Bây giờ y học tiên tiến đã cấy ghép được tế bào gốc. – Nàng mở to mắt nhìn tôi, giọng nói thấp thoáng niềm hy vọng. – Ở nhiều nước, trẻ em mắc bệnh bạch cầu cấp có thể được chữa khỏi đến tám mươi phần trăm.
Sẻ Con giờ còn nhỏ xíu hơn nữa trên chiếc giường bệnh nhân bằng sắt, chen giữa vô số những đứa trẻ và ông bố bà mẹ tuyệt vọng khác. Khắp người nó thâm tím và chằng chịt những ống nối. Tôi ôm thân hình nhẹ bỗng vào lòng, cố gắng không để nó nhìn thấy khuôn mặt của tôi.
– Thế là Sẻ Con lại được đi chơi Hà Nội. – Giọng thằng bé nhẹ như gió, mặc dù nó đã cố gắng nói to một cách đáng phấn khởi. – Mẹ đã hứa rằng nếu tuần này Sẻ Con khỏe lại sẽ đưa Sẻ Con đi chơi công viên nước. Ở đấy có đài phun to hơn cả trong công viên của chú.
Tôi là kẻ rất kém cỏi trong việc kiểm soát cảm xúc. Lần này cũng vậy. Sẻ Con nhăn mặt.
– Đàn ông sao lại khóc? Sẻ Con có khóc bao giờ đâu. – Rồi nó an ủi. – Để Sẻ Con hát cho chú nghe nhé… Là lá la, ta có chiếc xích đu… Chiếc xe điện màu trắng này, chạy bon bon quá đi thôi.
***
– Sẻ Con muốn ở lại trên đỉnh Mộc Lan. Nó bảo ở đấy có xích đu. Nó bảo ở đấy nó mới được nhìn thấy anh. Hàng ngày anh vẫn đi xe điện qua. – Nàng òa khóc, và đó cũng là lần duy nhất tôi nhìn thấy nàng khóc. – Nó bảo mẹ không được khóc, là mẹ ai lại khóc nhè, Sẻ Con còn chẳng khóc nữa là…
***
Tôi thu vén món tiết kiệm đã dành dụm cho những chuyến viễn du dài ngày và đặt làm một chiếc xích đu có dây leo giống hệt món đồ chơi ưa thích của Sẻ Con. Tôi cũng đóng một bộ bàn nước bằng đá giả gỗ sồi, chỉ có điều tôi sơn phết nó thêm màu sặc sỡ và đặt tất cả trên thảm cỏ xanh mượt ở khu vườn sau nhà nàng. Tôi quây hàng rào sắt đen sang trọng phủ hoa ti gôn, trồng thêm cây bằng lăng ở góc vườn rồi khi tất cả đã xong xuôi, tôi thử ngồi lại trên chiếc xích đu. Tôi đung đưa nó và im lặng nhìn phiến đá đen có hình thập giá nhỏ xíu ở giữa vườn. Tôi chỉ làm cho Sẻ Con được có thế, chỉ được có thế. Tôi nhớ đến giấc mơ du ngoạn của Sẻ Con và cả của tôi nữa, đã hầu bị vùi chết trên cái nghĩa địa lộng gió lưng chừng trời này.
Ít lâu sau đó, tôi cũng bị sa thải khỏi Công viên An Lạc. Chuyện là do một gã đồng nghiệp mới vào đã hai lần nghe thấy tôi tư vấn cho khách hàng rằng nếu các ngài chưa cần lắm một ngôi mộ thì hãy để dành đất cho những người khác đang cần nó hơn, nếu không, công viên này sẽ biến thành một nghĩa địa dành cho những người sống. Hắn ton hót lại với ngài chủ tịch tập đoàn An Lạc và kết quả là tôi phải đi tìm một công việc khác.

Vĩ thanh

Hai năm sau, tôi hay tin giá đất trên đỉnh Mộc Lan đã sụt giảm thảm hại do cơn khủng hoảng tài chính thế giới kéo theo sự bất ổn của thị trường chứng khoán và bất động sản. Mộc Lan vắng heo hút những chiếc xe điện vào ra. Tôi gọi điện cho nàng, bảo rằng giờ đã có thể mang Sẻ Con lên trên ấy. Nhưng giọng nàng đều đều như gió mùa vẫn hàng ngày đi qua hẻm núi, nỗi đau đớn dường đã dém chặt vào những nếp nhăn quá sớm trên khuôn mặt nàng, có lẽ thế. Nàng nói điều đó không còn cần thiết nữa, đêm hôm qua nàng vừa mơ thấy Sẻ Con. Nó bảo nó thích ngồi trên chiếc xích đu do tôi làm riêng cho nó. Đang vào đầu hạ, cây bằng lăng sắp trổ hoa rồi, bóng mát rồi sẽ che kín cả khu vườn. Nàng bảo nó hỏi thăm tôi đã đến được hẻm núi Grand Canyon chưa. Tôi nghe điện thoại ù đi, lẫn lộn tiếng gió bàn bạt trên đỉnh Mộc Lan và cả giọng hát trẻ con hớn hở “Ta có chiếc xích đu…”.
Tác giả: Di Li – Người thực hiện: NS. Vân Anh

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire