caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 12 mars 2017

Sử Việt Nam có Trương Vĩnh Ký là danh nhân, bài sưu tầm số 4.

tt

Kính mời quý anh chị tham khảo tài liệu số 4 nói về ông Trương Vĩnh Ký.
Chân thành cám ơn tác giả bài biên khảo.
Caroline Thanh Hương

Thực hư "huyền thoại" biết 26 ngoại ngữ của Trương Vĩnh Ký?*

25 Tháng Sáu 2015 2:19 CH
NGUYÊN VŨ (Texas - Hoa Kỳ)

 photo petrusKy.jpg




photo truongvinhky02-1024x872.jpg


Không ai có thể phủ nhận được một điều là Petrus Key (Trương Vĩnh Ký thuộc hạng thông ngôn tài giỏi của người Pháp trong giai đoạn xâm phạm Đại Nam. Mặc dù không có dịp làm giàu, nhưng Petrus Key trở thành một biểu tượng của giới tân học bản xứ, và thuộc hạng quan to, chức lớn.
Vì thành đạt này, những người ngưỡng mộ Petrus Key đã “vẽ chân cho rắn” đến nhiều khi phi-nhân-hóa ông. Người đọc sách sử không thể không tự hỏi thực chăng chú bé 11 tuổi Trương Vĩnh Ký nói thông thạo “5 thứ tiếng” và sau này thông thạo tới “26 thứ tiếng”? Thực chăng ông Petrus Key xứng danh là một nhà ngôn ngữ học (linguist, linguiste), hay chỉ là một thông ngôn (interpreter hay translator) xuất sắc? (Cũng nên thêm rằng tiếng “linguiste” vào thời gian này không có nghĩa là nhà ngôn ngữ học mà chỉ dùng theo nghĩa hạn hẹp là một người biết tiếng “Ô Lan” tức Âu châu. Trong số những “linguiste” mà thiếu tá White sử dụng năm 1819 có Pasquale (một người Tagal lập nghiệp ở Sài Gòn, nói tiếng Bồ Đào Nha, có vợ Việt, thuộc giới làm áp phe với các tàu buôn ngoại quốc), linh mục Antonio gốc Ý, Mariano, linh mục Joseph, Vincente.
Khái niệm về sự thông thạo một ngoại ngữ
Theo Nguyễn Văn Trung, hồ sơ cá nhân Petrus Key tại soái phủ Sài Gòn ghi vào giữa thập niên 1870, ông biết 7 ngoại ngữ: Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Malay, Chân Lạp (Miên) và La tinh(1).
Ðây có lẽ do Petrus Key tự khai hơn là đã có một cuộc trắc nghiệm chính thức. Ngoài ra, không thấy hai thứ chữ Hán-Việt và Nôm.
Số ngoại ngữ này có thể tạm chấp nhận được. Nhưng thật khó để tin Petrus Key thông thạo tới “15 sinh ngữ, tử ngữ Âu châu và 11 sinh ngữ Á châu” như một ông Pierre Vieillard nào đó đã viết năm 1947(2).
1. Thời gian huấn luyện cần thiết:
Cá nhân tôi, trong thời gian chuẩn bị chương trình Sử Ðông Nam Á, từng học thêm hai ngoại ngữ Indonesian và Thái tại Athens (Ohio) và Madison (Wisconsin). Dù qua lớp “intensive course” (khóa cấp tốc, tức dồn hết thì giờ trong ngày để học một sinh ngữ), thường thường cần từ 10 tuần tới 9 tháng để có thể nói, đọc và viết một cách tạm đủ dùng, tức get around như chào hỏi thông thường, đi chợ, hỏi đường xe cộ, đọc vài tin báo đơn giản. Sau đó, cần sử dụng ngôn ngữ trên qua các buổi nói chuyện với người bản xứ, đọc sách báo v.v... trong vài ba năm mới tiến đến mức trung bình.
Muốn thành thạo được 26 thứ tiếng, Petrus Key phải bỏ ra ít nhất 20, 21 năm huấn luyện liên lũy, đó là chưa kể thời gian cần thiết để trau dồi thêm tại các xã hội ngoại quốc trên cùng sách báo địa phương. Nhưng, thực tế, Petrus Key chỉ theo học các trường đạo từ khoảng năm 1842 tới 1858 (thời gian huấn luyện ở Pinang thông thường kéo dài 3 năm). Suốt 15 hay 16 năm trên, cách nào để ông thông thạo 26 thứ tiếng khi không có những lớp huấn luyện chuyên môn? Tại các trường đạo ở Cái Mơn, Cao Miên hay Pinang, các giáo sĩ chỉ dạy ba thứ ngôn ngữ chính: Pháp, Việt và La tinh. Muốn thông thạo “23” thứ tiếng khác, sợ rằng chẳng những không đủ thời gian luyện tập mà còn thiếu giáo sư huấn luyện, và cũng không có đủ số 23 sinh ngữ hay tử ngữ khác mà học. Ngoài ra, trong số 127 (141 hay 143) “tác phẩm” của ông phải có dấu vết việc học tập các ngoại ngữ này. (Năm 1888, thư viện Nam Kỳ chỉ có 88 cuốn sách của Petrus Key. Năm 1898, trong số sách tồn kho bà quả phụ Petrus Key yêu cầu Pháp tiêu thụ giúp chỉ có 23 đầu sách). Nhưng chưa một nhà nghiên cứu nào, ở ngoại quốc hay trong nước, liệt kê và dẫn chứng đầy đủ 26 thứ tiếng mà Petrus Key học tập hay thông thạo. Ngay đến việc “10 thứ tiếng” mà ông Hồ Hữu Tường nêu lên, hay “15 thứ tiếng” mà ông Nguyễn Thanh Liêm đề cập cũng không liệt kê và chứng minh được đầy đủ. Và, Petrus Key, chẳng hiểu có khiêm tốn hay chăng, cũng chỉ ghi trong hồ sơ cá nhân mình biết hoặc đã học 7 ngoại ngữ(3). Rất tiếc tôi không rõ Petrus Key có tự khai trình độ đọc, viết và nói của mình hay chăng (như fair [vừa phải], good [khá] hay excellent [thông thạo như người bản xứ]).
2. Khả năng hấp thụ ngôn ngữ:
Các nhà ngôn ngữ học huấn luyện chúng tôi cho biết người cực kỳ thông minh chỉ có thể thông thạo được 5 hay 6 thứ tiếng là cùng. Có nhà thông thái, như Giáo sư John Dower, lập gia đình với một phụ nữ Nhật, bỏ ra hơn 20 năm nghiên cứu về lịch sử Nhật, nhưng tâm sự với tôi là ông chưa dám tuyên bố thông thạo tiếng Nhật. Nhiều học giả ngoại quốc ở Mỹ hai, ba chục năm mà nói và viết tiếng Anh vẫn chưa hết dấu vết ngoại quốc.
Chưa hề có ai không từng được luyện nói mà có thể nói một ngoại ngữ “thông thạo”; chưa học văn phạm một ngôn ngữ mà có thể đọc hiểu hoặc viết một cách tường tận.
Cho dẫu những người có trí nhớ phi thường, đến độ “graphic memory” (trí nhớ như in) mà không được huấn luyện cũng đành khoanh tay.
3. Phương pháp huấn luyện:
Vào nửa cuối thế kỷ 19, các phương pháp dạy ngoại ngữ còn đặt nặng vào phương pháp đọc-học, tức học viên phải học thuộc lòng từng chữ, từng câu, từng đoạn, và ngoẹo đầu ngoẹo cổ tụng đọc như các học viên của các tu viện Islam mà ai có dịp theo dõi thời sự về phong trào Taliban ở Afghanistan từng chứng kiến. Thời đó chưa có các phương tiện luyện âm (audio), luyện hình (flash cards hay visual) hiện nay. Bởi vậy, muốn thông thạo (tức nói, đọc và viết) một ngoại ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ không dễ. Mặc dù người Pháp đã biết cách sử dụng những phụ tá người bản xứ - tức các répétiteur người bản xứ trong các lớp học ngoại ngữ, dẫu có thứ trí nhớ phi thường, học viên chỉ có thể đọc thông thạo một ngoại ngữ mà chưa hẳn đã viết rành mạch và nói trôi chảy. Trường hợp các sứ giả Việt phải bút đàm với quan chức Trung Quốc, hay cụ Phan Bội Châu mượn giấy mực “nói chuyện” với Lương Khải Siêu trên đất Nhật - dù cụ Châu từng đậu giải nguyên trường Nghệ và vào Huế tọa Giám** chờ ngày thi Tiến sĩ - chỉ là vài thí dụ cụ thể. Những di dân Việt trên thế giới có lẽ từng tri nghiệm điều này bằng chính bản thân mình hơn 1/4 thế kỷ qua. (Theo Tổng trú sứ Pierre Rheinart, linh mục Nguyễn Hoằng, một trong hai thông ngôn chính thức của vua Tự Ðức tại Ty Thương Bạc, là người biết được 4 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nho và chữ Việt mới).
4. Huấn luyện viên:
Các nhà truyền giáo thường được coi như những chuyên viên về ngôn ngữ. Nhờ lãnh thổ hoạt động bao trùm hoàn cầu, các chủng viện quy tụ số huấn luyện viên ngôn ngữ khá hùng hậu.
Tuy nhiên, tại Đại chủng viện Pinang không có đủ số chuyên viên để dạy bảo Petrus Key 26 thứ tiếng. Chương trình huấn luyện cũng không đòi hỏi học sinh phải biết nhiều ngoại ngữ, và trên thực tế các học viên chỉ được dạy bảo ba thứ tiếng: Pháp, La tinh và chữ Việt sử dụng mẫu tự La tinh.
Ngoại ngữ Petrus Key thông thạo
Song song với danh sách 7 ngoại ngữ liệt kê trong hồ sơ cá nhân Petrus Key, một trong những nguồn tài liệu để tìm hiểu số ngoại ngữ mà Petrus Key thông thạo là chương trình huấn luyện của Collège général de Pinang tức Ðại chủng viện Pinang mà cậu thanh niên Petrus Key theo học từ khoảng 1855 tới 1858.
Theo tài liệu Hội Truyền giáo hải ngoại, trường này dạy hai thứ tiếng chính: Pháp và Việt (sử dụng mẫu tự La tinh, tức quốc ngữ hiện nay). Ngoài ra, học viên còn được học triết lý Greek (Hy Lạp), thần học và cổ ngữ La tinh.
Chữ Việt và Pháp có thể Petrus Key đã bắt đầu học từ thời ở với “cụ Tám” ở Cái Mơn, hay cố Long, cố Hòa, và tiểu chủng viện Pinhalu (Cao Miên). Như thế, vào năm 1855-1858, Petrus Key có thể thông thạo hai thứ tiếng Pháp và Việt ngữ mới, với trình độ một học sinh trung học. Cổ ngữ La tinh là tiếng thứ ba cậu thanh niên Petrus Key được huấn luyện tại Ðại chủng viện Pinang (tức bậc trung học đệ nhất cấp). Mặc dù phần lớn các học viên chỉ cần biết nói vài ba câu La tinh để làm lễ phép bí tích hay rửa tội đã đủ, nhưng Petrus Key có thể thành thạo vì thông tín bạ của Petrus Key chứng tỏ cậu là một học viên xuất sắc. (Tuy nhiên, muốn tốt nghiệp đại chủng viện thường đòi hỏi phải có lòng phục tùng tuyệt đối). [Năm 1858, theo Phó Giám mục Borelle, “chú Ký” cùng một chú khác về tới Cái Mơn; “chú” thứ hai này bị trục xuất khỏi Pinang vì lý do hạnh kiểm, và trở thành một tay cờ bạc, trộm cắp. “Chú Ký” thì được tiến cử cho Pháp làm thông ngôn].
Vì Pinang nằm trong một thuộc địa của Britain, Petrus Key và đồng song có thể được học thêm một số chữ và thành ngữ tiếng Anh cổ. Trong thư viết vào tháng 3-1859 gửi Trung tá hải quân Jauréguiberry, Petrus Key trích một câu ngạn ngữ: “The wearer knows very well where the shoe pincheth” (Kẻ đi giày mới biết chỗ nào xiết thốn)(4). Nhưng khả năng “nói và viết” tiếng Anh thì cần đặt dấu hỏi. Một dấu hỏi rất lớn. Những ai từng sống ở Mỹ, Úc, Canada hay Anh có thể nghiệm chứng điều này. Dù ra sức học tập từ 5 tới 10 năm, cũng chỉ đủ khả năng nói và đọc, viết tiếng Anh qua loa thôi. Khả năng nói tiếng Anh của Petrus Key, theo ông Nguyễn Văn Tố, được một người Anh ghi nhận là “nói với tôi bằng một thứ tiếng Anh rất thành thạo, hơi pha giọng Pháp”(5). Tiếng Anh phát âm bằng mũi, tiếng Pháp phát âm bằng cuống họng; bảo một người nói tiếng Anh rất thành thạo nhưng pha giọng Pháp, khó có thể là một lời khen. Giống như có người đến Mỹ, muốn ăn thịt bò nướng [beefsteak], lại nói thành muốn ăn thứ “gậy đánh bò” (khô bò) [beef-stick]! Ðó là chưa nói đến cuốn tự điển loại bỏ túi từ tiếng Pháp qua tiếng Anh, ấn bản năm 1812 của Thomas Nugent tìm thấy trong di vật của Petrus Key và được đem ra triển lãm năm 1933. Một người thông thạo tiếng Anh, nói chi một nhà ngôn ngữ học, ít khi dùng tự điển bỏ túi. Có lẽ đây chỉ là món quà ai đó tặng cho Petrus Key.
Pinang (đảo Dừa) là một hòn đảo nằm về phía Tây của bán đảo Mã Lai, nơi người Hoa và thổ dân Mã Lai sống bằng kỹ nghệ khai thác mỏ kẽm. Sau 5 năm sống tại đây, Petrus Key có thể học thêm ít tiếng Malay (Mã Lai), như apa ká-pà? (ông mạnh giỏi?), bay bay sájà (tốt, tốt lắm!). Sau này, học thêm để soạn những câu đàm thoại đơn giản, nhưng cũng có thể chỉ phiên dịch từ một tác phẩm ngoại quốc nào đó. Có lẽ vì thế, hồ sơ cá nhân ghi Petrus Ký biết tiếng Malay. Rất tiếc tôi chưa có dịp nghiên cứu các sách viết về tiếng Malay do Petrus Key soạn (nếu có) nên chưa thể thẩm định giá trị các sách trên và khả năng hiểu biết tiếng Malay của ông. Hy vọng sẽ có một nhà ngôn ngữ học hay Ðông Nam Á học nào tìm đọc các tác phẩm trên.
Vì đa số học viên tại Pinang từ năm 1852 tới 1857 là người Việt (117 người năm 1857), cơ hội để Petrus Key học thêm ngoại ngữ từ bạn đồng song rất hiếm. Ða số học viên không-phải-người-Việt đến từ Xiêm, Trung Hoa hoặc Lào. Nhờ vậy, Petrus Key có thể nói được ít thổ âm của người Hoa (kiểu nị hảo búa hảo [ông/bà khỏe không?], chịa muối [ăn cháo], chịa mừng [ăn cơm]) hay ít tiếng thông dụng Thái (Xiêm) và Lào (kiểu tham ngan yù thí nải? [làm việc ở đâu?], pop-căn-mày! [hẹn gặp lại]). Trong danh sách các tác phẩm của Petrus Key đăng trên Bách Khoa, về gần cuối đời ông, người ta thấy liệt kê những cuốn Cours de langue malaise (1893), Vocabulaire français-malais (1894), Cours de langue laotienne (1894), Vocabulaire laotien-français (1894), Guide de la conversation laotienne-française (1894), Cours de siamois (1889), Vocabulaire française-siamois (1894), Guide de la conversation siamoise-française (1894). Nhưng chẳng hiểu có ai đã thấy tận mắt những tập sách này hay chưa? Chữ viết Thái (Xiêm) dựa theo tiếng Sanskrit và Pali, không dễ nhớ. Ông Petrus Key đã viết bằng chữ Thái nguyên gốc hay dựa theo lối phiên âm theo kiểu ghi âm của các nhà ngôn ngữ học ngoại quốc? Và những “tác phẩm” này - theo Giáo sư Trương Bửu Lâm, Giám đốc Viện Khảo cổ Sài Gòn - thường chỉ dài khoảng từ một, hai trang tới vài chục trang là cùng. Tổng cộng những trang bút tích của Petrus Key về “ngôn ngữ Ðông Dương” chỉ có 33 trang(6). Và cũng nên ghi thêm nhu cầu tiếng Thái hoặc Lào vào thời gian này, vì Lào mới bị sáp nhập vào Liên bang Ðông Dương.
Về tiếng Miến Ðiện (Myanmar), đây là một sinh ngữ rất khó học cho người ngoại quốc. Trên thế giới hiện nay chỉ có khoảng 100 học giả không-phải-người-Miến thông thạo tiếng Miến. Chẳng hiểu Petrus Key học tiếng Miến từ bao giờ mà trong năm 1892, ông đã soạn được ba bộ sách dạy tiếng Miến: Cours de langue birmane, Vocabulaire français-birman, Guide de la conversation birman[e]-français[e]. Năm 1892, Petrus Key cho biết đã hoàn tất bản thảo “autographiés” (in thạch bản)(7), nhưng chẳng hiểu có ai đã thấy tận mắt những tập sách hay bản thảo này được ấn loát năm 1894 như Bách Khoa công bố? Sách dày bao nhiêu trang? Nội dung ra sao? Sử dụng chữ Miến chính gốc, hay loại chữ Miến đã phiên âm theo Tây phương?
Chưa được tham khảo các tác phẩm trên, nên tôi chưa thể có ý kiến. Nhưng tưởng cũng cần nêu lên 2 nhận xét sơ khởi nhỏ:
1. Nếu tin được bảng liệt kê trong Bách Khoa đã đề cập, chỉ trong năm 1894, Petrus Key hoàn tất bản thảo hoặc cho ra đời tới 43 tác phẩm, kể cả bộ tự điển Pháp-Việt lớn, tự điển tam ngữ Hán-Pháp-Việt, cùng một tập Nhân vật chí các triều đại Việt. Như thế, Petrus Key, ở tuổi 56-57, cứ khoảng 10 ngày hoàn tất một tác phẩm (bản thảo). Không rõ mỗi tác phẩm dày bao nhiêu trang, nhưng nếu trung bình mỗi nghiên cứu khoảng 100 trang, chỉ ngồi chép lại thôi cũng khó thực hiện nổi 43 cuốn, cho dẫu đã làm việc nhiều năm. Còn những ghi chú một vài trang, chép từ một cuốn tự điển hay một biên khảo của các tác giả ngoại quốc nào đó (như nhiều tác giả Việt thường làm), mà tôn xưng thành “tác phẩm” thì sợ rằng cung văn quá đáng.
2. Thứ hai, mặc dù năm 1892, Petrus Key nhắc đến 3 đầu sách: tự điển Pháp-Việt lớn, tự điển tam ngữ Hán-Pháp-Việt và tập Nhân vật chí các triều đại Việt, nhưng danh sách do GS Trương Bửu Lâm thành lập tại Viện Khảo cổ Sài Gòn năm 1958 không thấy các đầu sách này. Thư viện Quốc gia Pháp (François Mitterrand) thì chỉ có tập Tự điển Pháp-Việt in năm 1878, và tập Tự điển Pháp-Việt nhỏ, ấn bản năm 1884 và 1920. Văn khố Kho lưu trữ Quốc gia II tại Sài Gòn cho biết Petrus còn hoàn tất bộ tự điển Annamite-français (Việt-Pháp). Chưa ai tìm thấy hai tập tự điển tam ngữ Hán-Pháp-Việt, và tập Nhân vật chí các triều đại Việt. Sách bị tuyệt bản chăng? Hay chưa hề ra đời? Hy vọng các nhà ngôn ngữ học hoặc Ðông Nam Á học tìm ra và làm việc trên các tác phẩm này, nếu có, để xác định công trình của Petrus Key.
“Hoa ngữ,” chắc Petrus Ký chỉ học thêm sau này, vì những năm đầu chiếm đóng Sài Gòn, soái phủ Pháp vẫn phải trông cậy ở các tay “Nho” Tôn Thọ “Ba” Tường, Trần Tử Ca hay Hiếu. Và ngay chính Petrus Key cũng trông cậy ở “Ba” Tường mỗi khi đụng chạm đến chữ Nho (Hán-Việt). Có thể ông Petrus Key đã được học một số chữ Hán-Việt (nghĩa là chữ Trung Quốc đọc theo lối người Việt) hồi nhỏ, rồi sau đó mới tự học thêm cả chữ Hán-Việt và Nôm trong thập niên 1860. Mãi tới năm 1875-1876, mới thấy Petrus Key bắt đầu viết về cách học chữ Hán (đọc theo kiểu người Việt), cho học sinh lớp đồng ấu. Cũng từ thời gian này người ta không thấy tên nửa La tinh, nửa Anh ngữ “Petrus Key” nữa, mà xuất hiện tên “Sĩ Tải” Trương Vĩnh Ký. Tại thư viện François Mitterrand (Paris) thấy có tập Huấn mông khúc ca: Sách dạy trẻ nhỏ học chữ Nhu (1884), Tam tự kinh quốc ngữ diễn ca (1884), Ðại Nam cuốc sử ký diễn ca của Lê Ngô Cát (1875). Rồi năm 1888, Petrus Key được giao phụ trách dạy hai lớp chữ Nho và chữ Miên. Và năm 1896, Petrus Key yêu cầu Pháp mua ủng hộ 2.000 cuốn Minh tâm bửu giám (Le précieux miroir du coeur).
“Ấn Độ ngữ” có tới hàng trăm thứ tiếng (tiếng địa phương) khác nhau, và nguyên những loại tiếng chính của Liên bang India (Ấn Độ) đã có tới bốn, năm thứ (Hindu, Urdu, Tamil, Sanskrit, Pali v.v...). Bảo Petrus Key biết nói “Ấn Độ ngữ” chẳng hiểu ông Hồ Hữu Tường và các tác giả khác muốn nói ông Petrus Key lưu loát cả trăm thứ tiếng trên, hay loại ngôn ngữ đặc thù nào (thí dụ như tiếng Hindu hay tiếng nói của dân Chettya, tức Chà và xét ti, chuyên môn gác cổng tư dinh quan lớn Pháp, làm mã tà, mật thám, gác tù hay cho vay lời cắt cổ ở Sài Gòn?)(8).
Danh sách các tác phẩm của Petrus Key theo Bách Khoa liệt kê, năm 1894 ông Petrus Key hoàn tất các tác phẩm: Cours de langue tamoule, Guide de conversation tamoul[e]-français[e], Cours de langue indoustane, Vocabulaire français-indoustan, Guide de la conversation indoustan[e]-français[e], Cours de ciampois, Vocabulaire français-ciampois, Guide de la conversation ciampoise-française. Những đầu sách này được chính tay Petrus Key ghi là “autographiés” (in thạch bản) năm 1892. Nhưng chưa thấy ai cho biết tác phẩm này hiện tàng trữ ở đâu, và cũng chưa ai phân tích nội dung các tác phẩm trên. Ðặt vấn đề triệt để hơn, thực chăng những tác phẩm này hiện hữu? Câu trả lời xin dành cho những nhà Petrus Key học. (Tưởng nên nhắc lại, trong mục “Ecritures et langues indochinoises” [Chữ viết và tiếng nói Ðông Dương], Viện Khảo cổ Sài Gòn chỉ ghi 33 trang bút tích của Petrus Key về chữ Nôm, Quốc ngữ, Trung Quốc [viết và nói], Miên, Xiêm, Chiêm Thành, Lào và Mã Lai)(9).
Có lẽ Petrus Key học được tiếng Miên ở đất Miên (kiểu tâu tê? [đi đâu thế?], tâu sa [đi chợ]) từ nhỏ ở Vĩnh Long và Miên, nên năm 1888, khi đang đảm nhiệm việc dạy tiếng Miên tại trường Chasseloup Laubat, Petrus Key viết thư xin thêm một phụ tá người Miên để giúp học sinh luyện giọng.
Tiếng Y Pha Nho (Spanish hay Espagnol), không hiểu Petrus Key học ở đâu; nhưng chắc chắn bản dịch thư vua Tự Ðức gửi Nữ hoàng Espania là bằng tiếng Pháp, có ký tên Trương Vĩnh Ký. Khi ra thông dịch ở Huế năm 1870 thì Petrus Key vẫn dịch bằng tiếng Pháp. Và nếu biết loại tiếng Y Pha Nho, hẳn Petrus Key đã viết một cuốn sách dạy đàm thoại, làm một cuốn tự điển kiểu bỏ túi hay những “note” vài ba trang như tất cả những loại ngôn ngữ Petrus Key đã tự học. Hoặc trong tủ sách gia đình phải có tự điển và văn phạm về loại chữ này. Chỉ hơi ngạc nhiên là theo tài liệu văn khố Pháp, hồ sơ cá nhân Petrus Key tại Soái phủ Sài Gòn năm 1872, 1874, 1875 ghi rằng Petrus Key biết tiếng Espania(10). Ðây có lẽ do Petrus Key tự khai (vì ông từng theo viên chức Pháp tháp tùng sứ đoàn Phan Thanh Giản tới Madrid ít tuần) hơn là đã qua một cuộc trắc nghiệm chính thức.
“Nhật ngữ” thì khó tin, nếu chẳng phải hoang tưởng. Hồ sơ cá nhân Petrus Key thuộc Nha Nội chính Soái phủ Sài Gòn không ghi ông biết tiếng Nhật(11). Kho sách gia đình mang ra bán năm 1898 hay đấu xảo năm 1933 cũng không thấy có tự điển, sách dạy văn phạm hay bất cứ dấu vết (như ghi chú v.v... ) nào về ngoại ngữ này. Người đầu tiên ghi Petrus Key “nói” thạo tiếng Nhật là Pierre Vieillard vào năm 1947. Theo tài liệu tôi được tham khảo, các nhà truyền giáo không dạy tiếng Nhật ở Collège général de Pinang, và cũng chẳng có dấu vết nào của chủng sinh Nhật tại đây. Sau khi người sáng lập dòng Tên (Jesuites) là François Xavier đến Nhật giảng đạo, triều đình Nhật đi đến kết luận rằng Kitô giáo nguy hiểm cho chế độ, nên trục xuất tất cả các nhà truyền giáo Tây phương và ra lệnh cấm đạo. Giáo dân Kitô đầu tiên bị giết năm 1597. Khi giáo sĩ và giáo dân nổi loạn, các lãnh chúa Nhật bèn xuống tay mạnh. Vào năm 1613-1615, một số giáo sĩ Tây phương và giáo dân Nhật sống sót phải chạy trốn tới Philippines và Hội An (Faifo) lập nghiệp. Tới năm 1624, không còn một tín đồ Kitô hay nhà truyền giáo nào trên đất Phù Tang(12).
Bởi thế, Hội Truyền giáo hải ngoại Pháp không có nhu cầu dạy và học tiếng Nhật. Hơn nữa, Petrus Key tự liệt kê đã xuất bản sách dạy tiếng Xiêm, Miên vào cuối thập niên 1880, rồi từ năm 1893 sách dạy tiếng Lào, Malay, Tamoule (Tamil?), Miến Ðiện, Ciampois (Chàm) mà chẳng thấy cuốn dạy đàm thoại Nhật ngữ hay danh từ Nhật nào. (Nếu có biết tiếng Nhật, thì có lẽ chỉ dăm tiếng chào hỏi làm vui, kiểu Ohio!)
Tóm lại, trong tuổi thanh xuân, Petrus Key có thể biết được 5, 6 thứ tiếng. Sau này, Petrus Key nghiên cứu thêm chữ Hán và chữ Nôm, và có thể biết (đọc, viết hoặc nói) được 7, 8 thứ tiếng là cùng(13). Nhưng nếu nói thông thạo, thì chỉ khoảng 3, 4 thứ tiếng (Pháp, Việt, Việt Hán và chữ Nôm). Chỉ ngần ấy đã đủ là một học giả trong thế kỷ 19 và 20!
Ðáng lưu ý nhất trong số tác phẩm của Petrus Key là các cuốn Mẹo luật dạy tiếng Pha lang sa: tóm lại vắn vắn để dạy học trò mới nhập trường (1872), và Abrégé de grammaire annamite (Sách mẹo An Nam,1867, 1924). Ðây không phải là những nghiên cứu nghiêm túc thuộc lãnh vực ngôn ngữ học, mà chỉ là những bài giảng dạy trong lớp cho các học sinh mới khai tâm. Phần văn phạm tiếng Pháp là tổng hợp kiến thức của tác giả “tóm lại vắn vắn để dạy học trò mới nhập trường”. Phần văn phạm tiếng Việt mới ít nhiều có sự đóng góp của ông, trong nỗ lực đưa chữ Việt mới (dựa trên mẫu tự La tinh) từ khuôn viên các chủng viện ra ngoài xã hội, hầu thay thế hẳn chữ Hán-Việt. Sách lược này do Hội truyền giáo đề ra, nhưng các viên chức bảo hộ Pháp cực lực chống đối, nhấn mạnh vào việc dạy chữ Pháp.
Thêm nữa, vì Petrus Key là một trong những người bản xứ tiên phong học hỏi rồi giảng dạy hai thứ tiếng này ở Sài Gòn, hai tác phẩm trên của ông chỉ có giá trị lịch sử, giống như các tác phẩm đương thời của Huình Tịnh Paulus Của v.v... Gọi chúng bằng những đại ngôn như “sách nghiên cứu về ngôn ngữ học” sợ rằng không chỉnh.
Ðó là chưa kể “thuyết” của Petrus Key in ở phần mở đầu cuốn Abrégé de grammaire annamite (Sách mẹo An Nam, 1867, 1924), rằng người Việt đã có chữ viết kiểu “ghi âm” từ thế kỷ thứ 5 TTL - một lời võ đoán không có bằng chứng khả tín nào để yểm trợ.
Ngoài ra, tiếng Pháp hay tiếng Việt là hai sinh ngữ, luôn luôn biến đổi về từ ngữ, thành ngữ cũng như cách cấu trúc. Các sách về văn phạm của Petrus Key hầu như chẳng còn ảnh hưởng nào với quốc ngữ, và cũng không thể sử dụng cho “học trò mới nhập trường” Pháp ngữ hiện nay.
Những “tác phẩm” dài vài trang (không quá vài chục trang) ghi vắn tắt về sử ký và địa dư của Petrus Key thì hầu như chẳng còn chút giá trị nào; ngoại trừ ở thời điểm khai sinh của chúng, để nạp cho cấp chỉ huy quân sự Pháp, hay huấn luyện viên chức Pháp - Việt. Ngay đến cuốn Cours d’histoire annamite (Bài giảng sử An Nam) của Petrus Key, gồm 2 tập, do chính quyền Pháp in trong khoảng 1875-1877 (1879?) (lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp và Sài Gòn) thì không những thiếu phương pháp biên soạn, mà còn nhiều sai lầm về dữ kiện, với những lời phê bình võ đoán, khó có thể coi là một bộ thông sử nghiêm túc.

____
* Đầu đề do Hồn Việt đặt.
** Tức học ở Quốc Tử Giám (H.V. chú)
(1) (3) (10) (11) Nguyễn Văn Trung, 1993, tr.138, note.
(2) Pierre Vieillard, Un grand patriote Pétrus Ký, France-Asie, số 15-2 và 15-3-1947; dẫn trong Nguyễn Văn Trung, 1993, tr.138.
(4) Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, I:130 chú 32.
(5) Nguyễn Văn Tố, 1937, tr.37; dẫn trong Nguyễn Văn Trung, 1993, tr.139.
(6) Xem thêm bảng liệt kê các tác phẩm của Petrus Key mà ông Trương Vĩnh Tống gửi tặng Viện Khảo cổ Sài Gòn trong Nguyễn Văn Trung, 1993, tr.88-98.
(7) Nguyễn Văn Trung, op. cit., tr.126.
(8) Xem Hồ Hữu Tường, Hiện tượng Trương Vĩnh Ký. Bách Khoa (Sài Gòn), M (1974), tr.15-22.
(9) Nguyễn Văn Trung, 1993, tr.95.
(12) Hồng Lam - Léopold Cadière, Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. Huế: Ðại Việt thiện bản, 1944, tr.167 (phần tiếng Việt).
(13) Nguyễn Văn Trung, 1993, tr.138.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire