caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 14 décembre 2014

Thụy Ơi! Và Tình Ơi! bài viết của bác sĩ Nguyễn Xuân Quang

Rất nhiều khán giả yêu thích bài Khú Thụy Du của Du Tử Lê. Tìm được bài này trong Blog của bác sĩ  Nguyễn Xuân Quang và câu chuyện có liên quan đến bản nhạc này.
Cám ơn trang bài vỡ thật hay của Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang.
Caroline Thanh Hương

THỤY ƠI VÀ TÌNH ƠI…

(*Nếu cần, bấm hai lần vào Tựa Bài để mở bài).

Thụy Ơi! Và Tình Ơi! 

NHỮNG NGƯỜI CON MẮT ỐC NHỒI, CÓ TÀI ĐÁNH VỢ, ĐẬP NỒI ĐẬP NIÊU.

Nguyễn Xuân Quang
Ngồi nghe người ca sĩ hát bài Khúc Thụy Du thơ Du Tử Lê do Anh Bằng phổ nhạc, ‘méo mó’ nghề nghiệp, tôi chăm chú nhìn, người ca sĩ có đôi mắt sáng long lanh nhưng cổ không thấy phồng sưng. Không thấy có bướu cổ.
Không biết người mà nhà thơ Du Tử Lê hỏi rất nhiều Vì Sao trong bài thơ Khúc Thụy Du trả lời như thế nào, nhưng với danh nghĩa là bác sĩ, tôi xin giải đáp theo kiểu… thầy thuốc viết văn.
Những câu hỏi tại sao trên liên hệ đến một chứng bệnh do sự tăng hoạt của tuyến giáp trạng, danh từ y khoa gọi là hyperthyroidism, ở đây, tôi chỉ xin giới hạn vào văn chương thôi.
Tuyến giáp trạng là một tuyến nội tiết trông giống cái giáp, cái mộc, cái khiên, cái thuẫn (đi đôi với mâu) ở cổ tiết ra kích thích tố chính giúp tăng trưởng. Tuyến này khi hoạt động hăng quá tiết ra nhiều dạng chất sơ khởi của kích thích tố giáp trạng, tích lũy lại trong tuyến hay các tế bào tăng sinh, cả hai tạo ra bướu cổ. Người bị tuyến giáp không hoạt động đầy đủ cũng bị bướu cổ. Người bị bướu cổ do tăng hoạt thường đi kèm với chứng mắt lồi ra khỏi tròng, gọi chung là bướu cổ lộ nhãn. Kích thích tố giáp trạng là một loại kích thích tố tăng trưởng nên liên hệ mật thiết với sự biến dưỡng (metabolism). Người thiếu kích thích tố giáp trạng thường lên cân, có thể mất trí nhớ, rụng lông tóc, lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, bần thần, trở ngại về giấc ngủ. Người thừa kích thích tố giáp trạng do tuyến tăng hoạt, ngược lại, mất cân, ốm nhom, dễ bị kích thích, kích động, nóng nẩy, bứt rứt, bồn chồn, lo âu, rối loạn về giấc ngủ, mắt bị kích thích, đàn ông bị suy dương, liệt dương, đàn bà kinh nguyệt ít, cả hai phái có thể bị hiếm hoi…
Người bị tuyến giáp trạng tăng hoạt còn có các triệu chứng lâm sàng khác mà, như đã nói ở trên, thi sĩ Du Tử Lêđã mô tả rất tài tình qua bài thơ đã được phổ nhạc có tên là Khúc Thụy Du:
Thụy ơi! và Tình ơi!
…..
Vì sao tay anh lạnh?
Vì sao môi anh nóng?
Vì sao thân anh run?
Vì sao chân không vững?
Vì sao? Và Vì sao?
Những câu hỏi Vì Sao ở trên đều có câu trả lời là do triệu chứng của chứng bệnh tăng hoạt tuyến giáp trạng:
-Vì sao tay anh lạnh?

Nhiều người bị tuyến giáp trạng tăng hoạt thường hay bị thiếu máu (anemia) nên tay chân lạnh. Tính tình hay thay đổi cũng có thể làm lạnh tay lạnh cẳng.

-Vì sao môi anh nóng?

Môi nóng, tai nóng là vì sự gia tăng biến dưỡng làm gia tăng nhiệt năng trong người, gia tăng thân nhiệt nên những chỗ da mỏng hay màng nhầy thường nóng. Những người này cũng không chịu được nóng (heat intolerance). Trời ấm đối với người khác thì những người này chịu không được phải xoay trần ra hay bật quạt máy, mở máy lạnh. Ngược lại, lúc trời lạnh trong khi người khác mặc áo lạnh dầy cộm, những người này chỉ phong phanh một cái áo mỏng… Sự tăng hoạt, tăng biến dưỡng làm tim tăng động (hyperdynamic) khiến gây ra chứng tim đập nhanh và cao áp huyết…

-Vì sao thân anh run?

Những người bị tuyến giáp trạng tăng hoạt thường bị chứng rung (tremor) nhất là tay. Bác sĩ khi khám thường bảo bệnh nhân đưa thẳng hai tay ra trước mặt và để lên bàn tay một tờ giấy. Nếu bị rung thì tờ giấy rung thấy rất rõ.

-Vì sao chân không vững?

Tất cả các triệu chứng trên như thiếu máu, rung, mất cân, mất ngủ, mau đói (thiếu lượng đường trong máu), tính tình hay thay đổi… kèm với chứng yếu các bắp thịt cận sát thân thể như ở vai, nhất là ở háng (proximal muscle weakness) có thể làm cho chân không vững.

-Vì sao? Và Vì sao?

Xin trả lời là tại vì bệnh tăng hoạt tuyến giáp trạng.

Ca dao tục ngữ Việt Nam cũng nói tới chứng bệnh này qua câu:
Những người con mắt ốc nhồi,
Có tài đánh vợ, đập nồi đập niêu.
Đây là câu ca dao coi tướng đàn ông, các anh chàng mắt ốc nhồi thường:
Có tài đánh vợ.

Tại sao đàn ông có con mắt ốc nhồi lại có tài đánh vợ? Xin thưa các anh chàng này bị chứng tuyến giáp tăng hoạt. Như đã nói ở trên, người bị chứng này có thể bị bướu cổ. Người bị bướu cổ do tăng hoạt thường đi kèm với chứng mắt rất sáng, lồi ra khỏi tròng mắt như mắt ốc nhồi. Mô mỡ sau tròng con mắt, trong ổ mắt tăng sinh thêm nên đẩy dần con mắt ra phía trước gây ra chứng mắt ốc nhồi. Vì có bướu cổ và mắt ốc nhồi đi kèm nên còn gọi là bệnh bướu cổ lộ nhỡn. Như đã nói ở trên, những người con mắt ốc nhồi do tăng hoạt tuyến giáp hay bị bứt rứt, dễ bị khích động, kích thích, mất ngủ, tim dễ bốc hỏa sinh ra chứng tim đập nhanh (tachycardia), cao áp huyết nên dễ trở thành võ phu nếu gặp phải hạng người không kềm chế được. Do đó “có tài đánh vợ”.

Lý do thứ hai là có tài “đập nồi đập niêu.”
Đập nồi đập niêu.

Tại sao đàn ông bị chứng tăng hoạt tuyến giáp lại hay đập nồi đập niêu? Xin thưa ngoài những lý do vừa kể trên, những người này hay mò nồi mò niêu. Thật vậy vì tăng biến dưỡng nên cần nhiều calorie, nói nôm na là phải ăn nhiều. Tục ngữ cũng có câu “gầy thầy cơm.” Câu này rất đúng với người bị tuyến giáp trạng tăng hoạt. Người bị chứng này ăn rất nhiều mà vẫn ốm nhom vì tăng biến dưỡng nên đốt rất nhiều calorie. Vì đốt nhiều calorie nên làm cho người lúc nào cũng nóng bức, chịu nhiệt không nổi… hay đói bụng nên xuống bếp mò nồi mò niêu. Nếu nồi niêu không có gì thì tiện tay đập luôn và đánh vợ vì vợ là người lo bếp nước, nấu ăn. Những người này nghi vợ không làm tròn bổn phận hay nghi là mình bị vợ bỏ đói! Đây là kinh nghiệm dân gian Việt Nam nhận thấy phái nữ mà lấy những người con mắt ốc nhồi (vì tuyến giáp trạng tăng hoạt) thì không những nuôi ăn đủ mệt, lại còn phải mua sắm nồi niêu thường xuyên, lại còn bị thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đánh đập… như cơm bữa.

Nhưng điểm quan trọng nữa là những người có con mắt ốc nhồi vì tuyến giáp trạng tăng hoạt dễ bị liệt dương, yếu kém sinh lý và có thể bị hiếm muộn. Vì yếu kém sinh lý, những anh chàng này là những con “cò quăm” thường hay đánh vợ vì bất lực và vì ghen tương:
Con cò là con cò quăm
Mày hay đánh vợ mày nằm với ai.
Có đánh thì đánh sớm mai,
Đừng đánh chập tối, chẳng ai cho nằm.
Cò quăm là cò cong queo, không phải là loại cò cứng, Anh ngữ gọi là stork (stork biến âm với stiff, cứng). Cổ ngữ quăm biến âm với quắmkhoằm (mũi khoằm) có nghĩa là cong queo như con dao quắm.
Những người đàn bà lấy phải các ông chồng ‘cò quăm’ này thường ấm ức, than thân trách duyên số mình ‘khốn nạn’:
Con nhạn xanh chắp cánh bay chuyền,
Chồng em lẩy bẩy như Cao Biền dậy non.
Sớm có chồng, sao em muộn có con.
Hẩm duyên, xấu số, em còn đứng không.
Khốn nạn thay em ăn ở với chồng!
(xem Chồng Em Lẩy Bẩy Như Cao Biền Dậy Non).
Tóm lại nếu ai “hay hát” hay thấy mấy câu hát:
Vì sao tay anh lạnh?
Vì sao môi anh nóng?
Vì sao thân anh run?
Vì sao chân không vững?

hợp với thể xác và tâm thần mình quá thì xin đi tìm bác sĩ để thử máu tìm câu trả lời cho những câu hỏi “ sao và  sao?”
Nếu dự tính lấy chồng có con mắt ốc nhồi (không phải là bẩm sinh) thì nên khuyên người tình đi khám bác sĩ tìm bệnh và chữa cho hết bệnh để tránh cái “tài đánh vợ, đập nồi đập niêu,” tránh không phải than “Khốn nạn thay, em ăn ở với chồng!” và tránh cảnh không có con, tuyệt tự.

5 comments


  1. Hay quá BS Nguyễn Xuân Quang ơi! Em phụ Bác.

    1. Quang Nguyen · · Reply
      Cám ơn em.
      Nguyễn Xuân Quang,
      bacsinguyenxuanquang.wordpress.com

    2. Quang Nguyen · · Reply
      Cám ơn em.
      Nguyễn Xuân Quang
      bacsinguyenxuanquang.wordpress.com

  2. Day la “tai nan nghe nghiep chang ” Toi van hay thich hat bai hat nay , van nghi la nhung rung dong vi “tinh yeu “, dau ngo lien quan voi the trang ‘y khoa ” nhieu den vay ???

    1. Quang Nguyen · · Reply
      Thưa anh,
      Đây chắc chắn không phải là ‘tai nạn nghề nghiệp’ hay ‘méo mó nghề nghiệp’ đâu
      mà là ‘đọc thấy bệnh, nghe thấy bệnh’của một bác sĩ phải có một tay nghề cao! (Tôi cũng đã chấn đoán nhiều chứng bệnh khác qua ca dao tục ngữ, xem Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt).
      Cám ơn anh đã nêu vấn đề này ra. Từ lâu tôi cố ý không muốn nói rõ ra vì lý do ‘riêng tư” (privacy). Đây là một định bệnh của tôi qua thơ nhạc và được bệnh nhận xác thực đúng căn bệnh trăm phần trăm.
      Tuy nhiên hôm nay nhờ anh nhắc tới, hy vọng nhà thơ Du Tử Lê rộng lượng cho tôi nói rõ ra. Xin thành thật cảm tạ và xin thứ lỗi với nhà thơ trước. Tôi nghĩ rằng các nhà phê bình văn học và hậu thế cần biết điều này để hiểu rõ và yêu thích bài thơ Thụy Ơi và Tình Ơi của nhà thơ Du Tữ Lê do Anh Bằng phổ nhạc này hơn. Các giáo sư y khoa phải đem bài thơ, bài hát và bài chẩn đoán bệnh của tôi vào sách giáo khoa hầu giúp cho sinh viên y khoa học, hiểu bệnh, nhớ bệnh và chữa bệnh đúng cách.
      Sau khi tôi chẩn đoán ra căn bệnh Cường Tuyến Giáp Trạng qua bài thơ phổ nhạc đó, nhà thơ Du Tử Lê thích quá đã đem bài viết đăng vào tuyển tập nói về Du Tử Lê do nhà thơ tự in ra.
      Nhà thơ cho biết quả thật ông bị chứng bệnh cường tuyến giáp trạng trong khi sáng tác bài thơ đó.
      Nhà thơ Du Tử Lê quả thật là một thiên tài ông đã đem tất cả những xúc cảm của tâm hồn mình và thân xác mình một cách trung thực vào sáng tác thơ. Đó là lý do thơ của ông có hồn, hết sức truyền cảm và không phải là thứ thợ thơ. Ông đã đem tất cả những triệu chứng căn bệnh của mình (dĩ nhiên khi đó, ông không biết mình bị bệnh và bị bệnh gì) diễn tả thành thơ và kết quả là chúng ta có một bài thơ tuyệt vời và một bản nhạc tuyệt hay.
      Và có một người thầy thuốc là tôi, nghe bản nhạc mà chẩn đoán ra được căn bệnh của tác giả khi làm ra bài thơ.
      Bệnh cường tuyến giáp là căn bệnh chữa dứt khỏi được hoàn toàn và nhà thơ Du Tử Lê giờ đã khỏi bệnh. Nhìn phong thái của ông bây giờ tôi có thể nói chắc là ông đã lành bệnh.
      Một lần nữa cám ơn anh và xin nhà thơ Du Tử Lê thông cảm, thứ lỗi, hầu giúp cho các nhà phê bình văn học, hậu thế hiểu rõ thêm và yêu mến bài thơ nhạc hơn và giới sinh viên y khoa có một bài thơ, một bài hát để học một chứng bệnh một cách dễ dàng và thú vị.
      Nguyễn Xuân Quang.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire