caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 1 février 2015

Saigon, còn ai nhớ các rạp cải lương một thời phồn thịnh không ?


Kính gửi quý anh chị những hình ảnh cũ, nay đã đổi tên, chỉ còn trong ký ức những người một thời đã sống nơi này với những kỷ niệm dần vào quên lãng.

Caroline Thanh Hương

Các rạp cải lương xưa ở Sài Gòn

 Có một thời cải lương ở Sài Gòn rất được ưa chuộng. Đó là giai đọan cực thịnh hay giai đọan lên ngôi của cải lương miền nam Việt Nam trước 1975, nhiều rạp cải lương mọc lên chẳng thua kèm gì các rạp chiếu bóng thời đó. Và một số chủ rạp chiếu bóng thấy có nhiều đoàn hát cải lương, khán giả cải lương đông đảo hơn khán giả xem phim nên họ sửa các rạp chiếu phim thành rạp hát cải lương.


Khu vực Saigon:
Rạp Norodom – nay là Công ty Xổ số kiến thiết thành phố – 23, Lê Duẩn, P. Bến Nghé, Q1. Nằm đối diện với một đơn vị quân đội Pháp, sau là cơ quan chiến tranh chính trị của quân đội Việt Nam Cộng Hòa nên khán giả ngại, ít đến rạp này để xem hát. Đoàn Việt Kịch Năm Châu có hát ở rạp Norodom vài lần. Cơ quan xổ số Kiến Thiết Quốc Gia dùng rạp Norodom để xổ số kiến thiết mỗi tuần, có phụ diễn văn nghệ( ca múa nhạc). Rạp Norodom được đài phát thanh Pháp Á chọn làm nơi tổ chức cuộc thi tuyển lựa ca sĩ nhi đồng vào năm 1956, và nữ ca sĩ Khánh Ly đạt giải nhất, nữa ca sĩ Lệ Mai đạt giải nhì trong cuộc thi này. Cuối năm 1954 Ca sĩ Thúy Nga (vợ của cố nhạc sĩ Hoàng thi Thơ) dự thi Tuyển lựa Ca Sĩ do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức tại rạp Norodom, và cô thiếu nữ Thúy Nga 18 tuổi lúc bấy giờ đã đoạt giải nhất của cuộc thi Sau này rạp Norodom trở thành Công ty Xổ số kiến thiết thành phố trên đường Lê Duẩn, Q1


Rạp Aristo – nay là khách sạn New World – 76, Lê Lai, P. Bến Thành, Q1.
Aristo là một rạp hát cải lương lớn ở Sài Gòn trước năm 1954. Rạp Aristo, còn có tên gọi là Trung Ương Hí Viện, nằm trên đường Colonnel Budonnet tức đường Lê Lai ngày nay. Đây từng là nơi trình diễn thường trực của đoàn cải lương Kim Chung di cư từ miền bắc vào nam.
 Không ai còn nhớ tên người chủ rạp Aristo, tức Trung Ương Hí Viện, và cũng không ai biết nó có tự bao giờ. Thuở đầu tiên, đó là một nhà hàng sang trọng, có một sân khấu nhỏ để những tối thứ bảy, ban đờn ca tài tử đến ca giúp vui cho thực khách. Có khi chủ nhà hàng thay ban đờn ca cổ nhạc bằng một dàn nhạc nhẹ chuyên trình tấu các bản nhạc cổ điển Pháp, dàn nhạc Tây có piano, violin, saxo, clarinette. Trong số thực khách quen thuộc có ông Trưởng tòa Phan Văn Thiết, ông Đốc phủ Đỗ Văn Rỡ, ký giả Trần Tấn Quốc, ông Thân Văn Nguyễn Văn Quý, ông Nguyễn Công Thiện, Giám đốc hãng xăng Esso-Sài Gòn, là những người say mê nghệ thuật hát bội nên thường rước các ban hát bội về hát tại nhà hàng Aristo. Đầu năm 1940, do khán giả đến xem hát rất đông nên ông chủ nhà hàng mới dẹp cái restaurant đó, phá nó để xây lại thành một rạp hát đàng hoàng, có sân khấu theo đúng tiêu chuẩn của một rạp hát lớn, có hậu trường, có hầm sân khấu và khán phòng với 800 ghế ngồi bọc simili đỏ (vải cao su giả da màu đỏ) giống các rạp chiếu phim Tây như rạp Moderne, rạp Majestic, rạp Eden.

Rạp Aristo từng được các đoàn cải lương đại ban về diễn như gánh hát Nam Phi của bầu Năm Phỉ-Chín Bia, gánh cải lương tuồng Tàu Phụng Hảo của bầu Nhơn-Phùng Há, gánh hát thi ca vũ nhạc Nam Hồng của bầu Trình, gánh hát Hoa Sen của bầu Bảy Cao, gánh Việt Kịch Năm Châu của ông bầu Năm Châu.



* Một số sự kiện lớn liên quan đến rạp Aristo:
Hai phong trào: Chấn Hưng Hát Bội và Canh Tân Hát Bội cũng được tổ chức tại rạp Aristo:
Năm 1948-1949, ông Thân Văn Nguyễn Văn Quý và bác sĩ Võ Duy Thạch phối hợp với ký giả Trần Tấn Quốc, Đốc phủ sứ Đỗ Văn Rỡ và Trưởng tòa Phan Văn Thiết mời các ban hát bội về diễn tại rạp Aristo, với các thành phần diễn viên tài danh nhất của ngành hát bội như Năm Đồ, Mười Sự, Minh Tơ, Mười Vàng, Tám Văn, Năm Còn, Tư Châu, Ba Út, Kim Chắc… Họ hát các tuồng thầy như: San Hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Trầm Hương Các; và các tuồng hát bội với cốt truyện Tàu như: Trảm Trịnh Ân, Đào Tam Xuân, Phụng Nghi Đình, Lưu Kim Đính, Xử Án Bàng Quí Phi…

Hòn Ngọc Viễn Đông blog

Lúc đó, có những nghệ sĩ muốn Canh Tân Hát Bội bằng cách tuy vẫn hát tích truyện cũ nhưng lời văn bỏ bớt những câu chữ Nho, bớt lối văn biền ngẩu mà thay vào đó bằng những câu văn thường hoặc sau khi hát câu chữ Nho, nghệ sĩ nói lối thêm bằng văn thường để nói lên ý nghĩa của câu chữ Nho vừa mới hát giúp cho khán giả không biết chữ Nho có thể hiểu cốt truyện tuồng. Ngoài ra, những người chủ trương Canh Tân Hát Bội còn bớt lối hát Nam, hát Khách bằng cách xen vào ca các bài bản cải lương theo lối hát cải lương tuồng Tàu. Họ lượt bỏ khỏi dàn nhạc hát bội những trống chiêng, kèn lá, thêm tranh cảnh và y trang như các đoàn hát tuồng Tàu, các đoàn hát Quảng Đông.
Nhiều nghệ sĩ hát bội bậc thầy như Tám Văn, Mười Vàng, Năm Đồ, Ba Út và các nhà trí thức say mê nghệ thuật hát bội như các ông Đỗ Văn Rỡ, Thân Văn Nguyễn Văn Quí, ký giả Trần Tấn Quốc đã vận động báo chí ủng hộ sự thành lập Ban Chấn Hưng Hát Bội do ông Thân Văn Nguyễn Văn Quí và bác sĩ Võ Duy Thạch trực tiếp điều hành. Đây là một hội đoàn tư nhân, họ kiên trì vận động các nghệ sĩ hát bội có tâm huyết với nghề để bảo vệ nghệ thuật cổ truyền, chống sự lai tạp theo kiểu hát bội pha cải lương.
Hội Khuyến Học Nam Việt tích cực vận động các ký giả các nhật báo và tạp chí văn học, các nhà trí thức thích xem hát ủng hộ chủ trương đứng đắn của Ban Chấn Hưng Hát Bội, nên vào năm 1952 Ban Chấn Hưng Hát Bội xin được giấy phép thành lập Hội Khuyến Lệ Cổ Ca do chánh phủ Nam Việt cấp. Hội Khuyến Lệ Cổ Ca lấy rạp Aristo làm trụ sở, mở nhiều cuộc hội họp diễn thuyết chủ trương của Hội.
Đoàn Việt Kịch Năm Châu với chủ trương “Sân Khấu Thật và Đẹp” tại rạp Aristo:
Sự kiện quan trọng đáng ghi nhớ là đoàn Việt Kịch Năm Châu công bố chủ trương thực hiện một sân khấu “Thật và Đẹp” trong dịp tổ chức cúng Tổ năm 1952 tại rạp Aristo.

Đứng đầu các ký giả có nhiệt tâm với nghệ thuật sân khấu là ông Trần Tấn Quốc, ông nhiệt liệt hoan hô và tán thành chủ trương thực hiện một sân khấu “Thật và Đẹp” của nghệ sĩ Năm Châu.
Do quan niệm sân khấu cải lương “Thật và Đẹp” nên soạn giả Năm Châu hướng dẫn cho nghệ sĩ trong đoàn hát nên chú trọng nghệ thuật diễn xuất, biểu hiện nội tâm nhân vật qua lời đối thoại, bớt ca cổ nhạc. Trong tuồng ít viết vọng cổ và trước khi nghệ sĩ ca vọng cổ, dàn đờn không rao trước để cho nghệ sĩ bắt hơi. Nghệ sĩ diễn như diễn kịch và ca cổ nhạc theo khuynh hướng ca nói (ca như nói chớ không đưa hơi ơ… ơ… như lối ca từ trước đến nay).
Đoàn Việt Kịch Năm Châu mất dần khán giả vì trong thời kỳ này khán giả thích nghe ca vọng cổ với những giọng ca vàng như giọng ca của Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Thanh Hương, Út Bạch Lan.
Rạp Aristo: Nơi khai sinh đoàn cải lương Kim Thanh-Út Trà Ôn :
Cuối năm 1954, sau khi mãn hợp đồng với đoàn hát Thanh Minh bầu Năm Nghĩa, các nghệ sĩ Kim Chưởng, Út Trà Ôn, Thanh Tao và Thúy Nga hợp tác với nhau thành lập đoàn hát Kim Thanh-Út Trà Ôn (Kim Thanh-Út Trà Ôn là tên ghép của ba danh ca Kim Chưởng + Thanh Tao + Út Trà Ôn). Đoàn cải lương Kim Thanh mướn rạp Aristo với một giá thật rẻ để làm chỗ tập tuồng, đóng cảnh trí và quy tụ nghệ sĩ. Từ năm 1953-1954, ít khán giả đến rạp Aristo xem hát vì các đoàn hát lớn hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo, rạp Thành Xương, là những rạp ở mặt tiền đường lớn. Ông chủ rạp cho đoàn Kim Thanh-Út Trà Ôn mướn với giá rẻ để đoàn hát làm chỗ tập tuồng với ý muốn nhờ đoàn Kim Thanh mà phục hồi phong độ của rạp Aristo như hồi cực thịnh (năm 1940-1952). Đòan Kim Thanh-Út Trà Ôn hát khai trương tuồng Tình Duyên Hoa Thắm vào ngày 04/01/1955, hát vở này suốt 3 tuần lễ. Thành phần nghệ sĩ gồm có danh ca Út Trà Ôn, Thanh Tao, Phước Trọng, Kim Chưởng, Thanh Hương, Thúy Nga, Út Bạch Lan,…và hát các tuồng: Trăng Nước Lam Giang, Tình Duyên Hoa Thắm, Thoại Khanh Châu Tuấn, Sau Bức Màn Nhung.

Rạp Aristo: Nơi khai sinh và diễn thường trực của đoàn Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt:

Vào tháng 10 năm 1954, ông bầu Trần Viết Long ký hợp đồng mướn rạp Aristo trong một năm với một giá rất rẻ để làm nơi tập tuồng và củng cố lại đoàn hát Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt vừa mới di cư vào Nam sau hiệp định đình chiến Genèvre 54. Thời kỳ đó chưa có đoàn hát nào ở miền Nam hát thường trực hằng tháng ở một rạp. Thế nhưng đoàn Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt đã lập kỷ lục hát liên tục 40 suất một vở tuồng (tuồng Trăng Giãi Đêm Sương) tại rạp Aristo, khiến cho báo chí, nghệ sĩ và các ông bà bầu gánh hát cải lương miền Nam phải chú ý và để tâm nghiên cứu hiện tượng này.
Đến năm 1958, đoàn Kim Chung không thu hút được khán giả nữa. Và sau năm 1958, khi Kim Chung mướn rạp Olympic làm nơi diễn thường trực thì rạp Aristo bị bỏ hoang, cho đến sau năm 1975, vùng đất này được dùng làm nơi cất lên khách sạn năm sao, Sài Gòn New World Hotel, chấm dứt vĩnh viễn sự tồn tại của rạp hát Aristo.
(Theo soạn giả Nguyễn Phương)
Rạp Olympic –  nay là Trung tâm Văn hóa TP.HCM – 97, Nguyễn Thị Minh Khai, P. Bến Thành, Q1. Rạp được công ty Kim Chung của ông bầu Long độc quyền cả chục năm trời từ sau năm 1958 cho 5 đoàn hát của công ty luân phiên diễn. Với các vở diễn nổi tiếng một thời: Mạnh Lệ Quân, Lan và Ðiệp,….
Image

Rạp Olympic thập niên 60

*  Khu vực “ngã tư quốc tế” (trục Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo ngày nay)  trở thành một trong những khu hoạt động nhộn nhịp nhất của làng văn nghệ Sài Gòn ngày đó. Mặc dù mật độ các rạp hát khá dày (Nguyễn Văn Hảo, Thanh Bình, Hưng Đạo, Quốc Thanh, Khải Hoàn) nhưng các đoàn hát lớn thường xuyên tập kết về, đây trở thành nơi tập trung, điểm hẹn của nhiều nghệ sĩ, giới ký giả kịch trường, các ông bà bầu muốn “săn” đào kép mới cũng tìm đến đây. Các rạp thuộc khu vực này gồm:
Rạp Quốc Thanh – nay là nhà hàng, tiệc cưới Quốc Thanh – 271, Nguyễn Trãi, P. Nguyễn Cư Trinh, Q1. Được thành lập năm 1960 khi đoàn Thái Dương ra đời, rạp cũng là nơi đóng đô của đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân. Rạp có máy lạnh, có 1000 ghế trong khán phòng và sân khấu được thiết kế rộng rãi.

Rạp Thanh Bình – sau đổi là rạp Quốc tế, gần chợ Thái Bình trên đường Phạm Ngũ Lão, nay là căn hộ chung cư cao cấp. Là rạp có thang cuốn đầu tiên ở Việt Nam  tại Sài Gòn. Lúc đầu là rạp chiếu bóng, sau được ông Diệu sửa thành rạp cải lương để đoàn hát Thủ Đô của ông Ba Bản khai trương, ghi một dấu ấn sâu sắc trong lãnh vực nghệ thuật sân khấu cải lương là có một đoàn hát Thủ Đô có nhiều tuồng hay, có cảnh trí tuyệt đẹp và dàn cảnh vĩ đại.


Rạp Hưng Đạo – 136, Trần Hưng Đạo, P. Phạm Ngũ Lão, Q1. Ra đời ở thập niên 60. Hiện tại rạp đã bị đập ra cho dự án xây dựng thành Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Cải lương TPHCM.
Nghệ sĩ cải lương trong các thập niên 60, 70, 80, không có nghệ sĩ nào là không có dịp hát trên sân khấu của rạp hát Hưng Đạo, một rạp hát lớn nhất ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Do đó, rạp hát Hưng Đạo lưu giữ nhiều kỷ niệm, nhiều sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển của nhiều đoàn hát đại ban. Rạp Hưng Đạo cũng là nơi mà nhiều đoàn hát đã hát những tuồng xã hội cận đại rất hay, nhiều tuồng Tàu, tuồng Hồ Quảng và cả những tuồng chiến tranh của đoàn hát Hoa Sen. Ngày nay, mỗi khi nhắc lại những tuồng từng thu hút đông đảo khán giả, các nghệ sĩ cải lương còn rút ra được nhiều bài học quí giá về kỹ thuật dàn dựng tuồng, nhiều cốt truyện hay, nhiều giai thoại về các nghệ sĩ thinh sắc lưỡng toàn, những chuyện tình không đoạn kết giữa nghệ sĩ và khán giả, giữa nghệ sĩ và nghệ sĩ…
Năm 1958, ông Nguyễn Thành Niệm, một nhà tư sản chủ hãng xuất nhập cảng xe hơi, đồ phụ tùng xe hơi, xe gắng máy, tủ lạnh và máy lạnh ở ngay ngã tư các đường Hưng Đạo, Nguyễn Cư Trinh và Cô Bắc, bỏ tiền ra xây cất tòa nhà Hưng Đạo 1, Rạp Hưng Đạo và một tòa nhà khác được đặt tên là Hưng Đạo 2 ở ngay ngã tư, góc đường Phát Diệm và đường Hưng Đạo.
Đến đầu năm 1960 thì ba công trình xây cất này mới hoàn thành và đưa vào thị trường khai thác. Lúc đó đoàn Thanh Minh-Thanh Nga còn mướn thường trực rạp hát Thành Xương ở đường Yersin của ông Phạm Minh Tấn. Ông Ân, em vợ của ông Nguyễn Thành Niệm, được trao quyền quản lý rạp Hưng Đạo. Ông Ân đã mời bà bầu Thơ đến văn phòng của ông trên lầu ba ở ngay mặt tiền rạp Hưng Đạo để giới thiệu rạp hát và mời bà bầu Thơ đưa đoàn hát Thanh Minh-Thanh Nga về hát khai trương và ký hợp đồng hát thường trực ở rạp Hưng Đạo.
Rạp mới Hưng Đạo có 1100 ghế, trừ đi những hàng ghế có chữ R tức réserver dành cho chủ rạp, đoàn hát còn 1000 ghế, chia ra 300 ghế thượng hạng giá vé mỗi ghế là 120 đồng, 200 ghế hạng nhứt, mỗi vé là 80 đồng, 200 ghế hạng nhì, mỗi vé là 60 đồng, 300 ghế hạng ba, mỗi vé là 40 đồng, nếu bán hết số vé trên, số thu trong một đêm là 76.000 đồng. Rạp Hưng Đạo ở địa điểm tốt, có máy lạnh nên dù hát trưa chúa nhựt hay những ngày mùa hè, khán giả đến xem hát nghẹt rạp vẫn cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
Trong bảy năm, từ 1960 đến năm 1967, đoàn Thanh Minh-Thanh Nga hát thường trực tại rạp Hưng Đạo, lúc nào cũng đông khách, với những tuồng hát: Nửa Đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Đôi Mắt Người Xưa, Ngả Rẽ Tâm Tình, Áo Cưới Trước Cổng Chùa, Vàng Sáu Bạc Mười, Bọt Biển 1 (Chuyện Chúng Mình) Bọt Biển 2 (Chuyện Xóm Mình, Bọt Biển 3 (Chuyện Tình và Tiền), Bọt Biển 4 (Chuyện Trên Cung Trăng), Hoa Mộc Lan, Rồi Ba Mươi Năm Sau.
Bà bầu Thơ biết khi có tuồng mới, đáp ứng theo yêu cầu của khán giả thì đoàn hát sẽ có doanh thu cao, vì vậy bà dám mướn bảy soạn giả thường trực, luân phiên cung cấp tuồng mới cho gánh hát. Đó là các soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng, Thiếu Linh, Nguyễn Phương, Kiên Giang, Hoàng Khâm, Viễn Châu.
Khán giả trí thức, công chức, các bà chủ sạp trong các chợ Bến Thành, cầu Ông Lãnh, chợ An Đông, các em học sinh và đông đảo các cô vũ nữ, gái bán bar là khán giả thường xuyên của đoàn hát Thanh Minh-Thanh Nga. Họ thân thiết với nghệ sĩ, có nhiều nghệ sĩ có vợ trong giới vũ nữ. Ở đô thành tình hình an ninh bảo đảm, sinh hoạt của dân chúng trong các lãnh vực mua bán, ăn uống, giải trí về đêm ngày càng phát triển, điều đó giúp cho các nhà tư sản dám bỏ vốn ra đầu tư xây dựng thêm nhiều rạp hát và lập ra nhiều gánh hát cải lương.
(Theo soạn giả Nguyễn Phương)
Image
Rạp Hưng Đạo xưa

Rạp Nguyễn Văn Hảo – nay là rạp Công Nhân, trụ sở Nhà Hát Kịch Thành Phố, Số 30, Trần Hưng Đạo, P. Phạm Ngũ Lão, Q1. Mộtrạp hát được mệnh danh là Hàng Không Mẫu Hạm trước 1975, nơi đóng đô của một số đoàn hát cải lương lớn ở Sài Gòn ngày trước như: đoàn Việt Kịch Năm Châu, đoàn Hương Mùa Thu, đoàn Hoa Sen.
Mặt tiền của Rạp hát Nguyễn Văn Hảo hướng về đường Galliéni (đường Trần Hưng Đạo hiện nay), một con đường tráng nhựa rộng lớn, chạy từ place Cuniac, đầu đường phía Saigon ngang ga xe lửa chạy dài vô đến đường An Bình (Đồng Khánh) con đường tiếp nối vô ChợLớn có tên là đường Les Marins, chạy dài đến đường Tổng Đốc Lộc. Đường Galliéni được xem là con đường giao thông huyết mạch từ Saigon đi Chợ Lớn.
Cửa hậu của rạp Nguyễn Văn Hảo trổ ra đường Bùi Viện.
Ông Nguyễn Văn Hảo, chủ nhân rạp Nguyễn Văn Hảo, cũng là chủ nhân hai dãi phố lầu chạy song song trên đường Galliéni (đường Trần Hưng Đạo hiện nay) từ ngã tư đường Kitchener ( Nguyễn Thái Học) và đường Galliéni, chạy đến đường Bùi Viện, mỗi bên đường có hơn mười căn phố lầu. Góc đường mũi tàu Bùi Viện, Kitchener và Galliéni, là cửa lên lầu ba của vũ trường Tour D’Ivoire.
Ông Nguyễn Văn Hảo chủ rạp hát Nguyễn Văn Hảo và chủ hai dãi phố lầu cũng là chủ nhân cây xăng ngay góc đường Yersin và Galliéni.
Rạp Nguyễn Văn Hảo có ba tầng khán phòng. Tổng cộng số ghế cho khán giả trong rạp là 1200 ghế, ( chưa kể ghế súp đặt dọc theo đường đi khi gánh hát bán hết vé chánh thức.). Đây là rạp hát có nhiều số ghế nhất ở Saigon, Chợ Lớn và Gia Định nên được các nghệ sĩ gọi tặng là Hàng Không Mẫu Hạm Nguyễn Văn Hảo..
Lầu ba dành cho khán giả hạng ba có 300 ghế, Ghế ở lầu ba được đóng bằng ván dài, trên một cái dàn gổ, ghế được đóng từng hàng từ thấp lên cao như ghế băng trong các rạp hát xiệc.
Lầu hai dành cho khán giả hạng nhì và hạng nhất có 400 ghế bọc nêm da đỏ có lưng dựa..
Tầng trệt có 500 ghế bọc nệm da đỏ, dành cho khán giả thượng hạng và hạng nhất.
Phía tay mặt của rạp hát, có một hành lang rộng 5 thước ngang, dài từ cửa trước đến sát phông sân khấu (độ 50 thước) Hành lang này dành cho đoàn hát để phông màn, chổ làm tuồng của một số đào, kép hạng ba , vũ nữ và quân sĩ. Phía ngoài để xe gắn máy của nghệ sĩ.
Kế bên rạp hát phía mặt ( từ trong rạp nhìn ra đường) là restaurant Vạn Lộc, chủ nhân là bà Vạn Lộc, thân mẫu của trung úy Danh, chồng của nữ nghệ sĩ Thanh Xuân, đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga.
Từ năm 1954 đến năm 1960, rạp Nguyễn Văn Hảo là rạp hát lớn nhất, có sân khấu rộng và sâu nhất, khán giả đến xem đông nhất, đó là những thuận lợi giúp cho các bầu gánh, soạn giả và họa sĩ thực hiện những tiến bộ kỷ thuật và nghệ thuật để nâng cao trình độ của sân khấu cải lương.
Một số đoàn hát nổi tiếng từng hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo:
Rạp là nơi đoàn Việt Kịch Năm Châu diễn tuồng Tây Thi Gái Nước Việt. Và cũng là nơi đoàn cải lương Hương Mùa Thu của ông bầu Thu An thực hiện kỷ thuật sân khấu cải lương panorama. Khai trương sân khấu cải lương panorama, đoàn Hương Mùa Thu hát tuồng Lá Của Rừng Xanh. Ngoài ra Đoàn cải lương Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao cũng về hát ở đây với việc thực hiện sân khấu quay với tuồng hát khai trương là Mộng Hoà Bình. Đoàn Hoa Sen của ông Bầu Bảy Cao là đoàn hát có doanh thu cao nhứt trong tất cả các đoàn hát cải lương trong cuối thập niên 50. Đây là một đoàn cải lương lần đầu tiên ở Việt Nam thực hiện được sân khấu quay.
Trong cuối thập niên 80, rạp hát Nguyễn Văn Hảo sửa thành nhà hát Kịch Công Nhân, làm mất đất sống của dân cải lương, dành chổ cho ngành kịch nụ cười mới.. Người ta nói là nâng cáp cải lương nhưng dẹp bỏ rạp hát cải lương.
(Theo soạn giả Nguyễn Phương)



Rạp Khải Hoàn – Nay là Trung Tâm Điện Máy, góc Cống Quỳnh – Phạm Ngũ Lão, Q1.

Rạp Thành Xương – góc đường Phạm Ngũ Lão và đường Yersin, Q1. Sau này trở thành rạp cinê và đổi  tên thành rạp Diên Hồng.
Rạp nằm gần đình Cầu Quan. Đoàn Thanh Minh-Năm Nghĩa trình diễn tuồng Đứa Con Hai Giòng Máu tại rạp Thành Xương. Cô Ngọc Nuôi là diễn viên tài sắc của gánh hát Thỉ Phát Huê cũng hát tại rạp này. Đoàn Phụng Hảo của Cô Bảy Phùng Há đóng đô ở đây hát  vở “Khi người điên biết yêu” có kép Ba Vân và Năm Châu thủ diễn. Ngòai ra, nghệ sĩ Hữu Phước về cộng tác với đoàn Thanh Minh, cũng hát thường trực tại rạp Thành Xương.

Khu vực Chợ Lớn:
Rạp Hào Huê – Saunày đổi thành rạp Nhân Dân – 372-374, Trần Phú, P7, Q5.
Rạp ở gần khu Lacaze là rạp hát của gánh hát Quảng cũng được sửa lại cho gánh cải lương mướn.
Rạp LUX – Sau  đổi là rạp Lao Động B rồi trở thành vũ trường Monaco. Nằm trên đường Trần Hưng Đạo, cạnh chợ Nancy và đường Nguyễn Biểu (cầu Chữ Y). Sau  đổi là rạpLao Động B rồi trở thành vũ trường Monaco. Đây cũng là nơi nữ nghệ sĩ lừng danh Thanh Nga bị ám sát hụt vào ngày 16 tháng 03 năm 1977, trong lúc đoàn Thanh Minh diễn tuồng Tiếng trống Mê Linh. Nữ nghệ sĩ Thanh Nga bị thương nhẹ, hai nhạc sĩ tân nhạc chết tên là Trần Văn Mùi và Lê Hiếu Đức.
Rạp Thủ Đô – nằm trên đường Tổng Đốc Phương, Chợ Lớn, giờ là 125A, Đường Châu Văn Liêm P.14, Quận 5. Tên cũ là Eden Chợ Lớn. Đối diện rạp Toàn Thắng. Giờ là Sân khấu ca nhạc tạp kỹ của Bầu Duy Ngọc. Chuyên công diễn cải lương, đại nhạc hội.
Rạp Palikao – Gần cầu Palikao, Chợ Lớn:
Ở Chợ lớn có rạp hát Palikao dưới dốc cầu Palikao. Rạp Palikao là nơi diễn thường trực của gánh hát bội Phước Thắng của Bà  Ba Hộ nên rạp Palikao còn được gọi là  rạp Bà Hộ. Con bà Ba Hộ là bà Ba Ngoạn – mẹ của câu Tư Phước Cương (ông là bầu gánh Phước Cương, chồng của cô Năm Phỉ và cô Bảy Nam, cha của nữ nghệ sĩ kịch nói Kim Cương). Rạp Palikao cũng có cho các gánh hát cải lương mướn để trình diễn.
Khu vực Gia Định:
Rạp Hùynh Long – nằm trong chợ Bà Chiểu, trên đường Châu Văn Tiếp (nay là đường Vũ Tùng), gần cửa chính của Lăng Ông.
Là nơi Ðoàn Thái Dương 3, nghệ sĩ Thành Ðược vừa thay thế soạn giả Nguyễn Huỳnh đảm trách nhiệm vụ giám đốc, với thành phần nghệ sĩ tên tuổi gồm Thành Ðược, Diệp Lang, Văn Chung, Hoàng Long, hề Kim Quang, Phượng Liên, Kim Ngọc, Hoàng Vân… diễn  tại đây
Rạp Cao Đồng Hưng – Sau đổi tên thành rạp Gia Định, giờ là nhà sách Thiếu Nhi Gia Định. Trên đường Bạch Đằng, Q Bình Thạnh.Rạp Cao Đồng Hưng trang bị toàn ghế bằng sắt có lỗ nhỏ, phía sau gần cửa vào thì có cả vài hàng ghế cây, học trò trường Hồ Ngọc Cẩn rất  “thân quen” với rạp này.
* Một sự kiện lớn ở rạp Cao Đồng Hưng: Ngày 26 tháng 11 năm 1978, đoàn Thanh Minh diễn tại rạp Cao Đồng Hưng ở Gia Định, vở tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga. Sau khi diễn xong, như thường lệ, Thanh Nga cùng chồng là ông Phạm Duy Lân và con là Phạm Duy Hà Linh lên xe về nhà riêng ở số 114 đường Ngô Tùng Châu Sai Gòn. Bọn cướp định bắt cóc cháu Cúc Cu, Thanh Nga và chồng bị hai người lạ mặt bắn chết sau khi dằng co để giựt lại đứa bé 6 tuổi tên Cúc Cu, con trai duy nhứt của họ (Cúc Cu là tên thân mật trong gia đình để gọi Phạm Duy Hà Linh).
Image
Rạp Cao Đồng Hưng xưa
Rạp Văn Cầm – lúc đầu là rạp chiếu bóng sau đó được chuyển thành rạp cải lương cho các đòan cải lương về hát. Rạp Văn Cầm ngày trước có ở 3 địa điểm nhưng đều cùng 1 chủ:
– Văn Cầm, Phú Nhuận: ngay ngã ba đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng) & Nguyễn Huỳnh Đức (Huỳnh Văn Bánh)
– Văn Cầm, Chợ Quán: Đường Trần Hưng Đạo, gần chợ Nancy.
– Văn Cầm, Thị Nghè: đường Pham Viết Chánh, Thị Nghè, gần trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây
Image
Rạp Văn Cầm xưa
Rạp Thuận Thành – ở đường Paul Bert (Trần Quang Khải), về sau bị phá đi để xây rạp chiếu bóng Văn Hoa, ở số 62 Trần Quang Khải, P.Tân Định, Quận 1, từng là nơi đóng quân của đoàn Phụng Hảo.
Khu vực Gò Vấp:
Rạp Lạc Xuân – (nay là Nhà sách Lạc Xuân) – đường Nguyễn Văn Nghi – Phường 7, Gò Vấp.
Rạp Đông NhìSau đổi là rạp 30/4, nay là trung tâm thời trang EVENNA & KAP’S (cùng chủ với Đại Đồng Gia Định ở đường Nơ Trang Long và Đại Đồng Sài Gòn ở đườn Cao Thắng, Bàn cờ, cũng là chủ rạp Đại Đồng Hà Nội di cư vào Nam). Rạp Đông Nhì là rạp bình dân.
Khu vực Phú Lâm:
Rạp Cây Gõ - 46 Minh Phụng, P.6, Quận 6, ở gần chợ Cây Gõ. Thời cực thịnh của cải lương, ở đây các đoàn hát về diễn liên tục.
Rạp Quốc Thái – 1557 Đường 3 Tháng 2, Phường 6, Quận 11
Khu vực Nhà Bè:
Rạp Tân Mỹ - nằm ở Nhà Bè gần Cầu Hàng ngày xưa, (không biết trước 1975 đoạn đường này tên gì, nhưng bây giờ có tên là Trần Xuân Soạn)
Một số đình cũng được các đòan cải lương và hát bội chọn làm nơi thường trực để biểu diễn:
Đầu đường Nguyễn Thái Học (ngã ba Phạm ngũ Lão) đỗ xuống tận Cầu Ông Lảnh là nơi tọa lạc 2 rạp: đình Tân Kiểng và Nam Tiến, dành cho những khán giả dể tính, sau này chỉ để cho các đoàn cải lương, hát bộ, hồ quảng
Ngoài ra còn có các đình Cầu Quan, đình Cầu Muối ( quận nhứt): nơi đóng đô của hai đoàn cải lương tuồng cổ nổi tiếng Minh Tơ và Huỳnh Long, đình Tân Kiểng( quận 5 ), đình Lý Nhơn( quận 4), đình Minh Phụng( Phú Lâm), đình Dọn Bàn, đình Tân An, đình Phước Thành ở Dakao, đình Phú Nhuận cũng có các gánh hát nhỏ ( hát bội hoặc các đoàn cải lương tỉnh) đến mướn đình để hát.
Tổng hợp từ Internet
Rạp hát ở TPHCM: “Thánh đường” chưa trọn

Thứ Hai, 24/2/2014 – 09:02 AM – BTV Nguyễn Thu
Rạp hát – “thánh đường” của nghệ thuật, là nơi để nghệ sĩ rèn nghề, phát huy tài năng, phục vụ khán giả, góp phần làm tươi đẹp đời sống văn hóa của nhiều thế hệ công chúng. Thế nhưng, đến nay hầu hết rạp hát, sân khấu đều xuống cấp trầm trọng, nhiều nơi còn bị chuyển đổi công năng, có nơi đã mất dấu.
Rạp hát ở TPHCM: “Thánh đường” chưa trọn
Phối cảnh Trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo
Thiếu rạp hát đúng chuẩn Gần 40 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, TPHCM được dựng xây, đổi mới, tiến bộ, hiện đại. Ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục… đều được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng với nhiều công trình khang trang, thể hiện bộ mặt, vị trí các ngành nghề trên đường phát triển.
Riêng với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, dù hoạt động của các loại hình nghệ thuật rất sôi động, đa dạng, phong phú, hiệu quả, góp phần không nhỏ làm tươi đẹp đời sống văn hóa tinh thần của người dân TP, nhưng đến nay, TPHCM vẫn chưa có được một nhà hát, rạp hát, sân khấu nào đúng chuẩn, đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất – điều kiện hoạt động và phát triển cho các loại hình nghệ thuật.
Trong khi đó, tại vùng đất Sài Gòn – TPHCM này, từng có một thời sân khấu cải lương rất được ưa chuộng. Thời gian ấy, không hiếm những rạp chiếu bóng còn được sửa lại thành rạp hát cải lương để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật này.
Đến nay, có những rạp hát còn nhưng ngưng hoạt động, nhiều rạp hát chuyển công năng phục vụ và cũng có không ít rạp hát đã mất hẳn dấu tích, như các rạp: Norodom (nay là Công ty Xổ số kiến thiết TP, số 23 Lê Duẩn, quận 1), Aristo (nay là khách sạn New World), Olympic (Trung tâm Văn hóa TPHCM), Quốc Thanh, Thanh Bình, Hưng Đạo, Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân, trụ sở Nhà hát Kịch TPHCM), Khải Hoàn, Thành Xương, Hào Huê (rạp Nhân Dân), Lux (sau đổi thành rạp Lao Động B, rồi trở thành vũ trường Monaco), Thủ Đô, Palikao ở Chợ Lớn, Huỳnh Long nằm trong chợ Bà Chiểu, Cao Đồng Hưng, Văn Cầm, Lạc Xuân, Cây Gõ…

( rạp Thủ Đô là điểm diễn tạm thời Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang biểu diễn)
Hiện nay, một số nhà hát, rạp hát đang hoạt động chỉ còn Nhà hát Thành phố (có từ trước năm 1975), nhà hát Hòa Bình, nhà hát Bến Thành (TTVH quận 1), rạp Đại Đồng (nay là sân khấu kịch Sài Gòn)… Bên cạnh đó, cũng có những rạp hát: Thủ Đô, Kim Châu, Long Phụng, Nhân Dân… đang xuống cấp trầm trọng.
Trong khi hiện nay, phần lớn các sân khấu kịch ở TPHCM được các ông, bà “bầu” thuê mướn lại mặt bằng của các TTVH quận, nhà thiếu nhi để biểu diễn, như: sân khấu kịch Hồng Vân (TTVH quận Phú Nhuận), sân khấu Sao Minh Béo (TTVH quận 11), sân khấu kịch Nụ Cười Mới (TTVH quận 10)… Chưa kể, có những sân khấu, cơ sở vật chất đã “già cỗi” sau nhiều năm đưa vào sử dụng, như: Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần nằm tuốt trên lầu 3, lại không có thang máy để phục vụ khán giả tiện bề đi lại.
Bên cạnh đó, còn có nỗi lo thấp thỏm đè nặng lên vai người làm nghệ thuật khi nay mai nếu địa điểm thuê mướn bị lấy lại, không cho thuê tiếp, chẳng biết sân khấu sẽ ở đâu như tâm trạng của “bà bầu” Ái Như – sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.
Rạp hát – động lực để phát triển
Trước thực trạng của rạp hát hiện nay, NSND Hồng Vân trăn trở: “Các sân khấu kịch đều phải thuê mướn điểm diễn, cơ sở vật chất đã quá cũ kỹ. Như TTVH quận Phú Nhuận, sau 15 năm sử dụng đã rệu rã, nhưng chưa được một lần đại tu vì không có kinh phí. Ngay với Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần (tiền thân là CLB Sân khấu thể nghiệm) – mái nhà chung của anh em nghệ sĩ, nơi đào tạo nhiều thế hệ diễn viên trẻ cho sân khấu TP, mô hình xã hội hóa hoạt động sân khấu tiêu biểu, cũng giậm chân tại chỗ.
Ở thời điểm này, phải leo lên tận 3 lầu, rồi leo lên các ghế ngồi cao để xem kịch, khán giả có chung thủy mấy cũng cảm thấy mỏi mệt. Cho nên, tôi nghĩ cấp thiết phải có kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà hát, rạp hát. Nếu làm được điều này thì 5 – 10 năm tới, TP mới có được những cơ sở vật chất hiện đại phục vụ văn hóa và cũng là một trong những giải pháp giúp nghệ thuật kịch nói được giữ gìn, phát triển, góp phần phục vụ dân trí TP.
Nghệ sĩ Phan Quốc Kiệt, rạp trưởng rạp Hưng Đạo, tạm thời tiếp nhận phụ trách rạp Thủ Đô, cho biết: “Chúng tôi đã nói rất nhiều về việc xuống cấp của rạp Thủ Đô. Rạp Thủ Đô có cách đây khoảng 70 năm, được sửa chữa duy nhất 1 lần, nay đã xuống cấp trầm trọng. Hiện giờ, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chỉ mượn tạm rạp hát này để sử dụng, trong khi chờ công trình xây dựng Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo hoàn thành. Vấn đề xây dựng và hoàn thành Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo, là mong muốn và khao khát của cả giới nghệ sĩ”.
Còn đạo diễn Huỳnh Mai, Phó giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, mong mỏi: “Hy vọng cuối năm 2014 hoặc trễ lắm là đến khoảng tháng 3, tháng 4-2015, Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo sẽ hoàn thành. Khi đó, nhà hát có thể bắt tay thực hiện các đề án về đào tạo, tổ chức biểu diễn. Những năm qua, vì không có được cơ sở vật chất hiện đại để hoạt động nghệ thuật ổn định nên chúng tôi không thể thực hiện bất cứ đề án nào”.
Suốt những năm qua, hàng loạt khó khăn và thách thức đối với những người làm nghệ thuật, không chỉ là việc dốc sức rèn nghề, nâng cao tay nghề, lo khán giả bị lôi cuốn đi bởi các loại hình giải trí hiện đại khác, chuyện kịch bản, đạo diễn, diễn viên… mà cơ sở vật chất cũng là vấn đề nan giải.
Với tình trạng thiếu hụt trầm trọng những sân khấu, rạp hát hiện đại để duy trì hoạt động, tôn vinh và phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật, nhất là đối với nghệ thuật truyền thống dân tộc, thiết nghĩ các cấp lãnh đạo TPHCM, các cơ quan ban ngành chức năng cần quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa để cùng tháo gỡ khó khăn.
                                                              ( Nhà hát lớn TPHCM )
Công trình xây dựng Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo do Sở VH-TT-DL TPHCM làm chủ đầu tư, tổng kinh phí là 132 tỷ đồng với thiết kế kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, gồm 5 tầng lầu và 1 tầng hầm. Đây là công trình dân dụng cấp 2 với cơ sở hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng được đầu tư hiện đại. Ngoài chức năng biểu diễn, công trình còn bố trí các sân khấu thể nghiệm, khu làm việc cho nhân viên nhà hát, khu đào tạo diễn viên, phòng truyền thống và khu vực sản xuất băng đĩa… Một khi Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo hoàn thành, nơi đây sẽ là địa điểm hoạt động và biểu diễn nghệ thuật lý tưởng không chỉ dành cho cải lương mà còn là điểm hẹn thưởng thức nghệ thuật hát bội và một số loại hình giải trí chất lượng khác dành cho khán giả.
Theo Thúy Bình – Báo SGGP

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire